Giới thiệu khái quát huyện Tủa Chùa

Giới thiệu khái quát huyện Tủa Chùa

Giới thiệu khái quát huyện Tủa Chùa

Tủa Chùa là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, là 1 trong những huyện nghèo của cả nước đang được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, trung tâm huyện cách thành phố Điện Biên Phủ 128 Km; phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp huyện Tuần Giáo, phía Tây giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên; phía Đông giáp huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Diện tích tự nhiên 68.526,45 ha, dân số năm 2015 là 51.492 người, với 7 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn, 143 thôn, bản tổ dân phố, trong đó: 11/12 xã là xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), 4 đơn vị hành chính cấp xã loại I (Mường Báng, Tủa Thàng, Sín Chải, Sính Phình), 7 đơn vị hành chính cấp xã loại II (Xá Nhè, Mường Đun, Huổi Só, Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng), 1 đơn vị hành chính cấp xã loại III (thị trấn Tủa Chùa).

– Địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, đất ruộng và đất bằng ít; hiện tượng KARST khá phổ biến.

– Thời tiết khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, trong mùa khô thường xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng hết tháng 8 thường có mưa đá, gió lốc lớn.

– Về thủy văn: Nguồn nước mặt hiếm lại bị cạn kiệt về mùa khô; lượng mưa trung bình hằng năm thấp, phân bố không đồng đếu, chủ yếu tập trung vào tháng 7 tháng 8.

1. Lịch sử văn hóa của huyện

Huyện Tủa Chùa thành lập ngày 18/10/1955 (theo Nghị định số 606/TTg, ngày 18/10/1955 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập châu Tủa Chùa  nay là Huyện Tủa Chùa) với diện tích tự nhiên là 49.120ha, gồm 8 xã với hơn 1 vạn người gồm 3 dân tộc anh em sinh sống. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và nhân dân trong Huyện lúc bấy giờ hết sức khó khăn, thiếu thốn: Phương thức sản xuất lạc hậu kém phát triển, chủ yếu trồng ngô mùa trên nương rẫy sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, nạn đói triền miên từ 3-6 tháng đồng bào phải ăn củ nâu, cây móc thay cơm, đồng bào ta phải dùng vỏ cây làm chiếu và chăn đắp qua đêm. Giao thông đi lại giữa huyện tới các xã chỉ là những con đường mòn  hiểm trở. Từ khi ra đời do những điều kiện lịch sử, trung tâm hành chính của huyện 2 lần phải di chuyển từ Tả Phìn về Sính Phình (năm 1966) và chuyển về Mường Báng (năm 1988) là địa điểm hiện nay.

Điều kiện xã hội: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Tủa Chùa và ý trí tự lực tự cường, sự cố gắng nỗ lực vươn lên của cán bộ nhân dân các dân tộc, huyện đã thu được nhiều thành tích rất đáng trân trọng đó là:

– Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 8%/ năm, nền kinh tế đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng: Nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, từ chỗ nhân dân sản xuất chỉ độc canh cây lúa, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến nay đã đưa giống mới có năng xuất cao, dùng phân bón, thâm canh tăng vụ tăng năng suất cây trồng.

– Thông qua các chương trình dự án, cùng với đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào đời sống đại đa số nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Tủa Chùa từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/năm, cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ, chấm dứt được nạn đói triền miên, số hộ giàu và khá ngày 1 tăng, tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt trên 90%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày một phát triển. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 8 xã có đường nhựa đảm bảo đi lại thuận tiện cả 2 mùa, góp phần giao lưu hàng hoá, ổn định sản xuất; trên 100% thôn bản đã có đường giao thông dân sinh đến trung tâm thôn bản giúp cho xe máy đi lại, 30% đường liên thôn bản được cứng hóa. 100% xã, thị trấn, 123/143 thôn, bản có điện lưới quốc gia, 6.753/9.850 hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, có điện thoại di động, internet; trên 80% số hộ được bảo đảm nước sinh hoạt thường xuyên. 100% số xã có trụ sở làm việc của xã nhà xây cấp 4, trong đó 9 xã, thị trấn có nhà kiên cố. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ giáo viên được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; đặc biệt đã huy động nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi, tỷ lệ phòng học xây dựng kiên cố trên 60%, còn lại là phòng học bán kiên cố. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường từ huyện đến các xã, có 3 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. đã đầu tư xây dựng 1 trung tâm y tế huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 12 trạm y tế xã.

– Trong những năm gần đây, nhân dân các xã phía Bắc đã khôi phục và phát triển được gần 9.000 cây chè shan cổ thụ và tiến hành trồng mới trên 300ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 557ha. Hàng năm nhân dân trong huyện còn tích cực sản xuất hàng hoá bán ra thị trường mỗi năm trên 1.500 tấn thịt gia súc, gia cầm, 2.000 tấn ngô; đậu tương 1.500 tấn, trên 10 tấn chè búp khô và các mặt hàng nông sản khác, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2015, ước đạt 260 tỷ đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng mới, khoanh nuôi tái sinh rừng được 9.928,5ha, trồng mới được 82,22 ha rừng nâng độ che phủ của rừng lên 35,6%.

– Công tác giáo dục đào tạo: Huyện khi mới thành lập chỉ có 3 giáo viên và 17 học sinh, đến nay toàn huyện có 46 trường, 681 lớp với 15.840 học sinh, trong đó: Mầm non: 15 trường, 198 lớp, 4.143 cháu, đạt 100% KH; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,8%. Tiểu học: 16 trường, 317 lớp, 7.053 học sinh đạt 100% KH; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98,9%. THCS: 11 trường, 121 lớp, 3.359 học sinh, đạt 97,1% KH; tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 88,4%. THPT: 3 trường, 40 lớp với 1.137 học sinh; Trung tâm GDTX:  5 lớp, 148 học viên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%, THPT đạt 98%, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung câp chiếm trên 35%. Tháng 6/2000 huyện được công nhận là Huyện đạt chuẩn Quốc gia về PCGDTH và XMC, tháng 12/2008 Huyện đã hoàn thành phổ cập THCS và hoàn thành phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 1 vào tháng 12/2009; hoàn thành phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào tháng 3/2015. Hiện nay đã có 9/46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường THPT, 4 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS.

– Sự nghiệp y tế có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình Y tế Quốc gia, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Trong những năm qua ngành y tế luôn chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Tính đến 31/12/2014, toàn huyện có 15 cơ sở y tế với tổng số 106 giường bệnh (36 giường bệnh tại các trạm y tế xã, thị trấn), 160 cán bộ y tế; tỷ lệ giường bệnh là 14 giường/1vạn dân; tỷ lệ bác sỹ/vạn dân là 7,1 bác sỹ/1vạn dân, 3 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, dân số toàn huyện là 51.306 người; toàn huyện có 9/12 trạm y tế xã có bác sỹ, đạt tỷ lệ 75%, 3 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

– Lúc mới thành lập Huyện chỉ có 1 chi bộ với 6 Đảng viên, và mấy chục cán bộ, thì đến nay đã có có 48 chi, đảng bộ trực thuộc  với 2.282 đảng viên, gần 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm trên 80%, đã và đang cùng nhau đoàn kết nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, cùng đồng bào các dân tộc xây dựng Tủa Chùa thành 1 huyện có nền kinh tế đang trên đà phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được quan tâm đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển Kinh tế – Xã hội ; An ninh – Quốc phòng của địa phương.

Phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc

Về tiếng nói, chữ viết: Đây là loại hình di sản được lưu giữ khá trọn vẹn có 8 di sản tiếng nói đó là tiếng Mông 4 ngành (Mông Lềnh, Mông Đu, Mông Đơ và Mông Sua) nhưng tiếng nói gần như sử dụng chung chỉ khác nhau về cách phát âm hay ngữ điệu thể hiện. Dân tộc Dao 2 ngành (Dao thêu và Dao quần chẹt) có 2 loại tiếng nói khác nhau. Dân tộc Thái có 2 ngành (Tay khao và Tay đăm) song vẫn dùng chung tiếng nói, chỉ khác một số ít từ địa phương. Các dân tộc khác như Hoa, Khơ Mú có tiếng nói riêng, còn với dân tộc Phù Lá thì khác.

Ở bản Kép thuộc xã Mường Đun nhóm người Phù Lá đến nay hầu như không biết tiếng mẹ đẻ ngoài những người già, còn là chuyển sang mượn tiếng Thái hay tiếng Mông để giao tiếp. Đến cả những tập tục sinh hoạt văn hoá đặc trưng cũng không còn rõ nét, mà hoặc pha trộn hoặc mất hẳn.

Nhóm di sản chữ viết có 3 dân tộc có chữ viết riêng là dân tộc Mông, dân tộc Thái và dân tộc Hoa. Còn các dân tộc khác hoặc dùng chung hoặc không có chữ viết, những di sản này hiện vẫn còn được lưu truyền sử dụng, có văn tự chứng minh song đang có dấu hiệu mai một dần.

Loại hình di sản Ngữ văn truyền miệng, tập trung ở nhóm văn cúng, lời khấn, lời hát giao duyên tỏ tình. Hiện trạng được bảo lưu khá nguyên vẹn, dưới nhiều dạng thức, đặc biệt ở dân tộc Dao. Nhưng nhóm truyện ngụ ngôn, truyện thơ, truyện cười, tục ngữ ngạn ngữ, câu đố, ca dao thì ít được lưu truyền dưới dạng văn tự, mà chủ yếu được truyền miệng qua các thế hệ người.

Loại hình Diễn xướng dân gian: Các di sản này là những nghi lễ, nghi thức cúng tế, làm lý, lễ tục và sinh hoạt tín ngưỡng. Quy mô tương đối lớn có các bước theo trình tự, phạm vi trong một họ, một bản có khi là một gia đình, hầu như dân tộc nào cũng có. Tuy nhiên cũng có những Diễn xướng đã bị mai một, thậm chí là mất hẳn, hoặc từng phần, từng bước bị pha tạp như Hạn khuống, Xên khửn xửa ở người Thái, Quá tăng, Lập tịch ở người Dao.

Nhóm di sản âm nhạc truyền thống tương đối phong phú, có nhiều làn điệu dân ca đặc trưng cho từng dân tộc được bảo lưu tốt như: Hát gọi bạn ở người Mông, Hát đón xuân về, hát mừng hoa ban nở ở người Thái. Đặc biệt là làn điệu hát giao duyên, hát đối đến nay vẫn được lưu truyền khá nguyên vẹn.

Nhạc cụ dân gian: Khèn, Sáo dọc, Sáo ngang, Đàn môi, Nhị của dân tộc Mông, Pí pặp, Pí đôi, Đàn tính của dân tộc Thái, Khèn đồng của người Hoa, Chuông của người Dao được bảo lưu và giữ gìn tốt, có nhiều nghệ nhân có khả năng trình diễn và truyền dạy giỏi.

Múa dân gian dân tộc ở người Mông, người Thái, người Khơ Mú còn khá nguyên vẹn, có chỉnh lý nâng cao, cả phần âm nhạc và vũ hình.

Trò chơi dân gian và thể thao truyền thống đã có dấu hiệu mai một như Tó má háp, Tó má lẹ ở người Thái, Tầu tí ở người Mông.

Loại hình lối sống, nếp sống chủ yếu là các luật tục và các chuẩn mực nghi lễ ứng xử trong gia đình, một vài luật tục còn nặng nề lạc hậu như Cưới, Tang rườm rà nhiều bước song đến nay đã được kết hợp với các chuẩn mực quy định mới tiến bộ dần.

Loại hình Lễ hội truyền thống – Lễ hội dân gian, thực ra loại hình di sản này của các dân tộc trên địa bàn Tủa Chùa không hoàn toàn rõ nét mà chỉ dừng lại ở cấp độ Diễn xướng trong đời sống tín ngưỡng, chỉ thể hiện các nghi lễ nghi thức là chính, tính chất hội ít sâu đậm, phân hội không rõ ràng, phạm vi ảnh hưởng hẹp.

Nghề thủ công truyền thống: Chủ yếu là rèn đúc nông cụ cầm tay, vật gia dụng giản đơn, mà đầu ra cho sản phẩm là tự tiêu dùng là chính. Cũng có những nghệ nhân làm nghề chạm khắc đồng, bạc làm đồ trang sức, dệt vải thổ cẩm nhỏ lẻ không hình thành Tổ nghề, Làng nghề. Lực lượng nghệ nhân, người am hiểu của loại hình di sản này khá phổ biến trong dân cư.

Tri thức văn hoá dân gian đặc trưng: Món ăn, đồ uống như: Gà nàng rế khúa, Máu của, Rúa lề, Rau câu khúa, Chếu pao cừ của người Mông; Nhắm pho, Nó pửng, Khẩu lam, Chẩm chéo của người Thái; Nắng sẳng mẻng, Alạp, Alẳm, Đu huấy, Blàu tiu của người Dao. Là những di sản còn lưu truyền gần như nguyên vẹn. Cách chế biến đơn giản, kết hợp nhiều loại gia vị là những cây thuốc quý hiếm trên rừng, được hoà quyện với những nét văn hoá về phong tục tập quán, rất riêng của từng dân tộc, làm cho nhóm di sản này được người dân trân trọng và gìn giữ phổ biến.

Nhóm di sản Y học dân gian liên quan đến sức khoẻ con người nổi bật hơn cả là các bài thuốc dân gian như: Chữa gẫy xương, Chữa thận, Chữa bỏng, Chữa phụ sản, Thuốc béo vv.. Hầu như bản nào cũng có một vài nghệ nhân am hiểu, biết lấy cây thuốc và chữa trị các bệnh nói trên

Ẩm thực dân gian; Trang phục truyền thống; Trang sức và Kiến trúc thì vô cùng phong phú và đa dạng, có thể nói mỗi người phụ nữ dân tộc ở Tủa Chùa là một nghệ nhân, chính họ đã và đang tham gia gìn giữ và lưu truyền các di sản phi vật thể trong nhân dân được tiếp nối qua từng thế hệ người.
2. Tiềm năng thế mạnh của huyện

Tủa Chùa là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, cách trung tâm tỉnh 126 km có 11 xã và 1 thị trấn với nhiều dân tộc cùng sinh sống đặc biệt là dân tộc Mông là nơi tập trung người Mông đông nhất của tỉnh. Với bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc lâu đời các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên những dấu ấn riêng để phát triển tiềm năng kinh tế du lịch. Với dòng sông Đà chảy qua một đầu có thể tạo thành du lịch đường thủy nối giữa Mường Lay và Tủa Chùa, một đầu sang khu vực Pa Uôn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nối liền với lòng hồ thủy điện Sơn La. Hoạt động du lịch sinh thái giữa rừng thông Trung Thu gắn với với các hang động Khó Chua La, hang động Xá Nhè xã Xá Nhè là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; Thành Vàng Lồng, bãi đá cổ Tả Phình. Đây là những yếu tố góp phần phát triển văn hóa du lịch trải nghiệm cộng đồng.

Ngoài ra huyện Tủa Chùa có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản tiêu biểu là đặc sản gà xương đen, dê Tủa Chùa.

Các làng nghề truyền thống : Dệt thổ cẩm xã Sính Phình, thủ công mỹ nghệ xã Mường Báng, Xá Nhè.

Các chợ phiên xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng, chợ không chỉ mua bán, trao đổi những sản vật, mà còn là nơi để gặp bạn, tâm tình. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm của địa phương, mật ong rừng là thứ quà không thể thiếu để mua biếu người thân, bạn bè.Tất cả tạo nên nét đẹp riêng biệt của người dân vùng cao Tủa Chùa.

Đặc biệt là thế mạnh trồng và chế biến chè Shan tuyết ở độ cao hàng chục mét, rừng chè cổ thụ có tới gần 4.000 cây, đường kính lớn, có những cây hai người ôm không xuể tập trung nhiều ở Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Được tích tụ từ sương núi, chè ở đây rất được nước, uống có vị ngọt hậu, đặc biệt không bị can thiệp bởi bất cứ hoá chất hay cách làm chè công nghiệp thường thấy ngày nay.

Tủa Chùa được biết đến với rượu Mông pê có màu vàng như mật ong, có hương vị đặc trưng của ngô được trồng trên đá hòa trộn với mùi hương của cây lá, núi rừng. Để có được thứ rượu thơm ngon này là cả một quy trình công phu, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, ngô, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền được nấu từ những hạt ngô nếp đầu mùa, hạt đều tăm tắp tạo nên một hương vị đặc biệt.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây