Giới thiệu khái quát huyện Quan Sơn

huyện Quan Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu khái quát huyện Quan Sơn

1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ.

Quan Sơn là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa.

Có vị trí địa lý: 

– Từ 21o06’15”-20o24’30” vĩ độ Bắc

– Từ 104o15’30”-105o08’25” kinh độ Đông.

Có ranh giới hành chính như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Quan Hóa.

– Phía Tây và Nam giáp nước CHDCND Lào.

– Phía Đông giáp huyện: Lang Chánh, Bá Thước.

Tổng diện tích tự nhiên 93.017,03ha, dân số trung bình năm 2016 là 37.343 người, mật độ dân số trung bình 40 người/km2, trên địa bàn huyện có 13 đơn vị hành chính, gồm 12 xã và thị trấn Quan Sơn. Trung tâm huyện lỵ đóng tại Km 142 Quốc Lộ 217 (thị trấn huyện Quan Sơn). 

Huyện có vị trí địa lý chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa; có hai con sông là sông Luồng, sông Lò cùng chảy qua địa bàn huyện và hòa vào dòng sông Mã, có ý nghĩa rất lớn về phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy dự trữ nguồn nước, giảm tác động thiên tai và bảo vệ môi trường, tạo cân bằng hệ sinh thái đối với cả tỉnh.  

Trên địa bàn huyện có tuyến giao thông đường bộ Quốc lộ 217 chạy qua, là tuyến đường kết nối đường 1A, đường Hồ Chí Minh với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và đường tiểu ngạch Tam Thanh – Sầm Tớ là điều kiện thuận lợi về giao lưu kinh tế và hợp tác phát triển.

1.1. Địa hình, địa mạo.

Là huyện vùng cao, địa hình hiểm trở, diện tích bề mặt bị chia cắt mạnh bởi sông Luồng và sông Lò, có các dãy núi cao kéo dài thành dải theo hướng Tây Bắc  – Đông Nam như: đỉnh Pù Mằn – Sơn Hà cao 1247m; đỉnh Pa Panh – Sơn Điện, Sơn Lư cao 1146-1346m; Hướng núi thấp dần từ Tây sang Đông, có trên 91% diện tích là đồi núi, với các cấp độ dốc như sau:

– Đất có độ dốc cấp I (< 3o): 4,48ha; chiếm gần 0,005% diện tích tự nhiên. 

– Có độ dốc cấp II (4-8o): 214,86 ha; chiếm 0,23%.

– Có Độ dốc cấp III (9-15o): 2.285,21 ha; chiếm 2,46%.

– Có độ dốc cấp IV, V,VI(> 15o): 90.512,48 ha; chiếm 97,31%. 

1.2. Khí hậu thời tiết. 

Huyện Quan Sơn thuộc vùng khí hậu núi cao phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa.

Nhiệt độ không khí trung bình năm 23oC, nhiệt độ không khí tối cao tuyệt đối 39- 40oC vào tháng 5, tháng 7; tối thấp tuyệt đối 2,6oC vào tháng 12, tháng 1. Tổng nhiệt độ năm 8000-8400oC.

Lượng mưa trung bình năm trên 1900 mm, mùa mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10 (lượng mưa trên 100 mm). Tháng có lượng mưa <100 mm là tháng 12 và từ tháng 1 đến tháng 4 năm sau.

Số ngày mưa 194 ngày/năm, tháng có số ngày mưa nhiều nhất là tháng 6;7; 8. 

Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm 87%, thấp nhất 84% vào tháng 5, cao nhất 88% vào tháng 8, tháng 9. Tổng số giờ nắng trong năm trung bình là 1.684 giờ.

Lượng bốc hơi trung bình năm 628,9 mm/năm, cao nhất vào tháng 7 là 78 mm, thấp nhất vào tháng 1 là 40,3 mm. 

Bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng từ tháng 7 đến tháng 10, trung bình 2 cơn/năm, thường mang theo mưa lớn gây lũ lụt. 

Gió Tây Nam khô nóng trung bình 21,5 ngày/năm (từ tháng 4 – tháng 7).Giông tố trung bình 99,5 ngày/năm.

Gió mùa Đông Bắc trung bình 18 đợt/năm (từ tháng 10 – tháng 3).

Số ngày rét đậm có sương giá trung bình 5,4 ngày/năm.

Số ngày có khả năng sương muối 1,2 ngày/năm (vào tháng 12 và tháng 1).

Số ngày mưa phùn trung bình 48,2 ngày/năm (vào tháng 1-3). 

Số ngày hanh heo trung bình 11,4 ngày/năm (vào tháng 11-12). 

Thuận lợi của khí hậu thời tiết là tổng nhiệt độ năm cao, số giờ nắng cao, lượng mưa ẩm độ lớn thích hợp cho nền nông nghiệp đa dạng với nhiều loại vật nuôi, cây trồng có nguồn gốc tự nhiên sinh trưởng và phát triển tốt. 

Bất lợi là luợng mưa phân bố không đều, tập trung vào mùa mưa nên dễ gây ra hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá lăn. Mùa đông ít mưa, khô hanh, rét đậm, có xuất hiện sương giá và dễ gây nên hạn hán, cháy rừng. Mùa hè có gió Tây Nam khô nóng, giông tố, mưa đá, bão, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

1.3. Thủy văn.

Sông Luồng bắt nguồn từ Lào chảy qua các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện chảy ra Nam Động huyện Quan Hóa. Sông Lò bắt nguồn từ Lào chảy qua các xã Tam Thanh, Tam lư,

Sơn Lư, Thị trấn, Trung Thượng, Trung Tiến, Trung Hạ, Trung Xuân đổ về sông Mã và nhiều suối khác chảy về sông Lò, sông Luồng. Sông suối dốc, tốc độ dòng chảy lớn về mùa mưa lũ cần phải đề phòng nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất 2 bên bờ sông, suối ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.

2. CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN. 

2.1. Tài nguyên đất.

Tổng diện tích tự nhiên là 93.017,03 ha. Trong đó: 

– Đất nông nghiệp: 73.950,70 ha; chiếm 79,50% diện tích tự nhiên.

+ Đất sản xuất nông nghiệp: 2.590,90 ha; chiếm 2,79%.

+ Đất cho sản xuất lâm nghiệp: 71.359,80 ha; chiếm 76,71%.

– Đất phi nông nghiệp: 2.688,84 ha; chiếm 2,89%.

– Đất chưa sử dụng: 16.377,49 ha; 17,61%.

Quan Sơn có các loại đất như sau:

– Nhóm đá Mác ma axít: có đá mẹ Granít, Riolít.

– Nhóm đá Trầm tích; có đá Sa thạch, Phiến thạch, đá Vôi.

Từ các nhóm đá mẹ trên kết hợp khí hậu thời tiết đã hình thành nên các nhóm loại đất khác nhau: 

– Nhóm đất Feralit trên núi (Fa; Fq; Fv) có màu vàng đến nâu vàng… hình thành trên đá mẹ Mác ma axít, đá Sa thạch, đá Vôi. Nhóm đất Fa; Fq là phổ biến trên địa bàn tất cả các xã trong huyện. 

– Nhóm đất mùn Halít trên núi cao (Ha; Hq) phân bố chủ yếu ở các đỉnh núi cao trên 1000 m.

– Nhóm đất Feralit biến đổi do trồng lúa (Fl) phân bố chủ yếu ven đồi do khai hoang xây dựng đồng ruộng sản xuất lương thực, hoa màu.

– Nhóm đất phù sa bồi tụ ven sông, suối (Py) phân bố ven sông Luồng, sông Lò, suối lớn thuộc đất canh tác trồng lúa, hoa màu.

– Nhóm đất dốc tụ chân đồi (D), thường trồng màu và trồng rừng.     

2.2. Tài nguyên nước.

Nguồn nước mặt chủ yếu là nguồn nội sinh của các sông, suối thuộc hệ thống sông Mã; trên địa bàn huyện có trên 300 khe, suối lớn, nhỏ thường xuyên có nước. Việc trữ nước cho sản xuất chủ yếu bằng các đập ngăn nhỏ, hiện trên địa bàn huyện có trên 40 đập ngăn giữ nước phục vụ phát triển sản xuất và cấp nuớc sinh hoạt cho nhân dân. Có 2 sông lớn là Sông Luồng và Sông Lò;

– Sông Luồng là một nhánh lớn bên hữu ngạn sông Mã có tổng chiều dài 102 km; diện tích lưu vực là 1.590km2, đoạn chảy qua huyện dài 48km. 

– Sông Lò tổng chiều dài sông là: 74,5 km, diện tích lưu vực 792 km2. Đoạn chảy qua địa bàn huyện dài trên 38 km.

Hệ thống sông suối của Quan Sơn có nhiều tiềm năng cho xây dựng các hồ, đập phục vụ tưới thuỷ lợi; có nhiều vị trí có thể xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, bổ sung điện năng cho lưới điện Quốc gia và phục vụ phát triển sản xuất như: Na Mèo (trên sông Luồng); Trung Thượng, Tam Lư, Trung Xuân (trên sông Lò)…

2.3. Tài nguyên rừng.

Huyện Quan Sơn có 87.854,6 ha rừng các loại, chiếm 14,6% tổng diện tích rừng toàn tỉnh, độ che phủ rừng năm 2016 là 88,8%. Rừng và sản xuất ngành lâm nghiệp là thế mạnh của huyện Quan Sơn. Diện tích đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp của huyện là 71.359,80 ha chiếm 76,71% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó: rừng sản xuất chiếm 54,7%, rừng phòng hộ chiếm 46,3%.

2.4. Tài nguyên khoáng sản.   

Nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu của huyện Quan Sơn là đá Vôi, cát sỏi ở ven sông Lò, sông Luồng. Ngoài ra theo kết quả điều tra năm 2007 trên địa bàn huyện còn có các loại khoáng sản gồm: Mỏ chì, kẽm ở xã Sơn Thuỷ; Chì, bạc ở xã Sơn Hà; Sắt ở xã Tam Lư; Molipden ở Mường Mìn; Graphit ở xã Na Mèo, đến nay vẫn chưa xác định được trữ lượng.

2.5. Tài nguyên nhân văn và du lịch.

– Về nhân văn: Quan Sơn có 4 dân tộc anh em sinh sống (Thái, Kinh, Mường, Mông), mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng; thiết chế văn hóa xã hội của người Thái dựa trên lãnh thổ công, thiết chế dòng họ của người Mông…; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của mỗi dân tộc là những tài nguyên du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là các du khách quốc tế; 

– Về du lịch: Quan Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh như Động Nang Non ở xã Sơn Lư; núi Pha Dua ở bản Thủy Sơn; Thác bản Nhài xã Sơn Điện; Động Bo Cúng ở bản Chanh xã Sơn Thuỷ; khu du lịch bản Khạn, xã Trung Thượng vv… là những danh lam thắng cảnh vùng sơn cước huyền bí là tiềm năng để khai thác phát triển du lịch sinh thái hang động rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là các du khách quốc tế.

Với tiềm năng và vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch, Quan Sơn có thể liên kết với các địa phương trong vùng, cả tỉnh, cả nước và với các tỉnh Bắc Lào hình thành các tuor du lịch xuyên quốc gia và quốc tế.

Dân cư của Quan Sơn là một cộng đồng nhiều dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mường, Kinh và HMong). Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục, những món ăn đặc thù với bản sắc và truyền thống văn hoá khác nhau. Con người Quan Sơn nhân ái, thuỷ chung, cương nghị, hiếu khách, có truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết thương yêu, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. 

Các loại hình văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc, như: Khặp Thái, hát ru, múa sạp, cồng chiêng, khua luống người Thái và Lễ hội Mường Xia dân tộc Thái ở xã Sơn Thủy; hiện vẫn đang được các dân tộc gìn giữ. 

Các trò chơi dân gian truyền thống: các trò chơi dân gian truyền thống vẫn còn được lưu giữ trong cộng đồng người dân tộc Thái, Mường, Mông như: trò chơi ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù, to lẹ, kà kheo… Ngoài ra, các trò chơi tập thể hiện đại cũng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng như Bóng chuyền hơi, bóng đá….

Lịch sử hình thành

Quan Sơn là huyện vùng cao biên giới năm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa. Huyện được thành lập ngày 18-11-1996 theo Nghị định số 72/NÐ-CP của Chính Phủ trên cơ sở 9 xã: Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Xuân, Sơn Thủy, Sơn Điện, Sơn Hà, Sơn Lư, Tam Lư, Tam Thanh và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/1/1997.

Ngày 25-8-1999, xã Na Mèo và xã Mường Mìn được thành lập theo Nghị định số 65/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Xã Na Mèo được chia tách từ xã Sơn Thủy trên với 12.195 ha diện tích tự nhiên và 2.605 nhân khẩu. Xã Mường Mìn được chia tách từ xã Sơn Điện với 8.190 ha diện tích tự nhiên và 2.115 nhân khẩu.

Ngày 6-11-2003, thị trấn Quan Sơn được thành lập theo Nghị định số 131/2003/NĐ-CP của Chính phủ với 579,40 ha diện tích tự nhiên và 2.820 nhân khẩu của xã Sơn Lư.

Ngày 23-12-2008, xã Trung Tiến được thành lập theo Nghị định số 11/2008/NĐ-CP của Chính phủ thành lập trên với 4.405,5 ha diện tích tự nhiên và 2.935 nhân khẩu của xã Trung Thượng.

Hiện nay, Huyện Quan Sơn có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và  Thị trấn Quan Sơn; có 6 xã biên giới với chiều dài 64 km đường biên giới giáp với 2 huyện Viêng Say và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dân số có 37.343 người, với 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Mông, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ 81,14% dân số. Quan Sơn còn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có quốc lộ 217 chạy qua và cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Thắng cảnh – Du lịch 

  • Trong 2 ngày từ 09-10/3 tức (ngày 09-10/2 âm lịch) xã Sơn Thuỷ tổ chức Lễ hội Mường Xia năm 2014

  • Xã Sơn Thuỷ huyện Quan Sơn tổ chức thành công lễ hội Mường Xia

  • Thực hiện chương trình xúc tiến du lịch năm 2011, sáng ngày 18-6, Trung tâm Triển lãm và xúc tiến du lịch Thanh Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo khai trương Ki-ốt thông tin du lịch Thanh Hóa.

  • news 771180 gif - Giới thiệu khái quát huyện Quan Sơn

    (THO) – Với trên 1500 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, Thanh Hóa có lợi thế, tiềm năng phát triển mạnh ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay những tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được nhiều khách tỉnh ngoài và khách quốc tế, do nhiều nguyên nhân…

  • 00d372c3649bcf2399d6609b76946f0f jpg - Giới thiệu khái quát huyện Quan Sơn

    Na Mèo từ lâu đã trở thành cung đường thú vị với dân du lịch. Từ Mai Châu (Hòa Bình) du khách có thể qua Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi qua Hủa Phăn – Lào rất thuận tiện. Qua cửa khẩu Na Mèo du khách cũng có thể đi thăm “thủ đô cách mạng Lào” Viêng Xay rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào.

  • zktqg1269760987 jpg - Giới thiệu khái quát huyện Quan Sơn

    Những ai đã một lần đến động Bo Cúng, bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) hẳn khó quên ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ và kỹ vĩ với những “lâu đài” thạch nhũ và cảnh quan hùng vĩ làm say đắm lòng người…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây