Nơi triệu con tim hướng về – Lưu Kim Mỹ

Nơi triệu con tim hướng về - Lưu Kim Mỹ - Giám đốc công ty LKM

PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 25

pt1 min - Nơi triệu con tim hướng về - Lưu Kim MỹBẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ

Tưởng quy hoạch Vườn Mẹ - Nơi triệu con tim hướng về - Lưu Kim Mỹ

 

NƠI TRIỆU CON TIM HƯỚNG VỀ 

Lưu Kim Mỹ  
(Giám đốc công ty LKM)

Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Nam được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng 8 chữ vàng Trung dũng Kiên cường, Đi đầu diệt Mỹ. Bởi, ẩn sau số lượng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất nước 15.298 người và hơn 82 nghìn liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất này, là những câu chuyện bi tráng, hào hùng của những làng mạc, thôn xóm trên quê hương xứ Quảng.

Chúng tôi, những thế hệ 8x, 9x sau này, chỉ biết chiến tranh qua lời kể của bà, của mẹ, hay qua những tác phẩm văn học viết về một thời khói lửa trên đất Quảng Nam như: Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong; Trụ lại, Những người sót lại, Trong lớp bụi thời gian của Hồ Duy Lệ, Nội tôi của Bùi Tự Lực, Đất của máu và lửa của Nguyễn Bá Thâm, Ám ảnh vùng Đông của Phạm Thông… Đã 46 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng những hình ảnh những người con đã hy sinh, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh vẫn luôn sống mãi trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam. Sự bình yên hôm nay đánh đổi bằng máu và nước mắt của ông cha ta, những con người anh dũng, đầy quả cảm. Chúng ta phải tạc dạ, ghi ơn, phải sống xứng đáng với truyền thống của quê hương, đất nước.

Gần đây, trên báo điện tử Nhân Dân, qua bài viết về không gian “Vườn Mẹ” của kỹ sư Phan Đức Nhạn – Đại biểu Quốc hội khoá 11, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, Quyền Trưởng Ban Khu Kinh tế Mở Chu Lai, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, tôi được biết tác giả là một người con hiếu thảo của xã Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Ông đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và từng chứng kiến bao nhiêu đau thương của các mẹ, các chị trong chiến tranh. “Vườn Mẹ” là một dự án mang tính lịch sử, làm sống lại khí thế hào hùng của một vùng quê cát trắng trong chiến tranh. Một mảnh đất với hình ảnh cây Dương Thần sừng sững hiên ngang, cây xương rồng nở hoa thắm đỏ trên vùng cát trắng…, nhiều năm dài lửa đạn chiến tranh làm cho xóm làng tang thương ai oán, bởi quân thù đã bao lần thực hiện chủ trương man rợ đốt sạch phá sạch, giết sạch… Một xã có gần 2/3 số người phải vĩnh viễn nằm xuống; hơn 2/3 Bí thư, Xã Đội trưởng hi sinh… Nhưng tất cả những điều ấy càng nung nấu thêm ý chí, tôi luyện tinh thần thép đấu tranh của người dân để đứng lên làm cách mạng. Cán bộ, nhân dân, đội du kích đã tạo ra thế trận vượt qua sức chịu đựng của con người, để giữ vững Căn cứ lõm Bàu Bính, để Bàu Bính trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, làm nơi tập kết lực lượng cách mạng của xã, của cả vùng Đông Quảng Nam, Quảng Đà. Thấy được sự nguy hiểm của căn cứ cách mạng Bàu Bính, địch đã tìm mọi cách để phá huỷ cho bằng được. Nhưng nhân dân và lực lượng tại chỗ đã bảo vệ thành công căn cứ cách mạng, làm tăng thêm niềm tin tất thắng trong cuộc kháng chiến thần thánh này.

Hôm nay, khi nói đến thành quả ấy, làm sao có thể không nhắc đến công sức của những người mẹ, người chị anh hùng, những người luôn thầm lặng nuôi và che dấu cán bộ, dân quân khỏi sự truy quét của địch, bất chấp bị bạo hành tra tấn, mổ bụng vì tội bảo vệ cách mạng. Họ phải đặc trang lấy nhọ nồi bôi trét lên mặt, ăn mặc rách rưới như tổ đỉa, người thì hôi hám để tránh bị giặc Mỹ cưỡng hiếp, thậm chí có trường hợp người mẹ phải bóp mũi chính đứa con thơ của mình, vì sợ tiếng khóc trẻ nhỏ sẽ làm lộ nơi cán bộ, du kích ẩn nấp. Nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, những người  mẹ lần lượt tiễn nhưng đứa con yêu quý mà mình mang nặng đẻ đau, gia nhập lực lượng cách mạng, tiến ra mặt trận để lại người mẹ ở nhà vò võ mong đợi tin lành. Nhưng chiến tranh ai có thể đoán trước được điều gì, có những bà mẹ đã mất hết cả con của mình, mỗi bữa ăn chỉ còn một hình bóng lặng lẽ bên cạnh những chén, đũa không người cầm, để tưởng nhớ những người con dũng cảm đã nằm lại chiến trường… Có người mẹ nào đành lòng để con đi chiến đấu – đi vào cửa tử. Nếu một đứa trẻ mất đi cha mẹ, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là quan phu, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả. Đối mặt với sự đau thương đấy, họ phải nén nỗi đau và kìm lại tiếng khóc ai oán trong lòng, tất cả chỉ vì mục đích bảo vệ sự tự do và độc lập của Tổ quốc. Đấy là tinh thần hy sinh và trách nhiệm cao cả của những Bà Mẹ Việt Nam mà không một quốc gia hay dân tộc nào có thể so sánh được.

Suốt nhiều năm qua, ông Phan Đức Nhạn đã luôn nung nấu suy nghĩ trong lòng, trở về xóm Liễu tìm lại những ký ức trên vùng chiến địa, xây dựng khu di tích “Vườn Mẹ” để biết ơn quân dân, du kích đã ngã xuống cho Bình Dương xanh ngát hôm nay. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một dự án mang tầm quốc gia, mang tính giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc. Bình Dương thật xứng đáng để có một nơi như thế, Quảng Nam cũng phải có một địa chỉ như thế cho thế hệ hôm nay và mai sau tìm về, tiếp bước truyền thống cha ông:

Dẫu khó khăn cách trở
Nhưng con vẫn tìm về
Hình bóng mẹ còn đó
Bình Dương mênh mông xanh

Đà Nẵng, tháng 8.2021
L.K.M

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây