Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương

Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương

Tư tưởng yêu nước, thương dân của người Việt Nam không chỉ thể hiện ở các bản hùng văn như: “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”… mà còn thể hiện sinh động ở những câu đối, bài văn tế cúng đình làng, miếu xóm tại các làng xã… như ở ngôi Miếu Tam Vị làng Hòa Phú (phường Hòa Mính, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) mà chúng tôi giới thiệu qua bài nghiên cứu “Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương” dưới đây của tác giả Bùi Xuân.

 vansudia.net

Miếu Tam Vị làng Hòa Phú
trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương                                                   

Bùi Xuân  

  1. Miếu Tam Vị thờ “Tam vị táng diên sơn tôn thần”.

Các Miếu Tam Vị trên địa bàn Đà Nẵng  thờ các « tam vị » thần linh sau: Tam vị Uy Minh vương thành hoàng, Tam vị thiên hạ đô đại thành hoàng Tam vị táng diên sơn tôn thần, trong đó Tam vị táng diên sơn tôn thần được thờ tự và cúng tế chính tại Miếu Tam Vị làng Hòa Phú, thuộc xã Hòa Minh, quận Liên Chiểu hiện nay.  

1.1. Tam vị táng diên sơn tôn thần  

Theo các cựu hào làng Hòa Phú, “Tam vị táng diên sơn tôn thần” là mỹ tự mà các triều đình phong kiến trước đây phong tặng cho ba vị nhân thần được thờ tự tại ngôi miếu Tam Vị của làng .

Trước hết, xin giải thích về cụm từ “Tam vị táng diên sơn tôn thần”:

– Tam vị [ ]: là 3 vị thần, được thờ cúng tại ngôi miếu này, tức Miếu Tam Vị làng Hòa Phú.

– Táng []: chôn cất, an táng sau khi chết.

– Diên sơn [ ]: Diên trong âm Hán Việt có 2 nghĩa là dài hoặc chậm, ở đây có nghĩa là dài. Sơn ở đây cũng có hai nghĩa: núi, mồ mã.

– Tôn thần [ ]: người có công đức hoặc hiển linh được tôn vinh là thần.

– Tam vị táng diên sơn tôn thần [ 山尊 ] là 3 vị thần linh đã được an táng tại dải rừng thuộc làng Hòa Phú, tổng Hòa An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

 

7 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phươngBức ảnh panorama toàn cảnh vùng rừng và núi ở Hòa Minh, trong đó ngôi Miếu Tam Vị xưa nằm thấp thoáng sau những lùm cây trong khu rừng làng Hòa Phú (bức ảnh này do Bùi Xuân Dy, một nhà nhiếp ảnh trẻ phục dựng từ 3 tấm ảnh do anh Hoàng Cảnh Mẫn, Chuyên trách Tuyên giáo – Dân vận Đảng ủy phường Hòa Minh cung cấp).

1.2. Sự tích 3 vị thần được thờ tại Miếu Tam Vị làng Hoà Phú

Tương truyền, ngày xưa có 3 vị tướng đi giúp vua đánh quân Chiêm Thành quấy rối bờ cõi phía nam nước Đại Việt. Ba vị đã đốc suất quân chiến đấu và đã anh dũng hy sinh.

8 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phươngMiếu Tam vị làng Hòa Phú xưa (Miếu chính – Ảnh Tư liệu)

Chú thích: Năm 2020,  ngôi miếu Tam Vị làng Hòa Phú đã được cấp Bằng Di tích Văn hóa – Lịch sử cấp thành phố Đà Nẵng. Chính quyền Thành phố cũng đã có Quyết định trùng tu và tôn tạo Di tích này.

Sau  khi  đánh đuổi được quân Chiêm Thành, nhà vua được tấu rằng có ba vị tướng tài đã hy sinh và đã được an táng tại khu rừng của một làng ven biển, sát vịnh Đồng Long. Nhà vua lấy làm thương tiếc, bèn sai lập miếu thờ và về sau đã sắc phong cho 3 vị tướng đó là “Tam vị táng diên sơn tôn thần”, trong đó vị tướng có chức vụ cao nhất được phong là Thượng đẳng thần và hai vị tướng còn lại được phong là Trung đẳng thần. Theo môt vị cựu hào ở làng Hòa Phú, Miếu Tam Vị làng Hòa Phú được xây dựng ngay trên ba nấm mộ của ba vị tướng đã được an táng tại đây. Trong một cuộc gặp mặt của các bô lão, cựu hào làng Hòa Phú, các vị đều thống nhất, 3 vị tướng này đã hy sinh trong khoảng thời gian từ năm 1306 đến năm 1471, tức là từ năm Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông gã Công chúa Huyền Trân cho vua Chiên Thành là Chế Mân (1306) đến khi vua Lê Thánh Tông thành lập Quảng Nam thừa tuyên (1471). Đây là ba vị tướng – ba vị nhân thần (thần người) đã có công “hộ quốc, tí dân” (bảo vệ đất nước, che chở nhân dân).

  1. Miếu Tam Vị – một kiến trúc văn hóa

2.1. Thời gian xây dựng Miếu Tam vị gắn liền với qúa trình thành lập làng Trung Nghĩa và làng Hòa Phú

Sách Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Hòa Minh (1930 – 1975) ghi rõ về sự hinh thành làng xã trên địa bàn phường: Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc, trong đó làng Trung Nghĩa được bắt đầu khai khẩn đất đai, hinh thành nên làng xã bắt đầu từ năm 1643, làng Hòa Mỹ được ghi trong sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1514 – 1591) soạn từ năm 1553 và ấn hành vào năm 1555, cách ngày nay hơn 450 năm.

9 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương

Hai miếu thờ hai vị Trung đẳng thần ở tả hữu ngôi Miếu chính

Riêng làng Hòa Phú nguyên thủy là làng Phú Lộc, do vợ chồng ông Nguyễn Quý Hiếu và bà Đặng Thị Cử khai cư, lập nghiệp cách đây hơn 300 năm. Về sau, vợ chồng ông Phạm Công Nhứt và bà Nguyễn Thị Vân cùng đến khai khẩn đất đai, lập nên làng Phú Lộc. Làng Phú Lộc có 10 xóm: Hòa Nam, Phú Ca, Phú Trung, Hòa Bình, Phú Xuân, Phú Thạnh, Tây Sa, Gò Đậu, Bắc Ninh và Quán Cơm. Trong quá trình thực dân Pháp mở rộng nhượng địa Tourane về phía Tây, triều đình Huế đã cắt xóm Quán Cơm, địa danh Quán Cơm đổi tên thành Phú Lộc và nhượng cho Pháp. Làng Phú Lộc được đổi tên thành làng Hòa Phú, có 9 xóm là Hòa Nam, Phú Ca, Phú Trung, Hòa Bình, Phú Xuân, Phú Thạnh, Tây Sa, Gò Đậu, Bắc Ninh (không còn có xóm Quán Cơm).

Qua cách tính này, và theo lời kể của các cựu hào trong làng Hòa Phú, Miếu Tam vị làng Hòa Phú được xây dựng bằng gạch, vôi khi làng Phú Lộc được hình thành. Nhưng theo các bậc cựu hào địa phương, trước khi có làng Phú Lộc, ở tại khu vực này đã có dân cư người Việt sinh sống. Họ đã cùng với quan lính Đại Việt đã làm lễ an táng các vị, đồng thời dựng miếu thờ bằng tranh tre để thờ cúng. Như vậy, ngôi miếu Tam Vị ban đầu rất đơn sơ (tranh, tre, cách ngày nay khoảng hơn 550 năm), còn ngôi miếu Tam Vị được xây dựng bằng đá, vôi, gạch kiên cố như di tích hiện tại phải đến khi làng Hòa Phú được chính thức thành lập, nghĩa là cách ngày nay khoảng hơn 300 năm.

2.2. Kiến trúc và vật liệu xây dựng Miếu Tam Vị

Về mô tả di tích: Miếu Tam Vị hiện nay tọa lạc trên một khu đất khá vuông, diện tích là 1.500 mét vuông, bốn xung quanh là tường rào chắn, với chân tường làm bằng chất liệu bê tông xi măng  đỡ một hàng rào cọc bê tông xi măng, thanh cọc này cách thanh cọc kia khoảng 20 cm, cổng miếu xây về hướng Bắc, mới làm lại sau này, hơi hiên đại, làm mất đi tính cổ kính của ngôi miếu. Thanh ngang dưới mái cổng ghi dòng chữ Hán: , phiên âm Hán Việt nghĩa là “Tam vị táng diên sơn” và hai câu đối ở hai trụ cổng cũng bằng chữ Hán:

Nguyên văn chữ Hán:

       

Phiên âm:

Giang sơn triều vũ hoài như
Lịch sử di truyền hiện trạng

Dịch nghĩa:

Giang sơn hướng về ngôi miếu này để tưởng nhớ các vị
Lịch sử truyền lại tình trạng hiện nay cho thế hệ mai sau

Dịch thơ:

Giang sơn triều vũ hoài mong nhớ
Lịch sử lưu truyền mãi mai sau

Phía đông là đường Tô Hiệu, còn phía Tây và phía Nam là nhà ở của nhân dân địa phương. Phía bên trong hàng rào, Miếu Tam Vị còn nguyên di tích một cổ miếu. Điểm nhấn thứ nhất sau khi bước qua cổng miếu là dấu tích một bờ đá, và dọc theo bờ đá đó là một hàng cây: hai cây lộc vừng, một cây bồ đề, một cây sầu đông và một cây cừa. Cây bồ đề gốc to, bộ rễ cơi trên mặt đất, thân cao, tán rộng, tạo ra thế uy nghiêm trầm mặc cho ngôi miếu. Bước thêm vài mét là bức bình phong, rêu phong cổ kính nhưng có dấu hiệu xuống cấp nặng nề. Từ bức bình phong nhìn vào trong, cách bức bình phong 6,3 mét là tòa miếu chính của Miếu Tam Vị, mặt tiền 5,12 mét,  bề rộng 4,63 mét, chiều cao 3,8 mét, là ngôi miếu thờ vị Thượng đẳng thần, vị thần cao nhất trong tam vị táng diên sơn; trước ngôi chính miếu là một khoảng sân rộng, về phía Tây và phía Đông của ngôi chính miếu là 2 miếu nhỏ, mặt tiền 1,95 mét, rộng 1,92 mét và cao 2,5 mét, thờ hai vị Trung đẳng thần. Miếu chính chia làm 3 gian, gian giữa thờ Thượng đẳng thần, có bức vẽ con rồng đang bay trên mây, trên bức vẽ hiện còn có câu đối, nét chữ còn lại rất mờ, chúng tôi đã mời ông Hồ Thạnh, một cựu hào của làng Hòa Phú, người rất giỏi chữ Hán để cùng đọc câu đối quan trọng bậc nhất của ngôi cổ miếu này.

Nguyên văn chữ Hán:

       

        

Phiên âm:

Anh linh thiên cổ tại
Hiển hách vạn niên xuân

Dịch nghĩa:

Anh linh của các ngài ngàn năm nay vẫn còn ở tại đây
Công lao hiển hách của các ngài vẫn còn mãi với vạn năm xuân

Dịch thơ:

Anh linh ngàn xưa tụ
Rạng ngời vạn năm xuân

Hai câu đối nêu trên hàm ý tán dương công đức của các của Tam vị táng diên sơn tôn thần. Hai gian hai bên là bàn thờ tả – hữu của gian thờ chính. Mỗi gian thờ bức tranh chim phụng, trong tư thế đứng thẳng, như lao vút lên trời xanh.

Trong hai ngôi miếu  nhỏ hai bên tả – hữu của miếu chính. Một miếu thờ chữ Thần [ ] (ở bên hữu) với câu đối chữ Hán:

Nguyên văn chữ Hán:

Phiên âm:

Cổ công kim đức
Sanh Thánh vãng Thần

Dịch nghĩa:

Xưa các ngài là người có công, nay các ngài hưởng phúc
Sinh các ngài là Thánh, vãng các ngài là Thần.

Dịch thơ :

Xưa có công, nay hưởng phúc
Sinh là Thánh, vãng là Thần. 

Miếu bên tả, thờ chữ Hậu [ ] với câu đối bằng chữ Hán:

Nguyên văn chữ Hán:

       

Phiên âm:

Anh hùng võ liệt
Di tích phong công.

Dịch nghĩa:

Vũ dũng sánh với các bậc Anh hùng.
Di tích này gìn giữ công trạng của các vị

Dịch thơ :

Vũ dũng sánh bậc Anh hùng. 
Di tích gìn giữ công trạng

Vật liệu xây dựng miếu: vôi, mật mía, tre, đá, gạch, ngói và gỗ. Theo các bậc cựu hào trong làng, đá dùng để xây miếu lấy từ núi Đại La. Vôi trộn mật mía có độ kết dính cao, kỹ thuật này phổ biến thời phong kiến, ví dụ như là để xây dựng Kinh thành Huế, triều đình Nhà Nguyễn đã huy động hàng ngàn nhân công để giã vôi trộn với mật mía làm vữa để xây tường thành. Kỹ thuật xây dựng miếu Tam Vị khác với nhiều kiến trúc đền, chùa, miếu, mạo khác là ở chỗ việc xây dựng mái của ngôi miếu. Sau khi xây dựng các tường ngang, dọc của ngôi miếu, người thợ xây sẽ dùng tre đan các tấm đỡ, uốn thành những vòm cung bên trên các bức tường ngang, sau đó lấy cây chống làm bộ đỡ ở bên dưới, rồi xếp gạch lên trên vòm tre, dùng vôi trám thật kỹ và dày lên trên lớp gạch, sau đó đổ đất sét lên trên, tạo hai mái có độ xuôi vừa phải rồi lót một lớp hồ dày và gắn ngói âm dương lên trên. Sau khi các lớp hồ đã khô, người ta sẽ tháo giàn đỡ và bắt đầu trác hồ, quét vôi cho toàn ngôi miếu. Ngôi miếu xây dựng theo kỹ thuật này, mái của miếu tồn tại cả trăm năm mà không hỏng, không thấm nước, song vì dưới lớp ngói âm dương là đất sét nên lâu năm trên mái miếu mọc đầy cỏ, cây thảo thân nhỏ và dây leo.

  1. Lễ cúng miếu hằng năm

3.1. Các nghi thức cúng cô hồn và cúng thần

Hằng năm, người dân ở các làng Hòa Phú, Phú Lộc và Hòa Mỹ của phường Hòa Minh có tục cúng đình và cúng miếu. Lễ cúng Miếu Tam Vị làng Hòa Phú được tổ chức vào ngày 24 tháng 12 Âm lịch và lễ cúng đình làng Hòa Phú được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch.

Ngày nay, việc huy động kinh phí để cúng miếu được Ban Tế lễ (hiện nay do ông Trà Văn Khiêm làm Trưởng ban) tổ chức đi quyên góp từng hộ gia đình, nhưng vào thời xưa, ngân quỹ cho công việc này lấy từ nguồn thu từ phần ruộng đất mà làng trí ra để xóm làm quỹ, thường là từ 7- 8 sào đất.

Công việc cúng miếu về lo phẩm vật cúng các cô hồn ngoài hương đèn, hoa quả, áo giấy, quan trọng nhất là phải sắm cho được từ 3 đến 5 mâm cơm cúng, trong đó nhất thiết phải có một con heo (heo luộc hoặc con heo quay), khi cúng phải để con heo đó quay đầu ra phía ngoài. Ban phụ trách cúng âm hồn gồm có Tế chủ, Tả hữu phân hiến, Chấp lịnh, Chấp kích và Tư lễ.

Theo các vị cựu hào, năm nào lo được được 5 mân cúng cô hồn mới đọc văn tế cô hồn, còn ít hơn 5 mân thì không đọc văn. Lý do của việc này theo ông Hồ Thạnh: Cô hồn về rất đông, nếu không lo đủ cho cô hồn thì không nên cúng. Không lo đủ cho cô hồn thì không ai dám mời. Nếu chỉ lo một mân thôi thì không đọc văn tế, vì không đủ cho cô hồn.

Sau khi cúng cô hồn rồi thì bắt đầu đi vào lễ chánh kỵ, cúng Tam vị Táng Diên sơn; ngoài các phẩm vật như cúng cô hồn, đặc biệt trong lễ cúng Tam vị là có một con gà, đầu xây vô bàn thờ. Ban phụ trách lễ cúng Tam vị gồm Bồi tế, tả hữu phân hiến, chấp lịnh, tư lễ. Bồi tế mặc áo đỏ, đứng ở vị chính giữa hai bên là tả hữu phân hiến. Ông Bồi tế quỳ xuống khom người về phía trước, xây vào gian giữa thờ thượng đẳng thần, hai tay áp xuống chiếu và lạy theo ngắt nhịp của bài văn tế cúng thần.

Lễ cúng hằng năm ở miếu Tam vị diễn ra rất trang nghiệm và bảo lưu gần như nguyên vẹn thể thức cúng cô hồn và cúng thần đã có được từ mấy trăm năm trước.

3.2. Nội dung các bài văn tế thần và cúng cô hồn

3.2.1. Nội dung bài Văn tế cúng thần

Bài văn tế cúng thần tại Miếu Tam vị làng Hòa Phú và bài văn cúng thần ở đình làng Hòa Phú là một. Nguyên văn bằng chữ Hán, khi xướng đọc bằng âm Hán Việt. Ở bài văn này ngoài đoạn đầu và đoạn cuối mang tính thể thức chung của một bải văn cúng thần ở đình làng, miếu xóm; bản văn cúng thần này đã xiễn dương công đức của các vị thần sau đây, trong đó phần lớn là các vị nhân thần có công với nước với dân, những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Cụ thể, nội dung chính của bản văn này là xướng danh các vị thần, như sau:

10 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương

Bài văn tế cúng thần hằng năm tại Miếu Tam Vị làng Hòa Phú. Ảnh Tư liệu của Dy

“Khai hoàng đại đế hậu thổ nguyên quân, Thái giám bạch mã tôn thần, Thần nông thánh đế hậu tắc tôn thần, Bổn xứ thành hoàng tôn thần, Đương kiển thổ địa phước đức chánh thần, Cửu niên huyền nữ tiên nương tôn thần, Cáo cát quảng độ chí đức tôn thần, Kiêm niên thá tế chí đức tôn thần, Kim niên hành khiến binh chi thần, Thai giàn phu nhơn tôn thần, Tam vị táng diên sơn tôn thần, Ngũ hành tiên nương tôn thần , Kím đức thành phi tôn thần, Mộc đức thánh phi tôn thần, Thủy đức thánh phi tôn thần, Hòa đức thánh phi tôn thần, Thổ đức thánh phi tôn thần, Biên thọ chí đức thượng đẳng thần, Tả ban bổn xứ chư vị linh thần, Hữu ban bổn xứ vi linh thần, Khâm sai quân đô đô đốc phủ chưởng phủ sư tăng thái bảo trấn quân công tôn thần, Thiên Y-A-Na diễn nương phi chúa ngọc tôn thần, Hà bá thủy quan ngủ âm tánh tiên nương đẳng chứ linh thần, Tam vị thủy tướng chí đức tôn thần, Sơn xuyên nhạc đốc tôn thần, Trấn nam dinh phó đô đốc tướng mai quý phủ tôn thần, Lồi phi phu nhơn tôn thần, Tam vị oai linh sung tước lộc đô nguyên sí kim tri lưỡng lộ thánh hoàng tôn thần, Chúa Lồi chúa Lạc thần nữ chi thần, Kỷ vị khoa tiến sĩ trung lai phi vận nhị đại tướng quân, Đông Nam sát hải lang lai nhị đại tướng quân, Thần thủy dạ xa chi thần, Hồng Ba công chúa chi thần, Tả nam chinh đô quý phủ thành hoàng tôn thần, Cao sơn hắc hổ chi thần, Hồng Phi chí thần, Bổn đình tư thổ thi chi thần, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, Tiền bối hậu bối tiền nhơn công đức đẳng chư tôn linh, Đông trù tư mạng táo phủ thần quan, Bổn triều bổn bộ đẳng chư tôn linh, thập nhị tôn phái đẳng chúng đống lai phối hướng”. 

11 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phươngNghi thức chính trong lễ cúng Tam vị táng diên sơn tôn thần tại Miếu Tam Vị. Ảnh Tư liệu của Dy

Ông Bồi bái mặc áo đỏ quỳ lạy trong tư thế như trên, hai bên là hai ông tả hữu phân hiến; trong lúc đó ông Tư tế xướng đọc bài Văn tế cúng thần với sự trợ giúp của 2 học trò mặc áo đen.

Qua trích đoạn chính của bản văn này, chúng ta thấy được thái độ tôn kính và văn hóa tri ân công đức tiền nhân của người Việt. Trong bảng xướng danh này hầu như có mặt đầy đủ các vị thần đã hộ trì cho người dân ở vùng đất xứ Đàng Trong với những đặc điểm riêng của vùng đất này.

3.2.2. Nội dung các bài Văn tế cúng cô hồn

Hiện tại có 3 bản văn văn tế cúng âm hồn, trước đây viết bằng chữ Nôm, sau này viết bằng chữ Quốc ngữ, thể hiện lòng nhân đạo, ý nghĩa nhân văn của người đang sống với đủ những hạng người đã sống trong những hoàn cảnh khác nhau và chết trong những trường hợp khác nhau, thật đáng thương:

Thương những hồn không cha không mẹ
Cảm luân thường luống chịu sầu bi
Sống dương gian vô ỷ vô y
Thát âm phủ là căn là cội…

Hay trong một bài cúng cô hồn khác:

Thương những hồn qua sông qua hố
Bị độc xà thân bỏ bụi cây,
… Phách dật dờ đường cái ngã ba
Thân nổi trôi bóng xế trăng tà
Phách thơ thẩn cây cao bóng mát…

12 min - Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phươngNghi thức chính trong lễ cúng âm hồn tại Miếu Tam Vị. Ảnh Tư liệu của Dy

Ông Tế chủ mặc áo dài màu xanh quỳ lạy trong tư thế như trên, trong lúc ông Tư tế có nhiệm vụ xướng đọc bài Văn tế cô hồn với sự trợ giúp của 2 học trò mặc áo đen. 

Đọc những bài văn cúng cô hồn ở Miếu Tam Vị làng Hòa Phú ta có cái cảm giác những thân phận trong các văn tế này hao hao với những hoàn cảnh của thập loại chúng sinh trong bài Văn tế thập loại của Nguyễn Du (1776 – 1820), nhà thơ lớn của dân tộc, tác giả Truyện Kiều bất hủ./.

B.X

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Gs. Phạm Đức Dương (Chủ biên): Lịch sử văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2013.
  2. Đinh Gia Khánh: Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, Nxb KHXHNV, HN, 1993.
  3. Phan Ngọc: Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb VH-TT, HN, 1994
  4. Cao Xuân Huy: Tư tưởng phương Đông:Gợi mở những cái nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, HN, 1995
  5. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, 2006
  6. BCH Đảng bộ huyện Đại Lộc: Địa chí Đại Lộc, Nxb Đà Nẵng, 2000
  7. Lê Xuân Thông – Đinh Thị Toan: Sắc phong Đà Nẵng, Nxb Thuận Hóa, 2014
  8. Văn tế cúng Thần, Tiền hiền, Hâu hiền, Cô hồn tại đình làng Hòa Phú

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây