PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 26
BẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ
KHU VƯỜN KÝ ỨC TUỔI THƠ
Trương Hùng Linh
(Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tây Sài Gòn)
Lịch sử là một dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ tới tương lai. Nét đẹp của cuộc sống từ thời dựng nước tới nay, mỗi ngày thêm đậm nét. Trải qua ngàn đời nay, cháu con luôn ghi nhớ và dựa vào nền tảng ấy để phấn đấu vươn lên tiếp tục tô thêm truyền thống để làm đẹp cho đời. Nhà thơ Gamzatov từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Ăn quả nhớ người trồng cây, biết ơn đến bậc cha anh đi trước đã hi sinh xương máu để đổi lấy hoà bình, độc lập cho quê hương ngày hôm nay là đạo lý. Từ ý nghĩa ấy, tôi và nhiều anh em công tác tại Sài Gòn đã không ít lần cùng anh Phan Đức Nhạn về lại xã Bình Dương huyện Thăng Bình.
Những lần như vậy, có lúc chúng tôi lắc lư lướt sóng trên con đò dọc Trường Giang, từ Hội An về Lạc Câu, có lúc đi dọc biển qua cầu Cửa Đại, về với vùng cát Bình Dương. Thật thú vị ở mỗi hành trình, là lúc nào cũng nghe anh Nhạn say sưa kể chuyện về mảnh đất quê hương nghèo khó, nhưng giàu truyền thống cách mạng. Sự trăn trở trong anh như một nhịp rung làm lay động chúng tôi, lớp người trẻ chỉ nghe nói về sự ác liệt, gian khổ trong chiến tranh mà không mấy dịp hiểu thấu đáo. Khi đi cùng anh, được anh kể những giấc mơ về mẹ, về quê hương, về ký ức chiến tranh, tôi không còn ngạc nhiên với giấc mơ đó, khi anh đang “thức” cùng thời gian để nghĩ về quê hương, mảnh đất xã Bình Dương nơi anh sinh ra, mảnh đất anh hùng trong chiến tranh và trong thời hoà bình phát triển kinh tế.
Cũng một lần về quê, tôi lại được ngồi với Trung tướng Nguyễn Trung Thu nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nghe anh nói: “Mình cũng sinh ra tại mảnh đất Bình Dương, ba lần được phong danh hiệu Anh hùng. Bản thân mình cũng bắt đầu cuộc đời binh nghiệp từ những tháng ngày chiến đấu và trưởng thành ở Bình Dương”. Anh Thu không dành nhiều thời gian nói về mình, mặc dù anh cũng là một trong 5 Anh hùng Lực lượng Vũ trang của xã Bình Dương. Anh tặng tôi quyển sách “Dấu chân trên cát bỏng” và nói chú Linh đọc để biết, còn hôm nay anh muốn nói với các em về chị Nhờ, chị Bướm, chị Huyền, chị Hương – những người chị, những người con của Bình Dương cũng nổi danh một thời trong chỉ huy chiến đấu và trong xây dựng thời bình. Họ đều xứng đáng như những người anh hùng, là lớp người gắn bó cùng nhân dân, góp phần cùng nhân dân làm nên một Bình Dương anh hùng. Tạm biệt anh Thu, chúng tôi nghĩ về con người Bình Dương như các anh thật đáng trân trọng!
Từ tình yêu cha mẹ, anh chị em trong gia đình, nỗi nhớ về gia đình và quê hương, có lúc anh Nhạn một mình trên xe xuôi ngược từ Đà Nẵng – nơi anh đang sống, về đất mẹ xã Bình Dương với xúc cảm lúc nào cũng bùi ngùi rưng rưng nước mắt bởi những hoài niệm về mẹ, về mảnh đất quê xưa. Anh thường đi khi còn sớm tinh mơ, đến lúc màn đêm phủ xuống, vùng quê đã vắng bóng người anh mới chịu về. Là người đã chứng kiến và trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, sau hòa bình, anh còn phấn đấu để hoàn thành chương trình học tập văn hoá rồi vào đại học. Khi có văn bằng trong tay, anh trở thành người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Như anh Vũ Ngọc Hoàng – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhận xét trong bài “Các bạn ấy là Học sinh Miền Nam trong tập “Còn lại với thời gian” đã nói: “Ở đâu anh Nhạn cũng phấn đấu hết mình, làm gì cũng tới nơi tới chốn, có thành tích, luôn hoàn thành nhiệm vụ. Trong lĩnh vực kinh tế, anh luôn năng động, sáng tạo, có tư duy tốt, nhạy bén với tình hình. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước luôn chặt chẽ. Trong nghiệp vụ chuyên môn được đồng nghiệp trân trọng. Với bạn bè anh sống chân tình, ngay thẳng và hết lòng được đồng đội quý mến, tin yêu”. Khi nghỉ hưu anh Nhạn, anh Phạm Ngọc Hữu, Nguyễn Hoài Chương… luôn gắn kết và hăng hái phối hợp các chương trình đền ơn đáp nghĩa, tiếp sức tới trường, hỗ trợ bà con nghèo khi gặp thiên tai. Anh em chúng tôi hay nói với nhau, các anh luôn là những người anh trong vai người dẫn dắt, là những người thầy xung phong gương mẫu.
Nhớ lại, lần đầu về Bình Dương, trong nhóm anh em Sài Gòn chúng tôi chưa ai biết nhà anh Nhạn nên có phần lúng túng. Anh Ba Hữu, nguyên Bí thư quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đưa ra sáng kiến: cứ đi trên trục đường quốc lộ dừng lại chợ Nam Phước mua thùng bia rồi kết hợp hỏi đường. Cô chủ quán nhìn chúng tôi chỉ, chỉ dẫn cặn kẽ rồi nói: “Tôi chỉ vậy các anh nhắm mắt cũng tới nhà!”. Đúng thật, chúng tôi đi một lèo là tới làng Lạc Câu! Vườn nhà anh không rộng, được tính toán cân nhắc phân tầng để duy trì độ xuôi thế đất, giữ nét phong thủy của làng quê xưa cũ. Phía lưng tựa vào nổng cát, mặt trước nhìn ra cánh đồng lúa, khoai lang xanh mơn mởn. Anh tổ chức vườn nhà lưu giữ những kỷ niệm một thời của quê hương, căn nhà rường 3 gian 2 chái, cổng ngõ, sân vườn tràn đầy sắc xanh cây lá… Gian nhà thờ ở giữa treo 6 khung ảnh có nội dung, bằng Tổ quốc Ghi công liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh Hùng Vương Thị Cận và Huân chương Độc lập của cha – ông Phan Hoàng nguyên Chủ Tịch huyện Thăng Bình thời chống Pháp. Đoàn chúng tôi thắp nén hương tưởng nhớ, tham quan khu vườn và được chung bữa cơm gia đình, thật nồng ấm.
Một dịp khác, vào tháng 7/2020, chúng tôi trở lại Bình Dương. Lần này, được anh sáu Nhạn dẫn chúng tôi băng qua nỗng cát – nơi ngày xưa ẩn chứa biết bao sự tích đánh giặc, rồi ra tận bờ sông Trường Giang – nơi chứng kiến “cuộc hành quân kỳ lạ” của gần 600 cán bộ du kích nhân dân làm nên sự tích “Căn cứ lõm Bình Dương”, vượt qua sông để bảo toàn lực lượng. Chúng tôi nghe anh kể nhiều câu chuyện về Bình Dương, say sưa như những thước phim lịch sử vô cùng quý giá…
Và hôm nay, anh lại chia sẻ với chúng tôi tập hồ sơ về ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” và bài viết của chính anh đăng trên báo Nhân Dân ngày 27/7/2021. Vậy là rõ, một ý tưởng tâm huyết nung nấu bao lâu, lúc kín lúc mở nay được diễn giải bằng ngôn ngữ kiến trúc thô mộc, nhưng đầy thuyết phục của dự án “Vườn Mẹ”. Tôi đã đọc đi đọc lại, để cảm nhận những nhịp đập rộn ràng từ trái tim anh trong nội dung bài viết. Thật nghẹn ngào, xúc động như mình là người trong cuộc!
“Vườn Mẹ” không chỉ là không gian lưu lại những kỷ niệm về mẹ, về ký ức tuổi thơ của một cậu con trai, mà nơi đây còn là không gian mở tích hợp đầy đủ tính năng từ nơi thờ phụng trang nghiêm đến bảo tàng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, công viên mang đậm nét riêng vùng “đất lửa” Bình Dương một thời, mà không một nơi nào có được. Anh Nhạn có tấm lòng yêu quê hương đến cháy bỏng, một người con hiếu thảo, một con người sống có trách nhiệm với quá khứ, mãnh liệt trong hiện tại và tầm nhìn sâu đến tương lai.
Không gian “Vườn Mẹ” không chỉ là ý tưởng mà còn là tâm huyết bấy lâu tích tụ trong anh. Thời gian không đợi chờ một ai, chỉ có hành động của những người con yêu quê hương, những tấm lòng đóng góp của các mạnh thường quân, của bạn bè thân hữu, cùng lãnh đạo địa phương vào cuộc sớm để tỉnh Quảng Nam sẽ có thêm một công trình xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ đi trước và cũng để dưỡng giáo lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ chúng tôi./.
Tp.HCM – 8.2021
T.H.L