Giới thiệu khái quát thành phố Điện Biên Phủ

Giới thiệu khái quát thành phố Điện Biên Phủ - Tỉnh Điện Biên - vansudia.net

1. Lịch sử hình thành :

Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Xứ Trời”. Đây là “đất tổ” của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á.

Khi Lạng Chạng đưa một bộ phận người Thái Đen từ Mường Lò (Nghĩa Lộ ngày nay) đến Mường Thanh thì vùng đất này còn gọi là Song Thanh vì có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hét ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hẹt đến cuối sông Nậm Rốm. Tại đây có Viềng Xam Mứn (thành Tam Vạn) cổ kính của người Thái. Các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm: Mường Phăng, Mường Nha, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lói nay thuộc huyện Điện Biên; Mường U nay thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào; Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc tỉnh Sơn La.

Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính. Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh; năm 1754 giải phóng đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại.

Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu.

Vào thế kỷ thứ 19 dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp;Phủ Điện Biên trở thành trung tâm điều hành,hành chính phía của khu vực phía Nam tỉnh Lai châu. Năm 1954 thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Na Va đã đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với ý đồ xây dựng căn cứ chiến lược về quân sự,khống chế và thôn tính Đông Dương và phía Nam Trung Quốc, phía bắc Lào.

Trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Christian de Castries chỉ huy) diễn ra ác liệt. . Trận Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây. Trong trận này, Lực lượng Việt Minh đã di chuyển pháo binh lên những quả đồi xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến công vào sườn của quân đội Pháp. Bằng cách huy động sức người một cách tối đa và với lực lượng hậu cần đông đảo của mình, Việt Minh đã làm nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 1958, một nông trường quân đội được xây dựng ở đây, kéo theo di dân từ đồng bằng Bắc bộ, biến Điện Biên là một thị trấn nông trường, sau được nâng cấp thành thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên thuộc tỉnh Lai Châu. Từ ngày 18 tháng 4 năm 1992 Điện Biên Phủ trở thành thị xã tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu.

Thị xã Điện Biên Phủ ( Nay là thành phố Điện Biên Phủ ) được thành lập ngày 18 tháng 4 năm 1992 theo quyết định số 130/HĐ-BT của Hội đồng Bộ trưởng ( Nay là Chính Phủ). Đến ngày 26/9/2003 thị xã Điện Biên Phủ sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển được nâng cấp thành Thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) theo Nghị định 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Thành lập thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Điện Biên với tổng diện tích tự nhiên 6.427,1 ha, hiện tại chia thành 8 đơn vị hành chính cơ sở (7 phường, 1 xã) với 158 tổ dân phố, bản, dân số trên 70.000 người (kể cả lực lượng vũ trang và dân số quy đổi), gồm 14 dân tộc anh em.

Thanh Pho Dien Bien Phu min - Giới thiệu khái quát thành phố Điện Biên Phủ

2. Vị trí địa lý :
 
Thành phố Điện Biên Phủ nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đất đai màu mỡ với bề mặt bằng phẳng tạo nên cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc với chiều dài 20 km và chiều rộng 6 km, bao bọc xung quanh là một vùng núi rừng trùng điệp hùng vĩ. Thành phố Điện Biên Phủ nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 21021’ đến 21028’ vĩ độ Bắc và từ 102059’ đến 103005’ kinh độ Đông, địa giới tiếp giáp với huyện Điện Biên.

– Phía Đông giáp xã Mường Phăng huyện Điện Biên.
– Phía Tây giáp xã Thanh Nưa và xã Thanh Luông, Thanh Hưng, huyện Điện Biên.
– Phía Nam giáp xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, xã Pú Nhi huyện Điện Biên Đông.
– Phía Bắc giáp xã Thanh Nưa, xã Nà tấu huyện Điện Biên.

Thành phố Điện Biên Phủ nằm trên trục đường giao thông quan trọng Quốc lộ 279 và quốc lội 6 đi Tuần Giáo – Hà Nội và qua Lào, cách cửa khẩu Tây Trang 35 Km, Quốc Lộ 12 lên các huyện phía Bắc và các cửa khẩu ,A Pa chải,Pa Nậm Cúm (Trung Quốc ), đi Sa Pa, Lào Cai; Có Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ liền kề với Thành phố Điện Biên Phủ là đường hàng không quan trọng đang có triển vọng phát triển mạnh cả trong nước và Quốc Tế.

3. Điều kiện khí hậu :

Thành phố Điện Biên Phủ có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao chia thành 2 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 – 230C, lượng mưa hàng năm tương đối cao, trung bình từ 1.700 – 2.500mm nhưng phân bố không đều trong năm. Mưa lớn thường tập trung vào các tháng 6, 7, 8 và chiếm tới 80% lượng mưa cả năm. Các tháng khô hạn bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau và chỉ chiếm khoảng 20% lượng mưa hàng năm. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm từ 80 – 85%. Số giờ nắng hàng năm bình quân từ 1.580 – 1.800 giờ.

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây