PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 12
BẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ
BÌNH DƯƠNG – ĐẤT LINH THIÊNG
Nhà Văn Nguyễn Bá Thâm
(Chi hội trưởng Chi hội Nhà Văn Việt Nam tại Quảng Nam)
1. Một anh bạn đồng nghiệp thân nhau từ hồi ở căn cứ, đột ngột hỏi tôi: “Ông đang viết gì về Bình Dương phải không?”. Nghe bạn hỏi, như một phản xạ tự nhiên, tôi buột miệng: “Đâu có, khả năng mình sao viết được về Bình Dương!”. Tuy nhiên câu hỏi của anh bạn chí cốt như một lời nhắc nhở, lại làm tôi trăn trở, day dứt về trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Với Bình Dương – một xã vùng Đông của huyện Thăng Bình, của Quảng Nam – có thể là xã duy nhất trong cả nước được Nhà nước ba lần phong tặng danh hiệu Anh hùng. Hai lần Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (năm 1969, năm 1972), một lần Anh hùng Lao động (1985); đã có rất nhiều nhà văn, nhà báo nổi danh như: Nguyên Ngọc, Xuân Diệu, Trinh Đường, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Đình Kính v.v… “cày” mòn bút. Còn tôi chỉ là một cây bút làng nhàng, mỗi lần về Bình Dương vẫn theo kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa”. Viết gì về Bình Dương để người đọc cảm nhận, để người đọc mê – quý – yêu dáng vóc, tầm vóc mảnh đất, con người Bình Dương anh hùng?
2. Bình Dương – một mảnh đất chiều dọc chỉ hơn năm cây số, chiều ngang chưa tới ba cây số; phía tây là những cánh đồng cát pha chua mặn, hẹp như “một lai áo”, là con sông nước lợ – Trường Giang – một con sông nối với hai cửa biển: phía bắc nhập vào sông Thu Bồn ở sát Cửa Đại, phía nam nhập vào sông Bến Ván ở sát cửa An Hòa của đất Núi Thành (ngày xưa gọi là cửa Đại Áp) – một con sông không có nguồn, chạy dọc theo bản đồ đất nước; phía đông – sau lưng các làng xóm là nổng, là trảng, là cát trắng lóa mắt, là biển Đông mênh mông, tít tắp. Bình Dương – từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi – thế kỷ thứ XV – đến cuối thế kỷ XX, vẫn là mảnh đất của cát trắng, của sông nước, của sóng biển, của nắng – hạn, mưa – lụt, gió – bão; dân quanh năm của bao đời phải Một nắng, hai sương, Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Cơ cực và bi đát hơn là cảnh: Gió nam thổi kiệt bảy ngày. Khoai lang khô cũng hết, lúa vay chẳng còn. Một mảnh đất mà thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống con người nghèo – khổ, bầm dập như thế, nhưng đã làm nên những chiến công, những chiến tích oai hùng, lừng lẫy trong Chín năm chống Pháp, trong 21 năm chống Mỹ! Và chỉ 10 năm sau ngày quê hương dẹp xong giặc giã, được sống trong cảnh yên bình, Bình Dương lại lập nên kỳ tích: phủ xanh cát trắng bằng cây dương liễu để chắn bão cát, để giữ nước cho ruộng vườn, để làm dịu mát khí trời… Một Bình Dương sau chiến tranh đổ nát, hoang tàn, tưởng chừng khó lòng gượng dậy được, nhưng Đất khắc khổ nên sức người vô tận. Trước gian nan không chùn bước bao giờ đã thôi thúc Bình Dương bừng bừng khí thế, vững tin đi tới trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
3. Viết gì về Bình Dương trong chiến tranh? Trong những năm đầu sau chiến tranh và sau năm 2000? Trong Nhật ký của mình, vào ngày 7 tháng 1 năm 1969, trưa về nhà chị Lạng ở thôn Một, Bình Dương nhà văn – liệt sỹ – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), (Nhà nước truy tặng năm 2010) đã ghi: … Trưa nay mình về ở nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà đã nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng tham gia kháng chiến tích cực, mình đã nghe bà con làng xóm thương tiếc: “Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia. Bà không có ai bì, đấu tranh, sản xuất chi cũng hì”… (Bình Dương là xã đầu tiên của vùng Đông huyện Thăng Bình, của Quảng Nam, Quảng Đà nổi dậy đánh – bắt gọn bọn Hội đồng Hương chính ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng toàn xã vào trưa ngày 5 tháng Chín năm 1964 – N.V). Cũng tại thôn Một, chiều cùng ngày, khi trò chuyện với mấy cụ ông trong thôn, có một cụ khẳng khái nói với nhà văn Chu Cẩm Phong: … bây chừ dân Bình Dương không biết làm gì ngoài làm cách mạng… Tưởng dân Bình Dương sợ? Hừ, dân ni à, còn một cái đinh nó còn làm cách mạng…
Về Bình Dương vào đêm Chủ nhật, ngày 5 rạng ngày 6 tháng 1 năm 1969 – khi bà con thôn Một – nhiều nhà đã dậy nấu cơm sáng. (Trong chuyến đi thực tế và viết này còn có nhà văn Dương Thị Xuân Quý – vợ nhà thơ Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly. Tại Bình Dương, chị Quý đã viết được bút ký Gương mặt thách thức. Đầu tháng 2.1969, chị sang huyện Duy Xuyên. Ngày 8 tháng 3 chị bị lính Nam Triều Tiên giết hại tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân – nay là xã Duy Thành – trong một đợt càn quét, cày ủi của chúng tại đây – N.V). Thứ Hai, ngày 3 tháng 2 năm 1969 nhà văn Chu Cẩm Phong rời Bình Dương, Quảng Nam, sang Duy Xuyên, Hội An… của Quảng Đà. Gần một tháng lăn lộn trong bom đạn, bám dân, bám du kích, bám cán bộ xã thôn của Bình Dương, Chu Cẩm Phong đã cho ra đời bút ký Mặt biển – Mặt trận; đặc biệt nhà văn đã để lại những trang ghi chép thể Nhật ký – viết về những gì nhà văn thấy, nhà văn nghe, về người thật, việc thật tại Bình Dương, của Bình Dương. Những trang ghi chép – Nhật ký – vô cùng sống động, vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn. Là một người tập viết văn, viết báo về chiến tranh từ những năm chiến tranh tại chiến trường khu V, tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Quảng Nam của các bậc đàn anh, của bè bạn – để kiếm thêm tư liệu, để học cách viết. Nhưng khi cầm bút viết về Bình Dương của những năm đánh giặc, giữ làng thì tôi lại lúng túng, bí rị.
Hai mươi mốt năm, từ năm 1954 đến 1975, chuẩn xác hơn là 10 năm (1964 – 1975), khởi đầu ngày dân Bình Dương cầm giáo, mác, rựa, liềm, súng trường “bật cú”, súng “bẹ dừa” (bẹ dừa nước đẽo gọt làm giả súng trường, liên thanh – N.V), nổi dậy đánh đuổi bọn Hội đồng Hương chính của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng toàn xã, lập chính quyền cách mạng, bảo vệ làng xóm. Bấy giờ ngày 5 tháng 9 năm 1964 Bình Dương có khoảng trên 7.000 dân; đến ngày đất nước kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc, Bình Dương chỉ còn hơn hai ngàn người sống sót – hầu hết là người bị địch bắt vào các khu dồn hoặc chạy đi tứ xứ để lánh nạn – còn khoảng 4.700 người bỏ mạng, hàng mấy trăm người thương tật, hàng trăm người bị các di chứng tai ác… Trong gần nửa vạn người Bình Dương ngã xuống (chiếm hai phần ba dân số) đều do lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, lính Việt Nam Cộng hòa tàn sát trong các cuộc càn quét với sách lược “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” của chúng. Cũng trong gần nửa vạn người Bình Dương ngã xuống, đã có gần một ngàn bốn trăm người Bình Dương là cơ sở cách mạng, là du kích, cán bộ xã – thôn, là bộ đội, cán bộ huyện, tỉnh, khu quyết tử cho Tổ quốc. Và đã có 350 Người Mẹ hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc những đứa con mà mình mang nặng, đẻ đau, sinh thành, dưỡng dục, chăm bẵm nuôi nấng bằng hạt lúa, củ khoai, bằng con ốc, con tép v.v… Có nhiều mẹ đã hiến dâng đứa con duy nhất và cả sinh mạng mình cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc toàn thắng. Có rất nhiều bà mẹ Bình Dương đã hiến dâng đến ba – bốn – năm đứa con – cả đứa con cuối cùng cho cuộc kháng chiến. Rất nhiều bà mẹ Bình Dương đã cho những đứa con trai, con gái tuổi mới mười hai, mười ba vào du kích thôn cầm súng; lên rừng, lên căn cứ huyện, tỉnh v.v… đi theo cách mạng. Và có hàng trăm, hàng ngàn bà mẹ Bình Dương ngày-đêm quanh năm chịu cảnh “mưa bom, bão đạn”, chịu sự ngang ngược, tàn bạo, độc ác, man rợ của lính Mỹ, lính đánh thuê Nam Triều Tiên, các sắc lính: Cộng hòa, bảo an, nghĩa quân, dân vệ, công an, cảnh sát v.v… của ngụy quyền Sài Gòn khi chúng mở các cuộc càn quét, đánh phá, cày ủi trắng Bình Dương – để trồng, giữ vồng lang, vạt sắn, vạt bắp, luống rau… để cán bộ, du kích xã, thôn, cán bộ, bộ đội huyện, tỉnh có nắm cơm, củ lang lúc đói, có chén nước khi khát, có nơi tựa lưng, ẩn náu khi địch ném bom, dập pháo hay càn quét khốc liệt, lực lượng cách mạng tổn thất nặng… có bàn tay mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng khi đánh trận bị thương…
Biết bao chuyện thật, người thật bi – hùng đã làm nên một Bình Dương anh hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược; sau gần nửa thế kỷ đất nước Việt Nam kết thúc cuộc đánh Mỹ, giờ đã như chuyện cổ tích, như là huyền thoại; lớp người sinh sau năm 1975 tại Bình Dương đã không thể tin…
Thật khó có một tài năng văn chương nào sáng tạo được một tác phẩm Văn học, Điện ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật… xứng tầm với Bình Dương anh hùng!
4. Trong một bài viết của nhà văn Hồ Duy Lệ – người từng sống ở đất Bình Dương, đất vùng Đông Thăng Bình, Duy Xuyên từ thuở niên thiếu, từ trong những năm đánh Mỹ và chủ yếu là những năm nhà văn làm Tổng Biên tập báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam – một nhà báo, nhà văn có nhiều tác phẩm viết về Quảng Nam, về Bình Dương trong những năm chiến tranh, cả trong những năm hòa bình, xây dựng – đã có lời tự bạch, theo tôi-đây là lời khuyên chí lý cho những người viết báo, viết văn khi viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam, ở chiến trường Khu Năm. Lời tự bạch của nhà văn Hồ Duy Lệ, đại ý: “Đừng để trôi đi mất, phải ghi lại ngay những mẩu chuyện, những câu chuyện, những sự tích, chứng tích ở Quảng Nam, ở đất vùng Đông, ở đất Bình Dương trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do những người trong cuộc đang sống kể lại”. Những ghi chép này, dẫu đang là tư liệu thô, nhưng là tư liệu của người thật, việc thật, là tư liệu vô giá, là tài sản vô giá của lịch sử Quảng Nam, của Việt Nam trong truyền thống đánh giặc, giữ làng.
5. Tôi còn nhớ, vào cuối tháng 2 năm 2002, nhà văn Nguyễn Khắc Phục và tôi đến thăm anh Vũ Ngọc Hoàng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tại phòng làm việc của anh trong trụ sở Tỉnh ủy. Trong câu chuyện qua lại, Nguyễn Khắc Phục và tôi mong Tỉnh ủy Quảng Nam cần có một chủ trương về việc ghi chép, sưu tập những tư liệu, vật chứng trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ của Quảng Nam, ở Quảng Nam để viết sử, làm bảo tàng, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. (Đến tháng 7 năm 2002 Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Thông tri 11 về việc “Sưu tầm, khai thác, sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”, năm 2009 là Chỉ thị 54. Chỉ thị 54 của Tỉnh ủy Quảng Nam kết thúc vào năm 2015). Sau khi trao đổi khá cụ thể nội dung của chủ trương trên mà Tỉnh ủy sẽ ban hành, anh Vũ Ngọc Hoàng kể lướt qua những sự kiện, những vùng đất, những tập thể, những con người tiêu biểu của Quảng Nam trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và Bí thư Tỉnh ủy còn nhắc nhở tôi: Trong thời gian chờ chủ trương của Tỉnh ủy, Hội Văn nghệ tỉnh cần tổ chức ngay những đợt đi thực tế về vùng Đông cho các văn nghệ sĩ. Nên tập trung lực lượng về vùng Đông Thăng Bình, tại đây có chứng tích Chợ Được – Hà Lam, có xã Bình Dương ba lần Anh hùng, có bãi cừ Cây Mộc, Căn cứ lõm Bàu Bính, có cây Dương thần, có những vụ thảm sát hàng trăm dân thường của lính Mỹ, lính Nam Hàn trong các cuộc càn quét, đánh phá thảm khốc vùng Đông Thăng Bình, có những trận đánh mưu trí, gan lì của du kích v.v… Anh Vũ Ngọc Hoàng còn bày tỏ mong muốn xây dựng nỗng cát có “cặp vợ chồng cây Dương thần” thành một di tích lịch sử cấp tỉnh v.v… Theo anh Vũ Ngọc Hoàng, những gì thuộc về di tích, chứng tích lịch sử của vùng Đông Quảng Nam – từ sân bay Chu Lai đến Duy Nghĩa, Duy Hải – miệt đất phía đông sông Trường Giang – đã nằm trong quy hoạch của Khu Kinh tế mở Chu Lai. Nếu các di tích không xác định, định hình sớm thì bị các đề án kinh tế “lấn chiếm”, xóa mất dấu tích, di tích v.v…
Lãnh đạo đầu tỉnh có ý tưởng, mong muốn làm những việc vô cùng tốt đẹp, quý giá cho quê hương là một chuyện, còn các cấp, các ngành thực hiện chủ trương là chuyện khác. Phép vua thua lệ làng, Trống đánh xuôi kèn thổi ngược, Lực bất tòng tâm v.v… Thời thế đổi thay, con người thay đổi. Mong muốn ấy của nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng, Thông tri 11 và Chỉ thị 54 của Tỉnh ủy Quảng Nam tồn tại trong 13 năm đã được các địa phương, các ban ngành xắn tay vào cuộc thật chu đáo, nghiêm túc, tâm huyết? (từ năm 2002 đến năm 2015). Dường như các địa phương, các ban ngành trong tỉnh mới chỉ lấy tư liệu để viết sử, làm bảo tàng, xây dựng di tích! Còn những tư liệu sống động, rất thật từ những người trong cuộc đang còn sống để người đời tin, trân trọng, học hỏi, lại rất ít địa phương, ban ngành lưu tâm sưu tầm, khai thác, sử dụng. Mới gần 50 năm, về một số địa phương ở Quảng Nam, khi hỏi chuyện thời chiến tranh, có lãnh đạo nơi ấy trả lời: “Nghe người ta kể…”. Cũng khó lòng trách cứ những lãnh đạo như thế, vì họ không sống – chết với chiến tranh. Và rất nhiều người sinh thành sau năm 1975 – khi chiến tranh giải phóng quê hương đã kết thúc.
Các tư liệu là báu vật vô giá về thời kỳ chống Mỹ của lịch sử Quảng Nam đã và đang dần trôi đi mất theo thời gian!
Tại sao lại để báu vật vô giá về truyền thống đánh giặc, giữ làng của người Quảng Nam, của đất Quảng Nam đã và đang trôi đi mất? Vì Quảng Nam vốn là một tỉnh nghèo? Vì Quảng Nam đang thiếu nhân tài? Đang tập trung mọi nguồn lực để lo cho dân thoát nghèo? Hay chưa thật tâm huyết với truyền thống đánh giặc, giữ làng của cha ông?
6. Với tôi, yêu mến đất và người Quảng Nam anh hùng, quý trọng đất và người Bình Dương sống rất nghĩa tình, nhân hậu thì hay về Bình Dương để biết thêm, để học thêm về đạo làm người; còn viết về đất và người Bình Dương thì tôi là người không có tài năng!
Mỗi bận về Bình Dương, khi thì đến thôn Sáu, khi ở Lạc Câu, đến Căn cứ lõm Bàu Bính, đến cây Dương thần, đến bãi cừ Cây Mộc, đến vũng Nậy, vũng Nhỉ, vũng Xiêm, đến trảng Trầm, trảng Mó, nổng Họp, cồn Đậu, ruộng Tình v.v… đứng trước các vạt đất ấy, đi trên đất ấy tôi cứ thẫn thờ, có cảm giác: mỗi hạt cát ở dưới chân mình, mỗi nổng cát, bụi cây trước mặt mình đều có máu – xương của hơn 3.000 dân Bình Dương; đều có máu – xương của gần 1.400 người con ưu tú Bình Dương đã hiến dâng mình cho Tổ quốc tự do, độc lập; đều có máu xương và nỗi đau xé lòng của những người mẹ Bình Dương đã hiến dâng đứa con duy nhất, rất nhiều mẹ đã hiến dâng đến ba – bốn – năm và đứa con cuối cùng cho Tổ quốc tự do, độc lập. Và còn bao nhiêu con em của mọi miền đất Việt bỏ thân xác tại đất Bình Dương cho Tổ quốc tự do, độc lập?
Tôi đã lội dọc ngang và ngồi dưới gốc dương liễu hàng giờ tại Bàu Bính Thượng – là căn cứ lõm của vùng Đông Thăng Bình, vùng Đông Quảng Nam những năm đánh Mỹ. Tôi cố tưởng tượng, cố hình dung lại những ngày hè năm (1966- 1967) – khi lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên đổ quân đánh phá đất Bình Dương, đất vùng Đông. Rồi những năm Sáu Tám, Sáu Chín đến Bảy Mươi, Bảy Mốt, Bảy Hai – khi lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, lính ngụy Sài Gòn liên tục đánh phá, cày ủi khốc liệt – có năm cả chục lần, hòng biến Bình Dương thành mảnh đất trắng, thành vùng đất chết… Tưởng dân Bình Dương sợ? Hừ, dân ni à, còn một cái đinh nó còn làm cách mạng… (Nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong ghi ngày 4 tháng 1 năm 1969 tại thôn Một, Bình Dương – NXB Văn học – năm 2000). Bất chấp máy bay đầy trời, xe tăng kín đất, pháo bầy, pháo chụp đan dày, lính thủy quân lục chiến Mỹ, lính Rồng Xanh Nam Triều Tiên, lính trung đoàn 51 ngụy quân rải kín đất cày đi, xát lại Bình Dương, Căn cứ lõm Bàu Bính vẫn tồn tại. Du kích thôn, du kích xã, bộ đội huyện, bộ đội tỉnh được dân nuôi dưỡng, che chở… vẫn ẩn náu sau từng gốc tre, sau từng bụi sơn de “bám thắt lưng Mỹ mà đánh, túm thắt lưng ngụy mà diệt”. Tôi đã từng quanh quẩn, ngồi dưới cây Dương thần ngắm biển Đông, ngắm sông Trường Giang, Thu Bồn v.v… (Tại nổng cát có hai cây dương cổ thụ, đứng cách nhau khoảng 10 mét. Cây ở phía bắc, một thân, cao – lớn, dân địa phương gọi là cây dương Ông, cây phía nam có ba nhánh, thấp – bé, dân địa phương gọi là cây dương Bà. Cũng theo lời người dân, cặp cây dương cổ thụ này được ai đó trồng từ sau năm 1945. Cây Dương thần, danh xưng ấy được anh em du kích ở Bình Dương đặt tên, anh Bốn Hê là người viết thành thơ đầu tiên…). Đứng ở nổng cát có cây Dương thần, có thể nhìn rõ bốn hướng: Phía đông là biển Đông, phía tây là sông Trường Giang, phía bắc – Đông Bắc là sông Thu Bồn, là Cửa Đại, phía tây – nam liền kề là Căn cứ lõm Bàu Bính, là đất Bình Minh, Bình Đào v.v…
Biết cồn cát – nơi hai cây Dương thần trú ngụ, có vị thế đắc địa trong việc quan sát, khống chế các hoạt động của phong trào cách mạng ở vùng Đông Thăng Bình, Duy Xuyên, ở Nam Hội An, ở vùng biển bãi ngang Đông Quảng Nam – đảo Cù Lao Chàm, từ giữa năm 1966 đến cuối năm 1972, bọn lính thủy quân lục chiến Mỹ, lính đánh thuê Rồng Xanh – Nam Triều Tiên, lính trung đoàn 51 ngụy quân Sài Gòn đã dùng mọi phương cách đánh chiếm hiểm địa này. Rốt cục chúng đều bị du kích Bình Dương đánh bật. Rốt cục nổng cát và hai cây Dương thần vẫn sừng sững trước đạn bom của Mỹ ngụy, trước nắng hạn, giông bão của đất trời. Và cặp cây Dương thần vẫn là chòi canh bọn lính Mỹ, lính ngụy, vẫn là trận địa sống còn, vẫn là nơi ẩn náu an toàn của du kích, cán bộ Bình Dương mỗi khi chúng đánh phá điên cuồng vào đất Bình Dương. Không biết bao nhiêu cán bộ, du kích Bình Dương cán bộ, bộ đội huyện, tỉnh… đã ngã xuống nỗng cát có cặp cây Dương thần. Chỉ biết sau năm 1975, đã có người lập một cái am nhỏ để hương khói, thờ phụng ngay dưới gốc cây dương Ông. Nghe bà con Bình Dương nói “Ông Bà cây Dương thần ấy rất thiêng. Ai đụng vô là mắc xui liền hà!”. Chuyện linh thiêng của cặp cây Dương thần là của dân gian, khó kiểm chứng, nhưng chắc chắn nổng cát nơi hai cây dương cổ thụ trú ngụ có xương máu của ông cha người Bình Dương, người Thăng Bình từ thuở lập nghiệp, từ thời đánh Mỹ.
7. Cuối tháng Tư năm 2021, nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhà văn Hồ Duy Lệ, phóng viên truyền hình báo Nhân Dân: Nguyễn Vinh Quang, tôi và kỹ sư xây dựng Phan Đức Nhạn rủ nhau về Bình Dương.
Về Bình Dương chuyến này để tìm lại ký ức chiến tranh – với chúng tôi – là việc thường tình. Thôn Một Bình Dương là quê của Nhạn và Nhạn từng là du kích thôn khi tuổi mới mười hai… Bình Dương, Xuyên Thọ (nay là xã Duy Nghĩa – Duy Xuyên) cũng là vùng đất mà Hồ Duy Lệ từng sống vào năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ – năm 1969 – bấy giờ anh là phóng viên báo Giải Phóng của Đặc khu Quảng Đà. Nhưng mục đích cốt lõi trong chuyến về Bình Dương, về vùng Đông Thăng Bình, Duy Xuyên lần này của chúng tôi là để được thấy, để được nghe về những việc làm “đổi đời” tại đây, đã và đang làm rúng động lòng dân vùng cát, vùng Đông…
Dưới cái nắng đầu hè trên vùng cát cháy, bốn anh em chúng tôi đã “dạo” qua đất Duy Hải, Duy Nghĩa, Bình Minh, Bình Dương. Chúng tôi đã quẩn quanh rất lâu tại Căn cứ lõm Bàu Bính, tại cặp cây Dương thần, tại nổng Trầm, nổng Họp v.v…
Nổng cát nơi cặp cây Dương thần trú ngụ giờ đã ở trong khu sân gôn. Chúng tôi đã vào tận trụ sở ban quản lý sân gôn để mong tới được cây Dương thần, tận mắt nhìn ngắm, thắp nén hương, quay phim, chụp ảnh; để nhớ lại chuyện xưa. Những người quản lý sân gôn không cho chúng tôi tới nổng cát và ông bà Dương thần, dẫu chúng tôi thuyết phục họ đủ lẽ, vã bọt mép, dẫu chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo, nhà văn… Đành chạy xe về đất Bình Dương rúc bụi, đạp gai, đứng ngoài hàng rào lưới B40 để chụp ảnh, quay phim, trò chuyện về cây Dương thần…
Ý tưởng xây dựng nổng cát và hai cây Dương thần tại Duy Hải – Bình Dương của Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng trở thành Di tích Lịch sử Quảng Nam đã tan thành mây khói, đã bị rào lưới B40 nhốt vào khu sân gôn. Mà sân gôn thì nơi ai cũng biết: là chốn vui thú của các đại gia lắm bạc, nhiều tiều v.v…
Còn Căn cứ lõm Bàu Bính Thượng ở thôn Tư – nơi đứng chân vững chắc, an toàn của cán bộ, du kích Bình Dương, của cán bộ, bộ đội huyện, tỉnh mỗi khi về vùng Đông công tác gặp địch đánh phá quyết liệt; Căn cứ lõm Bàu Bính Thượng cũng là đất tạm trú của cán bộ, bộ đội Duy Xuyên, Hội An, của tỉnh, của Khu trong những đợt lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, các sắc lính Việt Nam Cộng hòa đánh phá dữ dội các xã Xuyên Thọ, Xuyên Phước (Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim (Hội An); Sau năm 1975, cũng như nhiều vùng đất khác của Quảng Nam bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt đã hồi sinh mạnh mẽ, Bình Dương cũng vươn dậy thần kỳ, để chỉ trong 10 năm (1975-1985) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Thôn Tư – Căn cứ lõm Bàu Bính từ hoang tàn, xơ xác cũng từng ngày thắm lại màu xanh. Nhưng…
Đi dưới nắng hè gay gắt, chúng tôi đã thấy khó chịu, bức bối. Khi men theo các lối xóm nằm dọc sau các mương, trảng, nổng…, nhà cửa đã bị đập nát, cây cối, vườn tược bị chặt phá v.v…, dân cư nằm trong các dự án kinh tế được đưa vào các khu tái định cư mới rợi, lạ hoắc, chật chội, gò bó. Chúng tôi vừa ngỡ ngàng, ngơ ngác, bàng hoàng: “Đất xưa, lối cũ còn đâu?”.
Các dự án kinh tế như khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân gôn v.v… thực tế đã và đang làm cho số ít dân Bình Dương khấm khá, đổi đời, nhưng cũng làm cho dân Bình Dương – đặc biệt là những người đã đổ xương máu để Bình Dương hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân – nửa tin, nửa ngờ, nhận thấy cuộc sống mới đang bộc lộ những mất mát, những bất ổn, bấp bênh. Rất nhiều người sống bằng nghề nông, nghề đánh bắt cá bãi ngang – không tìm được nghề khác ổn định, đang thở ngắn, than dài…
8. Ở Bình Dương người dân đang xôn xao và bất bình với dự án: biến các nương, thổ, đìa, bàu, nổng, trảng, sau lưng – về phía đông – của thôn Một thành vùng rau sạch, gần ba trăm hecta. Nghĩa là các doanh nghiệp, doanh nhân đang cố biến vùng đất – là đất chắn bão biển, bão cát, là đất giữ nước ngọt cho dân các thôn, cho các cánh đồng lúa, khoai nằm trên bờ đông sông Trường Giang; là đất mà hàng ngàn, hàng ngàn người Bình Dương đã đổ xương máu để gìn giữ – thành mảnh đất làm tiền của họ. Không ai lạ gì – rất nhiều, rất nhiều – trên khắp đất nước ta, nhiều dự án kinh tế, lúc đầu với danh nghĩa là làm cho người dân, địa phương ấy giàu có, đổi đời. Nhưng rồi dự án cứ rình rang, kéo dài; rồi tìm đủ phương cách chuyển đổi mục đích dự án. Rồi lợi ích địa phương, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lộ mặt.
Tổ tiên ta có câu: Có tiền mua tiên cũng được; Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Treo đầu dê, bán thịt chó v.v… Với dự án rau sạch sao không chọn nơi khác, ở vùng đất khác? Đất Quảng Nam rộng mênh mông, rất nhiều địa phương chưa hề có công trình, khu kinh tế nào! Sao lại chọn đất Bình Dương để làm đất rau sạch? Tôi dám chắc dự án rau sạch tại đất Bình Dương chỉ là một cái cớ trong mưu đồ kiếm tiền của người không hề yêu, không hề quý, không hề hiểu biết về đất và người Bình Dương! Về đất, về người, về lịch sử vùng Đông Thăng Bình, Quảng Nam.
Một cụ già – trước năm 1975 là thôn nữ du kích – giờ đang làm nghề đãi hến ở đoạn cừ Cây Mộc, sát mép sông Trường Giang, nói với tôi: “Nghe họ đồn ông mô đó định san trọi nổng, bàu để làm rau sạch, rau nhớp chi phải không? Dân Bình Dương làm nên cái anh hùng là nhờ nổng, bàu đó nghe! Chừ người ta săn ủi nó tức là người ta định san ủi công đánh giặc, giữ làng của tụi tui à. Dân Bình Dương ai không ưng làm giàu nhưng làm giàu mà phá làng thì sức mấy dân Bình Dương chịu!”.
Câu nói của bà cụ – thôn nữ du kích xưa – là một cách bày tỏ nỗi niềm, cũng là lời ta thán về những gì người ta đang làm không thuận lòng dân – làm tôi giật mình. Dân Bình Dương đang nghi ngờ, không tin và đang ngấm ngầm phản ứng về dự án rau sạch tại đây. Một đốm lửa của tình yêu quê hương vẫn âm ỉ cháy!Rồi chuyện gì sẽ sảy ra? Tôi thầm nghĩ.
9. Ở Bình Dương hiện thời (tháng Tư năm 2021) bà con đầu làng, cuối xóm, chủ yếu là các ông bà già – những người từng Một tấc không đi một ly không rời; Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ; Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sống chết với quê hương những ngày đánh Mỹ – đang nhỏ to bàn thảo về dự án “Vườn Mẹ” do “cậu bé du kích” – kỹ sư xây dựng Phan Đức Nhạn – người con Bình Dương, chủ trì, tìm tiền để phục dựng. Chúng tôi đã được tận mắt nhìn ngắm, được nghe Phan Đức Nhạn trình bày về dự án “Vườn Mẹ” tại đất Bình Dương, ngay trên đất dự án.
Khu “Vườn Mẹ” sẽ làm sống mãi những lũy tre, những hàng dương liễu, những bụi sơn de, bời lời, những gốc xương rồng, lưỡi long, lông chông, cỏ cụm…, chiến hào, giao thông hào, hầm – lều tránh bom pháo, hầm bí mật, ao, đìa…; làm sống mãi những hàng cau, gốc trầu, gốc mít, gốc ổi, bờ hoa dâm bụt…, và làm sống lại cái cối xay lúa, cái cối giã gạo, dần, sàng, nong nia, chậu, ảng, chum, vại v.v… Tất cả cây cối, vườn tược, vật dụng thường ngày gắn với đời Mẹ – người phụ nữ Bình Dương, người phụ nữ vùng cát Quảng Nam, người phụ nữ vùng biển Việt Nam – trong 21 năm đánh Mỹ (1954-1975) sẽ được quy tụ về trên các nổng cát trong khu “Vườn Mẹ” – một dự án độc đáo rất được kính trọng.
“Vườn Mẹ” cũng là đất yên nghỉ an bình, thân thiết vĩnh hằng của 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng người Bình Dương; nơi hội tụ hương hồn của gần 1.400 người con Bình Dương đã hiến thân cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; “Vườn Mẹ” cũng là đất hội tụ của hơn 3.000 dân thường Bình Dương bị kẻ thù giết hại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Vườn Mẹ” cũng là nỗi lòng, là tình mẹ dành cho quê hương Bình Dương: Giữ gìn sự sống bất diệt mà tạo hóa đã ban tặng cho người Bình Dương.
“Vườn Mẹ” – một công trình bảo tồn về truyền thống dựng nước và giữ nước của những Người Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bình Dương, những người phụ nữ Bình Dương đã hi sinh vì nước, ngay trên đất Bình Dương, chắc chắn sẽ sống mãi với nhân gian, với thời gian. Và giúp các thế hệ mai sau của người Quảng Nam, của mọi miền Tổ quốc hiểu thấu về một thời đánh giặc giữ nước của tổ tiên.
Bởi Bình Dương là đất Anh hùng.
Bởi Bình Dương là đất linh thiêng.
Đà Nẵng – 7.2021
N.B.T