Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Họa sĩ Mai Văn Hiến.

Trong các lần đi Điện Biên Phủ dịp Kỷ niệm 50, 60, 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), tôi đều nhớ tới người họa sĩ từng trực tiếp có mặt tại Điện Biên vẽ bộ đội trong chiến hào, vẽ dân công hỏa tuyến ở các trọng điểm, đặc biệt là bức tranh khổ lớn với chủ đề “Cái chết vô ích” của người lính Âu – Phi trong lúc chiến dịch đang diễn ra hết sức quyết liệt, góp phần dồn kẻ địch vào thế phải bại vong. Người họa sĩ đó là Mai Văn Hiến – người từng vẽ tiền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Việc ông cùng một số họa sĩ được đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó là Phạm Văn Đồng chọn để vẽ tiền đã trở thành giai thoại. Ông được phân công vẽ tờ giấy bạc 5 đồng vẫn còn được lưu trữ đến ngày nay. Tiếp đó, Mai Văn Hiến làm việc tại Phòng Thông tin Trung ương Đoàn. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ mùa đông năm 1946, ông cùng các văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Tháng 7 năm 1947, họa sĩ Mai Văn Hiến tòng quân trực tiếp tham gia chiến đấu, sau đó được điều về làm họa sĩ Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay). Tiếp đó, Mai Văn Hiến tham gia các chiến dịch vùng Đông Bắc, giải phóng Tây Bắc, giải phóng Thượng Lào và từ những ngày đầu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã luôn có mặt.

Bia sach cua hoa si Mai Van Hien - Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiBìa sách của họa sĩ Mai Văn Hiến.

Tôi cũng không thể ngờ được, người họa sĩ mà lớp trẻ chúng tôi rất kính trọng như một tượng đài lại hết sức dễ gần. Khi xây dựng kịch bản để làm phim tài liệu chân dung về ông, tôi mới lẫm chẫm vào nghề. Năm 1999, khi tôi thực hiện phim về họa sĩ Văn Đa có cảnh quay Văn Đa tới thăm họa sĩ Mai Văn Hiến lúc này đã phải ngồi xe lăn trên một ngõ nhỏ phố Nguyễn Thái Học. Lần đầu gặp ông, tôi tưởng nhầm ông là người Pháp bởi râu tóc, nhất là đôi mắt xanh rực sáng và cánh mũi cao chót vót. Thực tế ông mang dòng máu lai châu Âu trong hoàn cảnh đặc biệt và ý thức rất sâu sắc điều đó. Chàng thanh niên tài hoa từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1943-1945) đã đi nhiều nơi trên thế giới trên cương vị Ủy viên Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam gần bốn mươi năm cho tới lúc nghỉ hưu trước mắt chúng tôi trên chiếc xe lăn vẫn hóm hỉnh cười vui bảo với họa sĩ Văn Đa và nhà thơ Vũ Cao: “Các ông phải nhớ cho tôi đi Điện Biên để vẽ tiếp mấy bức còn dang dở bán lấy tiền. Mấy bức tranh Điện Biên của tôi Tây thích lắm các ông ạ. Nhưng bán mất bản gốc mai kia con cháu nó phải chuộc tội chúng nó. Thôi còn sức lực vẽ thêm vài bức bán chơi”. Nhà thơ Vũ Cao hóm hỉnh bảo với ông bạn họa sĩ già: “Mai tiên sinh bán tranh còn chóng ra tiền chứ cánh thơ phú bây giờ sách ế ẩm lắm. Cơ mà tiền bạc bao giờ cũng là vật ngoài thân. Cánh già chúng ta cứ giao hết cho con cháu là thanh thản”. Họa sĩ Văn Đa cười khà khà nắm chặt tay người bạn già trên chiếc xe lăn nói mấy câu tiếng Pháp gì đó mà cánh phóng viên trẻ chúng tôi chịu không hiểu nổi chỉ thấy cô giúp việc cho Mai họa sĩ mặt khẽ ửng hồng lên.

Tac pham Anh bo doi cu Ho voi nhan dan Tay Bac son dau 1998 cua Mai Van Hien 2 min 1024x634 - Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiTác phẩm Anh bộ đội cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc, sơn dầu 1998 của họa sĩ Mai Văn Hiến.

Sau cuộc ấy tôi mới biết họa sĩ Mai Văn Hiến rất thân thiết với nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ Quang Dũng và họa sĩ Văn Đa. Trong căn gác xép nhỏ của Văn Đa nơi góc hồ phố Trấn Vũ ngày Quang Dũng còn sống thường tụ bạ ở đây cùng các giai nhân tài tử. Không ít các mẫu vẽ đều là những bạn vong niên của các ông sẵn sàng vì nghệ thuật mà làm mẫu chứ tiền bạc đâu ra để cánh họa sĩ, thi nhân mời đứng mẫu tạo cảm hứng nghệ thuật? Tôi dạo đó rất hay lui tới căn gác xép của họa sĩ Văn Đa, còn được ông tặng cho một bức tranh sơn dầu vẽ chân dung nhà thơ Quang Dũng. Văn nghệ sĩ vốn lúc nào cũng bầu rượu túi thơ thì cánh họa sĩ càng là những cao thủ tửu đồ. Trong phòng vẽ của các ông vô thiên lủng là những chai rượu Tây, Tàu đủ loại và toàn bộ chúng đều đã cạn nhẵn. Không ít lần, tôi thấy họa sĩ Văn Đa chỉ đợi bà vợ đặt chai rượu cúng lên ban thờ mắt ông đã sáng rực chờ hương tàn là khai tiệc. Tiệc có khi chỉ có một mình.

Họa sĩ Mai Văn Hiến luôn rất hấp dẫn mọi người, nhất là đối với cánh trẻ. Ông có biệt tài kể chuyện, nhất là những câu chuyện bếp núc văn nghệ ai cũng tò mò muốn biết. Chính ông đã kể cho tôi biết về bức tranh Em bé da đen nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Sáng. Bức tranh sau này bị thất lạc nay lưu lạc phương trời nào chẳng ai hay biết tường tận. Câu chuyện về em bé da đen trong một gia đình nông dân vùng địch hậu có người cha là chiến sĩ Điện Biên khi chiến thắng trở về, người vợ do hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh sinh ra em. Em vẫn hồn nhiên chơi với các anh chị và đám trẻ xóm giềng làm sao biết được nỗi đau của người chiến thắng trở về. Chiến tranh trong con mắt của họa sĩ Nguyễn Sáng là như vậy.

Tac pham Bac Ho voi chu lien lac Son dau 1991 cua hoa si Mai Van Hien 1024x766 - Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiTác phẩm Bác Hồ với chú liên lạc- Sơn dầu, 1991 của họa sĩ Mai Văn Hiến.

Họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ rất nhiều bức tranh, đặc biệt là mảng ký họa về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ của ông rất đồ sộ. Những bức tranh nổi tiếng phải kể đến “Gặp nhau” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1954); “Những lời dạy bảo”, “Trước giờ ra thao trường” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật, năm 1958); “Bướm dọc đường”, “Hoa doanh trại”, “Du kích Đông Bắc” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1989)… đã cho thấy tài hoa của người họa sĩ và nhất là tấm lòng của ông với thời cuộc, với các cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam. Từng rất nhiều lần đem tranh của các họa sĩ tiêu biểu tham gia triển lãm mỹ thuật ở nước ngoài trong khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em, họa sĩ Mai Văn Hiến cùng các họa sĩ giới thiệu, trưng bày, đưa ra những thông điệp ước muốn hòa bình của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chính những tác phẩm nghệ thuật đã như những chiếc cầu nối thắm thiết tình hữu nghị, khơi dẫn vẻ đẹp văn hóa của con người với con người cũng là tiếng nói mạnh mẽ của người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Thời gian diễn ra các cuộc triển lãm ở nước ngoài, các họa sĩ trong đó có họa sĩ Mai Văn Hiến với tư cách Ủy viên thường vụ, trưởng ban Đối ngoại Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông đã được rất nhiều điều cho hội họa và được anh em họa sĩ vô cùng yêu mến.

Những thước phim tôi quay về họa sĩ Mai Văn Hiến đều được lấy cảm hứng từ những tác phẩm nổi tiếng của ông. Chúng tôi còn đến trường Mỹ thuật Đông Dương xưa (42 Yết Kiêu) để quay những cảnh minh họa. Rất nhiều người khi nhắc đến Mai Văn Hiến lập tức dành cho ông sự yêu mến và kính trọng. Khi phỏng vấn họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông đã có những đánh giá rất chân thành, tỏ lòng biết ơn thế hệ họa sĩ đi trước đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách đảm đương công việc của Hội một cách xuất sắc. Những họa sĩ như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, Trần Đông Lương, Song Văn, Mai Văn Hiến, Huỳnh Phương Đông… là những trụ cột góp phần tạo nên diện mạo của hội họa Việt Nam sau này.

Tac pham Gap go Bot mau 1954 cua Mai Van Hien 1024x642 - Họa sĩ Mai Văn Hiến: Ký ức còn đọng mãi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiTác phẩm Gặp gỡ- Bột màu, 1954 của họa sĩ Mai Văn Hiến.

Trong nhiều năm thường xuyên tới thăm ông, tôi luôn được chị Oanh, con gái của họa sĩ Mai Văn Hiến chia sẻ nhiều điều. Chị rất hiểu quãng thời gian của người cha không còn nhiều nữa nên rất chiều chuộng cha mình.

Gần đây thôi, khi Văn nghệ Quân đội họp bàn tìm di ảnh các văn nghệ sĩ đã khuất cùng công tác thời kỳ đầu, chúng tôi đã rất xúc động đón nhận bức ảnh chân dung của họa sĩ Mai Văn Hiến do chị Oanh trao tặng. Từng nhiều lần được tiếp xúc với ông, từng làm phim về ông, từng được ông dành cho những tình cảm và sự chỉ bảo thông qua những câu chuyện như là huyền thoại của các văn nghệ sĩ, khi nhìn vào bức ảnh đen trắng trên tường chân dung người họa sĩ, tôi không khỏi bâng khuâng.

Thấm thoắt đã tròn bảy mươi năm, người họa sĩ vẽ bộ đội dân công trong chiến hào Điện Biên máu bùn trộn lẫn từ lâu trở về với thế giới của người hiền. Lứa chúng tôi cũng đã bước vào ngưỡng U50 có lẻ, trên đầu tóc chen sợi trắng, mắt rạn chân chim vẫn thấy đâu đây người họa sĩ họ Mai vẽ tiền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cười khà khà bên các bạn văn nghệ đều đã phơ phơ tóc trắng. Những hình ảnh về lớp họa sĩ, văn nghệ sĩ từ buổi đầu theo cách mạng trong đó có họa sĩ Mai Văn Hiến – người con vùng đất Châu Thành – Mỹ Tho – Tiền Giang tài hoa và tâm huyết, cả đời tận hiến cho nghệ thuật, sống hết mình với đất nước, nhân dân đến hơi thở cuối cùng, luôn để lại niềm tin cho mai hậu cứ thế lần lượt hiện lên, xôn xao như nắng mùa xuân.

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây