Hồng Thanh Quang: Riêng gì mấy khúc rong chơi – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Hồng Thanh Quang: Riêng gì mấy khúc rong chơi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

 Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Đời người mây nổi

Đời ta sóng chìm

Không thành lặng im

Vỗ vàng bờ cát

Ai chung chiêng câu hát

Ta mái chèo khua trăng bạc trăng vàng

Rong chơi đến tận lỡ làng

Còn sang kiếp khác gảy đàn phiêu ly

        (Khúc rong chơi)

Những dòng thơ trên tôi viết cách đây độ mươi năm, nào nghĩ đến riêng tặng nhà thơ Hồng Thanh Quang, dù tôi với anh, biết nhau cũng hơn hai mươi năm, từ cái ngày tôi mới binh nhất binh nhì còn anh đã là một nhà thơ, nhà báo vang danh đang giữ chuyên mục rất nổi tiếng của tờ Quân đội Nhân dân cuối tuần – Chuyên mục Nhìn từ Hà Nội. Lại càng không dám làm quen với anh ở những ngày ấy. Tôi bén mảng làm thơ, rồi viết truyện ngắn, tất tật đưa cho nhà thơ Đỗ Trung Lai tùy nghi phán xét, in ấn sử dụng. Thơ gần như bại cả, hình như Đỗ Trung Lai vứt đi hết chỉ in đôi ba bài trong bốn năm năm đã là oách lắm. Truyện ngắn có duyên hơn, có truyện in trang nhất báo Quân đội cuối tuần. Riêng với nhà thơ Hồng Thanh Quang, những lúc ấy tôi thấy anh sao cao xa diệu vợi quá, chỉ sợ anh chê lũ lính tráng đơn vị học đòi viết lách, toàn những Nông Văn Dền viết còn sai chính tả. Cái tạng tôi chắc đến lúc chết vẫn là một gã nông dân.

Nha tho Hong Thanh Quang ao do - Hồng Thanh Quang: Riêng gì mấy khúc rong chơi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hồng Thanh Quang (áo đỏ).

Thế rồi chơi với anh lúc nào không biết, nhiều khi cũng thắm thiết lắm, chuyện gì cũng huỵch toẹt được. Lắm lúc, ngà ngà còn ông ông tôi tôi phán xét văn chương ngang hàng phải lứa cứ nhặng cả lên. Cơ mà Hồng Thanh Quang dường như không chấp đàn em. Anh gần gũi và có khi nuông chiều đàn em vì một lẽ khác mà tôi không biết chăng? Năm tháng thời gian đi qua, những gì lứa chúng tôi nghĩ về anh, về cuộc đời dài rộng, về văn chương dường như đã khác. Nó gần hơn, đớn đau dằn vặt hơn. Riêng tôi, càng như thấy mình nhỏ bé và lười nhác.

Những câu thơ rong chơi đã cũ trong đời sống sôi sùng sục từng ngày. Những ngày tôi còn ở truyền hình, có bất kỳ điều gì cần ới Hồng Thanh Quang đều được anh nhiệt tâm nhập cuộc. Mời anh dẫn một chương trình về văn học nghệ thuật. Mời anh là thành viên trong một bàn tròn văn chương. Phỏng vấn anh trong phim này phim khác, Hồng Thanh Quang thảy đều vui vẻ nhận lời. Nhiều lúc anh còn bày nghề cho tôi với một sự hớn hở đáng yêu. Trong nghề nghiệp, Hồng Thanh Quang là người thẳng thắn, luôn đá bao sân với những người cộng tác. Năng lực làm việc của anh thôi khỏi bàn nhưng ở đâu ra cái năng lực cuồn cuộn ấy đã khiến tôi không ít lúc phân vân. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, trong đầu óc Hồng Thanh Quang là rất nhiều những khoang riêng biệt nhưng thông nhau. Nào khoang kinh tế, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật bao gồm dịch thuật, quốc phòng an ninh bao gồm trong nước ngoài nước, thân phận con người bao gồm góc tối góc sáng, bạn hữu bao gồm đa giới tính đa tuổi tác, và yêu đương em ún nữa… luôn được anh tường minh và trộn lẫn một cách chỉ có ở Hồng Thanh Quang.

Khi anh rời quân đội sang công an, rồi sau đó chuyển sang làm Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết, mọi người thế nào không biết tôi lại thấy mừng. Tôi cho đó là một quyết định sáng suốt của anh. Tôi từng có những quyết định khó khăn như đang ở truyền hình thời thượng đùng cái rút hẳn sang chuyên biệt văn chương thấy nhẹ nhàng và vô cùng thanh thản. Đã thế còn rủng rỉnh tiền bạc, con cái, việc họ hàng. Hồng Thanh Quang đến một chỗ sôi hơn, lúc nào cũng như một chiếc nồi áp suất với đủ thứ quặng ninh nấu thập diện phục vụ người đời. Nhưng tôi đoán chắc anh đã thanh thản trong cõi sôi sùng sục ấy. Hồng Thanh Quang như một con lạc đà lôi kéo đủ thứ lỉnh kỉnh chất ngất tai ách, lưng bướu gập ghềnh trên sa mạc chẳng qua cũng là tạo hóa sử dụng triệt để nguồn năng lượng đã ban phát cho anh. Cho đi thì phải lấy lại cũng là chuyện bình thường. Không thể hình dung một Hồng Thanh Quang đơn điệu khép mình tám tiếng nơi công sở.

Hôm gần đây, trong một cuộc trao giải của báo Nhân dân, tôi thấy anh lên giao lưu cùng nhân vật của mình, hai con người phải nói đã thành danh nhưng khá kỳ lạ là họ giống nhau ở sự bộc trực, ở cái cách ăn nói sát ván. Tôi nghe anh nói đại ý học tập gì thì học tập, làm gì thì làm cứ phải là làm tốt, làm đến nơi đến chốn, làm một cách tử tế ngay chính cái bổn phận của mình. Không biết mọi người để ý không riêng tôi thấy anh đang tự nói với chính mình. Cái cách nói của Hồng Thanh Quang cũng lạ, lúc nào cũng như khuyên răn ai đó nhưng kỳ thực chính là anh khuyên răn anh, tự mình khuyên mình, tự mình uốn nắn mình trên quãng đường xa dặm thẳm.

Nha tho Hong Thanh Quang ao trang - Hồng Thanh Quang: Riêng gì mấy khúc rong chơi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hồng Thanh Quang (áo trắng).

Tôi cũng không thấy ai thật thà như Hồng Thanh Quang. Yêu nói yêu ghét nói ghét thẳng băng ruột ngựa. Trong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ đích thực ít biết nói dối nhất. Càng những ông thơ hay càng ngô nghê thật thà. Nhưng cái kiểu thật thà của Hồng Thanh Quang đàn ông như tôi thì thích nhưng liệu đàn bà phụ nữ có thích không? Điều này tôi không dám võ đoán nhưng chỉ cần đọc thơ anh từng giai đoạn thì những người khờ khạo cũng có thể đoán được. Thơ Hồng Thanh Quang, dù ở khúc nào cũng luôn thấy sự thật thà nổi hằn lên. Thật thà một cách đau khổ, chỉ sợ người đời không hiểu hết bản chất thật của mình. Tôi vốn dốt thơ, ngại nhất phải đánh giá thơ một ai đó nhưng không hiểu sao toàn chơi thân với các nhà thơ và phần nào thuộc thơ họ. Tôi thích thơ Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ và Hồng Thanh Quang. Thơ các anh giải quyết những thiếu thốn hạn hẹp và nhất là cho tôi sự tự lượng sức mình.

Anh buồn lắm, bởi vì anh tử tế,

Giữa cơn say anh chỉ nghĩ về em.

Nếu may mắn phút này anh được chết,

Em nghìn trùng nhưng như vẫn kề bên.

 

Anh không ác, thế mà anh rất ác,

Anh yêu em như thù dỗi nhân tình.

Xinh đẹp hỡi, phí đời em quá đỗi,

Anh yêu em cho nát trái tim mình…

(Anh buồn lắm bởi vì anh tử tế)

Lời thơ thật thà quá đỗi, từ câu chữ, ý tứ, vần điệu, nghĩa là mình cũng có thể làm được. Nhưng tôi biết, có vò đầu bứt tai nặn ra chữ nghĩa chắc chắn sẽ rời rông rổng, vô hồn vô cảm. Cái khác người và cái hơn người của Hồng Thanh Quang nằm ở sự thật thà này chăng? Thật thà từ những đớn đau chiêm nghiệm.

Bao nhiêu mây trắng

Thì ra cánh đồng

Bao nhiêu mây vàng

Rỡ ràng mặt ruộng

Bao nhiêu mây đen

Trẫm mình xanh đất

Bao nhiêu nẻo khuất

Phù sa lấp đầy

Đời người ừ nhỉ đời cây

Gió rung thì hát khúc này rong chơi…

    (Khúc rong chơi)

Ừ thì thi sĩ nào chả là một kiếp rong chơi. Với Hồng Thanh Quang cũng không phải là ngoại lệ. Dù lúc nào tôi cũng thấy anh quần quật, làm việc, tiệc tùng, đãi đằng, bang giao, bầu bạn, rượu chè, chân lấm tay bùn mồ hôi mồ kê lắm. Có những cuộc chiều bè bạn chạy sô nhậu nhẹt chỉ có anh mới đảm đương nổi. Không có sức khỏe, không có tấm lòng và đặc biệt là độ rong chơi thì chỉ alô từ chối một cái là xong. Nhưng có lẽ cái kiếp thi sĩ nó phải lang bang, lắm lúc cứ như tự giết mình như thế. Để có thơ hay, những trang văn, trang báo sát sườn, chia sẻ với đời sống của con người đang diễn ra mà anh sống hời hợt cầm chắc là không bao giờ có. Quăng quật vào đời sống, những ngóc ngách, tị nạnh, ganh ghét, khoáy ngang khoáy dọc, oan khuất của cuộc đời phải là cái một nhà văn, một thi sĩ không được hãi sợ, càng không được đầu hàng, thỏa hiệp. Chúng ta hãy hiểu làm kẻ ác khó nhọc vô cùng và đương nhiên cái vế sau của nó, cái vế làm người lương thiện ấy cũng chẳng dễ dàng gì, cũng năm ăn năm thua, tai bay vạ gió, cũng quần quật như nhau.

Nha tho Hong Thanh Quang tai phong lam viec cua nha van Phung Van Khai - Hồng Thanh Quang: Riêng gì mấy khúc rong chơi - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hồng Thanh Quang (giữa) tại phòng làm việc của nhà văn Phùng Văn Khai.

Một mình ta cũng đủ chật ta rồi. Người hiền lương cũng ngạo nghễ, khinh thị ngạo vật như thường đấy thôi. Cho nên cũng đừng nên trách cứ sự tối tăm dốt nát ở xung quanh một cách quá nặng nề. Cuộc sống luôn ở phía trước. Phía trước là bầu trời với những ô cửa mở. Phía trước là gia đình và những đứa con, bạn bè và những quyển sách đang viết, những người con gái dịu dàng sẽ gặp, những nhân cách đáng kính còn chưa biết thảy đang ngân nga vẫy gọi. Những gì ở phía trước đáng quý xiết bao. Như anh từng tự răn mình:

Hãy sống

không lụy người trên

không chèn kẻ dưới

 

Hãy sống

như lời ru của mẹ,

như con chuồn chuồn

đạp nước

rồi bay… 

            (Hãy sống)

Tôi luôn cho rằng, dù ở thời điểm nào, tất cả chúng ta đều bình đẳng trong sáng tác văn học. Trong cuộc sống hôm nay, càng những người chân chính, chuyên tâm, bền gan, đói khát khổ sở vì sáng tác dường như lại luôn dằn vặt nhất. Đó là anh không có quyền viết như người khác, không có quyền lặp mình, lặp người, lại càng không có quyền không viết gì cả. Trong các sáng tác, từ riêng biệt của mỗi cá nhân, chính các thi sĩ chứ không phải ai khác đang chịu một sức ép ghê gớm, khốc liệt từ cá tính sáng tạo, sản phẩm sáng tạo của mình. Đã khổ sở với nó từ quãng đầu cầm bút mà nó không buông tha cho từ nay về sau, khi nhà văn ấy còn cầm bút. Nói thế để thấy, tìm sự an nhàn trong nghề viết đối với những thi sĩ quả là không tưởng vậy.

Bởi thế, hãy cho phép tôi được tạo ra, tưởng tượng, hình dung về tâm tư, hành trạng của những bậc đàn anh cầm bút, mà Hồng Thanh Quang là một điển hình. Không riêng gì đâu những khúc rong chơi tưởng tượng vốn bèo bọt và thường chóng rơi vào quên lãng. Phía trong anh, ở nơi sâu kín nhất, nơi đôi khi anh cũng còn chưa khám phá hết thì cơ bản vẫn là những day dứt, dằn vặt, luôn như những thứ nợ không sao trả hết của một trái tim đau.

Xin được tặng anh khổ cuối để trọn vẹn Khúc rong chơi.

Thời gian xô lệch bên bồi

ngậm ngùi bên lở

không thành Trương Chi ngậm cười đáy chén

cát trắng lặn đáy sông sâu

ta về ngậm hạt mưa ngâu

ái ân vạt áo qua cầu gió bay…

  P.V.K

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây