Giới thiệu khái quát thành phố Sông Công
Thành phố Sông Công nằm ở vùng trung du Bắc bộ, tiếp giáp giữa vùng rừng núi và đồng bằng bắc bộ, có nhiều đường giao thông thủy bộ ngang dọc, có Quốc lộ 3, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và tuyến đường sắt Hà Nội – Quan Triều chạy qua. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, ngày 15/5/2015 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Sông Công trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Sông Công là thành phố công nghiệp, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa – xã hội phía Nam của tỉnh Thái Nguyên; là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Với vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, Sông Công có các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua nối với Thủ đô Hà Nội ở phía Nam và thành phố Thái Nguyên ở phía Bắc, là điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh giao thương với các vùng kinh tế Bắc Thủ đô Hà Nội, phía Nam vùng Trung du miền núi phía Bắc mà Trung tâm là thành phố Thái Nguyên và các vùng kinh tế Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang. Với lợi thế đặc biệt, Sông Công từ lâu đã được xác định là trung tâm công nghiệp lớn và là đô thị bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Trải qua gần 30 năm xây dựng phát triển với quá trình xây dựng và hoàn thiện đơn vị hành chính trực thuộc, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố Sông Công đã khắc phục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn lực, nhất là nội lực để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng phát triển đô thị Sông Công. Ngày 18/10/2010 Bộ Xây dựng ra Quyết định số 925/QĐ-BXD công nhận thị xã Sông Công là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh, ngày 15/5/2015 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH13 về thành lập thành phố Sông Công trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Để phấn đấu trở thành khu vực trọng điểm trong phát triển công nghiệp của tỉnh, Sông Công đã tập trung và huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, xây mới và nâng cấp hệ thống giao thông đô thị. Đặc biệt là thành phố đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các Khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính các xã, phường, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải dọc các tuyến nội thị, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp. Huy động mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay các dự án đầu tư phát triển đô thị luôn bám sát đồ án Quy hoạch chung thành phố đến 2020, theo đó các khu chức năng cũ tập trung ở các phường nội thị được cải tạo, chỉnh trang; hệ thống chiếu sáng, nước sạch được nâng cấp, dọc các tuyến đường phố được trồng cây xanh, tôn tạo vỉa hè. Những nhà máy xí nghiệp cũ gây ô nhiễm, khu nghĩa trang, bãi chôn rác thải… đã được di dời ra khỏi khu vực trung tâm để đảm bảo cảnh quan và cải thiện vệ sinh, môi trường. Đồng thời, thành phố còn tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư tập trung theo hướng hiện đại; triển khai thực hiện các chương trình: Phát triển dân số và việc làm, hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, hoàn chỉnh quy hoạch đô thị và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân cùng tham gia phát triển đô thị, giảm thiểu các nhu cầu kinh phí từ nguồn vốn ngân sách.
Những năm gần đây kinh tế của thành phố phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt khá, mức tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội đã và đang từng bước hoàn chỉnh, cải tạo và nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,7%; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2016 đạt 5.703 tỷ đồng (tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2015); giá trị sản xuất ngành Nông lâm nghiệp thủy sản đạt 640 tỷ đồng (tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2015); giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 103,6 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 18%; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được duy trì và đạt hiệu quả, công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Hiện trạng phát triển của thành phố đã tạo bước quan trọng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn thành lập thành phố Sông Công.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố đã triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Định hướng xây dựng thành phố Sông Công đến năm 2020, thành phố đã xác định để đầu tư cho cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ nằm trong trục phát triển công nghiệp và đô thị phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. Trong chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, thành phố Sông Công nằm trong danh mục đô thị được nâng cấp lên đô thị loại II. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thái Nguyên, định hướng phát triển đến năm 2020 đã khẳng định hệ thống đô thị Thái Nguyên phát triển theo hướng lấy công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng và hệ thống đô thị hiện tại làm hạt nhân, trong đó Sông Công là 01 trong 04 đô thị trung tâm cấp tỉnh.
Lịch sử, truyền thống văn hóa thành phố Sông Công
Nhân dân các dân tộc thành phố Sông Công tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của mình. Trong các cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của phong kiến phương Bắc trước đây, đều có sự tham gia tích cực của nhân dân trong vùng.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, lợi dụng sự suy yếu của xã hội phong kiến Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngày 19/3/1884, quân Pháp từ Bắc Ninh tiến sang đánh chiếm tỉnh thành Thái Nguyên và đến tháng 5/1884, ách thống trị thực dân chính thức đè lên đầu nhân dân trong vùng. Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên vùng đất Thái Nguyên, nhân dân Bá Xuyên, Tân Quang và Cải Đan tập hợp xung quanh các thủ lĩnh địa phương, tiến hành nhiều trận tập kích, phục kích những toán quân địch đi lùng sục, càn quét.
Năm 1886, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế lan sang vùng Thái Nguyên. Cùng với các địa phương, nhân dân Ba xã không những giúp đỡ lương thực, thực phẩm, vũ khí cho nghĩa quân, mà còn hăng hái sung vào đội quân khởi nghĩa. Chính thực dân Pháp phải thú nhận: “Toàn bộ vùng nam Thái Nguyên… đều quy thuộc Đề Thám và có thái độ chống đối rõ rệt các nhà cầm quyền Pháp và bản xứ.”
Ngày 30/8/1917, anh em binh lính người Việt trong trại lính khố xanh ở tỉnh lỵ Thái Nguyên, dưới sự chỉ huy của Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến, phối hợp cùng nhân dân địa phương nổi dậy khởi nghĩa. Nhân dân các vùng xung quanh, nhất là ở nam tỉnh lỵ Thái Nguyên, trong đó có nhân dân Ba xã tích cực ủng hộ nghĩa quân, tham gia lập phòng tuyến chặn đánh quân Pháp từ Hà Nội kéo lên.
Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và nước Pháp tham gia chiến tranh (9/1939), thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi. Cùng với hệ thống nhà tù, chúng lập căng (camp: trại) ở nhiều nơi; trong đó có Căng Chợ Chu, Căng Phấn Mễ, Căng Bá Vân đều ở Thái Nguyên. Căng Bá Vân được xây dựng năm 1942, nằm ở trung tâm xã Bình Sơn. Tại đây, thực dân Pháp giam giữ gần 200 tù chính trị, phần lớn là các chiến sĩ cộng sản bị chúng đưa từ nhà tù Sơn La và Bắc Mê về. Phẩm chất, tư cách của các chiến sĩ cộng sản cùng với những hoạt động tuyên truyền và đấu tranh ở trong căng đã có ảnh hưởng lớn, gây được nhiều cảm tình với nhân dân quanh vùng.
Được sự chỉ đạo của Chi bộ căng và các cán bộ Xứ uỷ Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở địa phương phát triển mạnh. Đầu năm 1943, nông dân tá điền các xã Lợi Xá, Cải Đan, Bá Xuyên đấu tranh chống tên địa chủ đồn điền Sơn Cốt. Cuối năm 1944, nhân dân trong vùng tổ chức đấu tranh chống đi phu, chống su, thuế, chống nộp hạt thầu dầu. Một sự kiện quan trọng đã diễn ra tại Căng Bá Vân: ngày 21/8/1944, chi bộ trong Căng đã tổ chức cho 8 đảng viên vượt ngục thành công, toả đi bổ sung cho phong trào cách mạng đang sục sôi. Các đồng chí vượt ngục Bá Vân ngày ấy, sau này đều trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, có nhiều cống hiến to lớn trong các thời kỳ cách mạng của đất nước. Nhờ có sự tăng cường cán bộ lãnh đạo, các tổ chức cách mạng ở vùng Bá Xuyên, Tân Quang và Cải Đan được củng cố và hoạt động mạnh mẽ. Riêng xã Tân Quang, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 5 đội tự vệ ở 5 xóm, gồm 40 chiến sĩ. Các tổ chức Cứu quốc cũng phát triển nhanh trong các tầng lớp, các giới. Bá Xuyên là nơi mở các lớp huấn luyện quân sự, chính trị, các cuộc hội nghị quan trọng. Chùa Bá Xuyên là địa điểm liên lạc và cũng là nơi tiếp nhận tài liệu, sách báo của Xứ uỷ để từ đây chuyển đi nơi khác.
Từ cuối tháng 5/1945, Ban Chấp hành Việt Minh các xã Bá Xuyên, Tân Quang và Bình Sơn phát động quần chúng nổi dậy xoá bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng. Trong những ngày đầu sau khi giành được chính quyền, mặc dù đời sống còn rất thấp kém, nhưng nhân dân Ba Xã rất nhiệt tình tham gia Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động. Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy rời Hà Nội chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương… được chọn làm An toàn khu (ATK) của Trung ương. Các xã Bá Xuyên, Tân Quang, Cải Đan và một số nơi trong khu vực trở thành cửa ngõ phía nam ATK. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương và góp phần bảo vệ cửa ngõ ATK Trung ương, quân và dân Bá Xuyên, Tân Quang, Cải Đan còn tích cực tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến.
Các phong trào thi đua mua công trái quốc gia, lập hũ gạo nuôi quân, chăm sóc thương binh, bệnh binh, đỡ đầu các đơn vị bộ đội… được đông đảo bà con các dân tộc hởng ứng sôi nổi. Nhân dân trong vùng còn tích cực giúp đỡ Viện Quân y 108 về điều kiện vật chất trong những năm đóng tại địa phương (1946 – 1948). Không những thế, hằng năm, ba xã đều huy động các đợt dân công phục vụ tiền tuyến, vận động thanh niên xung phong tòng quân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 400 con em đồng bào các dân tộc đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu; trong đó có gần 40 ngời con u tú đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường.
Sau khi hoà bình lập lại (1954), thực hiện chủ trương của Đảng, nhân dân Bá Xuyên, Tân Quang và Cải Đan tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế; trên cơ sở đó, tiến hành cải tạo XHCN và xây dựng CNXH.
Trong những năm có chiến tranh phá hoại ác liệt trên địa bàn tỉnh (15/9/1965 – 31/3/1968 và từ 24/5 đến 30/12/1972), nhân dân Ba Xã đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa giữ vững sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước, làm tròn vai trò hậu phương, bảo đảm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trên 1.000 con em đồng bào các dân tộc Bá Xuyên, Tân Quang, Cải Đan lên đường đánh Mĩ.
Các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho tập thể và cá nhân của thành phố Sông Công:
Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng cho Cán bộ và nhân dân thành phố Sông Công Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
Danh hiệu Anh hùng LLVTND:
– Nhân dân và LLVT xã Bình Sơn
– Thượng uý, Liệt sỹ Công an nhân dânDương Như Thực.
Danh hiệu Vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”:
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hoành,
Mẹ VNAH Cao Thị Hợi,
Mẹ VNAH Lê Thị Tường.
Danh hiệu Vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 2014 phong tặng cho:
1. Mẹ VNAH Đỗ Thị Tẹo, Phường Cải Đan
2. Mẹ VNAH Dương Thị Năng, Xã Vinh Sơn
3. Mẹ VNAH Dương Thị Thơm, Phường Thắng Lợi
4. Mẹ VNAH Phạm Thị Nhì, Xã Bình Sơn
5. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lẩm, Phường Mỏ Chè
6. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhẫn, Phường Lương Sơn
Danh hiệu Vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 2014 truy tặng cho:
6. Mẹ VNAH Trần Thị Hành, Xã Vinh Sơn
7. Mẹ VNAH Lưu Thị Giản, Phường Cải Đan
8. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bẩy, Phường Cải Đan
9. Mẹ VNAH Đào Thị Sòa, Phường Cải Đan
10. Mẹ VNAH Hoàng Thị Khuy, Phường Cải Đan
11. Mẹ VNAH Hoàng Thị Khải, Phường Thắng Lợi
12. Mẹ VNAH Dương Thị Tình, Phường Bách Quang
13. Mẹ VNAH Trần Thị Sàng, Xã Tân Quang
14. Mẹ VNAH Dương Thị Thể, Xã Tân Quang
15. Mẹ VNAH Phạm Thị Trình, Xã Tân Quang
16. Mẹ VNAH Dương Thị Cầm, Xã Tân Quang
17. Mẹ VNAH Dương Thị Tân, Xã Tân Quang
18. Mẹ VNAH Trần Thị Lân, Xã Bình Sơn
19. Mẹ VNAH Phạm Thị Dậu, Xã Bình Sơn
20. Mẹ VNAH Chu Thị Lễ, Xã Bình Sơn
Trong vòng 10 năm (từ giữa thập kỷ 70 đến giữa thập kỷ 80 – thế kỷ XX), tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế xã hội ở địa phương có nhiều chuyển biến. Đáng chú ý là sự hình thành một khu công nghiệp lớn, các nhà máy (nay là công ty): Y cụ số 2, Phụ tùng ô tô và nhà máy Diezel lần lượt ra đời. Mật độ dân cư ngày càng tăng lên, các cửa hàng dịch vụ mỗi ngày một nhiều do nhu cầu dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp ngày càng đòi hỏi lớn hơn, vượt khỏi tầm của một thị trấn. Đây là một trong những điều kiện, cơ sở của việc thành lập thành phố Sông Công.
Trụ sở cơ quan Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố
Ngày 11/4/1985 theo đề nghị của tỉnh Bắc Thái, Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Chính Phủ) ra Quyết định số 113 QĐ/HĐBT thành lập thành phố Sông Công trên cơ sở thị trấn Mỏ Chè, xã Cải Đan của huyện Phổ Yên; xã Tân Quang và xã Bá Xuyên của huyện Đồng Hỷ. Khi thành lập thành phố Sông Công có 6 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 3 phường (Mỏ Chè, Lương Châu, Thắng Lợi) và 3 xã (Cải Đan, Tân Quang, Bá Xuyên). Sự ra đời của thành phố Sông Công, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phục vụ một khu công nghiệp cơ khí tập trung của cả nước trên con đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố Sông Công là trung tâm kinh tế – văn hóa ở khu vực phía Tây Nam của tỉnh.
Năm 1999, Sông Công thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 10/4/1999 của Chính phủ, trong đó thành lập phường Phố Cò, phường Cải Đan và xã Vinh Sơn; đồng thời chuyển giao xã Bình Sơn thuộc huyện Phổ Yên về thành phố Sông Công quản lý, khi đó Sông Công có 5 phường (Thắng Lợi, Mỏ Chè, Lương Châu, Cải Đan, Phố Cò) và 4 xã (Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang, Vinh Sơn).
Năm 2011, Sông Công thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính xã Tân Quang để thành lập phường Bách Quang theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 13/01/2011 của Chính phủ, sau khi thành lập phường Bách Quang, thành phố Sông Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6 phường (Thắng Lợi, Mỏ Chè, Lương Châu, Cải Đan, Phố Cò, Bách Quang) và 4 xã (Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang, Vinh Sơn).
Năm 2015, Thực hiện Nghị quyết số 932/NQ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên đê thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành lập thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đến thời điểm đó thành phố Sông Công chính thức có 11 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 phường (Thắng Lợi, Mỏ Chè, Lương Châu, Cải Đan, Phố Cò, Bách Quang, Lương Sơn) và 4 xã (Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang, Vinh Sơn).
Thông tin Di tích danh thắng của Thành phố Sông Công
Bên cạnh dòng Sông Công còn có Núi Tảo, với những cánh rừng, sông, núi , hồ và những dãy đồi bát úp khoác trên mình màu xanh thiên nhiên xen kẽ với dòng chảy Sông Công. Nơi đây sẽ mọc lên các khu vui chơi giải trí, khu quần vợt- sân gôn, trường đua ngựa và khu tham quan, nghỉ dưỡng…
Những cảnh quan thiên nhiên giàu đẹp, ấn tượng của Sông Công sẽ kết hợp với khu du lịch hồ Núi Cốc và hệ thống hang động thiên nhiên, các khu di tích lịch sử văn hoá cùng các danh lam thắng cảnh của tỉnh sẽ hấp dẫn du khách. Trong những năm tới Sông Công sẽ là điểm đến trong tour du lịch “Về Cội nguồn Kháng chiến” của Thái Nguyên.
Với các lợi thế để thành phố phát triển thành Đô Thị công nghiệp ở phía nam tỉnh Thái Nguyên, Sông Công còn có nhiều tiềm ẩn là vùng Du lịch tiềm năng; Bởi, tự nhiên nơi đây đã hình thành dòng Sông Công với chiều dài trên 9 km theo hướng Tây Bắc – Đông nam như đã chia thành phố thành 2 vùng Đông – Tây; Phía đông với khu Công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp vừa và nhỏ; Phía tây là những vùng đồi bát úp với những cánh rừng và hồ nước tự nhiên xanh mát bốn mùa. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây giàu đẹp chứa nhiều tiềm ẩn về cảnh quan du lịch phát triển theo hướng hiện đại.
Dọc bờ Sông Công về phía đông là vùng đất tương đối bằng phẳng, nơi đây có ngọn Núi Tam Đảo cao gần 50 mét so với mặt sông, được quy hoạch khu công viên cây xanh theo dọc bờ Sông Công. Hữu ngạn dòng Sông Công tươi mát hiền hoà là 2 xã Bình Sơn và Vinh Sơn với diện tích 3.697 ha, đây là vùng đất thoải thuộc sườn đông dãy Tam Đảo hùng vĩ nối liền với hàng trăm quả đồi bát úp khoác trên mình màu xanh của rừng cây, đồi chè và các thung lũng tự nhiên đã tạo lên những lòng hồ quanh năm có nước trong xanh.
Đi dọc đường Cách mạng tháng 10, qua cầu treo Sông Công tới Vinh Sơn, đây là xã nằm ở phía tây nam thành phố và liền kề phía Nam xã Bình Sơn. Vinh Sơn có cảnh quan thiên nhiên khá độc đáo, có Hồ Núc Nác với diện tích mặt nước 15 ha, có cánh rừng tái sinh và những đồi chè xanh ngát nối tiếp nhau nhấp nhô như làn sóng. Qua Vinh Sơn tới xã Bình Sơn, vùng đất nơi đây bốn mùa xanh mát được điều hoà bởi Hồ Ghềnh Chè ở phía tây của xã, hồ có diện tích mặt nớc 90 ha, với chiều dài 13 km, chiều rộng 7 km và độ sâu 15 m và được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh và tái sinh đang ở độ phát triển.
Bình Sơn đã nổi tiếng với khu di tích lịch sử Căng Bá Vân, đây là 1 trong những khu di tích lịch sử được Bộ Văn hoá công nhận và được nhà nước công nhận là xã Anh Hùng trong thời kỳ kháng chiến. Để xây dựng, phát triển miềm tây của thành phố và khai thác tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng du lịch sinh thái. Thành phố đã xây dựng cầu cứng nối liền trung tâm thành phố với 2 xã; Con đường chạy dọc theo dòng sông Công nối liền xã Vinh Sơn & Bình Sơn đang đầu tư nâng cấp.
Sông Công rất thuận lợi trong việc giao thương với các vùng kinh tế tây bắc của huyện Phổ Yên, phía nam huyện Đại Từ và các vùng kinh tế Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Các lợi thế này nếu được khai thác sẽ tạo cho ngành Thương mại- Du lịch của thành phố Sông Công có những bước phát triển nhanh và bền vững và sẽ là điểm đến trong tour du lịch của Thái Nguyên.
Để khai thác, phát triển tiềm năng về du lịch của thành phố. Thị uỷ, HĐND, UBND thành phố đã có chủ trương, chính sách và các giải pháp tích cực để thu hút mở rộng vốn đầu tư phát triển KT-XH và thương mại – du lịch tại địa phương. Bằng sự cố gắng nỗ lực của thành phố và sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công Thương Thái Nguyên. Đặc biệt là sự quan tâm của ngành Du lịch Việt Nam. Chắc chắn thành phố Sông Công sẽ có những bước phát triển mới về Thương mại – Du lịch trong thời gian tới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong tour du lịch “về nguồn”, về “Thủ Đô kháng chiến, Thủ Đô gió ngàn” của du khách trong và ngoài nước đến với Sông Công, Thái Nguyên.
Nhằm bảo tồn và tôn vinh giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhà bia Di tích Căng Bá Vân đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 13/3/2006 tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công. Ngược dòng lịch sử, tháng 6/1940, thực dân Pháp xây dựng trại giam (thường gọi là Căn) để giam giữ những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng bị chúng bắt trong những ngày đấu tranh cách mạng. Trại giam được thực dân Pháp duy trì đến tháng 10/1944. Trong thời gian này thực dân Pháp đã đưa về giam giữ 200 tù nhân, hầu hết là những chiến sỹ cách mạng, những người yêu nước là con em của nhiều miền quê khác nhau.
Xuất phát từ lòng yêu quê hương, đất nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc, tại Căng Bá Vân cuộc đấu tranh của anh em tù nhân diễn ra ngày càng quyết liệt với nhiều hình thức; đặc biệt là hình thức tuyệt thực kéo dài 8 ngày để chống lại sự giam cầm hà khắc và những chính sách, thủ đoạn tàn ác của thực dân Pháp. Mặc dù sống trong trong cảnh giam cầm với muôn vàn khó khăn, khổ cực, song những chiến sỹ cách mạng vẫn một lòng tin theo Đảng, tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, chi bộ ĐCS Căng Bá Vân đã được thành lập và từng bước trưởng thành, liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ để tiếp tục hoạt động, thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, cao cả chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Ngày 21/8/1944, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, 8 đảng viên của Chi bộ Căng Bá Vân đã vượt ngục an toàn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc. Nhiều chiến sỹ cách mạng từng bị giam cầm ở Căng Bá Vân đã trưởng thành và được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng như đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Thường vụ TW Đảng, đồng chí Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ Thông tin – Tuyên truyền, đồng chí Hà Kế Tấn – Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, đồng chí Hoàng Đức Viên (tức Hoàng Bắc Dũng) – Chủ tịch Khu tự trị Việt Bắc, đồng chí Vũ Ngọc Linh – uỷ viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái, đồng chí Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Tháng 12/1994, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra Quyết định công nhận di tích lịch sử Căng Bá Vân là di tích cấp quốc gia. Đây mãi mãi là niềm vinh dự và tự hào không chỉ cho riêng những người dân xã Bình Sơn mà của thành phố Sông Công, của tỉnh và cả nước.