Giới thiệu khái quát huyện Cần Giờ

Giới thiệu khái quát huyện Cần Giờ

Giới thiệu khái quát huyện Cần Giờ

Cần Giờ là một trong 5 huyện ngoại thành  của thành phố Hồ Chí Minh, nằm về hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 50 Km theo đường chim bay, có hơn 20 Km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, có các cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. 

          Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Châu Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về phía Đông và Đông Bắc. Giáp với huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc( tỉnh Long An) huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) về phía tây. Giáp với huyện Nhà Bè(TP.HCM) về phía Tây Bắc. Phía Nam giáp với Biển Đông.

          Vị trí của huyện Cần Giờ ở từ 106 độ 46’12” đến 107 độ 00’50” Kinh độ Đông và từ 10 độ 22’14” đến 10 độ 40’00” vĩ độ Bắc.

          Cần Giờ có tổng diện tích tự nhiên 70.421 hécta, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn thành phố, trong đó đất lâm nghiệp là 32.109 hécta, bằng 46,45% diện tích toàn huyện, đất sông rạch là 22.850 hécta, bằng 32% diện đất toàn huyện. Ngoài ra còn có trên  5.000 hécta diện tích trồng lúa, cây ăn trái, cây cói và làm muối. Đặc điểm nôi bậc về thổ nhưỡng của Cần Giờ là phèn và mặn. Vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, trong đó chủ yếu là cây đước, cây bần, mắm …

          Khí hậu Cần Giờ có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 250C đến 290C, cao tuyệt đối là 38,20C, thấp tuyệt đối là14,40C. Độ ẩm trung bình từ 73% đến 85%, độ bốc hơi từ 3,5 đến 6 mm/ngày, trung bình 5 mm/ngày, cao nhất 8 mm/ngày. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000 – 1.402 mm, trong mùa mưa lượng mưa tháng thấp nhất khoảng 100 mm, tháng nhiều nhất 240mm. Mùa mưa hướng gió chính là Tây – Tây Nam, mùa khô hướng gió Bắc – Đông Bắc.Sau 25 năm giải phóng, hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn của Cần Giờ đã được phục hồi ổn định và đang phát triển tốt sau những thiệt hại nặng nề do chiến tranh tàn phá.

          Rừng Cần Giờ có chức năng chính là phòng hộ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, nhưng đồng thời cũng mở ra triển vọng to lớn về du lịch sinh thái. Do tính năng quan trọng của rừng phòng hộ Cần Giờ, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển”.

          Biển là nguồn lợi to lớn của Cần Giờ, vì vậy trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện ngay từ sau giải phóng, ngành thủy sản luôn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, là một trong những động lực phát triển kinh tế – xã hội.

          Ưu thế lớn của Cần Giờ trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội là quỹ đất còn lớn, môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan hấp dẫn và đặc biệt đây là một đơn vị hành chính thuộc thành phố Hồ Chí Minh – một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đồng thời lại giáp ranh với những vùng kinh tế năng động như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

          Dân số Cần Giờ tính đến năm 2000 khoảng 60.000 người, mật độ 82 người/Km2 (thấp nhất so với các quận, huyện khác của thành phố). Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 55%.

          Về hành chính, Cần Giờ có 7 xã và thị trấn: Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Bình Khánh. Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Cần Thạnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây