MSC 60 – Hòa bình thông qua đối thoại

MSC 60 - Hòa bình thông qua đối thoại

Toàn cảnh phiên khai mạc MSC 60. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Diễn ra từ 16-18/2 tại TP Munich ở miền Nam nước Đức, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 (MSC 60), mang chủ đề ‘Hòa bình thông qua đối thoại’, quy tụ hơn 450 đại biểu tham dự, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các nhân vật hàng đầu của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đại diện của ngành công nghiệp, truyền thông, giới nghiên cứu và xã hội dân sự để cùng tham gia tranh luận chuyên sâu về chính sách an ninh toàn cầu. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian đối thoại và hòa giải giữa các nước.

Chương trình chính của hội nghị được bắt đầu với trọng tâm là các thách thức an ninh toàn cầu, trong đó có tương lai của quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, an ninh khí hậu, an ninh hạt nhân, di cư và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI). Tiếp sau đó là các cuộc thảo luận về hiện trạng trật tự quốc tế cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực, từ Ukraine đến Sudan và Trung Đông.

Vai trò của châu Âu trên thế giới và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với các đối tác cũng là những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch MSC 2024 Christoph Heusgen bày tỏ hi vọng rằng những người tham gia sẽ tìm được cơ hội tốt trong các cuộc thảo luận bàn về thách thức an ninh cấp bách trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng. Ông nhấn mạnh: “MSC là một hội nghị có khát vọng toàn cầu. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn tập trung vào các vấn đề toàn cầu quan trọng nhất. Chúng tôi không muốn giới hạn hội nghị trong cuộc xung đột ở chính châu Âu. Chủ đề chính sẽ là: Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy điểm sáng trong tất cả những cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi hi vọng Hội nghị an ninh Munich sẽ tạo cơ hội cho những bước tiến dù nhỏ. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đi là “Hòa bình thông qua đối thoại” và chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng cho các cuộc đối thoại này”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Người đứng đầu LHQ nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”. Theo ông, nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương LHQ, tất cả người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp, số người phải chạy nạn trên thế giới hiện đã tăng cao kỷ lục. Tổng Thư ký Antonio Guterres cho rằng, tình hình ở Dải Gaza là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây thực sự gây choáng váng. Trong khi đó, chiến tranh cũng đang lan rộng ra toàn bộ khu vực và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Đề cập tới xung đột giữa Nga và Ukraine, nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh: “Cần một nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine, cho Nga và thế giới. Đó là một nền hòa bình phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó thiết lập nghĩa vụ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký Antonio Guterres đề cập tới “Chương trình Nghị sự mới vì Hòa bình”, ý tưởng được LHQ công bố tháng 7/2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua điều mà ông gọi là “một chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm”. Ông nhắc lại khuyến nghị cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh hơn đến vai trò của phát triển bền vững và hành động khí hậu trong ngăn ngừa xung đột. Chương trình nghị sự mới này sẽ được thảo luận chi tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến diễn ra tháng 9 tới tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Người đứng đầu LHQ đồng thời cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, tình trạng bạo lực do hận thù tôn giáo và phân biệt chủng tộc trên thế giới. Một báo cáo công bố trước thềm MSC năm nay cho thấy, dù Nga vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo chính trị, song các cử tri châu Âu giờ đây lo lắng hơn về vấn đề di cư do biến đổi khí hậu và xung đột, cũng như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Đáng chú ý, báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn kinh tế gia tăng, ngày càng nhiều chính phủ ưu tiên lợi ích tương đối thay vì tham gia vào hợp tác tổng lợi nhuận. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi các công ty công nghệ nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm soát các nội dung thù hận trên không gian mạng và chấm dứt việc thu lợi nhuận từ những nội dung này.

Về phía giới chuyên gia, ông Tobias Bunde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Hertie ở Berlin, Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại MSC nhận định, nếu cộng đồng quốc tế từng đi đúng hướng để hướng tới một trật tự toàn cầu hòa bình và công bằng hơn, thì đó là vào những năm đầu hậu Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế từ lâu đã lấn át sự lạc quan và tham vọng của thời kỳ đó. Để giải quyết vấn đề này, cộng đồng quốc tế cần phải ngăn chặn nỗi lo sợ về những kết quả bất bình đẳng đang phổ biến trong các cuộc tranh luận chính sách.

Liên quan đến cuộc xung đột Israel – Hamas, phát biểu với báo giới bên lề MSC 60, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, cam kết nước này sẽ phối hợp với Ai Cập để đối phó với làn sóng người tị nạn Palestine tại TP Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở phía Nam Dải Gaza giáp với Ai Cập. Ông đề xuất di dời người Palestine đang lánh nạn ở Rafah đến Khan Younis, thành phố lớn thứ hai ở Dải Gaza, đồng thời khẳng định Israel sẽ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các lợi ích của quốc gia Bắc Phi. Trong khi đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi ngày 16/2 (giờ địa phương) cảnh báo, làn sóng tị nạn từ Rafah sẽ trở thành “thảm họa” không chỉ với người Palestine mà cả Ai Cập.

Khổng Hà

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây