Tác giả Nguyễn Đông Nhật

Nguyễn Đông Nhật

 NGUYỄN  ĐÔNG  NHẬT

Năm sinh: 1950.

Quê quán: Giao Thủy, Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam.

Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Thơ in trên báo chí phong trào học sinh, sinh viên và tạp chí Đối Diện (1969-1971). Từ sau năm 1975, thơ và bài viết in trên khoảng 80 tờ báo và tạp chí: Văn Nghệ,  Văn Nghệ Quân đội, Tạp chí Thơ, Tạp chí Nhà văn & tác phẩm, Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh,  Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Sông Hương, Đất Quảng, Non Nước, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tài hoa Trẻ, Lao Động, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh Pháp Luật, Doanh nghiệp, Lao Động-Xã Hội, Khoa học phổ thông, Văn nghệ Bình Dương, Nha Trang, Bến Tre, Cửu Long, Kon Tum… và khoảng 40 tuyển tập thơ: Huế từ ấy (1977), Thơ 1978-1988 (Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng, 1988), 100 bài thơ hay 1993 (Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), Tuyển tập thơ tình các nhà thơ Thành phố Hồ Chí Minh (Nxb Trẻ,1993), Thơ tình Việt Nam & thế giới (Nxb Thanh Niên, 1998), Thơ văn nhóm VIỆT (Nxb Trẻ,1998), Nhìn lại một chặng đường văn học (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), Trăm năm thơ Đất Quảng (Nxb Hội nhà văn-2004), Tuyển tập thơ Thành phố Hồ Chí Minh (Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, 2007, 2008), 700 năm thơ Huế (Nxb Thuận Hóa, 2008), Một thế kỷ văn học yêu nước.(Nxb Văn hóa-Văn nghệ, 2016), Thơ chọn (Tạp chí Nhà văn & tác phẩm, 2016), Le le bay qua hồ Thiền Quang (Nxb Hội nhà văn-2018).

Đã xuất bản:

Thơ: Trong hoàng hôn gió (Nxb Trẻ-1995), Trăng của ngày (Nxb Thanh Niên-1999), Thơ bốn câu (Nxb Trẻ-2001), Bài ca của gió (Nxb Hội nhà văn-2002), Phía sau tôi (NXB Đà Nẵng-2003), Một trăm bài thơ (Hội nhà văn Tp. HCM-2004), Thơ tuyển (Nxb Hội nhà văn-2012).

Tản văn: Vu vợi gió (Nxb Đà Nẵng-2009).

Biên soạn chung: Chưa mưa đà thấm (Nxb Hội nhà văn, 1998), Cánh thư và tia chớp (Nxb Thanh Niên-2000), Trăm năm thơ Đất Quảng (Nxb Văn học, 2005), Phác họa chân dung một thế hệ (cộng tác với Tần Hoài Dạ Vũ- Nxb Đà Nẵng, 2007), Phan Duy Nhân-Thơ và Đời (2015), Người của một thời (viết chung với Lê Công Cơ-Nxb Hội nhà văn, 2016)…

 

THƠ THIỆN THỰC – THẾ SỰ

Thời đại

và khép lại cánh cửa ấu thơ
trái mìn nổ không nghe tiếng.

*
trên lâu đài rực rỡ
rác rưởi phủ đầy.

1968

 

Chủ nghĩa

bóng bảo hình
ta đâu cần ngươi.
*
hình bỏ đi.
thở dài. đi theo.

1969

 

Lịch sử

những đám mây bị bịt mắt trên trời
cho ngọn gió mù lòa chăn dắt
và đời sông trôi về hướng ngược dòng
vùng vẫy giữa một hòang hôn đẫm máu.

1970

 

Mùa đông

Mùa đông. Tôi còn lại một mình
Bạn cùng tiếng mưa đêm rỏ giọt.
Đời sống đang khép lại chung quanh
tấm màn lặng lẽ.

Ngày tháng ngày lạnh dần thêm.
Trời xám. Lá vàng ngập mọi nẻo đường.
Thành phố và nguồn điện khí
đã cầm cố cho người chủ bất lực.

Lời giảng rao hạnh phúc, nhàm chán ống bơ rè
lu loa điệu chiêng cồng huyên náo.
Nhưng đàng sau đám rước rực rỡ kia
những trái tim không màu lạnh giá.

Không ai đòi riêng một số phận dễ dàng
Ngày rét, nhiều người còn thiếu áo.
Nhưng vì sao những xác người vây máu
làm hố móng cho những lợi danh.

*
Chúng tôi sẽ chết không im lặng
dù bóng tối còn trộn đầy hơi thở.
Trong đêm, tiêng chân đi xa mùa đông
sẽ trả lời trước những vật cản.

Huế, 1971

 

Thư gởi em

tặng Lộc

Khi anh dừng chân trước ngõ ra đi
cánh cổng màu xanh phai đã mục.
Em đứng nhìn theo
bóng nhỏ dưới tàn vú sữa.
Anh chợt hiểu hạnh phúc là cái gì khác nữa
hơn một giấc mơ rụng lá bên thềm.

*
Anh đã đi qua nhiều ngày tháng
những mặt đất với độ cao khác nhau.
Nhớ bữa cơm có chén mắm cà
biết quí tấm lưng người bạn
ngày gió bấc thổi vào ngực, áo bà ba mong manh
những rừng đêm bưng ngợp mắt nhìn
thèm giọt sao rơi qua kẽ lá
những chuyến đò ngang trăng sáng
chân đọng mảng bùn bãi pháo vượt ban trưa. . .
Không nghĩ gì năm tháng dài lâu
tuổi trẻ chúng ta đi qua bằng trái tim không suy tính
cho tiếng cười em thơ trong lắng
từ nỗi ngậm ngùi của những lời ru.
Sau những tiếng ồn ào che giấu
anh muốn nói với em điều giản dị
như bếp lửa khuya bên đèo, giữa gió, nhóm lên.

*
Hằng đêm, trong đám cỏ Mỹ xì xồ
thành phố – những tín hiệu ngân lên từ một vầng sáng
thầm tạt sóng vào lòng anh cháy đỏ.
Nơi ấy, tiếng gọi đứng lên
tiếng nói của người
chống lại sắt thép và bạo lực
lan nhanh trên mặt đường, trên những bức tường công thự
cùng với mùa gió, miên man thổi về hy vọng sự đổi dời.
Thành phố – nơi lịch sử ngàn năm kề vai trên các ngã đường
gạch đá và thời gian chảy vào sự sống.

Bây giờ em đi trên những dấu chân xưa
có thấy lòng vui và nhớ.

*
Anh lại đi qua những tên làng tên đất
lòng bồi hồi một tiếng chim khuya
đôi chân cứng từ một lời ru dịu
từ những bình thường đã thấm trong tim.
Tận lòng sâu, trên đáy sóng không ngừng
khuôn mặt em cười – tuổi trẻ bay lên giữa rừng biểu ngữ.

Trong tiếng reo của dòng sông đổ ra cửa biển
mùa gió rộng rãi mở cửa rừng
gửi tới những mặt đường
dự cảm về một ngày sáng.

*
Thành phố và em
hiện ra
trong màn mưa lấp lánh.

Vàm Cỏ đông, 1973

 

Đối cảnh

Những năm tháng ở rừng để lại trong tôi
nhiều ánh sáng và bóng tối.

*
Chúng tôi nương theo đêm mà đi.
Ánh sáng bừng lên. Và bóng tối.
Nhưng bóng tối căm ghét chúng tôi
bóng tối ở trên cao những đèn pha cực sáng.

Bóng tối chao theo nhịp võng.
Mặt trời là bàn chân rộp lên; đường còn xa.

Ánh sáng. Và bầy đom đóm
vẽ bóng tối thành cơn gió lửa.

*
Tôi và bạn thường nhớ nhung một góc phố sáng ánh đèn
và giữ đến đau giữa ngực
bóng tối dưới chân những thành phố.

Mặt trăng giữa hố lá tre
xanh đến lạ một khuôn mặt thân quen.
Tên người thương không sao gọi nổi.

*
Nỗi sợ của chúng tôi là mai kia
sẽ quên đi màu nắng đại ngàn
sẽ ngạt thở trước ánh phản quang lừa dối.

*
Khi những tiếng động đã lặng im
tấm màn nhung rủ kín
còn một thứ gì trong tôi như bóng tối lấp lánh.

Đấy là tán lim vàng nơi đôi mắt bạn
trước khi nhắm lại dưới cánh rừng.
Mùi hoa khế tan trong giếng nước nhà em.
Đấy là tiếng hát đàn em trên sân trường vắng.
*
Ngày tháng ở rừng ngày tháng hôm nay
cho tôi bình tĩnh nhận ra
Bóng Tối
và Ánh Sáng.
1974 – 1984

Những khi dừng lại
Khi con bước trên những đường không quen giữa một thành phố lạ
để tìm kiếm miếng cơm
con sẽ hiểu giọt nước mắt thầm của người mẹ nghèo trong bóng tối.

Khi những tiệc rượu thừa mứa cười ré lên giữa đêm khuya
con sẽ nghe điều gì
đang âm thầm kết thành một nền móng khác.

Khi màu hoa dịu dàng buổi sớm
thầm thì về vẻ đẹp chìm khuất đâu đó
con hãy biết ơn giọt mồ hôi của người vô danh.
19.4.2013

THƠ TÌNH

Trăng

Buổi tối bên hàng hiên gió êm
bàn tay cánh hoa mờ
tôi úp mặt.

Một chút nắng chiều nào xa
còn đọng lại trên hàng mi ấm.

Nhưng tiếng guốc khua trên phố vắng dần
và những bậc thềm ra đi
thẫm lại dưới đêm xanh.

11.12.1986

 

Không đề

Giữa đêm thức dậy
nhìn đôi dép sứt quai của em
co rúm dưới chân giường.

Nó đã không sống một đời bền lâu
bằng những đồng tiền đẫm mồ hôi
trong sạch
ít ỏi.

*
Em là vẻ đẹp của một cành hoa cứng cỏi.
Và em đi qua tháng ngày
nhận về phần mình những thiếu thốn.

*
Đôi dép ưỡn cong mình, sống lại
trong lòng anh.

Thoáng ấm áp giữa đời lận đận.

4.1992

 

Thầm trách tháng năm
gởi Vân Anh

Những câu thơ tôi đã viết từ em
chìm tan hết trong ánh nhìn yên lặng.
Cái điểm sáng dịu dàng không tắt
giữa chiều nay. Giữa những mười năm.

Lạc dòng trôi. Bao cơn gió không lời
thổi se sắt trên nửa hồn quên – nhớ.
Trời xanh xưa. Con đường cong mái phố.
Mùa nắng êm như chất ngọc không mờ.

Ngồi bên em. Và đợi. Phút chia xa.
Mơ hồ vọng dưới đời bao tiếng động.
Cái hơi ấm thật gần không thể nào chạm tới.
Lòng rưng rưng mà sao lời bâng quơ.

Không một lần nắm tay. Tôi thầm dặn riêng lòng.
(Sợ tan mất những trong ngần thuở ấy).
Nhưng đôi mắt em – khoảng bình yên chiều biển động
là thời gian chưa rơi xuống bóng ngày phai.

Những bậc thềm ra đi. Thầm trách tháng năm.
Mùi hương chậm ngân mềm sau nỗi nhớ.
Bàn tay nhỏ nơi trời xa có lạnh
gởi mây về cho ấm chút tình nhau.

22.1.2000

 

Hội An

Nỗi cô đơn đã đẩy xô tôi
về thị xã này. Nơi ký ức
sống cuộc đời riêng. Và lặng lẽ
chảy bằng một nửa máu trong tôi.

Một phần tư đời tôi, có lẽ
(cái thời xanh xưa đã qua rồi)
nhưng là tất cả, cho tới khi
huyết quản còn rung ở đời khác.

Bởi vì nơi ấy, em đã tạc vào không khí
bằng thân thể em và ánh sáng
bởi vì tôi đã bước qua những đêm
dệt bằng những giấc mơ của em.

Sau này, có thể một hôm nào
dừng chân trước ngôi nhà em cửa đóng
nhân danh tro bụi, tôi cúi xuống
nhặt chiếc lá đêm vô tình rơi.

7.2001

 

Tâm hồn

Đêm cuối tháng.
Không trăng.

Khoảng cách giữa chúng ta
dịu êm tỏa sáng…

8.2006

THƠ SUY TƯỞNG

Mùa thu

1.
Chầm chậm, màu nắng nhạt đi
và ngày đang thu về những nốt nhạc thừa.
Chưa có gì rơi, đôi cành khô gãy
màu hoa nở vội vàng hay một loài chim báo tin.

Tiếng mưa theo ý nghĩ, dài hơn
những hàng cây muốn nép vào nhau, nhưng dường như tiếng lá rụng
thoáng rung mình nhẹ lướt qua.

2.
Nỗi cô đơn dịu dàng, như một thói quen
choàng lên quầng trăng ẩm ướt
nhưng lá cỏ đêm dưới trời sương
không ngần ngại mở ra những đôi mắt rạo rực.

Tiếng động sáng chói của ngày qua vọng về
không tiêu phí bằng sự ầm ĩ vô ích
dồn tụ trong thời khắc chờ tái sinh.

3.
Những màu áo dần tươi trên đường phố lắng bụi
Ngoài đồng, vết bánh xe băng qua thửa ruộng.
Trong hơi thở thêm một phần khí ẩm
(ôi những suy nghĩ của người thức khuya).

Tiếng trống ếch đàn em trong xóm đêm
hồi còi đục trầm trên bến cảng
mang mùa thu ra đi.

Đà Nẵng, 8.1985

 

Một mình trăng

Ngồi một mình nghe khuya dần im
Trăng sáng như chưa bao giờ sáng thế
Thềm ngói cũ nghiêng chìm mái sẫm
Khuất nửa lòng riêng vọng tiếng câm.

Ly rượu tối một mình không uống
Ánh đêm trầm soi bóng thủy tinh
Những gì không nói đang xao động
Trăng kẻ quanh bàn ngân bóng xa.

Còn một mình sau cuộc vui tan
Nghe gió thổi tháng ngày xa lạ
Những thế hệ đi qua im lặng
Trang sách mờ rung đẫm ướt trăng.

Chiếc bóng ngồi lặng một mình đêm
Ngoài thời đại thét gào cơ khí
Ôi nửa đời vầng trăng còn tỏ
hỏi ai từng soi mặt hư vô.

Một mình bóng lẫn mùi hương không tàn
Là phai nhạt sắc màu ý hệ
Trong đời rộng lau khô dòng lệ
Hơi gió xanh động cuối trăng tà.

1989

 

Mùa xuân trong thành phố

Có mùi cá kho nhẹ trong gió
lướt qua những màu áo vô tình.
Bập bềnh nền thanh âm của phố
bóng sáng tối dần trên khung cửa sổ.

Không phải giấc ngủ. Thức dậy muộn màng
nghe tiếng nói mất hút cuối hành lang.

Và hương nhớ nhung của ngày qua
dường như bắt đầu dường như kết thúc.
Dẫu cho đường nhựa nhiều hơn đường đất
mọi vật không bao giờ yên lặng.

Tiếng nhạc chậm. Không phải sự cô đơn
vô hình biết nơi nào phải đến.
Mặc dù những bức tường sặc sỡ câm lặng
giọng đồng ca lan chậm vòng tròn.

Buổi chiều vào giọng. Hơi thở đầy.
Những người sắp ra đi và những người ở lại
sau lúc ồn ào đang yên lặng.

Thế là ánh sáng, bị đóng đinh ở nơi khác
rỏ giọt càng lúc càng dày hơn.
Ngày thứ bảy hay thứ hai trong tuần
thánh thót như chưa bao giờ có thể.

3.1992

 

Thái độ

1.
cũng đành nói một điều gì đó
cũng đành hát một bài vui hay buồn

đứng trước tấm gương, mơ hồ phản chiếu
thời gian nào từ phía phôi phai?

2.
đôi mắt nhìn thẳng
không cần mang kính

nghe hết mọi điều
nói điều im lặng

Dự tưởng

khi đã qua nửa đời
mới hiểu điều này: yêu
thật ra cũng giống như
dạng hình một giấc ngủ.

*
và khi thức dậy, ta biết
ta vừa bước ra khỏi
bóng một cánh cửa.
4.2001

 

Ngày thường

sau năm mươi năm
đời sống đã lặn vào tôi
những dòng sông.

*
vậy mà chiều nay, trước một dòng sông
tôi không biết
nước sẽ trôi về đâu
tôi không biết vì sao
tôi có mặt.

2001

 

Bài ca của gió

Hãy dừng lại như hãy còn cách xa
dù tôi đang trẻ lại
cười bằng tiếng của ngày xưa
trong lanh canh màu rượu đỏ chiều nay.

*
Những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta.
Nơi cánh rừng anh đi qua
gió rung bờm suốt môt thời lửa cháy;
và hơi gió ngủ quên lớp bụi phai mờ
trong căn phòng tôi cửa đóng.
Nhưng cơn gió tháng năm trẻ tuổi
bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào
còn ve vuốt dịu dàng mái đầu chúng ta chớm bạc…
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.

*
Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này
trong thành phố này; dường như ngờ ngợ
giữa yêu và không yêu.
Cái thành phố tôi vừa nghe ra giọng của nó;
nghiến răng, say đắm, thầm thì;
bên dưới đảo điên vòng xoay cơm áo.
Trong căn nhà tạm trú, đêm nay
vài chiếc ghế, vách tường lờ mờ. Bức tranh
ánh lên con mắt độc dò hỏi.
Tôi sẽ ngồi trước tấm khăn bàn trắng.
Trăng sáng ư? Tôi không biết.
Nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng
chẳng soi vào khoảng không nào cả.

Tôi nghĩ gì tôi sẽ nhớ gì?

*
Có dãy phố hàng trăm năm cúi đầu
soi xuống dòng sông yên tĩnh.
Có tà áo trắng và chiếc nơ tuổi học trò
có nỗi rung động có nét tàn phai.
Sự trinh trắng. Nỗi buồn loang chậm.
Có tiếng đạn pháo gầm gừ, treo quanh ngày mới lớn
có nhiều người bạn đã ra đi.
Có những giờ lên lớp đầu tiên
cô giáo lúc này và cô học sinh hôm nào. Tôi là ai vậy?
Có giấc mơ nghèo nàn xếp hàng chờ gọi tên.
Có bữa cơm độn có căn nhà quạnh hiu
giọt nước rỏ suốt đêm dài khe khẽ.
Có những con người khác
Có những người quen trở nên lạ
giữa một dòng chảy mới, ầm vang nhịp diễu hành…

*
Ra đi.

Rứt khỏi ngôi nhà thân yêu
như rứt từ thân mình từng miếng thịt da vô tội.
Có phải con là bóng mây lạc loài
trong đôi mắt phai màu của mẹ
bên cánh cửa khép hờ. Bậc thềm chia ly rơi xuống nhớ quên.
Giữa cuồng điên ký ức
sao vẫn còn nghe hơi sóng biển rì rào,
luồn theo tiếng lá khua sâu hút mặt đường
bên dưới ánh đèn vàng những con mắt lệ.
Không. Không phải tôi chối từ cảnh vật này đến cùng cảnh vật khác
vì trên lượn sóng xanh mênh mông kia
tôi biết tôi sẽ không tìm thấy gì
ngoài nỗi cô đơn trong trắng.
Biết làm sao khi phải đặt chân lên cuôc hành trình
để trôi vào khoảng từ trường giấu mặt. . .

Một xứ sở xa lạ thổi suốt bên lòng
bao nhiêu năm tháng.
Nơi ấy mỗi ngày từng bước chân
gõ lên mái hồn thanh âm rạn vỡ.
Đôi khi trước tấm gương soi bóng mình
tôi nhìn thấy sự trong suốt
đâm nhói vào người.
Khi ấy tôi trở nên nhẹ tênh, chỉ còn là không khí
vừa rơi vừa bay lên.
Bao nhiêu buổi chiều thấm xuống ven đường
mơ hồ lá rụng
và những ảnh đời ngỡ quên đi bỗng trùng lớp hiện về
bên nhịp cánh vô hình của gió.

Trong căn nhà lạ, tôi phải cầm cự
với nhiều thứ, cũ và mới.
Với chính cái bóng mình. Lặng thầm. Trong sạch.
Một sự trong sạch đôi khi tôi muốn đập vỡ.
Nhưng tôi vẫn đi về với nó. Trong sạch.
Và không ngừng mong ngóng một điều gì. Tôi cũng chẳng rõ.
Có phải tôi đã chết bằng những gì tưởng là sống?
Không.Tôi đã bấm chặt chân bước trên
khuôn mặt trơn lì cám dỗ của cái chết.
Đã qua rồi thời đuổi bắt hư vô.
Hay tôi đang chờ đợi chính tôi
trong sự hiển bày niềm đau thánh hóa ?

Đôi khi những tiếng động của thời đại
chạm lướt qua tôi
hoặc lay động giấc mơ tôi
như giấc mơ của bao người khác.
Giấc mơ về hạnh phúc.
Giấc mơ mà ở cuối mỗi con đường
người ta nhận ra sự bẽ bàng của cát bụi.

Cạnh khung cửa sổ phòng tôi có một bóng cây
tôi không biết đó là cây gì nhưng tôi hình dung
bên dưới khoảng màu đặc nhè nhẹ đong đưa
có những ánh nhìn đang dần tắt giữa đời này
còn thao thức hướng về những đời khác.

Chẳng phải tôi nói quá nhiều, nhất là kể lể về mình.
Đó không phải tính cách tôi, anh biết đấy.
Đằng sau mực thước tôi nghiêm cẩn tôi
là nồng nàn lòng yêu cuộc sống.
Nhưng có phải giờ đây người ta không còn tin vào lời nói trái tim
nên làm sao tôi có thể
xóa đi khuôn mặt mình
để tìm ra giọng khác?

Cạnh khung cửa sổ phòng tôi
hoa đã héo. Chiếc bình khô nước.
Nhưng giấc mơ kia vẫn không ngừng sinh nở
trên biết bao vầng trán đẫm mồ hôi
của lo âu và hy vọng
của những con người mà nơi đôi mắt đục mờ kia
tôi nhìn thấy tôi
nhìn thấy con đường đã đi qua đã cười đã khóc
nhìn thấy dòng sông xưa chảy giữa đời tuổi trẻ
dưới trời sao vang một giọng thầm.

*
Tôi đã trở về đây.

Con phố cũ. Trời cuối năm. Tiếng nói cười quen mà lạ.
Đời khác xưa hay tôi khác xưa?
Không, không phải đời đã khác.
Đời sống ở đâu cũng đầm ướt nhọc nhằn
của cay đắng và sướng vui
mà hạnh phúc đôi khi là máu.
Giờ đây, con đường cong mái phố rêu
buổi chiều xanh bên kia hàng cây
ánh rạng ngời tình bạn
tan hòa mềm dịu một đời sông.
Lúc này, trên những không cùng đang
tan ra thành sắc màu của sự ngộp thở
tôi rơi vào phút giây vĩnh cửu
như đang bay. Không còn điệu chán ngắt
chiếc đồng hồ nhỏ xíu trên ngực
không có sự ở lại ra đi hay trở về
không biết mái tóc đang trắng dần.
Ôi, tôi có thể đổi bao nhiêu tháng ngày vô sắc
cho một giờ nồng nhiệt của con ngươi…

Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.

Tôi biết rằng tôi vô lý. Anh có thấy như thế không?
Anh biết về tôi hãy còn quá ít.
Bóng của ngày tàn đang soi vào tôi tấm gương mờ
trên tấm gương ấy, tôi bình tâm lọc ra
từng giọt sáng
vừa đủ cho tôi.
Làm sao tôi có thể treo vào hồn người ánh sáng của chính họ.
Không, anh đừng tưởng tôi ưa triết lý.
Đó chỉ là đồ trang sức của lòng yếu mềm.
Tôi ? Tôi muốn là một cành hoa cứng cỏi
vô nhiễm trước manh tâm những giày vò.
Và dù anh chưa hiểu những gì thuộc về tôi nhưng tôi tin
anh đã nhìn thấy tôi
bằng những cơn sóng và sự im lặng của đời anh.
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.

*
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.

Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này.
Không tiễn đưa.
Dù đôi khi tôi cũng thích sự đưa tiễn. Nó làm cho người ta trẻ hơn.
Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh của thành phố.
Thành phố không ngừng sống. Biết và không biết
từng lớp người đến và đi.
Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta
xuống cuộc đời. Như cái bóng. Anh có thấy như thế không?
Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại
và tan đi giữa bao quầng sáng quay cuồng.
Nhưng đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh
đã lặng lẽ trả lời.

*
Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia
là MỘT.
Anh có thấy không?

5.2OOO

THƠ BA CÂU

Đôi mắt

thường không phải dễ dàng
khi phân biệt chữ A
với cái bóng của nó.

1980

 

Một thực tại

Cái tủ kính nhìn ra cửa.
Cái cửa nằm trong mặt kính.

*
Cánh cửa nào tôi sẽ đi qua.

5.2002

 

Không khí

dường như có thể thấy
dường như chạm vào
dường như ngân

Bà Nà, 2002

 

Độc đạo

Chỉ còn một ngọn đèn
lạnh. Sáng một mình.
Một bóng. Tôi.

THƠ BỐN CÂU

Cảnh I

những nhà thơ buồn chết đi
nhưng có phải nỗi buồn đã chết ?

và bài ca trong những bóng đời riêng
ai sẽ hát ?

 

Thái độ

đôi mắt nhìn thẳng
không cần mang kính

nghe hết mọi điều
nói điều im lặng

 

Xi măng

trắng. tất cả chúng ta. trắng.
ngày đêm trắng. trắng giấc mơ.
trời xanh trắng. khói xám trắng.
*
và bàn tay trắng đen khô.

 

Tĩnh mặc

đàn cò qua sông. trắng
nghiêng bạc nửa chiều. vàng
nhẹ thênh trời cổ tích
trăng ngân dài. bóng xanh.

THƠ VỀ THƠ

Nhớ thi sĩ Văn Cao

Đằng sau nỗi đau đớn của ông
ánh sáng những câu thơ
vẽ màu lá
biếc xanh.

Mãi mãi.

 

Thơ

1.

Tỉnh giấc trong khuya vì những tiếng nói
thật rõ và mơ hồ
như mình nói cho mình nghe
như là của chính mình
mà không phải.

Rồi chúng mất tăm như chưa hề.
Rồi lại chìm vào cơn mê
để thêm một lần thấy lại
để biết rằng sẽ mất đi mãi mãi
để lại tìm thấy trong một ngày nào.

2.

Giấy trắng.
Mực đen.
Có gì đáng nói?

Giấy trắng
chữ trắng
những chữ đẹp nhất.

Tìm chúng trong đêm.
Chúng hiện giữa ngày.

n.đ.n

Số phận của nhà thơ

Tìm kiếm ảnh hình khác
trong những sự vật quen đến mỏi mòn.
*
Sự lay động của lửa dường như sờ thấy
bến bờ bao giấc mơ xa lạ
khoảng trống bài thơ người ta sẽ lấp đầy
mối tình đã quên trở thành giọt máu đông lạnh
và tất cả bờ viền những bóng lướt qua. . .

Sau khi chẻ cái cây thành những thanh củi nhỏ
và gom hết vụn gỗ
mới liên kết được chúng vào bên trong
ánh mừng vui đêm lửa hội
để làm nên một hư không khác.
Nơi có thể tìm thấy điều gì
điều vừa nắm được chợt tan đi.
*
Không tiếc thương không trông đợi, ta biết như thế
và bước đi dưới mưa.
Trên con đường của bàn tay đớn đau
khi tìm đến những bàn tay khác
và nghe ấm một tình yêu.
Ta biết như thế.

2001

TẢN VĂN-TẠP BÚT

 

Những con đường ký ức

Những con đường của Hội An là những sợi máu trong tôi. Chúng đã đi qua thời gian, chịu đựng bao thác ghềnh, nhiều lúc ngỡ đã tan biến như những bào ảnh của lãng quên để rồi cuối cùng vẫn lặng lẽ cất lên những tiếng mơ hồ của ký ức, nhắc rằng đó là một phần không thể thiếu trong tôi.

*

Đó là khoảng không gian nhỏ trước ngôi nhà số 39 đường Quảng Đông (1) trong lần cuối cùng ông nội từ quê xuống phố thăm gia đình tôi. Trí nhớ non nớt của cậu bé ba tuổi còn in rõ cái màu xám pha chút thoáng xanh của bậc thềm ngôi nhà thuê, bên kia đường là tấm bảng một cửa hiệu mà đến khi đã đánh vần được, tôi biết đó là cửa hàng Trần Thị Nết… Sau này, trong đôi lần về Hội An, đi ngang ngôi nhà thuê ngày xưa, thử nhìn lại chỗ bậc thềm ấy, rồi cố nhớ bây giờ nó ra sao nhưng ký ức thị giác dường như không lưu giữ được gì. Tôi hiểu rằng ký ức đã xua đuổi những gì có thật để chỉ giữ lại những ảo ảnh của nó, những ảo ảnh mà nếu thiếu vắng, đời sống nhiều lúc sẽ trống rỗng và nghèo nàn biết bao. Đường Quảng Đông còn dẫn tôi qua con hẻm nhỏ đến ngôi trường đầu tiên là trường Cẩm Hồ (nằm trên đường Chùa Cầu) mà khoảng cách mấy mươi mét lúc ấy sao lại dằng dặc trên cái lối đi trơn trợt và bẩn. Hơn mươi năm sau, con đường Quảng Đông trở thành người chứng cho những rung động đầu tiên của tuổi mới lớn trước hình bóng dăm người bạn gái áo trắng tóc thề. Con đường ấy đã đóng cây đinh thời gian vào đời tôi, cho tôi mặc sức treo vào đấy những giấc mơ ngọt ngào của tuổi mới lớn và tuổi chớm biết suy nghĩ…

*

Đó là những đám mây sáng rực trên buổi chiều con – đường – bờ – sông (tôi không muốn gọi Bạch Đằng hay cái tên nào khác). Ánh sáng từ những đám mây rơi xuống mặt nước, hắt lên và hòa với khoảng không cao ngợp mắt, phủ lên những mái nhà rêu phong một cái bóng chân thật-huyền ảo. Phố trôi đi trong ánh sáng ấy. Và tôi lúc đó, cậu thiếu niên 16 tuổi, ngỡ như vừa khám phá ra điều gì lớn lao vượt quá sức chịu đựng của trái tim mình nhỏ bé… Nhiều năm đi xa, ngay giữa hồi chiến tranh gầm thét hay những lúc ngặt nghèo nhất trong đời, những đám mây ánh sáng ấy lại hiện ra, như ôm ấp chở che và nâng tôi lên, bay đi trên đôi cánh vô hình êm dịu. . .

*

Đường Khổng Miếu (2). Tấm ảnh của người bạn còn giữ được sau gần 40 năm. Những Khánh, Đôn, Ngự, Do, Tâm, Phước, Hạnh. . . Những Xuân Hoa, Như Anh, Như Ý, Bưởi, Ánh, Lựu, Thơ. . . Các bạn đã bay đi như những con đường phai nhạt. Nhiều năm, tôi không nhớ đến các bạn. Nhiều năm, tôi biết và không biết các bạn trên cõi này. Nhưng đời đã cho chúng ta được gặp lại nhau. Ở cái tuổi 50 này. Ở chỗ rẽ về phần sau cùng của mỗi con đường. Cảm ơn cái ngày 1 tháng 1 dương lịch hằng năm mà các bạn đã chọn làm ngày họp mặt của lớp đệ Thất I-Thất II năm nào!
Đường Cẩm Châu (3). Những hàng dừa nước, con đường đất và những giờ “cúp cua” của lớp đệ tam C. Màu hồng rựng trên đôi má người bạn gái trước lời nói đùa của chính mình: “… con đường này hẹp vừa đủ cho hai người đi song song”. Bây giờ, em đã quá xa và hẳn không còn nhớ câu nói vô tình ấy. Không phải khoảng cách nửa vòng trái đất mà ngay trên chính con đường thánh hóa em đã chọn và bước đi. Cầu mong em an vui và tới được bờ bên kia. Mãi mãi em là người bạn của một thời thơ dại đáng yêu. Và sẽ mãi mãi em là khoảng sáng dịu dàng trong những giấc mơ của tôi, là ngọn gió ấm không ngừng thổi về những tiếng mến thương của quê nhà se sắt, trong một quá khứ không phai.

*

“Đây Chùa Cầu con khỉ sầu không nói
Đây chùa Ông đèn lửa lạnh lùng”.
Câu thơ của người bạn thân đã viết năm hai mươi tuổi. Đường Chùa Cầu (4). Con khỉ không biết nói, những đốm nhang trong ánh lờ mờ và gió lạnh mùa đông đã dẫn tôi đến con đường khác. Con đường muốn vượt qua bóng tối của lòng bạc nhược trong những năm tháng quê hương chìm giữa tiếng rao mời mua bán lương tâm. Và tôi đã ra đi. Những con đường mất dấu trong sình lầy Nam bộ. Những con đường bụi đất chạy theo những hàng cây thốt nốt xứ Chùa Tháp. Những con đường lao qua ngầm, vượt lên đỉnh dốc, những rặng đá tai mèo sắc lẻm của Trường Sơn ngun ngút. Những con đường xạc xào tiếng lá rừng dầu cao vút, vỡ ra dưới hơi thở khô khốc của nắng gió xứ Nam Lào. Những con đường thâm u khuất dưới tán đại ngàn của Trị – Thiên, mùa đông như muốn lột da người cái rét. Bao nhiêu máu đã đổ. Bao nhiêu thời gian. Xa quê, xa những con đường nhớ nhung kỷ niệm, một mình trên các độ cao khác nhau, nhưng những năm tháng ấy, lòng tôi đoàn tụ. Nhiều đêm dưới tán rừng che khuất mọi ánh sáng, tôi cố tìm giọt sao rơi qua kẽ lá. Và bóng tối không giết chết được hy vọng, bởi tôi biết bên dưới ánh sao ấy, có những đời người biết giữ lòng cho một ngày mai. . .

*

Ở tuổi quá 50, mới hiểu rằng mình là người hạnh phúc. Theo cái nghĩa, là thuộc hạng người không đánh mất lòng say mê trước cuộc sống. Đối tượng của nó có thể thay đổi theo từng chặng đời, có khi bền lâu, có lúc chỉ là thoáng chốc. Nhưng lòng yêu thì cứ như những phân tử muối, chầm chậm kết thành bao tinh thể lấp lánh. Và lại mơ ước có một ngày nào đó trở về, đặt những bước chân mỏi mệt trên những nhánh phố uốn cong, nghe lòng trẻ lại thuở ấu thời. Và em, khi ấy em ở đâu? Hay em cũng sẽ trở về, hiện ra trước tôi. Cho tôi được thấy lại trong ánh nhìn yên lặng kia những con đường em đã đi qua và nỗi bình yên sau bao nhiêu gió cát. Như tôi đã đọc lại trong chỗ xa nhất của lòng tôi, những con đường Hội An không mờ sau bao tháng ngày quên.

Tháng 1.2002

 

Nơi không có thời gian

Dường như trong cuộc đời của không ít người, hiếm khi có được khoảng thời gian yên tĩnh kéo dài, dẫu chỉ vài tháng, thậm chí vài tuần chẳng hạn. Hẳn nhiên, khái niệm “yên tĩnh” là để diễn bày một trạng thái bình an của tâm thức ở cấp độ cao hơn những diễn biến tâm lý bình thường hằng ngày chứ chưa phải là sự vươn tới các tầng nấc sâu xa trong khái niệm về sự tịch tĩnh (hiểu như kết quả trong quá trình tu tập). Lan man như thế, là để nói rằng, thời gian sống của đa số người trong chúng ta thường bị tiêu phí khá vô ích; và cũng để nói rằng dường như tôi đã may mắn thọ nhận được niềm hạnh phúc ấy trong những ngày mùa đông năm vừa qua, dưới mái chùa Quán Thế Âm, bên ngọn Kim Sơn thuộc khu vực Non Nước (thành phố Đà Nẵng).
Trong đời, có nhiều điều đã quên đi. Có những khuôn mặt lờ mờ hiện lên trong bóng tối của ký ức, có những kỷ niệm cay đắng hay ngọt ngào lướt qua trong ánh chớp của chiếc đèn kéo quân hoài niệm; nhưng hơi thở tàn đông trên rặng cây nắng chiều trước sân chùa, vầng trăng sáng ấm bên thềm núi, những trận gió đẫm mùi vị biển khơi giận dữ rung mình trên mái tôn trong đêm mùa đông Trung bộ…, tôi biết, sẽ còn đẫm nét cho đến dài lâu, nếu như không muốn nói rằng mãi mãi, trong tôi.
Hồng Hạnh, vợ một người bạn và xem tôi như anh trai chở tôi đến chùa; hôm sau mang đến cho tôi tọa cụ và vài thứ cần dùng hằng ngày. Chưa hề quen biết ai ở ngôi chùa này, tôi đến và đã được sự đồng ý của vị tu sĩ trụ trì cho phép lưu trú hai tháng để cầu nguyện cho cha tôi, vừa mới qua đời. Như người khách được Lòng Thương Yêu chào đón, tôi được đón nhận như một người quen biết từ lâu. Tôi được tự do sắp xếp giờ giấc và công việc của mình. Suốt trong thời gian gần hai tháng ở đây, chỉ có mỗi một lần tôi cùng tham gia việc dọn dẹp phòng lụt, sau khi đến chùa mấy hôm. Đêm ấy nước lớn nhanh, dâng lên quá bậc thềm trước sân chùa. Cùng với các thầy và các chú, chúng tôi chuyển những chậu hoa kiểng và cây giống lên vị trí cao hơn, đến một giờ khuya. Lại thêm một lần hiểu cái tình cảm giữa những người mới gặp nhau lần đầu nhưng dường như đã quen thân lâu ngày, cái tình cảm vừa tự nhiên vừa sâu xa mà đối với nhiều người đã biết nhau có khi cả vài mươi năm, vẫn không có “điểm chung” nào cả!
Những ngày mùa đông Kim Sơn, tôi có được sự yên tĩnh để nhìn lại đời mình. Bao nhiêu năm nổi trôi theo nợ áo cơm, tôi đã đánh mất nhiều thứ. Tâm hồn bị vẩn đục dần đi, dù tôi vẫn thường xuyên chống chọi sự mài giũa vô danh của những hệ lụy đời thường. Lòng Yêu có lúc tưởng như khô cạn trước bao nhẫn tâm vẫn ngày ngày bày ra trước mắt. Trong ánh sáng héo hắt của hồi ức, những khuôn mặt bạn bè và người thân hiện về, gần và xa trong nỗi ngậm ngùi của sự đành lòng trước nỗi chia ly. Cả những người một thời từng sẻ chia say mê hay bao người tôi đã gửi gắm thương yêu, giờ đã bước đi trên con đường khác mà tiếng gọi thầm của trái tim tôi không đủ sức kêu gọi sự quay về. Những giấc mơ thời trẻ tuổi đầy ảo vọng nhưng tràn trề quyến rũ đã tan biến. Những giấc mơ khác xuất hiện, dẫn tôi đi xa dần xa dần cõi quê chung…!
Những ngày mùa đông Kim sơn, hồi ức chiến tranh trở lại, vừa mất hút dần đi vừa sắc nét hơn, như sự sinh nở của kỷ niệm. Đôi mắt người đồng đội trước khi khép lại vĩnh viễn vẫn còn in bóng màu hoa lim vàng trên khoảng trời cao, nơi một cánh rừng Trường Sơn khuất lối. Những mảnh áo quần sậm màu máu bầm đen của những nữ du kích vô danh vương vãi trong những gốc tầm vông trên vùng đất Củ Chi khét bom đạn. Những đêm mùa rét của đại ngàn Trị Thiên, nằm dưới bóng rừng thâm u, hoài công tìm giọt sao rơi qua kẽ lá… Tất cả đớn đau và rực rỡ của những năm tháng gian khó ấy, giờ đây hiện lên đẫm nét. Ký ức không hề đào thoát và cũng chẳng là rào chắn, cứ bồi đắp dày lên mãi, cho tôi hiểu rằng, tôi không thể hủy diệt nó cho niềm an vui của riêng tôi.
Những ngày mùa đông Kim Sơn, tôi thường hướng về cha tôi và các anh chị tôi đã không còn trên cõi này. Tôi biết rằng họ vẫn hiện diện ở đâu đó và tâm thức họ vẫn hướng đến một cõi khác tốt đẹp hơn, trong vận động của dòng sống không ngừng nghỉ. Tôi có thể làm gì đây cho họ, ngoài chút nỗ lực nhỏ nhoi trong mong cầu đem đến sự vượt thoát cho những người thân yêu của mình. Nhưng tôi hiểu rằng, cố gắng của tôi chỉ là chút tha lực yếu ớt, rằng Lòng Yêu Thương của tôi chưa đủ rộng để có thể tạo nên một chuyển đổi nào đó trong cõi u huyền kia…
Những ngày mùa đông Kim Sơn, tôi có dịp để cảm nhận máu thịt hơn về cái mà tôi gọi là Niềm Yêu Rộng. Từ những tu sĩ gặp hằng ngày, từ sự chơn phác của những tiểu những điệu tuổi còn nhỏ hơn người con út của tôi. Và từ một người bạn mà tôi quen biết chưa lâu nhưng lạ thay, thân thiết như đã từng là tri kỷ. Nơi người bạn ấy, tôi học được sự dịu dàng của trái tim người và Tình Thương Rộng Lớn, vượt qua những xét đoán dung tục của thói quen suy nghĩ thông thường. Những năm gần đây, tôi hướng sinh hoạt tinh thần của mình theo một hướng khác, rời bỏ dần những tiếng động của đời sống thường nhật. Nhưng đồng thời với việc quay tìm tiếng nói bên trong, tôi cũng buồn rầu nhận ra đấy là một hành trình gian khó ngàn lần mà dường như trên con đường ngui ngút ấy, tôi đã không còn đủ sức lực và thời gian để bước đi, bởi những sức nặng ám ảnh vẫn đè lên trái tim mình yếu ớt. Bạn đã đến và nâng tôi dậy. Tấm lòng bạn đã chứa đựng tôi và dẫn tôi đi tiếp trên cung đường mới. Cho phép tôi gọi bạn là ngôi – nhà – của – những – đám – mây – tôi, đang buồn bã lang thang trong cuộc truy tìm câu trả lời cuối cùng. Nhiều đêm, người bạn tôi hiện lên trong giấc mơ với đôi mắt màu nâu sáng êm dịu, trong bóng mây trắng bồng bềnh đang chậm rãi dâng lên bầu trời xanh cao. Mây trắng, trong hệ thống biểu tượng Phật giáo, là hình ảnh của giải thoát. Không biết sẽ trôi về đâu trong mười phương vô tận ấy nhưng dường như tôi đã mơ hồ nghe được tiếng vọng của lời đáp tối hậu. Nhiều năm trước, trong một bài thơ dài viết về một người bạn khác, tôi cũng đã nghe những âm vang kia. Khi đó, cảm thức thi ca chiếm phần lớn trong trạng thái tâm thức ấy. Nhưng lần này thì rõ hơn, như thể chạm được vào sự yên tĩnh kia. Lòng tôi có chút an ủi, vì chân thực hiểu rằng, mình cũng chưa đến nổi chôn chân một chỗ trong khi thời gian vật lý của xác thân này vẫn không ngừng tiến về huyệt mộ đã chờ sẵn phía trước. Và trong tôi thầm lặng dâng lên lòng biết ơn sâu xa gửi về bạn, để thêm một lần nữa hiểu rằng, chỉ với Lòng Yêu rộng lớn, con người mới có thể vượt qua sự chi phối của những cái Không Thường,
Những ngày mùa đông Kim Sơn, tôi có dịp quay lại một tứ thơ đã viết từ mười mấy năm trước. Trong bài thơ ấy, ở đoạn đầu, tôi cho rằng ở tuổi năm mươi, cuộc đời hiện ra đẹp hơn và buồn hơn. Trong phần sau, sự thật được hoán vị ngược: cuộc đời buồn hơn và cũng đẹp hơn. Tiến trình nhận thức về ý nghĩa cuộc sống lấy bệ phóng từ chỗ nhìn thấy sự bất định và mong manh của vạn hữu nhưng không dừng lại trong sự bế tắc của chủ nghĩa hư vô mà sự thức tỉnh đầu tiên ấy chỉ có ý nghĩa khi nó tiếp tục dẫn con người bước đi tiếp trong cuộc tồn sinh, không phải để nói lời chia biệt với cuộc sống này mà ngược lại, quay tìm những giá trị lâu bền vốn vẫn tồn tại giữa cuộc đời. Đến đây, lại chợt nhớ câu nói của một nhà văn nước ngoài mà tôi đã đọc gần bốn mươi năm trước nhưng ngày ấy, ở độ tuổi thiếu niên, làm sao tôi có thể hiểu trọn vẹn: Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này. Giờ đây, tôi chia sẻ sâu xa hơn câu nói ấy và nếu được phép “triển khai” ý nghĩa, tôi sẽ thêm vào cái ý tưởng rằng, cuộc đời “buồn hơn và cũng đẹp hơn” vừa nói ở trên. Đẹp hơn, vì dù trái tim người có bị những ma chiết vò xé đớn đau thì nó cũng được bảo bọc bằng Niềm Yêu Rộng. Như thế, cuộc đời lại hiện ra trên bình diện trí tuệ hơn, khi nó phát lộ cho chúng ta hiểu ngộ rằng, cái khái niệm THƯỜNG và VÔ THƯỜNG không gì khác hơn là TÂM SOI CHIẾU của con người trước vạn hữu. Cũng như thế, Hạnh Phúc chính là Khổ Đau và ngược lại. Từ bệ phóng thứ hai này, thêm một cái mốc – kêu – gọi nữa xuất hiện: ấy là cái mà kinh sách gọi là KHÔNG DÍNH MẮC. Xin dừng lại ở đây, vì không dám rơi vào chỗ “nói theo” những gì mà bản thân chưa trãi nghiệm. Và thầm dặn lòng, hãy thường xuyên nhớ đến lời chỉ dạy của bậc đạo sư vĩ đại: Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì dễ lầm lạc, chỉ có vượt qua, vượt qua không ngừng… Gió không ngừng thổi qua ngọn Kim Sơn. Gió vẫn không ngừng thổi qua mọi niềm thịnh suy, hưng phế. Phải chăng, gió là sự vượt qua? Để đến chốn nào. Đến với Lòng Yêu Thương? Đến với cuộc đời này? Đến chỗ của cái CÓ và cái KHÔNG, trong một hòa điệu vắng bóng mà có thực.
Để dọn mình cho sự yên tĩnh, tôi đã dặn lòng không đọc không viết gì trong suốt thời gian ngụ ở Quán Thế Âm tự. Vậy mà hôm 25.11.2004, một ngày bão mưa gào thét, đứng nhìn lá cây bay rào rạt, nhìn tượng Quán Thế Âm bằng sa thạch đứng trầm mặc dưới trời u ám, tôi viết theo lối tẩu bút mấy bài đoản cú; sau đó chép tay và lần đầu tiên gửi đến tòa soạn báo Giác Ngộ. Bên lề sổ tay chép bài thơ, không hiểu sao tôi lại mù mờ ghi thêm dòng chữ: “Loại này khó in báo Giác Ngộ; nếu in, phải chăng có cơ duyên quay lại với Ngũ Hành Sơn?”. Khoảng nửa tháng sau, anh Miên Long vào tìm tôi và hỏi, anh có thơ in trên GN phải không? Ấy là do anh “loại suy” mà nói thế. Bởi vì cái tên Nguyễn Thiên Trung ghi trên bài thơ, giờ đây chỉ còn vài người làm công tác nghiên cứu văn học tại các đô thị miền Nam trước năm 1975 và dăm người bạn văn biết mà thôi. Sau đó thầy Sĩ đưa cho tôi xem tờ báo ngày 9.12.2004, có in hai bài thơ ngắn ấy. Tôi không nghĩ lời ghi bất chợt trong sổ tay là điều sẽ “vận” vào bản thân, bởi tôi vẫn chưa biết sẽ có dịp nào quay lại ngôi chùa đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi hay không? Tôi vẫn còn “lênh đênh” biết bao: vẫn chưa biết mình sẽ như thế nào, sẽ làm gì, đôi khi, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi! Nhưng tôi lại bướng bỉnh tự an ủi rằng, dù có trở lại ngôi chùa này hay không, thì việc đó không phải là chuyện của một sự chuyển dịch cơ học bình thường. Bởi tôi hiểu rằng, dù xa xôi đến mấy, có một lúc nào đó, những gì tôi đã thọ nhận trong mùa đông Kim Sơn sẽ hiện ra trong tôi như một cơ thể sống, không cần biết đến những giới hạn của thời gian hay sự ngăn cách của không gian. Bởi vì những rào cản này là không có thực. Bởi vì, mười sáu năm trước, trong một buổi chiều về lại cái thị xã buồn thiu của những năm tháng thiếu thời, nhớ đến một người bạn gái thân mến, tôi rơi vào ước muốn vượt thoát khỏi những trói buộc dường như mỗi ngày mỗi nhấn chìm tôi, đồng thời lại hiểu rằng, chỉ có thể tìm thấy chút an ủi sau khi nhận ra tất cả sức mạnh của những rào cản: Muốn sống bên ngoài các giới hạn / mà thời gian giăng khắp mọi miền / Bước đi giữa một hoàng hôn gió / Tiếng ghế khua bên nhánh tay mềm. Mười sáu năm chỉ để đi được một bước ngắn ngủi như thế, cho tôi hiểu rằng, mấy mươi năm sống trên đời chỉ là một khoảnh khắc trong dòng sống miên viễn. Và thêm điều này nữa: Con Người vẫn còn cất lên tiếng kêu cứu không biết đến bao giờ mới chấm dứt! Nhưng đồng thời tôi lại tin rằng, vẫn luôn luôn âm vang tiếng trả lời đâu đó trong hư không, trong chính từ đáy sâu lòng người, miễn là con người còn biết thức tỉnh, còn biết cất lên tiếng kêu mong muốn vượt ra khỏi cái khổ não vốn ẩn sâu trong bao kiếp đời trôi giạt. Tiếng trả lời ấy, chính là tiếng Quán Âm dịu dàng mà tôi đã may mắn thêm một lần thọ nhận trong những ngày mùa đông Kim Sơn…
Với riêng mình, cho tôi gọi những ngày tháng ấy và nơi chốn ấy là, nơi-không-có-thời-gian.
Và tự dặn lòng, có lẽ công việc quan trọng nhất của tôi từ đây cho đến cuối đời, là phải thường xuyên cố gắng để trở lại, để hòa nhập từng bước sâu hơn vào cái không-thời-gian ấy.
Cầu xin Đức Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho kẻ vẫn còn tràn đầy phiền não tội lỗi này!

Phú Nhuận, 28.2.2005

 

Phía bên kia

Gửi những con đường đã đi qua
Có ai trong đời mà chưa một lần đứng trước một dòng sông, để nhìn về phía bên kia? Và, phía bên kia là bên nào?
Không hề có… sự thực ấy; nhưng lại vẫn có, bởi, là do cái sự “định vị” mà thôi. Bên kia, là do bởi bên này. Của những đô thị dần hình thành theo thời gian, tự những ngày xa, và tự… bây giờ.
Và, liên tưởng cứ như con ngựa, dẫn về những không cùng tận của không-thời-gian, chiều nay.

*

NGÀY XƯA. Trong cái khoảng không cùng tận của ngui ngút dòng trôi ấy, biết đâu mà gọi là ngày xưa? Con người đã ghi lại dấu tích của mồ hôi và cả máu trên cát trắng duyên hải. Để trên đường Nam tiến của tộc Việt, có những ngôi chùa gửi thêm những tiếng u trầm vào nghĩa sống; có người thi sĩ với câu hỏi như một khát vọng nối liền giữa hư không với con người: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận / Chẳng biết xa lòng có những ai (Phạm Hầu); có bao nhiêu làng nghề với bàn tay những nghệ nhân tài hoa đã đánh thức giấc ngủ ngàn năm của gỗ – đá để làm nên những sản phẩm có linh hồn… Và bao nhiêu dấu ghi khác nữa…
Biết bao tên đất-tên người trên suốt những dặm dài ven biển, của chiều dài ngàn năm. Để làm nên lịch sử và tất cả những gì ẩn chứa trong khái niệm văn – hóa – biển.

*

BÂY GIỜ. Lẽ nào, lòng không gợn lên một ít vui, khi nhìn những cây cầu nối về phía bên kia. Chiếc cầu, có thể là con đường, nhưng từ trong cái nghĩa sâu xa, đó là những bàn tay. Bàn tay, là để nối kết những bàn tay. Cũng như, cuộc sống là giấc mơ này gọi giấc mơ khác. Để nơi giao hòa giữa biển cả với núi rừng trở thành những khu du lịch thơ mộng, nơi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng phải “kêu lên”: Ơi cây rong xanh của biển chiều nay / Tôi làm sao bắt gặp được em bên kia ngưỡng cửa cuộc đời mình…

*

NGHĨ SUY. Nếu cái dòng sống của một cộng đồng là sự tổng thành của những giấc mơ thì tinh anh của sự mộng mơ lại phải được dựng nên từ tấm lòng hướng về phía đám đông và vì lợi lạc của người khác. Cũng có nghĩa là, mọi nỗ lực hướng về Ngày Mai chỉ có ý nghĩa khi Biết Lắng Nghe. Và, để có thể đón nhận những tiếng nói khác, phải biết Dừng Lại – Ngó Lui. Và Suy Nghĩ. Trước khi Nhìn Tới. Nếu được như vậy, ý thức dự phóng sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Để Nhìn Xa hơn trong một định nghĩa đa chiều kích về Hạnh Phúc: Đời sống của nhân quần đâu phải chỉ là những con số thống kê về áo cơm và những tiện nghi vật chất. Mà chính xác hơn, hạnh phúc chính là Niềm Vui, là sự nhẹ nhàng khi ở cuối một ngày của đất trời ban tặng, ta biết ta đã làm việc hết lòng, là niềm phấn khích khi mỗi sáng thức dậy, biết đón chờ những giờ khắc của công việc có ích…

*

Ở BÊN NÀY. Bên kia, là gió, là ánh sáng của hy vọng, trên một vùng đất còn có thể “rộng tay” hơn cho những dự định. Bên này, ngổn ngang hơn, vì phải làm ra cái mới trên một nền cũ. Biết mấy khó khăn. Không nói việc cao xa, chỉ một cơn mưa ồ ạt không kéo dài, nhiều con đường phố đã ngập tràn nước… cống rãnh hôi hám. Chuyện có vẻ vặt vãnh ấy, lẽ nào lại là chuyện nhỏ trong bài toán quản lý đô thị? Và, một việc nhỏ khác: Tại sao “những trụ cột tương lai của đất nước” lại phóng nhanh vượt ấu kinh hoàng đến thế? Điều ấy, không hề là chuyện nhỏ, mà đúng ra, lại là chuyện… kỳ cực khó sửa sai. Người sống ở thành phố, nhưng đã được là thị dân chưa? Sự “đối mặt” giữa thành phố biển sinh thái và nhà cao tầng phải “giải” thế nào đây cho hợp lý? Văn hóa, không hề là cái xác chữ, mà phải là một thái độ văn minh, trong nhiều góc độ và trên nhiều bình diện…
Mọi suy nghĩ – luận bàn, đáo cùng, cũng phải quay về trên nền tảng của một triết lý sống: Tâm lành – Ý sáng. Sống kiêu hãnh làm Người, nhưng không hề được phép kiêu ngạo… Nhưng, dường như, sự kiêu ngạo (luôn có nguồn gốc từ sự… thấp trí) lại đang ở vào buổi thắng thời !?

*

Giờ đây, đứng trước biển và nhớ lại màu hoa nở hồng trên con đường cong như một cánh cung. Nhớ lại những được – không, còn – mất trong đời… Và đón nhận hơi gió mặn đang thổi khô lưng áo mặn? Đến bao giờ và bằng cách nào, hai vị mặn ấy mới tan vào nhau trong một chung cùng? Ngoài biển xa kia lại hiện lên câu hỏi: Tôi khóc những chân trời không có người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời.(*)
Chân trời ư? Ai đang ở nơi những chân trời? Những người nông dân cần cù chịu đựng của chúng ta đang ở chân trời nào?
Và gió vẫn thổi về từ bước chân những lưu dân, từ những năm tháng nào xa ngút? Như những lời chứng. Lặng lẽ, mà không hề phai.
Và, hơi lạnh tàn đông đang tan dần, chầm chậm. Bay đi những giá buốt. Cho thời khắc của sự phục sinh. Đang trở lại…


(*): thơ Trần Dần
Tháng 8.2010

 

Lên non ngắm trúc

Không phải để tắm biển, vì biển động. Cũng không để ngắm mây trời từ Bãi Bụt. Vì gió lớn. Cuối năm. Một ngày mùa đông. Trời se mù nhưng không mưa. Lặng lẽ bên tách trà thơm cùng bạn. Và ngắm trúc. Chẳng lẽ đó không là niềm vui?

*

Không phải lá trúc che ngang mặt chữ điền ấm nồng mùi vị trần thế của Hàn Mặc Tử. Cũng không là kỷ niệm bước đi dưới tre bồng chân sáo của Thu Bồn thời ấu thơ… Mà, thấp thoáng phong vị dò trúc xông qua làn suối / Tìm mai theo đạp bóng trăng của Ức Trai tiên sinh sáu trăm năm trước. Chỉ thấp thoáng thôi, bởi, làm sao có thể kéo thời gian quay ngược? Nói “thấp thoáng”, là hàm ẩn ước vọng tìm về. Tìm lại thời xa xanh cũ, lẽ nào không là điều cần thiết giữa thắng thời của những tiếng-vật-chất?
Lan man như thế, là cái tâm thế cần có: giữa nhịp sống đang băng nhanh, quý biết bao khoảnh khắc thư giãn, như một trong ba điều mà Bill Gate đã từng nhắn gửi. Lan man qua chén trà thứ ba, như thi sĩ Lô Đồng đã “hát”: chén thứ hai phá tan nỗi cô quạnh của ta… Uống đến chén thứ năm, lòng thấy lâng lâng thanh tịnh thì… tre trúc hiện ra. Trước mắt, đã có gần 100 loại, rải rác trên diện tích gần một hecta. Còn trong… mơ ước, thì người tu sĩ đang trầm ngâm bên tôi nhẹ nhàng: “Nếu đủ nhân duyên, nơi đây sẽ trở thành một điểm bảo tồn khoảng 200 loại tre trúc Việt Nam”. Nơi đây, là khu vực Suối Đá, tiểu khu 64 rừng bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Nơi ấy sẽ có dăm căn nhà nhỏ bé dựa vào vách núi, dưới bóng xanh cây. Cảnh mộc mạc tự nhiên bên tiếng suối, có ao sen và nơi ngắm trăng trong những sinh hoạt thơ ca-âm nhạc cho người Đà Nẵng. Có những tạo dựng không mang “mùi” cơ giới. Sẽ là chỗ cho giới văn nghệ sĩ cả nước tìm đến-dừng chân mà thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành phố biển này. Cứ đến và sống đạm bạc như chủ nhân. Cứ sáng tác, nếu có cảm hứng. Không “đơn đặt hàng” nào cả. Mà thông thường, tác phẩm chân chính sẽ ra đời trong những điều kiện tự nhiên như thế.
Nghe chuyện, lại thấy hiện ra phong quang của Huyền Không sơn thượng, khoảng mươi cây số phía tây thành Huế. Nơi ấy, mười mấy năm trước, vị tu sĩ-nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã âm thầm chọn cho mình nơi tu-học và bắt đầu làm đẹp khoảng 60 hecta trên vùng gò đồi trơ trụi. Giờ đây, chốn heo hút ngày nào đã là điểm dừng chân cho người yêu cái đẹp trong Nam ngoài Bắc, khi đến Huế. Cái Đẹp thực sự luôn có sức thu hút riêng, không cần những khoa trương ồn ào.
Nhưng khác với Huyền Không sơn thượng vốn chỉ là nơi ngụ của một số tu sĩ; ngoài điều vừa nói trên, nơi đây sẽ còn là điểm của những cuộc trò chuyện về phép dưỡng sinh-chữa bệnh và là chỗ tưởng niệm vị vua anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông… Sẽ ủng hộ hay không, một nơi có thể thu về thứ tiền… vô hình, nhiều đến mức không tính đếm được: nét đặc thù của một vị trí du lịch, vừa là chốn tịnh tâm-dưỡng sinh đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa có nét đẹp riêng…
Tất cả những gì đang bày ra trước mắt, chỉ mới bắt đầu từ sáu năm nay. Chỉ với sự giúp đỡ của một nhóm người đồng cảm. Và, người tu sĩ trẻ này vẫn đang ngày ngày đánh vật với công việc lao động chân tay nặng nhọc, từng chút từng chút một, cho khoảnh rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín, bãi đá gồ ghề năm năm trước hiện ra dáng nét của ước mơ hình thành một điểm sáng cho Đà Nẵng. Còn lắm khó khăn, nhưng có việc gì mà không bắt đầu từ những giấc mơ, nơi chứa đựng tiềm năng không bờ bến.

*

Xuống núi. Chiều đang dần sẫm lại. Thoảng sau màn mây xám, một thoáng trăng non. Không phải vầng trăng khắc khoải nỗi tư hương Sàng tiền khán nguyệt quang / Nghi thị địa thượng sương (1) của Thi tiên Lý Bạch hay dáng nguyệt mê sảng trong thơ Thi quỉ Lý Hạ: Lão thố hàn thiềm khấp thiên sắc / Vân lâu bán khai bích tà bạch (2). Mà, Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ / Quế lãnh thiềm hàn chi má hưu (3) của nhà vua-thi sĩ Trần Nhân Tông cùng ý chỉ Đạo-trong-đời, đã đưa người đẹp Hằng Nga hóa thành người thiếu phụ Việt, trở lại với chốn trần gian xinh tươi này để thưởng lãm nét đẹp ngày xuân.
Và, Tịnh viên Sơn Trà dường như hiện ra đâu đó, trong hư không. Như Áo Nghĩa Thư đã từng hiển lộ: Tất cả xuất hiện từ không gian và trở thành không gian, nơi chúng xuất phát, nơi chúng thực sự bắt đầu…

*

Phía bên kia cầu Thuận Phước, trong đêm tối và trong nhịp mùa rộng gió xanh non, thành phố lấp lánh màu xuân mới…

12.2010
(Doanh Nhân cuối tuần, xuân Quý Hợi-2013)


(1): Trước giường thấy ánh trăng / Ngỡ sương giăng mặt đất
(2): Con thỏ già, con cóc lạnh khóc ướt trời / Lầu mây hé mở, vách ngã sang màu trắng)
(3): Nếu Hằng Nga mà biết nét thanh nhã của hoa / thì chắc không còn ưa thích cây quế nơi cung thiềm lạnh lẽo)

 

Má ơi !

Sau nhiều năm tháng, tôi đã viết một số lượng chữ có thể tạm gọi là… kha khá. Vừa do công việc, vừa do sở thích riêng. Cũng đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, đề tài, với nhiều hình thức và giọng điệu khác nhau… Nhưng không hiểu vì sao, chưa lần nào tôi đề cập ý niệm về NGƯỜI MẸ. Có phải vì điều ấy gần gũi quá chăng, gần đến độ lắm khi thờ ơ hoặc quên lãng? (Con người vẫn… bội bạc thế đấy, mà thường vẫn không nhận biết điều này!). Hay là, từ trong vô thức, tự biết rằng, rất khó có thể “diễn tả” được đôi điều liên quan đến trạng thái tâm thức này?! Câu hỏi và trả lời ấy, đành xin dành cho những… bất khả vậy.

*

Dạy con, Má tôi ít khi phải dùng đến roi vọt. Mà mỗi lần, cũng chỉ vài roi. Nhưng rất đau. Má luôn “hài tội” tôi hư nghịch như thế nào, rồi: “Nhớ không con?” xong, mới vụt một roi. Khuôn mặt Má buồn bã, đôi mắt Má rươm rướm. Mấy anh chị em tôi đều hiểu lòng Má đau mỗi khi phải cầm đến cái roi mây, nên hầu như rất ít bị đòn…
Mùa đông năm ấy, Má mua cho tôi và người anh con ông bác (từ quê nhà Giao Thủy-Đại Lộc ra trọ học ở nhà tôi) mỗi đứa một cái áo ấm bằng nỉ bình thường. Tôi thích cái áo có cổ viền bằng nhung, và nằng nặc đòi. Hồi ấy, việc làm ăn của gia đình tôi đã bắt đầu đi xuống. Má tôi chìu ý, nhưng khi đưa chiếc áo cho tôi, mắt Má buồn. Sau đó, tôi mới biết, cái áo tôi thích đắt tiền hơn… Mãi đến tận bây giờ, hơn 50 năm sau, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn ân hận vì đã gây ra điều làm cho Má buồn…
Rồi tôi lớn lên, đi học xa. Xa Má, xa nhà, xa Hội An. Cũng nhớ Má, nhưng những ảo tưởng, ảo vọng của tuổi 20 khiến cho tôi lao vào những cơn xoáy của lịch sử, nỗi nhớ cũng dần dần được quen-và-quên. Rồi một lần, Má gửi vào Sài Gòn cho tôi một khay nhỏ xôi đường (*). Mấy người bạn cùng trọ chung một căn gác, cùng là đồng hương, rất thích món ăn “quê nhà” ấy, nên… xơi sạch, quên không “để phần” cho tôi. Không thuộc tạng khỏe ăn, tôi ít chú ý việc ăn uống, nhưng chưa bao giờ tôi lại tức giận vì bị… mất ăn như lần ấy. Gần như tôi đã muốn khóc. Mấy anh bạn, khi đó mới giật mình, vì đã lỡ quên cái điều có vẻ nhỏ mọn mà lại thiêng liêng như thế…

*

Như nhiều người mẹ khác, Má tôi không muốn người khác phải bận lòng vì mình. Trong thời gian trước khi Má qua đời, em gái tôi đã lo liệu chu đáo mọi điều cho Má, nhưng Má vẫn tự lo việc vệ sinh cá nhân, dù đã có một người bên cạnh chăm sóc. Có một số tiền dành dụm, Má bảo tôi giữ để lo hậu sự. Cái tính thu xếp công việc cho vén khéo của người Mẹ Việt sao lại trùng hợp với điều mà người con Phật nên làm, trong ý nghĩa nhân quả. Tôi phải nhờ em gái giữ giúp, vì vốn hay… đánh mất. Nhiều đêm, Má thì thầm khấn nguyện rất lâu: “Lạy Phật Bà, xin cho con được ra đi sớm…”. Vậy mà, trong khuya khoắt yên lặng, đôi lần Má nắm chặt tay tôi. Tôi hiểu, trong bóng tối của đôi mắt đã lòa và trong sự im lặng kéo dài của đôi tai đã không còn nghe rõ, cái bản năng sống của hằng bao kiếp đời và nghiệp lực đang lên tiếng… Buổi tối cuối cùng, tôi lên chùa cầu an cho Má xong, về nhà con gái tôi, tắt điện thoại và ngủ luôn đến năm giờ sáng. Mở máy, mới đọc tin nhắn của vợ tôi: “Má mất lúc 11giờ…”. Qua nhà em gái, Má vẫn nằm đó, nhỏ bé, quắt queo. Tôi xoa dầu nóng và rượu gừng, sửa lại tư thế cho Má, vì không muốn để những người khâm liệm chuyên nghiệp làm Má đau. Phải mất gần ba giờ đồng hồ: Má tôi đã 96 tuổi, lại phải nằm một chỗ, sau lần cuối cùng bị té ngã…

*

Má tôi không biết chữ, dù nhà ông ngoại tôi không quá nghèo: Vào cuối thế kỷ XIX – đầu XX, chẳng có mấy gia đình ở miền Trung cho con gái đi học. Khi nghe Bà Nội bàn luận những chuyện “đời xưa”, con gái tôi xuýt xoa: “Bà mà được đi học, chắc chắn sẽ học rất giỏi”. Ký ức của Má tôi tốt: Bà nhớ chi tiết nhiều chuyện, kể lại rất khúc chiết. Cả ngày-giờ, quang cảnh, thời tiết… lúc các con ra đời, Má đều nhớ rõ. Trong một lần bàn bạc việc gia đình, anh trai tôi bảo: “Cứ tưởng anh em mình có hiểu biết nhờ đọc được chút ít sách, hóa ra, Má giải quyết đúng hơn…”. Chính cái-biết bình thường của một người bình dân giữ được “nếp nhà” đã làm nên sự sáng suốt, hơn hẳn mớ sách vở thuần lý của chúng tôi. Có lần, tôi nói với các con: “Bà Nội không đi học ở trường, nhưng nơi Bà, còn quá nhiều điều mà chính Ba không học được”…

*

Đêm đầu tiên Má ra đi, anh chị em tôi và con cháu tề tựu trước quan tài. Tôi đã trò chuyện với Má, như lúc Má còn thở. Gia đình không báo tin cho ai và yêu cầu cơ sở dịch vụ mai táng không cờ quạt, không kèn trống-âm nhạc. Nhưng nhà giữa phố, khó giấu được: người viếng quá đông. Giữa ý muốn giữ yên tĩnh cho đám tang và lòng biết ơn trước tình cảm-tập quán của quyến thuộc và bằng hữu, biết làm sao đây? Anh cả tôi đọc điếu văn, con cháu đều biết, người vừa ra đi là người… Biết quí từng chén cơm, dạy con lẽ cần kiệm thật thà / Coi trọng mỗi lời nói, răn cháu lý ăn ngay ở thẳng… Giọng anh nghẹn lại: Mất-Còn, Tử-Sinh vốn là MỘT / Sống-Chết, Tồn-Diệt cũng là KHÔNG… Biết vậy, mà, mặc dù đã “cấm” các cháu không được khóc lóc, sao cổ họng tôi cứ thắt lại…

*

Bây giờ Má ở đâu?
Câu hỏi thường tình ấy, tôi biết, chỉ là cái quán tính của sự trói buộc tâm lý. Tin vào nhân quả như một định luật của vũ trụ, tôi biết, Má đang ở một nơi tốt đẹp hơn cõi sống này. Giản dị, chỉ vì Má đã sống gần trọn một trăm năm với tấm lòng chân thực và không hề chủ tâm gây ra điều ác cho người khác. Cũng như tám năm trước, khi Bà Ngoại của các con tôi ra đi, tôi tiễn Mẹ với lòng tin, Mẹ sẽ về nơi của những người bình thường-lương thiện / Những con người đổ mồ hôi trong chén cơm còn lưng / Những con người mà nếu không có họ / Cuộc đời này sẽ là sự trống không…
Má ơi…

25.5.2011, sắp đến ngày Má ra đi (18.5 nhuận, Kỷ Sửu-10.7.2009)
(Báo Đà Nẵng cuối tuần & Văn hóa Phật giáo, tháng 5.2011)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây