Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 2): Lê Lợi và những quyết sách đúng đắn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 2): Lê Lợi và những quyết sách đúng đắn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hoá).

Mặc dù hơn 6 thế kỷ đã trôi qua, nhưng những sách lược đúng đắn, tài tình của Lê Lợi đã đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi hoàn toàn, mở ra trang sử vàng cho dân tộc và in đậm trong tâm thức của người dân đất Việt.

Theo sử sách ghi lại, Lê Lợi sinh năm Ất Sửu 1385, tại hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông lớn lên trong giai đoạn đất nước đầy biến động, đặc biệt là chứng kiến đủ tội ác của giặc Minh, dưới sự đàn áp của kẻ thù, các phong trào hầu hết đã thất bại hoặc đi vào ngõ cụt. Song cũng chính thực trạng đen tối của đất nước và sự bế tắc của các phong trào đấu tranh là cơ sở, nền tảng để Lê Lợi – người mang tư tưởng thương dân, yêu nước và lòng căm thù bè lũ cướp nước đã bước lên vũ đài lịch sử, khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến ngày toàn thắng. Đồng thời, ông quyết chuyên tâm đọc sách thao lược và dốc sạch của cải hậu đãi khách nhân, phát thóc giúp dân cơ bần, thu nạp người chống đối giặc Minh, ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ sĩ mưu trí. Mặt khác lại khéo léo thoát khỏi sự để ý, kiểm soát của kẻ cướp nước và bè lũ bán nước…

Với tinh thần đem “đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, Lê Lợi đã tập hợp anh em binh sĩ trên mọi miền đất nước về tụ hội tại Lam Sơn, để dựng cờ khởi nghĩa. Đồng thời, xác định rõ chiến lược kháng chiến, lợi dụng địa hình vùng núi miền Tây Thanh Hóa “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lúc chủ chiến, khi nghị hòa nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng nghĩa quân”. Chính những lý luận, sách lược rõ ràng, đúng đắn này đã biến cuộc chiến tranh du kích của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh và trở thành cuộc chiến tranh Nhân dân.

Cuoc khoi nghia Lam Son duoc tai hien lai bang hinh thuc san khau hoa tai le hoi Lam Kinh min - Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 2): Lê Lợi và những quyết sách đúng đắn trong cuộc khởi nghĩa Lam SơnCuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tái hiện lại bằng hình thức sân khấu hóa tại lễ hội Lam Kinh.

Là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, trong những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn chống lại ách đô hộ của nhà Minh, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện” theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng”. Chiến thuật “vây thành diệt viện” của Lê Lợi kết hợp với chủ trương “mưu phạt nhị tâm công”, uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Điều này được minh chứng qua sự kiện Hội thề Lũng Nhai. Vào năm 1416, Lê Lợi đã lựa chọn và tập hợp 18 vị hào kiệt cùng dâng lễ vật, sinh huyết để tấu cáo với trời đất và sông núi, nguyện chung sức đồng lòng chống giữ địa phương. Hội thề là là sự kiện đặt nền móng đầu tiên và vững chắc cho cuộc khởi nghĩa. Theo nhiều nhận định, tuy quy mô không rộng lớn, địa điểm xa xôi, nhưng nội dung và phạm vi thề nguyện của Lê Lợi và 18 hào kiệt đã phản ánh, Hội thề Lũng Nhai thực sự là một hội thề có tính chất quốc gia, dân tộc, tương tự như Hội thề Sông Hát được Hai Bà Trưng tổ chức vào mùa Xuân năm Canh Tý (năm 40 SCN). Theo các học giả, Hội thề Lũng Nhai đã chính thức xác lập đường hướng phát triển cuộc khởi nghĩa, hình thành bộ tham mưu đầu tiên, thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa và phát động khởi nghĩa toàn dân tại núi rừng Lam Sơn.

Đặc biệt, nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào Nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất Nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của Nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử quý giá. Khởi nghĩa Lam Sơn đã để lại những dấu ấn lịch sử không thể phai mờ từ những ngày đầu gian lao ở núi Chí Linh đến những chiến thắng lẫy lừng ở Tốt Động – Chúc Động (1426), Chi Lăng – Xương Giang (1427). Khởi nghĩa Lam Sơn còn để lại tư tưởng triết lý nhân nghĩa sâu xa của nhà quân sự – chính trị lỗi lạc Nguyễn Trãi và biết bao tấm gương hy sinh quả cảm vì nghĩa lớn như Lê Lai….

Lang mo Vua Le Thai To lai Khu di tich Lich su Lam Kinh min - Hào khí Lam Sơn toả sáng trường tồn (Bài 2): Lê Lợi và những quyết sách đúng đắn trong cuộc khởi nghĩa Lam SơnLăng mộ Vua Lê Thái Tổ lại Khu di tích Lịch sử Lam Kinh.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của vương triều Lê, Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài.

Không chỉ trong cuộc kháng chiến chống lại ách xâm lược của nhà Minh, mà trong suốt quá trình lên ngôi vua, Lê Lợi đã có những có những cống hiến to lớn cho đất nước, góp phần làm rạng ranh trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Như Đại Việt sử ký toàn thư viết về Lê Lợi: “Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp”.

Nhóm PV phòng Chính trị – Xã hội

—————–

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong “Lam Sơn thực lục”)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây