Mỹ học Trạng Trình!

Mỹ học Trạng Trình!
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngôi nhà mỹ học Việt Nam hiện đại phải có nền móng là hệ thống những quan niệm về cái đẹp của cha ông thể hiện trong văn học dân gian, trong sáng tác của các tác gia lớn. Bài viết xin tìm hiểu trên nét lớn mỹ học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), soi vào ngày hôm nay để thấy chúng ta còn phải học nhiều hơn từ truyền thống.

Trong “Tân quán ngụ hứng” (bài số 47, chữ Hán) Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm cái đẹp là cơ sở để đất nước hòa bình, phát triển: “Nghìn thứ hoa đua nhau vẻ đẹp, đất này cứ xuân mãi/ Hai vầng nhật nguyệt thay nhau chiếu dọi, vùng trời không có đêm/ Khi vui thì đem tâm mình mà dung hòa cảnh sắc ngoài chốn bụi bặm”.

Ngoài nghĩa đen, hình tượng hoa thiên về nghĩa ẩn dụ chỉ con người. Mỗi người một vẻ đẹp thì đất nước ắt là cả mùa xuân và mãi mãi xuân. Đặt trong quan niệm chung có thể hiểu “hai vầng nhật nguyệt” là đạo Nho và đạo Phật cùng soi sáng nhân quần. Đất nước thanh bình yên ả thì con người cũng vui, vui cả trong tâm tính, cả biểu hiện bên ngoài. Đây là cái nhìn mới gắn liền nghệ thuật với đời sống con người và xã hội. Cái đẹp vừa là cơ sở vừa là động lực cũng là mục đích của xã hội.

Chủ trương xây dựng một xã hội hài hòa hướng về cái đẹp Trạng Trình đề cao giáo dục đạo đức. Ở bài “Ngụ hứng” (số 4) có hai câu thể hiện rõ quan niệm này: “Huề hương hoa mãn kính/ Thực đức hạnh thành lâm” (Thoảng mùi thơm có hoa đầy luống/ Trồng cây đức hạnh thành rừng). Mỗi người là một “cây đức hạnh” cả xã hội thành “rừng” đức hạnh thì sẽ là một xã hội thịnh trị. Nhà thơ quan niệm xây dựng cái đẹp gắn với sự từ bi của đạo Phật: “Khai thì bất yếu tranh xuân sắc/ Chỉ yếu như như kiến Phật tâm – Hoa nở chẳng phải để tranh đua sắc xuân/ Cốt đạt đến vẻ chân như để thấy tâm Phật” (Ưu đàm hoa).

Xuất phát từ quan niệm cái đẹp không tĩnh tại mà trong thế phát triển nên ở thơ ông hay gặp hình ảnh cái đẹp đi cùng cái mới: “Vô hạn xuân phong hảo/ Kim niên thắng tích niên – Gió xuân hòa dịu vô cùng/ Năm nay đẹp hơn năm trước” (Trung tân quán ngụ hứng). Mỹ học Trạng Trình giản dị, chân quê nhưng luôn mới: “Tối ái ngư ông giang thượng địch/ Lạc mai nhất khúc lộng tân thanh – Đáng ưa nhất là tiếng sáo của ông chài trên sông/ Một khúc Lạc mai phổ vào điệu nhạc mới” (Ngụ hứng số 7). “Lạc mai” (hoa mai rụng) vốn là khúc hát cổ phương Đông phải được “phổ vào điệu nhạc mới”. Có thể hiểu với tác phẩm nghệ thuật thì nội dung có thể truyền thống nhưng phải được thể hiện bằng hình thức mới. Ý này có cả trong bài “Tích hoa”: “Nhất chi cựu thị nhất chi tân – Một cành cũ mà cũng là một cành mới”. Rất rõ một sự kế thừa tư tưởng mỹ học cái mới của Phật hoàng Trần Nhân Tông: Mỗi lần nêu là một lần mới!

Có cái gốc là mỹ học bình dân, gần dân nên thơ ông chuộng sự giản dị: “Văn tự tòng kim bất yếu công – Văn chương từ nay không cần trau chuốt” (Tự thuật 2). Hình tượng thơ mộc mạc dân giã: “Tạ khước hồng lâu tử mạch nhàn/ Nhậm tùy dã dật bạn khê san – Từ giã chốn lầu hồng, ngõ tía thanh nhàn/ Thích mọc ở đồng nội, bạn với suối khe” (Dã hoa thi), không ưa cái xảo: “Tự cổ xảo ngôn thành khả úy – Từ xưa lời khéo rất đáng sợ” (Bách thiệt thi). Thế nên nhà thơ tôn trọng bản thể tự nhiên của mình: “Nhàn lai ngô diệc lạc ngô thiên – Khi nhàn ta vui với tính tự nhiên của ta” (Ngụ hứng). Do vậy mà tránh xa cái lụy vật chất: “Lợi danh tự tiếu vi thân lụy – Danh lợi, tự cười đó là cái lụy cho thân mình” (Tân quán ngụ hứng 52). Nhiều lần ông nhắc đến chuyện rời bỏ danh lợi để về với suối khe mà vui cái thú lâm tuyền.

Xin nhấn mạnh một quan niệm mỹ học hiện đại (chưa thấy nhà nghiên cứu nào phân tích) ở Trạng Trình là sự thích nghi, điều mà ở ngày hôm nay, rất nên học tập: “Cự sương khai xứ tối nghi sương – Chống chọi với sương giá tốt nhất là thích nghi với sương giá” (Phù dung hoa thi).

Triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) của thế giới đương đại đang trong quá trình xác lập mô hình con người văn hóa trên cơ sở tích hợp nhiều nguồn văn hóa, bao gồm: tri thức, khoan dung, hòa đồng, tôn trọng cái đẹp tự nhiên, thấu hiểu và thấu cảm để gắn kết và gắn nối con người với con người, với tự nhiên, với xã hội… Thật ngạc nhiên và tự hào, những vấn đề ấy lại biểu hiện một cách tương đối đầy đủ và hệ thống trong mỹ học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Điều ấy cho thấy ông là con người của nhân loại, mang tầm văn hóa nhân loại, đi trước thời đại.

Là nhà Nho nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm học Phật, hiểu Phật, am hiểu sâu sắc Lão Trang, giỏi Dịch lý và phong thủy. Đó là các mạch nguồn tri thức để cây đại thụ Trạng Trình kết nên những trái cây tư tưởng “liên văn hóa” đích thực.

Bài “Trung Tân quán bi ký” mang tính tuyên ngôn: “Trung nghĩa là trung chính vậy. Giữ được toàn vẹn tính thiện của mình là trung, không giữ được toàn vẹn tính thiện của mình thì không phải là trung vậy. Tân tức là bến vậy. Biết chỗ dừng, đó là đúng bến; không biết chỗ dừng, thì là lạc bến vậy”.

Có thể hiểu“bến” là bến bờ Giác ngộ. Muốn cập bến Giác ngộ, phải có hiểu biết, còn không sẽ bị “lạc bến” mà trôi vào bể khổ của tham, sân, si… Đó sự tích hợp, tổng hòa rất đẹp của ba luồng tư tưởng lớn: Phật, Nho, Lão. Một biểu hiện của “tam giáo đồng nguyên” đặc sắc trong tư tưởng Việt Nam, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt.

Rung suoi lam tuyen – ve dep co dien cua my hoc phuong Dong min - Mỹ học Trạng Trình!Rừng suối (lâm tuyền) – vẻ đẹp cổ điển của mỹ học phương Đông!

Nhà thơ hay nói đến chữ “nhàn”: “Nhàn trung tối lạc sơn tuyền thú – Trong đời nhàn vui nhất là thú rừng suối” (Tân quán ngụ hứng 27). “Nhàn” không phải là không làm gì mà là “nhàn tâm”, “nhàn” với vòng danh lợi. Một cuộc sống thoát tục về tinh thần nhưng vẫn ở giữa trần gian vui những thú vui trần thế và những lo toan trần thế. Thơ ông có rất nhiều chữ tĩnh, tĩnh để suy ngẫm, tĩnh để nhàn, tĩnh trong càn khôn trời đất, tĩnh trong lòng người… Tĩnh để hiểu lẽ trời: “Càn khôn tĩnh lý suy – Lẽ trời đất hiểu được từ trong yên lặng” (“Hựu thập nhị vận”). Ngày nay người ta kêu gọi “sống chậm”, muốn vậy phải có “tĩnh”, không gian “tĩnh” và “tâm tĩnh”. Trạng Trình đi trướcnhiều!

Như là hệ quả của “tĩnh” mà thơ ông có rất nhiều chữ “tri” tức sự tính toán để biết thời thế: “Đắc toán nhiêu đa thắng/ Tri cơ thẩm vạn tuyền – Tính toán đúng thì thừa thắng lợi/ Biết cơ ứng biến được vẹn toàn” (Quan kỳ cổ ý). Có “tri” mới biết được bản chất, nguồn cội vấn đề: “Chí tĩnh tri chân lạc/ Vô hà hiện đức âm – Thật yên lặng, nhìn rõ nguồn vui đích thực/ Không tì vết nào, đức tốt hiển hiện” (Thạch giả sơn). Có “tri” mới thành người “trí” để tiên tri (biết trước). Đây cũng là quan niệm của Hồ Chí Minh sau này khi gọi văn nghệ sĩ là các bậc tiên tri, tiên giác!

Muốn có “tri”, không cách nào khác là phải đọc nhiều sách: “Thi thư thiên quyển trợ nghiên tinh – Ngàn quyển sách giúp cho sự nghiền ngẫm đạt đến tinh vi” (“Minh song thi 2”). Con người lười học, xã hội lười học, tất cả sẽ sa vào sự hoang dại, hoang hóa: “Thánh học trăn vu cửu thất chân – Thánh học hoang vu sẽ mất đi sự chân xác” (Tân quán ngụ hứng 21). Nhờ “tĩnh” để có “tri”, có “tri” nên trọng “hòa”, do vậy mà chữ “hòa” cũng có mặt với tần số rất cao. Hòa là “âm chủ” của nghệ thuật: “Các cảnh đẹp đều đầy đủ, song chưa có tiếng khánh, biết lấy gì đặng khiến người ta tự xét sâu xa, hiểu rõ thân nghiệp, rửa sạch nhĩ căn mà có sự cảnh tỉnh giác ngộ vậy thay!”.

Một xã hội lấy hòa làm trọng, lấy đạo đức làm gốc, đó là xã hội hạnh phúc, như ông nói: “Ta bảo: theo đạo để giác ngộ điều thiện, nhân thanh âm để dẫn đạo tinh thần, ắt phải chế tạo pháp khí đặng làm hình tượng vậy. Ôi, hòa là chủ của âm nhạc, thiện là gốc của giáo hóa. Khánh đá một khi treo lên, tiếng vang khôn cùng”. Chữ “đạo” ở đây nghĩa gốc là con đường, nên được hiểu rộng rãi, nếu ngày xưa là tôn giáo (Nho, Phật, Lão) thì nay có thể hiểu đó là một tư tưởng chính trị, một lý tưởng sống…

 Bốn chữ “tĩnh”, “tri”, “trí”, “hòa” như bốn đỉnh tháp tư tưởng sừng sững trong thế giới thơ Trình Quốc công. Hình như nhà thơ muốn khẳng định: xây tòa nhà giáo dục cho xã hội cũng như xây ngôi nhà nhân cách cho mỗi người phải lấy bốn chữ này làm bốn cột cái! Nếu thiếu “Tĩnh” con người sẽ không có bình tĩnh, điềm đạm mà dễ nóng giận; thiếu “Tri” sẽ dễ vô văn hóa; thiếu “Trí” sẽ không nhận ra đâu là phải trái; thiếu “Hòa” sẽ dễ gây ra xung đột… Mà hôm nay con người hình như đang thiếu cả bốn điều cơ bản ấy!!!

Nguyễn Thanh Tú
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây