Bao thế hệ người Việt Nam ta luôn tự tôn và hãnh diện là con Rồng cháu Tiên. Nó thể hiện dân tộc Việt có từ thời xa xưa đến nỗi không thể lấy một mốc thời gian nào để tính được cả. Người ta chỉ nói thời xưa, xưa rất là xưa. Rồi chúng ta tự hào là con cháu của loài rồng, loài cao quý, tượng trưng cho uy quyền, sức mạnh, hạnh phúc và đầy đủ. Nước Việt ta có bề dày lịch sử sánh ngang với nhiều quốc gia có nền văn minh sớm mà chúng ta cũng tìm thấy nhiều cổ vật ở khắp nơi trên mảnh đất quen biển này. Nhưng điều đáng buồn là chúng ta cứ mãi tự hào, mãi hãnh diện với những cái khẩu hiệu cao quý ở sâu thẳm của ý thức trong khi lịch sử của nước nhà vẫn còn là một thách thức lớn cho nhiều thế hệ. Bởi lẽ cho đến nay chúng ta chưa có một bộ sử nào hoàn thiện để xứng đáng với bề dày lịch sử và niềm tự hào của dân tộc. Chính sử còn thiếu như thế thì nói gì đến nền văn học trung và cổ của nước nhà. Nói như thế không có nghĩa chúng ta bi quan hay thờ ơ với mảng tri thức này. Thời gian gần đây chúng ta cũng lấy làm vui khi có một số nhà văn, nhà sử học tích cực nghiên cứu và sáng tác những tác phẩm liên quan đến lịch sử dưới dạng tiểu thuyết lịch sử. Một trong những tác giả mà chúng tôi muốn nói đến là nhà văn Phùng Văn Khai, người đã âm thầm cống hiến và gửi sự kính trọng đối với các bậc anh hùng hào kiệt, những vị đứng đầu các vương triều xuyên suốt nhiều niên kỷ, những cuộc chiến giành lại nền độc lập từ phương Bắc đầy gian khó và rất dũng mãnh của những tướng soái phương Nam. Tất cả chí khí, sự hào hiệp, trượng nghĩa và yêu thương dân tộc của những bậc quân vương đều được miêu tả sâu sắc và tinh tế dưới ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai, làm sáng lên một góc lịch sử của nước nhà.
Mảng văn học tiểu thuyết lịch sử là một mảng tri thức rất khó viết và gặp nhiều khó khăn nhất định. Như chúng ta thấy, mỗi năm, Khoa Văn học và Báo chí, cả khoa Sử nữa có hàng nghìn sinh viên ra trường nhưng rất ít và rất hiếm có một sinh viên nào dám đầu tư tâm huyết vào lĩnh vực này. Bởi lẽ lĩnh vực này đòi hỏi nhiều điều kiện khách quan, nhiều tố chất chủ quan và nhiều thách thức lớn mà người viết phải có trước khi cầm bút bước vào ngôi đền văn học lịch sử này.
Đại đức Thích Đồng Đạo (thứ nhất bìa trái) tại tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Nam Đế Vạn Xuân” và “Triệu Vương Phục Quốc” của Nhà văn Phùng Văn Khai.
Khó khăn thứ nhất: Nguồn tư liệu chính sử. Hiện tại nguồn tài liệu chính sử nước ta khá khiêm tốn nếu không muốn nói là quá ít ỏi, nghèo nàn thông tin. Bởi lẽ thời xa xưa dân tộc ta chỉ có tiếng nói mà không có chữ viết, tất cả những tinh hoa trí tuệ từ các lĩnh vực quân sự cho đến kiến trúc nghệ thuật của dân tộc, các kỹ thuật của những ngành nghề cổ truyền … Những kinh nghiệm quý giá đó dường như chỉ được truyền miệng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cho đến khi chúng ta vay mượn chữ viết của người Tàu mà đọc âm Việt nên gọi là Hán Việt. Dù có chữ viết rồi nhưng các triều đại nước ta dường như không quan tâm về lịch sử của triều đại mình nên họ không cử người biên niên sử để lại, khác với Trung Quốc xưa. Người Tàu rất đặc biệt:Mỗi triều đại nắm quyền họ luôn có sắc lệnh tìm người viết sử của triều đại đó, chẳng những sử của vương triều mà họ còn có sửở trong dân chúng. Nhiều nhà tri thức phong kiến cũng viết lại sử của triều đại đó với cái nhìn khách quan hơn, hoàn thiện hơn so với sử của vương triều. Bên cạnh đó họ còn có nhiều nhà văn viết sử dưới dạng tiểu thuyết, nhiều tác phẩm của họ rất có giá trị và nổi tiếng. Nó đánh dấu trí tuệ tinh hoa dân tộc họ; nó nói lên tư tưởng triết học lẫn nhân sinh học, tôn giáo học; nó làm tăng thêm giá trị văn học. Ví dụ như vào thế kỷ thứIII, tác giả Trần Thọ đã viết bộ “Tam quốc chí”, một tác phẩm chính sử. Đến thế kỷ XIV, La Quán Trung viết bộ “Tam quốc diễn nghĩa” dưới dạng tiểu thuyết lịch sử… hay “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân mang tính nhân sinh và triết học tôn giáo rất cao. Như vậy nguồn tư liệu của họ khá phong phú và tính chính xác khá cao, trong khi nước ta chỉ có một quyển sử được gọi là có giá trị nhất thời phong kiến là “Hoàng Lê nhất thống chí” viết vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Nhưng tác phẩm này viết khá cô đọng và thậm chí nhiều thông tin về niên đại các triều đại không chính xác. Đây là thách thức và khó khăn đầu tiên mà người muốn viết sử và tiểu thuyết lịch sử phải đối diện.
Khó khăn thứ hai: Mất nhiều thời gian và công sức. Vì sử liệu ít nên người muốn viết sử phải có sự kiên nhẫn, kiên trì để sưu tầm dựa trên các văn kiện như văn bia, thơ, phú… ở các đền thờ hay ở những ngôi chùa cổ ở nhiều nơi; phải có điều kiện và phương tiện, thời gian lẫn khả năng đọc hiểu những văn bia bằng chữ Hán đó, điều này có nghĩa là họ phải học thêm Hán ngữ và nghiên cứu rất nhiều năm. Sau đó mới xử lý tư liệu và sắp xếp lại cho có hệ thống, thứ tự niên đại khớp với sự kiện của từng nhân vật trong tác phẩm đó. Điều này quả thật là một cuộc hành trình tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có tâm huyết lẫn sự đam mê thì khó bền chí trên hành trình này. Không ít nhà văn, nhà sử học bước chân vào con đường này nhưng không đi đến đích, không thể tạo nên những tác phẩm lịch sử nào cả. Họ bỏ cuộc vì có nhiều khoảng trống lịch sử, không có tư liệu để lấp cho đủ và hợp lý được. Thậm chí họ bị bít lối khi không tìm đủ thông tin cần thiết để đi tiếp cuộc hành trình đó.
Khó khăn thứ 3: Sự đón nhận của công chúng. Để có một tác phẩm vừa mang tính lịch sử và tính văn học ra đời thì tác giả phải trải qua nhiều chướng ngại như thế.Nhưng để tác phẩm này nhận được sự ủng hộ của công chúng thì là một vấn đề không dễ gì làm được. Phần lớn người Việt Nam ta ít có văn hoá đọc sách, nói đúng hơn là lười đọc sách, mà sách sử thì lại càng khó thu hút giới trẻ. Chiếc điện thoại công nghệ dường như thay thế cho việc cầm quyển sách trên tay họ. Hiểu được điều này, có lần tôi và nhà văn Phùng Văn Khai nói chuyện nhau tại Văn phòng tạp chí Văn nghệ quân đội số 4 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm. Anh Khai nói rằng “Trong suy nghĩ của tôi, thầy Đạo à! Tôi thấy người Trung Quốc họ có nhiều thước phim hay, nhiều người Việt Nam mình biết sử Trung Quốc nhiều hơn sử Việt mà thực tế là họ có đọc sách sử Trung Quốc đâu. Vì họ xem nhiều phim sử của người Trung Quốc. Phim là công cụ đưa thẳng và trực tiếp vào tri thức của con người nhanh nhất và hiệu quả nhất, nên tôi mong muốn đất nước mình cũng phải truyền bá lịch sử dân tộc qua các bộ phim, mà tiểu thuyết lịch sử là một điều kiện cần để đóng thành phim. Nhưng tôi thấy khó quá, nguồn kinh phí không có để đóng phim, chưa nói là cần một đạo diễn có tầm để truyền tải những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.” Tôi nghe xong cái tư duy và tâm sự tích cực của anh Khai mà cảm thông cho anh Khai vô cùng. Anh Khai không phải cần danh dự cho mình mà anh muốn mang cái tự tôn dân tộc của anh, của mọi người gửi vào những trang tiểu thuyết lịch sử, để cho các thế hệ sau thấy được trí tuệ và tinh hoa của dân tộc mình, để cho thế giới họ thấy dân tộc Việt tự cường và giỏi giang thế nào. Trên thực tế, để đóng được phim thì cần có nhiều nhân tố và điều kiện. Ngoài kinh phí và nhân sự ra thì còn phải có một tác phẩm nghiên cứu về trang phục, cổ trang song song với các triều đại và văn hoá các thời kỳ lịch sử đó. Lĩnh vực này dường như chưa có tác phẩm nghiên cứu nào sâu sắc và cụ thể cả. Hi vọng là sẽ có một tác phẩm về lĩnh vực này để đóng góp vào nền sử học nước nhà trong vài năm tới.
Đại đức Thích Đồng Đạo (thứ hai bìa phải) tại tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Nam Đế Vạn Xuân” và “Triệu Vương Phục Quốc” của Nhà văn Phùng Văn Khai.
Bên cạnh những khó khăn trên, chúng tôi cũng muốn đề cập đến khó khăn từ nhận thức xã hội. Trong ngày lễ ra mắt tác phẩm “Nam Đế Vạn Xuân” và “Triệu Vương Phục Quốc” của anh Khai tại trường Đại học Văn hoá Hà Nội, anh Khai có nói đến vấn đề e dè cấp phép của Nhà xuất bản: Họ còn e dè về những tác phẩm mang tích chất tiểu thuyết; họ e dè tính chính xác lịch sử vì có nhiều đoạn trong tác phẩm được thêm thắt từ trí tưởng tượng của tác giả. Trên thực tế, những tác phẩm văn học lịch sử không phải là sự rập khuôn như chính sử mà nó là một sản phẩm tri thức sâu sắc của tác giả nên người viết họ có quyền tưởng tượng hoặc thêm thắt vài sự kiện để tác phẩm đó thêm thu hút và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là họ không đánh mất độ chính xác các niên đại, tên các nhân vật và cốt truyện chính của sử. Điều này dường như nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử nào cũng nắm rõ. Chúng ta nhìn lại văn học Trung Quốc lẫn văn học Trung đại Ai Cập và cả văn học sử của người Cao Ly xưa. Nhiều nhà văn vẫn có những tác phẩm ngoại truyện rất ấn tượng và nỗi tiếng, thậm chí nó nổi tiếng còn hơn cả chính sử. Ví dụ: Bộ “Hán Sở tranh hùng”; “Thuỷ hử”, đặc biệt là với tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”, ông La Quán Trung tự hình thành đặc tính tiêu biểu, rõ ràng về quan điểm chính trị của ba nhân vật của ba nước. Nó miêu tả khí chất và triết học nho gia rất cao; đề cao cái trung, nghĩa, trí và tín của người làm tướng và làm vương. Ông sáng tạo những trận đánh trí tuệ và chiến thuật qua cách bày binh bố trận của các trận đồ mà điều này không được đề cập trong chính sử “Tam quốc chí” của Trần Thọ. Nhưng tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” nổi tiếng hơn rất nhiều so với tác phẩm “Tam quốc chí”. Chẳng những thế mà mới đây, tác giả Mã Bá Dung đã viết tác phẩm mới tên là “Tam quốc cơ mật”. Chính tác giả đã tưởng tượng thêm một nhân vật Lưu Bình thay thế Hán Hiến Đế – Lưu Hiệp. Tất nhiên điều này không có trong chính sử. Nhưng khi tác phẩm này được đóng thành phim năm 2018, thì nó được công chúng rất thích và rất thành công. Như vậy người xưa họ dám vượt rào, người thời nay cũng dám vượt các khuôn khổ của sử để có những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử để đời. Vậy tại sao chúng ta còn e dè những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử mà những nhà văn đã dày tâm huyết đối với mảng lịch sử văn học này? Nếu người xưa họ cũng e dè thì làm gì có tác phẩm “Thuỷ hử” hoặc “Tam quốc diễn nghĩa” đến ngày hôm nay? Nếu chúng ta e dè đón nhận thì điều này thêm một khó khăn nhất định cho người cầm bút:Nó làm cho những người có tâm huyết vào lĩnh vực này e ngại. Điều này khiến nguồn văn học sử của chúng ta càng thêm nghèo nàn và hạn chế.
Một khó khăn khác: Trong thời buổi hiện tại, ai cũng lo cơm áo, gạo tiền, lo mưu sinh cả. Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử này mặc dù mất rất nhiều công sức và khó khăn nhưng mà thật sự khó sống với lĩnh vực này. Bởi vì chúng ta đã nói đến văn hoá đọc sách rất ít cộng với lĩnh vực về sử thì lại càng ít người tìm đọc trừ những người có sự đam mê về sử học. Điều đó có nghĩa là những nhà văn khó mưu sinh trên mảng văn học sử này. Ở nước ngoài, đặc biệt là ở Châu Âu, sách là thức ăn nuôi tâm thức hàng ngày song song với thức ăn nuôi thân thể, nên người viết sách có một nguồn kinh tế đủ để trang trải cuộc sống. Với nước ta quả là một chướng ngại lớn cho người cầm bút nếu nghĩ đến cơm áo gạo tiền cho gia đình. Theo góp ý thiển cận của tôi: Để nâng cao giá trị một tác phẩm và xây dựng văn hoá đọc sách thì nên có một cơ chế ưu tiên trên các kênh truyền hình, các thông tin báo chí quần chúng về những tác phẩm văn học và sử học cũng như tuyên truyền hình ảnh đẹp về những người đọc sách, kích thích thế hệ trẻ tiếp cận với tri thức từ sách và hạn chế sử dụng điện thoại công nghệ. Như thế mới phát triển được một xã hội văn minh và tri thức hơn. Đây cũng là cách để khích lệ những người cầm bút thêm nhiệt huyết với lĩnh vực này.
Để có những trang sử hay và chính xác hơn nữa đối với văn học sử của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng, các nhà văn nên nghiên cứu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì sử nước nhà song hành với sử Phật giáo. Phần lớn các vị quân vương nước ta lên ngôi và trị vì thiên hạ đều có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo qua các thiền sư. Cũng dễ hiểu thôi. Vì thời xa xưa đó chữ Hán rất khó học vì đọc âm Việt, nhưng viết chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt nên nó hạn chế người học vô cùng. Vì thế thời xưa có khoản 70-80% dân tộc ta là không biết chữ. Phần lớn người biết chữ uyên thâm nhất là những nhà sư, những vị quân vương, quan lại của triều đình và những ông thầy đồ. Số lượng này không nhiều trong xã hội. Khi vương triều nào đó mất đi, thì các thiền sư vừa đảm nhiệm vai trò giữ đạo, giữ nước và giữ nguồn tri thức cho dân tộc nên phần lớn các vị quân vương đều nhờ sự giáo dưỡng rất lớn của các thiền sư mà điển hình nhất là Lý Bí, Lý Công Uẩn… Hơn nữa làng mạc ngày xưa của chúng ta gắn liền với nếp sống đình, chùa. Kiến trúc nghệ thuật của dân tộc còn lại đều được lưu dấu tốt nhất ở những ngôi chùa xưa đó. Thứ nữa, khi chúng ta nghiên cứu thêm về lịch sử Phật giáo, nó giúp cho nhà văn dùng từ ngữ và các di tích liên quan đến Phật giáo và lịch sử dân tộc đúng đắn và hay hơn rất nhiều. Hiện tại, chúng ta có nhiều tác phẩm liên quan đến lịch sử Phật giáo của tác giả Lê Mạnh Thát là nguồn tư liệu rất tốt để tìm hiểu thêm về lịch sử Phật giáo và lịch sử nước nhà.
Có thể nói, việc viết văn học sử và cả việc muốn lịch sử nước nhà đi vào lòng người để con em chúng ta hiểu được sử dân tộc là một quá trình dài của nhà văn và những người có chức trách. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những nhà văn nào bước vào ngôi đền tiểu thuyết lịch sử là những chiến binh kiên cường và hi sinh thật sự. Với tôi, nhà văn Phùng Văn Khai đã dành trọn nhiệt huyết, vượt qua những cái chướng ngại ở trên để có bảy tác phẩm tiểu thuyết lịch sử dày đến 400 – 600 trang trong khi tuổi đời còn khá trẻ thì quả là một điều rất đáng tôn trọng lẫn ngưỡng mộ. Dĩ nhiên sẽ có người đặt câu hỏi “Các tác phẩm đó có hay không?”. Nó hay hay không thì chỉ có chính chúng ta cầm sách lên đọc mới hiểu được, mới cảm nhận chính xác cảm xúc của mình chứ không thể nghe bình luận, quan điểm của một ai khác. Riêng cá nhân tôi, tôi luôn dành sự tôn trọng và trân quý sự nhiệt huyết, dám làm và tài năng của anh Khai khi đã ngồi trong ngôi đền tiểu thuyết lịch sử rồi.