Những mẩu chuyện của tôi – Tác giả Trần Sỹ Kỳ

Những mẩu chuyện của tôi - Tác giả Trần Sỹ Kỳ
“Những mẩu chuyện của tôi” - Tác giả Trần Sỹ Kỳ

Đọc “Những mẩu chuyện của tôi” của Trần Sỹ Kỳ

Tôi biết anh Trần Sỹ Kỳ một cán bộ năng nổ, nhiệt tình và rất có tâm với các đối tượng chính sách gia đình có công và thương binh liệt sĩ từ thời tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Người có rất nhiều năng lượng, lúc nào cũng đổ mồ hôi vì sốt sắng lo lắng công việc đền ơn đáp nghĩa.

Quê ở Quế Hiệp, Quế Sơn, Quảng Nam, con liệt sĩ mồ côi, từng là học sinh miền Nam trên đất Bắc, thấu, thấm hiểu nỗi niềm và thiệt thòi của các đối tượng chính sách nên anh chịu thương, chịu khó xăng xái lao vào công việc, không từ nan, không bỏ sót lọt từng cá nhân, tập thể được hưởng quyền lợi của người hy sinh, tận hiến, người có công trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

17 mẩu chuyện anh ghi chép là người thực, việc thực của một cán bộ làm một công tác rất đỗi thiêng liêng: Phục vụ các đối tượng chính sách một cách tận tụy, tâm huyết, chỉnh chu.

Lại biết Trần Sỹ Kỳ là hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng hiểu nhiều hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo, có nhiều đối tượng chính sách vô tình hoặc cố ý bị bỏ quên, anh đều sâu sát kiểm tra và mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo xét duyệt. Với cái tâm và cái tầm phụng sự, anh miệt mài, mẫn cán thực hiện có hiệu quả cao với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Là cán bộ hành chính, nhưng anh lại làm nhiều công việc ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Về hưu, anh nhiều lần cùng tôi đi khắp các cơ quan, đơn vị ở Quân khu 5 vận động kinh phí xây dựng đền thờ liệt sĩ là cán bộ, bộ đội quê ở ngoài Bắc hy sinh nằm lại ở Suối Tiên, Quế Hiệp quê anh.

Nhiều đối tượng chính sách đều xem anh như một ân nhân thân thiết, còn anh thì cứ cười khà khà khiêm nhường: Đây là bổn phận của người làm công tác chính sách thôi mà! Ai ở vào vị trí của tôi cũng làm như rứa!

Xin mời quý độc giả hãy dành thời gian đọc “Những mẩu chuyện của tôi” để hiểu thêm về công việc nhọc nhằn, tâm huyết mà hết sức cao quý thiêng liêng của anh.

“Những mẩu chuyện của tôi” nhưng là của cả xã hội. Vâng cả xã hội, cả hệ thống chính trị và toàn dân, nên cần phải làm công tác chăm lo đền ơn đáp nghĩa theo tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đó chứ!

“Những mẩu chuyện của tôi” là những mẫu gương sáng của nhà thơ Trần Sỳ Kỳ cần nhân rộng, học tập.

19/5/2022

Nhà thơ, nhà báo LÊ ANH DŨNG

 

Nhung mau chuyen cua toi Nha tho Tran Sy Ky - Những mẩu chuyện của tôi - Tác giả Trần Sỹ KỳNhững mẩu chuyện của tôi – Trần Sỹ Kỳ

 

TÌM MỘ CÁC LIỆT SỸ

Tôi đi công tác một tuần về thì anh Xuân trưởng phòng Thương binh – Liệt sỹ – Người có công nói, bác Bốn Hương (bác Vũ Trọng Hoàng) qua tìm em mấy lần và nhắn khi về qua bác có việc cần. Sắp xếp công việc sau đợt công tác tạm ổn tôi qua nhà bác đường Lê Duẩn – Nguyễn Thị Minh Khai xem bác hỏi có việc chi. Vừa vào nhà bác bảo trưa nay ăn cơm với nhà bác, bác gái vừa đi chợ. Tôi nóng ruột hỏi bác xem có việc gì mà bác nhắn qua. Bác bảo từ từ có nhiều việc lắm. Sau khi uống nước bác bảo chuẩn bị đi Tây nguyên với các bác một chuyến, thời gian trên tuần. Tôi hỏi đi làm gì ạ. Bác bảo đi tìm mộ các đồng chí: Nguyễn Thành Hãn, Võ Ngọc Mai và Trần Kiểu, hy sinh năm 1942 tại nhà lao Buôn Ma Thuộc. Bác bảo tôi chuẩn bị sao lục hồ sơ các liệt sỹ để bác xem trước, thảo công văn trình giám đốc sở ký xin xe, kinh phí ăn ở đi về… Làm công văn trình Tỉnh ủy, ủy ban tỉnh gửi Tỉnh ủy, ủy ban tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ Đoàn trong việc tìm kiếm mộ các đồng chí trên.

Tôi dạ và thưa với bác là bác đã nói với anh Hường Thắng Giám đốc sở chưa, bác bảo rồi, anh Thắng rất ủng hộ, bác cháu ta lên phương án trước đâu vào đó bác sẽ làm việc lại với các ngành của tỉnh. Tôi nói sao bác không nói các anh chị trưởng phó phòng chuẩn bị, bác bảo anh Thắng sẽ giao cho cậu đó, cậu chuẩn bị để khỏi bị động.Tôi dạ làm theo những gì bác dặn.

Tôi về sao lục hồ sơ các liệt sỹ trên, không ngờ liệt sỹ Trần Kiểu là bác họ mẹ tôi, bác Kiểu có một con gái ra Bắc năm 1954 là học sinh miền Nam, bác bị Pháp bắt năm 1940 cùng nhiều người ở quê tôi, bác hy sinh năm 1942. Bác Võ Ngọc Mai quê Đại Lộc, gia đình hiện không còn ai. Bác Nguyễn Thành Hãn quê Duy Sơn, Duy xuyên là cán bộ cao cấp, là thân sinh của cô Thanh Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Tôi sao hồ sơ tóm tắt vậy để báo cáo bác Bốn đồng thời làm các công văn cụ thể để bác xem và sửa chữa cho chính xác phù hợp. Xong các công việc chuẩn bị bác Bốn cùng lành đạo sở, phòng Thương binh – Liệt sỹ – Người có công gặp mặt tại sở để thống nhất thời gian, phương tiện, kinh phí, thành phần đi… Sau khi bàn và thống nhất thời gian đi là vào tháng 3/1991, thành phần đi có: Bác Bốn Hương, bác Võ Văn Đồng, bác Đại tá Trần Quang Hải là con rể bác Hãn, Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng cử chị Lưu, Sở LĐTBXH cử đ/c Kỳ và lái xe mượn hoặc thuê.

Các công văn tôi thảo gửi các nơi được bác Bốn xem và sửa xong chuyển cho Giám đốc xem sửa, Văn phòng đánh máy trình Ủy ban ký. Riênghai công văn xin kinh phí và phương tiện Giám đốc Sở ký gửi Ban Tài chính quản trị Tỉnh uỷ, Sở Giao thông Vận tải tôi phải hoàn chỉnh và trực tiếp cầm đi gửi tận các nơi. Về kinh phí sau khi có bút phê của Phó Bí thư Tỉnh uỷ, tôi mang qua gặp chú Nguyễn Thành Long Trưởng ban tài chính Tỉnh ủy, ông xem xong hỗ trợ được 6.000.000 đồng. Về phương tiện Sở Giao thông Vận tải bác Phạm Bá Bổng Phó giám đốc ghi chuyển anh Cơ giải quyết, tôi mang công văn này đến gặp anh Cơ giám đốc công xe khách, anh hỏi thời gian, số người đi… rồi anh nói tính ra chi phí tất cả xăng xe, ăn ở của tài xế hết khoảng 2,5-3 triệu, rồi anh duyệt hỗ trợ 3.000.000 đồng. Anh nói xe bên vận tải khách ngại chở hài cốt nên công ty hỗ trợ tiền để Đoàn thuê xe. Thế là phải đi tìm xe nơi khác. Theo bác Bốn xe 12 chỗ bảo đảm đi về an toàn có điều hoà… Hồi đó thuê xe còn khó, đặc biệt xe chở hài cốt, tôi qua công ty vận chuyển du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng thuê và rất may có anh Trương Huệ lái xe công ty là học sinh miền Nam đồng ý đi dù biết là đi tìm và vận chuyển hài cốt liệt sỹ.

Công việc cơ bản xong, Tỉnh ủy Đắk Lắk trả lời công văn sẽ đón tiếp và hỗ trợ Đoàn chu đáo. Ngày đi xe đón bác Đồng đường Lý Tự Trọng – Lê Lợi, đón bác Bốn đường Nguyễn Thị Minh Khai, bác Trần Quang Hải đường Phan Bội Châu xong vào Tam Kỳ ăn sáng đón chị Lưu vì chủ nhật chị về quê do chồng chị bộ đội Chiến trường K về thăm nhà.

Bác Bốn và bác Đồng từng là lãnh đạo cao cấp nay nghỉ hưu nên trên đường đi các bác muốn ghé vào thăm lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định nên đi thong thả vào Sa Huỳnh ngủ lại sáng hôm sau đi tiếp. Chủ yếu tôi đi là phục vụ các bác đồng thời lo các thủ tục về liệt sỹ, anh Hường Thắng nói vậy khi giao nhiệm vụ.

Xe du lịch còn mới, lái xe lại quen đường nên ngày đi thứ ba đã đến thành phố Buôn Ma Thuộc sớm, được văn phòng ủy ban đón đưa về nhà khách nghỉ. Vinh dự cho Đoàn là được ưu ái bố trí vào Khu Biệt Điện của Bảo Đại ăn nghỉ và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk ngay tại đó luôn. Đêm đầu tiên ngủ tại nhà khách chị Lưu thấy điều vô cùng bí ẩn. Sáng hôm sau chị nói với tôi và Huệ là tối qua chị thấy linh lắm không biết có nên nói với bác Bốn không. Không biết do đi xe đường dài mệt hay ở nơi lạ mà khoảng 1-2h sáng chị thấy một bác khoảng 40 tuổi gọi chị dậy và nói: “Bác là bác Hãn đây, bác ở đây với bà con Tây Nguyên mấy chục năm rồi dời bác về làm gì”, chị thức giấc và không ngủ lại được cho đến sáng. Lúc ăn cơm trưa tôi hỏi bác Bốn khi bác Hãn bị Pháp tử hình khoảng bao nhiêu tuổi, bác Bốn bảo khoảng bốn mươi tuổi, chị Lưu nói đúng y vậy, người nói với chị chừng tuổi đó cao to trắng trẻo, hình dáng giống thầy giáo và bác Hải xác nhận bác Hãn nguyên là thầy giáo. Từ đó về sau làm việc gì tôi, Huệ và chị Lưu cũng lo và cẩn thận.

Sáng hôm sau Đoàn họp với lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk có chú Chín Cần ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, anh Ba Oanh Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy và nhiều lãnh đạo khác. Trưa tiếp cơm Đoàn có chú A Ma Bui Chủ tịch tỉnh, buổi sáng làm việc ông bận họp. Một điều kỳ diệu nữa là khi cuộc họp bắt đầu được chừng hơn giờ thì thấy bác Trần Viện gõ cửa bước vào, mọi người dừng họp và đứng dậy chào bác. Bác Bốn hỏi sao anh biết mà qua đây thì bác Viện bảo: Mấy hôm nay đêm nào ngủ cũng thấy thằng Kiểu (bác Kiểu là em ruột bác Viện) về báo mộng là sao anh không qua Buôn Ma Thuộc cùng với Đoàn ngoài Quảng Nam vào đưa em về quê, nóng ruột quá nên bảo vợ con sắp xếp đưa qua đây, không ngờ đúng vậy. Từ hôm đó bác Viện nhập Đoàn cho đến khi mai táng các bác xong. Một điều thuận lợi nữa là bác Viện cùng bị Pháp bắt giam tại nhà lao Buôn Ma Thuộc với các bác, do có nghề y nên bác Viện được giám ngục giao cho làm y tá chữa bệnh cho tù nhân.

Xác định thời gian ra nghĩa địa tìm mộ các bác xong chị Lưu, tôi và anh Huệ đi chợ mua hai phần gồm hoa quả hương đèn trầu cau rượu bánh… để đến thắp hương đình Lạc Giao và nghĩa địa tìm kiếm mộ các bác. Đình Lạc Giao được các cư dân người Quảng Nam đầu tiên lên lập nghiệp xây dựng từ đầu thế kỷ, bác Viện nói vậy, còn nghĩa địa cũng ở trong thành phố Buôn Ma Thuộc nên thuận tiện việc đi lại tìm kiếm mộ các bác. Khi các bác bị Pháp tử hình bác Viện là người chôn cất song qua năm mươi năm vật đổi sao dời đất trời biến động làm sao xác định được chỗ nào.

Hôm sau đến đình Lạc Giao thắp hương, ngoài Đoàn, đại diện lãnh đạo tỉnh, Sở LĐTBXH, Ban Tuyên giáo tỉnh còn có bác Phạm Tứ – Bí thư thành phố Buôn Ma Thuộc (là người Xã Hoà Phước huyện Hoà Vang), Thủ đình chùa Lạc Giao cùng làm các thủ tục theo phong tục địa phương. Do nghi lễ hơi lâu nên 9h30 phút mới ra được nghĩa địa, trời mùa xuân Tây Nguyên không oi bức nhưng các bác đều lớn tuổi, không thể đi lại nhiều được chủ yếu bác Hải, chị Lưu, anh Huệ và tôi vạch tìm xem các ngôi mộ ở chỗ nào, song làm sao mà tìm được giữa mênh mông mồ mả, hỏi người dân địa phương họ bảo khu mộ thời Pháp nằm sâu phía trong, chỉ đắp đất không xây mả vôi như những ngôi mộ về sau. Gặp đám ma mới thấy người ta đào huyệt rộng và sâu quá tôi thắc mắc thì được giải thích là do đất đỏ bazan có độ hở phải đào sâu và rộng để đổ đất cát chèn xung quanh hơi không bốc lên khi thi thể phân ủy.

Ngày thứ nhất không tìm ra, có người hiến kế quay về nhà lao Buôn Ma Thuộc lục trong tàng thư xem có lưu dấu tích gì về mồ mả các bác không. Buổi chiều gặp và làm việc với lãnh đạo nhà tù, Bảo tàng Tỉnh Đắk Lắk nhưng cũng không lần được mạnh mối nào. Sáng hôm sau lại ra nghĩa địa từ sớm, thủ tục như cũ có thêm gạo muối nổ với lòng mong muốn tìm được các bác đưa về quê an táng để gia đình thuận tiện cho việc hương khói. Bác Viện vò đầu bóp trán nhưng làm sao nhớ được chôn các bác chỗ nào.

Hồi đó theo chỉ đạo của lãnh đạo nhà tù là phải tìm cách đưa ba đồng chí lãnh đạo trong đó có nhà thơ Tố Hữu vượt ngục về hoạt động cách mạng. Vì nhà tù phải ra suối lấy nước sinh hoạt mỗi ngày nên tù nhân thay phiên nhau kéo cái tét to, một người kéo ba bốn người đẩy có một lính pháp theo tháp tùng. Chi bộ nhà tù phân công bác Kiểu và Mai thay phiên nhau kéo, bác Hãn đẩy với một bác Kiểu hoặc Mai nếu không kéo. Quan trọng là làm sao đưa được ba đồng chí vượt ngục vào trong tét trước khi ra suối. Đêm đó có người bí mật mở khoá tét để ba đồng chí chui vào trước, sáng hôm sau cứ thế đi như mọi ngày. Gần đến suối một bác rút một trong những cái chốt của tét vứt ra ngoài nên không thể đưa nước về nhà lao như cũ mà phải quay về nhà lao lấy chốt khác. Khi một trong ba bác về phải có lính Pháp theo giữ, hai bác ở lại giữ tét, nhân đó các đồng chí trong tét ra ngoài chạy trốn. Cuối ngày kiểm tra thấy mất ba người tù, cai ngục tức tối bắt ba bác ra tử hình. Nhà lao buôn Ma Thuộc cũng là nơi Pháp giam giữ bác Võ Chí Công, Chủ Tịch nước, bác Huỳnh Đắc Hương, thứ trưởng bộ LĐTBXH và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của ta.

Buổi sáng ngày thứ hai cũng không xác định được mộ phần cụ thể của các bác, đến trưa về lại nhà khách bàn cách làm sao để trọn vẹn với người đã khuất và nhất là thân nhân người còn sống rằng hài cốt đã được đưa về nên ai cũng cảm thấy bồn chồn lo lắng. Buổi chiều ra lại, bác Viện nói chắc chắn là chôn trong nghĩa địa này khi mai táng bác đã đánh dấu gần cái cây và tảng đá to, nay cái cây không còn nhưng tảng đá to vẫn còn, xác định từng mộ riêng từ trái qua thì mộ bác Hãn, mộ bác Mai và mộ bác Kiểu. Do thời gian quá lâu, khi chôn chỉ đánh dấu trên mỗi mộ bằng phiến đá không tên, nay cố lần tìm các phiến đá đó làm dấu tích để xác định vị trí đào.

Các anh sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk có thuê một số lao động khỏe để đào giúp tìm hài cốt. Nghĩa địa cây cỏ mọc um tùm nhưng các phần mộ khác vẫn có người chăm sóc. Sau khi đã xác định được ba ngôi mộ, việc đào tìm vô cùng vất vả khó khăn, do thời gian quá lâu đất cứng nên phải lần giở từng thớ đất bazan hy vọng tìm được dấu tích gì đó của các bác. Bác Viện nói hồi đó sau khi tử hình anh em mình bọn Pháp bắt tù đưa xác lên xe đẩy ra chôn, phần lớn tù ốm yếu nên không đào huyệt sâu được. Số lao động cứ đào tìm, tôi và bác Hải thắp hương cùng các bác vái tứ phương rằng: Thổ thần thổ địa thần hoàng bổn xứ cho phép Đoàn đưa các đồng chí Nguyễn Thành Hãn, Võ Ngọc Mai và Trần Kiểu về lại quê hương bản quán gia đình tiện viếng thắp hương nhân ngày giỗ, tết. Các đồng chí đã nương nhờ nơi đây trên bốn mươi năm, nay nước nhà thống nhất xin cho được tìm và đưa các đồng chí về… Nghe các bác lầm rầm khấn vái mà lòng tôi xót xa không cầm nổi nước mắt.

Ba chiếc quách với vải áo giấy cát… Ban nghĩa trang Đà Nẵng chuẩn bị từ trước khi xe xuất phát được sắp sẵn. Những nắm đất đen được bốc lên gói lại cẩn thận cho vào quách, dán tên mỗi bác, đưa lên xe về lại nhà khách.

Tối đó Đoàn dùng cơm với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tranh thủ bác Bốn cảm ơn Tỉnh ủy, ủy ban cũng như các ngành đã giúp đỡ để Đoàn hoàn thành công việc phức tạp khó khăn này. Sáng hôm sau Đoàn xuất phát về Quảng Nam – Đà Nẵng.

Kể từ lúc bốc ba chiếc quách lên xe thường xuyên có cắm ba cây hương trên mỗi quách. Bác Hải nói phải giữ cho hương được ngún đến khi an táng các bác tại nghĩa trang quê nhà. Khi xe về đến Hương An, Quế Sơn các anh lãnh đạo huyện Quế Sơn, xã Quế Hiệp đón bác Kiểu đưa về nghĩa trang xã mai táng theo nghi thức liệt sỹ. Bác Hãn và bác Mai đưa về quàn tại hội trường huyện ủy Duy Xuyên, ngày hôm sau bác Mai được đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện Đại Lộc an táng. Riêng bác Hãn là cán bộ cao cấp nên Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập Ban lễ tang và trang trọng an táng bác tại nghĩa trang xã Duy Sơn, nơi bác sinh ra và lớn lên tham gia cách mạng, đó cũng là nguyện vọng của gia đình bác.

An táng bác Hãn xong tôi chạy về quê gặp bác Viện và đưa bác đi thăm bà con trên quê, thăm lại những nơi bác cùng các bác lão thành cách mạng quê tôi nuôi giấu, che chở bảo vệ các bác: Võ Chí Công, Lê Chưởng… trong thời kỳ phong trào cách mạng gặp khó khăn. Gia đình bác Viện là nơi in truyền đơn, hội họp là cơ sở của Tỉnh ủy Quảng Nam, xứ ủy Trung kỳ. Trong chiến tranh nhà bác bị đánh sập không còn gì, hiện nay các anh con của bác làm lại một ngôi nhà nhỏ để lưu niệm. Nhà nước đã đặt Bia ghi công gia đình bác và đặt nơi đây là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Bác Nguyễn Thành Hãn hiện đã có tên đường tại thành phố Đà Nẵng, riêng bác Kiểu và bác Mai chưa thấy các cấp lãnh đạo đặt tên. Ba mươi năm đã trôi qua, bây giờ các bác đã từ trần còn bác Trần Quang Hải lớn tuổi thỉnh thoảng tôi ghé đến thăm bác lúc nhớ lúc quên, chị Lưu về hưu sinh sống tại thành phố Tam Kỳ, anh Huệ và tôi cũng đã nghỉ hưu sống tại Đà Nẵng.

Đưa được các bác về lại nơi quê hương bản quán là sự tri ân ghi nhớ và biết ơn các bậc cách mạng tiền bối, bác Bốn và anh Hường Thắng nói vậy khi họp rút kinh nghiệm chuyến đi, riêng tôi biết ơn và có tình cảm sâu nặng với bác Bốn, bác Đồng, chị Lưu, bác Hải đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ Giám đốc giao.

 

CON TRÂU CỦA DƯỢNG TÔI

Tết Mậu Thân 1968 ba tôi hy sinh, tháng Chạp 1969 mẹ tôi hy sinh. Các anh chị tham gia bộ đội và TNXP, tôi và đứa em gái út còn nhỏ dắt díu nhau nương nhờ hàng xóm. Ngặt nỗi quê tôi là vùng đánh trắng, Mỹ Nguỵ hễ thấy người là bắn dù lớn hay nhỏ. Mọi người ban ngày chạy trốn trên núi, đêm mới xuống làm ruộng khoai… Phần lớn người dân quê tôi bị Mỹ xúc qua vùng địch (là một từ hồi ấy hay gọi). Chỉ những gia đình kiên cường mới bám trụ gọi là (dân trụ bám), ngày nào cũng có người chết, không vì Mỹ phục kích bắn thì cũng bị mìn, pháo, bom… còn bộ đội thì thường xuyên vì nhiều lý do: Lạc đơn vị, đói, sốt rét ác tính… phần lớn các chú đều rất trẻ, vì quê tôi có nhiều núi cao rừng rậm hang trầm khe suối nên có nơi ẩn nấp cho bộ đội, dân công.

Hai anh em tôi chia ra mỗi đứa ở nhờ một nhà rủi có chết thì còn lại đứa kia. Em tôi lúc đó khoảng năm sáu tuổi đêm ngủ thường khóc kêu mẹ, khó chịu cho hàng xóm nên nó về ở với cô Mỹ, dượng Đồng (các con đều chết do bom đạn) tôi về ở với cô dượng Thông và chăm con trâu đực dượng cô gọi là con mạnh.

Mạnh là con trâu to khỏe dượng tôi mua nuôi từ khi nó còn là con nghé. Nó có thể nhịn đói cả ngày không ăn gì vì chạy lên núi trốn Mỹ. Tôi và dượng tìm được gì cho nó cũng ăn như chuối cây, mít già, mít non, lá rừng… đều ăn được. Tôi và dượng thương nó vì quá khôn và hiểu ý chủ. Nhiều lần tôi đang cởi trên lưng pháo bắn tới nổ dồn dập, mỗi lần nghe pháo rít sắp rơi nổ tôi la lên: “Mạnh nằm xuống!” là nó và tôi nằm bẹp, pháo nổ đất bùn văng tung toé, xong lại đứng lên chạy.

Một lần dượng ngồi trước tôi ngồi sau ôm lưng dượng còn đèo thêm hai bao khoai lang, gạo, Mỹ phục bắn đạn bay vèo vèo rát tai, đến đoạn đường hết tiếng súng dượng bảo: “Con thò tay vào túi lấy cái thùng diêm (hộp quẹt lửa) đốt thuốc cho dượng cái” (vì tay dượng bận giữ dây mũi trâu và đồ phía trước), tôi tìm không thấy túi áo, dượng cháu dừng lại tìm thì hỡi ôi túi bị đạn bắn bay đâu mất từ khi nào, hú hồn dượng không bị thương.

Ngày ba mươi tháng Chạp năm 1970 (Tết năm 1971) dượng mua một ký thịt heo kho để sáng mùng một đem về cúng cô tôi (bị pháo bắn chết tháng 4/1970 tại Đồng Tràm cùng bốn người khác). Gần tối nghe bọn Mỹ Lết từ ngoài Sơn Thượng (nay là Quế Thuận) càn vào xóm Cầu, thôn Nghi hạ, mọi người chạy tán loạn, dượng tôi bảo: “Ngoài này có trâu bò con dắt mạnh cho ăn cùng mấy đứa dượng chạy tí, Mỹ đi là dượng về”. Tôi dạ và trong tích tắc Mỹ tràn vào, mặt đỏ gay bặm trợn, súng lăm lăm sẵn sàng bắn. Tôi che hai mắt con mạnh lại và vỗ về bảo nó: “Quỳ xuống, quỳ xuống, đừng sợ đừng sợ”. Nó vâng lời, thở nhè nhẹ cảnh giác Mấy thằng Mỹ khi đi đến gần.

Trời chập choạng tối, tôi thấy thằng Mỹ kéo dượng tôi ngoài đường, tay trói xấp ké bị đánh chảy máu mũi, dượng tôi mới gần bảy mươi mà tóc bạc trắng người thấp lùn. Dượng nói: “Để con và mạnh dưới này dượng lo quá mới dò xuống bị Mỹ nó thấy, con ở đây với bà con, dượng già nó không làm gì đâu”. Tôi nghĩ dượng chỉ nói động viên thôi chứ trong mắt tôi thấy dượng lo lắng lắm, lo cho tôi và con mạnh nhiều hơn là lo cho dượng vì ở đây đất khách quê người làm sao sống nếu không có dượng.

Mỹ đưa dượng đi khoảng mươi phút sau nghe thấy ba tiếng súng nổ, tự nhiên ruột tôi nóng ran như có lửa đốt, bần thần khó chịu, còn con mạnh thì lắc lắc đầu chân dẫm đạp, miệng thở khì khì liên tục. Tôi phải vỗ về và dắt nó cột nhờ trên đường kiệt có cái hầm trâu (là nơi người dân làm để đêm trâu ngủ tránh mảnh bom pháo). Cột xong con mạnh tôi chạy một mạch theo dấu chân Mỹ đi, trời chập choạng tối lại sợ ma tôi chạy nhanh đến khu Gò ma, giếng Lạng, Gò chùa, tôi thấy dượng nằm vắt vẻo trên bờ giếng, chiếc khăn trắng trên đầu rơi ra máu đỏ nhuốm đầy (vì dượng còn để tang cô tôi). Mỹ đã bắn dượng chết. Bây giờ làm sao chôn dượng đây. May sao có bác Năm Điển, anh Bảy Muộn, anh Ba Hào cũng vừa chạy Mỹ lúc nãy xuống, tôi mượn và được mọi người đồng ý đi cùng tôi lên chôn dượng.

Tôi tìm mượn được ba cái cuốc xẻng, xin mấy tấm ny-lông quàn dù mang theo. Đến nơi trời tối đen như xắn ra từng miếng một, mọi người lò mò trong đêm đào huyệt khênh dượng lên quấn quàn dù ở trong áo mưa ở ngoài. Khi khênh dượng vì vừa chết người còn mềm nên đầu cứ ngẹo xuống lại bị bắn vỡ không ai dám bợ, bác Năm Điển nói: “Bốn người hai bên còn thằng Kỳ bơ đầu lên” tôi sợ quá nhưng phải làm chứ biết sao giờ. Vậy là trong khoảnh khắc đã chôn dượng xong.

Đêm đó tôi trải tấm ny-lông nằm dưới hầm khóc, chủ nhà an ủi tôi: “Xoong thịt hồi chiều bác đã hâm lại, con cố ăn chén cơm mai còn lo cho con trâu nữa”. Tôi nằm khóc lo ngày mai không biết sẽ ra sao. Khoảng gần nửa đêm nghe có người kêu to: “Kỳ ơi, con trâu phá chuồng ghê quá”. Tôi phần sợ ma phần chuồng trâu xa không dám chạy đến xem, đành ngồi chờ cho đến sáng. Bình minh vừa rạng tôi chạy đến chỗ con mạnh thì trời ơi nó đã chết từ đêm qua, hai bên bờ đất lở tung toé, chứng tỏ nó đã đập đầu vào tường đất, mắt mở trừng trừng, chân duỗi thẳng, tôi nhào đến ôm đầu nó khóc.

Đêm qua chôn dượng tôi không dám khóc vì sợ tiếng động và lo chôn dượng. Bây giờ nhìn con mạnh nằm bất động tôi thương nó quá. Chắc nó nghĩ dượng tôi chết rồi, tôi không chăm nuôi nổi nên nó cũng chết theo dượng. Không hiểu sao con mạnh có thể đập đầu vào bờ tường đất đá mà chết được. Nó to mập da láng lẫy vậy mà dượng chết khi chiều đến tối nó cũng chết theo.

Từ nay tôi bơ vơ giữa đất khách quê người. Tuy cùng xã nhưng khác thôn, không bà con thân thuộc biết sống làm sao đây. Ai cũng nói con mạnh trung thành với chủ, khi chủ chết nó cũng chết theo, đến khi chết nó không bị thương lần nào dù cả thôn Lộc Đại của tôi không còn một con trâu nào do bị pháo hoặc Mỹ bắn chết. Sáng hôm sau mùng Một Tết, không ai cúng quải gì vì Mỹ còn ở phía trong, tôi chẳng biết làm sao với con mạnh. Tôi cứ ngồi bên nó khóc và vuốt ve đầu, cặp sừng nó. Lúc sau có bác Nhân đến và nói: “Hôm nay mùng Một Tết không ai dám làm và ăn thịt trâu nhưng để đến mai không được, bác có mượn mấy người đến làm, bác và mấy bác sẽ mang đi nhờ bà con ăn giúp, lấy được đồng nào mai con mua lon nếp, con gà nhờ ai đó làm rồi con bưng lên cúng mở cửa mả cho dượng”.

Tôi đồng ý chứ biết làm sao, ngày hôm ấy bà con xẻ bán giúp phần thịt và xương, riêng cái đầu tôi nói không được xẻ bán mà đem chôn giúp vì mắt nó mở trừng trừng không nhắm được dù tôi vuốt ve bao nhiêu lần và nói với nó: “mạnh ơi mày đừng trách tao đêm qua không đến với mày, dượng chết rồi, tối tau sợ ma lắm”. Chiều bác Nhân đến và nói: “Bà con ăn dùm và bác thu được ba ngàn đồng con cất rồi mua các thứ, từ nay con phải tự lo lấy bản thân, nương dựa cùng chòm xóm”.

Hôm sau mùng hai Tết tôi nhờ bà Mới mua và làm một con gà, nấu ba lon nếp, mua hương đèn. Khoảng chín giờ sáng tôi nhờ bác Mông cùng tôi mang các thứ lên mộ dượng,bày ra đất thắp hương và ông vái, đến giờ tôi vẫn nhớ như in trong đầu dù khi đó tôi chưa biết đọc viết: “Vong hồn ông Lê Sóc (Sóc là tên cúng cơm dượng tôi), ông sống khôn thác tiên, chiến tranh loạn lạc ông chết nơi quê người, mong ông yên nghỉ, sau này nước nhà thống nhất cháu nó đưa ông về quê. Thổ thần Thổ địa, Thần hoàng bổn xứ đừng phá ông Lê Sóc cho ông nằm tạm đây, khi nước nhà thông nhất cháu ông đưa ông về quê. Cháu nhớ mai này hết chyến tranh nước nhà thống nhất cháu đưa dượng về quê an táng nghe”.

Chỉ mấy câu nhưng tôi nghe ba lần ông nói đến nước nhà thống nhất. Sau đó thời gian ông cũng mất không biết do già, bệnh tật hay chiến tranh vì một năm sau tôi được đưa ra miền Bắc chữa bệnh học tập. Lời ông dặn tôi đã thực hiện, năm 1980 vừa tốt nghiệp lớp mười hai nghỉ hè, tôi nhờ bà con trong quê và xin cái quách của phòng TBXH huyện Quế Sơn dời dượng về mai táng ngay tại vườn nhà của cô dượng trước đây ở xóm Dưới, thôn Lộc Đại và làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng liệt sỹ cho dượng.

Hồi bác Trần Viện (bạn của dượng) còn sống có nói ông Lê Sóc có đứa em ruột là Lê Tuy, năm 1940 bị Pháp bắt cùng giam ở nhà lao Hội an, Pháp tra khảo đến chết khi chưa vợ con.

Năm 2018 về hưu tôi đã làm ngôi một ngôi nhà nhỏ thờ cô dượng và cả bác Lê Tuy với anh Hai con duy nhất của cô dượng chết do chiến tranh. Mồ mả ba người đã xây xong, riêng bác Lê Tuy không biết chôn ở đâu mà quy về với dượng và cũng chưa làm được liệt sỹ vì không có người xác nhận.

Xóm Cầu năm xưa tôi hay về thăm qua, mấy người lớn tuổi đã mất gần hết, nhiều người là liệt sỹ, thương binh. Về đó ai cũng biết hồi ấy có con trâu trung thành khi chủ mất nó cũng đập đầu chết ngay trong đêm, thật tội. Khúc đường có cái hầm trâu con mạnh chết bây giờ bị lấp mất vì không ai còn đi qua đó nữa.

Xóm Cầu có nhiều đổi thay nhưng mỗi lần về thăm tôi không sao quên được những ngày đen tối đau khổ nhất cuộc đời.

Năm mươi năm trôi qua bây giờ nghĩ lại thấy mình thật may mắn còn sống được nhưng còn bao người đã mất thật xót xa, chiến tranh thật tàn ác.

Lộc Đại, Quế Hiệp
Ngày 30/6/2021

T.S.K

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây