Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại

Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại - Văn Hoá Nghệ Thuật

NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC VÀ HỘI HỌA HY LẠP CỔ ĐẠI

Vài nét về đặc điểm văn hóa, xã hội Hy lạp cổ đại

Vào khoảng thế kỷ VIII TCN, đất nước Hy Lạp cổ đại ra đời và hình thành trên một vùng đất đai rộng lớn, bao gồm phía Nam bán đảo Balkan, các đảo nhỏ thuộc vùng biển Aegean, khu vực Tiểu Á, vùng ven biển Hắc Hải. Mặc dù thiên nhiên ưu đãi Hy Lạp, đồng bằng Hy Lạp chiếm diện tích không nhỏ nhưng đất đai nơi đây không thích hợp để trồng lúa mì, lúa mạch. Người dân Hy Lạp phải nhập lương thực từ Ai Cập. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, làm gốm và nghề kim hoàn. Các sản phẩm thủ công của người Hy Lạp đã phát triển nổi tiếng khắp thế giới. Hàng thủ công xuất khẩu cũng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Hy Lạp. Phong cảnh của Hy Lạp trữ tình. Biển bao la, bầu trời xanh biếc, cánh đồng nho trĩu quả. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận tiện, đường bờ biển dài với nhiều vịnh, cảng nên các hoạt động thương mại của Hy Lạp cũng phát triển mạnh.

Hy Lạp là nơi tiếp giáp của ba Châu, vì vậy người dân nơi đây có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với nền văn minh phương Đông cổ đại và phát triển nên một nền văn minh độc đáo với nhiều thành tựu rực rỡ. Hy Lạp không thuận lợi về nông nghiệp song lại thuận lợi trong giao thông trên biển. Với tài nguyên dồi dào đã tạo điều kiện cho đất nước này phát triển thủ công nghiệp và ngoại thương, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền văn minh Hy Lạp, trong đó có nghệ thuật tạo hình. Cho đến tận ngày nay, khi nhắc đến Hy Lạp người ta sẽ nghĩ ngay đến đền thờ Pác-tê-nông (Parthénon), đến các pho tượng trên biển của Hy Lạp như tượng Người ném đĩa, tượng Vệ nữ Mi-lô,…

Nhà nước Hy Lạp cổ đại là xã hội chiếm hữu nô lệ chứa đựng những tư tưởng dân chủ tiến bộ, là nhà nước thông bang, ở đó có hai vua với quyền lực như nhau, vừa là thủ lĩnh quân sự, vừa là tăng lữ và người xử án. Chế độ xã hội ở đây là chế độ dân chủ chủ nô, chế độ đó mở đường cho các nhà khoa học, những nghệ sĩ, công dân tự do này được phát triển tài năng, trí sáng tạo. Điều đó giúp nghệ thuật cũng như khoa học Hy lạp cổ đại phát triển mạnh. Nghệ thuật Hy Lạp còn được nuôi dưỡng bằng một nguồn đất đặc biệt – nguồn thần thoại Hy Lạp. Quan niệm của người Hy Lạp về thế giới thần linh giống như thế giới con người. Đó là quan niệm “thần nhân đồng hình”. Quan niệm này chi phối tới việc xây cất các công trình kiến trúc. Những câu chuyện gợi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ tạo hình. Họ tìm thấy ở đây chất thơ, chất cảm xúc, thúc đẩy họ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, thấm đượm tinh thần nhân văn.

1.  Nghệ thuật điêu khắc

Thời cổ sơ (thế kỷ VII-VI TCN)

Trong nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp xuất hiện 2 loại tượng: Tượng nam khỏa thân và nữ mặc áo dài. Những tượng này được thể hiện trong dáng đứng thẳng, hai tay buông theo thân. Tượng trong dáng tĩnh, nghiêm trang, cân đối. Tỷ lệ cơ thể cũng như hình khối chưa chuẩn mực, chất liệu sử dụng là đá.

Thời gian này, trong điêu khắc Hy Lạp vẫn thấy những ảnh hưởng của ước lệ tạo hình phương Đông. Tượng “nhìn ngay ngó thẳng” và gắn liền với tôn giáo tín ngưỡng. Sang thế kỷ VI trong phong cách làm tượng đã có sự chuyển biến. Các tượng thẳng đứng như cây cột dần được thay thế bằng những pho tượng dáng động từ đơn giản đến phức tạp dần. Nửa đầu thế kỷ V, điêu khắc Hy Lạp được đánh dấu bằng các tác phẩm chạm nổi ở đền thờ thần diễn tả 12 chiến công người anh hùng Hec-quyn (Hercules). Con người được diễn tả ở nhiều tư thế vận động khác nhau rất sinh động. Hình tượng điêu khắc đã thoát khỏi sự chi phối của ước lệ tạo hình cơ sở.Nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp bước vào thời kỳ mới.

Thời cổ điển (thế kỷ V-IV TCN)

Từ giữa thế kỷ V thành bang A-ten đã phát triển trở thành trung tâm lớn của Hy Lạp cả về chế độ xã hội cũng như văn hóa nghệ thuật. Người đứng đầu về điêu khắc thời này là Phi-đi-át (Phiđias), Pô-ly-clét (Polycléte) và Mi-rông. Pô-ly-clét dành nhiều thời gian cho nghiên cứu và sáng tạo cho việc tìm ra tỷ lệ chuẩn cân đối, hài hòa của cơ thể nam giới. Tiêu biểu là Tượng Đô-ri-pho (Doryphore) người lực sỹ vác giáo có tỷ lệ 7 đầu; cân đối, hài hòa của các tỷ lệ giữa đầu, thân, tay, chân; sự mềm mại, sống động của hệ thống cơ; chất đá đã biến thành da thịt, cảm nhận được sự vững chắc của cơ thể, sự chuẩn xác về giải phẫu tạo hình kết hợp với cái đẹp của đường nét, hình khối. Mi-rông lại nghiên cứu dáng động của hình tượng con người. Tiêu biểu là Người ném đĩa cho ta hình ảnh của một lực sĩ cường tráng đang vận động hết sức của cơ thể để vung tay ném đĩa, ở đó có sự phối hợp cái đẹp về dáng, về hình, về tỷ lệ. Trong sự phối hợp phần chân nghiêng và thân nhìn chính diện. Sự kết hợp đã tạo ra sự chuyển động và vẻ đẹp hoàn mỹ cho tác phẩm.

Sang thế kỷ IV, điêu khắc Hy Lạp lại tiến thêm một bước, nếu ở thời kỳ trước các tác giả muốn đạt đến độ mẫu mực về tỷ lệ, hình khối, tạo dáng động thì thế kỷ này họ lại muốn tăng thêm chất liệu thực cho tượng, bớt chất lý tưởng hóa với đại biểu là: X-co-pa (Scopas), Pra-xi-ten (Praxitéle), Li-xíp (Lisippe), Mô-xô-lơ,… Tác phẩm của ông như Héc-mét (Hermes), tượng Nữ thần săn bắn Ac-tê-mit và đặc biệt là các tượng vệ nữ. Đến đây các nghệ sĩ Hy Lạp đã phô diễn vẻ đẹp tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái yếu qua những pho tượng khỏa thân. Có lẽ vì thế mà khi tìm thấy hai pho tượng vô danh: Vệ nữ Mi-lô và tượng Nữ thần chiến thắng ở Xa-mô-crát ta thấy hai phong cách và hai vẻ đẹp khác nhau: một lý tưởng hóa và một tràn đầy tính hiện thực.

Cũng như những thành công trong kiến trúc, điêu khắc Hy Lạp thế kỷ V-IV TCN cũng đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm kinh điển. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu sau đây.

+ Thần Zeus (chất liệu đồng)

Bức tượng Zeus là một bức tượng nam giới khỏa thân, tóc xoăn, râu dài, tay trái vươn về phía trước, tay phải đưa về phía sau như đang muốn ném một vật về phía trước. Điều đặc sắc là để phù hợp với tư thế ném, gót chân phải hơi hơi nhích khỏi mặt đất. Tác phẩm cũng là sự khởi điểm của cái đẹp nhân thể mà tiến tới giai đoạn hoàng kim của thời kỳ cổ điển, biểu hiện vẻ đẹp con người càng tự do, phóng khoáng hơn.

+ Người ném đĩa

Đây là tác phẩm tiêu biểu của của Myzon. Tác phẩm cho người xem cảm nhận vẻ cường tráng của một lực sỹ đang vận động hết sức các cơ của cơ thể để vung tay ném chiếc đĩa đi xa. Myzon đã chọn khoảnh khắc điển hình nhất của hình tượng người ném đĩa. Tác phẩm cho người xem cảm nhận sự phối hợp vẻ đẹp về dáng, hình, tỷ lệ. Để phô diễn vẻ đẹp của cơ thể, tác giả đã tạo ra dáng vặn hợp lý, trong sự phối hợp phần chân nghiêng và chân nhìn chính diện. Sự kết hợp hài hòa của hình khối đã tạo ra sự chuyển động và vẻ đẹp hoàn mỹ của tác phẩm.

Điêu khắc Hy Lạp cũng được phát triển qua 3 thời kỳ. Ở thời kỳ cổ sơ hình tượng điêu khắc rất đơn giản, trước đó nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp đã bắt đầu những bước đi dò dẫm từ thế kỷ X – VIII. Phần lớn là các tượng nhỏ bằng đồng thanh, đồng nung hoặc ngà voi thể hiện một cách sơ lược hình tượng các con vật, con người hay các quái vật trong sự kết hợp giữa người và vật. Đôi khi còn có những tượng bằng gỗ, diễn tả các vị thần. Điêu khắc thời kỳ này gắn liền với tôn giáo.

Thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ III-II TCN)

Ở thời kỳ này, A-ten không còn là trung tâm cường thịnh duy nhất như thời trước, trên những miền đất mới ở Tiểu Á và Bắc Phi mọc lên những trung tâm mới. Điêu khắc cũng như kiến trúc đều muốn tìm đến một phong cách mới. Hoặc tiếp tục phong cách của giai đoạn trước nhưng đẩy cao hơn về mặt biểu hiện những tình cảm đau thương, bi thảm như tác phẩm Người lính Gô-loa bị trọng thương hay Người chiến binh Gô-loa giết vợ và tự sát,… Pho tượng này gây ấn tượng mạnh cho thị giác và cảm xúc. Hoặc phức tạp hơn trong phong cách diễn tả hay cường điệu hóa. Thể loại thường gặp trong điêu khắc thời Hy Lạp hóa là nhóm tượng và phù điêu lớn. Phù điêu trên diềm mũ cột đền thờ Pec-gam dài khoảng 120m, bao quanh đền thờ, diễn tả cuộc giao chiến giữa các thần linh và những người khổng lồ. Mọi hình tượng đều được diễn tả bằng kỹ thuật điêu luyện, hình khối mạnh mẽ, cường độ dữ dội trong động tác.

Nhóm tượng Lao-cun: Mang đầy chất bi tráng, diễn tả một cảnh tượng khủng khiếp về số phận con người, cụ thể diễn tả 3 nhân vật, mỗi người mang một nét đẹp riêng. Ngoài cái đẹp lý tưởng về hình thể, tác giả còn muốn nhấn mạnh vẻ đẹp về tính cách, về sự bộc lộ nội tâm. Qua hình dáng, thái độ khác nhau của 3 nhân vật đã bộc lộ nỗi khiếp sợ, đau đớn, kiệt sức của 3 cha con. Sức căng vặn của 3 cơ thể, kết hợp với đường cong ngoằn ngoèo của hai con rắn đã tạo nên nhóm tượng có bố cục chặt chẽ, gắn bó thể hiện nội dung sâu sắc. Tác phẩm không còn thể hiện thuần nhất như thời cổ điển mà chú ý đến thể hiện cá tính của nhân vật và sự phức tạp của tình cảm. Bức tượng được sáng tác theo câu chuyện về Lao-cun, viên tư tể của thành Troy đang chuẩn bị báo cho người dân trong thành biết sự nguy hiểm của con ngựa gỗ thì ông và hai người con trai bị Poseidon sai hai con rắn biển tấn công và giết chết.

21 min 1 - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại

Tượng Người ném đĩa (Nguồn internet) 

22 min - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại

1(30) - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đạiNhóm tượng Lao-cun (khoảng năm 450 TCN) (Nguồn internet)

Lao-cun chính là tác phẩm tiêu biểu của việc muốn diễn tả các hình ảnh mang tính bi kịch đó. Mặc dù đây là một tác phẩm diễn tả không gian tĩnh lặng nhưng nó lại mang đầy tính động thái và hiệu quả kịch tính. Tượng thần Venus ở Mi-lô được tạc từ đá cẩm thạch trắng. Venus là nữ thần của sắc đẹp và tình yêu. Tác phẩm thể hiện vẻ đẹp lành mạnh và trần đầy sinh lực. Tư thế hơi xoay đi, thân thể cân đối, đầy đặn, gợi cảm, tôn nghiêm nhiều hơn là nhục cảm. Tác phẩm được diễn tả trong tư thế đứng thoải mái, chân trái chùng gối đưa về phía trước và vặn người lại. Khuôn mặt với nụ cười dịu nhẹ, kết hợp với cơ thể khỏe mạnh thể hiện rõ những ảnh hưởng của phong cách điêu khắc thời Hy Lạp cổ điển. Các nếp vải quấn mềm mại, buông lơi theo tư thế đứng. Hình ảnh Venus là hiện thân vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ cổ điển. Venus là tác phẩm đánh dấu một trang huy hoàng của lịch sử nghệ thuật nhân loại.

2. Nghệ thuật hội họa

Nghệ thuật hội họa Hy Lạp hầu như không còn giữ được tác phẩm nào. Các tác giả, tác phẩm danh tiếng của họ còn được lưu truyền trong sách, truyện ta biết được tên tuổi: A-pen-lơ, Giơ-xít, Pô-li-nhơ,… với đề tài chủ yếu là lịch sử và thần thoại Hy Lạp. Các tác phẩm được vẽ với phong cách tả thực, sinh động.

Ngoài ra, có một nguồn tài liệu khá phong phú cho nghệ thuật vẽ hình mang tính đồ họa, đó là hình vẽ trên những chiếc bình cổ Hy Lạp. Bình cổ Hy Lạp có nhiều kiểu dáng đẹp. Điều đáng chú ý là các hình vẽ trang trí trên đồ gốm cổ Hy Lạp có hai cách trang trí: Hình vẽ đen trên nền trắng sáng hoặc hình vẽ màu đỏ trên nền gốm đen. Các họa sĩ trang trí lưu ý đặc biệt đến yếu tố nét, mảng trong hình vẽ. Đề tài thay đổi qua nhiều thời kỳ: thần thoại, duyên dáng và đa tình, lịch sử.

23 min 1 - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại

Bình pha rượu gốm Euphronis     

34 min - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đại
Bình gốm

Ngoài ra, nghề làm gốm phát triển tương đối mạnh. Những thợ thủ công A-then là bậc thầy về chế tác đồ gốm. Họ đã tạo ra những bình, lọ với hình dáng hoàn hảo và trang trí tinh xảo. Các họa tiết trang trí theo nhiều chủ đề đa dạng, mô tả cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và những nghi lễ tôn giáo. Ban đầu họ sử dụng kỹ thuật vẽ hình đen trên gốm đỏ. Màu đen là màu đặc biệt, do đó có sự tương phản mạnh với màu đỏ của đất sét nung. Đây gọi là kỹ thuật Pisax.

Đến khoảng những năm 530 TCN, những người thợ gốm A-then sáng tạo ra kỹ thuật trang trí bằng hình mầu đỏ. Đây là một tiến bộ trong trang trí gốm được gọi là kỹ thuật Andokdes. Đó là kỹ thuật, nghệ thuật chừa lại những hình trang trí trên đồ gốm, phần còn lại được tô đen toàn bộ. Cách làm gốm này được gọi là cách “làm đen” hay cách “làm đỏ”. Trang trí trên gốm được coi là những bằng chứng duy nhất về hội họa. Những bức vẽ trên vải, trên gỗ thời kỳ này đều không còn lưu lại vì chúng là vật liệu khó bảo quản, không bền vững theo thời gian.

25 min 2 - Nghệ thuật điêu khắc và hội họa Hy Lạp cổ đạiBình gốm Exekias – cuộc hành trình của Dioskouroi

Hội họa Hy Lạp cổ được miêu tả trong những văn bản cổ của Plime và được chuyển tải thành mosaic thời La Mã cổ đại. Theo đó người đời sau có thể biết được một nền hội họa hài hòa về bố cục, tinh thế về chi tiết và chính xác về đồ họa. Hội họa Hy Lạp cổ đại cố gắng tạo chiều sâu, rời bỏ cách thể hiện người theo kiểu mặt nghiêng biểu trưng của Ai Cập cổ. Nghệ sỹ Hy Lạp về sau được chiêu mộ đến La Mã để trang trí cho các công trình công cộng và biệt thự tư nhân rất nhiều. Vì vậy, đó cũng là con đường tạo nên sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa, nghệ thuật.

3. Kết luận

Các nghệ sĩ Hy Lạp đã bỏ được công thức chi phối trong nghệ thuật tạo hình buổi ban đầu, những ước lệ tạo hình cơ sở để tiến tới một nền nghệ thuật hiện thực giàu tính nhân văn. Các loại hình nghệ thuật tạo hình đều, điêu khắc phát triển và đạt được thành tựu cao và để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm vô giá. Đó là nền móng, cơ sở cho nghệ thuật tạo hình châu Âu sau này./.

                                                                                                                                            HẢI LONG

Tài liệu tham khảo

1.  Nguyễn Trân, Lịch sử mỹ thuật thế giới, NXB Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.

2. Nguyễn Trân, Thể loại hội họa, NXB Mỹ thuật, Hà Nội, 2004.

3. Lê Sĩ Tuấn (biên dịch), Câu truyện nghệ thuật, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1998.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây