Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ cuối

Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ cuối - Tác Giả Tác Phẩm

nkh min - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ cuối

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

trang trên sông thơ ấu Nguyễn Kim Huy - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ cuối

TRIỀN SÔNG THƠ ẤU – KỲ CUỐI

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

 

HAI KIỂU XỨ ĐỒNG NÂU

Ở các làng quê heo hút êm đềm xưa kia, mà có thể ngày nay vẫn còn, lâu lâu thường xuất hiện một nhân vật đặc biệt, hành trạng bí ẩn lập dị, hành tung độc đáo khác người, thường có những trò “rắn mắt” (bà con hay gọi vậy, không hiểu vì sao) đánh lừa người khác. Một kiểu người… nổi tiếng khắp xóm, khắp làng, có khi cả một xứ biết tiếng.

Hình như là để cho cái làng quê ấy bỗng chốc được huyên náo, chộn rộn hẳn lên, bớt cái vẻ êm đềm thơ mộng mà có phần lặng lẽ tịch mịch quanh năm đi.

Nhất là ở những làng quê nghèo khó, đói khổ. Gặp thời buổi mà nhà nào cũng như nhà nào, bốn mùa chạy ăn mướt mồ hôi rồi đến bữa, vợ chồng con cái ngó vô nồi cơm đều thở ra thườn thượt, ngán ngẩm chỉ thấy toàn khoai sắn lổn nhổn trong nồi. Mâm cơm đặt giữa nền nhà đất ẩm ướt trơ trọi phơi ra chén mắm cái dằm ớt xanh và rổ muống hay lang luộc, sang hơn thì có vài con cá chuồn bằng chuôi dao kho khế chua lè lỏng bỏng nước trong veo.

Như ở làng Đông Mỹ xứ Đồng Nâu này.

Hai Kiểu làng Đông Mỹ xứ Đồng Nâu là một người nổi tiếng “rắn mắt”.

Làng này có câu thành ngữ “ Nói láo như Hai Kiểu”. Nghĩa là Hai Kiểu nổi tiếng… về tài nói láo. Nói láo mà không ai ghét, lại có ý nể phục, người ta luôn vui vẻ kể cho nhau nghe như những giai thoại hấp dẫn lúc nông nhàn rảnh rỗi.

Hai Kiểu người thấp đậm, chắc nịch.

Khuôn mặt khắc khổ, chất phác, nhưng ánh mắt sắc lẻm, tinh quái.

Ngày nào cũng như ngày nào, từ tờ mờ sáng người ta đã trông thấy Hai Kiểu thong dong vác cây tre hay cây chuối to vừa phải, thẳng đường xuống Chợ Trạm.

Nhưng mấy ngày cũng chỉ mỗi cây tre hay chuối ấy thôi.

Gặp mấy bà Diêm Trường hay Bãi Rạng gánh mắm lên chợ sớm, nhắm bà nào dáng vẻ trông khá giả có của ăn của để mặt mũi phởn phơ vênh váo một chút là lão mon men đến gạ: “ Mua tre mua chuối đi bà ơi. Tre chẻ lạt, làm đòn gánh đều ngon. Chuối mới chặt, xắt cho heo ăn thì hết ý!”.

Mấy bà không thèm liếc mắt nhìn lão, bảo: “ Được được, ông vác xuống bến đò cho tui. Trưa tui chở về luôn. Tiền đây tiền đây”.

Rồi ngoe nguẩy gánh mắm ra chợ.

Hai Kiểu không vác tre vác chuối xuống bến đò.

Mà lão lẳng lặng vác lại về nhà. Trên đầu cây có treo tòng teng một mớ cá mắm mới mua bằng tiền… bán cây.

Trưa trật, xong buổi chợ, mấy bà quảy thùng không về đến bến đò, hỏi chuối hỏi tre thì ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Chuối nào tre nào. Có thấy đâu. Rồi cùng cười phá lên: “A ha, mắc lừa Hai Kiểu rồi!”. Của chẳng bao nhiêu, mấy bà cũng nén bụng tức, cười xòa.

Hôm sau Hai Kiểu lại thong dong vác xuống chợ, cũng cây tre cây chuối ấy.

Lần này Hai Kiểu vác xuống chỗ khác, cách chỗ hôm qua một quãng khá xa để.. không chộ mặt cố nhân. Rồi lại xởi lởi mời chào…

Vài ngày Hai Kiểu lại đổi món, gánh một gánh củi đầy rảo qua các nhà hàng ăn, tiệm cháo lòng mì Quảng bún bò giò heo gạ mua củi. Toàn là củi cầy, cháy vừa bén vừa đượm, than đỏ rực lại lâu tàn. Ngó gánh củi ngon mắt, nghe lời nài nỉ mua bán bùi tai, các chủ nhà hàng xỉa tiền ra liền, rồi quát lão gánh ra sau bếp. Hai Kiểu nhận tiền, quành ra sau bếp, ngó nghiêng quanh quất một hồi thấy vắng bóng người liền gánh luôn ra chợ…

Nên quanh năm nhà Hai Kiểu không thiếu cá mắm. Chiều chiều lại có thêm xị rượu, lão ngồi một mình vừa tì tì nhấm nháp vừa nhếch mép cười khan mấy chố nhà giàu hợm của khi dể người bị lão cho cú lừa.

Lâu lâu Hai Kiểu lại trúng đậm một vụ mua bán cây nhà lá vườn.

Mà thường là tre.

Quanh co dọc bờ sông làng Đông Mỹ, chỗ nào cũng có các bụi tre um tùm xanh ngắt. Mọc ở vườn nhà ai thì nghiễm nhiên là của nhà đó.

Ai cũng nghĩ vậy.

Nhưng Hai Kiểu lại không nghĩ vậy.

Mỗi khi có ông khách lạ, bụng phệ mắt láo liêng, ví tiền dày cộm căng phồng túi sau dạo qua dạo lại bờ sông, ngó nhìn dáo dác là Hai Kiểu biết tỏng ngay mấy ông buôn bè giàu nứt vách dưới miệt biển lên mua tre. Thường là mua cả chục bụi, thuê người chặt hết cây già cây non rồi đóng bè xuôi sông chở về.

Hai Kiểu liền xăng xái ra chào hỏi, xăng xái dẫn khách đi khắp lượt bờ sông. Chỗ nào có bụi tre tươi tốt liền bảo khách: “ Tre vườn nhà tui đây, đến độ chặt được rồi. Thấy ông… thiệt thà hiền lành, tui để rẻ cho đó. Lo mà đốn đi rồi chiều bè về cho kịp”.

Khách vui mừng mời trầu mời thuốc, nhanh nhẹn móc túi trả tiền, không thèm mặc cả vì giá Hai Kiểu đưa ra luôn quá rẻ so với các nơi.

Hai Kiểu nhanh nhẹn lui.

Chừng khách loay hoay tìm người mướn đốn tre, thì y như rằng, có người vội vàng chạy ra ngăn lại: “Tre vườn nhà tui mà, tui để dành đốn ngâm làm nhà, có bán mua gì đâu mà ông tính chặt?”. Khách ngơ ngác rồi hiểu ra đành ngậm ngùi thu dao thu rựa, chịu mất tiền oan vì chưa biết tiếng Hai Kiểu xứ Đồng Nâu!

Nên, các bụi tre ven bờ sông, Hai Kiểu bán đi bán lại quanh năm.

Thỉnh thoảng gặp mối khách mua chuối, Hai Kiểu cũng xông xáo vào cuộc mua bán. Chuối cây hay chuối buồng, lão bán tất, miễn có người mua. Mà tất nhiên phần lớn là… chuối vườn hàng xóm. Chứ vườn nhà Hai Kiểu bé bằng bàn tay, có được mấy cây chuối non chuối già mà lão bán quanh năm?

Tiền nong túi Hai Kiểu lâu lâu lại rủng rỉnh mà các bụi tre lùm chuối ven bờ sông dọc các vườn vẫn còn nguyên, ngày càng tươi tốt.

Ngày nọ mưa dầm, trời rét ngọt. Năm đại hạn, tiếp đến mưa lũ dầm dề, mất mùa to, cả làng Đông Mỹ đói hơn mọi năm. Nhà Hai Kiểu thì không đến nỗi nào, nhưng mưa gió rét mướt liên miên, chạy chợ chân cẳng lão lúc này không kham nổi, nên cũng gay go. Mỗi ngày càng gay go, vì những chỗ Hai Kiểu có thể vay mượn được cũng đều thất bát. Lũ trẻ đói quay quắt, khoai sắn cũng không còn mà nấu, suốt mấy ngày cả nhà húp cháo rau má loãng cầm hơi. Hai Kiểu nhìn lũ con hồi lâu, bỗng hỏi:

– Này, có muốn ăn bánh xèo không?

Lũ trẻ mừng rỡ dạ rân. Hai Kiểu bảo:

– Vậy thì chui vào giường nằm, rên to lên !

Không hiểu gì, nhưng lũ trẻ cũng răm rắp làm theo lời cha. Một lát tiếng rên hừ hừ vang lên khắp nhà. Hai Kiểu lật đật cầm cái bát mẻ chạy sang nhà bà Hai:

– Bà Hai ơi, nhà còn dầu phộng cho xin một ít! Bọn trẻ ăn sắn non say nằm quay lơ một đống ở nhà bà ơi. Nghe nói chỉ có uống dầu phộng mới hết được.

Lạ gì tình cảnh nheo nhóc nhà Hai Kiểu, bà Hai tin ngay, kiếm chai dầu phộng giấu kỹ dưới gầm giường ra rót đầy bát, lại giở ghè bốc thêm nhắm gạo còn sót dưới đáy bỏ bọc dúi vào tay Hai Kiểu:

– Tội nghiệp! Đem về nấu bát cháo cho chúng đỡ xót ruột.

Từ nhà bà Hai về, Hai Kiểu lại chạy sang nhà ông Ba, bà Bốn, ông Bảy… Đi khắp lượt hết các nhà gọi là còn chút khá giả trong xóm, Hai Kiểu quay về thì cũng đủ gạo, đủ dầu để nổi lửa… đúc bánh xèo. Không nhưn nhị thịt cá hành tỏi gì, nhưng cũng là bữa đại tiệc ngon lành cho cả nhà đang đói rát ruột ngày mưa gió.

Không ngờ, được bữa no căng bụng lại ngon miệng, lũ trẻ nhà Hai Kiểu đi khoe khắp xóm. Câu chuyện vỡ lỡ. Hai Kiểu càng nổi tiếng!

Ông Hai mất đã mấy mươi năm, mà câu “ Nói láo như Hai Kiểu” vẫn được bọn trẻ sinh sau đẻ muộn không hề biết mặt ông đem ra áp dụng sinh động vào câu chuyện mỗi ngày. Những khi giỗ chạp, cưới hỏi, người ta lại kể chuyện Hai Kiểu rôm rả, thú vị với những mẩu chuyện vừa có thật, vừa bịa thêm – mà phần lớn là bịa thêm về ông. Thành ra khuất bóng đã lâu, mà ông Hai vẫn như đang sống giữa làng, chẳng hề bị lãng quên chút nào.

Ngẫm ra, ở đời có nhiều cách để nổi tiếng. Rắn mắt… cũng có thể được lưu danh, nếu như nó mang lại niềm vui cho mọi người, làm cho cuộc sống vốn luôn khốn khó đỡ bớt đi sự tẻ nhạt… Miễn là đừng lợi mình hại người một cách quá thể!

N.K.H


…Đọc đọc càng thấy Nguyễn Kim Huy có tay nghề viết văn. Cái tay nghề ấy có lẽ đã được rèn luyện qua sự miệt mài đọc sách và làm biên tập trong nhiều năm tháng của anh.

Văn của Nguyễn Kim Huy là văn của một nhà thơ. Anh cấu tứ truyện và tản văn như cấu tứ một bài thơ với ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh như thơ và đoạn kết bao giờ cũng là chỗ gây bất ngờ, tạo nên sự cuốn hút, sức gợi mở và lan tỏa cho người đọc như thơ vậy.

THANH QUẾ

(nguồn: NGUYỄN KIM HUY VÀ NHỮNG NỖI BUỒN TINH KHIẾT –
 Báo Đà Nẵng Cuối tuần – 2011;
Tuần báo Văn nghệ số 46 (2700)- 12.11.2011;
NHỮNG GƯƠNG MẶT NHỮNG CẢM NHẬN
Chân dung và phê bình văn học, THANH QUẾ – NXB Đà Nẵng,  2011)


Địa chỉ liên hệ :
Nguyễn Kim Huy
Tổng biên tập
Nhà xuất bản Đà Nẵng
Lô 103 – Đường 30 – 4 – TP Đà Nẵng
ĐT: 0913.405.405
Email: kimhuy1962@gmail.com


Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 1 

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 2

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 3

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 4

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 5

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây