Giới thiệu khái quát tỉnh Điện Biên

Giới thiệu khái quát tỉnh Điện Biên

Giới thiệu khái quát tỉnh Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vị trí chiến lược an ninh, quốc phòng của cả khu vực miền Tây Bắc. – Diện tích tự nhiên là 9.562,9 km2. – Dân số trên 538,1 nghìn người.

 1. Thông tin khái quát tỉnh Điện Biên

 – Điều kiện tự nhiên:
+ Vị trí địa lý: Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vị trí chiến lược an ninh, quốc phòng của cả khu vực miền Tây Bắc. Tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên là 9.562,9 km2; gồm 9 đơn vị hành chính: 1 thành phố ( TP Điện Biên Phủ), 1 thị xã (TX Mưòng Lay), 8 huyện (huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà, huyện Mường Nhé, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Nậm Pồ). Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới Việt – Lào dài 360 km và biên giới Việt – Trung dài 40,681 km. Trên tuyến biên giới Việt – Lào có 2 cửa khẩu đã được mở là cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc, cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Trên tuyến biên giới Việt – Trung sẽ mở cặp cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú thành cửa khẩu quốc gia; là đầu mối giao lưu của vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.
 + Địa hình: Điện Biên có địa hình phức tạp, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây dọc biên giới Việt – Lào dài khoảng 100 km với đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m và dãy Phu Sang Cáp dài 50 – 60 m. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thung lũng Mường Thanh với bề mặt bằng phẳng đã tạo cho tỉnh có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.
 + Tài nguyên:
Tài nguyên đất: Điện Biên có các nhóm đất chính là: nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Những loại đất này rất phù hợp để phát triển các loại cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng.
Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 108.158 ha, chiếm 11,32% diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 309.765 ha (chiếm 32,42%), diện tích đất chuyên dùng 6.053 ha (chiếm 0,68%). Ngoài ra, Điện Biên còn có 528.370 ha đất chưa sử dụng, chiếm 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất đồi núi (96,9%).
Tài nguyên rừng: Hiện nay, toàn tỉnh có 348.049 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 37%. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: lát, trò chỉ, nghiến, táu, pơmu…ngoài ra còn có các loại cây đặc sản khác như cánh kiến đỏ, song mây…Không chỉ có nhiều loại thực vật quý hiếm, rừng Điện Biên còn có 61 loài thú, 270 loài chim, 27 loài động vật lưỡng cư, 25 loài bò sát, 50 loài cá đang sinh sống. Trong những năm gần đây do nạn đốt rừng và săn bắt chim thú tự do nên lượng chim thú quý trong rừng ngày càng giảm, một số loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Tài nguyên khoáng sản: Điện Biên không có nhiều loại khoáng sản, tuy nhiên qua điều tra sơ bộ trên địa bàn tỉnh vẫn có một số loại khoáng sản chính như than đá, đá đen, vàng, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng khác…Hiện, mỏ than mỡ Thanh An có trữ lượng khoảng 156.000 tấn; mỏ cao lanh ở Huổi Phạ trữ lượng khoảng 51.000 tấn; mỏ đá xây dựng ở Tây Trang; vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Đà; nước khoáng Mường Luân… Tuy các mỏ này có trữ lượng không lớn, nhưng đây là nguồn lực khá quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.
+ Khí hậu: Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến bất thường, phân hoá đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 – 230C, chất lượng mưa trung bình từ 1.700 – 2.500 mm, độ ẩm trung bình từ 83 – 85%.
Do diện tích tự nhiên rộng, địa hình lại bị chia cắt nên khí hậu ở đây bị phân hoá thành 3 tiểu vùng rõ rệt: tiểu vùng khí hậu Mường Nhé, tiểu vùng khí hậu Mường Lay và tiểu vùng khí hậu cao nguyên Sơn La và thượng nguồn sông Mã.
 – Điều kiện xã hội:
+ Diện tích – Dân số: Diện tích toàn tỉnh tính đến năm 2014 là 9.562,9 km2. Dân số toàn tỉnh trên 538,1 nghìn người, với mật độ dân số 56,0 người/km2. Gồm 19 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 37,99 %, dân tộc Mông chiếm 34,8 %, dân tộc Kinh chiếm 18,42 %, dân tộc Khơ Mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác.
+ Tiềm năng kinh tế:
Tiềm năng du lịch: Tỉnh Điện Biên có di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng…là tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử, bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 18 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá.
Theo chiến lược phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Điện Biên là một trong 3 địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng du lịch trung du miền núi Bắc bộ. Theo đó, tỉnh có 1 điểm đến được xác định đầu tư để hình thành khu du lịch quốc gia: Điện Biên Phủ – Pá Khoang – Mường Phăng. Hướng phát triển là phát huy thế mạnh của những sản phẩm du lịch mà tài nguyên đặc trưng là quần thể di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, danh lam thắng cảnh.
Với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đã triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường E2 từ Điện Biên đi Phoong Sa Ly (Lào) qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang; tuyến Điện Biên đi Luông Pra Băng qua cửa khẩu Na Son – Huổi Puốc. Ngoài ra, các tuyến đường Mường Nhé – A Pa Chải; tuyến xe khách Điện Biên – Mường Khoa (Phoong Sa Ly) – U Đôm Xay (Lào) và ngược lại được hoàn thành đã thúc đẩy nhu cầu đi du lịch giữa hai bên và khách du lịch quốc tế đến từ nước thứ 3. Bên cạnh đó, cảng hàng không Điện Biên Phủ được Chính phủ xác định là sân bay quốc tế tiểu vùng, từ đây sẽ mở đường bay đến một số nước trong khu vực. Trong số các đường bay được mở, đường bay đi Luông Pra Băng được coi là đầu mối quan trọng để đưa khách du lịch từ các tỉnh Bắc Lào, Đông bắc Thái Lan, khách du lịch từ nước thứ 3 đến Điện Biên và các tỉnh trong khu vực.
Xét về cơ sở vật chất, đến đầu năm 2013, toàn tỉnh có 88 cơ sở đang hoạt động kinh doanh du lịch; trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 khách sạn từ 1 – 2 sao với số buồng nghỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách quốc tế. Điện Biên cũng đang phấn đấu để đạt tới một nền thể thao, du lịch dân tộc và hiện đại, thân thiện với môi trường và xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao là động lực thúc đẩy du lịch phát triển, đảm bảo sự phát triển hài hòa, các chỉ tiêu về du lịch tăng trưởng bình quân từ 13 – 15%/năm…
Những lợi thế so sánh: Điện Biên có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, đặc biệt là diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn (trên 500.000 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên). Đây chính là tiềm năng lợi thế lớn để tỉnh đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại.
Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị Văn hoá, du lịch cao, trong đó đáng chú ý là di tích Điện Biên Phủ và nhiều danh lam thắng cảnh gắn với nền văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em, đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.
Ngoài những tiềm năng trên Điện Biên còn có đường biên giới chung với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Tại đây có các cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở mang phát triển kinh tế và giao lưu với các nước. Ngoài tỉnh còn có sân bay Điện Biên đang được nâng cấp và mở rộng, đồng thời còn có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ điện và các nguồn điện năng khác.
 2. Khu vực miền núi
Theo chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, tỉnh Điện Biên có 7 huyện như sau: Huyện Điện Biên, Huyện Điện Biên Đông, Huyện Tuần Giáo, Huyện Mường Chà, Huyện Tủa Chùa, Huyện Mường Nhé và  Huyện Nậm Pồ.
+ Huyện Điện Biên
+ Huyện Tuần Giáo
+ Huyện Mường Chà
+ Huyện Tủa Chùa
+ Huyện Nậm Pồ
+ Huyện Mường Nhé
 3. Khu vực biên giới:
 3.1. Khái quát:
Điện Biên là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam, giáp Lai Châu và Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsaly của Lào ở phía Tây, các huyện Pak Xeng, Pak Ou thuộc tỉnh Luang Prabang của Lào ở phía Tây Nam nên có ví trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Điện Biên Phủ, cách Hà Nội 502 km, nối với  đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận bằng quốc lộ 6 và 12, đường thuỷ là hệ thống sông Đà, và tuyến hàng không Hà Nội – Điện Biên.
Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới với Lào dài 360 km và biên giới với Trung Quốc dài 38,5 km:
+ Trên tuyến biên giới Việt – Lào: ngoài 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Đặc biệt cửa khẩu Tây Trang từ lâu đã là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước đã được Chính phủ hai nước thỏa thuận nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu đang được xây dựng. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào – Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Mianma
+ Trên tuyến biên giới Việt – Trung sẽ mở cặp cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú thành cửa khẩu Quốc gia sẽ là lợi thế rất lớn để Điện Biên phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.
 3.2. Cửa khẩu quốc tế Tây Trang
Vị trí địa lý: Cửa khẩu quốc tế Tây Trang thuộc xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Tây Trang được hình thành từ năm 1990 theo hiệp định giữa Việt Nam và Lào. Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 38km theo Quốc lộ 279, cách trung tâm huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ 35km theo quốc lộ 42 của Lào. Từ đây đi theo các quốc lộ của Lào sẽ tới các tỉnh của Thái Lan.
Tiềm năng: Trong thời gian qua, cửa khẩu chính Tây Trang – Sốp Hun đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào, đặc biệt góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội, dân trí cho nhân dân vùng biên giới hai nước.
Ngoài việc tạo cơ hội để nhân dân các dân tộc hai nước phát triển kinh tế – xã hội, cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã và đang góp phần quan trọng trong việc liên kết và phát triển du lịch giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào nối với Luông Pra Băng và Viên Chăn, đặc biệt là thu hút khách du lịch.
Trong thời gian tới lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Lào và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang sẽ ngày một đông hơn.
 3.3. Cửa khẩu Huối Puốc
Thực hiện Quyết định số 1448/QĐ-TTG ngày 26/10 năm 2007 của Thủ tướng chính Phủ, về việc nâng cấp cửa khẩu Huổi Puốc- Na son, tỉnh Điện Biên từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính . Cửa khẩu này cách Thành Phố Điện Biên Phủ gần 90 km về Phía tây nam . Nằm trên địa bàn Biên phòng hai đồn Biên Phòng  433 và 431 thuộc các xã Mường Lói và Mường Nhà  – Huyện Điện Biên Tỉnh Điện Biên. Đây chính là con đường huyết mạch mà hang vạn quân tình nguyện Việt nam đã sang giúp bạn Lào trong những năm chống mỹ cứu nước. Ngày 22 tháng 4 năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh  Điện Biên và Tỉnh Luông Pra Băng, nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào Đã tổ chức trọng thể Lễ Khai trương cửa khẩu chính huổi Puốc- Na son.
Hiện nay hoạt động kinh tế thương mại, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Huổi Puốc còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng thế mạnh và quan hệ hữu nghị đặc biệt của tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào nói riêng, giữa 2 nước Việt Nam – Lào nói chung. Theo Chủ tịch UBND xã Mường Lói, Lò Văn Pha, phía bên nước bạn Lào hạ tầng cơ sở và đường đến cửa khẩu đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mở mang xây dựng. Trong năm 2015 đường giao thông từ nội địa của các tỉnh phía Bắc nước bạn đến cửa khẩu Huổi Puốc sẽ được thi công.
Trong thời gian không xa, cửa khẩu Huổi Puốc sẽ là khu vực kinh tế sôi động thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và khách du lịch. Hàng hóa của Việt Nam được xuất sang Lào sẽ là vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép), hàng tiêu dùng. Hàng nhập về là gỗ và sản phẩm lâm nghiệp khác. Cửa khẩu Huổi Puốc trở thành động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo quốc phòng – an ninh cho các xã vùng biên giới Việt – Lào phía Tây – Nam của tỉnh. Mặt khác, tiềm năng thế mạnh của cửa khẩu được khai thác sẽ là điều kiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa nâng cao chất lượng đời sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
 3.4. Cửa khẩu A Pa Chải
A Pa Chải là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác.
Để đến được cao điểm cực tây này, cần phải vượt qua ít nhất 500 km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Từ đây, ta tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là đến A Pa Chải. Vào mùa khô đường đến A Pa Chải tương đối dễ đi, nhưng vào mùa mưa, những cung đường trở nên rất khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm.
Khí hậu 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 – 10. Mùa khô từ tháng 11 – 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình 21 – 23 độ C.
A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoang La San thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.
Tiềm năng kinh tế: Ngoài nông nghiệp, cư dân A Pa Chải còn có điều kiện thông thương buôn bán với nước bạn Trung Quốc thông qua lối mở A Pa Chải – Long Phú. Kể từ khi lối mở A Pa Chải – Long Phú chính thức được khai thông từ cuối năm 2008 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân khu vực biên giới nước ta và nước bạn qua lại mua bán trao đổi hàng hóa, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực biên giới trên địa bàn huyện Mường Nhé. Tại khu vực lối mở đã hình thành nơi tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân 2 bên biên giới vào những ngày họp phiên chính thức (ngày 3, 13, 23 hàng tháng) với quy mô ngày càng mở rộng. Ngoài ra, có các gian hàng duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định của các tư thương. Hàng năm, khu vực A Pa Chải thu hút hàng trăm lượt khách tham quan du lịch cửa khẩu, mốc ngã ba biên giới. Việc qua lại của cư dân biên giới hai bên ngày càng phát triển, một số đoàn công tác của tỉnh ta và nước bạn Trung Quốc đã được cấp thẩm quyền cho phép vận dụng xuất, nhập cảnh qua lối mở A Pa Chải – Long Phú. Theo thống kê, hơn 5 năm qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua lối mở đạt gần 4 triệu USD và có chiều hướng tăng dần qua mỗi năm.
Song thực tế giao thông nơi đây còn khó khăn, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa đầu tư, đặc biệt hoạt động thương mại chủ yếu vào những ngày chợ phiên, quy mô còn nhỏ bé, hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cư dân hai bên biên giới.
Cặp cửa khẩu A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc) đã được xác định trong Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ký giữa Chính phủ 2 nước, đồng thời cũng được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy hoạch thành Khu đô thị cửa khẩu đến năm 2030, quy mô cửa khẩu song phương với Trung Quốc. Ngoài tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, hàng truyền thống của tỉnh còn góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch vùng Tây Bắc.
(Nguồn: thuviendienbien.gov.vn, socongthuongdienbien.gov.vn, chinhphu.vn, dienbiendong.gov.vn,muongchadienbien.gov.vn)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây