Giới thiệu khái quát huyện đảo Bạch Long Vĩ
Vị trí địa lý và khí hậu huyện đảo Bạch Long Vỹ
Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Đảo có toạ độ địa lý (20o07’35” và 20o08’36” vỹ độ Bắc; 107o42’20” – 107o44’15” kinh độ Đông.
Vị trí địa lý
Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Đảo có toạ độ địa lý (20o07’35” và 20 o08’36” vỹ độ Bắc; 107o42’20” – 107o44’15” kinh độ Đông.. Do vị trí giữa Vịnh (cách Hòn Dấu – Hải Phòng 110 km, cách đảo Hạ Mai 70 km, cách mũi Ta Chiao – Hải Nam 130 km), đảo có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh, có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh – quốc phòng biển của nước ta ở Vịnh Bắc Bộ.
Khí hậu
– Hoàn lưu khí quyển và chế độ gió. Khí hậu Bạch Long Vỹ đại diện cho vùng khơi vịnh Bắc Bộ, có hai mùa chính. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8, thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, gió mùa tây nam với tần suất hướng nam 74 – 88 %, tốc độ trung bình 5,9 – 7,7 m/s. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, thời tiết lạnh, khô và ít mưa, hướng gió thịnh hành là bắc và đông chiếm tần suất 86 – 94%, tốc độ trung bình 6,5 – 8,2 m/s. Tháng 4 và tháng 9 là các tháng chuyển tiếp.
– Nhiệt độ và độ ẩm không khí. Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,3oC, cao nhất tuyệt đối 33,9oC, thấp nhất tuyệt đối là 7,0 oC, cao vào các tháng 6, 7 và 8 (trên 28oC, cao nhất 28,7 oC vào tháng 7) và thấp vào các tháng 1 và 2 (16,6 -16,8oC). Biên độ nhiệt năm dao động 9,6 – 13,8 oC. Biên độ nhiệt ngày đêm nhỏ, thường không quá 5oC. Độ ẩm không khí trung bình 86%, lớn nhất vào tháng 3 và 4 (92%) và nhỏ nhất vào tháng 11 (69%).
– Nắng và bức xạ nhiệt. Hàng năm có 1.600 – 1.900 giờ nắng phân bố khá đều. Nắng nhiều hơn vào cuối hè, đầu thu, ít nắng vào các tháng 2 và 3 có mưa phùn và độ ẩm cao. Tổng lượng bức xạ năm đạt 132,5 Kcal/cm2 và cao hơn hẳn các đảo ven bờ (Cát Bà – 108,49 Kcal/cm2). Cân bằng bức xạ năm 65 – 85 Kcal/cm2. Bức xạ cao từ tháng 4 đến tháng 10 (trên 10 Kcal/cm2), cao nhất vào tháng 5 (15,98 Kcal/cm2), các tháng còn lại đều dưới 10 Kcal/cm2, thấp nhất vào tháng 3 là 7,18 Kcal/cm2.
– Mưa, ẩm và bốc hơi. Lượng mưa thấp so với ven bờ Bắc Bộ, trung bình năm chỉ đạt 1.031 mm, từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm 83% cả năm, trung bình tháng đều trên 100 mm, cao nhất vào tháng 8 (214 mm). Từ tháng 11 đến tháng 4 chỉ chiếm 17% lượng mưa cả năm, lượng mưa tháng đều dưới 50 mm, thấp nhất vào tháng 12 (17,1 mm). Cả năm trung bình có 107,2 ngày mưa, nhiều nhất vào tháng 8 và 9, ít nhất vào tháng 12. Lượng mưa ngày lớn nhất đạt trên 100 mm vào các tháng 5, 6, 8, 9, 10, cực đại 167,5 mm. Lượng bốc hơi cả năm cao hơn lượng mưa, đạt 1.461 mm, cao trên 100 mm vào các tháng 6 đến tháng 1 năm sau, trùng thời kì độ ẩm nhỏ. Tháng 3 có lượng bốc hơi nhỏ nhất – 57.8 mm và cũng là tháng có độ ẩm cao nhất – 92%.
– Bão và các hiện tượng thời tiết đặc biệt. Trung bình mỗi năm có 1 – 2 cơn bão tràn qua. Mùa bão thường bắt đầu vào tháng 6 (có khi tháng 5), và kết thúc vào tháng 10 (có khi tháng 11), tập trung nhất vào các tháng 7, 8 và 9. Sức gió bão mạnh nhất đạt 50 m/s. Dông xuất hiện trung bình 2 – 3 ngày/tháng, tháng 8 và 9 nhiều dông nhất, trung bình 4 cơn/tháng, tháng 12 không có dông. Sương mù trung bình 24 ngày/năm và tập trung vào mùa Đông (5 – 10 ngày/tháng). Hàng năm có khoảng 30 đợt gió mùa đông bắc tràn qua vào mùa đông với sức gió mạnh nhất cấp 9, cấp 10. Mỗi tháng mùa đông có tới 3 – 5 đợt gió mùa, tháng nhiều tới 5 – 6 đợt.