Vùng Châu thổ sông Hồng

Vùng Châu thổ sông Hồng
Không gian phát triển vùng Châu thổ sông Hồng được đề xuất hình thành chuỗi đô thị thông minh, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%.

Mặc dù trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội, song đặc trưng cơ bản và những vấn đề nổi bật của nông thôn châu thổ sông Hồng trong nhiều thập kỷ vẫn còn in đậm cho đến ngày nay.

Đồng bằng sông Hồng là tên gọi chung cho vùng đất do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Không giống như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi, do đó khu vực này còn được gọi là “châu thổ sông Hồng”.

Châu thổ là một trong hai vùng kinh tế lớn của miền Bắc Việt Nam (vùng Núi và Trung du phía Bắc gồm Đông Bắc,Tây Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng). Từ xa xưa, người Việt đã cư trú tại đây với đặc điểm chủ yếu là trồng lúa nước và cư trú kép kín trong các làng xã. Vùng là cái nôi của văn minh sông Hồng, nền văn minh đồ đồng phát triển rực rỡ với trống đồng, thạp đồng và mũi tên đồng. Là một trong những vùng kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt trong phân công lao động của cả nước, đây là vùng có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào và mặt bằng dân trí cao.

tai chau tho song Hong noi dat dai han hep va duoc chia deu min - Vùng Châu thổ sông Hồng

Nằm ở phía Nam của đường chí tuyến Bắc, châu thổ sông Hồng có toạ độ địa lí 220 – 21030′ B và 105030′ – 1070 Đ, bao gồm toàn bộ đồng bằng châu thổ màu mỡ và dải đất rìa trung du với một số tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng. Toàn vùng có diện tích trên 14.860 km2,chiếm khoảng 4,5% tổng diện tích cả nước. Phía Bắc và Đông Bắc là vùng Đông Bắc, phía Tây và Tây Nam tiếp giáp vùng Tây Bắc, phía Đông là vịnh Bắc Bộ còn phía Nam là vùng Bắc Trung Bộ. Đồng bằng sông Hồng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ các thềm phù sa cổ (10 – 15m) đến các bãi bồi ở trung tâm (2 – 4m) rồi tới các bãi hàng ngày còn ngập nước triều.

Tài nguyên thiên nhiên của vùng khá đa dạng, đặc biệt là đất phù sa sông Hồng, nơi có nhiều khả năng để sản xuất lương thực, thực phẩm. Trên thực tế, đây là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước, sau Ðồng bằng sông Cửu Long. Đất đai sử dụng cho nông nghiệp có trên 70 vạn ha, chiếm 56% tổng diện tích tự nhiên, trong đó 70% đất có độ phì từ trung bình trở lên. Nhìn chung, đất đai trong vùng khá màu mỡ do được phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Nguồn nước cả trên mặt lẫn nước ngầm đều có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, do tình trạng quá thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô, cũng dẫn đến nhiều thách thức.Nhìn chung, điều kiện khí hậu thuỷ văn trong vùng thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, có mùa đông phù hợp với một số cây trồng phù hợp với nhu cầu của các nước ôn đới trong mùa đông giá lạnh không canh tác được. Là vùng đất nằm quanh khu vực hạ lưu , châu thổ sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước với khoảng 22 triệu người, chiếm 22% tổng dân số cả nước, bình quân 1.413 người/Km2. Dân cư đông nên vùng có lợi thế lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất với chất lượng cao, tạo ra thị trường có sức mua lớn. Như tên gọi của vùng, sông Hồng đã gắn bó từ ngàn đời nay với cư dân của vùng đồng bằng trên địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao từ 0,4 – 12m so với mực nước biển. Ngoài ra, còn có một số đồi với cấu tạo cacxtơ đá vôi dọc hai cánh Tây Nam và Đông Bắc. Vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22,5 – 23,50C. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, vùng còn là cầu nối giữa Đông Bắc, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ, đồng thời cũng nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng có thủ đô Hà Nội là trung tâm công nghiệp, hành chính, chính trị của cả nước… Nhờ tiếp giáp với hơn 400km bờ biển, có cửa ngõ thông qua cảng Hải Phòng, vùng dễ dàng mở rộng giao lưu với các vùng và nhiều quốc gia.

Nông dân là chủ đề được quan tâm nghiên cứu khi bàn về nông nghiệp, nông thôn. Quan hệ ứng xử của người nông dân có những tác động mạnh mẽ tới điều kiện sống và quá trình phát triển của vùng. Sự khác biệt về địa lý là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự khác biệt văn hóa tại mỗi địa phương. Ở từng vùng miền với sự khác biệt nền tảng văn hóa sẽ tạo nên những tư duy và cách nhìn khác nhau, được thể hiện qua cách ứng xử, thái độ và quan điểm sống của mỗi con người.

Khác với cung cách ứng xử của nông dân ở các nước phát triển, tại châu thổ sông Hồng, nơi đất đai hạn hẹp và được chía đều, từ xa xưa người dân đã coi ruộng đất như một thứ tài sản để đảm bảo cho sự an toàn và tạo sự khác biệt trong cách ứng xử. Trong tâm thức của người nông dân, ruộng đất được cho là “tài sản của gia đình”, là thứ  “thiêng liêng mang tính cha truyền con nối và gắn liền với cá nhân gia đình”.

Nhìn nhận về nông nghiệp gia đình ở châu thổ sông Hồng trong bối cảnh làng xã còn là cái khung nhận diện cho xã hội nông thôn, nhiều nhà phân tích cho rằng, tính thụ động và an phận là một đặc trưng cố hữu. Từ đây, để thay đổi một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và công nghiệp hóa thì người nông dân châu thổ Sông Hồng trước hết  cần phải thay đổi tư duy vốn đã ăn sâu trong tiềm thức. Để nông nghiệp tự cung tự cấp dần được thay thế bởi một nền sản xuất hàng hóa thì ở đó, người nông dân cần phải vượt qua tư duy sản xuất để sinh tồn, hướng tới hợp tác liên kết để tạo dựng nền sản xuất nông sản hiện đại. 

Tú Quyên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây