Tác giả Lâm Vinh

Tác giả Lâm Vinh

Tác giả Lâm Vinh

THÔNG TIN CÁ NHÂN

     Năm sinh; 1936
    Tên thật: Lâm Quang Vinh
    Quê quán: huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
    Hiện sống tại: Thành phố Hồ Chí Minh.
    Nghề nghiệp cơ bản: dạy học.
    Học vị: Tiến sĩ khoa học Ngữ văn.
    Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
    Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
    Hội viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

HỌC TẬP – CÔNG TÁC

– Học tập: Tiểu học An Phước, Ecole des garcons de Tourane, Trung học Phan Châu Trinh, Đại học Sư phạm Hà Nội.
– Dạy học và quản lý: Sư phạm Sơn La, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Trường Văn hóa cán bộ Khu tự trị Thái Mèo (Tây Bắc), Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ, Phó khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Văn hóa học, khoa Mỹ thuật Công nghiệp (hệ trung cấp), Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật học Đại học Văn Hiến.

NGHIÊN CỨU – SÁNG TÁC

– Văn học và các loại hình nghệ thuật (luận văn cấp I – sau đại học), Đại học Sư phạm Hà Nội, 1972.
– Đi tìm cái đẹp (2 tác giả), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.
– Lý luận văn học so giản (Tập thể bộ môn), Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.
– Vàng trong lửa (Luận văn biên soạn về Hồ Chủ tịch, cố vấn: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng), Ban KHXH Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
– Mỹ học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, in 5 lần: 1982, 1997, 1998, 2000, 2001.
– Mỹ học đại cương (3 tác giả), Nxb VHTT, 1994.
– Nghệ thuật học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
– Hoa mai và mặt trời (Biên soạn về Hồ Chủ tịch), Nxb Thời đại, 2010.
– Các bài nghiên cứu cơ bản in tạp chí , kỷ yếu: Nhạc và thơ, Thơ Tagore, Mỹ thuật đương đại, Mô hình thi pháp…
– Sáng tác thơ: in trên Tạp chí Văn nghệ, Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, 100 thơ Đất Quảng…

KHEN THƯỞNG

– Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2011).
– Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng 2.

LIÊN HỆ

Điện thoại: 0913.609.111
Email: lavintmh@gmail.com
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu tiểu luận “Tâm thế tự do – Quy luật và điều kiện sản sinh nghệ thuật” trong cuốn sách “Văn học nghệ thuật và chức năng” (sắp xuất bản) của tác giả.
                                                                                      vansudia.net

IMG 0208 1 - Tác giả Lâm Vinh

Nghiên cứu Mỹ học – Nghệ thuật học

TÂM THẾ TỰ DO – QUY LUẬT
VÀ ĐIỀU KIỆN SẢN SINH NGHỆ THUẬT

TS. LÂM VINH

Lời chú:

Đây là bài trích trong cuốn sách sắp xuất bản “Văn học nghệ thuật và chức năng” của tác giả Lâm Vinh. Cuốn sách viết về hành trình khám phá đặc trưng bản chất của Văn học nghệ thuật.

Phần đầu của cuốn sách, tác giả xác định ba bậc thang thẩm mỹ hóa: thẩm mỹ – phi nghệ thuật, thẩm mỹ – nghệ thuật lưỡng tính, thẩm mỹ – nghệ thuật đơn tính. Các hình thái thẩm mỹ này tồn tại cả hai chiều đồng đại và lịch đại. Phi nghệ thuật là các đối tượng đẹp nhưng chưa thành nghệ thuật. Nghệ thuật lưỡng tính là loại nghệ thuật ứng dụng, có hai tính năng: tính năng ích dụng và tính năng thẩm mỹ. Nghệ thuật đơn tính là nghệ thuật chỉ có một tính năng, tính năng thẩm mỹ (còn gọi Nghệ thuật thuần túy). Bài trích đăng ở đây nằm trong phần phân tích những đặc trưng của sự sáng tạo nghệ thuật thuần túy – đơn tính.

Tự do trong sáng tạo nghệ thuật là một khái niệm mỹ học và tâm lý học nghệ thuật, không phải là một khái niệm chính trị – xã hội, hay nói cách khác, đây là tự do mỹ học.

Về mỹ học, đây là vấn đề quan hệ giữa hoạt động thực tiễn và sáng tạo nghệ thuật, tức giữa cái đẹp (le beau) và cái có ích (I’utilité). Về tâm lý học nghệ thuật, đây là một biểu hiện khi tâm thế được giải tỏa bằng thực thi cái đẹp, bằng cảm hứng nghệ thuật.

Tự do mỹ học thể hiện ở các phương diện sau:

  • Tự do được giải tỏa về tâm thần, bằng con đường sáng tạo nghệ thuật:

Khi cảm xúc bị dồn nén, con người tìm cách giải tỏa. Với đời thường, người ta tìm đến trò chơi, giải trí, tìm bạn để thổ lộ, có khi dùng rượu giải sầu, tửu nhập thì ngôn xuất, cũng là giải tỏa. Phương Tây có câu châm ngôn: “In vino verita” tức chân lý từ trong chén rượu mà ra. Còn với nghệ thuật, nhu cầu bộc lộ nếu không được giải tỏa, vì không có không khí, môi trường thuận lợi, thì sẽ không có cảm hứng, và tác phẩm nghệ thuật sẽ không có được, hoặc sẽ không có nghệ thuật chân thành, đích thực. Tâm lý học cho rằng giải tỏa tức là “hé cửa cho vô thức ùa ra”. Nếu vô thức không được tham gia, tất nhiên nghệ thuật đơn tính cũng không thể ra đời.

“Tình cảm của con người cần phải phát tiết, như vui mừng thì phát ra tiếng cười, buồn đau thì phát ra tiếng khóc.

Văn nghệ là biểu hiện tình cảm, chính nó giúp đỡ cho con người tìm được sự thoải mái thích thú hay đúng hơn là phương thuốc giúp con người tìm thấy những niềm vui tươi và né tránh mọi điều phiền đau uất ức ở đời Công dụng của văn nghệ là phát tiết tình cảm” (Chu Quang Tiềm ).[1]

Có những nhà văn đã thổ lộ hiệu quả được giải tỏa này: Goethe dứt bỏ ý định tự tử vì tình, sau khi viết xong tiểu thuyết Werther, P. Loti được thỏa mãn nỗi căm giận một kẻ tình địch khi đã kể được chuyện này trong tiểu thuyết “Nhữngngười đánh cá Ái Nhĩ Lan”. Và, “Bộ Sử ký Tư Mã Thiên” mà các nhà nho vẫn công nhận làm kiểu mẫu văn hay kia, nếu không phải phát sinh từ trong buồng gan uất ức của ông “Thái Sư” thì ở đâu ra? (Đặng Thai Mai).[2]

  • Tự do thực hiện mục đích tự thân của cái đẹp, của nghệ thuật

Những mục đích tự biểu hiện, mục đích tái tạo cuộc sống bằng hư cấu và tưởng tượng, không bị những mục đích khác thuộc cái có ích, chi phối (dùng nghệ thuật để thực hiện những mục đích tuyên truyền, giáo huấn, tín ngưỡng, quảng cáo…). Đây là chỗ phân biệt nghệ thuật đơn tính và lưỡng tính. Nghệ thuật đơn tính chỉ sáng tạo vì mục đích của mình. Nghệ thuật lưỡng tính làm hai chức năng: một nửa là vì cáicó ích (lịch sử, triết học, chính trị, đạo đức), một nửa vì cái đẹp. Do đó không thể có tự do mỹ học trong nghệ thuật lưỡng tính. Nói cách khác, nghệ thuật lưỡng tính chỉ có tự do một nửa. Rất nhiều lần Hegel nhấn mạnh đến tính phi mục đích – có nghĩa là tính sáng tạo tự do của nghệ thuật – để phân biệt nghệ thuật đơn tính và lưỡng tính.

“Nếu như ta bó hẹp mục đích của nghệ thuật vào điều lợi ích, như để giáo dục, thì mặt thứ hai, là khoái cảm, thưởng thức, trở thành không quan trọng (Hegel nhấn mạnh). Như vậy mục đích cuối cùng không nằm ở ngay bản thân nghệ thuật, nghệ thuật trở thành một thứ công cụ, một thứ trò chơi cố ý hay một phương tiện giáo dục đơn thuần”. [3]

Theo Hegel, việc biến nghệ thuật thành phương tiện giáo dục đạo đức chẳng khác nào biến nghệ thuật thành đạo đức, cũng như chính trị hay tôn giáo. Ông nói:

“Ta dễ dàng đồng ý với chỗ về mặt nguyên tắc, nghệ thuật không nên cổ vũ tính vô đạo đức. Song dùng nghệ thuật để biểu hiện tính vô đạo đức là một việc, và không biến nghệ thuật thành đạo đức lại là việc khác”. [4]

Vậy là tính minh họa của nghệ thuật ứng dụng là một đặc tính không thể tránh được xét từ trong chức năng hai mặt của nó, và đúng như Hegel đã nói, ngoài những nội dung minh họa ra, những yếu tố khác là thứ yếu. Hegel khi phân tích nội dung tôn giáo trong thần thoại cũng nói như vậy. [5]

  • Tự do về mặt tinh thần và tình cảm, không lệ thuộc và bị chi phối bởi bất cứ mục tiêu vật chất và lợi ích thực dụng nào

Một cách nói khác, tự do là vô tư về nhu cầu sáng tạo và thưởng ngoạn, là tính trong sáng, thuần khiết, trong cảm xúc nghệ thuật, không để nhu cầu sử dụng, khai thác, hủy hoại lấn át nhu cầu thưởng ngoạn, không để nhục cảm lấn át mỹ cảm, trước những đối tượng thẩm mỹ.

Tình cảm của người lái buôn bị lệ thuộc vào giá cả lời lỗ, không còn tự do thưởng ngoạn vẻ đẹp của những hòn đá quý:

“Người lái buôn khoáng sản chỉ nhìn thấy giá trị thương phẩm của khoáng sản, chứ không nhìn thấy vẻ đẹp cũng như bản chất đặc biệt của khoáng sản” (Marx, 1b).[6]

Tự do mỹ học, tự do nghệ thuật còn là sự dị ứng với đồng tiền. Từ thế kỉ XVII, Boileau viết:[7]

“Nhưng cuối cùng vì túng nghèo người ta trở nên đê tiện. Giới làm thơ quên mất sự cao quí nguyên sơ của mình. Các bộ óc bị lòng ham muốn kiếm tiền nhiễm độc. Thế là tác phẩm của họ bị thứ văn chương nịnh hót hèn nhát làm cho dơ bẩn. Khắp nơi hàng nghìn tác phẩm vô giá trị đã được sản sinh ra. Người ta, người ta buôn bán đầu cơ văn học.

Đừng tự làm mất danh giá vì cái tính xấu quá thấp hèn ấy. Nếu vì có sức quyến rũ không gì cưỡng nổi đối với anh thì anh hãy tránh xa những nơi xanh tươi có dòng nước mát chảy qua đi. Làm gì có của cải trên bờ con sông ấy. Với những tác giả thông thái cũng như đối với những chiến sĩ vinh quang, Apollon chỉ hứa cho một vòng hoa và một chút vinh dự mà thôi”. [8]

Hegel cho rằng, con người sẽ không có tự do, khi bị “những hứng thú cá nhân nhỏ hẹp và vô nghĩa của dục vọng cầm tù”. Điều này thể hiện khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật, có ý đồ sử dụng chúng, tiêu thụ chúng; xem chúng như những đối tượng “chỉ tồn tại để bị hủy diệt và sử dụng”. Con người – một chủ thể nghệ thuật chỉ được tự do khi biết “cho phép các tác phẩm nghệ thuật tồn tại tự do với tính cách một đối tượng tồn tại vì nó, độc lập, và nhìn nó lòng không nảy sinh một dục vọng gì hết”.[9]

Và không phải ngẫu nhiên, mỹ học chỉ thừa nhận hai giác quan là thị giác và thính giác mới thực sự là cơ quan thụ cảm cái đẹp và nghệ thuật. Các giác quan khác (khứu giác, vị giác, xúc giác) chỉ là cơ quan thụ cảm gián tiếp, thông qua trí tưởng tượng. Hegel cho rằng chúng “không tham dự vào việc thưởng thức nghệ thuật”, chúng “chỉ tiếp xúc với yếu tố vật chất với tính vật chất”, chỉ tạo ra “những cảm giác bên ngoài không phải là cái đẹp trong nghệ thuật”.[10]

Điều này rất dễ nhận thấy, khi ta so sánh hai loại tác phẩm nghệ thuật đơn tính và lưỡng tính. Cùng thể hiện những đối tượng là thức ăn, hoa quả trong những bức tranh hội họa vẽ tĩnh vật không nhằm gây hứng thú về ăn uống, kích thích nhu cầu sử dụng chúng, mà chỉ có sự thưởng ngoạn vẻ đẹp, gợi tình yêu cuộc sống. Nhưng những tranh vẽ và hình chụp quảng cáo các thứ bánh kẹo và hoa quả nhằm mục tiêu khác, cố làm cho người ta chú ý vẻ ngon lành hấp dẫn của chúng, khiến cho người ta muốn mua chúng về để sử dụng.

Cũng như vậy, vẫn cần phân biệt cảm giác nghệ thuật – mỹ cảm chân chính và cảm giác bản năng – nhục cảm trong sáng tác và thụ cảm nghệ thuật. Ca ngợi vẻ đẹp cao quí, công trình hoàn thiện của tạo hóa, là thân thể con người, những tượng thần nam, nữ của Hy Lạp cổ, mà Marx cho rằng cho đến nay vẫn là “những mẫu mực nghệ thuật vô song”; nhiều tác phẩm hội họa Phục hưng và cả sau này, đều thể hiện hình tượng con người đẹp khỏa thân. Trong văn học, mỗi nhà văn nhà thơ một bút pháp, đã miêu tả vẻ đẹp đó (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, và Bích Khê) nhưng trong sáng tác và thưởng ngoạn đề tài này, không ít trường hợp, như Hegel đã nói, có “cái quan hệ thấp hèn nhất và ít thích hợp nhất” đối với tác phẩm nghệ thuật, vì đánh mất tính vô tư và tự do mỹ học.[11]

Trong tiểu thuyết của nhà văn Mỹ “Bức họa Maja khỏa thân” nhân vật họa sĩ khi bị tòa án giáo hội gán tội đã chống lại thượng đế – vì vẽ tranh đàn bà khỏa thân gieo rắc rối lối sống đồi trụy – đã trả lời trước tòa như sau:

Sự dâm ô đồi trụy và những điều tội lỗi xấu xa chỉ có trong nhận thức của người xem tranh. Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm của tạo hóa. Còn cái ý thức hổ thẹn vì sự trần truồng ấy là sản phẩm của tính gian manh.

  • Tự do, có nghĩa là có thời gian riêng có không gian riêng, nhưng quan trọng hơn cả, là khoảng không gian yên ổn trong tâm hồn.

Sáng tác nghệ thuật, trong nguồn gốc cổ xưa, dưới hình thức sáng tạo thẩm mỹ, đã từng là những hình thức trò chơi, vui đùa giải trí đề vừa vui sống thư giản và giải tỏa sinh lực thừa của con người. Do đó về bản chất và nguồn gốc, nghệ thuật là hoạt động tự do. Từ thuở đó, văn, dù văn của tứ thư ngũ kinh, cũng là việc rảnh rỗi, như lời dặn học trò của Khổng Tử: Hành hữu dư lực tác dĩ học văn (Nếu hành đạo còn dư sức thì hãy dùng nó để nghiên cứu văn – Luận ngữ).

Con người ta có thể hiểu khác nhau về hạnh phúc và bất hạnh, cũng như “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do”. (Hồ Chí Minh – Nhật ký trong tù)

“Mục đích tối hậu của con người là mưu cầu hạnh phúc mà hạnh phúc là gì, chẳng qua chỉ là một hoạt động không bị trở ngại và quấy rối”. (Aristotle)

Có lẽ đối với nghệ sĩ đích thực, hạnh phúc lớn nhất là được tự do để sáng tác và được sáng tác tự do. Trước hết là có thời gian tự do – thời gian của riêng mình, tiếp đó là có một nơi để ngồi viết, không bị quấy rối. Nhưng cả hai điều kiện đó, đều chưa phải quyết định. Nhiều trường hợp tác phẩm ra đời trong những giờ phút bận rộn, công việc làm ăn kiếm sống thật vất vả, và tất nhiên, người ta có thể viết cả trên đầu gối giữa cảnh eo sèo ngổn ngang. Rất nhiều thơ ca đã ra đời trong tù. Vậy, điều cốt yếu là một tâm thế tự do, một sự tự do về tinh thần, là có được một khoảng không gian yên ổn trong tâm hồn.

Có thể mượn chữ nhàn trong ngôn ngữ Trung Hoa đã được Việt Nam hóa làm một thuật ngữ tâm lý nghệ thuật.

Theo chiết tự, nhàn là một chữ rất đẹp, rất xứng đáng trở thành một thuật ngữ mỹ học. Từ xưa các nhà nho đã đắc ý với hình ảnh tượng trưng của chữ nhàn này, nên đã đặt một câu thành ngữ miêu tả nó: “Nguyệt lai môn hạ nhàn” (Bộ nguyệt 月đặt dưới bộ môn 門 là chữ nhàn 閒. Khi trăng đến dưới khung cửa, đó là nhàn). Những danh sỹ, những nhà thơ cổ kim đều gắn bó với biểu tượng trăng trong khung cửa này…

Nguyệt đáo thư lâu minh chính thu; trăng kề cửa, có đèn treo (Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

(Hồ Chí Minh – Vọng nguyệt)

Nguyệt thôi song vấn: Thi thành vị?

(Hồ Chí Minh – Báo tiệp)

Chữ nhàn mỹ học chỉ hiểu là sự nhàn tâm, không hiểu theo nghĩa thì giờ nhàn rỗi, cũng không hiểu theo nghĩa hưởng thụ (thú an nhàn). Có khi có thì giờ nhàn rỗi, nhưng tinh thần luôn vướng mắc những suy tư nặng nề, thì không phải nhàn tâm. Ngược lại công việc rất bận rộn, nhưng tâm hồn luôn hưng phấn, vô tư, nhạy cảm, vẫn có thời giờ sáng tác, chứng tỏ không có nhàn thân nhưng có nhàn tâm.

Hồ Chủ Tịch có hai thời kỳ làm thơ trữ tình nghệ thuật rất thành công, đó là thời kỳ bị tù ở Quảng Tây và thời kỳ chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ thứ nhất, nhân vị tù trung vô sở vi, bắt buộc phải nhàn rỗi, nhàn thân, nhưng cũng từ đó, ít có những bận bịu lo toan công việc hàng ngày, tinh thần lại ung dung tự tại, tinh thần tại ngục ngoại, do đó có sự nhàn tâm, và hơn một trăm bài thơ trữ tình bằng chữ Hán đã ra đời trong hoàn cảnh tưởng chừng như mất hết tự do đó.

Thời kỳ thứ hai, không có sự nhàn thân, vì công việc lãnh đạo kháng chiến nơi cơ quan đầu não của cả nước, như cụ Bùi Bằng Đoàn đã nói, khi họa thơ của Bác Hồ:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc

Giang sơn vạn lý thủ thành trì

Tri công quốc sự vô dư hạ

Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi.

“Biết người việc nước không hề rảnh”, nhưng lại “Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”. Bao lần tứ thơ nảy ra giữa lúc bận rộn như vậy, khi “việc quân đang bận”:

Quân vụ nhưng mang vị tố thi

Khi “chưa ngủ, vì lo nỗi nước nhà”, khi “trù hoạch canh thâm” mới “tiệm đắc nhàn”.

Nên lưu ý là trong tổng số thơ trữ tình nghệ thuật Hồ Chí Minh viết, kể từ năm 1946, là 23 bài trong đó thời gian 1946 đến 1954 – kháng chiến chống Pháp – 8 năm, có 15 bài, thời kỳ thứ hai 1954 đến 1969 – chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH – 14 năm, có 8 bài. Phải chăng từ 1954 trở về sau, trên cương vị lãnh đạo Đảng và nhà nước, vừa phải lo xây dựng kinh tế – xã hội, vừa đối phó với một cuộc chiến tranh hiện đại và khốc liệt hơn, trong bối cảnh đối ngoại phức tạp hơn, đã thu hút tinh thần của Bác. Bác có thể bận tâm và căng thẳng hơn thời ở chiến khu Việt Bắc, cho nên thơ trữ tình không viết được nhiều bằng thời gian trước “nghệ thuật liên quan tới những giây phút tinh thần nhàn rỗi, thư thái, trong lúc trái lại những quyền lợi trọng yếu đòi hỏi tinh thần phải căng thẳng” (Hegel, III, IA,5).[12]

Điều đó chứng tỏ rằng: có khi có tự do chính trị nhưng không có tự do mỹ học vì tâm thế không được “nhàn”, không thể có cảm hứng nghệ thuật. Trường hợp trên đây của Bác Hò cũng tương tự trường hợp của Tố Hữu (“Làm bí thư hoài có bí thơ”). Và ngược lại, có khi mất tự do chính trị nhưng lại vẫn có tự do mỹ học (trường hợp các sáng tác trong ngục tù  của các các chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng …và Hồ Chí Minh là thí dụ rõ nhất).

Vậy, chữ nhàn theo nghĩa mỹ học, nhàn là điều kiện tự do tâm thần để có được cảm hứng, nó khác với chữ nhàn Lão Trang. Chính chữ nhàn mỹ học này mới xứng được minh họa bằng chiết tự chữ Hán: “Nguyệt lai môn hạ nhàn”.

 Cuối cùng, tự do, với nghĩa thiết thực nhất, là sự bảo vệ quyền tự do công dân của nghệ thuật, trước sự kềm tỏa hoặc sai khiến của các loại quyền lực hữu hình và vô hình. Điều này những nghệ sĩ vĩ đại đều đã trải qua và có nhiều kinh nghiệm. Có thể dừng lại và suy nghĩ trên những dòng nhật kí sau đây của Beethoven: “Tự do trên hết. Dù có đứng trước một ngai vàng cũng không bao giờ phản bội sự thật”.

LV

[1]Chu Quang Tiềm: Tâm lý Văn nghệ, Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr99

[2] Đặng Thai Mai: Văn học Khái luận, Liên hiệp xuất bản cục Sài Gòn, 1950

[3]F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[4] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[5] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[6] Marx: Về Văn học và Nghệ thuật, Nxb Sự Thật, HN, 1977

[7] N. Boileau: Nghệ thuật thơ ca, Nguyễn Trúc dịch, Tư liệu Thư viện ĐHSP Hà Nội

[8] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[9] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[10] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[11] F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

[12]F.V. Hegel: Mỹ học (bản roneo), Hà Nội, 1973

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây