Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thông qua việc tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tỉnh Kon Tum sẽ trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong khu vực, kết nối liên vùng với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Kon Tum sẽ trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong khu vực.
Từ một tỉnh miền núi nghèo, Kon Tum đã tận dụng nhiều cơ hội để bứt phá. Từ đó, địa phương đến đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kinh tế của tỉnh Kon Tum đã đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, quy mô của nền kinh tế năm 2022 đạt 30.413 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2012, bình quân giai đoạn tăng trưởng 7,7%/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 2 lần sau 10 năm và đạt 52,44 triệu đồng/người năm 2022. Thu ngân sách tăng khoảng 2,2 lần, đạt 4.050 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đã có những bước chuyển biến tích cực, tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách. Kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục, thực hiện năm 2022 đạt 320,8 triệu USD, gấp 5 lần so với năm 2012.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được triển khai rộng rãi.
Cùng với đó, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư trên địa bàn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng, triển khai nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu,…
Nhờ những biện pháp mang tính đột phá, diện mạo đô thị của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Điển hình, TP. Kon Tum sau khi được thành lập vào năm 2009 đã có sự phát triển mạnh mẽ và được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum vào ngày 10/01/2023;
Sau đó, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H’Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, khu dân cư được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ.
Nhân ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 – 09/02/2023), đã có buổi trao đổi với ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Theo đó, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết với đặc thù về vị trí địa lý, địa phương đang sở hữu nhiều tiềm năng, thuận lợi. Nếu nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội, tỉnh Kon Tum sẽ có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và có sự bức phá hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội thời gian đến.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Điểm tiềm năng, thuận lợi đầu tiên phải kể đến là Kon Tum có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng của tuyến hàng lang Đông Tây, là cửa ngõ để các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar hướng đến các cảng biển khu vực Duyên Hải Trung Bộ của Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các tuyến Quốc lộ 14, 24, 40…
Thông qua việc tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đặc điểm này sẽ giúp cho tỉnh Kon Tum trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong khu vực, kết nối liên vùng với các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Tiếp theo, tình hình dịch COVID-19 đến nay cơ bản đã được kiểm soát tốt, mặc dù tình hình thế giới trải qua nhiều biến động bất thường chưa từng có tiền lệ nhưng tình hình kinh tế – xã hội của cả nước trong năm 2022 vẫn đạt được nhiều thành tựu đột phá.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt hơn cho những yếu tố bất lợi có thể xảy ra. Chính vì vậy, kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Bên cạnh, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp trên 902.000 ha, chiếm hơn 93% diện tích đất tự nhiên cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật nhiệt đới phong phú, Kon Tum có tiềm năng rất lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó có dược liệu và phát triển kinh tế rừng.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 “về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đã có những định hướng phù hợp phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng; thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ, tạo việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhằm tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
“Đây sẽ là cơ hội lớn để tỉnh Kon Tum nắm bắt, phát huy tối đa tiềm năng để xây dựng nền nông, lâm nghiệp thật sự là trọng tâm, trụ đỡ cho sự phát triển chung của nền kinh tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đánh giá.
Ông Lê Ngọc Tuấn nhận định, với địa hình đa dạng, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số;… sẽ mang lại cho địa phương này nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng với nhiều địa điểm thăm quan, du lịch.
Những tiềm năng du lịch này phải kể đến như: Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (thành phố Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi),… Đặc biệt khu du lịch sinh thái Măng Đen tại huyện Kon Plông đang ngày càng thu hút rất nhiều khách du lịch đến với tỉnh Kon Tum.
Với những tiềm năng trên, tỉnh Kon Tum đã đặt ra nhiều trong giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 10%/năm trở lên; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người từ 70 triệu đồng trở lên;
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm; Trên 60% lao động qua đào tạo; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3- 4%/năm; có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới …