Người ích kỷ – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Người ích kỷ - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia
Từ trái qua: PGS-TS Hoàng Dũng, GS-TS Huỳnh Như Phương - Nhà văn Vu Gia - TS Hồ Quốc Hùng - ThS Bùi Tất Tươm - PGS-TS Đặng Ngọc Lệ - PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (Ảnh chụp sáng mùng 4 Tết Nhâm Dần 2022)

Người ích kỷ

Truyện ngắn của VU GIA

Nhìn Phú đang trả lời phỏng vấn trên màn ảnh nhỏ, tôi tự khinh mình, mặc dù tổng thời lượng Phú có mặt trên sóng truyền hình không bằng một góc nhỏ của tôi; danh vọng trong xã hội cũng không bằng một tí tẹo của tôi. Nếu không xem chương trình phát sóng này, thì tôi không sờ vào lương tâm của mình. Cái quan định luận đúng không? Chưa chắc đã đúng! Suy từ bản thân, tôi tin như thế.

Ngày ấy, chúng tôi lên đường đến nước bạn để học tập những mong thu thập nhiều kiến thức tiên tiến nhằm trở về phục vụ quê nhà. Chúng tôi khá trẻ, hầu hết chỉ mới mười tám, mười chín tuổi. Măng tơ như thế, nhưng bố mẹ chúng tôi không mấy lo lắng, vì qua những ngày sơ tán, chúng tôi đã thực sự trưởng thành, tự lo cho bản thân mình được. Mấy năm liền, chúng tôi rời khỏi bàn tay chăm sóc của gia đình, theo trường, theo lớp.

Chúng tôi biết làm mũ rơm, biết đào hầm để làm tạm lớp học, biết đào giao thông hào, biết đào hầm trú ẩn cá nhân để khi nghe tiếng kẻng báo động có máy bay đến ném bom là gấp rút tản ra, ai nấy chạy theo giao thông hào về hầm của mình nhằm hạn chế thương vong. Chúng tôi biết làm “vách tường” bằng bùn trộn rơm. Hành trang đi học của những đứa trẻ chúng tôi ngoài sách bút còn có mũ rơm và túi cứu thương, trong túi cứu thương có bông băng và thuốc đỏ. Chúng tôi được học sơ cứu, garo và băng, rửa vết thương nếu chẳng may bị bom đạn.

Chuyện đói rét, chúng tôi đã trải qua. Những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ sống với cuộc đời mới, không phải lo sợ đạn bom, không còn cảnh đói rét, học hành cũng được đàng hoàng hơn, bài bản hơn. Vấn đề còn lại là chúng tôi phải học tập như thế nào để không phụ ơn đất nước, thầy cô, cha mẹ và bạn bè đã thay chúng tôi ra chiến trường.

Ngày đó, hai anh em Phú đều được vào đại học, nhưng gia đình khuyên nên có một người tình nguyện làm lính Cụ Hồ, đánh giặc cứu nước. Sau một đêm bàn bạc, anh của Phú cho rằng Phú học giỏi hơn, được chọn đi học nước ngoài, thì hãy cố gắng mà học, chuyện còn lại để anh tham gia gồng gánh.

Chuyện này, chúng tôi biết được là khi học xong chương trình bổ túc ngoại ngữ, chuẩn bị lên đường thì người anh của Phú có giấy báo đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Cả lớp chúng tôi đến chia buồn và động viên Phú biến đau thương thành hành động. Chúng tôi quyết tâm đến nước bạn phải học hết sức mình, xem như người lính xông pha tuyến đầu.

Bước đầu, chúng tôi đã làm được như thế. Phú ít nói, chỉ biết học và học. Qua một thời gian, cung đường di chuyển của Phú ai ai cũng rành như đường chỉ trong lòng bàn tay: trường – phòng thí nghiệm – thư viện – ký túc xá. Tôi thì quảng giao hơn, nên từng bước biết buôn bán, việc học trở thành thứ yếu.

Tới ngày tới tháng, chúng tôi đều tốt nghiệp đại học. Nhưng thực lòng mà nói, phần lớn chúng tôi là học đại, còn học thực là Phú. Và Phú là người duy nhất trong chúng tôi được giữ lại trường. Nghĩ cũng phải thôi. Phú có gì để lo. Trong đợt máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất, thì một quả bom ném trúng căn hầm của bố mẹ Phú và một số người trong xóm. Sau trận bom, chính quyền địa phương và bà con trong xóm còn sống tìm được một ít mẩu tóc, mẩu xương không biết của ai, nên cùng an táng chung một vị mả. Chính sự đau buồn này càng hối thúc Phú chuyên tâm vào việc học hành.

Có điều kiện dễ dàng trước mắt, chúng tôi không bỏ qua, quyết tâm thoát khỏi cảnh cơ cực. Chúng tôi muốn bố mẹ có ngôi nhà đàng hoàng, muốn bố mẹ mùa nắng nóng không phải ra chái hè ngồi với cái quạt giấy bồi hoặc cái quạt mo luôn phành phạch trong tay, muốn bố mẹ trong mùa rét không phải co ro rên rỉ khó yên giấc vì chăn đắp không đủ ấm, v.v.

Từ những suy nghĩ ấy, tôi và một số bạn bè không ngại sắp hàng từ khuya dưới tuyết để mua được cái nồi áp suất, cái bàn là điện, cái quạt con cóc, cái máy khâu,… gửi về quê nhà. Thấy chúng tôi chịu khó như thế, nhiều du học sinh các nước, kể cả người bản địa phục lăn, nhưng thật ra chẳng đáng gì so với cái đói, cái rét, cái khổ những năm sơ tán mà chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi được giáo dục từ bé là “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, và luôn tâm niệm như thế, song trước mắt không yêu bản thân, không yêu bố mẹ, thì những cái yêu to lớn kia chỉ để dặn lòng.

Ngày ấy, quạt con cóc, bàn là điện hay nồi áp suất hiếm lắm, quý lắm, xem như là những mặt hàng xa xỉ. Nhà nào có điều kiện mới có để dùng, chứ không phải nhà nào cũng có. Các nhà có những đồ dùng này thường là những nhà “có máu mặt”, hoặc là có người quen đi Liên Xô, hoặc có chồng, con là du học sinh mới trở về. Bàn là Liên Xô hiệu Jaura tốt lắm, được mệnh danh là nồi đồng cối đá, sử dụng cả chục năm hơn vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Nồi áp suất thì dày cui, không biết dùng mấy đời mới hỏng… Vì thế, những mặt hàng đó rất được giá.

Sau vài năm, bố mẹ tôi cho hay mỗi thứ để lại một cái cho nhà dùng, còn bán tất và tiền lãi đã xây được ngôi nhà khang trang nhất làng, thậm chí còn dành được một ít tiền thừa sức cưới vợ cho tôi. Nghe thông tin như thế, tôi thấy nhẹ lòng và thấy xứng đáng với công sức bỏ ra.

Những mặt hàng xa xỉ ấy, và những việc làm của chúng tôi ở xứ người không hiểu từ đâu đưa đến tai chúng tôi câu ca vè rất khá và trong chúng tôi, ai cũng cười vui, khen dân gian ta giỏi thật: “Xem kìa, hình nộm man di/ Đầu đội áp suất, chân đi bàn là/ Trông xa cứ tưởng là ma/ Lại gần thì hóa từ Nga mới về”.

Trong chúng tôi, một số người về nước, một số tiếp tục ở lại buôn bán, duy chỉ có Phú ở lại làm công tác giảng dạy. Tôi không quan tâm, bởi tôi cho rằng mỗi người có suy nghĩ riêng của mình không ai giống ai. Tôi không cho suy nghĩ của mình là đúng và cũng không nghĩ những suy nghĩ khác mình là sai.

Về nước, chúng tôi được phân công công tác theo chuyên ngành đào tạo. Ổn định công việc, tôi đăng ký học tiếp. Mấy năm sau, tôi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ trong nước, loại xuất sắc. Nhiều thầy trong hội đồng chấm luận án đề nghị tôi xuất bản luận án này, nhưng tôi lịch sự từ chối cho rằng cố làm tốt công việc được phân công là được, chuyện hư danh ấy, tôi không ham. Nghe có vẻ cao đạo, song tôi tự biết cẩn thận sẽ không gây ra sai lầm lớn. Gió nổi lên không hề có tiếng động, gặp vật cản sẽ vang rền.

Luận án phó tiến sĩ của tôi mà không phải của tôi. Trước khi về nước, tôi lấy một luận án của du học sinh người Hungary có liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Lấy luận án này, tôi không có ý nghĩ gì to tát, chỉ muốn lúc rỗi việc đọc thêm nhằm có chút cơ sở “chém gió” để người nghe biết kiến thức ở nước ngoài mang về. Nay gặp dịp, chính là “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”, đúng là… ý trời!

Khi trao đổi với giáo sư hướng dẫn về đề tài nghiên cứu, giáo sư hướng dẫn thích lắm, động viên tôi cố gắng thực hiện cho bằng được. Tôi cười thầm trong bụng, không nôn nóng, từ từ làm theo lối cuốn chiếu. Thực ra, tôi chỉ tốn công chuyển ngữ, tới ngày tới giờ trình giáo sư hướng dẫn từng phần như đã trao đổi. Luận án hoàn chỉnh cùng với sự quảng giao vốn có của tôi, nên hội đồng chấm luận án xếp loại xuất sắc là chuyện nằm trong dự tính.

Không công bằng ư? Công bằng đáng giá mấy đồng? Vớ vẩn! Thế gian khó công bằng, phải thích ứng với quy luật cuộc sống mới có thể tồn tại, dẫu đây là nỗi bi ai của đời người.

Đọc Nam hoa kinh, tôi thấy có một lần, qua thắc mắc của môn sinh từ những mẩu chuyện thực tế gặp phải trên đường, Trang Tử nói: “Các anh phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi”. Dân gian cũng có nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Thân phận gì, lai lịch ra sao đều là hư, chính mình quyết định tương lai có thể đi đến mức nào mình mới là thật.

Hư là thật của hình chiếu, vì thật mà sinh. Không có thật thì không có hư. Nhưng có những việc mắt thấy chưa phải là thật, tai nghe chưa chắc là hư. Hư hay thật chỉ trong một ý nghĩ, cần gì phải phân biệt rạch ròi cho nhọc trí. Nếu nói tôi ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân và gia đình, không sai chút nào. Tôi không có tham vọng gì lớn lao ngoài tập trung cho gia đình. Công việc hưởng lương hằng tháng, tuy không xuất sắc song chẳng kém ai, nếu có kém cũng chẳng kém bao nhiêu.

Nhớ về bố mẹ, tôi chỉ biết thương, biết khóc. Điều an ủi là bố mẹ tôi sống khá vui trong quãng cuối cuộc đời. Vợ con tôi có cuộc sống vui vẻ, không thấy buồn vì thua chị kém em. Với tôi, thế là đủ. Trong những ngày du học, những lúc xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ để mua được vài ba món hàng vừa ý, tôi nhớ vô số lần hoàng hôn mờ nhạt chạng vạng, một thằng bé ngồi dưới gốc cây ổi ngoài sân ngóng đợi bố mẹ đi làm về. Chờ bố quẳng cái cuốc, cúi xuống xốc nách đưa nó lên thật cao với tiếng cười sảng khoái. Chờ mẹ nó lấy gạo thổi cơm… Nhớ lời bố dặn mẹ xem lại tiền dành dụm có thể mua cho nó cái áo bông đón rét… Rồi một vài thứ khắc ở trong xương, nhiều năm đi qua nó không thể nào quên được. Và thằng bé đó đã lớn, đang ở xứ người, nó đã quên tuyết đang rơi xuống phủ trắng áo quần, quên cái lạnh quê nhà không có, quên cái nhìn lạnh lùng có chút khinh thường của mậu dịch viên, bởi có hàng đồng nghĩa với bố mẹ nó có điều kiện thay đổi cuộc sống.

Khi chưa có điện thoại, mỗi lần được lên sóng truyền hình, lên sóng đài phát thanh, nó đều chạy về quê nhà một thoáng rồi đi ngay, vì chỉ báo cho bố mẹ nó biết ngày ấy, giờ ấy, bố mẹ có thể nghe giọng nói của nó, thấy hình ảnh của nó. Khi báo chí viết về nó, nó cũng mua mấy tờ mang về cho bố mẹ. Sau mỗi lần về, nó thấy những bài báo ấy được bố mẹ nó bọc nhựa cho vào cái khung tre có chạm khắc hoa lá do chính tay bố nó làm ra, treo ở trên tường. Lòng nó vui, vì biết bố mẹ nó rất vui.

Nó đó là tôi – một thằng người ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân và gia đình, không có tầm nhìn xa trông rộng, phụ ơn đất nước, phụ ơn nhà trường.

#

Nhìn và nghe những gì Phú tâm sự về chút riêng tư của đời mình, về những nghiên cứu khoa học từ thực tế đồng ruộng Việt Nam đã góp phần giúp cho những người nông dân bao đời chân lấm tay bùn có được cuộc sống tốt hơn, đồng nghĩa góp phần giúp cho đất nước ngày một hưng thịnh hơn, tôi không lạ gì, và không thể không phục cái tâm, cái chí của Phú. Phú mới thực là người học với hành đi đôi, mới là người có tầm nhìn xa trông rộng, mới là người “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” như lời dạy của thầy cô giáo từ ngày mới ôm vở tới trường.

Thế hệ chúng tôi trưởng thành từ mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng người làm được như Phú không nhiều, bản thân tôi càng tệ, thậm chí quá tệ so với những gì Phú đã làm và đang làm, dẫu bước khởi đầu chúng tôi đều như nhau. Biết chỉ là biết, nhưng nghĩ muốn làm không chỉ một câu là được. Tỷ như ai cũng biết học giỏi là thi đậu, nhưng làm sao học giỏi thì không đơn giản chút nào. Phú xứng đáng là nhà khoa học đích thực, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này.

Sau ngày tôi về nước, Phú mấy lần đi thực tế ở nông thôn và cưới người vợ bản địa. Việt Nam đi vào công cuộc đổi mới được mấy năm, Phú liên lạc với tôi cho biết con đã vào cấp 3, Phú muốn về quê hương mở công ty nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi trao đổi với một số bạn bè có trách nhiệm quyết định việc này, tôi liên lạc lại với Phú và công ty hình thành, đi vào hoạt động. Mỗi năm, Phú về Nga một lần, và năm sau vợ con Phú về Việt Nam một lần, cứ thế luân phiên nhau.

Hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đầu tiên của công ty là hợp đồng Phú ký với nông trang nơi vợ anh làm kế toán. Cũng giống như thời học ở nước bạn, Phú hết đi thực tế thì vùi đầu vào nghiên cứu, không có thời gian “chém gió” và thực dụng như tôi. Thành công của Phú hôm nay là sự nỗ lực không ngừng kích thích tiềm năng trí tuệ, chứ không phải bằng sự quảng giao và lém lĩnh như tôi. Nếu không có buổi trực tiếp truyền hình này thì không mấy người biết đến Phú, kể cả một số du học sinh cùng thời với chúng tôi.

Ở đời có thể có thiên tài, nhưng chỉ dựa vào thiên tài để an ổn một đời thì không đáng sợ, đáng sợ chính là thiên tài biết chịu khổ, chịu khó vươn lên, cố gắng vượt qua chính mình. Lúc đó, thành tích ra sao cũng làm nhiều người ngước nhìn. Ông bà ta nói chẳng sai, những hạt lúa lép thường phe phẩy trước gió, còn những hạt lúa chắc thì luôn cúi đầu.

Từ ngày nghỉ hẳn công việc nhà nước, tôi thường đọc sách về tôn giáo và khi xét lại mình, không biết tôi là Phật hay ma. Nay, nhìn và nghe Phú nói trên sóng truyền hình, tôi cũng không biết Phú là ma hay Phật. Tu Phật chú ý ngũ uẩn giai không, cần bỏ qua tất cả ngoại vật tạp niệm, không cho chúng đọng trong tâm, Phú thì một mực kiên trì bảo vệ tất thảy. Tu Phật chú ý làm việc thiện, tích đức, Phú thì muốn từ thực tế đi ngược lại những gì tạo hóa đặt bày. Những nghiên cứu khoa học của Phú đã nói lên điều ấy.

Người đời thường cho rằng ngược với Phật là ma. Nhưng trăm sông đổ về một biển, do pháp môn tu có khác đường mà phân biệt. Khi ma biết cứu đời là bậc toàn giác, là chân ma. Nếu gọi là ma thì với tôi, Phú chính là chân ma. Nhưng Phật hay ma cũng tùy vào cách nhìn của mỗi người. Xưa nay, trong cuộc sống, con người cùng sống dưới một bầu trời, cùng hít thở không khí, cùng dành thời gian để ăn, để ngủ,… kể cả cùng đối mặt với những khó khăn, thế nhưng mỗi người có cảm thụ khác nhau. Có người cảm thấy cuộc sống rất vất vả, có người cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán và vô vị, nhưng một số lại cảm thấy cuộc sống là một ân huệ của tạo hóa ban cho. Sau ngày giải phóng, vô tình tôi đọc được bài thơ của nhà thơ không mấy tên tuổi ở miền Nam, dẫu có chút ngông nghênh nhưng nói lên được phần nào trạng thái tâm lý con người miền Nam trong giai đoạn ấy: “Đứa thì thích chiến tranh/ Thằng thì thích hòa bình/ Còn ông thì lại khác/ Ông thích cảnh đao binh/ Đao binh làm giàu dễ/ Đầu cơ không sợ ế/ Rác rến có người mua/ Khỏi lo tiền đóng thuế”

Nói gì cho xa, anh em cùng một cha một mẹ sinh ra, cùng được dạy dỗ như nhau, cùng chung sống dưới một mái nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, nói chung họ có cuộc sống không khác nhau, thế mà suy nghĩ của mỗi người chẳng ai giống ai. Người cảm thấy cuộc sống như vậy là tuyệt vời, người thì kêu ca phàn nàn bị gò bó, người thì làm đâu hư đó, nợ quấn bên lưng, người chợp mắt mở mắt là tiền chảy vào túi như mở vòi nước máy. Giải thích theo tôn giáo là nghiệp duyên của mỗi người, nên xuất phát từ tâm của mỗi người. Tâm trạng khác nhau thì cảm thụ cuộc sống cũng khác nhau. 

Bản thân mình có đôi lúc không hiểu được mình, làm sao đòi hiểu người khác. Cười chưa chắc đã vui. Khóc chưa hẳn đã buồn. Những cặp sinh đôi từ khi sinh ra có cùng môi trường sống, song có ai giống ai đâu, cảm thụ cuộc sống mỗi người mỗi khác. Có không ít người nhìn tính cách rất giống mà cảm thụ thế giới chung quanh có khi cách xa một trời một vực. Cùng nghe một bài hát, cùng đọc một cuốn sách, mỗi người có thể cảm thụ được niềm vui, nỗi buồn khác nhau, những người ở độ tuổi khác nhau cũng sẽ có những cảm xúc khác nhau. 

Về hạnh phúc cũng thế. Không ai không muốn mình không có hạnh phúc và truy cầu trong suốt cuộc đời. Nhưng để đạt được hạnh phúc, mỗi người chọn cho mình lối đi riêng, không dẫm đạp lên nhau và sự cảm thụ về hạnh phúc ở mỗi người cũng khác nhau. Điều này, cuộc sống đã chỉ rõ và đã có không ít người nhắc đến, dẫn chứng một cách khá đơn giản mà không sai mấy với sự thật. Họ cho rằng nếu một người mù có thể nhìn thấy thế giới chung quanh thì người đó sẽ cảm thấy rất hạnh phúc; một người đói sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được ăn một bữa no; một người đang lạnh tím da gặp được lò lửa than hừng hực cháy sẽ cảm thấy quá hạnh phúc, một cặp vợ chồng ở xa nhau khi được đoàn tụ là niềm hạnh phúc vô bờ,… Nhìn chung, mỗi người là một cá thể có một cuộc sống của riêng mình, có sự cảm thụ cuộc sống của riêng mình không ai giống ai. Nhưng có một chân lý không bao giờ thay đổi, minh châu ở nơi nào cũng đều sẽ sáng lên.

Phú xứng đáng hơn những gì mà Phú đang có, tôi đang có. Phú là thật, tôi là hư. Cái học của Phú là thật, của tôi là hư. Bằng cấp của Phú là thật, của tôi là hư. Nghiên cứu của Phú thật sự phục vụ cho đời là thật, của tôi chỉ để phục vụ cho gián và chuột là hư. Cái tâm, cái chí của Phú với quê hương là thật, của tôi là hư…

Ung dung nhất mộng. Tỉnh mộng đã già. Phú còn hăng say làm việc, tôi thì chỉ biết vui với tuổi già. Tôi không giống Nguyễn Công Trứ: “Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười/ Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Tôi chẳng trách ai. Đường do tôi chọn và đi đã đến quãng cuối rồi. Sờ vào lương tâm để xét đời mình, chứ tôi khá bằng lòng với cuộc sống đã qua. Rất cám ơn cuộc đời đã ưu đãi tôi đến tuổi này. Thông cao ngạo, nhưng không có gió mưa đánh bóng thì không cách nào cao ngạo được. Do đó, làm người vẫn tốt hơn. Cao ngạo phải có vốn để cao ngạo, không phải muốn cao ngạo là được. Khó lắm! Không khéo nuốt nhục vào lòng, dẫn đến chuyện “con khinh bố”, “vợ chửi chồng” như ý thơ của Tú Xương.

Chuyện thật chuyện hư chẳng qua tự kiểm điểm bản thân nhằm biết cái ưu cái khuyết của đời mình để lòng được thanh thản khi trở về với đất, chứ thế nào là thật, thế nào là hư, rất khó nói rốt ráo. Trăng là thật, bóng trăng là hư. Nhưng khi Hàn Mặc Tử phát hiện: “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”, thì trong mắt của nhà thơ, “bóng nguyệt trần truồng tắm” là thật, “cái khuôn vàng dưới dáy khe” lộ ra trước mắt ông là thật. Vậy đâu là thật, đâu là hư? Thật hư chỉ trong nhất niệm. Theo tôi, ngoại trừ bản tâm mình, những thứ khác đều là hư vọng. Tâm sinh, vạn vật sinh. Tâm diệt, vạn vật diệt.

Thời gian vô tình nhất, đã đi qua liền không bao giờ trở về. Nếu có trở về, tôi cũng chọn làm người ích kỷ như đã trải qua. Mỗi người là một cái bảo tàng được thiên địa uẩn dục đầy đủ trí tuệ và sức mạnh. Ai biết khai thác và khai thác tới đâu là do nỗ lực của mỗi người. Tôi chỉ khai thác tới mức như quãng đời qua và cũng chỉ cần tới đó là mãn nguyện rồi, không có cao vọng xa vời. Với tôi, vận mệnh của mỗi người đều do chính mỗi người lựa chọn, người ngoài không thể nói ra nói vào, chê khôn chê dại, hoặc quan tâm… tất cả đều vô dụng, mấu chốt là làm tốt chính mình.

Mừng cho thành quả của Phú. Cái tâm, cái chí của Phú, lớp con cháu tôi cần phải học, nhưng tính ích kỷ của tôi, chúng cũng cần… phải học, bởi gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, nếu cố tình quên đi mới là điều đáng sợ./

V.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây