Tác giả Lê Anh Dũng

Lê Anh Dũng
Nhà thơ Lê Anh Dũng và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

LÊ ANH DŨNG

Bút danh Hoa Cẩm Chướng, sinh ngày 28/12/1962 tại Đa Hòa, Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, thường trú tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Từng là phóng viên chiến trường Campuchia (Báo Quân khu 5), phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Giảng viên Báo chí khoa Ngữ văn ĐHSP Đà Nẵng, giảng viên môn Nghệ thuật học khoa Âm nhạc, Mỹ thuật Đại học Sư phạm Hà Nội (mở tại cơ sở Đà Nẵng). Đại tá, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, Trưởng đại diện Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn hóa Quân sự tại Đà Nẵng, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng. Hội viên các Hội: Nhà văn, Nhà báo, Khoa học Lịch sử Việt Nam. TÁC PHẨM: Thưa mẹ, phía trăng lên (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân, 2003. Giữa xanh thẳm đại ngàn (trường ca), NXB Quân đội Nhân dân, 2004. Dòng sông di sản (trường ca) NXB Quân đội Nhân dân, 2009. Về xứ Đồng Long (trường ca), NXB Văn học, 2015. Đồng vọng (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2004. Bồng mắt thỏ (thơ), NXB Công an Nhân dân, 2005. Mắt phù sa (thơ), NXB Văn học, 2010. Bóng núi bóng sông (trường ca), NXB Văn học, 2013. Đủng đỉnh lên non (thơ), NXB Văn học, 2014. Dáng hình Tổ quốc (thơ), NXB Văn học, 2015. Một ngày là trăm năm (thơ), NXB Văn học, 2016. Một vùng đất (ký văn học), NXB Quân đội Nhân dân. Mẹ Thứ (tuyển văn-thơ-nhạc), NXB Văn học, 2014. Như núi như sông – về anh hùng A Tranh (hồi ký, viết cùng Nguyễn Thị Thu Sương), NXB Văn học. GIẢI THƯỞNG: Giải Ba cuộc thi truyện – ký của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2006. Giải Ba cuộc thi Thơ Hội Nhà văn Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa Thông tin Đà Nẵng. Giải Thơ Báo Lao động và Xã hội, 2010. Giải Ba cuộc thi Thơ của Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng, 2010. Giải thưởng Ký Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2009. Giải thưởng Thơ sáng tác nhanh về Nguyên tiêu, tỉnh Bình Định, 2011.

 

THƠ HAI CÂU

Kiếp trước – kiếp sau
Phải là ta đã yêu em
Từ muôn kiếp trước nên thèm kiếp sau

Tám tháng Ba

Đâu chỉ ngày Tám tháng Ba
Ngày nào cũng tuyệt khi ta yêu người

Hai mươi tháng Mười

Đâu chỉ Hai mươi tháng Mười
Ngày thơm hoa nở khi người ta yêu

Bà Nà đào chuông

Bà Nà mùa xuân tinh khôi
Hoa đào chuông chúm chím môi em cười

Chùa Cầu

Một Nhật Bản ở xứ ta
Đượm tình phố Hội thăng hoa sông Hoài

Thuận Tình

Rủ nhau về chốn Thuận Tình
Cho sông gặp biển cho mình gặp ta

Lao xao

Ai thiền định, ai thập thình
Ai thì chay tịnh, ai tình lao xao

 

BÃI BỤT, BÃI RẠN

1
Về Bãi Bụt bên em bên suối
Nồng say hương biển hương rừng
Hiền như Bụt hiền như em biển lặng
Lá thuyền anh neo đậu bến bờ em

Về Bãi Bụt hồn trinh nguyên hoang dã
Rừng nguyên sinh phố biển Sơn Trà
Từng vách đá lời chim muôn tình tự
Vườn mát lành thấp thoáng riêng tư

Xóa nhòa cõi thực hư
Xin được ngàn năm làm viên đá cuội
Ẩn mình dưới chân em ẩn mình tán lá
Góc yên lành cõi thiền cõi Bụt và ta.

2
Anh như chiếc thúng chai nằm xoài Bãi Rạn
Biển cả ngoài kia mà mắc cạn mệt nhoài
Cát rạn vỡ sóng bạc đầu khản giọng
Mây lông bông không biết dạt phương nào

Anh như chiếc thúng chai gối đầu Bãi Rạn
Chiều không em biển rừng hoang hoải
Chiều không em bầu trời bé lại
Chiều không em xao xác cát tung bờm

 

THẢ BÈ LAU TRẮNG

Thả bè lau trắng trên sông
Sắc không không sắc mênh mông cội nguồn
Tham sân si thảy đều buông
Lợi danh bèo bọt thả buồn trôi xuôi

Chiều Ba Mươi tôi và…tôi
Tâm nhang trước nghĩa trang đồi cát bay
Anh hùng nghĩa sĩ xưa nay
Hồn thành sông núi dựng xây đất này

Tôi thả bè người thả mây
Cho sương gặp gió cho đầy gặp vơi
Tôi và…tôi chiều Ba mươi
Và còn ai nữa nhớ Người cõi thiêng?

 

ÔNG ÍCH KHIÊM

Ông Ích Khiêm – im ích không(*)
Một nhà kinh lược khắp non sông
Lương thần chính khí vang danh tiếng
Thắng trận Mù U tạc sử hồng

Hơn trăm năm sau viếng mộ ông
Di tích danh nhân dõi xuống đồng
Cúi đầu trước tấm gương trung nghĩa
Ngẩng đầu mây gió ngẩn ngơ bay

Không khói hương mà sao mắt cay
Oan khuất đời ông ai có hay
Có phải hiền tài cùng khẳng khái
Ắt hẳn đi liền với chữ tai?!

Ông Ích Khiêm, con nhớ ông
Nước nhà gặp nạn thốn tâm can
Thờ chữ thánh hiền trung với nước
Thử hỏi làm im có ích không?!

____________________

(*) Ông Ích Khiêm, nói lái Quảng Nam: Im ích không.

 

PHÁO HOA SÔNG HÀN THĂNG HOA

Hoa của pháo
Pháo nở hoa
Đêm trình diễn nghệ thuật pháo hoa Đà Nẵng
Bùng nổ mùa xuân
Bùng nổ bầu trời
Bùng nổ dòng sông
Bùng nổ nụ cười
Tỏa nắng

Sông Hàn bừng hội
Hoa đăng chảy
Hoa pháo bay
Dệt ánh sáng
Vẽ sắc màu
Lung linh huyền thoại
Cầu Rồng bay lên
Sông Hàn bay lên
Hồn người bay lên
Thăng hoa
Hoan ca

Đêm pháo hoa rạo rực liên hoan
Rộn rạo tưng bừng rưng rưng hào sảng
Giao hòa đất trời giao hoan pháo sáng
Tâm hồn người như pháo thăng thiên

Đêm pháo hoa thần tiên
Hoa vút tầng mây lên đỉnh Sơn Trà
Hoa bay bổng Ngũ Hành Sơn lộng gió
Bao cõi nhân gian thấp tè khốn khó
Bỗng bừng bừng khí phách bay lên

Đêm pháo hoa vỡ òa sức trẻ
Đêm tình người xích lại gần nhau
Những trào dâng bừng lên khát vọng
Bùng nổ hòa bình hạnh phúc như mơ

Đêm pháo hoa tôi, bạn và thơ
Trẩy hội sông Hàn, biển trời Đà Nẵng
Một cuộc thi tất cả đều chiến thắng
Không gian sắc màu rỡ ràng tỏa nắng

Bỗng chốc đất trời sáng hơn sao trăng
Chợt hứng hát ca không thể nào im lặng
Khi hồn mình chớp giật với hư không
Khi hồn mình thăng hoa mênh mông

2/2013

 

HAI VIÊN ĐẠI BÁC BẮN VÀO THÀNH CỬA BẮC

Nghỉ ở Trạm 66 đường Phan Đình Phùng, Hà Nội
chong mắt đêm lịch sử ùa về
ngày Hai lăm tháng Tư năm Một ngàn tám trăm tám hai
hai viên đại bác của giặc Tây
bắn vào thành Cửa Bắc
bắn vào u mê, hèn yếu triều đình
bắn vào khiếp nhược kẻ mũ mão cân đai
xoáy vào lòng dân ta yêu nước thương nòi
xoáy vào ngực Tổng đốc Hoàng Diệu
dải lụa giữ thành ngời khí tiết nghĩa trung

Hơn một trăm ba mươi năm
hai viên đại bác còn xoáy treo trên thành Cửa Bắc
hai dấu chấm than đêm ngày thầm nhắc:
nước còn lăm le bóng giặc
sóng cồn biển Đông, rập rình biên ải
ai nỡ ngủ yên ca khúc khải hoàn?

Nghỉ ở Trạm 66 đường Phan Đình Phùng, Hà Nội
mang mang thao thức
lần giở cảo thơm, hun đúc giữ gìn
chợt ngọn gió lùa xoáy xoay ngọn tóc
chợt lá nảy chồi như kiếm thăng thiên

 

CHƠI MIỀN SIM, LAU

Chơi xuân miền sim, lau
Sơn Trà mây hôn núi
Chợt cúi đầu sám, nuối
Hồn thiêng
ơi về đâu?

Hải Vân sơn mịt mù
Người lính già tóc trắng
Đỉnh non cao thầm lặng
Mỏi tìm voọc chân nâu
Chơi xuân miền lau sim
Nguồn cội xưa ai tìm
Chiều ai giăng mắc tím

Nỗi u hoài nghẹn tim
Hồn theo những cánh chim
Nhĩ cho đời huyết yến
Chút tình nào tận hiến
Gió cuốn về vô biên

 

CỔNG TRỜI QUẢN BẠ

Một ngày lang thang Hà Giang
Cổng trời Quản Bạ mênh mang núi rừng
Nhìn về xuôi bỗng rưng rưng
Chợt dáng sơn cước lưng chừng xòe ô
Núi chị núi em nhấp nhô
Cảnh tiên bồng đảo gió xô mây vờn
Ai Đồng Văn nhớ Trường Sơn
Ai Trường Sa nhớ chập chờn Hoàng Sa
Nam Quan – Cà Mau một nhà
Núi cha biển mẹ ơi à Rồng Tiên
Và tôi một nỗi niềm riêng
Cổng trời Quản Bạ cõi thiêng tự tình

 

CÓ MỘT CHIỀU VŨNG RÔ

Trong bao chiều thương nhớ
Có một chiều Vũng Rô
Nghe mặn mòi khơi mở
Những bóng thuyền nhấp nhô

Chạnh nhớ “Tàu không số”
Chạnh thương từng núi sông
Qua một thời giông tố
Đến chân trời mênh mông

Núi Đá Bia trông chồng
Đèo Cả trầm bâng khuâng
Hồn chinh nhân phiêu bồng
Chạnh thương người thương thân

Ta tìm nhau bao chiều
Về chiến trường năm xưa
Sương giăng mờ cỏ úa
Níu bến bờ liêu xiêu

Tháng 5 năm 2016

 

HÓA THÂN

Núi cao
Biển rộng
Sông dài…
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mênh mông lồng lộng
Núi Cấm Tam Kỳ – khúc ruột Bắc – Trung – Nam
Xin khắc vào đại ngàn
Xin khắc vào trời xanh, mây trắng
Xin khắc vào chốn linh thiêng thầm lặng
Các mẹ anh hùng hóa tượng giữa lòng dân
Giây phút nhập thần họa sĩ điêu khắc hóa thân
Những bà Bủ, bà Bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt…
Hàng nghìn mẹ Việt Nam anh hùng hóa thân
vào chân dung mẹ Thứ
Thành tượng đài bất tử đóa hoa cương

Núi cao
Biển rộng
Sông dài…
Mẹ nhỏ bé trồng lũy tre cao vút
Mẹ oằn vai để các con lớn lên cùng đất nước
Mẹ thương con không thể ai sánh được
Mẹ thương nòi, không thể gì từ khước
Mẹ thương nước, không để ai xâm lược…

Núi cao
Biển rộng
Sông dài…
Ta thường véo von lòng mẹ, tình mẹ bao la
vời vợi cao xa thẳm sâu như thế
Ta thường ví mẹ anh hùng như trời như bể
Mẹ móm mém cười như sợ mình thất lễ:
Thân em cơm nguội, cơm khê
Đói lòng xót dạ ai chê cũng đành

Quảng Nam, 20/8/2016

 

TÀI ĐỨC HÓA THÁNH THẦN

Ông không chọn Mai Dịch
Mà yên nghỉ Quảng Bình
Người tính như trời tính
Địa linh kiệt nghĩa tình
Góc biển đồi nắng gió
Không màng chốn phồn hoa
Gần thân người nghèo khó
Có đâu hơn quê nhà
Người lính già Anh Cả
Quân – dân thương ruột rà
Bản sắc Việt văn hóa
Đau đáu nỗi sơn hà

Là bậc đại công thần
Đại trí-dũng-nghĩa-nhân
Đức cao – bậc đại nhẫn
Trọng nước nhà hơn thân
Đại tướng trong lòng dân
Lòng dân trong đại tướng
Nhân tâm thì quả hưởng
Tài đức hóa thánh thần

14/4/2016

 

LẶNG NGHE HOA NÓI

Đà Lạt xanh níu chân đi
Trước em, ta biết nói gì với hoa
Ai đi gần ai đi xa
Về với Đà Lạt ngôi nhà Việt Nam
Đất trời sương khói mang mang
Và em sơn nữ dịu dàng bên thông
Ai dan díu, ta tang bồng
Ngàn hoa thầm thĩ núi sông hẹn thề

Gặp người thương không muốn về
Hương hoa phố núi bốn bề thơm quanh
Lâm Đồng em con mắt xanh
Thi ca nhạc họa… long lanh đại ngàn
Ai đa đoan, tôi đa mang
Lặng nghe hoa nói khẽ khàng ngân nga
Sông phù sa, đời phù hoa
Chuông chùa Vạn Hạnh la đà sắc không

Đà Lạt, 28/12/2015

 

ỚI QUÊ

Sông thương cạn dòng giữa phố
Tha hương tìm nhau nơi mô
May mà mướt xanh sông nhớ
Ký ức nương hương tìm về
Thao thiết nỗi niềm sông quê
Ai người trăng chiều bóng xế
Ruổi rong bao là dâu bể
Người ơi còn chăng hẹn thề?
Lang thang, đa mang, đa đoan
Chẳng còn nhớ ngày nhớ tháng
Bến xưa níu chân phiêu lãng
Đò còn, mà em sang ngang
Tang tình tích tịch tình tang
Ôm đàn réo câu dĩ vãng
Với tay níu thời lãng mạn
Ới sông vớt chút trễ tràng

6/6/2016

 

BÓNG NÚI BÓNG SÔNG

Tôi đi tìm dáng núi
Tôi đi tìm dáng sông
Dáng sông ôm dáng núi
Sừng sững quàng bềnh bồng
Ngày lên rựng sắc hồng
Chiều rơi trăng lấp ló
Giữa thực – hư, không – có
Thượng nguồn oà mênh mông
Mình ta bên bóng núi
Mình ta bên bóng sông
Lộc mai bên đầu súng
Sắc đào nguyên tang bồng
Ủ ngàn hương xuân nồng
Dâng đất trời tiên tổ
Chiều cuối năm tảo mộ
Chạnh nỗi niềm núi sông.

 

MẸ TÔI

Mẹ tôi buôn gánh bán bưng
Chiếc đòn gánh trĩu sống lưng chợ chiều
Hoàng hôn bóng đổ liêu xiêu
Mẹ tôi như một cánh diều ướt mưa
Bình minh cho đến xế trưa
Bóng mẹ bóng nắng bóng dừa trong nhau
Tôi vào lính, ra chiến hào
Biết đâu dáng mẹ nhạt nhàu chân đê
Tôi phiêu bạt khắp sơn khê
Mẹ vẫn quang gánh bộn bề xứ quê.

 

CON SÓNG

Bao nhiêu năm
sóng vỗ rền eo biển
con sóng nào thơ ngẫm nghĩ tư duy
con sóng nào thơ dâng yêu khao khát
con sóng nào thơ đau thương buốt nhức
con sóng nào thơ rong rêu cổ độ
con sóng nào thơ hào khí xung phong…
con sóng thơ tôi chất chồng đất võ trời văn
Bao nhiêu năm
sóng vỗ rền eo biển
Bình Định Quy Nhơn hồn người tụ về dưới cờ hội
nghe thơ chàng Lía
dưới cờ Đào Tấn,
hát bội vinh thăng…
Bao nhiêu năm
sóng vỗ rền eo biển
ai ngủ vùi
ai thao thức
sóng xanh tươi
sóng bạc đầu ký ức
tôi lẳng lặng bời bời
tôi xao xác hân hoan.

 

HOÀNG SA ƠI, LINH VIỆT CỦA TA ƠI

Từ tượng mẹ Âu Cơ trên Công viên Biển Đông,
tôi trầm tư trước biển
Sáng tôi tắm biển
Chiều biển tắm tôi
Đêm đêm tôi gội gió sương, nhuộm sóng
đại dương 40 năm gào thét
Biển Đà Nẵng mặn xót hơn, Hoàng Sa bao la chưa
về Thành Thái Phiên, Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà
Vọng hào khí Nguyễn Tri Phương, nghĩa quân,
dân quân, tình nguyện quân
Đánh tơi bời trận đầu các lũ thực dân, bá quyền
xâm lăng từ năm 1858, 1965, 1979
Một góc giang sơn
Một dòng máu đỏ(*)
Nỗi đau câm nín bao năm rồi muốn gào thét lên
biển khơi
Hoàng Sa – một dải cát vàng mơ bịn rịn dấu chân Việt bao đời
Lấp lánh vàng, long lanh xanh trong hơi thở
quân binh, dân binh,
Trong chập chùng nỗi nhớ,
Trong cuồn cuộn đỏ máu Gạc Ma
Những người con Hòa Cường – Hải Châu – Đà Thành
Sống chết giữ đảo vàng, biển xanh mây trắng
Hương linh Việt ở Hoàng Sa bao thời, bao đời
chập chờn hiển hiện
Nhắn nhủ, nhắc nhở ta một Tổ quốc chưa về.
Mẹ Âu Cơ – cha Lạc Long Quân
Đau đáu khảm sâu, khắc sâu lời thề
Đứa con lên rừng
Đứa con xuống biển
Rằng Hoàng Sa không hề vắng xa, không nguôi
thiết tha, thao thức
Đập hoài trong ngực vô biên, trong nỗi nhớ
thiêng liêng nước Việt
Và Hoàng Sa của ta ơi
Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm(**)
Câu thơ bạn ám ảnh, nhắc nhở ta có một
Tổ quốc mình
Còn bão tố phong ba, còn lênh đênh,
long đong trên biển.
Hoàng Sa linh Việt trong ta
Huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng trong ta.

__________________________________
(*) Thơ kháng chiến Quảng Nam
(**) Thơ của Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng.

 

ĐỦNG ĐỈNH LÊN NON

Đủng đỉnh chạm chân núi
Sơn thần đã nhắc xa
Sử Việt ngàn năm tuổi
Bền vững giữ sơn hà
Giữa lòng núi bồi hồi
Một rừng sim tím ngắt
Làn hương nào se sắt
Vượn gọi người xa xôi
Tôi thẫn thờ chơi núi
Bạn tìm thế chơi cờ
Non xanh chiều rớt chậm
Để hồn mình lắng thơ
Chân leo lên đỉnh núi
Chơi cờ với tiên thiên
Một bàn cờ thế sự
Đỉnh Sơn Trà hồn thiêng
Tiên ông ngồi ngẫm nghĩ
Đâu chỉ một ván cờ
Hình như tôi không chỉ
Ngắm biển trời mộng mơ

Đà Nẵng, 17 tháng 4 Giáp Ngọ

 

SƯƠNG KHÓI SAY

Tha thẩn ngày về thăm núi Quế
Núi thì còn đó, Quế về đâu?
Thăm thẳm rừng sâu, sương mờ mịt
Hỏi người xưa cũ, nắng lơ ngơ
Nhớ chợ Cây Bùi thời loạn lạc
Rưng rưng nghèn nghẹn bát khoai chà
Tay nâng thân thiết tô rau dớn
Bún sắn ngày xưa vẫn đậm đà
Nước Mát hay là khe Nước Mắt
Bao hồn chiến sĩ vẫn còn vương
Cấm Dơi đồng đội không về nữa
Ngùi ngùi thương nhớ lính Sư Hai
Người ở Đá Dừng, ta Sơn Khánh
Gập ghềnh đường bộ, thẳng đường chim
Quê nhà hai tiếng run chân tóc
Không rượu, đành nâng sương khói say.

10/03/2013

 

ĐỨC PHỔ

Đức Phổ
nếu không có Nhật ký Đặng Thùy Trâm
không có Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
thì tôi không có duyên bén rễ đất này
đất chất chồng bom đạn chiến trường
dậy hương trầm, tạc vóc dáng quê hương
sông Trà Câu, sông Lò Bó, sông Trường
ngọn nguồn phù sa hình hài xứ sở
Sa Huỳnh – giọt men tình trời xanh dạm ngõ
trầm tích nền văn hóa cổ xưa
Lâm Bình nắng, Thạch Thủy mưa
hoài thai Phổ Cường núi đồi hòa hợp
lớp lớp anh hùng chí sĩ
Bò Nú, Đò Mốc, Lò Bó, Đá Chát
Những cái tên chẳng êm tai
Mà ký ức râm ran lịch sử
Nơi đây yêu nhau tình tứ:
Đầm An Khê chảy về Mỹ Á
con trai Sa Huỳnh phải lòng con gái Chớp Vung
thõng tay giữa chợ ung dung
nhâm nhi rượu gạo say cùng nước non
tiếng đèo Cao, không chon von
tương tư đuôi mắt cũng mòn khói sương
Xa quê ngắn nhớ sông Trường
ở Giàng Hạ nhớ tận sườn núi Ngang
trời mênh mang đất thênh thang
đi xa càng nhớ đèo Trang, Bộng Dầu
Xa quê thèm cá bống đầm An Khê
kho trã đất xóm chợ Chiều giếng Thí
thèm nghe à ơi kẽo kẹt hồn tre:
ga Thủy Trạch kẻ chờ người đợi
hòn núi Dâu có chín sáo diều
ngó lên núi Bé chim kêu
hố Giang nước chảy mọi điều đắng cay.
Nhớ bác sĩ Đặng Thùy Trâm dãi dầu
túi thương dép lốp áo nâu lội rừng
cứu thương binh mắt rưng rưng
thương người như thế đã từng thân quen
canh lá dang, ai có hay
chua, chát, ngọt trong ngày, lá ơi!
Đức Phổ ai gọi ai mời
mà giọng ai ngân lên khúc lạ:
hồn thi nhân chảy về Mỹ Á
tôi giọt sương tan trong lá
hoài hương về cố xứ, cố nhân

13/11/2008

 

THỨC VỚI BẬU NGUỒN

(Thân tặng anh Võ Xuân Ca và người Hiệp Đức)

Ai về nhắn với bậu nguồn
Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên
Theo câu ca xưa, ta về ngọn nguồn
Gió đầu sông dìu dặt vương hương núi
Hòn Kẽm Đá Dừng, người bao năm tuổi
Bèo dạt nào cuối năm tha hương?
Bỏ buồn triền sông, ném vui chân núi
Ngó lên tượng đài trực thăng quân ta chiến thắng
Dõi xuống Đại Bình ngắm đọt sầu riêng
Mắc cạn mãi phồn hoa đô hội
Mắc nợ cau trầu cố xứ Cà Tang
Thèm nong tằm, dâu xanh, lều tranh nứa lá
Một dáng mềm hong tóc bến đò xưa
Trưa mưa thưa nõn cao su nhựa ứa
Giọt giọt trắng cho người, giọt nhỉ thơm câu thơ
Về với Trà Linh thăm thú bậu nguồn
Nghe nõn nòn non phù sa cựa sống
Nghe tính tình tang một bầy con sít
Vẳng chuông chùa hư danh xả buông
Thức với bậu nguồn nghe gió đầu truông
Uống chén rượu suông mà buồn cảm khái
Ai nhớ Hoàng Sa, ai thương biên ải
Tiếng cuốc nào khản giọng đẫm sương khuya.

Cuối năm 2013

 

RIÊNG VỚI CÙ LAO CHÀM

Núi xanh biển xanh làng xanh
ánh mắt em nõn xanh
sao gọi Cù Lao Chàm?
Đảo xưa từng có người Chăm
giếng Xóm Cấm, lăng Ông, đình Tiền Hiền…
âm vang lưu dấu
ra Lao đốn Lụi thật Dài
chờ cho Khô Lá, xuống Tai chực Nồm
câu ca xửa xưa em hát
em là hòn nào trong biển đảo đời ta?

Cù Lao Chàm
ẩm thực Hội An kém ngon khi thiếu
rau rừng trăm món
Cao lầu ngâm tro củi hòn Lao
ta thành kẻ ngất ngơ thất thển
nếu không Lao Chàm, không Tân Hiệp, không em

Cù Lao Chàm
phên giậu Quảng Nam
hòn ngọc biển Đông
thiên đường sinh quyển
chín chữ cù lao ơn cha nghĩa mẹ
nhớ đất liền ngày biển động bão giông

Cù Lao Chàm
Cù lao xanh
chân trời xa xanh
thi ca khao khát
cái nhìn đại dương
mênh mông bát ngát
Cù Lao Chàm
mắt em nhìn hoang dã rong rêu
mắt em chào tình thân ấm áp
mắt em chào biển trời ươm nắng
mắt tôi chết chìm trong mắt em trùng vây

Cù Lao Chàm
tỉnh, say
giã rượu ta về chân lạc lối
giã bạn ta về phiêu bồng hư ảo
ngọn gió nào quật ta thành bão
đảo là nhà
lảo đảo cũng vì em.

 

NGÀY THƠM SƯƠNG KHÓI

Dịu dàng mơn man cỏ thu
Ngày thơm sương khói giăng mù núi sông
Hàn giang về biển mênh mông
Dòng Thu qua thác, qua truông, qua rừng

Tịnh không Hòn Kẽm, Đá Dừng
Bạt ngàn lau trắng lưng chừng chênh vênh
Một nhành mai núi bên ghềnh
Thuyền câu lơ lửng bồng bềnh em – ta

Buông thả hết những phồn hoa
Ai người tự tại lánh xa ưu phiền
Về Trà Linh xứ thần tiên
Say câu hát cũ bên miền địa linh

Bình Yên làng xưa hữu tình
Thương nhau để bụng cho mình nhớ ta
Người về có nhớ nguồn xa
Ta về ta nhớ la đà sắc, không

Kiếp thi nhân trót phiêu bồng
Lỡ theo con sáo sổ lồng bay đi
Nghe trong dằng dặc sử thi
Lời trăm năm vọng thầm thì núi sông

 

TA ĐI TRÊN ĐƯỜNG HOÀNG DIỆU

Ta đi trên đường Hoàng Diệu
Ngát xanh lá hát trên đầu
Sử thi tầng tầng ký ức
Giữ thành hộ quốc an dân

Thong dong dìu dặt bước chân
Thanh thản chao nghiêng vàng rụng
Mắt ai thoáng nhìn lúng túng
Hồn thu chớm môi ngại ngần

Ta đi trên đường Hoàng Diệu
Chợt nhớ làng Gò Nổi xanh
Biền dâu tơ tằm dệt lụa
Tảo tần Tổng đốc phu nhân

Ta đi mà lòng phân thân
Nửa kia chìm trong nửa nọ
Chợt thèm hồn mình như cỏ
Dịu dàng mềm mại mơn man

Đồng hiện Hà thành – xứ Quảng
Một vầng trăng khuyết mơ màng
Sương khói sông hồ bảng lảng
Vằng vặc giữa trời chữ Nhân

 

KHÔNG CHỈ LÀ NỖI NHỚ

Cẩm Lệ em, không chỉ là nỗi nhớ
Em bên tôi lỡ nhịp một cây cầu
Nhặt câu thơ bên hiên chiều ký ức
Mùi thuốc rê bảng lảng suốt triền sông

Cẩm Lệ em, tôi vừa có vừa không
Cứ vừa thực lại vừa mơ đan lẫn
Ai như bóng các nghĩa binh về bên Nghĩa trũng
Nguyên tiêu thơ sóng sánh giếng xưa Chàm

Cẩm Lệ em, tình tôi khắc khoải
Bước chân xưa đường nhỏ vắng xa rồi
Chừ bát ngát đường mà mình đi lạc
Hỏi hư vô tìm lại bóng trăng thề

Cẩm Lệ em, lòng tôi bổi hổi
Bảo rằng yêu mà như trò cút bắt
Phải hạnh phúc là chân trời phía trước
Ngỡ được rồi mà sao cứ xa xăm

Ơ cái quý cứ chòng chành mong manh
Ơ cái đẹp cứ long lanh nước mắt
Và Cẩm Lệ không chỉ là nỗi nhớ
Mà là thương rưng rức sâu đằm.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây