Tác giả Lê Thị Lệ Hằng

Tác giả Lê Thị Lệ Hằng

LÊ THỊ LỆ HẰNG

– Bút danh: Lệ Hằng
– Sinh năm: 1988.
– Nơi công tác: Đà Nẵng
– Nghề nghiệp: Người sáng tạo nội dung
– Chuyên ngành đào tạo: Cử nhân Sư phạm ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Anh

– Đã có tác phẩm đăng ở các báo và tạp chí từ Trung ương đến địa phương.

***

MÙA BIỂN ĐẦU CỦA TÔI, MÙA CHÍP CHÍP RỘN RÀNG DƯỚI CÁT
“Ngao.”
“Chép chép.”
“Ngao chép.”
“Nghêu…”

Những dòng bình luận nhảy ting ting dưới tấm hình vừa mới hiện trên news feed Facebook của tôi. Một bức hình mới coong chụp một chiếc rá màu xanh mơ, trên nền xanh mơ màng của tôi là ngổn ngang nút to nút nhỏ hình tam giác với hai cạnh đáy bo tròn màu vàng đất, vàng xám, hồng ruốc, tím lơ, xanh bóng đêm… Những con chép chép đầu tiên tôi nhặt được trên bãi biển.

Chúng tôi dậy từ bốn giờ ba mươi sáng, sửa soạn thật nhanh để có mặt tại bãi biển trước năm giờ. Dừng xe, tắt máy khi vẫn tờ mờ, tôi phóng mắt sang bán đảo Sơn Trà lòng đầy kiêu hãnh vì đã… dậy trước cả mặt trời. Cầu Thuận Phước nối sang bán đảo nhỏ nhô nhô như hình người nằm ngủ, mướt mát giữa hơi sương tựa nàng công chúa đang chờ người đánh thức.

Tôi biết lát nữa thôi chàng hoàng tử sẽ đến, một quầng sáng cam hồng ấm áp hay là nụ hôn sẽ đánh thức nàng công chúa của tôi và tôi sẽ được thêm một khoảnh khắc giữa vô vàn khoảnh khắc ngắn ngủi tủn mủn của cuộc đời rất đỗi tầm thường này đắm đuối nhìn phố cảng thân mến của lòng tôi bước qua lằn ranh nhập nhòa giữa ngày và đêm để một lần nữa rạng rỡ ngời ngời. “Cụng ly nào,” tôi thấy bình minh thì thầm trên đọt dừa khi những tia nắng đầu tiên vừa chạm tới trong khi tôi cứ ngồi, cứ nghe, cứ nhìn, cứ hít thở như thế. Tôi không mảy may thấy chán trong cuộc đợi chờ đáng yêu của mình, không hề dù chỉ là một giây. Kể từ khi tôi chính thức gọi tên mùa hè này là “mùa biển đầu tiên” tôi đã ấp ủ một điều gì đấy thật hay ho cho những buổi sáng thế này, tôi cũng rạo rực nữa vì mỗi ngày đi qua là một ngày tôi cảm nhận rõ ràng biển hồn nhiên ôm ấp tôi, biển yêu thương tôi, biển cho tôi hơn những gì tôi có thể nghĩ ra và biển cũng giấu tôi cả một kho tàng sau tiếng sóng.

Sóng. Dòng suy nghĩ của tôi chẳng khác sóng là bao, cứ tấp vào rồi dạt ra rồi lại tấp vào không hề mỏi mệt. Tôi ngồi đó và nghĩ cho đến khi có tiếng gọi cắt ngang con sóng đang nhởn nhơ trong đầu.

“Bắt cho vui, con!”

Một dì đã đứng tuổi chìa cho tôi chiếc cốc đại, loại sử dụng một lần, thường dùng đựng trà tắc, dì nhặt được ở đâu đó trên bãi biển. Trên tay dì là một chiếc cốc đại khác nhưng đã đựng gần đầy các hạt nút nhiều màu: vàng đất, vàng xám, hồng ruốc, tím lơ, xanh bóng đêm… Những hạt nút còn dính đầy cát biển. Tôi hơi ngỡ ngàng và tôi cũng không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc thấy vầng cam hồng ấm áp của tôi trồi lên sau khoảng xanh im lìm mướt mát mơ man phía xa kia. Dì nhìn tôi ánh mắt rủ rê đến khó cưỡng.

“Nấu canh rau ngon lắm.”

Tôi đưa tay đón lấy chiếc cốc từ dì rồi đứng dậy đi theo dì, giữ một khoảng cách tối thiểu cần thiết. Đại dịch đã khiến cuộc sống trở nên trầm lắng và đầy rẫy lo toan, bãi biển thì vẫn đông nhưng người với người không còn san sát nữa, ai cũng ý thức về khoảng cách với người đối diện, như lúc nãy, khi dì đưa chiếc cốc cho tôi, dì cũng cố tình đứng xa xa vói tay sang chỗ tôi.

Tôi thấy dì ngồi xuống, đào cát rồi vốc lên mấy con, dì rửa sơ qua khi sóng tấp vào bờ rồi thả chúng vào cốc. Hay quá. Tôi reo lên. Dì ngước lên thoáng nhìn tôi, có lẽ là nhìn như nhìn một sinh vật lạ. Phải rồi, tôi là một sinh vật từ vùng đồi nương nào đó bỗng dạt về đây, trên đường bờ biển cong như hàng mi con gái tuổi dậy thì này. Tôi cũng ngồi xuống, cũng bắt đầu đào cát. Tôi tìm và nhặt chúng dưới lớp cát mát rượi và cả trên bề mặt lớp cát nữa, khi sóng tấp vào để lại đây đó vài con bất động, có lẽ vì… say sóng. Như đứa trẻ vừa được bày trò chơi mới, tôi quên luôn vầng sáng cam hồng ấm áp của mình, cho đến khi nhìn lại, thấy bóng mình đổ dài trên cát và dì cũng đã đi mất. Thật ngớ ngẩn. Tôi cười chính tôi khi nhìn quanh chẳng thấy dáng người dày dặn chất phác của dì đâu. Tôi mải bắt mà quên luôn chuyện hỏi xem chúng là con gì. Dĩ nhiên, với hai mảnh vỏ úp vào nhau thế kia, tôi biết chúng là động vật thân mềm gần giống con chíp chíp tôi đã ăn trong một vài quán hải sản, nhưng chúng cũng cần phải có một cái tên, và tôi nghĩ phải là một cái tên thật đẹp thật rộn ràng.

Tôi hỏi chồng, anh cũng không biết. Mặc dù không biết chúng tôi vẫn bắt thêm rất nhiều con nữa. Suốt quãng đường từ bãi tắm Nguyễn Tất Thành qua Nguyễn Sinh Sắc, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái về nhà, chúng tôi nói với nhau về bữa cơm với món canh rau nấu cùng con gì đó, con gì đó là con gì đó chưa biết nhưng chắc chắn phải ngon hết sẩy. Về đến nhà, tắm táp xong xuôi, với một chút vui, một chút rộn ràng, một chút lo lắng rằng mình không biết sẽ phá hỏng bữa ngon, tôi chụp vội tấm hình cập nhật ngay dòng trạng thái ngắn ngủi “cầu cứu” bạn bè trên Facebook và nhận liền sau đó mọi thông tin cần thiết từ tên gọi, cách nấu, cách ăn… Giữa một ngày yên ắng trên mức bình thường vì đại dịch, một việc nhỏ thế này thôi cũng đủ để tôi thấy nhộn nhịp, khoảng cách giữa con người và con người xa chỉ bằng một cái nhấp chuột trái.

***

Hôm sau, tôi ra biển mang theo hẳn hai chiếc túi nilon, tôi cẩn thận thử trước dưới vòi nước để chắc chắn rằng chiếc túi không bị thủng. Vầng sáng cam hồng ấp áp của tôi vẫn chưa chịu thức, nhưng tôi không ngồi đợi nữa. Cuộc đợi chờ ấy vẫn dễ thương, chỉ là tôi vừa tìm thấy một thứ khác cũng vô cùng quyến dụ, chẳng hạn như khoảnh khắc tôi thấy mình trở về nguyên vẹn là đứa con gái năm xưa chạy băng băng trên đám ruộng tay le te cầm cọng cỏ gà có xâu đầy một xâu châu chấu, giờ đây tôi cũng le te chạy nhưng là le te cái túi nilon và tôi chạy dọc bờ biển. Đến một quãng có đông người đang bắt chép chép, tôi dừng lại quan sát và nhào xuống những nơi tôi thấy một vài cái lỗ nhỏ xíu xiu trên nền cát ẩm. Tôi đào cát, tóm lấy những tên chép chép đã “trưởng thành” và tha cho những tên còn quá bé. “Ừm, lớn nhanh, tao chờ nhé.”, tôi nói với những tên tôi quyết định thả đi. Một học viên cũ của tôi, người mà gia đình đã mấy đời làm nghề biển trên vịnh Đà Nẵng, chỉ cho tôi cách “bắt sống” bọn chép chép lém lỉnh này và cũng nhắc tôi “mắt nhắm mắt mở” cho những “bé” hỉ mũi chưa sạch vì chúng nó chẳng có tí thịt nào đâu, tốt hơn là hãy đợi chúng lớn. Tôi cũng không còn hồn nhiên đến ngớ ngẩn mà nhặt những con chép chép chết còng queo trên bãi đem về nhà nữa. Cách tôi một quãng, anh bạn cùng nhà của tôi dùng chân đãi cát dưới nước để bắt chúng, bên cạnh đứa con gái nhỏ cũng đào cát lên để làm lâu đài hay thứ gì đó tương tự thế. Thỉnh thoảng anh reo lên khi đãi được một tập đoàn chép chép. Đãi được chúng cũng dễ thôi, nhưng tóm được hết chúng lại là chuyện khác, thân thủ phải nhanh nhẹn mới trở tay kịp trước khi sóng tấp vào và chúng biến mất ngay trước mắt mình. Tôi chẳng bắt chúng bằng cách ấy nên tôi trung thành với những lỗ nhỏ như hình một ống khói tí hon tôi tìm được trên mặt cát ẩm nơi sóng chỉ bén vào đôi chút thôi. Tôi hình dung dưới lớp cát êm ru này là một mê cung huyền bí mà tôi sẽ khám phá. Để làm gì ư? Để viết về chúng, cái thế giới mát rượi rộn ràng dưới chân tôi trong một sáng tác nào đó, gần thôi.

Bữa trưa, chúng tôi được thưởng thức tô canh chép chép thương hiệu vịnh Đà Nẵng đầu tiên. Tôi làm theo chỉ dẫn tỉ mỉ từng khâu như kiểu lần đầu học nấu ăn: luộc chép chép, đợi chúng há miệng thì lấy đũa khuấy, đợi một chút thì bắc xuống, lấy thịt cho ra chén, nước cho vào tô để yên đợi lắng cặn… Vỏ dĩ nhiên là bỏ. Tôi nhìn đám vỏ cứ thấy lòng tiêng tiếc. Chúng đẹp thế kia, nhiều màu sắc thế kia… Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra phải làm gì với chúng trong khi bụng bắt đầu kéo còi, đành xuống tay cho vào túi rác.

Thịt chép chép không nhiều, không dày dặn chỉ được một miếng nhỏ xíu xiu phải ăn chầm chậm để ngậm nghe thứ hải sản đậm đà phong vị biển quê hương. Tôi còn ngậm nghe vì một lý do khác nữa. Vì đó là thứ hải sản do chính tay chúng tôi vừa quần quật vừa vui chơi cả buổi mới bắt được. Tôi đã để mặc cho quầng sáng cam hồng ấm áp của mình chiếu đến chói chang mới chịu rời bãi, vậy nên tôi không thể ăn nhanh nuốt vội món canh chép chép này được. Và nó, khi tôi ngậm nghe vị đắng rất nhẹ từ gan chép chép, khi tôi cảm nhận các tế bào vị giác của mình đang phấn khích với vị ngọt đằm của nước luộc, tôi ý thức nó không phải chỉ là một món ăn, nó phải nhiều hơn thế như kiểu một thứ gì đó đang đi vào lịch sử của đời tôi vì từ đây tôi sẽ không nói rằng mình thích biển nữa, thay vào đó tôi nói rằng mình yêu biển, trong hiện tại biển là một phần cuộc sống của tôi mà hiện tại là một món quà, “the present is a present.”

Chép chép. Chép chép.

Tôi muốn nói về cái tên tôi dùng để gọi chúng giữa khá nhiều lựa chọn mà tôi có. Ngao. Nghêu. Nghiêu. Ngao Chép. Chép chép. Tôi thích hai tiếng “chép chép” nhất vì khi tôi phát âm chúng, môi tôi mấp máy linh hoạt, hơi bật ra từ đầu khoang miệng tạo thành gió và “chép chép” tự mang trong nó sự rộn ràng tôi kỳ vọng. “Chép chép, chép chép”, âm thanh truyền đến tai tôi như có sự nhún nhảy nhịp nhàng mới mẻ tươi vui. Chỉ vậy thôi cũng đủ để “chép chép” trở thành phần ký ức xinh xắn rôm rả cho riêng tôi, và ấm áp nữa, ấm áp chẳng khác gì quầng sáng cam hồng của tôi.

Nhưng tôi sẽ không bao giờ muốn chúng khép lại như cách tôi khép một trang nhật ký. Không đâu. Tôi muốn viết và viết tiếp những trang đời rộn ràng tiếng sóng, như hôm nay, ngay lúc này, giờ phút này, những con chép chép của tôi vẫn đang hì hục làm một thứ gì đó trong mê cung dưới lớp cát êm ru mát rượi ngoài kia và tôi vẫn nợ chúng một ý tưởng, một sáng tác chưa đến lúc để bắt đầu.

 

Tac gia Le Thi Le Hang 2 min - Tác giả Lê Thị Lệ HằngTác giả Lê Thị Lệ Hằng 

 

LƯNG CHỪNG HẢI VÂN – LƯNG CHỪNG MƯA TRẮNG

1. Có hẹn cùng mưa

Thể nào cũng sẽ có một cơn mưa.

Trời vẫn đang nắng, nắng tháng Bảy vàng ươm trên mỗi mét đường chúng tôi đang chạy qua nhưng tôi biết thể nào cũng sẽ có một cơn mưa. Mắt tôi định vị một mảng mây màu xám đang vần vũ tiến về quầng sáng chói chang của mặt trời. Chốc nửa thôi nó sẽ ôm lấy, sẽ ngấu nghiến, sẽ nuốt chửng quầng sáng ấy của tôi. Và tôi biết điều gì đang chờ mình phía trước.

Tôi chỉ vừa mới ra khỏi nhà được mười lăm phút, chuyến đi không hẹn trước, quyết định trong chốc lát và chỉ có một mục đích duy nhất là ngắm cảnh. Lần nào ngồi ở bãi tắm dọc đường Nguyễn Tất Thành, mắt tôi cũng đăm đăm dõi lên đỉnh Hải Vân thầm nghĩ “nhất định phải lên đỉnh đèo ngắm vịnh Đà Nẵng”, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng với tôi ý nghĩ này rạo rực không khác gì một buổi hẹn hò. Tôi đã nghĩ nhiều tháng nay và cũng đã chia sẻ với người đồng hành của mình nhưng mãi vẫn chưa tìm được buổi chiều nào cho tôi trọn vẹn với Hải Vân, cho đến hôm nay. “Thể nào cũng có một cơn mưa”, tôi lặp lại, không quá rầu nhưng lòng tự biết với lòng rằng chẳng ai muốn bị mắc mưa trong buổi chiều như thế, một buổi chiều mà tôi mong mỏi từ lâu.

Thật ngạc nhiên, người đồng hành cùng tôi nói rằng anh đã nghĩ là thể nào trời cũng mưa nhưng không phải vì đám mây màu xám chết tiệt kia mà vì khi đóng cổng rời nhà anh đã nhìn vào cái áo mưa để ngay ngắn trên bàn nhưng anh quyết định không cầm nó theo. Tôi đã quên, quên hẳn, quên một trăm phần trăm sự tồn tại của cái áo mưa ấy, còn anh lại nhớ nhưng không mang theo. Tôi không thể hiểu được. Anh bảo anh chẳng biết đâu nhưng ngay khi quyết định bỏ nó ở nhà là anh đã nghĩ đến chuyện trời mưa. Cuộc đời thường thế, hai chín ngày bạn kè kè áo mưa bên mình trời không đổ một giọt cho đến ngày thứ ba mươi, vô tình hay cố ý bạn “quên” nó đi, khi ấy trời sẽ tuôn ào ạt. Những thứ bạn có, chúng chẳng mấy khi cho bạn thấy ý nghĩa của chúng với cuộc đời của bạn, cho đến khi chúng vắng mặt. Tôi nở một nụ cười lo lắng khi xe đã chạy qua những khúc cua đầu tiên dưới chân đèo. Đường lên đỉnh đèo còn xa lắm. “Mưa trên đỉnh Hải Vân, chẳng phải là rất thơ đó sao. Hay nhà thơ cũng… sợ mưa.” Tôi phì cười, tay bất chợt đấm thùm thụp vào lưng người ngồi trước. Thơ thẩn gì ở đây chứ, tôi đang lo mắc mưa về sẽ ốm đây này. Nhưng quả thật ý nghĩ về một cơn mưa, nhất là một cơn mưa trên đỉnh Hải Vân sao mà hay ho. Tôi bắt đầu thả lỏng cơ thế, hít những hơi dài. Có thứ gì đó thật dịu và thanh từ trong không khí len vào mũi, vào họng rồi đi xuống tận phổi, buồng phổi khoan thai đón lấy phần trong khiết nhất của thiên nhiên, và của ý nghĩ mà tôi đang có. Tôi sẽ không bị mắc mưa, hẳn là vậy, dù cơn mưa có xối vào người tôi tầm tã. Chắc chắn tôi sẽ không bị cơn mưa nhấn chìm trong hỗn loạn cảm xúc, nghĩa là tôi sẽ không thụ động “mắc” vào nó và thay vào đó, tôi và mưa sẽ phải “mắc” vào nhau. Có hẹn cùng mưa. Tôi nhủ thầm, chỉ nhủ thầm thôi đã thấy đẹp như một câu thơ. Cơn mưa chiều nay và tôi là một cuộc hẹn, và tôi là người đang phải chờ đợi trong cuộc hẹn này.

Xe chạy vừa phải, không muốn nhanh nhưng không thể chậm hơn. Tôi ngước mắt trông sang phía trái, những dãy đèo xanh ngút choáng ngợp trong mắt. Thật nhanh, để không bị thứ màu xanh ấy hút mình đi như hút một hạt bụi vào giữa cơn lốc, tôi phải chọn cách để giữ cho mình một khoảng cách vừa đủ an toàn với chúng. Tôi phân chúng thành từng mảng màu lớn – nhỏ, đậm – nhạt rồi thâu chúng vào mắt. Chỉ tính riêng màu xanh lá cây thôi tôi đã đếm được hơn chục sắc xanh, chúng trải dài nhấp nhô, mờ nhòe theo từng vòng quay của bánh xe. Tôi thích mảng xanh bạc của vạt bạch đàn nhất, nó gần như lấp lánh và trong sắc xanh ấy có lẫn nhiều xanh lơ của bầu trời hơn cả. Một mảng xanh bạc thương mến nhắc nhớ tôi về một tuổi thơ có “hương gỗ bạch đàn vấn trong sợi nắng xuyến xao”.[1] Thỉnh thoảng tôi tóm được một hoặc một vài mảng vàng xanh hoặc vàng thẫm đầy thú vị của một đám cây lá đang chuyển màu, úa khô xơ xác. Hoặc là những mảng vàng đất, nâu xám, nâu đen, xám trắng lì lợm lầm lũi của những tảng đá, vách đá lồ lộ trồi ra giữa bạt ngàn cây lá. Thú vị nhất là mỗi khi mắt tôi được reo lên khi giáp mặt với thứ màu đỏ như “máu con tim” của vài cây phượng dọc đường. Phượng có thể mọc hoang, có thể được trồng, chúng thật đẹp giữa đường đèo quanh co uốn lượn tới thẳng chân mây này nhưng tôi vẫn nghĩ giá có thể, tôi sẽ mang chúng đặt vào một góc sân trường nào đó, như một ước lệ của tuổi mười sáu.

Mặc dù say mê đuổi theo các mảng màu, tôi vẫn không quên nhìn ra phía bên phải, nơi đám mây màu xám của tôi bây giờ xám đen hơn và đằng xa kia, phía núi Phước Tường, nơi ngôi nhà nhỏ của tôi đang đợi tôi về, cũng vừa mọc lên một tảng mây màu xám nữa. Mưa sẽ rơi từ nơi nào trước? Phía Phước Tường hay phía Làng Vân? Dù mưa rơi từ đám mây nào trước thì chút nữa thôi tôi sẽ được thấy mưa trên vịnh Đà Nẵng từ độ cao mà tôi ao ước, chắc chắn là vậy.

Đỉnh Hải Vân chào đón chúng tôi khi bầu trời đã âm âm một màu từ vịnh Đà Nẵng kéo sang Vịnh Lăng Cô (hoặc là ngược lại). Kì vọng của tôi hôm nay thăm lại Hải Vân Quan – Thiên hạ đệ nhất hùng quan – để một lần nữa sờ tay vào từng viên gạch ám màu thời gian, thấm dầy lịch sử ấy rồi thực hiện vài dự định nho nhỏ đang ấp ủ trong đầu. Nhưng thật tiếc, Hải Vân Quan đang được trùng tu. Công trình xây dựng ngổn ngang, lối lên đã bị đơn vị thi công rào chắn, có lẽ phải mất vài tháng hoặc nửa năm cho những việc thế này. Tôi tranh thủ sang bên kia đường ngắm vịnh Lăng Cô. Đây không phải là lần đầu tiên tôi lên đỉnh đèo bằng xe máy, nhưng là lần đầu tôi dừng chân nơi này để thưởng ngoạn. Vịnh Lăng Cô dịu dàng, biển bờ xanh thẳm như mái tóc con gái, dày và mượt, bãi cát xám vàng ôm dọc mái tóc tựa hồ dải nơ xinh. Không gian ngập tràn hơi nước, đường chân trời khuất dạng ở đâu đó nơi cuối tầm mắt tôi, mây và nước bàng bạc hòa vào nhau cắt đứt mọi dấu chỉ về ranh giới. Giờ đây, một cánh chim hay một bóng thuyền đều dễ dàng chìm lịm dễ dàng biến mất vào phông nền xám xanh kia như ảo ảnh thị giác. Một vẻ đẹp man mác xâm lấn vào hồn tôi. Vịnh Lăng Cô, góc Huế thân thương của tôi chưa bao giờ ngừng mang lại cho tôi cảm giác như thể cồn cào, như thể day dứt.

2. Hải Vân View – Phim trường không ống kính

Tôi không dừng lâu với vịnh Lăng Cô, tôi phải quay sang vịnh Đà Nẵng để neo mắt mình vào những dãy phố chạy dọc bờ biển, những dãy phố chỉ còn lại vừa vặn trong vài nét chấm – gạch buông lơi của bức tranh rộng lớn đang mở ra trước mắt tôi lúc này. Thật, chỉ là vài nét chấm gạch nhưng đủ để rộn ràng bóng dáng con người nơi phố thị. Tôi vẫn tìm kiếm dáng dấp ngọn núi Phước Tường để biết hướng nhà mình dù ngôi nhà của tôi chỉ là một tồn tại vô hình trong bức tranh. Mặc dù tôi không phải là kẻ ham khói bụi thị thành nhưng lúc đứng ở đây, giữa lừng lững núi non đường đèo chênh vênh khúc khuỷu chạy vòng quanh trái núi như ai đó quấn một sợi ruy băng quanh một khối màu xanh hình hài lõm lồi khó đoán, ở một độ cao mà chỉ cần chìa tay ra cũng có thể hái được một vạt mây như hái một chiếc lá thì dấu hiệu nhận biết về một thành phố đang bung nở sinh sôi dạt dào sức sống khiến tôi thấy dễ chịu hơn nhiều.

Mây đã tụ về cuồn cuộn trên biển, vùng vịnh lam ngọc của tôi không còn lấy một mảng trời lam ngọc nào. Đỉnh Sơn Trà mơ ảo miên man chìm vào phông nền trắng xóa. Thật hùng vĩ. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ, cảnh tượng các tảng mây trôi ngang trôi dọc xoắn vào nhau, có lúc vặn siết có lúc chỉ va vào rồi dạt ra. Những đám mây cuồn cuộn ầng ậc nước nhưng chưa thể vỡ ra, chưa thể tan òa, chưa thể chảy xiết. Bầu trời là đôi mắt ai đó, vừa đỏ hoe vừa nhưng nhức vừa nằng nặng vừa phồng lên giữ lấy túi nước trong hốc mắt trong nỗ lực kiềm chế đến tận cùng để không giọt nước nào vỡ ra trong cơn cuồng quay này. Nhưng cuối cùng mọi nỗ lực đều thất bại, đến một lúc nào đó đôi mắt của bầu trời hay đôi mắt của con người buộc phải vỡ òa, phải thả trôi, phải buông xuôi, phải giàn giụa…

Mưa. Mưa từ phía núi Phước Tường đầu tiên. Một đám mây chảy tan, từng làn trắng xóa dội xuống một góc trời. Hiệu ứng Domino. Những đám mây nghiêng ngả, xoắn xít, cuồn cuộn xô đẩy nhau. Những đám mây sụt sùi, những đám mây khóc. Mưa từng làn đuổi nhau trên biển. Chúng tôi đã yên vị trong Hải Vân View, một quán nước nhỏ nấp dưới tán cây bàng mà lúc nãy, khi trời rắc những giọt lệ đầu tiên lên tay tôi, tôi đã quyết định sẽ ghé vào để đằm mình trọn vẹn trong cuộc hẹn này với mưa. Mặc dù quyết định chóng vánh, nhưng tôi cũng như người bạn đồng hành đã kịp tia bố cục trong quán, cụ thể là dãy bàn chông chênh đóng bằng những tấm ván thô hướng nhìn ra vịnh. Tôi chọn ngay chỗ mình sẽ ngồi trước cả khi chiếc xe dừng lại. Một chỗ ngồi hoàn hảo để tan chảy cùng mưa.

Thú thực tôi đã có cảm tình với góc quán này ngay khi chúng tôi chạy lên đèo, cảm tình dành cho một góc quán nhỏ có chút gì đó tĩnh và ấm. Cảm nhận ban đầu của tôi đã không sai, nhưng khi thực sự bước vào quán tôi phải nói rằng một chút cảm tình ấy thực lòng quá ít ỏi. Khoảng cách chỉ là vài mét từ con đường ngoài kia đến chiếc ghế tôi đang ngồi, nhưng giữa mép đường và chiếc ghế còn một khoảng cách khác nữa, khoảng cách của tâm thức. Tôi đang lạc vào một chiều không gian khác nơi tôi sống và tương tác với ngoại giới bằng tâm thức của mình. Từ ngoài kia tôi bước vào đây, thực ra là tôi đang bước vào một phim trường đang tiếp diễn mà ở đó mỗi người đều là diễn viên chính, chính của đời mình, và ít nhất trong sự hiện diện ngắn ngủi của mình trên phim trường hay trên mặt đất, những vãng khách như tôi sẽ có được vài giờ quên hết mọi muộn phiền mọi âu lo mọi toan tính của cuộc đời chật hẹp ngoài kia để sắm vai nhân vật mình yêu thích, sống phần tâm thức hồn nhiên lặng lẽ của chính mình. Phim trường không ống kính máy quay, không ai ghi lại những gì diễn ra trong quán nhỏ, ngoài ký ức chính mình.

Một trái dừa. Hai ống hút. Ba ly trà đá. Một ly cà phê sữa. Ba chiếc ghế chụm vào nhau khoái chí khi mưa tạt qua tấm mành lỗ chỗ rách rớt xuống mặt chúng tôi. Cuộc đời có bao lần mưa làm sao đếm được nhưng có mấy buổi chiều ngắm mưa như hôm nay? Cách chúng tôi một mét có hai chiếc ghế cũng đang chụm lại trò chuyện bên nhau. Giữa chúng tôi và họ dường như không có một kết nối nào ngoài chuyện cùng có mặt ở phim trường này và cùng xuất hiện trong một phân cảnh tuyệt đẹp của một cơn mưa rào cuối hạ.

Tôi nhìn sâu vào khoảng không trắng bời bời trước mặt. Cầu Thuận Phước hay những tòa nhà chạy ôm đường biển đều đã lẩn tan giữa vô vàn màn mưa đang trút xuống, chỉ còn đỉnh Sơn Trà níu lấy mắt tôi, mờ ảo chung chiêng giữa cơn mưa như nghiêng lệch đất trời. Có khoảnh khắc nào hùng vĩ hơn và rung cảm hơn khoảnh khắc này? Tôi bắt đầu muốn viết, viết một cái gì đó như thể là thơ, chẳng phải tôi đã thấy ý nghĩ “có hẹn cùng mưa” đẹp như một câu thơ đó sao, và bây giờ lưng chừng Hải Vân, lưng chừng mưa trắng còn đẹp hơn nữa nhưng ngay khi tôi bắt đầu cảm thấy mình cần tìm từ ngữ để diễn tả những gì đang tụ lại hoặc đang trải ra trong con ngươi nhỏ bé của mình thì mọi thứ cũng bắt đầu tan biến. Tôi biết mình bất lực, ngôn ngữ thi ca của tôi bất lực trước khoảnh khắc này. Hoặc là tôi sẽ im lặng, sẽ câm nín để vẻ đẹp một chiều mưa Hải Vân lưng chừng kỉ niệm nhưng sẽ sống trong ký ức tôi hoặc là tôi viết ra một câu thơ và giết chết nó, một lần mãi mãi. Tôi nhớ lại khoảnh khắc rùng mình trước rợn ngợp thiên nhiên khi tôi đứng dưới chân di tích Hải Vân Quan và nhớ đến những thi nhân đã viết về “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, viết về cung đường đẹp như một lời thách đố này.

“Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu
Chia hai Thuận, Quảng một con đèo
Lá dòm mặt nước, cây mong lội
Biển bọc chân non, sóng muốn trèo
Mặt đất day ngang đường khuất khúc
Sườn non dựng ngược đá cheo leo
Vén mây muốn bước lên trên tót
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.”

Bài thơ trên có tên là Lên Đèo Hải Vân được cho là của Huỳnh Mẫn Đạt, một nhà khoa bảng, viết cách nay đã ngót nghét hai trăm năm. Gần đây nhất tôi đọc tập thơ Bên Cửa Sổ của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm – một tác giả đương thời – cũng có bài Trên Đỉnh Đèo Hải Vân với bốn câu mở đầu rất đẹp.

“Hải Vân quan – đệ nhất hùng quan
Giữa đỉnh đèo trùng trùng Bạch Mã
Cửa ải một thời tạc vào lịch sử
Lịch sử một thời sóng gió gợn trời xanh.”

Họ chỉ là hai trong số những nhà thơ mà tôi đã đọc và nhớ, còn biết bao thi sỹ biết bao bài thơ lơ lửng đỉnh đèo hay dập dềnh dưới chân sóng Lăng Cô, Nam Ô nữa. Có những bài tôi đã đọc mà lúc này chưa thể nhớ ra và có những bài tôi chưa từng diện kiến. Trước đây tôi còn đôi chút nghi ngờ, nhưng giờ đây, khi ngồi ngắm mưa băng qua vùng vịnh ở độ cao này tôi dám cá rằng tất cả họ đều đã viết về Hải Vân trong nỗi chật vật về ngôn ngữ, và có thể hơn cả thế, đó là nỗi bất lực trước vẻ hùng vĩ của Hải Vân, con đèo chiến lược trong quá khứ cũng như bây giờ. “Cái đẹp” nghe chừng như có vẻ xa xôi và trừu tượng, tôi sẽ nói đơn sơ cụ thể hơn, đó là với tôi vẻ đẹp của Hải Vân là một lời thách đố mà càng cố gắng chạm vào càng cố gắng bắt lấy càng bị đẩy ra xa. Hoặc có thể là khi chạm vào cũng là khi thấy mình không còn gì nữa cả, mình đã lẩn vào trong nó mất rồi. Những thi sỹ tài hoa mà tôi biết và cả chưa biết, tôi đồ rằng nếu họ đi qua Hải Vân lần nữa hay bao lần nữa họ sẽ vẫn thấy mình muốn/ thích/ cần viết một điều gì đó hoặc rất nhiều điều gì đó về nơi này. Tôi có chút niềm kiêu hãnh nhỏ, bao nhà thơ đã đi qua cung đường này, họ có thể đi nhiều lần hơn tôi, đi mòn vẹt câu thơ của mình nhưng mấy người có hẹn cùng mưa như tôi, mấy người nhận được một cơn mưa rào làm món quà cho một buổi chiều tháng Bảy như tôi? Trong một góc quán như một phim trường lãng mạn nơi mọi thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, tĩnh và ấm, tối sáng giao thoa, âm nhạc là sự hòa quyện của tiếng ếch nhái ồm oàm, tiếng mưa gõ trên mái nhà lộp độp, gõ trên cánh cửa tí tách và tiếng người chuyện trò như rỉ rách vào tai nhau, vào hồn nhau.

3. Những nốt nhạc sau mưa

Mưa tràn qua, phủ mờ vịnh Đà Nẵng. Mưa rơi trên biển. Mưa rơi trên làng Vân hiền hòa xanh mướt. Mưa rơi trên đường ray hoang hoải nhớ tàu. Mưa rơi đỉnh đèo, trên Hải Vân Quan lừng lững trầm tích lịch sử. Mưa rơi trên những mảng màu lớn – bé, đậm – nhạt, nóng – lạnh của tôi, trên mảng màu xanh bạc của tôi. Mưa rơi trên nỗi nhớ. Mưa rơi vào lòng tôi thấm ướt cả buổi chiều Hải Vân lưng chừng ảo – thực, lưng chừng quên – nhớ.

Mưa vẫn dấm dứt rơi ngoài kia, dai dẳng hơn tôi đã nghĩ. Dừa, trà đá, cà phê đều đã cạn và lúc này, giữa cơn mưa mát mẻ xế chiều, điều chúng tôi đang còn thiếu để làm nên một chiều mưa hoàn hảo là một chút gì đó ấm nóng cho ba dạ dày đang lưng lửng thèm ăn. Tôi nghĩ ngay đến một tô mỳ tôm hơi bốc nóng hổi. Tôi vẫn luôn thèm mỳ tôm trong những chiều mưa thế này, thèm như nỗi nhớ. Xa xa trong ký ức, những chiều mưa tháng Bảy, chị em tôi chụm nhau lại chung chia mấy gói mỳ tôm. Ngày ấy, mỳ tôm Hảo Hảo là thứ gì đó ngang hàng thượng phẩm, mỳ tôm kèm trứng hay dưa giá, rau hành thì phải gọi là hàng xa xỉ. Khi tôi lớn lên, tôi được tuyên truyền mỳ tôm không tốt cho sức khỏe và tôi cũng không còn nhu cầu ăn mỳ tôm mỗi ngày nữa, chỉ khi những cơn mưa đổ về, khi tiếng ếch nhái dế giun từ mặt đất vọng lên xuyên thủng bức mành ký ức như hôm nay thì tôi mới thấy mình thèm cảm giác hút chùn chụt một sợi mỳ tôm nóng hổi nào đấy. Ăn cho ấm bụng. Ăn cho ấm lòng. Ăn cho nỗi nhớ thơm lên.

Tôi không đọc menu treo giữa quán mà gọi luôn mấy tô mỳ tôm. Lát sau, chú chủ quán mời chúng tôi vào trong, một góc ấm hơn, lá cửa mở ra phía vịnh không được chống cao hết cỡ mà hơi chùng xuống, mưa không thể tạt ướt chúng tôi. Tôi nhìn xuống, dưới kia là khoảng xanh sâu hun hút, chạy dài xuống làng Vân. Đây đó vài đám lá bị gió hất ngược, phơi bụng hứng mưa. Vịnh Đà Nẵng đã bắt đầu hiện dần trong mắt tôi với những đường cong quen thuộc. Bán đảo Sơn Trà in vào con ngươi nét dịu dàng quyến rũ. Những tòa nhà cao tầng dọc đường Nguyễn Tất Thành nối dài qua cầu Thuận Phước cũng đã rẽ màn mưa rõ dần như bóng dáng những nàng thiếu nữ bước ra sau một bức rèm.

Tô mỳ tôm với trứng và hành đã cạn đến sợi mỳ cuối cùng, ngon trọn vẹn. Mưa chưa ngừng hẳn nhưng đã ngớt đi nhiều, chú chủ quán bảo chúng tôi ráng đợi thêm lát nữa tạnh hẳn rồi hãy về. Vùng vịnh xinh đẹp của tôi đã được trả lại vẻ hiền hòa khoáng đạt và có phần trong khiết hơn lúc tôi chạy lên đèo. Quả thực, tôi chẳng vội về và chẳng nghĩ đến việc bao lâu nữa thì trời sẽ tối. Chưa rời đi nhưng có cái gì đó như là lưu luyến, tôi không lưu luyến một quán cà phê, tôi lưu luyến một buổi chiều, một cơn mưa, một phim trường trong tưởng tượng nơi con người sống trong không gian bình yên của tâm thức, thả lỏng mình trong những ý nghĩ dại khờ nhất và nồng nhiệt nhất. Như tôi lúc này.

Tôi đọc những dòng chữ “khắc” trên chiếc bàn làm từ tấm ván thô và trên lan can hướng nhìn ra vịnh. Bây giờ tôi mới thôi đuổi theo những làn mưa để dành thời gian cho không gian bé nhỏ ấm cúng này. Có rất nhiều cái tên kèm chữ ký và lời nhắn trên bàn, trên thanh cửa. Khỏi cần đọc kỹ tôi cũng biết những dòng chữ đó là gì, từ đời thuở nào rồi con người ta vẫn khao khát lưu dấu sự hiện diện của mình trong một không gian cụ thể nào đó, nhất là khi họ hiện diện trong không gian ấy với một người quan trọng. Và đời thuở nào con người ta vẫn sợ bị lãng quên như thể rằng nếu không khắc dòng chữ N&V, Ngân <3 Tuấn thì buổi chiều bên nhau hôm nào đó sẽ biến mất trong ký ức của đối phương. Con người ta vẫn sợ bị lãng quên mà không biết rằng chính mình sau này có thể là kẻ lãng quên. Và, con người ta tổn thương nhau vì lãng quên cũng nhiều như vì ghi nhớ…

Giữa những dòng chữ đầy tâm trạng và cảm xúc yêu đương ấy, tôi bật cười vì lời nhắn của một người mong tìm… người yêu, một bạn nam đã để lại lời nhắn trên bàn với đầy đủ thông tin zalo, facebook, instagram. Tôi lại có thêm lý do để nghĩ về nơi này như một phim trường không ống kính, rằng sẽ có ai đó ở đây gặp gỡ và ngã vào mắt nhau như cái cách nam chính và nữ chính của một bộ phim tình cảm vẫn thường ngã vào cuộc đời nhau. Tôi không ngờ mình cũng có tố chất sến sẩm đến vậy, nhưng tôi vẫn thấy nó khả thi và hay ho, hoặc ít nhất thì tôi có thể khiến nó hay ho trong một sáng tác nào đó của mình.

Một góc chân trời, hoàng hôn đã bắt đầu lóe lên vẻ quyến rũ. Chúng tôi đứng dậy, trả tiền và sửa soạn rời quán. Ngay trước lúc ra về thì mắt tôi lại dính chặt vào bức tranh treo trên tường lối dẫn vào chỗ nghỉ ngơi của chủ quán. Một bức tranh khiến tôi chưa thể rời đi. Từ xa, tôi ngắm những ngọn núi trong bức tranh dưới ánh sáng tờ mờ chập choạng của hoàng hôn. Thoạt đầu tôi nghĩ đó là nét cọ của Paul Cezanne nhưng khi neo ánh mắt vào cánh đồng dưới chân núi tôi nhìn thấy Van Gogh với nét cọ to, thô, cứng cỏi trào dâng theo một cảm xúc mạnh mẽ bứt phá của thời kỳ Hậu Ấn Tượng. Tôi buộc phải lại gần xem kỹ. Dĩ nhiên tôi biết không thể có một bức tranh gốc ở nơi này nhưng cái cách chủ nhân của nó trân trọng treo và bảo quản mặt kính đủ dấy lên trong lòng tôi những suy nghĩ tươi vui. Bức tranh được in lồng vào sau mặt kính khiến ban đầu thoáng nhìn những ngọn núi màu xám xanh với những đường màu tối tạo các nhịp nét cuốn hút ấy tôi nghĩ đến Cezanne. Hoàng hôn và hai chú mèo nhỏ đang vờn nhau trong quán khiến lưu luyến càng luyến lưu thêm. Và, trước khi chính thức bước ra khỏi không gian này, tôi phát hiện thêm một bức tranh nữa của Van Gogh. Một bức tranh cũng vẽ cánh đồng dưới chân núi nhưng ở một góc khác được in lồng trong kính, khung tranh sờn cũ, giấy in ố màu nhưng nhìn mặt kính và sợi dây treo là biết nó không hề bị bỏ rơi. Lòng tôi dấy lên một niềm hạnh phúc, rất nhỏ thôi nhưng cũng khiến hoàng hôn long lanh thêm một bậc. Ở nơi rất đỗi bình dân này có người không bị cuốn hút bởi cái bắt mắt sặc sỡ của những bức tranh “chợ” hay tranh thêu theo xu hướng thị trường, ở đây có người trân trọng những bức tranh đã cũ càng với các gam màu tối như xanh ô-liu và vàng đất đậm… Màu sắc của cảm xúc, kể ra, dù chỉ là bản in thôi cũng đủ để tôi chú ý, cả nhớ đến nữa.

Đường xuống đèo gió lùa chân tóc mát lạnh mơn man. Chúng tôi chạy chậm để vớt vát chút hoàng hôn còn sót lại. Những chiếc xe chạy sau lần lượt vượt qua, ánh đèn hắt những vùng sáng loang loáng trên mặt đường. Xa xa, cây phượng mang màu “máu con tim” đổ xuống mặt đường một vạt màu đỏ thắm, trước lúc chìm vào bóng tối phượng vẫn kiêu hãnh cháy vào mắt tôi khoảnh khắc cuối cùng của một ngày cuối hạ. Nếu như lúc lên đèo tôi mải miết cho mắt chạy theo những mảng màu hay dõi ra xa đến điểm cuối cùng nơi trời và đất gặp nhau trên một đường chỉ, thì bây giờ, tôi ngắm mỗi ngôi nhà, mỗi góc quán đang sáng điện hai bên đường. Những ngôi nhà cô đơn. Những ngôi nhà âu yếm chụm đầu. Những ngôi nhà kiêu hãnh. Những ngôi nhà hiền lành. Những ngôi nhà của người Việt. Bữa cơm người Việt. Giấc mơ người Việt. Phần nào đó giống tôi.

Dưới chân đèo Hải Vân, đèn điện từ tàu thuyền và quán xá hắt xuống mặt vịnh, trên nền xanh bóng đêm hun hút những vệt cam hồng sóng sánh tung tẩy như những nốt nhạc đêm, một Nam Ô lung linh khép lại buổi hoàng hôn tháng Bảy.

07/2022

—————

[1] Một câu trong trường ca Khu Vườn Ươm Ánh Sáng của Lệ Hằng

 

Pho Bi thu Thuong truc Tinh uy Phan Ngoc Tho min - Tác giả Lê Thị Lệ HằngPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trao giải nhất cho tác giả  Lệ Hằng với tác phẩm “Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng”

 

NỒNG NÀN THỌ QUANG

(Tản văn )

Chiều đầu thu nắng ngọt, tôi đánh thức mọi giác quan để đón nhận bờ biển ngọc yêu dấu của mình, bãi cát chạy dài cong mềm như hàng mi con gái, sóng nở từng chùm hoa trắng xoá trên mái tóc sâu thẳm của đại dương, gió mơn man chân tóc, gió râm ran hát lời của muối… Tôi không xuôi theo đường Nguyễn Tất Thành hướng về đèo Hải Vân ngắm hoàng hôn rớt xuống Nam Ô như mọi ngày mà đi theo hướng ngược lại qua cầu Thuận Phước. Cuộc dạo chơi ngẫu hứng này chẳng khác gì món quà bất ngờ mùa thu gửi đến cho tôi khi tôi gom được một Thọ Quang nồng nàn cho riêng mình.

Cảng cá hiện lên trong tôi như ước lệ của nghề chài lưới, một ước lệ trù phú mặn mòi, và cả quyến rũ nữa. Tôi đã say góc cảng nhỏ của mình. Thu vẫn rạo rực, nắng vẫn mênh mang đây đó ngoài kia nhưng buổi chiều của tôi cô đặc lại nơi góc cảng đậm đà mùi chài lưới. Là một kẻ tham lam, tôi chọn cho mình một chỗ đứng vừa vặn để thu lấy góc cảng đặc sắc nhất và trọn vẹn nhất có thể. Và cũng để thấy mình tan vào một mùa thu, một buổi chiều, một hơi thở hồn nhiên của biển. Tôi muốn tan ra, hoà vào sắc nắng lịm ngọt này hoặc là cô cạn lòng mình trong một làn hương mang vị muối. Tôi không muốn làm một khách lạ nơi đây, tôi cần phải thấy mình là một phần trong đó để có thể tương tác, chuyện trò, có thể nghe hiểu những câu chuyện từ những con thuyền. Thu hườm man mác rót xuống cảng cá từng làn mỏng tan, mặt nước sóng sánh, những mảng màu xanh đỏ từ thân thuyền hắt xuống nước vỗ về mắt tôi. Trong khoảnh khắc, tôi và những con thuyền đã gặp nhau. Bây giờ chúng là những con thuyền của tôi, chúng mệt nhoài và đầy tâm sự. Thật, tôi đã nghe, tâm sự nào cũng thâm trầm kiêu hãnh. Và tâm sự nào cũng đẹp lung linh.

Tôi quyết định phải làm điều gì đó cho cuộc gặp gỡ này. Tôi lùi xa một chút khỏi những câu chuyện đang được kể bằng sắc màu rộn ràng trên mặt nước, và cả trên bờ, trên không trung nơi những đám mây kẹo bông nũng nịu níu tay nhau đi về một góc. Tôi nghĩ về thứ gì đó như một bức tranh, nơi tôi có thể ghi lại những câu chuyện trên góc cảng nhỏ của mình theo cách nó đã kể cho tôi. Phố cảng bâng khuâng. Phố cảng nồng nàn. Phố cảng đi vào tôi như Thu đi vào Hạ. Phố cảng đã chín hườm một mùa trong tôi nhưng tôi vẫn loay hoay trong bức tranh của mình. Làm sao vẽ được một mùi hương? Tôi bất lực trong món quà mà mùa thu đã ưu ái trao vào tay mình. Tất cả những gì có thể làm chỉ là bề mặt, linh hồn của Thọ Quang, với tôi, chính là cái mùi mặn mòi chài lưới mà lúc vừa chạm tới tôi đã rụt người lại để tự vệ nhưng khi đã hít sâu, hít no lại thấy nó trằm trịa đậm đà và quan trọng là không thể tách nó khỏi phổ cảng đáng yêu này nếu không Thọ Quang không còn là Thọ Quang nữa.

Có thể nào tách một mùi hương khỏi bông hoa đang hé?!

Tôi mỉm cười trong niềm hạnh phúc. Có lẽ phải vậy thôi, phải giữ một điều gì đấy như bí mật trong tim, giữ lấy để còn nhớ về Thọ Quang và còn ao ước quay trở lại buổi chiều cô đặc sắc vị biển như hôm nay. Giữ lấy để biết rằng trên cảng cá này, có quả tim nhỏ vừa đập để giao mùa.

Tac gia Le Hang thu 3 tu trai sang min - Tác giả Lê Thị Lệ HằngTác giả Lệ Hằng (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ trong buổi toạ đàm trực tiếp tại lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi bút ký “Di sản, văn hoá và con người Thừa Thiên Huế”.

 

ROSE VÀ VIOLET VÀ NHỮNG NGÀY MƯA

Chúng ta thường không như những gì người khác có thể thấy về mình.

***

Mưa.

Mưa trắng xóa.

Mưa xám xịt.

Mưa đầm đìa trên mặt hồ cạnh chung cư. Tôi nhấp ngụm cà phê hòa tan vừa pha thả hồn ra ngoài cửa sổ. Ngày nào cũng vài ba bận tôi đứng ở góc này nhấp cà phê khi trong đầu dập dềnh ý nghĩ rằng một ngày nào đó một điều gì đó bất ngờ xảy ra và thế là nó thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn, ít ra sẽ không ướt át nhờ nhờ xám ngoét như lúc này.

“Let it be, let it be…”

Tôi mở điện thoại ra xem, là Rose gọi.

Nàng đến. Khá khuya nhưng không phải là sự ngẫu nhiên. Nàng vẫn thường đến vào những ngày mưa thế này, khi quán nhậu bên bờ hồ của nàng ế khách và nàng cần “giải cứu” mớ hải sản tươi sống, nàng nói thế. Một mâm lẩu hải sản nghi ngút khói. Và dĩ nhiên có vài lon bia.

“Mưa buồn như những ngày con gái hành kinh vậy đó.”

Nàng nói khi đẩy tấm chắn song cửa sổ lên và với tay ra ngoài nghịch nước mưa, một bên chiếc áo croptop màu rượu vang huyền bí và khiêu khích xếch lên hỏng gần quá eo. Nàng luôn phàn nàn tôi về cái cửa sổ trong khi nghịch nước mưa vì tôi chẳng bao giờ đẩy nó lên. Mưa hắt qua cửa sổ, một góc tấm thảm lót sàn lấm tấm ướt. Vô lí nhỉ. Sao tôi lại phải đẩy tấm chắn lên khi trời đang mưa chứ. Tôi nghĩ nhưng không buồn nói ra, dù sao thì nồi lẩu và mấy lon bia đang bày trước mặt cũng đủ làm tôi không còn bận tâm trời mưa trắng xóa hay xám xịt hay xám ngoét ngoài kia nữa. Rồi nàng nhí nhảnh bảo tôi cho xin chút nhạc. Nàng nghe nhạc remix, các bài bolero xưa xửa xừa xưa hát theo kiểu giật giật như đấm vào lỗ tai. Cũng may, nàng ý tứ chỉ bật nhạc cho thêm phần không khí thôi, chẳng phiền đến hàng xóm.

Sau vài phút líu lo như người không tuổi, nàng ngồi xuống mở bia, nét mặt dần chuyển về trạng thái bình thường, nghĩa là hơi đanh một chút. Nàng uống ngụm bia đầu tiên rồi bắt đầu nói. Nếu như lúc nãy là mở bài thì bây giờ là thân bài, nghĩa là nó là phần quan trọng và dài nhất. Tôi biết nàng từ khi nàng còn khoác những bộ váy nóng bỏng của các hãng bia và tiếp thị trong các quán nhậu. Giờ nàng đã là bà chủ một quán bên bờ hồ, địa điểm ăn khách bậc nhất thành phố này. Tôi để ý thấy từ khi nàng mở quán, nàng nói nhiều hơn. Phục vụ việc nhậu nhẹt cho các “quý ngài phiên bản lỗi” (chữ của nàng) không dễ dàng chút nào. Tôi biết nàng vất vả, phải dậy từ rất sớm, đóng quán thì quá nửa đêm khi nhân viên về hết. Rồi ti tỉ các việc không tên khác nữa nhưng nàng chưa bao giờ nói về những điều đó. Chính xác là chưa bao giờ than phiền một lời nào. “Cuộc sống mà.” Nàng mỉm cười mỗi khi tôi nói điều gì đó về gương mặt hốc hác của nàng hay về đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ hay khi nàng sụt sịt ho.

Nàng chỉ nói về các vị khách. Họ hào phóng, họ bủn xỉn, họ dễ dãi, họ quái đản, họ ăn, họ uống, họ nôn, họ mửa, họ chửi thề, họ hút thuốc… Nàng cũng kể về những câu chuyện trên bàn nhậu của họ: ngoại tình, đĩ điếm, giết người, cướp của, tự tử, thăng chức, ngã ngựa, tình yêu, hạnh phúc, tôn giáo… Thỉnh thoảng, trong lúc kể chuyện nàng cũng chửi thề. Tôi ngồi im vừa ăn vừa nghe nàng kể thấy cả một xã hội phù hoa điếm loạn bên ngoài. Cái xã hội ấy chưa bao giờ mang màu sắc bi kịch mà ngược lại, cuộc đời chỉ là một trò hề lặp đi lặp lại trên người này rồi đến người khác.

Nàng đứng dậy nhại lại điệu bộ của một quý ngài, một tay vẩy tàn thuốc, một tay cầm ly bia, mặt đỏ tía tai, giọng rề rà khản đặc, quý ngài phát biểu một tuyên ngôn mang tầm nhân loại “Gì thì gì, đàn bà mà quá thông minh thì không giỏi làm tình.” Nàng cười sằng sặc. Tôi cười sằng sặc. Đó là một quý ngài bụng cao vượt mặt, mông thụt xuống chân, nàng nói đứt quãng như giữa một cơn nấc. Tôi cười rớt cả miếng hải sản đang ngậm trong miệng, tôi nói với nàng nàng đáng lẽ phải làm một nhà văn và phải là một nhà văn trào phúng. Nàng coi đó là một lời mỉa mai nhưng nàng vẫn tiếp tục nói. Một lần, nàng bảo tôi là người duy nhất trong cái thành phố này chịu nghe nàng nói. Lần khác lại bảo là người duy nhất trên cõi đời này. Nàng cũng bảo vì tôi là nhà văn, mà nhà văn thì không giống người bình thường, nàng chưa từng gặp một ai là nhà văn mà còn sống cả. Nàng chỉ thấy họ trong sách và tất cả họ đều đã chết.

Sau những trận cười, nàng đến bên cửa sổ ngắm thành phố đầm đìa xám ngoét. Từ chỗ tôi, lầu 7 của khu chung cư, những bóng người trùm áo mưa ngược xuôi trên phố giữa khuya cô đơn như những âm hồn vất vưởng. Nàng khóc. Nước mắt cũng đầm đìa. Tôi không biết vì sao nàng khóc, tôi không hỏi. Khóc không phải là một việc gì đó quá tồi tệ, ngược lại tôi thấy hoàn toàn nhẹ nhõm. Nàng có biệt tài khiến người khác thấy nhẹ nhõm, ngay cả khi nàng chảy nước mắt. Tôi rút tấm khăn ướt đưa cho nàng khi thấy có vẻ nàng đã khóc xong. Nàng lau nước mắt rồi vươn vai một cái khiến chiếc áo crop-top lại hỏng lên một đoạn, lần này hỏng cả hai bên eo.

“Wow, thật là sảng khoái.” Nàng nói.

“Chết ngay bây giờ cũng được không còn gì hối hận, nhỉ?” Tôi cười.

“Chết thì không chết được đâu. Nhưng mà… hay là ngủ lại luôn nhỉ?” Nàng nhìn tôi không cười, không khóc, mắt không chớp.

“Dĩ nhiên.”

Tôi nhún vai một cái, cười nhẹ và nghiêng đầu cho nàng thấy là tôi đồng ý. Và dĩ nhiên là tôi nghiêm túc, chúng tôi đều là người lớn, chúng tôi cũng thường xuyên nói những chuyện rất người lớn.

Bây giờ thì nàng cười. Cười híp cả mắt.

Nàng đến giá treo lấy chiếc áo khoác quàng vội qua vai và đi thẳng ra cửa. Đêm ấy chỉ còn một sự ấm áp quanh quẩn bên tôi.

***

Mưa.

Lại mưa.

Mưa mỏng như sương.

Mưa tỉ tê não ruột.

Mưa châm chích trên mặt hồ. Tôi nhấm nháp cà phê, mắt di chuyển vô định trên mặt hồ. Có vài thứ khi lặp đi lặp lại thường xuyên, người ta dễ dàng trở nên quen thuộc rồi trơ lỳ cảm xúc. Như tôi với mưa chẳng hạn. Thành phố này nhiều mưa quá, bây giờ có hỏi tôi cũng chẳng trả lời được là tôi yêu mưa hay ghét mưa. Tôi chỉ biết nó có đó, tồn tại đó, và lặp đi lặp lại trong khi đầu tôi bận dập dềnh ý nghĩ về một ngày nào đó một điều gì đó bất ngờ xảy ra và thế là nó thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi, ít ra sẽ không ướt át như lúc này.

“Let it be, let it be…”

Tôi rút điện thoại ra. Violet.

Tôi biết nàng từ một câu lạc bộ đọc sách online. Violet là nickname của nàng. Với chúng tôi, nickname có khi còn quan trọng hơn tên cha sinh mẹ đẻ. Nàng cũng chỉ thích người khác gọi nàng như thế, bằng chứng là chúng tôi đã thân đến mức nhớ ngày sinh tháng đẻ của nhau nhưng nàng chưa bao giờ gọi tên thật của tôi cũng như của nàng.

Nàng đến. Mưa bám li ti từng hạt trên chiếc áo dạ của nàng, tôi giúp nàng treo chiếc áo lên giá và đỡ lấy cái ba lô du lịch khá nặng từ nàng. Vì mưa, câu lạc bộ từ thiện của nàng phải hủy một hoạt động ngoài trời. Nàng nói khi soạn từ trong ba lô ra một mớ sách dày cộm cho tôi. Sách nàng tặng tôi sau ba tháng chu du từ nam chí bắc, nàng theo một dự án phi chính phủ về văn hóa và nhân đạo. Tôi hiểu đại khái thế. Tôi thấy công việc của nàng có vẻ khá phức tạp và tôi thì chẳng có thói quen hỏi nhiều về những điều người khác không kể. Tôi cầm những cuốn sách đủ loại từ triết học đến chính trị, văn chương, âm nhạc xếp lên giá sách. Lúc quay lại thì nàng đã để trên bàn một dĩa lớn các loại hạt sấy khô, một túi nho loại nho nhập khẩu đắt tiền và một hộp gì đấy vẫn chưa mở nắp.

“Đặc sản từ gia đình một người bạn em mới quen đấy.”

Nàng lúc nào cũng có bạn mới. Cuộc sống của những con người yêu xê dịch là gì nếu không phải là những vùng đất mới và những người bạn mới. Một người như tôi hẳn nhiên là ngưỡng mộ nàng lắm lắm.

Nàng thích các loại hạt, trái cây, rau củ hơn là thịt và nàng thường ăn thuần chay một hoặc hai ngày trong tuần. Cả những thói quen này cũng khiến một người phàm ăn tục uống như tôi ngưỡng mộ. Tôi ngồi xuống bốc hạt ăn cùng nàng. Lâu lâu đổi vị cũng hay phết. Đang ăn giữa chừng thì nàng dừng lại xắn tay áo sơ mi lên đến cùi chỏ rồi xách túi nho sang la-va-bô rửa. Nàng rửa xong đi ngang qua cửa sổ thì kéo rèm cửa lại. Thế giới bên ngoài khuất dạng sau tấm rèm. Lần nào cũng thế. Nàng bật nhạc, những bản nhạc không lời rỉ rách, chúng thâm trầm miên man bất tận như nàng. Cứ thế chúng tôi ăn những trái nho đen tròn ủm và căng mọng. Tôi nhìn nàng, nàng đã đổi màu son so với lần trước nàng đến. Thỉnh thoảng mắt chúng tôi lại va vào nhau, tôi không giấu việc tôi đang nhìn nàng, tôi nghĩ nàng cũng biết là nàng đẹp và cuốn hút đến mức nào. Nhưng nàng sẽ không nói gì nữa cho đến khi tôi không chịu được sự im lặng kỳ cục này và cả tiếng nhạc như đay như nghiến lòng dạ tôi rồi lên tiếng hỏi nàng điều gì đó.

Chỉ cần tôi hỏi, sau đó nàng sẽ nói và nói liên tục. Dự án của nàng, các câu lạc bộ của nàng, những phượt thủ nàng gặp trên hành trình, cái lý tưởng “cuộc đời là những chuyến đi” của nàng… Rồi thì những cung đường mới, bản làng mới, món ăn mới, trang phục mới… Nàng cho tôi xem tất cả ảnh nàng chụp trong chuyến đi. Nàng phải đợi đến lúc này mới cho tôi xem chúng, chẳng bao giờ nàng gửi chúng qua messenger cho tôi dù chúng tôi vẫn thỉnh thoảng trò chuyện mỗi khi nàng rời thành phố. Nàng giải thích, bây giờ chúng không còn là những bức ảnh mà chúng là những câu chuyện, và chúng đẹp. Quả thực, mọi thứ nàng kể ra đều đẹp. Tôi lại phục thêm khả năng ngôn ngữ của nàng, tôi bảo nàng phải là nhà văn đi thôi và phải viết thứ gì đó kiểu như bút ký ngay đi thôi. Nàng coi đó là một lời khen và nói rằng sẽ suy nghĩ, biết đâu đấy.

Thế giới trong lời kể của nàng sao mà đẹp. Và sao mà u uất. Tôi cá là nếu nó buồn hẳn đi thì dễ chịu hơn nhiều. Tôi không hiểu là do những bản nhạc nàng mở cứ lặp đi lặp lại, nàng chỉ nghe mỗi một đĩa chừng mười bài, hay là do cái giọng đều đều nghèn nghẹn của nàng hay do đôi mắt lúc nào cũng như nằm sau một màn nước của nàng khiến tôi có cảm giác u uất đến vậy. Nhưng nàng không khóc, chưa lần nào khóc. Nàng chỉ kể, suốt cả buổi nàng kể, đều đều, chậm rãi và miên man như mưa. Những bức hình hừng hực nắng kia trước mắt tôi cứ dần nhòe nhoẹt. Tôi tự đặt ra giới hạn cho mình, đó là đứng ngoài sự u uất của nàng, tôi có thể ngắm nó nhưng tôi thề không bao giờ bước vào cái thế giới u uẩn ấy. Vì thế, tôi ngấu nghiến nghe mà chẳng hỏi thêm điều gì.

Nàng nói tôi là người duy nhất biết lắng nghe, nàng cũng nói có lẽ vì tôi là một nhà văn thực sự. Nàng nhấn mạnh từ “thực sự”. Nàng quen biết hàng tá nhà văn, nhà thơ và đủ thể loại nhà khác nữa nên “thực sự” thực sự ý nghĩa. Dĩ nhiên tôi vui với nhận xét của nàng và giá như nàng ở lại với tôi cả đêm thì tôi sẽ còn vui hơn nữa. Một lần, nàng hỏi.

“Anh nghĩ sao nếu sáng mai em mới về?”

“Tuyệt quá.”

Tôi nói. Nàng nhìn thẳng mắt tôi trong vài giây. Dĩ nhiên tôi nói nghiêm túc. Tôi làm sao có thể không nghiêm túc với một cô gái như nàng được chứ. Tôi là một nhà văn thực sự như nàng nói, và tôi cũng là người thực sự, chính xác là đàn ông thực sự, nghĩa là tôi đang rạo rực với lời đề nghị của nàng.

Nàng thoáng cười rồi soạn ba lô đi thẳng ra cửa. Đêm ấy chỉ còn một nỗi lạnh lẽo bàng bạc như sương quanh quẩn bên tôi.

Tac gia Le Hang thu 2 tu trai sang min - Tác giả Lê Thị Lệ HằngTác giả Lệ Hằng (thứ 2 từ trái sang) trong Hội thảo Thơ tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc Lần thứ X.

***

Chúng ta thường không như những gì người khác có thể thấy về mình.

Tôi vẫn ngày ngày suy nghĩ về một ngày nào đó một điều gì đó bất ngờ xảy ra và thế là nó thay đổi cuộc đời tôi. Thành phố vẫn mưa như dự báo trên đài và trên điện thoại. Có khi mưa đầm đìa, có khi mưa lất phất. Tôi thỉnh thoảng lại ăn lẩu uống bia. Thỉnh thoảng lại ăn mấy món đặc sản xa lạ. Tôi vẫn thấy thoải mái bên Rose ngay cả khi nàng khóc mà không hỏi một điều gì, và vẫn giữ khoảng cách với sự u uất của Violet cũng như chẳng bao giờ nói cho nàng biết suy nghĩ thực sự của tôi về mấy cuốn sách nàng tặng.

Tôi lại suy nghĩ về điều gì đó bất ngờ thì bất ngờ Rose đến.

Chẳng có giọt mưa nào.

Trời trong leo lẻo suốt cả ngày, từ ô cửa căn hộ có thể thấy bầu trời đêm chấp chới, dải Ngân Hà đã dần hiện rõ. Nàng im lặng rất lâu, đầu ngả vào cửa sổ. Nàng ngắm bầu trời chán chê thì ngắm thành phố. Bên dưới người xe nườm nượp, quán xá ì xèo đông đúc.

“Thành phố này cô đơn quá.” Nàng nói.

Tôi nhìn kỹ, không thấy giọt nước mắt nào chỉ thấy gương mặt khá xương và trầm đến lạ kỳ của nàng. Hôm nay nàng không trang điểm, nhìn kỹ có vẻ như nàng xinh hơn.

“Thành phố này cô đơn quá.” Nàng lặp lại. “Hay là mình đi nơi nào đó để sống?”

Ô, tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhưng tôi không nói gì cả, tôi phải thận trọng trong những trường hợp thế này. Và dù sao thì tôi cũng không chắc được “mình” là chỉ mình nàng hay cả nàng và tôi.

Nàng ngồi xuống, đưa cho tôi xem một cuốn sổ nhỏ. Sổ tiết kiệm của nàng. Nghĩa là tiền của nàng. Một con số đủ lớn để tôi sửng sốt. Có lẽ cả cuộc đời viết lách của tôi, tôi cũng chẳng kiếm nổi một con số như thế.

“Anh có biết vì sao em chưa lần nào ở lại? Mặc dù em cũng thích.”

Nàng nhìn tôi, hiền lành trong veo. Tôi thành thật lắc đầu.

“Vì em không tự tin… Em có lẽ không xứng với một nhà văn, nhỉ?”

Nàng vẫn nhìn tôi, hiền lành ướt át. Tôi bối rối, bối rối thực sự nhưng tôi cố che giấu điều đó.

“Mình có thể nói chuyện nghiêm túc chứ?”

Tôi gật đầu.

Chuyện nghiêm túc của chúng tôi bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ dưới chân núi, lâu lắm rồi khi Rose còn bé tí. Họ có một cái nhà nhỏ, có lẽ chỉ hơn cái chòi một chút. Nơi ấy nắng nhiều. Nơi ấy hoang sơ. Và nơi ấy nàng đã sống những ngày đẹp nhất.

“Có phải những gì đẹp đẽ thường hay ngắn ngủi không anh?” Nàng hỏi.

Cha nàng chết vì một vụ sập hầm đào vàng. Mấy năm sau, người ta mở một con đường nhựa gần ngay nhà nàng. Mẹ nàng bắt đầu buôn bán. Mấy năm sau nữa thì bắt đầu rộ tin về một khu công nghiệp sắp sửa mở. Đường sá cứ thế được mở thêm, được nới rộng, được bê tông hóa, đường ngang ngõ dọc thênh thang và mẹ con nàng trở thành những kẻ vô gia cư. Mẹ nàng chưa từng nghĩ đến thứ gì đó như là sổ đỏ hay bất kỳ giấy tờ pháp lý nào.

“Cuộc đời chỉ toàn là chuyện buồn thôi.”

Họ trôi dạt vào thành phố. Mẹ con nàng đi ở giúp việc trong các nhà giàu. Lau chùi, rửa dọn, nấu ăn, cả giữ em hay bưng bô cho người già người bệnh họ đều đã làm. Rồi cũng đến ngày nàng lớn và họ không còn ở đợ cho ai nữa. Họ có công việc và có một ước mơ, đó là trở về nơi họ đã sống những ngày đẹp nhất, một thị trấn nhỏ dưới chân núi. Thành phố đông người mà cô đơn quá. Nàng nói đi nói lại điều này. Nàng và cả mẹ nàng nữa luôn thấy mình lạc lõng, họ chưa bao giờ thuộc về thành phố này. Họ chỉ là những linh hồn lang thang giữa một cõi người chật chội. Khi họ đã có được số vốn để về thì mẹ nàng mất. Một vụ tai nạn giao thông, năm năm về trước. Lúc ấy tôi đã biết nàng nhưng chưa đủ thân để nàng ngồi với tôi thế này. Nàng đã thấy mình không còn phương hướng, dĩ nhiên nàng vẫn ở thành phố, vẫn kiếm tiền. Kiếm điên cuồng là đằng khác vì chỉ có kiếm tiền mới khiến nàng bận rộn. Và cả dễ chịu nữa.

“Em đã sang quán để về quê. Tất nhiên là em muốn có anh cùng đi.”

Nàng nhìn thẳng mắt tôi, sau vài giây tự tin là một sự thẹn thùng. Lần đầu tiên tôi thấy nàng đẹp đến thế, cái đẹp thanh tân của con gái. Nàng đứng lên lại gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Nàng nói nàng sẽ đọc sách, sẽ bắt đầu đọc những gì tôi viết. Nàng chưa đọc chúng bao giờ dù mỗi lần tôi có sách được in tôi đều tặng nàng một quyển. Nàng hỏi tôi rằng liệu tôi có nghĩ là nàng có thể học không? Học một thứ gì đó để văn minh hơn. Dĩ nhiên là tôi nói có, nàng còn trẻ và không bao giờ là muộn đối với việc học. Tôi nói trong cơn u u minh minh giữa sự bàng hoàng choáng ngợp nàng gây ra cho tôi.

“Những chuyện thế này dĩ nhiên là cần thời gian để nghĩ, em hiểu…”

Nàng nói trước khi bước ra khỏi cửa.

***

“When it rains, it pours.”

Khi việc phải đến, chúng đến cùng một lúc, dồn dập như nhiệm vụ của cuộc sống này là phải quật ngã ta vào một lúc nào đấy. Thật luôn.

Một buổi sáng rất thường, tôi thức dậy nghe tiếng chuông cửa, tôi ra mở và Violet bước vào. Nàng chỉ đeo một chiếc ba lô nhỏ. Nàng vào phòng, kéo hết rèm cửa sổ ra cho nắng hắt vào. Nàng hỏi tôi liệu có thể pha cho nàng một cốc cà phê không? Bình thường nàng chỉ uống nước lọc hoặc nước trái cây. Trông nàng hôm nay có gì đó rất lạ, cả chuyến thăm này cũng lạ nữa nhưng tôi không hỏi. Tôi đang cần một khoảng lặng cho Rose.

Nàng uống cà phê, không mở bản nhạc u uất nào nhưng có một sự u uất đến đáng sợ vẫn lẩn quất đâu đó trong căn phòng chúng tôi đang ngồi. Và thật gấp rút, thật ngỡ ngàng, nàng hỏi tôi liệu tôi có muốn cùng nàng rời thành phố này không. Tôi tưởng như mình có thể bất tỉnh nhân sự vào ngay lúc ấy, nhưng tôi đã không bất tỉnh đi được mà ngồi im nghe nàng nói.

Nàng đã quyết định bỏ dự án nàng đang theo, và từ bỏ luôn cái lý tưởng cuộc đời là những chuyến đi, tuổi trẻ là khám phá của nàng. Lý tưởng gì chứ, chẳng qua là nàng đi đủ rồi, tôi thầm nghĩ thế. Nàng sẽ rời thành phố này để về thành phố của nàng, một thành phố lớn và sầm uất hơn ở đây rất nhiều.

Nàng kéo vạt áo sơ mi lên và tụt cái cạp quần xuống cho tôi xem hình xăm năm mười tám tuổi của nàng. Hình xăm một con bọ cạp đánh dấu cho sự nổi loạn của tuổi trẻ. Cha nàng là một quan chức, nàng không kể rõ về công việc và chức vụ của ông, chỉ biết rằng cha nàng thường xuyên đi công tác và ông có hằng hà sa số mối quan hệ bên ngoài. Vì công việc, vì tiền, vì tình, vì giải trí, đủ cả. Mẹ nàng mất năm nàng mười sáu tuổi. Nàng cho rằng bà mất vì tâm bệnh, chính xác là vì sự không chung thủy của cha nàng mặc dù bề ngoài họ vẫn là một gia đình mà bao người ngưỡng mộ.

Sau khi mẹ nàng mất, cha nàng vắng nhà thường xuyên hơn và theo nàng thì ông chẳng dành cho nàng một sự yêu thương tối thiểu nào của một người cha. Nàng là một người thông minh, vì danh tiếng của gia đình, nàng lấy bằng tốt nghiệp ở một trường Đại học có thể xem là danh giá hàng đầu. Việc ấy đủ để cha nàng tự hào và theo nguyện vọng của nàng, ông đã chuyển vào tài khoản nàng một số tiền mà nàng gọi là tạm chấp nhận được. Để làm gì ư? Để nàng sống cuộc đời nàng muốn. Nàng từ chối mọi sự sắp đặt của cha. Nàng rời thành phố, bắt đầu lý tưởng khám phá thế giới của mình. Dĩ nhiên, nàng cũng làm việc nhưng công việc lắm lúc chỉ như để “make-up”. Nàng không nhớ hết mình đã qua bao nhiêu nước, bao nhiêu tỉnh thành, nàng chỉ biết cuộc sống đâu đâu cũng đẹp cũng tươi chỉ có lòng nàng là cứ mãi u uất.

Nàng rất hiếm khi liên lạc với cha mình, trừ đôi ba ngày đặc biệt. Vì tự ái, nàng cũng đã tuyên bố là ngoài số tiền ông chuyển cho nàng khi tốt nghiệp Đại học, nàng chẳng cần nhận thêm một cắc nào của ông. Những chuyến đi và thú vui dọc mọi cung đường nhanh chóng đốt hết hầu bao của nàng. Cần tiền, nàng làm đủ mọi việc để duy trì lý tưởng của mình. Có việc phải dùng trí tuệ, có việc chỉ dùng kỹ năng như làm tình chẳng hạn.

“Anh có muốn biết vì sao em đã không ngủ với anh?”

Tôi nhìn nàng chờ đợi, tôi chưa từng thấy nàng thẳng thắn và mạnh dạn như thế bao giờ.

“Chẳng phải em ngại gì đâu, chỉ là em biết anh nghiêm túc. Em cũng muốn chúng ta nghiêm túc. Em chưa từng có một mối quan hệ nào nghiêm túc.”

“Chưa từng, chưa từng với bất kỳ ai.” Nàng nhấn mạnh.

Không khí trở nên quá nặng nề, tôi không biết nàng cảm thấy thế nào nhưng với tôi là thế. Nàng tiếp tục nói về những dự định sau khi rời thành phố u ám này. Nàng chắc chắn sẽ có một công việc nhẹ nhàng và chễm chệ, một vị trí trăm người dòm ngó. Và tôi, nếu tôi đồng ý, tôi cũng sẽ có thứ gì đó tương tự thế, dĩ nhiên tôi vẫn là nhà văn, ai cản được tôi viết chứ. Nàng nói sau nhiều năm lăn lộn với cuộc đời nàng đã hiểu cha mình hơn, công việc, cuộc sống, mọi thứ buộc ông phải thế, sống như ông đã và đang sống. Có lẽ nó cũng buộc cả nàng nữa. Giờ đây, họ đã có niềm cảm thông chung. Tôi thấy việc này thật tốt.

Cũng như Rose, nàng nói là nàng hiểu những chuyện thế này cần phải có thời gian để trả lời. Rồi nàng về. Mặt trời lên chói chang ngoài khung cửa. Tôi rửa mặt, đánh răng.

***

Tôi đã chọn ai giữa Rose và Violet ư?

Tôi đã quá tập trung vào việc đưa ra lựa chọn đến nỗi lựa chọn của tôi chỉ còn là những toan tính vặt vãnh. Tôi không ý thức được rằng trong cuộc sống nhiều khi đáp án A hay đáp án B không quan trọng bằng con đường dẫn đến đáp án ấy. Và không quan trọng bằng thái độ của bản thân với những gì mình chọn. Bạn biết đấy, tôi đã đánh mất những gì đẹp nhất của đời mình.

Chúng ta thường không như những gì người khác có thể thấy về mình.

Tôi là người duy nhất trên Trái đất này lắng nghe họ, Rose và Violet, cả hai đều nói thế và tôi cũng tin thế. Làm một nhà văn thì phải biết cảm thông, tôi học cách cảm thông bằng lắng nghe, tôi đã cho đó là công việc của mình và tôi làm rất tốt. Những nhân vật trong các sáng tác của tôi đã có “nhiều màu sắc” “nhiều âm thanh” như vài người nhận xét nhưng nhân vật là một phần, phần còn lại là họ phải làm một cái gì đó trong cuộc đời này. Những cốt truyện mà tôi sáng tạo ra cứ mãi một màu nhờ nhờ xám ngoét, như chính cuộc đời tôi ngày ấy. Tôi đã không biết rằng mình cần phải sống, sống phần chân thành nhất của tôi với cuộc đời trước đã.

Bây giờ thì tôi đang sống ở một thị trấn nhỏ, tôi có một công việc ăn lương theo tháng và không biết mình là cái thứ gì nhưng vẫn âm thầm sáng tác mỗi đêm. Ở đây, mùa mưa chỉ xoẹt qua chóng vánh như một cơn cảm sốt giao mùa. Dẫu vậy, tôi vẫn thường xuyên thấy cuộc đời nhờ nhờ xám ngoét như những ngày mưa ấy. Mỗi lúc như thế, tôi nghĩ đến họ, tự nhắc mình phải làm một thứ gì đó trong cuộc đời này. Một thứ gì đó đơn sơ thôi, ví dụ như chân thành chẳng hạn.

 

Tác phẩm hội họa:

L.H

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây