Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã trọn vẹn với môi sinh – Tác giả Hoàng Thụy Anh

Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã trọn vẹn với môi sinh - vansudia.net

Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã trọn vẹn với môi sinh

Ta bắt đầu ăn
Những buổi sáng long lanh…

(Thơ Nguyễn Thánh Ngã)

HOÀNG THỤY ANH

Thiên nhiên là nơi an trú những “trạng thái tâm hồn” của con người. Con người tựa vào thiên nhiên mà lớn lên. Thiên nhiên nhờ con người mà có linh hồn, có sự sống. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Thánh Ngã cũng thế! Gần gũi và dung hoà. Nguyễn Thánh Ngã đã in 6 tập thơ, song “lòng chưa cạn” trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Tập thơ “Gã thi sĩ hoang” vừa in quý IV năm 2018(1) tiếp tục khẳng định tình yêu và bản ngã của anh đối với thiên nhiên. Cái tôi lớn lên từ cỏ thuở nào nay vẫn hoang dại đến “vô cùng” giữa cỏ: “Tôi lớn lên/ Cỏ dại giữa cỏ dại/ Ngậm sương khuya ứa giọt đầu hè” (Gã thi sĩ hoang).

z2962449019140 80901e0b8f000ea4918a01fdfb66e1d2 - Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã trọn vẹn với môi sinh - Tác giả Hoàng Thụy AnhNhà thơ Nguyễn Thánh Ngã

Nguyễn Thánh Ngã sinh ra từ vùng đất Quảng Ngãi nhưng lại may mắn được sống và làm việc tại xứ sở Đà Lạt mộng mơ, nên tiếng thơ của anh luôn ẩn chứa tấm lòng trắc ẩn, nhân bản đối với thiên nhiên. Từ “Nhớ xanh”, “Nhìn từ đôi mắt khác”, “Thượng nguồn ngạc nhiên”, “Gõ”, “Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã”(2) đến “Gã thi sĩ hoang”, thiên nhiên là người bạn thân thiết của anh. Đặc biệt, “Thơ haiku Nguyễn Thánh Ngã” đẫm tiếng nói sinh thái. Tuy vậy, hồn cốt của mỗi tập thơ đều có sức nặng và sự quyến rũ riêng. Trong đó, cái nhìn sinh thái ở “Gã thi sĩ hoang” xem ra nhuần nhuyễn, khéo léo hơn cả. Tố chất của gã thi sĩ hoang được xác tín. Và sự khiêm nhường cũng được đặt lên hàng đầu, trừu xuất những diễn ngôn đậm đặc sinh thái. Không có cái gì nằm ngoài sinh thái. Sinh thái phủ khắp. Xuất phát từ cái nhìn của “gã thi sĩ hoang” nên thiên nhiên trong thơ anh không tập trung hướng về những khoảng không mênh mông, bao la, hùng vĩ mà chủ yếu hướng về những gì dân dã, bình dị nhất. Đó là vườn hoang của hoa trinh nữ, cỏ dại, bụi chuối, cọng rơm, gốc rạ, ngô, dã quỳ, xuyến chi, đám bùn non, đám mạ xanh, chân bèo, củ khoai, bông đào rừng, đóa sen,… Đó là những loài vật nhỏ bé gắn với đồng quê rơm rạ: con ốc, con cò, cua đồng, lũ cá, lũ tép, lũ bọ gậy, con muỗi, con giun, con ếch, con dơi, chuồn chuồn ớt, con dế, chào mào, chim sẻ, chim tu hú,… Thế giới ấy gợi sự đơn sơ, thân thuộc, thanh sạch. Qua đôi mắt quan sát của Nguyễn Thánh Ngã, chúng là những sinh thể sống động, luôn ở tư thế mọc lên, chuyển động, sinh sôi,… và rất đỗi nguyên sơ, không hề bị biến dạng bởi những đè nén hay trấn áp của con người. Chúng ta có thể nhận ra kết cấu của dạng vận động này thông qua bảng ví dụ sau:

HÌNH ẢNH THIÊN NHIÊN TƯ THẾ
Mây sẽ mang mưa xuống
mùa màng đã cưới nhau từ lúc giao mùa
Và khi cỏ mọc lên
Một hạt mầm ngơ ngác vươn lên
Thông nghe kinh
Nắng xuyên tâm tưởng Phật
Sóng dậy thì
Cơn mưa đón hương nồng
Hạt mưa nhún nhảy làn tóc quăn
Mấy đóa hoa phố dại ve vãn hẽm buồn
than thơm nồng
Những buổi sáng long lanh
Cỏ vẫn mọc từ không mà có
Một bông hoa bật nở trong lùm
Cái nhìn của sỏi đá thường ngân lên
Cái nhìn của cỏ xanh thường thấm xuống
Dòng sông vùng vằng

 

Lược qua một số hình ảnh như trên, chúng ta thấy thiên nhiên trong thơ Nguyễn Thánh Ngã luôn ở tư thế, trạng huống dịch chuyển. Quy luật sống của thiên nhiên là trào dâng hết mình và không ganh tỵ. Chúng nương vào nhau, cùng nhau tạo môi trường sinh thái an bình, gắn kết. Ở đó Một giọt nước biết dành cho một đóa hoa sắp nở; Một ngọn núikhông cúi xuống ôm ấp đoá hoa nhỏ bé trắng muốt được nên đành thả tuyết/ rơi; Tiếng chim xanh như thể/ gọi vào trời dịu; bầy chim lá trúc vẫy tay chào,… Vậy, thiên thiên là người bạn, là đối tượng thẩm mĩ của Nguyễn Thánh Ngã. Nhưng thiên nhiên trong thơ anh không hiện lên theo kiểu mô phỏng cứng nhắc, cũng không một chút cường điệu, lên gân gì cả. Chúng hiện lên chân thật, tự nhiên như chúng vốn có. Và nhà thơ chỉ là người huy động cơn địa chấn lòng mà lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên. Nếu không phải là người yêu mến với thiên nhiên, hẳn Nguyễn Thánh Ngã khó có thể chạm đến bản nguyên của các sinh thể. Do đó, thiên nhiên trong thơ anh không chỉ giữ được vẻ đẹp nguyên sơ mà còn được anh thức dậy thông qua những hành động và đối thoại đầy lý thú: “gã cưa đồng giương đôi kính viễn vọng/ canh giữ màn đêm” (Nước bọt chân kinh); “Một mầm cây đã hát/ Về sự mang thai của mình/ Khi mặt trời cắt rốn những dòng sông” (Nước); “Mấy đóa hoa phố dại/ Ve vãn hẻm buồn/ Bội thực bão khô” (Đói nắng)… Ở đây, anh không hề áp đặt, nhân cách hóa vạn vật mà anh nhìn nhận chúng như một thế giới khác, tồn tại song hành với con người. Sự sống động của vạn vật trong thơ anh đã minh chứng sự tồn tại ngang bằng của chúng với con người. Quan niệm như vậy, nên Nguyễn Thánh Ngã đã quên đi cái tôi cá nhân, hòa lòng mình vào thiên nhiên, cảm thấu thiên nhiên một cách vô ưu nhất. Anh tô đẹp và mang đến cho thiên nhiên một thế giới quan đầy tính nhân văn. Qua cách biểu lộ tình cảm với thiên nhiên của Nguyễn Thánh Ngã, chúng ta thấy, anh đưa ra nguyên tắc sinh thái khá rõ. Đó là lòng khát khao hướng đến sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Vẻ đẹp nguyên thủy, vô tư của thiên nhiên giúp thi sĩ tự nhìn nhận lại mình và có những hành động, cư xử đúng đắn hơn với thiên nhiên.

Buổi sáng uống tiếng chim
Chùm véo von trôi vào cổ họng
Mới hay lòng mình vườn hoang…

Tiếng chim
Những cung bậc thanh âm
Lắng vào cây cỏ
Ta uống say những nốt lặng tự do

(Buổi sáng uống tiếng chim)

Đặc tính của thiên nhiên là vô cảm. Đặc tính của con người là biết tư duy và có ngôn ngữ. Nhưng con người quá cao ngạo với vị trí chủ thể của mình nên thường có nhiều hành động chống đối, quay lưng lại với thiên nhiên. Trong khi, đời người thì hữu hạn mà thiên nhiên lại vĩnh hằng. Yêu thiên nhiên và nhận thức được cái giá phải trả khi xa rời thiên nhiên, Nguyễn Thánh Ngã luôn hướng về thiên nhiên, sống trải trong thiên nhiên. Nhà thơ uống tiếng chim buổi sáng cũng là đang tự thưởng cho mình những thanh âm tự do nhất, nguyên thủy nhất mà ngay ở cuộc sống này con người khó có thể chạm đến. Ở tập thơ “Gã thi sĩ hoang”, không ít lần nhà thơ khát khao gửi gắm, hóa thân vào thiên nhiên:

– khi chúng ta ký họ tên mình/ vào những đám mây/ mây sẽ mang mưa xuống/ lưu vào đất đai/ chờ ngày nhận diện (Hóa thân)

– Người xưa cúi “lạy hoa mai”/ Ta nay lạy hoa dại/ Xét không đủ sức hiểu một nhành hoa dại/ Đành quỳ xuống ven đường (Dại)

Người xưa từng cúi đầu trước cái đẹp quyền quí, cao thượng của hoa mai. Nay, Nguyễn Thánh Ngã lại có hành động lệch pha, “quỳ xuống ven đường” chỉ để mong hiểu được những sinh mệnh bé nhỏ, hoang dại như “nhành hoa dại”. Anh không chỉ nhìn nhận hoa dại theo quy luật sinh tồn của nó mà còn hạ thấp mình trước vạn vật để cảm tận cùng nguồn cội trinh nguyên trước khi “hiểu một nhành hoa dại”. Nghĩa là, muốn khám phá một sinh mệnh cần phải nắm bắt quy luật sinh tồn của các sinh mệnh khác, vì vạn vật vốn dĩ luôn kết nối, giao hòa với nhau. Nếu thử làm phép so sánh, hẳn sự giao tiếp của Nguyễn Thánh Ngã có phần bao quát hơn, vì tình yêu thương và sự nhường nhịn của anh phổ khắp muôn loài.

Ở mọi góc độ, lúc nào anh cũng muốn gửi trọn lòng mình vào thiên nhiên. Thiên nhiên không chỉ cho anh những phút giây thanh tịnh mà còn là cú hích để anh giải bày cội lòng mến yêu thiên nhiên của mình: “Tôi uống tiếng chìa vôi trong cốc trà ban sớm”; “Ta bắt đầu ăn/ Những buổi sáng long lanh” (Tu). Mặt khác, thiên nhiên còn giúp anh ngộ ra được nhiều điều và tự phán xét chính mình, vì nó luôn“mời gọi con người suy ngẫm về chỗ đứng của mình trong vũ trụ”(3). Nguyễn Thánh Ngã đến với thiên nhiên để truy tìm bản ngã khi cuộc sống ngoài kia đang rơi vào những khủng khoảng, bất an. Hành trình tìm bản ngã của anh hoàn toàn không đứng ở vị thế của một chủ thể, mà như trên tôi đã nói, đứng ngang bằng, thậm chí nhún mình. Chưa bao giờ anh có ý nghĩ kiểm soát và chiếm hữu thiên nhiên. Đó chính là lí do vì sao anh khẳng định cội nguồn của mình bắt đầu từ ngọn cỏ, từ viên sỏi: “Anh là cọng cỏ/ Là viên sỏi/ Lạnh cóng ven đường” (Ô Sapa Sapa). Tất cả mọi thứ, đối với Nguyễn Thánh Ngã, đều khởi từ tình yêu sinh thái. Sinh thái hòa nhập trong anh, là hơi thở của anh: “Tôi hít thở không khí/ Nơi có những hạt bụi bay ngang tách trà/ Nơi những bài haiku hóa thân vang lên tiếng nước” (Tiếng nước vang). Ngay việc anh cảm nhận sự an lành của cuộc sống bắt nguồn từ sự giản dị, đời thường cũng nhờ vào ý thức hòa hợp với môi sinh: “Một ngày an lành/ Là được thấy một bông hoa/ Một đôi dép cũ/ Và một đôi chân trần” (Ngày lành). Thế nên, những gì anh nhận thức về thiên nhiên chính là sự tự nhận thức về cuộc sống của chính mình. Đến với vẹn nguyên của vạn vật, Nguyễn Thánh Ngã phải từ bỏ, chạy trốn “mọi thứ trên đời”. Bởi lẽ, nếu còn mang trong lòng tham, sân, si thì con đường đến với vạn vật chỉ là sự huyễn tưởng. Nguyễn Thánh Ngã đã dọn đường “sạch sẽ” trước khi trở về với sinh thái. Tại đây, anh mới thực sự trở về với sinh thái, sống trong sinh thái và “gặp lại chính mình trọn vẹn nhất”: “khi anh không cần thiết mọi thứ trên đời/ là lúc anh cần một nụ cười con trẻ/ khi anh chạy trốn mọi thứ trên đời/ là lúc anh gặp lại chính mình trọn vẹn nhất” (Là lúc). Và lúc này, nhờ cái tình với thiên nhiên mà anh còn có những câu thơ thấu thị, triết lí về giá trị của nỗi buồn, của thơ ca, của tình yêu:

– “Gã là lữ quán/ Cho mùi hương trú ngụ nỗi buồn…” (Gã)

– “Ôi bông cỏ hoang/ Mi là quê hương của tứ thơ ta – gã thi sĩ đồng làng, xó núi/ Mọc là mọc một tình yêu hoang dại/ Trước gian trá lọc lừa// Ta có thể bị vất đi dưới lưỡi cuốc ranh ma/ Nhưng loài cỏ âm thầm sức chịu/ Câu thơ có thể nằm nghiêng trổ một đóa nỗi buồn…” (Gã thi sĩ hoang)

“Thơ tôi – câu chữ mưa hoang/ Lòm còm bò dậy, gượng gạo và quay cuồng/ Mùa sinh nở giữa cánh đồng mất tích/ Còn đâu tả lót ngữ ngôn” (Gã thi sĩ hoang)

185950260 131054872390947 1881220943024559234 n min - Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã trọn vẹn với môi sinh - Tác giả Hoàng Thụy AnhNhà phê bình Văn học Hoàng Thụy Anh

Nỗi buồn là một kí hiệu đặc biệt đưa đến những giá trị cho thơ. Chạm đến nỗi buồn, con người sẽ học được cách đứng dậy, mạnh mẽ, kiên cường hơn. Do vậy, đóa nỗi buồn trong thơ của Nguyễn Thánh Ngã là một đóa hoa đẹp. Ở trạng thái cô đơn, buồn bã nhất, anh mới thấy được vẻ đẹp tinh khôi, dân dã và giao hòa tuyệt đối với thiên nhiên. Vì thông thường, sự gắn kết, hài hòa bao giờ cũng xuất phát từ nỗi buồn, chứ không từ niềm vui. Chỉ một tiếng tò he trên phố cổ thôi mà bao nỗi vấn vương, buồn thương dồn dập gọi nhau về: “Tôi đã đi qua trăm năm chùa Cầu/ Đi qua sông Thu Bồn của mẹ/ Sông Hoài của em…/ Vẫn còn nghe tiếng tò he thơm mùi đất quê nhà” (Tiếng tò he trên phố cổ Hội An). Nguyễn Thánh Ngã đã vịn vào thiên nhiên mà lắng nghe những nỗi niềm rất đời của mình.

Đến với ban sơ của thiên nhiên, tâm hồn của nhà thơ còn được trẻ hóa, được trải nghiệm thêm lần nữa với những kí ức đã xa. Theo đó, kí ức buồn đau của cuộc tình dĩ vãng, gội rửa qua sinh thái, cũng trở nên đẹp hơn, bao dung hơn: “sẽ không có gì quan trọng/ nếu em chẳng yêu tôi/ sẽ chẳng có gì trầm trọng/ nếu em không lấy tôi/ nhưng vườn cây của hồn tôi đã ươm hoa kết trái/ và mùa màng đã cưới nhau từ lúc giao mùa…(Tiệc cưới). Vậy, mấu chốt làm nên giá trị của đau thương chính là lòng vị tha. Mà lòng vị tha không tự nhiên có, con người phải trải qua quá trình học hỏi, đối thoại với thiên nhiên. Cái đẹp và sự sống động của thiên nhiên đã cho con người những bài học giá trị, giúp con người tiến gần hơn đến các sinh mệnh và gặp lại chính mình lúc tinh khôi nhất. Từ thiên nhiên, Nguyễn Thánh Ngã điều chỉnh chính mình và vĩnh cửu cuộc tình dĩ vãng bằng bức tranh đậm màu tự nhiên: “Em khỏa thân/ Vào màu góa ấy/ Dòng sông vùng vằng/ Vây cá bơi nghiêng…” (Màu góa ấy).

Vạn vật đều có tiếng nói và linh hồn. Dung nhập và tôn trọng sự kết nối riêng của chúng, con người mới cảm được sự vẹn toàn của sinh thái. Với Nguyễn Thánh Ngã, chỉ một cọng rác thôi, cũng làm anh suy ngẫm, trở trăn về đời sống và quyền lợi của nó: “Một cọng rác/ Sẽ không còn là rác/ Nếu nó được đan quyện trong chiếc tổ chim sẻ/ Trên mái ngói mùa đông…” (Cọng rác). Theo tôi, Nguyễn Thánh Ngã có được tinh thần thấu cảm tương liên với vạn vật một cách sâu sắc như thế là do anh biết đặt mình vào vị trí của cá thể khác. Và thơ anh, “từ đó sinh ra”, từ đó khẳng định. Anh quan niệm: “Những nhà thơ chưa hề nuốt nước mắt/ Những nhà thơ chưa hề nuốt nước bọt/ Những nhà thơ chưa rỗng túi bao giờ/ Những nhà thơ chưa có câu thơ bị bọn vô lại nguyền rủa/ Những nhà thơ chưa biết hơi ấm vỉa hè/ Những nhà thơ chưa ngồi ở hàng ghế chót với nhân dân/ Những nhà thơ chưa mất ngủ với ngôn từ/ Những nhà thơ chưa ném thơ mình vào lửa…/ Họ là những nhà thơ đục khoét nỗi buồn của kẻ khác/ Họ kéo lê chiếc thùng rỗng trên đời/ Chỉ để gõ vào những thây ma/ Khiến cho bầy quạ đen tìm tới…” (Nhà thơ và bầy quạ). Sự dấn thân và bản lĩnh của người nghệ sĩ trong sáng tạo như anh diễn giải là yếu tố cần thiết. Trong “Gã thi sĩ hoang”, anh đã thực sự nếm trải, sống cùng với sinh thái. Việc tôn trọng, thừa nhận bản tính thuần khiết, sống động của các sự vật hiện tượng nhỏ bé, gần gũi (như đã luận bàn ở trên) cho thấy thơ Nguyễn Thánh Ngã đã có hướng đi riêng. Hoàn toàn đúng nghĩa với cách anh tự xưng mình: “gã thi sĩ hoang”.

Gã thi sĩ hoang Nguyễn Thánh Ngã lấy sinh thái làm trung tâm, lấy tính cộng sinh, tương tác làm nguyên tắc sinh thái, cho nên, thơ anh luôn có cái nhìn trìu mến, mật thiết, thân thiện, đặc biệt đối với những sinh mệnh đơn sơ, nhỏ nhỏi, tầm thường. Ngôn ngữ chắt lọc, hàm súc, giàu tính biểu cảm đã làm nên “thi tính sinh thái” cho tập “Gã thi sĩ hoang”. Có thể nói, nơi chốn ấy, Nguyễn Thánh Ngã đã tìm thấy mình toàn vẹn nhất và hướng đi vững bền với thơ.

ĐH, 22/2/2019

H.T.A

————-

(1). Nguyễn Thánh Ngã, Gã thi sĩ hoang, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.

(2). Tên các tập thơ của Nguyễn Thánh Ngã

(3). Herni Benac, Dẫn giải ý tưởng văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.601.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây