Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 7

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 7

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 7

PHẦN THỨ BA 

SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN

CHƯƠNG I

NGỮ VĂN DÂN GIAN

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Câu đố (Pa zum alum alom)

Câu đố là một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật, hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật chuyển hóa (chuyển vật nọ thành vật kia), được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui, giải trí. [1] Theo đó, trong định cư và sinh sống miền núi Trường Sơn, người Cơ Tu cùng với các tộc người láng giềng miền tây Quảng Nam có mối quan hệ mật thiết với các tộc người Tây Nguyên mà các yếu tố tự nhiên, khách quan thường tác động trực tiếp đến con người, từ đó người Cơ Tu tìm hiểu tự nhiên, xã hội, con người thông qua câu nói ngắn gọn như hình thức câu đố, gợi mở nhiều vấn đề cần tìm hiểu và giải đáp.

Người Cơ Tu gọi câu đố là những câu ngắn gọn như lời nói thường, thảng có vần điệu. Nội dung đố là cây cỏ, đồ vật, …Bối cảnh sử dụng câu đố pa zum alôm alam (ra câu đố) trong lao động, chuyện trò, vui chơi giải trí thu hút nhiều người tham gia. Thường, thông qua câu nói pa zum alôm alam để thử tài nhận biết đặc điểm sự vật, gợi nên sự liên tưởng, chuyển vật nọ thành vật kia để hiểu, để biết. Từ đó tạo điều kiện cho cuộc vui, giải trí, thỏa mãn tính tò mò về sự vật được dùng làm vật đố.

Câu đố Cơ Tu thường dưới hai dạng:

*Đố bằng lời đố, trả lời bằng lời (phán đoán dựa trên quan hệ ngữ nghĩa).
*Đố bằng vật đố, người trả lời đố phải tìm thấy vật đố mang ra sử dụng (phán đoán dựa trên hình ảnh, biểu tượng sự vật).

1.1. Đố bằng lời đố, trả lời bằng lời:

* A cọ mơ rơ roi
Xoi mơ a đhung. Hâu ợh ? (cái gì).

* Đầu bằng con ruồi
Đuôi bằng cái nong. Hâu ợh ?
(Cái chài lưới)

* Đoong cơ đêê
Pơ lêê cơ dộc. Hâu ợh ?
(Cành bằng tre
Như trái mít)
(Ché rượu cần)

* Đhưh đhương bhô rương đọc col. Hâu ợh
(Khi sáng được xếp lại)
(Chiếc chiếu)

* Ơ tộ pơ lêê pơ jang
Giang pơ niên cợ chăng. Hâu ợh ?
(Trái cây pơ jang rơi
Vang trẻ con cười)
(Phân người rớt xuống,
đàn ruồi bay tới bâu)

* Bêl ơ niên xơ xấp, đơ đoh
Bêl tơ coh la luôh, cha chih. Hâu ợh ?
(Lúc nhỏ mặc quần, mặc áo,
Lúc già trần truồng cởi áo, cởi quần)
(Măng tre, nứa các loại)

* A chặc li crêy
Tay li qrơ. Hâu ợh ?
(Thân xù xì
Tay to rộng. Cái gì ?)
(Thần, cành cây lá cọ)

* Tơơm cơ zu, tu cơ hút. Hâu ợh ?
(Ở gốc nhiều cành lá, trên đầu mất cụt)
(Dương vật)

* May lêy u xrăh
May đăh u yêm. Hâu ợh ?
(Mày xem thì tối rửa,
Mày ăn thì ngọt lịm)
(Sinh dục phụ nữ)

* Chruôc oy đeec
Chrac oy coh. Hâu ợh ?
(Lúc nhảy xuống nước
Lúc nhảy trên cạn)
(Đôi đũa nấu cơm, canh)

* Bhêl ca tứi xe xấp ân đơoh mơ pâh căh.
 Xấp hâu ợh ?
(Khi còn nhỏ mặc áo quần, khi lớn lên không mặc ?)
(Hơbhoóc abăng: mụt măng)

* v.v…

1.2. Đố bằng vật đố, trả lời bằng tìm ra vật đố:

Dạng đố này vật đố ẩn đâu đó trong nhà, hoặc trong làng, người đố ra lời đố, người giải đố phải tìm được vật đố có đâu đó trong nhà, trong làng mang ra dùng tại chỗ. Đây là phương thức thử tài phát hiện vật đố thông qua lời đố, có yếu tố biểu trưng hình dáng vật đố. Đối với trẻ em khơi gợi trí thông minh, liên tưởng đến sự vật được mô tả hình dung qua yếu tố biểu trưng. Đố theo cách này thường được tổ chức trong đám cưới, nhà gái đưa con mình về nhà trai, hoặc nhà trai đến nhà gái rước dâu, mang theo trâu, vật dùng khác đến nhà gái tạ ơn công lao bố mẹ vợ (pơr đăh), hoặc đố trong lễ kết nghĩa anh em giữa hai làng (pơr ngoch), hay tổ chức  chiêu đãi (pa xêêt) một làng nào đó, đã có công giúp đỡ làng mình về một việc gì đó có lợi cho làng.

Ví dụ: 1.Trường hợp bên nhà gái tổ chức đưa con về nhà trai thì bên để thứ [2] thử tài phải là bên nhà trai (đố tại nhà trai). Và ngược lại, trường hợp bên nhà trai tổ chức đến nhà gái rước dâu về nhà trai thì bên để thứ thử tài phải là bên nhà gái (đố tại nhà gái).

Ví dụ: 2. Trường hợp bên làng A qua làng B, tổ chức kết nghĩa hoặc pa xêêt, thì bên để thứ thử tài phải là bên B (đố tại làng B). Và ngược lại, trường hợp bên làng B qua làng A, tổ chức kết nghĩa hoặc pa xêêt, thì bên để thứ thử tài phải là bên A (đố tại làng A).

Trường hợp thực tế diễn ra trong một đám cưới, bên nhà trai dắt con trâu cùng với nhiều vật phẩm khác đến nhà gái, mổ trâu chiêu đãi, cùng với thịt bò, dê, heo,… nhằm tạ ơn công lao bố mẹ vợ (pơr đăh), như sau:

– Phía nhà gái chờ đón nhà trai tại nhà mình, trong những phẩm vật soạn đón nhà trai có vật gì đó (có trường hợp giấu hơi kín, có trường hợp giấu không kín), nhưng phía tìm vật đố không ngờ đó chính là “pơr xăl”. Pơr xăl thường đặt vật “để thử” nơi gần, dễ thấy, dễ tìm.

Khi nhà trai bước vào nhà, chưa được ngồi, người được phân công tìm kiếm vật “để thử” là pơr xăl. Việc tìm kiếm pơr xăl giữa tiếng reo hò bên phía nhà gái và cả nhà trai. Khi pơr xăl được tìm thấy, bên nhà trai ngồi xuống, mọi người vui cười tấm tắc khen lấy khen để. Sự cộng hưởng niềm vui được nhân lên giữa nhà trai và nhà gái trong một đám cưới miền sơn cước.

– Trường hợp tìm kiếm vật đố “để thử” một lát mà không phát hiện (xin thua), bên nhà gái bèn vào nơi cất đặt vật đố, lấy ra giao cho bên nhà trai sử dụng (thứ để thường là bát, đĩa, vòng cườm, rìu, rựa, v.v… Nếu bên nhà trai muốn “thử” bên nhà gái, “thứ để” thường là tấm dồ, tấm tút, dây thắt lưng phụ nữ, sà léc đàn ông, gùi, v.v…Còn các vật đố phía nhà gái muốn cho phía nhà trai theo truyền thống Cơ Tu (nếu như bên nhà gái tổ chức thử tài bên nhà trai).

Người Cơ Tu sử dụng câu đố bằng phương thức truyền miệng, thông qua lời nói, bằng những câu ngắn thể hiện hình thức đố. Chính đó, không tìm gặp những lời đố có vần điệu. Lời đố người Cơ Tu là đúc kết kinh nghiệm được dùng trong các lần hội lễ, vui chơi, múa hát mừng gươl, mừng nhà mới, ăn lúa mới, …và thường truyền lại từ các vị già làng, trưởng tộc họ, chủ nhà.

Trong sinh hoạt lễ hội hay vui chơi cộng đồng, đố được sử dụng nhằm giải trí, tạo thú vui, đối tượng đố thường là các sự vật gần gũi với con người, lời đố là lời nói ngắn gọn. Người Cơ Tu sinh hoạt văn hóa thường ngày, đây là khu vực mang tính đặc trưng của văn hóa, bao gồm các hoạt động trong cuộc sống đời thường thể hiện những biểu hiện tạo nên văn hóa lẫn vào dân gian tồn tại, gắn với sinh hoạt của người dân. Những sinh hoạt dân gian như thế đã trở thành truyền thống, chuẩn mực theo cách dân gian, hướng suy nghĩ thành nếp tương thích với sự vật mang ra đố để giải đố như là thể hiện trò chơi. Tại gươl là nơi thường diễn ra những lần đố và khai thác chúng trong sinh hoạt thường ngày, và do đó tạo nên văn hóa diễn xướng, nên đố là lời nói thường không vần điệu. Điều này phù hợp với bối cảnh sinh hoạt nên đố vui và giải đố thu hút nhiều người cùng tham gia vui vẻ.

Câu:

* Toong crđe, plêê mắt mây là hau ợh ?
(Cán làm bằng nứa,
Trái giống củ khoai là gì?
(Zớ buah: ché rượu cần)

* Căh ếp, căh dal là hau ?
(Không thấp, không cao là gì ?)
(Tanâl km: cột km)

+ Câu đố về thực vật [3]
* Ngoài vỏ cóc, trong ngọc bông
 Mở cửa hàm rồng, hai bên bay mùi
(Trái mít chín)

* Trên trời có giếng nước trong
Con kiến chẳng lọt, con ong chẳng vào
(Trái dừa)

* Tên em không thiếu chẳng thừa
Chín vàng ngon ngọt cho vừa lòng anh
(Trái đu đủ)

* Da cóc mà bọc bột lọc
Bột lọc mà bọc hòn than[4]
(Trái nhãn/ hột nhãn)

+ Câu đố về động vật
* Ba rừng bảy rú,
không vú đẻ ra hàng chục con
(Gà mái)

* Vừa bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng
(Con ruồi)

+ Câu đố về đồ vật
* Nhà vàng lại đóng cửa vàng
Khách đi đàng chẳng dám vào chơi
(Tổ ong thổ thần)

Những lời đố tồn tại trong dân gian khu vực người Cơ Tu sinh sống có thể hiện và sử dụng, tuy nhiên cho đến nay chưa có công trình tập hợp câu đố người Cơ Tu, nhất là vùng Quảng Nam, Đà Nẵng mà người Cơ Tu cư trú. Có thể các nhà nghiên cứu chưa quan tâm hay chưa điều tra ghi chép câu đố của người Cơ Tu còn đang ẩn khuất trong người dân. Khi chữ viết được hình thành, bộ phận đố này dần tách ra khỏi lời nói trong sinh hoạt văn hóa thường ngày, để trở thành câu đố, trở thành một thể loại với tư cách là thể loại ngôn từ.

2. Truyện kể dân gian

2.1. Huyền tích suy nguyên về hình thành vũ trụ

Truyện cổ kể về sự ra đời của vũ trụ xuất hiện từ thời sơ khai của lịch sử nhân loại, truyện loại này phản ảnh nhận thức của con người về thế giới tự nhiên thông qua quan niệm vạn vật hữu linh, nhằm lý giải các hiện tượng tự nhiên ảnh hưởng đến đời sống con người. Truyện như thế có yếu tố thần bí, con người tưởng tượng ra các vị thần. Người Cơ Tu tưởng tượng ra các vị dàng, các loài vật mang tính huyền bí không giải thích được. Những truyện thần thoại của người Cơ Tu sưu tầm được cho thấy sự quan tâm tới những vấn đề vũ trụ như chuyện mưa lụt (đại hồng thủy), những vấn đề mang tính nhân loại như nguồn gốc con người, tộc họ. Những câu truyện phản ảnh con người là một bộ phận của tự nhiên, trong đó nhân vật chính là thần, phản ảnh ước mơ của con người chinh phục các sức mạnh tự nhiên để tồn tại và phát triển. Mark gắn thần thoại với thời đại sản sinh ra nó và nhận định: “Thần thoại nào cũng nhào nặn, chi phối và chinh phục các lực lượng thiên nhiên ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng; và thần thoại là tự nhiên và bản thân các hình thái xã hội được trí tưởng tượng của dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật và vô ý thức.” [5]

Truyện thần thoại loại này, trong những lần điền dã ghi chép được tại thôn Tà lang và Giàn Bí xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang. Truyện kể người tìm ra lửa, kể rằng: “Từ thuở sơ khai của loài người, người Cơ Tu sống trong các hang động. Bấy giờ cuộc sống tối tăm, hái lượm rau quả và ăn thịt sống. Ông tổ tộc người thấy đời sống của con người quá sơ khai dã man nên đã tìm ra lửa bèn lấy hai hòn đá đánh vào nhau, xẹt ra lửa. Từ đó, con người có lửa để nướng chín thức ăn, để sưởi ấm khi lạnh lẽo”. Từ khi tìm ra lửa, loài người chấm dứt thời kỳ mông muội, ăn lông ở lỗ, chuyển sang giai đoạn mới, tách ra khỏi đời sống hoang sơ tăm tối[6].

Hay như truyện Đạt Lia (Nước lên). Chuyện rằng: “Ngày xưa, thuở đất trời còn bằng phẳng, trời mưa rất nhiều. Nước mưa dồn ứ trên mặt đất, nhưng không gây thành lụt lội chết người, vì đều chảy trong các mo chang (cái hố). Để bảo vệ cho các mo chang khỏi ứ đầy, dân làng cử bốn chàng trai khỏe mạnh lo việc giữ gìn các mo chang đó.

Một bữa nọ, bốn chàng trai ngủ quên. Bỗng dưng trời mưa rất to. Nước chảy ào ạt cuốn theo các cây gỗ rừng, lấp đầy miệng các mo chang lại. Nước càng ngày càng dâng cao. Khi nước lũ sắp ngập hết các bản làng, thì bốn chàng trai mới giật mình thức dậy. Thấy nước mênh mông và miệng các mo chang bị lấp đầy những cây gỗ rừng, bốn chàng trai hoảng sợ. Họ lập tức lao đến, lấy sức gạt phăng các cây gỗ đọng trên miệng mo chang. Nhờ thế, nước sụt xuống rất nhanh.

Những chỗ nước sụt xuống, đất bị xoáy trở thành hố sâu, thành những thung lũng. Còn những chỗ đất nổi cộm lên, từ đó biến thành núi đồi.”[7]

Từ lâu trong lịch sử phát triển tộc người tại miền tây Quảng Nam, Đà Nẵng, người Cơ Tu đã cùng các cộng đồng tộc người khác, như Cor, Ve, Giẻ Triêng, Ca Dong, Xơ Đăng, … đã sáng tạo nên một dòng ngữ văn dân gian phong phú, mặc dầu trong từng thời kỳ lịch sử nhất định có thể chưa đủ điều kiện để các loại thể ngữ văn phát triển thích ứng với cộng đồng. Ta gặp những huyền thoại, huyền tích giải thích sự ra đời của vũ trụ, núi sông, những chuyện cổ kể về sự ra đời của các cơbhuh/tô gố, hoặc những chuyện cổ đang trong quá trình phát triển để định hình các thể loại. Dưới góc nhìn thể loại, một số truyện kể có yếu tố huyền thoại, bởi những câu truyện cho thấy sự tồn tại nhận thức của người Cơ Tu dựa trên sự kết nối con người với thế giới, cả thế giới các dàng và xem sự vật và hiện tượng trong thiên nhiên đều có hồn[8] như truyện Chàng Mười, truyện Đá ông Ồ Ồ (sự tích Dinh Bà).[9] Thực tế, người Cơ Tu nhìn vào thế giới tự nhiên, ở đó có cuộc sống tinh thần riêng mà con người phải chịu sự điều chỉnh và do đó, họ phải có quan hệ với thế giới thần linh. Theo đó, đã làm nảy sinh ma thuật, đây là phương pháp tác động vào tự nhiên dựa trên quan hệ tinh thần giữa người và các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Trong các câu truyện cổ Cơ Tu và cả trong cuộc sống thể hiện văn hóa thường ngày của họ cho thấy quan niệm mọi vật đều có hồn, tác động qua lại theo cách ma thuật. Người Cơ Tu quan niệm con người và cả dàng là những bộ phận của vũ trụ, chịu sự tác động của hệ thống dàng, của các loại ma hiền và ma dữ.

Người Cơ Tu dần bước vào xã hội cận hiện đại, huyền thoại (thần thoại) xa rời dần cuộc sống đời thường khi ý thức xã hội được nâng lên, khi con người dần tự lập, tự do, những chuyện mang yếu tố huyền thoại ẩn sâu vào ký ức con người.

Truyện cổ Cơ Tu có yếu tố thần kỳ như truyện: Tầm Mò Zòi, Koài Tù Roàih tìm nước cho làng; truyện Con cóc lấy nước trên trời;[10] truyện Tơ Rứt Kalang Batưng (K’lang P’tư); chuyện Nàng Kăn Tưi; chuyện Nàng Pa lo và chàng Kăn Tưi, Sút Kăn Mo; chuyện Chàng Arăng giết vợ, truyện Anh em Nơ na; truyện Tít Mang-Tang Lơ, Partur Tơơm,…

Truyện cổ Tầm Mò Zòi là hình ảnh các vị thần giúp dân làng và được làng sùng bái và kính trọng, cúng tế. Đấy là dàng của người Cơ Tu. Là huyền thoại mang yếu tố thần kỳ, siêu nhiên huyền bí.

Khi con người sống trong thế giới tự nhiên, nhưng chưa thể giải thích các hiện tượng tự nhiên tác động vào cuộc sống thường ngày, chưa biết chế tác các công cụ sản xuất, thì dàng/thần xuất hiện giúp đỡ và tạo ra những dụng cụ sản xuất và đồ dùng hằng ngày cần thiết cho con người duy trì cuộc sống, như giúp con người chế tác ra các loại công cụ: liềm, rựa, cuốc, rìu, … đến cưa, đục, … để dựng nên ngôi nhà để ở, thoát ra khỏi các hang động. Dàng giúp con người tìm ra lửa, giúp con người thoát ra khỏi cảnh mông muội, bước ra khỏi thời kỳ “ăn lông ở lỗ”, biết nướng chín thức ăn, … biết đốt rẫy gieo lúa. Giúp cho con người biết làm cung nỏ để săn bắn; biết đan đát các loại đồ dùng hằng ngày, như các loại ka đư, đông (gùi), cà loòm, cà ria (nia, trẹc) dùng phơi lúa và cất lúa. Thế nên, đối với người Cơ Tu miền tây đất Quảng, trong lễ hội ăn mừng lúa mới, vào ngày này, các chủ nhà mang dụng cụ lao động làm rẫy lên gươl trưng bày, xem như báo với dàng rằng những loại dụng cụ dàng giúp đỡ chế tác ra vẫn còn được sử dụng và bảo quản giữ gìn cho mùa phát rẫy năm sau.

Thiếu nước, dàng/thần cho Koài Tù Roáih cùng với chàng trai làng Canôn đi lấy nước về cho dân dùng. Họ gặp thần rừng, nhờ thần rừng giúp đỡ cho nước và cho hay sắp có trận lụt qua đây. Chàng trai làng Ca nôn mời Koài Tù Roáih cùng về làng. Dân làng Ca nôn mừng đón, chuẩn bị đối phó trận lụt. Nước mưa đổ xuống, người dân đủ nước để dùng, còn cây cỏ, động vật sinh sôi nảy nở, rừng lên xanh mướt. Con người nhờ có mưa xuống, nương rẫy xanh tươi. Dân làng trở nên no đủ, Koài Tù Roáih xin ở lại làng Canôn, chủ làng Canôn đồng ý. Về sau Koài Tù Roáih, chăm chỉ làm ăn, bày cho dân làng Canôn làm được nhiều việc có ích, chủ đất trong làng gả con gái cho Koài Tù Roáih. Từ đó Koài Tù Roáih có vợ đẹp, sống cuộc sống sung túc tại làng”[11]. Hay như truyện Con cóc lấy nước trên trời, …

Và đó là hình thái văn hóa đầu tiên trong lịch sử người Cơ Tu được phản ảnh trong các câu truyện huyền thoại, bổ sung khả năng chế ngự thiên nhiên, điều chỉnh thái độ con người trước thiên nhiên huyền bí. Thông qua yếu tố thần kỳ có tính ma thuật nhằm chế ngự những ý muốn có thể làm hại đến cuộc sống cộng đồng. Theo đó, con người hoàn toàn hóa thân vào đời sống cộng đồng và do cộng đồng quyết định.

2.2. Truyện phản ảnh sinh hoạt thường ngày

Hoặc những truyện cổ kể về những sinh hoạt thường ngày của người Cơ Tu, như truyện: Ông Võ Tôn, truyện Chàng Kăn Tưi nhanh trí; truyện Kăn Kayhơâu, truyện Tơ Rứt làm vua; truyện Tơ Rứt tậu trâu; truyện Chàng lười; truyện Kinhiar; truyện Arưi Klúng, … Như thế, truyện kể về những thần với những quyền lực siêu nhiên mà con người không giải thích được, chỉ có thể giải thích bằng ma thuật. Như đã nói, trong các câu chuyện cổ Cơ Tu và cả trong cuộc sống thể hiện văn hóa thường ngày của họ cho thấy quan niệm mọi vật đều có hồn, tác động qua lại theo cách ma thuật. Người Cơ Tu quan niệm con người và cả dàng là những bộ phận của vũ trụ, con người chịu sự tác động của hệ thống dàng, của các loại ma xấu. Trong sinh hoạt, truyện cổ Cơ Tu đề cập đến cuộc sống đời thường của các thành viên trong làng, tộc họ và trong mỗi gia đình. Truyện luôn thể hiện tâm tư, nguyện vọng, những ước muốn của con người. Luôn hướng về điều thiện tránh điều ác dữ. Truyện ông Võ Tôn kể về một người đàn ông tốt bụng, ông được một bà lão cho con gà mái tơ. Từ con gà, ông có thêm con lợn, rồi từ lợn ông có bò, trâu. Dần dà ông có bạc nén, bạc thẻ, mã não và nhiều thứ khác, …Ông trở nên người có nhiều của cải. Rồi ông lại có thêm con voi.[12] Nghĩa là ông có cuộc sống phú quý hơn người khác nhờ vào sự cần cù trong lao động, chăn nuôi, sản xuất, và có quan hệ tốt bụng với người dân làng nên dàng đã giúp ông có được những điều ông mơ ước.

Hoặc những truyện cổ kể về các loài động vật, như truyện kể về Voóp A riên, truyện Thỏ với bà già, truyện Thỏ và hổ, truyện Khỉ và ễnh ương, truyện A chimh ca lang…

2.3. Truyện về nhân vật mồ côi

Những truyện kể về người mồ côi phản ảnh nhân vật thường nghèo khó trong cuộc sống, sự vươn lên của người mồ côi rất khó khăn, thường bị người đời chê là người không được dạy dỗ. Nhân vật thường sống trong cảnh cô đơn. Họ quá khó khăn trong việc cưới một cô vợ, khó thực hiện được do nghèo và mồ côi. Mặc dầu người mồ côi trong truyện thường tốt bụng, có nhiều quyết tâm trong cuộc sống và họ luôn được lực lượng dàng và các thần linh giúp sức mỗi khi gặp phải những rủi ro hay trong những tình huống ngặt nghèo. Những lúc như thế, dàng thường xuất hiện và giúp đỡ. Người mồ côi từ đó nhận sự giúp đỡ ra ân của dàng. Những yếu tố thần kỳ từ lực lượng siêu nhiên thường đan xen trong cuộc sống người mồ côi. Nhờ có dàng mà người mồ côi thường từ nghèo khó, cô đơn vươn lên trong cuộc sống, có nhiều việc thành công mà người khác không làm được cũng phải đem lòng ghen tỵ. Nhờ thế, trong cuộc sống người mồ côi gặp may mắn và thành công trong cuộc mưu sinh. Đây được xem là type (phong cách truyện) thường gặp trong truyện người mồ côi, là tình tiết then chốt của những truyện mồ côi trong kho tàng truyện cổ Cơ Tu. Như truyện Tơ Rứt, truyện Kăn Tưi, truyện A Ting lấy vợ Tiên,[13] truyện Đhâm Đheét (Chàng trai mồ côi), truyện Sut Kăn Mo, truyện Tít Mang – Tang Lơ, truyện về Partur, truyện Cmâr A jưn, truyện Sự tích hang dơi,…[14] Chuyện kể về người mồ côi thường gắn với dàng, bởi nhờ vào năng lượng của dàng giúp cho người mồ côi thành công trong cuộc sống, mà nếu không có dàng, người mồ côi không thể làm những việc/ chuyện hơn người được.

Truyện Chàng Kăn Tưi mồ côi, sống với bà nội, lớn lên, chàng để ý một cô gái giàu có trong làng. Cha cô gái là người tham lam, độc ác. Với mọi người ông ra vẻ là người ngay thẳng, công tâm, ông nhà có của này bèn ra câu đố cho chàng trai nào muốn đến cùng cô con gái của ông. Ông ra:

Cái đen được gọi là than
Cái trắng được gọi là chén
Cái dài là mây trời có phải không ?

Không chàng trai làng nào trả lời đúng, chỉ có Kăn Tưi được bà nội chỉ bày, đối đáp được:

Cái đen là đêm
Cái trắng là mặt trời sáng ban ngày
Cái dài là đường đi ngang dọc

Nhưng ông nhà giàu kia bội ước không gả con gái cho Kăn Tưi.

Nhân lúc có con voi chết, bị lũ chim moi thịt ăn rỗng ruột, chỉ còn lớp da dày, Kăn Tưi tìm cách bịt lỗ hậu môn voi lại, nơi lũ chim chui vào, rồi dùng cây đánh bên ngoài, bên trong lũ chim nghe động, sợ quá bèn bay lên, nâng cả con voi chết lên. Kăn Tưi cởi voi bay đến nhà lão nhà giàu. Thấy thế, lão ta ưng thuận gả con gái cho chàng Kăn Tưi và đổi gia tài cho chàng Kăn Tưi để lấy con voi bay. Kăn Tưi đồng ý theo ý lão, nhưng dặn rằng, khi nào bay đến suối nước nóng thì tháo cái đồ nhét nơi đuôi voi ra cho voi xuống uống nước.

Ông nhà giàu theo lời Kăn Tưi, thích chí cỡi voi bay đi. Đến chỗ có suối nước nóng, lão tháo cái đồ nhét hậu môn voi thả xuống đất, chim trong bụng voi thấy ánh sáng lọt vào, theo chỗ đó chim thoát ra ngoài và bay đi. Voi rơi xuống đất, lão nhà giàu rớt nhằm vào nơi có tảng đá to. Lão chết. Kăn Tưi nhờ đó, có được cả gia tài của lão, trở nên giàu sang nhất làng.[15]

Hay các loại truyện cổ kể về trí khôn của con vật, có hành động như người. Chuyện Avoóp Ariên kể về con ốc đá sinh sống ven các con suối. Truyện rằng: “Có một người bị mắc bẫy, thấy thế Avoóp Ariên cho mời các con vật từ rừng đến, giải thích lý do con người mắc nạn và đề nghị các con vật hãy hiến kế, tìm mưu kế cứu tà hừ tà hà (con người). Con vật nào có mặt hôm đó cũng được mời đưa ra kế sách hay nhất của mình về khả năng vận dụng cứu người. Từ các loài chim đến con dúi, hổ, heo rừng, rùa, hoẵng, hươu, nai, voi, mang, bò tót, … đến con kiến đều đưa ra sáng kiến cứu nạn.

Nghe xong Avoóp Ariên bảo rằng: tà hừ tà hà có hàng ngàn cái khôn mà chúng ta chưa biết hết được, giờ đây họ mắc bẫy của cà xau (một loài kiến đỏ, thường làm tổ trên cành cây cao), để yên thân, chúng ta nên thả cho tà hừ tà hà về.”[16]

Truyện đề cao trí khôn của người Cơ Tu, có được do tạo hóa ban cho con người có khả năng chinh phục tự nhiên.

Truyện Thỏ với bà già kể về con thỏ nhiều mưu chước ranh mảnh. Chuyện rằng: “Một hôm thỏ gặp một bà già đang làm cỏ lúa, Thỏ nói:

– Rẫy này tôi chỉ làm một lát là xong ngay. Bà già yếu trông tội nghiệp quá. Thôi để tôi làm giúp cho, bà về nấu cơm, tối tôi sẽ về ăn. Nhớ đừng quên kiếm tí rượu bà lão nhé!

Nghe lời Thỏ, bà già về nhà nấu cơm nếp, làm thịt, lại không quên kiếm cả rượu để chờ Thỏ về ăn uống. Ở ngài rẫy, Thỏ không làm cỏ mà nhổ sạch hết lúa. Tối về, nó đon đả nói với bà già:

– Tôi đã nhổ sạch hết cỏ rồi. Mệt ghê!

Bà già bày cơm và thịt rượu cho Thỏ ăn. Ăn xong, Thỏ giả bị ốm, đắp tấm dồ nằm rên hừ hừ. Sáng hôm sau, bà già ra thăm rẫy, thấy lúa bị nhổ sạch hết. Giận Thỏ quá, bà già vội quay về nhà quyết đánh cho Thỏ một trận nên thân.

Trong khi đó, Thỏ ở nhà bắt một con bọ hung bỏ vào trong chiếc ché, bà già vung cây gật đập mạnh. “Bốp!”. Sau tiếng vang ấy, cái ché vỡ toang, một con bọ hung vù bay ra, hôi rình.

Sau lần ấy, bà già quyết tâm tìm Thỏ cho bằng được. Một hôm, đang đi trong làng, bà già nhác trông thấy Thỏ. Vừa nhìn thấy bà già, Thỏ liền chiu vào nấp trong bộng cây. Bà già vội gọi đứa cháu đến đứng canh chừng để bà về nhà mang lửa ra đốt. Bà già vừa mới quay lưng đi khuất, Thỏ ra khỏi bộng cây, hai tai phe phẩy ra chiều đắc ý và nói với đứa cháu:

– Trong bộng cây có một bọng mật ong rất ngon, tao ăn không hết, bỏ thì uổng, mày vào ăn đi.

Đứa bé nghe lời, vừa chui vào trong bộng cây, Thỏ đã nhanh chân lỉnh mất.

Quá căm giận, bà già cầm bó đuốc chạy nhanh ra, châm vào bộng cây, quyết chí trả thù Thỏ, quên cả để ý đến đứa cháu. [17] Ranh mãnh, nó lừa bà để bà đốt chết đứa cháu của mình trong bộng cây. Rồi Thỏ bỏ bà đi vào rừng. Tại rừng Thỏ lừa rắn hổ mang, lừa cả cọp beo, khiến các loài vật này phải chết, …”

Truyện có type như thế phản ảnh sự ranh mảnh, ma mị của các loài động vật luôn tồn tại và thường xuyên có mối quan hệ với con người, mà đôi khi do sơ hở, con người mắc mưu lừa của chúng, chưa tìm ra cách khắc chế mưu ma quỷ quyệt của các loài động vật ranh ma này.

Huyền thoại Cơ Tu phản ảnh trong truyện cổ Tầm Mò Zòi. Trong truyện, “nhân vật Tầm Mò Zòi, được xem là dàng khổng lồ ẩn thân trong một tảng đá lớn. Một lần dàng đã cứu dân làng thoát cảnh bị cướp bóc. Dàng còn trị những kẻ thủ ác, thường gây hại con người. Tài lực của dàng/thần vượt ra khỏi sức tưởng tượng của người trần tục. Dàng hắc hơi, làm cho người khác văng ra xa. Dàng hất chiếc mũi lên trời, rồi cuối nhìn chủ làng ăn cướp, lại hắc xì, khiến cho chủ làng bay lên không rồi rơi xuống đất ngay tại sân gươl của làng, gãy một xương sườn. Yếu tố thần kỳ trong truyện còn thể hiện ở chỗ, dàng hất mũi lên trời rồi hắc xì một cái, chủ đất bay về phía làng Krông. Thần Tầm Mò Zòi lại hắt xì một cái nữa, mọi vật quanh đó bay theo chủ đất, đưa chủ đất vào cõi chết”[18].

Những yếu tố thần kỳ mang tính chất huyền thoại in dấu ấn đậm nét trong các chuyện cổ dân gian Cơ Tu vào giai đoạn đầu thời kỳ nguyên thủy, nhằm giải thích sự ra đời của vũ trụ trong cái hỗn mang ban đầu của thế giới tự nhiên. Truyện phản ảnh sự sắp xếp của các dàng để tạo ra sông núi, cỏ cây cả con người cũng từ đó hình thành và tồn tại.

Những truyện cổ dân gian Cơ Tu:

– Gur ga dang
– Ba anh em: A tưưng, A Dư, A Bho
– Cơ mor pơ lợc
– Ong
– Xong ca tiêc lâng xong oih
– A tuung, abur
– Căn bhơi lâng a puốc (Thi chạy)
– A nhi đhé no đương jơn aih
– A đo ơng lươt giol cut
– Conh gr’hung
-A pêê ơng chắt tơ nooi
– Ca díh ơng giơơng
– A nhi con conh đặc gieeh coong a dương
– Ơ đhom Tơr xợh
– Con Tưi tếch gur ga daang
– Mơr nghi đac
– A nhi đhi no ơng lươt oy ađhuôc
– Đhom đhur, Đhom na
– Ca Tru boon arac
– Chơ pai lâng A jêh
– A đo ơng luh ơjươh cha chuh tếch a chiêng

2.4. Chuyện kể về ca bhuh/ cơ bhuh

Về tộc họ Cơ Tu (cơ bhuh) là điều đặc biệt, bởi mỗi tộc họ gắn với một huyền tích về sự ra đời của tộc họ mình và được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đây là tộc người có chuyện cổ (truyền thuyết) kể về sự hình thành tộc họ. Các tộc họ khác như người Cor cũng có chuyện kể về đặt tên tộc họ, nhưng người Cơ Tu lại khác. Ở chỗ mỗi cơbhuh/tô gố có một chuyện cổ giải thích sự ra đời, đặc điểm nhận ra là sử dụng tên của các loài động vật, các loài thực vật đặt tên cho tộc họ và đó là vật tổ hay tô tem của tộc họ.

“Truyền thuyết ra đời khi hình thành xong các bộ tộc, bộ lạc. Truyền thuyết là dã sử (sử trong dân gian), truyền thuyết hướng về cộng đồng, về nguồn gốc dân tộc,… Chức năng của truyền thuyết là đánh giá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử của một cộng đồng, qua đó giáo dục con người ý thức trách nhiệm cộng đồng”[19] Truyền thuyết về sự ra đời tộc họ Cơ Tu bắt nguồn từ huyền thoại và có quan hệ với huyền thoại về nhiều phương diện. Những truyền thuyết giải thích sự ra đời các tộc họ Cơ Tu có tính chất trung gian, quá độ giữa thần thoại và truyền thuyết. Chuyện cổ kể về sự ra đời tộc họ Zơ Râm (con chó), tộc họ Riêh (rễ cây), tộc họ Pơ loong (trôi nước),…mang tính trung gian giữa thần thoại và truyền thuyết. Những truyền thuyết dân gian Cơ Tu phản ảnh về sự ra đời các tộc họ là một bộ phận của cộng đồng cụ thể, tức của tộc người Cơ Tu được sưu tầm, ghi chép và lưu giữ trong cộng đồng.

2.4.1. Họ Hiêng (hiêng = ong bầu)[20].

Kể rằng: Tổ tiên họ ngày xưa ở vùng ngoài (bắc miền Trung ngày nay), tận vùng núi cao A Xò, A Lưới, nhưng vào một ngày họ bị đàn ong bầu (hiêng) bay từ rừng ra đuổi đốt. Nhìn lên trời, trong rừng, trong gươl, trong nhà,… đâu cũng có ong bầu bay lơ lửng. Các vụ mùa đều bị bỏ hoang không trồng trỉa gì được, do phải đối phó lại với ong khoái. Đói kém bắt đầu xuất hiện, bệnh dịch tấn công vào sức lực của họ. Thế là họ bèn kéo nhau chạy về phương Nam tìm nơi ở mới, tránh nạn ong gờ dợ. Bắt đầu từ đây, họ thực hiện phương thức du canh du cư. Đi đến đâu, làm nhà ở tạm và phát rừng làm rẫy đến đó, lấy hạt lúa nướng cơm. Rồi để khẳng định mình trên núi rừng Trường Sơn và họ là ai từ đâu đến vùng đất phương Nam sinh sống, họ lấy chuyện ong khoái rượt đuổi đặt tên cho tộc họ của mình là cơbhuh/hiêng, tức tộc họ ong gờ dợ.

Truyền thuyết về sự ra đời họ Hiêng, sách Truyện kể dân gian đất Quảng, của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, chép rằng: “Xưa lúc mọi vật còn chung sống hiền hòa với nhau, con thú cũng nói được như người. Cái bụng con thú cũng biết thương yêu như cái bụng con người. Vì thế, con người phải tôn trọng nhau và đồng thời tôn trọng cả muôn vật. Đó là chưa kể có những con vật là bà con thân thích của Trời, ong vò vẽ chẳng hạn.

Lúc ấy, ai mà chọc phá ong vò vẽ thì sẽ bị Trời phạt, đánh chết.

Ở làng nọ, có một chàng trai mồ côi mẹ, rất ngang ngược. Thường ngày, chàng chẳng biết sợ một ai. Ngày kia trong khi đi hái quả về, ngồi bên bờ suối, chàng bỗng thấy một tổ ong vò vẽ. Sinh nghịch, chàng bắt ngay một con ong vò vẽ cột vào kle [21] của mình và cứ để thế đi về làng.

Trời được báo, tức lắm, liền sai thần sét xuống đánh. Nhưng chàng trai mồ côi ngang ngược kia đã kịp đào một cái hầm kiên cố, đắp chín lớp cây gỗ, lá chuối và đất sét.

Thần sét đánh nhiều lần, hầm vẫn không sụp. Chàng trai kia lại còn khôn ngoan, đem thịt thối xông vào mũi thần sét, làm thần nhảy mũi liên tục, không thể nào ở lại trần gian để đánh chàng. Từ đó, chàng trai được mọi người ở làng nể sợ vì đã thắng cả thần sét. Dân làng gọi chàng là Hiêng, có nghĩa là “ong vò vẽ” và ngày nay, con cháu chàng trai mồ côi ngang ngược kia vẫn còn mang họ đó”. [22]

2.4.2. Họ Cơ lâu (cơ lâu = khóc)

Hai anh em nhà kia đi chăn trâu, chẳng may con trâu của họ bị chết. Thương tiếc trâu, hai anh em khóc thương trâu, người em khóc nhiều hơn cả người anh. Để nhớ sự kiện khóc trâu, họ đặt tộc họ của mình là cabhbu/tô gố Cơ lâu (cơ lâu = khóc).

Lại có chuyện kể rằng: Có một gia đình lâm vào bệnh dịch, cả nhà chết hết chỉ còn hai bà cháu sống được. Nhìn quanh, hai bà cháu còn có mỗi con trâu. Vài hôm sau, chủ làng đến nhà bà bảo phải nộp con trâu tế dàng tống ôn dịch, trừ bệnh. Hai bà cháu đành ngậm ngùi thương trâu nên khóc lóc nhiều. Đứa cháu bà ngồi khóc thương mãi con trâu, nhiều người thấy vậy gọi đứa cháu bà là thằng cơ lâu (khóc).

Về sau đứa cháu của bà lấy vợ, sinh con rồi đặt họ của mình là Cơ Lâu.

2.4.3. Họ Riêh (riêh = rễ cây)

Trong một lần thi tài, chàng trai Cơ Tu đào hầm dưới suối đi qua nên không bị ướt. Dân làng ngạc nhiên nói chàng như rễ cây ăn sâu lòng đất nên mới qua suối dễ dàng như vậy. Và thế là chàng trai thắng cuộc thi và lấy rễ cây đặt tên cho mình. Từ đó cabhbu/tô gố Riêh ra đời. (riêh = rễ cây).

Tại sao lại có họ Riêh? Người già trong làng bảo: “Họ Riêh cũng có nguồn gốc từ họ Riêh/ Jrâm có nghĩa là rễ cây nằm dưới mặt đất.”

Chính vì thế tới ngày nay, họ Jrâm và họ Riêh đều kiêng ăn thịt chó.

2.4.4. Họ Zơ râm (zơ râm = con chó)

Chuyện cổ kể rằng: “Lúc vũ trụ hồng hoang, trên rừng, dưới bể đâu cũng tràn đầy nước. Cơ Tu gọi là cơn đại hồng thủy. Trong mênh mông nước chỉ có con chó đực sống sót, chó nhìn qua bên sườn núi thấy có cô gái đang ngồi thu mình nhìn dòng nước. Con chó bơi qua gặp cô gái, rồi chó quay về lại chỗ cũ gắp một thanh củi bơi sang chỗ cô gái. Về sau họ lấy nhau, sinh con đẻ cái đến ngày nay. Để xác định cơbhuh/tô gố, họ đặt tên tộc họ là Zơ râm”. (zơ râm = con chó).[23]

Cũng có truyền thuyết kể rằng: “Thuở xa xưa có một trận đại hồng thủy tiêu diệt gần hết muôn loài, chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cuối cùng hai người lại gặp lại nhau và lấy nhau, sinh ra một quả bầu. Từ quả bầu đó, người Cơ Tu, người Bru, người Tà ôi, người Kinh ra đời”.

Lại có truyện kể rằng: “Ngày xưa, khi trời và đất gần nhau, biển ở rất xa đất liền, nên nước rất xa con người. Sông suối thì lại thấp so với núi. Vì thế những người ở trên rừng không bao giờ sợ nước. Quanh năm, người Cơ Tu không bao giờ nghĩ rằng hãy đề phòng nước dâng sẽ gây thiệt hại, mang lại chết chóc cho họ.

Bỗng dưng một ngày kia, không rõ nước từ đâu dâng lên tràn ngập. Nước chảy mạnh quá cuốn trôi mọi vật trên mặt đất, ngay những cây rừng rất to cũng bị gãy đôi trôi theo dòng nước. Người và vật sống chết là gang tấc.

Sau khi nước rút đi, mọi vật bày ra hiện tượng hỗn mang, nhà cửa, con người không còn. Nhưng lạ lùng thay, có một cô gái còn sống sót, trong khi nước dâng cao, cô gái ôm lấy con chó trèo lên cây bưởi. Những cây rừng lớn hơn đều ngã đổ, vậy mà cây bưởi vẫn đứng được trong nước lũ và cô gái cùng con chó sống sót.

Đàn con đông quá, ngày càng lớn lên, không thể nào cứ tiếp tục chui ra chui vào trong một cái hang nhỏ bé, nên đàn con mới hỏi mẹ chúng:

– Mẹ ơi, làm sao để làm nhà?

Bà mẹ liền bảo:

– Mẹ không biết, các con hãy hỏi cha tinh thần của con để biết!

Đàn con bèn hỏi con chó. Con chó ngáp dài một cái, các người con hiểu ngay:

– À, biết rồi! Phải bào!

Thế là tất cả ra sức bào những cây gỗ. Xong, đàn con lại hỏi con chó. Con chó sủa lên mấy tiếng, đàn con lại hiểu ra ngay:

– Ơ! Biết rồi! Phải dựng cột!

Cứ thế một thời gian sau đàn con đã làm được nhà.

Con cái ngày càng đông, ngôi nhà cứ phải làm nối dài thêm mới đủ chỗ ở. Vì thế trên vùng rừng núi, ngôi nhà dài ngày càng dài thêm.

Một lần, các chàng trai trong làng thi nhau vượt qua một dòng sông mà không bị ướt đầu. Chẳng có ai thắng cuộc cả, vì ai cũng bị ướt đầu.

Có một già làng nghĩ ra cách vượt sông, ông gọi một số chàng trai gái lặn xuống dòng sông, đắp một con đường ngầm để đi qua sông. Nhờ thế, những người này thắng cuộc.

Già làng bảo:

– Từ nay, chúng bay không mang họ chó nữa mà chúng bay có họ là Jrâm, có nghĩa là dưới gầm sông.

Họ Jrâm ra đời từ đó. Nhưng có một người già thông thái khác, mãi về sau mới bảo rằng, thực ra, họ Jrâm ban đầu là họ Jrung. Về sau con cái họ Jrâm đông quá, khó phân biệt các lớp, các thế hệ, nên có người già trong làng mới đề nghị tách ra làm hai nhánh, lập ra hai làng khác nhau. Và vì thế có thêm làng, thêm họ Zơ râm.[24]

2.4.5. Họ Pơ loong (pơ loong = thả trôi)

Huyền tích kể rằng, vào một ngày nọ, có chàng trai Cơ Tu đi làm về, ngang qua con suối, chàng rửa tay chân, rồi hái một trái ga ươl trên rừng thả xuống dòng suối. Trái ga ươl trôi đến gần cô gái rồi lửng lờ quanh cô, bám vào chân. Tại đây cô gái cũng đang rửa ráy sau khi đi làm về. Cô gái gạt trái ga ươl ra, nhưng ươi vẫn bám vào chân cô. Nắm trái ga ươl trên tay, thấy ươi còn tươi tốt, cô ăn trái ga ươl. Sau đó, cô gái thấy khác trong người, cô có mang, rồi sinh ra một bé trai bụ bẫm. Dân làng hay tin thấy lạ, nghi ngờ đem cô gái ra dùng luật tục xét xử tội không chồng mà lại có con, làm ô uế làng, làm trái ý dàng. Đang lúc các vị già làng xử phạt cô gái, bỗng đâu đứa bé chạy đến cạnh người thanh niên thả trái ga ươl năm trước và nói rằng: Đây là cha tôi, nhờ có trái ga ươl cha ném xuống suối mà mẹ sinh tôi ra. Các già làng ngơ ngác gọi đứa bé là pơ loong (trôi). Từ đó tộc họ cơbhuh/tô gô Trôi ra đời. (pơ loong = thả trôi).

2.4.6. Họ Bh’riu (tên một loại trái cây)[25]

Chuyện rằng: Có hai chị em người Cơ Tu, một hôm vào rừng hái trái cây bh’riu ăn. Đứa em trèo lên cây chặt cành có trái xuống cho chị đứng dưới hái lấy trái. Cô chị hái trái bh’riu, sơ ý thế nào chị để cành cây móc vào váy bện bằng vỏ cây của chị hở ra. Đứa em nhìn xuống thấy hết cả, rồi sau đó hai chị em ăn nằm với nhau sinh con đẻ cái. Họ lấy tên trái cây bh’riu đặt tên cho tộc họ là họ Bh’riu.

Từ khi có họ Bh’riu, ai mang họ này không chặt cây bh’riu và không ăn quả của cây.

 2.4.7. Họ A Rất/ Rắt (a rất = con tắc kè)

Chuyện kể rằng, trong làng nọ có một người lên rẫy trồng lúa, bắt được một con Tắc kè (rất/rắt), đem về nhà nuôi. Sau một thời gian Tắc kè đẻ trứng và sau đó nở ra một bé trai. Lớn lên, người con trai lấy vợ, sinh con đẻ cái. Nhớ về lai lịch của mình, bèn lấy tên Tắc kè Rất/Rắt làm họ của mình. Từ đó có họ A Rất/Rắt. Tộc họ A Rất/Rắt không ăn con Tắc kè, họ cho đó là vật tổ của tộc họ.

Cũng có truyện cổ kể rằng: Ngày xưa, làng sống yên vui, bỗng đâu có trận lũ lớn kéo qua làng. Người trong làng chết hết.

Tai ương đó do dàng giận dữ tạo nên để phạt người Cơ Tu, chỉ còn ba con vật sống sót: một con Rùa, một con Diều hâu và một con Tắc kè.

Ba con vật còn sống sót bàn nhau, con Rùa hỏi trước

– Nên cứu người bị thương, bất tĩnh sống nhiều hay ít?

Con Diều hâu đáp ngay:

– Không nên để con người sống nhiều, sẽ phát sinh nhiều chuyện phức tạp lắm, thậm chí ngay những người cứu họ như ba anh em chúng ta đây, cũng chưa chắc họ để cho yên!

Hồi lâu con Rùa nói thêm:

– Tôi cũng như anh Diều hâu, không nên để con người sống nhiều. Càng ít, con người càng đỡ sinh chuyện nọ, chuyện kia.

Con Tắc kè không đồng ý:

– Tôi nghĩ, phải cứu cho họ sống nhiều, vì có họ mới vui. Không có con người, cuộc sống buồn lắm.

Bàn mãi, Rùa cho ý kiến:

– Ta nghĩ xem, đất này rộng bao nhiêu, nếu đất rộng ta cứu cho con người sống nhiều, đất hẹp, cho con người sống ít!

Cả ba con Rùa, Diều hâu và Tắc kè đồng thuận. Con Diều hâu cho con Rùa bu lên lưng, Diều hâu bay lên nhìn bốn phương xem trời, đất rộng bao nhiêu. Đưa mắt nhìn quanh, Diều hâu mừng rỡ:

– A! Đất của mình rộng bao la!

Rùa cũng vui mừng la lớn:

– A! Đất của mình rộng lớn và đẹp quá!

Không ngờ vì mãi ngắm mặt đất nên lơ đễnh bu không chắc, Diều hâu đang lượn vòng quanh để nhìn mặt đất nên Rùa suýt bị rơi. Sợ quá, Rùa ngoặm cổ Diều hâu. Cú ngoặm làm đứt cổ Diều hâu. Diều hâu rơi nhanh xuống sườn núi. Cả hai con Rùa và Diều hâu đều chết.

Ở nhà Tắc kè chờ mãi không thấy Diều hâu và Rùa trở về, Tắc kè bèn ra sức một mình cứu con người bị thương, hôn mê. Một mình Tắc kè nên số người được cứu không nhiều.

Sau khi hoàn toàn tỉnh táo, con người trách Tắc kè sao cứu con người ít thế? Tắc kè không biết giải thích thế nào, nên trước sau nó chỉ tặc lưỡi ra vẻ tiếc. Còn con người lại tức giận hơn. Tắc kè lại càng bối rối càng tắc lưỡi nhiều hơn. Tắc kè sợ lắm, bèn bỏ trốn, trèo lên cây hơ lăng, con người vẫn oán giận, không tha, chặt ngã cây hơ lăng. Cây ngã. Tắc kè chết.

Từ đó con người có họ Hơ Lăng,[26] về sau đọc thế nào đó lại thành ra A Lăng. Rồi có một nhánh tách ra gọi là A Rất. Đến nay người Cơ Tu có hai họ A Lăng và A Rất/ Rắt.[27]

2.4.8. Họ A Râl/ Rân (a râl = con heo đất)

Ngày xưa, dân trong làng có tên mà không có họ. Mọi người sống thuận hòa, mọi tài sản, của cải đều là của chung, nhà có nhiều bếp chỉ là để dễ nấu, chứ mọi người lúc nào cũng ăn chung, cùng nhau vui chơi và cùng nhau làm việc.

Dân làng A Xan bấy giờ rất thích ăn thịt heo đất, theo đó, việc đi tìm bắt heo đất là công việc của đàn ông. Ai bắt được nhiều heo đất xem như người tài giỏi. Ngày kia người ta bắt được con heo đất rất to, con heo có lông màu trắng. Người ta bỏ con heo đấy vào ống tre, nổi lửa lên nấu. Một hồi sau vẫn còn nghe tiếng heo kêu bên trong ống. Phần ngạc nhiên, phần tin rằng heo này của dàng, không ăn được. Mọi người bàn nhau bèn đổ nước sôi ra xem thử thế nào.

Không ngờ đổ nước sôi ra, không thấy con heo đâu cả. Nước sôi tung tóe làm bỏng da nhiều người. Những người bị bỏng đó, lạ thay có màu da rất giống với màu da, màu lông của con heo đất, trước lúc bỏ vào ống tre để nấu. Từ đó, những người này lấy họ A Rân (con heo đất). Và cũng từ đó, những người mang họ A Rân không bao giờ ăn thịt heo đất. [28] Tộc họ A Rân không giết hại heo đất.

2.4.9. Họ Zơ đêl (    )

Chuyện lược kể rằng: Ngày xưa có cô gái Zơ đêl rất đẹp sống trong lòng đất. Cô không có thói quen ăn uống mà chỉ ngửu mùi vị thức ăn là đủ no. Sau, cô lên mặt đất sinh sống như người bình thường. Cô lấy chồng, sinh con đẻ cái. Cô đặt tên con cháu cô là họ Zơ đêl.

2.4.10. Họ Ra Pát (cây ra pát, có chất gây ngứa)

Chuyện lược kể rằng: Ngày xưa, trong làng Cơ Tu có một người con gái đi bắt cá, chẳng may bị con rắn cắn. Về nhà cô ta lâm bệnh mấy ngày rồi chết. Gia đình thương tiếc nhưng không sao cứu được do nọc con rắn rất độc.

Một hôm, con rắn cắn cô gái gặp rắn hổ mang, khoe rằng mình có nọc rất độc, vừa mới cắn một cô gái, cô gái chết rồi. Rắn hổ bán tin bán nghi, hổ mang đi tìm xem có đúng thế không mới tin được. Đi tìm xem, rắn hổ mang biết chuyện cô gái bị rắn cắn rồi chết. Khi trở về gặp lại rắn cắn cô gái, nói dối rằng cô gái vẫn sống bình thường, không có chuyện gì xảy ra cả. Để tin được, hổ mang buộc rắn cắn phải nhả nọc độc ra, xem nọc độc thế nào mới tin được. Con rắn nọ nhanh nhảu muốn cho rắn hổ mang thấy nọc độc của mình, bèn ngửa cổ nhả nọc độc ra trên lá cây ra pát. Rắn hổ mang lượm lờ ra vẻ ngạc nhiên, nhìn nọc độc, bất ngờ rắn hổ mang há miệng liếm vào chỗ nọc độc trên lá ra pát. Biết chuyện, các loài rắn khác đi ngang qua cũng chạy đến liếm vào nọc độc, ong bay đến liếm, bọ cạp chạy đến liếm,…Từ đó các loài liếm vào nọc đều có nọc độc, lá ra pát dính nọc độc nên có nhựa gây ngứa ngáy. Còn con rắn cắn cô gái là rắn nước mất hết nọc độc.

Từ đó, tộc họ Ra Pát ra đời. Người mang tộc họ Ra Pát không đốn hạ cây ra pát vì đó là vật tổ của tộc họ.

2.4.11. Họ A Tùng (con cua vàng)

Ngày xưa, người Cơ Tu ở rải rác trong nhiều khu rừng. Làng này sang làng khác xa lắm, gần nhau cũng mất mấy mươi cán rựa là bình thường. Vì ở xa nhau nên hằng năm người Cơ Tu tổ chức đi thăm bà con, con gái, con rể.

Có một gia đình nọ rất đông con cháu. Ngày kia mọi người trong nhà lo tìm thức ăn, tìm thịt của thú bốn chân và thịt thú hai chân để ăn và tặng họ hàng trong dịp thăm nhau. Có hai vợ chồng trẻ chưa có bếp riêng, họ ra suối bắt cá, mò tôm, họ bắt được một con cua vàng thật to.

Mang cua về nhà định muối để dành, chẳng may người vợ để sổ dây tuột mất con cua. Con cua bò ra cắn chết đứa con trai chưa đầy tuổi của chị. Gia đình thương tiếc. Chồng chị giận chị, bỏ làng vào rừng sống. Người vợ khóc than, thương con và tủi cho mình. Gia đình khóc lóc oán trách con cua vàng độc ác kia.

Từ đó cả làng gọi nhà chị ấy là a tùng, và họ A Tùng từ đó mà có. Họ A Tùng không bao giờ bắt cua để ăn.[29]

2.4.12. Họ A Ting (lá dong)

Do những người Cơ Tu có họ A Tùng (con cua vàng), không ăn thịt cua, nên núi rừng có nhiều cua. Đến mùa, cua bò vào tận nhà, leo lên cầu thang gỗ, lên sàn.

Một hôm, thần bảo vơi người mang họ A Tùng:
– Từ nay các con có thể ăn cua, nhưng trước khi ăn cua nhớ phải đi hái thật nhiều lá a ting để cúng dàng.
Người già họ A Tùng, thưa:
– Nhưng dân làng từ xưa đến nay nào biết lá a ting.
Thần suối liền bảo:
– Người nào tin ta, ngày mai vào rừng, ta sẽ chỉ cho lá a ting.
Thế là người họ A Tùng sáng hôm sau vào rừng được dàng suối chỉ cho lá a ting để hái. Có được lá a ting, họ đem về cúng dàng. Và từ đó, họ được ăn cua, nhưng không bao giờ ăn lá a ting. Cũng từ đó mọi người trong làng gọi họ là A Ting. [30]

2.4.13. Họ Tơ Ngôl (tơ ngool = trèo giỏi)

Người Cơ Tu từ xưa chưa ai có cơbhuh/ tô gố.

Vào một dịp lễ hội, dân làng nọ tổ chức thi trèo cây lon chơ lăng[31]

Trong làng có chàng trai mồ côi, nhà nghèo, không cha không mẹ, chàng sống vất vả, luôn trèo cây hái trái ăn để sống. Nhiều lúc phải trèo thuê lấy lúa, hoặc giúp người dân trong làng.

Một đêm, chàng trai mồ côi nằm mơ thấy một ông già râu bạc tới bảo chàng rằng: Trước khi già làng bắt đầu ra lệnh trèo thi leo cây lon chơ lăng, con nhớ dùng đất lấy ở nhà mồ của cha mẹ con bôi vào hai lòng bàn chân, và nhớ nhịn ăn một bữa trước đó thì con sẽ trèo nhanh.

Nghe lời ông lão trong giấc mơ, chàng trai thi leo thành công. Chàng đã thắng các chàng trai khác, trong khi một số trai tráng trong làng đã bỏ cuộc.

Từ đó, chàng được mọi người trong làng gọi là “trol trial” nghìa là trèo giỏi. Lâu ngày mọi người gọi trại tiếng trol trial thành tơ ngôl. Vì thế từ đó có họ Tơ Ngôl.

2.4.14. Họ Bh’nươch (bh’nươch = đuối nước)

Ngày xưa, tại một làng Cơ Tu trên vùng núi cao có hai anh em mồ côi rất thương yêu nhau.

Ngày đi làm, hai anh em thường đi làm chung với nhau. Cả hai chẳng mấy khi rời nhau. Cứ thế hai anh em ngày càng lớn dần lên, tính nết hiền lành, dân làng ai cũng thương.

Tới tuổi lấy vợ, nhưng vì cả hai anh em nghèo quá, lại không có của cải gì khá nên không ai muốn gả con gái cho. Một ngày kia, hai anh em đã cứu được một người đàn bà đã luống tuổi, suýt bị heo rừng cắn. Từ đó, người đàn bà biết ơn, mới định gả hai cô con gái của mình cho hai anh em mồ côi. Hai cô gái cũng mồ côi cha, do cha hai cô té cây chết, dân làng xa lánh do bị chết xấu đem đến rủi ro cho dân làng.

Từ khi quen bết hai chị em mồ côi cha, hai anh em mồ côi gắng lao động, làm việc, họ định lên núi cao phát rẫy để có cái riêng rồi mới cưới vợ. Vào một buổi chiều, sau khi phát rẫy mệt nhọc, hai anh em cùng ra suối tắm. Chẳng may đất bờ suối sập đổ xuống suối sâu. Người anh bị cuốn theo dòng suối, mất xác. Người em từ đó thương xót anh đến gầy mòn. Hai chị em mồ côi cha khuyên dỗ, an ủi chàng mới nguôi ngoai. Khi được gả hai chị em, chàng có cuộc sống bình thường, làm lụng chăm chỉ. Chàng có một đàn con đông đúc. Tuy nhiên chàng trai mồ côi vẫn thương nhớ người anh nên lấy họ Bh’nướch, nghĩa là đuối nước đặt cho cơbhuh của mình. Từ đó người Cơ Tu có tộc họ Bnướch. Họ Bh’nướch không bao giờ tạt nước vào nhau, vì cho rằng tạt nước sẽ mang lại nhiều rủi ro, bất hạnh.

Ngoài ra, người Cơ Tu còn có họ Bhing (bhing = con kiến), tộc họ A Vô (a vô = con vượn), tộc họ A Bhiing (a bhiing = con cá trắng. Xem: 4.1. Nghề làm gốm).

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

 


[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

[2] Để thứ: hiểu là vật đố được đặt trong nhà.

[3] Những câu đố dưới đây, sưu tầm tại thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, có sự tiếp biến của người Kinh Hòa Vang. (Rút trong tác phẩm: Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ Tu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2019), NXB Đà Nẵng.

[4] Câu đố có giao thoa với người miền xuôi.

[5] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo Dục, Hà Nội. Việt Nam.

[6] Được xem như cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên 0.0 của loài người.

[7] Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng, nhiều tác giả (2007), Truyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng.

[8] Hồn: theo quan niệm, hồn có hai hình thức: hồn “thuần khiết” và “hồn ma”. Hồn là bản chất nội tâm của con người, là ý thức thuần túy. Bản chất này không do thứ gì tạo nên, bất biến và không thay đổi. Thực tiễn cuộc sống trên mọi bình diện của ý thức là “thức ăn” cho hồn, bên cạnh đó là những bài học đưa hồn lên cao trên bình diện ý thức và tăng thêm cho hồn tình yêu của thần thánh. Hồn tồn tại dưới ba dạng: thể xác, tinh thần và siêu hồn.

[9] Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng, nhiều tác giả (2007), Truyện kể dân gian đất Quảng, Sđd.

[10] Truyện có tình tiết giống truyện Cóc kiện trời  của người Kinh.

[11] Truyện sưu tầm, 5/ 2017 tại Tây Giang.

[12] Truyện sưu tầm, 5/ 2017 tại Tây Giang.

[13] Tình tiết truyện giống với truyện Tiên Sa của người Kinh (sưu tầm tại bán đảo Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng).

[14] Xem: Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng, nhiều tác giả (2007), Truyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng.

[15] Tư liệu điền dã sưu tầm tháng 5.2017 tại Tây Giang.

[16] Tư liệu điền dã tại Tây Giang, 5/2017.

[17] Dẫn theo Truyện kể dân gian đất Quảng, Sđd. Có nhiều dị bản: Trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, của Nguyễn Đổng Chi, tập 3, trang 50 có truyện Con thỏ và con hổ.

Truyện Mưu con thỏ, của Chăm pa gần với truyện của Nguyễn Đổng Chi ghi. Truyện kết hợp ba truyện Con thỏ, con gà, con hổ ; Con thỏ và con hổ ; To đầu mà dại, dái nhỏ mà khôn. Một truyện của người Cơ Tu Thỏ rơ pai.

Loại truyện mang chủ đề con thỏ ranh mảnh của người Kinh cũng như của Chăm pa và của các tộc người Tây Nguyên, Khơ Me ở Nam bộ, nói chung cũng đại đồng tiểu dị với truyện của Malaysia, Khơ me, Lào, Thái Lan. Truyện con thỏ là motif phổ biến vùng Đông Nam Á.

[18] Tư liệu điền dã tại Tây Giang, 5/2017.

[19] PGS.TS. Trần Xuân Đức (5/2019), Phân biệt các thể loại văn học dân gian, in trong tập Tài liệu Tập huấn, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phát hành tại Lớp tập huấn Văn nghệ dân gian, tại  tp. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, 2019.

[20] Về vấn đề này có hai luống ý kiến: theo ông Bh’riu Liếc (Tây Giang) cho rằng loài ong bầu theo đốt người Cơ Tu. Theo ông Bh’riu Pố cho rằng ông nghe nhiều người kể là do ong khoái (gờ dợ), loại ong có vằn đỏ, vàng làm tổ trên cành cây to, đuổi đốt họ.

[21] Kle : dương vật.

[22] Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng. Đà Nẵng.

[23] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng, 2007.

[24] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng. Đà Nẵng.

[25] Bh’riu là một loại trái cây màu đỏ, vị ngọt (gần như trái chôm chôm). Trái thu hoạch vào tháng 9.

[26] Hơ lăng là tên một loài cây, lá hơ lăng có vị đắng. Người Cơ Tu dùng lá hơ lăng trị đau mắt và bệnh ghẻ.

[27] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng. Đà Nẵng.

[28] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng. Đà Nẵng.

[29] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng, 2007.

[30] Nguồn: Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, Sđd.

[31] Lon chơ lăng: Một loại cây rất trơn sau khi đã lột vỏ.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây