Lăng Lê Văn Duyệt đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lăng Lê Văn Duyệt đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Quang cảnh Ban Quản lý lăng đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh, TP HCM tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận, nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832-2022).

Phát biểu tại lễ đón nhận, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, với việc đón nhận thêm Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ – Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt” thì TP HCM đã có 3 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ và Lễ hội Nguyên Tiêu ở Quận 5).

“Đây là cơ sở để khẳng định “Lễ hội Khai hạ – Cầu an” là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Sài Gòn-Gia Định xưa và TP HCM ngày nay”, bà Thắng nhấn mạnh.

Tại lễ đón nhân, ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, lễ hội Khai Hạ – Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là lăng Ông Bà Chiểu, là lễ hội truyền thống đặc sắc của địa phương để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa.

Trong lễ hội sẽ có lễ Dựng nêu và lễ Thượng Kỳ để đến đầu năm thì làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hàng ngày. Lễ Hạ nêu hay là Lễ Khai hạ – Cầu an, Khai sơn, Khai bút hay Khai ấn, tức là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng hay đến công sở theo kế sinh nhai.

Đối với Đức tả quân Lê Văn Duyệt, sinh năm 1764 – mất năm 1832, thời vua Gia Long (1802 – 1820) và vua Minh Mạng (1820 – 1841), là người đã có công vào sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía nam của Tổ quốc, đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định.

Khi còn giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Thuở còn sống, Tả Quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng vẫn hay làm các nghi lễ này cầu cho mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bình Thạnh với tất cả tình cảm và trách nhiệm sẽ bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Khai hạ – Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt để luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Nam bộ, của nhân dân TP HCM nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng”, ông Đinh Khắc Huy nhấn mạnh.

Dịp này, lãnh đạo UBND TP HCM cũng đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch TP HCM và các cơ quan liên quan hợp tác, liên kết chặt chẽ trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của “Lễ hội Khai hạ – Cầu an” ngay sau khi được nhận bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

Hồng Phúc

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây