Ngời sáng núi rừng Pù Rinh

Ngời sáng núi rừng Pù Rinh
Khởi nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao 1.200m so với mặt nước biển, thác Ma Hao hiện là điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Núi Chí Linh (còn gọi là Pù Rinh) ở đất mường Giao Lão, nay thuộc các xã Giao An, Giao Thiện, Trí Nang, huyện Lang Chánh, và một phần của huyện Thường Xuân. Địa danh này gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi. Cho đến nay, vùng núi rừng Pù Rinh vẫn còn in nhiều dấu tích về cuộc kháng chiến thần thánh này cùng vị chủ soái ‘Anh hùng áo vải’ Lê Lợi.

Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa), xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi Nhân dân đánh giặc Minh cứu nước. Giai đoạn đầu, cuộc khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn do bị giặc đàn áp, nghĩa quân rút lên miền rừng núi phía Tây thuộc xứ Mường Mọt (nay là Bát Mọt, Thường Xuân). Giặc đuổi theo ráo riết, nghĩa quân lại rút lên núi Pù Rinh. Theo tiếng Thái, Pù nghĩa là núi, Rinh phiên âm là Linh, nghĩa là vùng núi linh thiêng, nên còn gọi là Linh Sơn. Đây là vùng núi non hiểm trở, chốn “Lam Sơn chướng khí”. Nguyễn Mộng Tuân, người cùng đỗ Thái học sinh với Nguyễn Trãi, đã viết: “Nghìn trượng đá cao, kể cũng kim thang chốn hiểm; lưng trời vách đứng, xem tày bách nhị cửa quan; núi bày ngọn giáo, cây dựng cờ phan”.

Rút lên vùng rừng núi Pù Rinh, nghĩa quân muốn dựa vào địa thế hiểm trở để tránh sự truy đuổi của địch, nhưng giặc vẫn bao vây bốn mặt, khiến lực lượng hao mòn, lương thực cạn kiệt. Trước tình thế nguy nan đó, Bình Định Vương bèn vời các tướng ra bảo rằng: “Ai có thể đổi áo vàng của ta, tự xưng là chúa Lam Sơn, ra đối đầu với địch, để cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp quân sĩ, mưu tính việc về sau? ” Lê Lai khảng khái đứng ra tình nguyện giúp minh chủ, cải trang thành Chúa Lam Sơn, dẫn một đội quân cảm tử xông ra phá vòng vây, chiến đấu đến phút cuối cùng. Giữa rừng núi Pù Rinh linh thiêng, hành động cao cả “liều mình cứu chúa” của Lê Lai đã mở đường sống cho nghĩa quân Lam Sơn.

Tưởng rằng đã giết được thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn, giặc Minh rút về thành Tây Đô. Bình Định Vương cùng tướng sĩ được giải vây, tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng. Sau một thời gian nương náu chốn núi rừng, tháng 5-1418, nghĩa quân trở về căn cứ Lam Sơn. Nhưng chỉ ít ngày sau, quân Minh lại kéo lên đàn áp. Lê Lợi đã cho quân mai phục đánh bại cuộc truy kích của địch. Chúng cay cú mở cuộc vây quét lớn, khiến nghĩa quân phải rút lên núi Pù Rinh lần thứ 2. Lần này nghĩa quân trải qua gần 3 tháng trời tuyệt lương, phải tìm măng tre và các thứ củ, quả rừng để sống qua ngày. Trong giai đoạn này, bà vợ thiếp của Lê Lợi là Chiêu Nghi đã góp phần quan trọng vào việc lo lương thảo cho nghĩa quân, sau này được Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi ghi công trạng: “Khi ở núi Linh Sơn, lương thực gian nan từng nhờ lo chạy; Buổi ở trại Lẫm Lộ, áo xiêm rách rưới vẫn cậy khâu may”. Bằng tinh thần chịu đựng gian khổ phi thường, nghĩa quân Lam Sơn đã vượt qua thử thách ở Linh Sơn.

Từ tháng 12-1421 đến tháng 2-1422, địch điều động binh lực bao vây căn cứ của ta. Nghĩa quân đã sử dụng những chiến thuật khôn khéo, táo bạo, khiến quân giặc thua đau ở nhiều nơi. Những cuộc vây quét lớn của địch cũng làm nghĩa quân tổn thất nặng, quyết định rút về núi Pù Rinh lần thứ 3. Hơn 2 tháng trời thiếu lương, Lê Lợi phải cho giết cả voi ngựa của mình để nuôi quân. Tình thế lúc bấy giờ được Nguyễn Trãi ghi lại trong Bình Ngô Đại cáo: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi huyện quân không một đội”. Trong Phú Núi Chí Linh, Nguyễn Trãi đã nói rõ chủ trương nghĩa quân rút về núi Chí Linh và tạm thời hòa hoãn với địch: “Đợi thời cơ, chờ dịp tốt, giấu lưỡi sắc, che mũi nhọn/Gối gai mà nằm, treo mật mà nếm/…Bên trong lo rèn chiến cụ, bên ngoài giả thác hòa thân…”. Sau 6 năm chiến đấu bền bỉ và gian khổ ở vùng rừng núi Thanh Hóa, với 3 lần phải rút vào ẩn náu ở núi rừng Pù Rinh, ngọn cờ đại nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi đã đứng vững và tung bay mạnh mẽ, trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần, khí phách dân tộc trên khắp bờ cõi nước Nam.

Pù Rinh xưa, nay là dải đất thuộc huyện Lang Chánh và Thường Xuân, nằm ven sông Âm, sông Khao. Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất này cảnh quan kỳ thú, tài nguyên rừng đa dạng, khí hậu mát lành. Những dòng sông, con thác nơi đây tác tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, nên thơ, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Dòng thác Ma Hao, thuộc xã Trí Nang khởi nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh có độ cao 1.200m so với mặt nước biển, tạo nên tiên cảnh giữa đại ngàn. Đồng bào dân tộc ở vùng này còn lưu truyền một truyền thuyết rằng: Khi nghĩa quân bị giặc truy đuổi đến thác nước chảy xiết này, tất cả đều kiệt sức vì mệt, con chó mang theo cũng không đủ sức vượt qua suối, chỉ đứng ngáp. Giặc đuổi đến, con chó của Lê Lợi bèn quay lại cắn xé đàn chó ngao của giặc, giữ chân chúng để nghĩa quân vượt suối, rồi nhảy xuống vùng nước xoáy mà chết. Khi quân giặc dời đi, Lê Lợi sai quân tìm xác con chó quý mang chôn cất, và đặt tên cho thác là Má Háo (tức chó ngáp), sau này gọi chệch thành thác Ma Hao. Ở nhiều bản làng vùng rừng núi Chí Linh vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Tương truyền, nhiều tên đất, tên làng, ngọn đồi, khe suối… ở địa bàn thuộc hai huyện Lang Chánh, Thường Xuân, đều do Lê Lợi đặt tên. Bản Năng Cát, xã Trí Nang có di tích đền thờ vua Lê Thái Tổ và Vườn Cam mà Lê Lợi đã cho trồng trong những ngày tháng ẩn náu, hoạt động tại đây. Tên gọi của bản bắt nguồn từ truyền thuyết nghĩa quân Lam Sơn hạ trại nơi này, nấu cơm trong cảnh gió bụi, có cát lẫn vào năng (niêu), nên Lê Lợi đặt tên là Năng Cát. Ở xã Giao Thiện (xưa thuộc Mường Giao Lão) có làng Chiềng Lẹn; chuyện kể rằng một lần Lê Lợi cùng nghĩa quân chạy giặc qua đây, cả làng đóng góp lương thảo cho rồi cùng chạy lên làng Húng, đến khi hết giặc mới quay về làm ăn sinh sống, vì lẽ đó mà làng có tên là Chiềng Lẹn (tức làng chạy). Giao Thiện còn có dòng suối Láu, tiếng Thái là Huối Láu (tức suối rượu). Tương truyền trong những ngày nguy khốn, để tỏ lòng đoàn kết đồng cam cộng khổ, Bình Định Vương Lê Lợi đã đổ rượu xuống suối rồi tất cả quân sĩ đều múc lên để uống, “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Tại xã Giao An có suối Lá (Huối Vớ) chảy qua địa phận thôn Chiềng Nang, tương truyền xưa kia Nguyễn Trãi dùng kế lấy mật viết lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi Quân, Nguyễn Trãi vi Thần”, kiến ăn đục thủng lá, dòng chữ hiện ra, đem thả trôi theo dòng nước tỏa đi khắp vùng; mọi người thấy thế cho rằng đã có người thay trời hành đạo giúp dân cứu nước, liền nô nức tòng quân.

Đến đây, không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, du khách còn được trải nghiệm sinh hoạt văn hóa của người Thái tại các bản làng. Những ngôi nhà sàn cổ, những sắc màu trang phục thổ cẩm, các món ẩm thực đặc sản vùng cao như cơm lam, thịt nướng, cá suối và các loại rau rừng, rượu siêu men lá; cùng các lễ hội, trò chơi dân gian tung còn, nhảy sạp, khua luống… làm say lòng biết bao du khách.

Năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào quy hoạch và công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát – thác Ma Hao, nằm trên địa bàn xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Tháng 3-2021, UBND huyện Lang Chánh đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái bản Năng Cát – thác Ma Hao. Tháng 5-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1432 phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên phạm vi diện tích 10.292ha. Trong đó, diện tích các điểm du lịch sinh thái là 152ha, cụ thể: khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Pù Rinh 48ha; điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao 52ha; du lịch chăm sóc sức khỏe Làng Thiền 25ha; điểm du lịch Thung bằng 12ha; điểm du lịch đền Lê Lợi – Ghế đá Lê Lợi 15ha. Các điểm tham quan khác như thác Mây và thác Bảy Tầng; thác Xanh (thác Dốc Đá), thác Đá Đen; thác Ông, thác Bà; thác Hón Lối; điểm tham quan tâm linh đền Mẫu Chúa Thượng Ngàn… có diện tích gần 60ha. Ngoài ra còn có các tuyến du lịch như Pù Rinh; thác Xanh – Làng Thiền – đền Mẫu; đền Tên Púa – thác Hón Lối – Làng Húng; Làng Thiền – Pù Pa Mút… Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương.

Đại ngàn Pù Rinh vẫn ngời lên màu xanh cây lá, tỏa rạng hào khí Lam Sơn từ hơn 600 năm trước. Những bản làng du lịch cộng đồng nơi đây cũng bừng sáng sắc màu trù phú, yên vui, và đang dần trở thành những vùng quê đáng sống ở miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: MAI HƯƠNG

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây