Một truyền thuyết về Hùng Duệ Vương và nhị vị đại tướng quân – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Đời Hùng Duệ Vương thứ mười tám, trong số các vị tướng lĩnh, đại quan triều đình phải kể đến Phùng Công Lực, một đại thần văn võ toàn tài lập nhiều công lớn phò tá triều đình được phong tới chức Đại Lực Hộ Quốc Thượng Đẳng Đại Vương. Khi ông mất rất linh hiển, được các hiền sĩ sau này ghi chép kỹ về hành trạng và công lao, được chúng dân nhiều nơi trong cõi Giao Chỉ ngợi ca truyền tụng.

Nước Văn Lang xưa, trời Nam khởi vận, núi non sông biển phân giới ở địa phận sao Dực, sao Chẩn. Đất nước thuở mới phân phong chạy thẳng theo hướng địa phận sao Đẩu, sao Ngưu. Từ thời triều Hùng khởi vận, các thánh tổ gánh vác cơ đồ đều là những bậc minh vương. Núi xanh vạn dặm, cơ đồ thành đô cung điện được khai sáng an khang. Mở mang muôn vật, cứu vớt muôn dân, thống trị 15 bộ lạc, thế lực hùng mạnh.

Các đời vua trị nước có tới hơn 2.800 năm, đất nước vững vàng như bàn thạch. Đến đời vua Duệ Vương, lập đô ở vùng gần sông Bạch Hạc, xây dựng quốc hiệu Văn Lang, quốc đô Phong Châu.

Hùng Duệ Vương là bậc hùng tài, kế tục, bồi đắp cơ nghiệp tổ tiên cường thịnh. Bên trong tu sửa văn hoá, bên ngoài phòng bị bốn phía, yên ổn đất nước.

Đương thời gian đó, ở đất Đông An, có một người thi thư quán thế, hiếu đễ truyền gia, họ Phùng tên Đặng, vợ là Lưu Thị Tuấn cả đời tích đức hành nhân. Một đời phong lưu, yểu điệu xinh đẹp, phong thái thư thả. Trong nhà, gia cảnh thanh bần, lấy nghề y làm nghiệp, cứu nhân độ thế, tạo phúc tu nhân, không tơ hào ham lợi, chẳng chút cho riêng mình. Phàm những việc cứu người tạo phúc không việc gì không dốc hết sức.

Một hôm trời trong xanh gió mát, vợ chồng Phùng công ngồi trước sân nhà, uống rượu gảy đàn, rượu ngà ngà say, tự nhiên chìm vào giấc mộng, bỗng thấy có ánh sáng đỏ rực khắp nhà, lại thấy có rồng vàng xuất hiện, biến hóa thành một đôi khổng tước. Khi tỉnh dậy mới biết đó là giấc mộng. Bà họ Lưu mang thai. Trong suốt thai kỳ cho đến khi mãn nguyệt khai hoa bà thường nghe thấy tiếng thầm đọc rằng: Đại tài trời định, sẽ giáng thần đầu thai, tài năng siêu quần hơn người, văn chương quán triệt, võ giỏi thao lược. Vào ngày mùng chín tháng ba tiết xuân năm Giáp Dần, đang lúc đêm xuống vợ chồng Phùng công cùng ngồi trước sân, đến chừng canh ba, mơ màng tựa như chìm vào giấc mộng, bỗng bên tai thấy có tiếng nói rằng: Cha hề mẹ hề, phụng mệnh thiên đình đầu thai vào cha mẹ nhà ta. Con mong được mở cửa. Phùng công run rẩy trở dậy, ra ngoài mở cửa. Nhìn ra bốn phía không thấy bóng dáng người nào. Ông bái vọng, ngước mặt nhìn trời cao, chỉ thấy trăng trong gió mát. Duy có một đám mây màu vàng từ phía Tây bay tới. Phùng công thấy thật kỳ lạ, rồi trở vào trong nhà. Trong khoảnh khắc ấy, bà Lưu thị lâm bồn sinh được một bé trai tuấn tú, khôi ngô kỳ lạ. Năm lên 16 tuổi, cậu bé đã có sức mạnh nhấc đỉnh lớn, bạt nghiêng núi. Cha đặt tên là Phùng Lực Công.

Nha van Phung Van Khai min 1 1 - Một truyền thuyết về Hùng Duệ Vương và nhị vị đại tướng quân - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai phát biểu.

Lúc cậu bé lên tám tuổi được cha cho theo học cụ Hiên Đường tiên sinh. Học được vài năm mà cậu đã có văn chương quán việt, năng lực ghi nhớ không gì không thuộc. Võ giỏi thao lược. Phàm tất cả việc trên trời cho đến địa lý dưới đất không việc gì là không biết; không vật gì mà không hiểu. Người thời đó đều gọi ông là Thánh Đồng. Ông đặc biệt giỏi cung tên, thích đọc binh pháp. Lúc nào có thời gian đều ngồi đàm đạo bàn nghị, khiến tất cả bạn hữu không ai không kinh ngạc và kính phục. Ông thường nói rằng: Làm người, từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều phải lập được công danh. Không tới chốn sa trường, lấy da ngựa bọc thây thì cũng coi như đồ hỏng. Làm được những việc như thế, mới là kẻ đại trượng phu.

Từ đó ông nuôi chí lớn, đàn hạc trăng thanh gió mát, chu du khắp nơi từ chân trời tới góc bể, từ vùng núi tới đồng bằng, những nơi nào thôn dã thoáng rộng cũng lặn lội tìm đến. Có lúc dạo chơi nơi dòng sông bến nước, có lúc lại lội trăng trong theo dòng nước chảy xuôi.

Một hôm, Phùng Lực Công nghe thấy ở vùng động Lăng Sương đất tổ Ba Vì có vị Tản Viên Sơn Thánh, có nhiều phép biến hóa thần thông, kẻ sĩ trong thiên hạ đua nhau kéo về học. Lực Công bèn tìm đến yết kiến Sơn Thánh. Sơn Thánh thấy ông văn võ song toàn, thông minh dĩnh ngộ, là một trong những bậc tuất kiệt nên tiếp đón ông như thượng khách, khoản đãi hậu hĩnh.

Lại nói, lúc đó cơ nghiệp vua Hùng đã sắp hết, ý trời đã cáo chung. Nhà vua sinh được 20 hoàng tử và 5 công chúa nhưng tất cả đều lần lượt trở về với quê hương của đế, chỉ còn có hai công chúa: Người thứ nhất tên là Tiên Dung đã gả cho Chử Đồng Tử. Còn Công chúa thứ hai là Ngọc Hoa trăng tròn đến độ, mặt ngọc đoan trang nhưng quế hòe chưa định. Duệ Vương bèn cho xây lầu ở cửa thành, ban chiếu chỉ cho thần dân trong thiên hạ, ai thông minh tài trí, đức độ sẽ gả chồng công chúa và nhường ngôi cho.

Ngày hôm đó, trên sông thuyền đậu kín, dưới lầu xe ngựa hàng vạn, văn chương múa bút như rồng bay phượng múa, sao sa sông lạnh. Võ trận tung hoành như hổ báo hồn kinh, sấm vang chớp động lôi đình. Chân trời góc bể, anh hùng trong bốn biển đều được thi thố nhưng đều thất bại, lục tục kéo nhau ra về, chưa có vị nào được toàn tài, xứng đáng như trong chiếu chỉ công cáo.

Lúc đó, Tản Viên Sơn Thánh nghe thấy chuyện mới nói với Lực Công rằng: Từ xưa để xứng với giai nhân khó có anh hùng. Huống chi lại còn lấy được công chúa ư? Nay công chúa thực có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, ta không quản ngại đường xa mà đến cầu thân. Ta sẽ đích thân đến. Nói xong ngài chầm chậm đến trước lầu. Duệ Vương ngự ở đó xem thi đấu, khi nhìn thấy Sơn Thánh có nhiều tài lạ thông thiên triệt địa, có thể dời núi ngăn sông. Duệ Vương cho rằng đây là bậc kỳ tài nhất trong thiên hạ nên đã triệu công chúa đến mà gả cho. Sơn Thánh làm lễ bái tạ. Lễ xong rồi rước nàng trở về sơn động sinh sống. Sơn Thánh cho Lực Công ở lại để trợ giúp Duệ Vương. Duệ Vương thấy Lực Công dung mạo đường hoàng, lẫm liệt uy phong, ngay ngày hôm ấy cho bái tạ phong tướng quân, cai quản các cánh quân và phong  hiệu là Đại Lực sĩ tướng quân, thưởng cho không biết bao nhiêu mà kể.

Nha van Phung Van Khai thu 2 tu trai sang trao tang sach. min - Một truyền thuyết về Hùng Duệ Vương và nhị vị đại tướng quân - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 từ trái sang) trao tặng sách.

Từ đó trở đi ân đức thánh trạch, mưa móc trời cao, cá nước cơ duyên. Duệ Vương lại cho phép Đại Lực tướng công tuần phong khắp thiên hạ, không nơi nào ông không tuần đến. Tất cả đều ra sức để lại công lao to lớn yên ổn cho dân. Không đêm nào ông không đi canh phòng, kiểm tra; cửa nhà ông cũng không có thời gian qua lại.

Lúc đó Duệ Vương ở ngôi được 5 năm, Thục Vương là Bộ chủ bộ Ai Lao, cũng là con cháu chi phái họ Hùng nghe tin vua Hùng đã già yếu mà 20 người con trai đều lần lượt quy tiên, không có người nối dõi nên đã thừa cơ phát động chiến tranh, cầu viện láng giềng, chỉnh đốn quân đội, binh lính hơn vạn người, ngựa tới tám nghìn, chia làm 5 đạo quân thủy, bộ cùng tiến quân, tiếng tăm vang dội.

Duệ Vương có ý rất lo lắng mới mời Sơn Thánh và Đại Lực Tướng quân cùng đến để tham vấn kế sách. Sơn Thánh và Lực Công đều tâu rằng: Hơn hai ngàn năm, đều là các bậc thánh hiền kế nối suốt 17 đời, tạo ân trạch sâu dày nhân nghĩa rộng khắp, tưởng chừng như gân cốt kề nhau mà nay “quốc phú dân cường”, bệ hạ uy đức vang khắp ngoài bể. Người Thục không tự bảo trọng, dám không khuất phục thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Trong ngày sẽ mang chúng về để cho bệ hạ hỏi tội, muôn dân quy phục. Bệ hạ chớ phải lo lắng. Nay chuyện xảy ra, chúng thần nguyện nhận gian lao thay thánh giá, xin vài vạn quân, Thục Vương bất quá cũng chỉ nửa tháng là bình xong hết.

Ngày hôm đó Lực Công dẫn binh vừa thuyền vừa ngựa song hành thẳng tiến. Sấm nổ vang trời hai bên bờ sông, tiếng quân thuỷ, bộ cùng tiến rầm rập, âm thanh vang động cả ngàn dặm, uy danh chấn động khắp nơi, khí thế đại phá tưng bừng, tiến thẳng đến chỗ quân Thục đại chiến. Quân Thục đại bại, binh mã không còn một bóng.

Sơn Thánh cùng Phùng Lực Công biểu tấu báo tin chiến thắng. Nhà vua ban chiếu mời về triều, mở đại tiệc ăn mừng, gia ban phong thưởng cho ba quân tướng sĩ. Phong cho Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần. Phong cho Đại Lực làm Hộ Quốc Thượng đẳng đại vương.

Thời gian đó, nhà Thục cầu hoà, chăm chỉ làm ăn, xưng là phiên thần và thường xuyên cống tiến. Duệ Vương hỏi ý kiến Sơn Thánh. Sơn Thánh tâu rằng: 18 đời vua Hùng, lòng trời có hạn mới khiến ra nhà Thục thừa cơ xâm phạm, 20 hoàng tử lần lượt ra đi. Trong lúc bệ hạ thống nhất cõi Nam làm sao cưỡng lại ý trời? Thục Vương tuy là Bộ chủ của Ai Lao nhưng cũng là tông phái họ Hùng, trước còn ương ngạnh nhưng sau đã xin cầu hoà, biết tiến biết thoái cũng là bậc hiền. Nếu nhường ngôi cho Thục Vương xong thì thần và bệ hạ cùng vui chốn thần tiên. Duệ Vương nghe Sơn Thánh nói vậy bèn triệu Thục Vương đến nhường ngôi cho. Mọi việc xong xuôi, Duệ Vương cùng Sơn Thánh, Đại Lực cùng nhau thăng thiên giữa ban ngày, hóa sinh vào cõi bất diệt.

Thục Vương lên ngôi, cảm cái ơn đã được Duệ Vương nhường ngôi nên đã trùng tu miếu vũ cung điện ở trên núi Nghĩa Lĩnh để làm nơi thờ tự.

Đó cũng là ngọn ngành truyền thuyết của nhị vị tướng quân phò giúp Hùng Duệ Vương.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây