Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu – Những cái nhìn tham chiếu! – Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu – Những cái nhìn tham chiếu! - Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú.

Từ nhiều cái nhìn tham chiếu bài viết nhằm mục đích khẳng định vị Tổ sư nghề thêu Lê Công Hành là người có công học tập từ Trung Hoa rồi truyền nghề thêu ở Việt Nam. Tại sao lại nói “khẳng định”, vì còn nhiều điểm mờ, do vậy cần có sự đối chiếu, phân tích, lật lại vấn đề để tìm ra ý nghĩa mang tính bản chất.

1. Từ lịch sử:

Ở đây là sử sách có thật còn ghi lại, nhất là chuyến đi sứ của vị Tổ nghề thêu.

Lê Công Hành sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tức ngày 24 tháng 2 năm 1606) tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ nhỏ nổi tiếng về sự ham học, lớn lên thi đỗ Tiến sĩ (thời vua Lê Thần Tông 1637). Sau đó ông được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ nhỏ thăng dần lên hàng Thượng thư, được cử đi sứ nhà Minh năm Bính Tuất (1646). Ông được triều đình ban hiệu Kim Tử Vinh lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh lương hầu, được vua ban Quốc tính (nên có tên Lê Công Hành). Ông mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (tức ngày 7 tháng 7 năm 1661), thọ 56 tuổi, được triều đình ban hàm Thượng thư Thái bảo Lương Quận công. Ngày 12 tháng 6 Âm lịch là ngày lễ giỗ Tổ nghề nghề thêu ở Việt Nam.

Những chi tiết trên được ghi trong chính sử.

Nhưng sử sách cũ đời Trần (trong tập Thiên nam hành ký của tác giả Từ Minh Thiện viết) có viết triều đình ta (tức triều Trần) đã dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, vua Trần gửi tặng vua Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu. Sự kiện này có trước năm đi sứ của Lê Công Hành gần 400 năm, vậy tại sao dân ta lại tôn xưng Lê Công Hành là ông Tổ nghề thêu. Đó là câu hỏi cần được làm rõ, cũng là một cách khẳng định công lao của Tổ nghề!

Nv pvk lam viec tai Dinh Tu Thi Hang Gai noi tho ong to nghe theu Le Cong Hanh - Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu  – Những cái nhìn tham chiếu! - Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh TúNhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Đình Tú Thị – Hàng Gai nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

2. Từ truyền thuyết:

Có nhiều chuyện kể dân gian hơi mang tính truyền thuyết về Lê Công Hành là một người thông minh xuất chúng. Tiêu biểu là câu chuyện “đối” khi ông 18 tuổi phải đối lại với vế đối hóc hiểm của một viên quan:

Ông quan thị, cắm đường cái tiêu, trị hồng thủy, cho dân được cậy.

Về đối ra oái ăm ở chỗ nếu ra 4 thứ quả: thị, chuối tiêu, hồng và quả cậy. Công Hành ứng khẩu đối lại ngay:

Trai Quất Động, thi đỗ bảng nhãn, phù quân vương, phỉ chí mới cam.

Cũng đủ 4 thứ quả: quýt (quất), nhãn, bồ quân và cam.

Quất Động là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân nổi tiếng như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Sau này có ông Thái Văn Bôn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân nổi tiếng với các bức thêu chân dung các nguyên thủ quốc gia. Bức chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao. Tất nhiên Quất Động là vùng đất văn hóa nổi tiếng – ở đây là văn hóa nghề thêu. Mà với vùng văn hóa nào, càng lâu đời, càng nổi tiếng thì càng giàu trầm tích văn hóa, trong đó truyền thuyết là một mã văn hóa cơ bản;

Tuy có nhiều truyền thuyết thêu dệt chung quanh vị Tổ nghề nhưng tập trung vào các chi tiết: Lê Công Hành, họ tên chính là Trần Quốc Khải, sinh 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606) tại Quất Ðộng (nay là thôn Ðào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), mất 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661). Thần phả nói tổ tiên ông vốn họ Mạc, đổi sang họ ngoại là họ Trần. Sau đó lấy họ Lê, vì ông được vua Lê ban quốc tính. Thủa thơ ấu Trần Quốc Khải đã nổi tiếng thông minh thi đỗ Tiến sĩ vào đời vua Lê Chân Tông, năm 1646 được cử đi sứ Trung Quốc. Ðể thử trí thông minh của sứ thần Ðại Việt, vua Minh sai người dựng một cái lầu cao, rồi mời ông lên chơi. Khi ông đã lên lầu thì ở dưới đất cất thang đi. Không còn lối xuống nữa ông đành ở trên lầu một mình, chung quanh trời mây bao la, gió thổi hun hút. Ông đưa mắt nhìn quanh lầu chẳng có cái gì có thể ăn được. Chỉ thấy hai pho tượng Phật có mầu sắc sơn phết cẩn thận, kèm theo là một vò nước cúng; một bình hương – và có cả hai cái lọng to. Trong góc lầu lại có hai cây tre tươi và một con dao. Ông nghĩ bụng có nước uống tất phải có cái ăn. Ông ngắm bức nghi môn thấy có đề chữ “Phật tại tâm” nghĩa là Phật ở trong lòng. Ông liền bẻ tay Phật  thử xem sao thì thấy hai pho tượng được nặn bằng bột gạo nếp. Thế là ngày ngày ông ăn pho tượng ấy. Rồi ông chẻ tre vót nan lọng, nhìn cách ghép nan, nhập tâm từng chi tiết, đem bức nghi môn tháo ra để học cách thêu rồi thêu vào hệt như cũ. Nhờ thế mà ông học được cách thêu và làm lọng. Rồi ông tìm cách xuống. Ngắm nhìn những con dơi xòe cánh chao đi, chao lại bay lượn, ông nảy ra ý định bắt chước chúng. Ông ôm hai cái lọng rồi nhảy xuống bình an… Trước tài trí và sự ứng đối thông minh, nhà Minh khâm phục, làm tiệc lớn đãi và tiễn ông về nước.

Nếu căn cứ vào những truyền thuyết này thì chưa đủ khẳng định tài năng, đạo đức của Lê Công Hành, bởi xét kỹ về đối lại cũng chưa có gì xuất chúng, chiểu theo niêm luật còn vài chỗ “vênh”. Chuyện ăn tượng Phật, học thêu, nhảy xuống đất… rõ ràng là hư cấu với mục đích ca ngợi nhân vật.

Nv pvk lam viec tai Dinh Tu Thi Hang Gai noi tho ong to nghe theu Le Cong Hanh 2 - Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu  – Những cái nhìn tham chiếu! - Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh TúNhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Đình Tú Thị – Hàng Gai nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

3. Từ hiện thực cuộc sống đến các ghi chép, gia phả dòng họ, bia, ký đình, đền:

Nghề nào cũng vậy, phải có các nghệ nhân, vì họ chính là một mã văn hóa tích lũy trong đó bao “trầm tích” lịch sử, ý nghĩa, tinh hoa của nghề. Ngày nay nghề thêu Quất Động với các nghệ nhân nổi tiếng: nghệ nhân Bùi Đình Hán (đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Tương (đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Đinh (đã mất), Bùi Thị Tuyết, Bùi Thị Hánh, Hoàng Thị Khương, Hoàng Viết Chỉnh,… Xã Quất Động có 8 làng nghề được công nhận: Làng nghề Thêu ren Quất Lâm, Làng nghề thêu ren Lưu Xá, Làng nghề Thêu ren Đô Quan, Làng nghề Thêu ren Nguyên Bì, Làng nghề Thêu ren Bì Hướng, Làng nghề Thêu ren Đức Trạch, Làng nghề Thêu ren Quất Tỉnh, Làng nghề Thêu ren Quất Động, ngoài dệt may, sợi, thêu ren là những nghề truyền thống chủ đạo từ lâu đời, ngày nay còn sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, đan lát, cơ khí nhỏ. Theo nhà nghiên cứu, dịch giả, TS Phạm Minh Quân – từ sự tổng hợp các sách trong và ngoài nước (chủ yếu là phương Tây), nghề thêu làng Quất Động được chia thành 3 loại hình chính: thêu tranh (phong cảnh, hoa, động vật, địa danh,…); thêu chân dung (Vua chúa, Nhân vật lịch sử, Nguyên thủ quốc gia,…); thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục,… Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền…đến các bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung lãnh tụ… Ngoài thêu, còn là khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách… Sản phẩm thêu Quất Động đã có mặt tại hơn 20 nước, với những thị trường nổi tiếng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ…

Các tư liệu ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội đều nói ông tổ nghề thêu của cả nước là tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, quê ở làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thưởng Tín, Hà Nội). Bùi Công Hành được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Trung Quốc. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ giả bèn cho dựng một lầu cao mời ông lên chơi, rồi rút thang để ông không thể leo xuống. Lầu cao là một gian thờ Phật không một thứ thức ăn gì ngoài một chum nước uống. Ngày ngày ông ngồi thiền niệm Phật dưới ban thờ. Ông nghĩ tìm cách thoát khỏi lầu nhưng không có chỗ xuống. Bụng đói, ông nghĩ chắc trên lầu phải có gì ăn được, ngoài chum nước kia. Thế là ông tìm tòi và phát hiện tượng Phật làm bằng chè lam. Thế là cứ dần dần ông bẻ tay, chân tượng Phật ăn hàng ngày. Trên lầu cao, ông ngắm mấy cái tàn lọng đẹp và hoa văn thêu trang trí trên lầu, bèn nghĩ học lại cách thêu bằng cách nhập tâm… Sau một tháng bị giam, thức ăn cũng đã hết, ông dùng dây buộc hai cái lọng vào người và nhảy xuống đất an toàn. Mọi người thán phục sự thông minh của sứ thần nước Nam. Về nước, ông đem hiểu biết dạy dân nghề làm lọng, thêu tranh. Nhiều làng trong vùng được Lê Công Hành truyền nghề là các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai: 5 xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã.

Đình Tú Thị như là một dấu nối giữa làng thêu Quất Động với đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ. Cùng dòng người hội tụ về Thăng Long lập nghiệp, những người thợ thủ công làng Quất Động đã đến định cư tại làng Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức để sinh cơ lập nghiệp theo nghề cổ truyền. Tại đây, vào năm 1891 người làng Quất Động đã dựng một ngôi đình để thờ ông tổ nghề thêu – Lê Công Hành. Đình có tên Nôm là “Đình Chợ Thêu”, tên chữ là “Tú Đình Thị” nghĩa là “Chợ đình Thợ Thêu”. Tấm bia đá trong đình có khắc Bản thị tiên công liệt vị (Kể tên các vị công đức của bản thị) được dựng vào ngày 11 tháng 10 năm Hoàng triều Thành Thái thứ 3 (1891). Nội dung ghi lại việc dựng đình: “Chợ Tú Đình, huyện Thọ Xương… bản thị gồm 26 người tự xuất tiền của, dựng từ vũ tại địa phận thôn An Thái để phụng thờ Thánh Tổ.” Hàng năm, ngày 12 tháng 6 âm lịch, thợ thêu các làng nghề lại về quê hương Quất Động để làm lễ giỗ cụ tổ Lê Công Hành, trong khi các thợ thêu ở Hà Nội lại về đình Tú Thị tế Tổ. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4066/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Về việc xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tú Thị phường Hàng Hai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Như vậy việc cụ Lê Công Hành là Ông Tổ nghề thêu đã được khẳng định.

Gia phả lưu giữ ở nhà thờ tổ Quất Động thì cụ Tổ nghề thêu vốn họ Mạc sau đổi là họ Trần tên Khái, hiệu là Công Hành được vua ban quốc tính họ Lê. Vẫn còn ghi rõ ngày sinh ngày mất cụ thể (sinh ngày 18 tháng giêng năm Bính Ngọ (1606) và mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661). Cụ thọ 56 tuổi.

Đền Ngũ Xã vẫn còn tấm bia Vũ du tiên sư bi ký khắc 2 mặt, khổ 60cm x 95cm, viết bằng chữ Hán xen lẫn chữ Nôm. Trán bia trang trí mặt trời, mây. Theo nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm, bia dựng năm Gia Long 13 (1814) với các nội dung chính: Cục Vũ Dụ (chỉ những người chuyên làm nghêu thêu dù, lọng vào khoảng đầu TK XVIII) cùng các chức sắc và già trẻ ở Ngũ Xã thuộc huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín dụng bia ca ngợi công đức Tiên sư Lê Cộng Hành, người đã đem nghề dạy dân trong nước và làm rạng danh cho thôn ấp. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 (1746), ngài được bao phong tước Vương. Kế tục sự nghiệp của Tổ nghề có vị Hậu Tiên sư. Bia ghi rõ số vườn, ao, ruộng, thờ, cùng các quy định ngày giỗ Tiên sư và Hậu Tiên sư, dân làng phải “biện” một con lợn, một mâm xôi, trầu, rượu. Tế xong ở đền Ngũ Xã phải đem thịt lợn và 5 miếng trầu đến nhà thờ tổ kính biếu…

Việc Cụ Tổ nghề thêu có ba họ khác nhau cũng được minh định rõ ràng!

Từ thế kỷ XVI trở đi. khi kinh tế thương mại ở nước ta phát triển hơn, thì nhiều ngành nghề đã có điều kiện hội tụ tại kinh đô, tạo nên sự sầm uất với 36 phố phường, thì những người thợ thêu của làng Quất Động cũng tới đây lập nghiệp, dựng đình Tú Thị của phường hội (ở số 2 phố Yên Thái) và làm nơi thờ tổ nghề Lê Công Hành. Tổ sư Lê Công Hành ngày càng được thiêng hóa như là một nét văn hóa thường thấy. Theo bài ghi của Bùi Trần Chuyên: “Xưa, làng Đông Biểu được giao chở thóc lên Thăng Long cho nhà vua (…). Thuyền đầy thóc đang lướt sóng về hướng kinh đô, bất chợt gặp tại nạn. Một tấm ván thuyền bật ra, nước ăn vào, có nguy cơ bị chìm (…). Những người trên thuyền chưa có cách gì cứu vãn, chợt nhìn lên bờ, thấy có một ngôi đền, liền đốt hương, khấn thần phù hộ. Ngay sau đó, có một con cá to, áp sát vào tấm ván thuyền bị bật ra, làm nước không vào được thuyền. Nhờ có con cá áp tải đến tận Thăng Long, bốc thóc xong, sửa lại thuyền. Để tạ ơn thần, đoàn thuyền sửa lễ, lúc về lên đền lễ tạ và xin thần được lập đền thờ ở quê, đội ơn thần che chở, ban phúc lành. Đoàn xin sẻ phần chân hương ở bát hương trong đền…. và xin trích thần phả, rước xuống thuyền về Đông Biểu lập đền thờ làm thành hoàng làng đến nay”. Bài vị ghi “Tôn thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu thị lang Thanh lương hầu – bao phong công bộ thượng thư thượng trật – Tôn thần – Tính – quốc tính: Lê – húy: Công Hành – đại vương thánh vị”.

Bóc cái vỏ huyền thoại, phải chăng cái lõi sự thật là: Có thể có đền thờ Lê Công Hành ở ven sông để người Đông Biểu cầu xin bảo hộ, độ trì. Ngày xưa giao lưu chủ yếu bằng thuyền (văn minh sông nước) nên biểu tượng về người có công như Cụ Tổ Công Hành theo con đường văn minh sông nước mà lan tỏa rộng ra vùng Quất Động, mà vùng Yên Thái (Hà Nội) chỉ là một địa điểm.  Hơn nữa, một mã văn hóa Việt trở thành hằng số là ngưỡng vọng, tôn thờ các giá trị đã trở thành biểu tượng. Ví như ở trên đất nước ta, hầu như vùng nào cũng có đền thờ Trần Hưng Đạo. Ngoài sự ngưỡng vọng, còn là khát vọng về tâm linh được che chở, cứu giúp… Thế nên nhiều nơi còn phong Trần Hưng Đạo là Thành hoàng. Từ góc nhìn này thì dễ thấy nhiều nơi thờ Cụ Lê Công Hành là logich với cả đời sống lẫn trong tâm thức văn hóa. Do vậy, không ngạc nhiên, ngoài một số địa điểm, tại quê hương Quất Động (với đền, đình, nhà thờ họ…); Hà Nội có đền thờ ở phố Yên Thái, phố Hàng Lọng; địa điểm ven sông Hồng; ở làng Đông Biểu ở Ý Yên – Nam Định. Theo logic trên thì đình là nơi thờ Thành hoàng làng tức là nơi thờ Cụ Tổ!

Xin lưu ý, tại Huế cũng có lễ tế Tổ sư nghề thêu Lê Công Hành tại phổ Cẩm Tú được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm và ngày mồng 4 tháng Sáu âm lịch.

Theo bia “Cẩm văn hội bi ký” niên đại Thành Thái thứ 14 (1902) có ghi (theo bản dịch của Viện Hán Nôm) “Hội Cẩm văn tin rằng các vị ở Ngũ Xã thí phát tâm góp sức xây dựng lại theo nền xưa, 3 tầng nóc voi voi cao đẹp hơn trước. Trước sân là vũng (hồ) nước chảy trong suốt mười trượng về phía Tây. Đền thiêng cao ngất, hương khói ngàn năm. Bèn khắc vào đá để muôn đời không mất. Bản hội trùng tu đình vũ các khoản… như kê sau đây: Đại đình một tòa 3 gian – phương đình một tòa – Hiền trong đình và bổ khuyết Nội cung…”. Những chi tiết càng củng cố nhận định: Lê Công Hành là một nhân vật lịch sử được tôn thờ, được coi như một biểu tượng văn hóa về lòng thương người, giúp người, có tài năng, đức độ… Đó chẳng phải những hằng số văn hóa mà người ta hướng tới sao?

Nv pvk lam viec tai Dinh Tu Thi Hang Gai noi tho ong to nghe theu Le Cong Hanh 3 min - Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu  – Những cái nhìn tham chiếu! - Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh Tú Nhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Đình Tú Thị – Hàng Gai nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

4. Từ thực tế lịch sử biến động dân cư:

Theo nhiều nghiên cứu về lịch sử các làng nghề thì trong lịch sử Hà Nội, các làng xã ven đô, nhất là các làng nghề ở khu vực phía Tây và Nam Hà Nội có mối quan hệ mật thiết với kinh đô Thăng Long – Hà Nội xưa. Nhìn từ lý thuyết Trung tâm – Ngoại vi đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên thế giới thì Thăng Long – một trung tâm văn hóa, trung tâm buôn bán (Kẻ Chợ. Kẻ = nơi, vùng) như một thỏi nam châm cực lớn thu hút các nhân tài chung quanh, thậm chí rất xa (Nghệ An, Hà Tình) kéo về. Hầu hết các làng nghề ven đô Hà Nội đều được hình thành ít nhất cách đây đã vài trăm năm, như làng Chàng Sơn (Thạch Thất) có nghề mộc từ thời Hùng Vương, sang thời Bắc thuộc đã trở nên nổi tiếng. Làng Vạn Phúc (Hà Đông) có nghề dệt từ thế kỷ IX. Làng chạm khắc gỗ Nhân Hiền (Thường Tín), làng khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) từ thế kỷ XI, XII; làng nghề giấy An Cốc (Phú Xuyên) từ đầu thế kỷ XV. Làng sơn Bình Vọng (Thường Tín) từ thế kỷ XVI; làng thêu Quất Động (Thường Tín) từ đầu thế kỷ XVII; làng tiện gỗ Nhị Khê (Thường Tín) từ thế kỷ XVIII… Cho đến nay những làng nghề này vẫn tồn tại, phát triển cùng với quá trình phát triển của lịch sử. Những người thợ thêu Quất Động xưa kia chuyển ra Hà Nội lập nên phố Hàng Thêu (đoạn cuối phố Hàng Trống hiện nay, trên đất các thôn Cổ Vũ, Khánh Thụy Hữu và Tự Tháp thuộc tổng Tiền Túc huyện Thọ Xương cũ). Thời Pháp, phố Hàng Thêu đổi thành phố Thợ Thêu. Những thợ thêu Quất Động còn tản mát ở các Hàng Lọng (gần đường Lê Duẩn), Hàng Hải (nay là từ đầu phố Hàng Bông đến Hàng Mành), phố Mã Vĩ (phía đông phố Hàng Nón)…

Theo nhiều nghiên cứu, ghi chép thì người Quất Động ở đâu cũng xây đền thờ Tổ nghề – một truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mang tinh thần đạo lý cao của người Việt Nam.

Hiện ở số 2A Yên Thái có ngôi đình trên cổng ghi “Tú đình thị” (chợ đình thợ thêu) do người thợ Quất Động xây dựng để thờ vọng tổ nghề Lê Công Hành. Không chỉ đến bán hàng, người ta còn coi đó là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau thắp nén hương nhớ về Tổ nghề… Ở phố Hàng Lọng xưa kia cũng có đền thờ tổ nghề Lê Công Hành (đền đã bị hoang phế). Năm 1990 nhân dân thôn Văn Lâm xã Minh Hải huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình cũng xây “Tú đình thị” để phụng thờ Tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Như vậy có một nét chung: người thợ thêu Quất Động ở đâu đi đâu cũng vẫn nhớ đến tổ nghề với lòng thành kính, tôn trọng, biết ơn. Thế nên trên quê hương Quất Động từ xưa dân 5 xã xây đền thờ (đền Ngũ Xã) là điều thật dễ hiểu. Đền tọa lạc ở vị trí đắc địa, phía trước là hồ nước trong xanh, mặt trước đền là bốn chữ Hán đắp nổi “Ngũ Xã Sùng Từ”. Nhiều nghiên cứu khẳng định có căn cứ trước đây là một công trình kiến trúc đồ sộ nổi tiếng, tương xứng với nơi thờ phụng vị Tổ nghề tài năng, đức độ. Lịch sử dâu bể chìm nổi biến thiên, do chiến tảnh, do loạn lạc, do đói kém… lâu dần xuống cấp, đổi thay.

Dân làng Quất Động đã rước Tổ nghề cùng 6 đạo sắc phong về phối thờ với Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương tại đình làng Quất Động cũng như một việc tất yếu phải thế.

Để trả lời câu hỏi ở phần mở đầu bài viết: triều đình nhà Trần đã dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, vua Trần gửi tặng vua Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu. Sự kiện này có trước năm đi sứ của Lê Công Hành gần 400 năm, vậy tại sao dân ta lại tôn xưng Lê Công Hành là ông Tổ nghề thêu? Người viết bài này bỏ công tìm tòi nhiều sách vở, bài viết và thăm hỏi các nghệ nhân về sự khác nhau của thêu trước đây (trước triều Trần) và nghệ thuật thêu của Cụ Tổ Lê Công Hành thì được lý giải: ai cũng có thể biết thêu, cả xưa cả nay, miễn là có kim chỉ, vải, bàn thêu. Đó là chuyện dễ thấy nhưng phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên. Đặc biệt là chỉ tơ tằm có độ óng mịn cao để tạo cho các bức tranh phong cảnh mang màu sắc tự nhiên. Người thêu không chỉ có lòng đam mê, còn phải có năng khiếu hội họa mới tạo ra đường nét uyển chuyển, bức tranh mới có hồn. Trước thời Trần có thể chỉ là thêu thủ công đơn giản, chưa có các kỹ thuật thêu như sau này: đột, lướt vặn, bó bạt, đâm xô, nối đầu, chăng chặn, sa hạt, khoắn vảy đơn – khoắn vảy kép… Sau này, thời hiện đại còn phát triển thêm nhiều kỹ thuật khó như thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng… Đường chỉ càng mịn, chân chỉ càng óng nuột, sản phẩm càng có giá trị.

Một yếu tố nữa cần tính đến, theo nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Văn Sơn – một người uyên bác, sắc sảo về văn hóa trung đại phương Đông, đó là yếu tố thương mại. Chỉ đến khi giao lưu hàng hóa phát triển, nhờ nghề thêu mà đời sống ngày một phát triển mang lại ấm no, thì một mặt, người thêu càng thấy ý nghĩa truyền nghề của Tổ nghề; một mặt, tính chất “mong manh” của nghề cũng cao lên, cần thêm một niềm tin tâm linh, cũng cần đến vị Tổ nghề phù hộ!

Ý kiến của chúng tôi:

Từ các luận chứng trên sẽ có thêm giả thuyết: Cụ Lê Công Hành chỉ học trên lý thuyết, chứ không qua trực quan, tức không nhìn thấy nghệ nhân Tàu thời đó thêu như thế nào. Cụ quan sát đường thêu, hình thêu, màu sắc chỉ… rồi về nước Cụ tự mình “cụ thể hóa” thành các công đoạn… Cụ thực hành thành công rồi mới truyền nghề. Thế nên công lao sáng tạo chủ yếu là ở bàn tay Cụ, sức tưởng tượng của Cụ. Học ở bên Tàu, chỉ là cảm hứng, đường nét, màu sắc… Cụ xứng đáng được tôn vinh là Cụ Tổ nghề thêu trên cả nước Việt Nam!

Nv pvk lam viec tai Dinh Tu Thi Hang Gai noi tho ong to nghe theu Le Cong Hanh 4 min - Lê Công Hành – Ông Tổ nghề thêu  – Những cái nhìn tham chiếu! - Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thanh TúNhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Đình Tú Thị – Hàng Gai nơi thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

5. Ý nghĩa, bài học, kiến nghị:

“Tôn sư trọng đạo” tôn thờ các vị Tổ nghề là một nét văn hóa tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn những người sáng lập, khai mở ngành nghề để góp phần xây dựng, chăm lo đời sống của cả cộng đồng. Nó là đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ nghề nằm trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của cộng đồng. Cùng với nghề nông, người Việt còn sinh sống bằng nhiều nghề thủ công truyền thống khá phong phú và đa dạng. Hàng năm, những người hành nghề thủ công truyền thống khác nhau đều tổ chức ngày giỗ vị tổ sư nghề mình với những nghi thức trang trọng, uy nghiêm, là điều đáng khuyến khích, học tập. Nó tạo ra mạch nguồn về sự kết nối, kế thừa, phát triển của làng nghề. Mọi người tuân theo tấm gương tiền bối mà tôn vinh, noi gương, lấy đó để phấn đấu, học tập, và phát triển nghề truyền thống để làm giàu có cho mình, cho quê hương. Bởi vậy, thờ cúng tổ nghề cũng là dịp để giáo dục đạo đức cho các thế hệ, văn hóa ứng xử, lòng tự hào, ngưỡng mộ, tinh thần hướng về nguồn cội, với ý thức luôn trau dồi học hỏi, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn.

Trong dịp lễ giỗ cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ, tương thân, tương ái. Ngoài thể hiện lòng biết ơn, còn là dịp đoàn viên để ôn lại quá trình sản xuất, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, những bí quyết nghề để cải tiến dụng cụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong phần lễ trình nghề, một hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm mới rất nên được mở rộng, nâng cao phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin hôm nay.

Nghi lễ thờ Tổ nghề rất trang trọng, linh thiêng thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày mất của vị tổ nghề, nếu không biết được ngày sinh, ngày mất của vị tổ nghề, thì tổ chức vào ngày hội làng. Người ta tin rằng thờ cúng Tổ nghề sẽ được  phù hộ sức khỏe, làm ăn tấn tới, bảo tồn, phát triển nghề nghiệp của mình. Tục thờ tổ nghề trở thành sợi dây liên kết, gắn bó đoàn kết mọi người với quan niệm “ly hương, bất ly tổ” rất quý, không bản vị, không cục bộ địa phương, hướng tới công ăn việc làm ổn định, tốt đẹp. Lòng tri ân những vị tổ nghề trong họ không hề mất đi mà trái lại họ gieo vào vùng đất mới những hạt giống của lòng biết ơn bằng cách hành nghề, phát triển nghề.

Trong nhiều nghề thủ công nước ta, nghề thêu là một nghề phù hợp với người Việt (nhất là ở nông thôn) về cả thể lực, thể hình, tâm lý, tính cách, khí hậu, sản xuất nông nghiệp… được tổ chức tốt về cả mặt tín ngưỡng và đoàn thể, cần được quảng bá rộng rãi hơn để các hội đoàn ngành nghề khác tham khảo, học tập!

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây