Người Mẹ anh hùng – Nguyễn Văn Đến

Người Mẹ anh hùng - Nguyễn Văn Đến (Nguyên Trưởng Khu Du lịch Bà Nà - Suối Mơ)
Nguyễn Văn Đến (Nguyên Trưởng Khu Du lịch Bà Nà - Suối Mơ)

PHÁC THẢO KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ – BÀI 21

pt1 min - Người Mẹ anh hùng - Nguyễn Văn ĐếnBẢN ĐỒ GIẢI THỬA-VÙNG KHÔNG GIAN VƯỜN MẸ

Tưởng quy hoạch Vườn Mẹ - Người Mẹ anh hùng - Nguyễn Văn Đến

 

NGƯỜI MẸ ANH HÙNG

Nguyễn Văn Đến
(Nguyên Trưởng Khu Du lịch Bà Nà – Suối Mơ)

Mẹ là người sinh dưỡng, giáo dục chúng con khôn lớn thành người. Trái tim người mẹ bao la rộng lớn, tình yêu thương của mẹ đối với con là trường tồn vĩnh viễn. Mẹ làm bậc thang để con bước lên đỉnh cao. Mẹ là ánh sao để con ước ao bao điều (Trích bài hát Mẹ – Quách Been)

Mẹ tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, ngoài thiên chức làm mẹ bà còn có tình yêu quê hương đất nước rất mãnh liệt. Mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, hăng hái phấn đấu và trưởng thành, là nữ huyện ủy viên đầu tiên của huyện Hòa Vang. Địa bàn hoạt động kháng chiến trải rộng tất cả các phường của quận Liên Chiểu như: Hòa Hiêp, Hòa Khánh, Hòa Mỹ và ba xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang ngày nay.

Thời gian này, chế độ Ngô Đình Diệm ban hành luật 10.59 vô cùng hà khắc, để thi hành chúng lập nên các ấp chiến lược và lê máy chém khắp nơi, khống chế cách mạng bằng các cuộc càn quyét, bắn phá, lùng sục, khủng bố diễn ra hàng ngày. Bọn chúng đàn áp nhân dân rất ác liệt làm cho tình hình hoạt động cách mạng càng thêm khó khăn… Ngày mẹ sinh tôi, tại địa phương có nhiều biến động, cách mạng đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở. Để có thời gian đáp ứng nhiệm vụ cách mạng đặt ra, mẹ phải đứt ruột gởi đứa con yêu quý, còn non nớt mới mấy ngày tuổi cho người em gái ruột của chồng nuôi dưỡng, để mẹ tham gia kháng chiến. Trong một lần tổ chức cuộc họp với cơ sở tại vùng đồng bằng Hòa Liên (năm 1959) bị địch phục kích, mẹ tôi cùng với ông Đào Ngọc Chua (tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy Hòa Vang) chiến đấu hy sinh và mười người khác cùng đi bị bắt. chúng thúc ép, lùa người dân từ vùng Hoà Liên và Đà Nẵng đến để chứng kiến sự tàn độc và dã man không thể nào dung thứ của chúng. Chúng dựng xác của mẹ tôi và ông Đào Ngọc Chua, buộc chặt vào cây giữa cánh đồng, nổ súng liên tiếp vào người đã chết để thị uy và khủng bố tinh thần người dân với khẩu hiệu răn đe: Thấy cộng sản ở đâu là phải bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho cộng sản cũng bắn bỏ ngay.

​Sự hy sinh của mẹ cùng đồng đội trở thành sự tích và gây chấn động cả vùng Hòa Liên và Đà Nẵng lúc bấy giờ. Cùng lúc đó bọn chúng tổ chức lùng sục vào thôn Quan Nam nhằm tìm kiếm bắt con và cha của mẹ tôi, biết được âm mưu tìm diệt những thân nhân cộng sản, bên ngoại đã nhanh chóng đưa tôi về bên nhà nội ở làng Xuân Thiều. Chúng bắt ông ngoại tôi tra hỏi và đưa đi tù, trong nhà tù ông bị tra tấn đánh đập dã man không thể diễn tả hết, chỉ biết rằng sau khi ra tù ông ngoại tôi bị liệt toàn thân và qua đời sau thời gian rất ngắn.

Có nỗi đau thương nào lớn hơn với những đứa con mất mẹ, tôi và anh Phan Đức Nhạn là những người con như thế. Chúng tôi là con liệt sỹ cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập, những năm ngoài đó luôn hướng về Nam, về quê nhà; nơi có Mẹ, có làng quê và cùng ước mơ làm một việc gì đó để đền đáp ơn nghĩa sinh thành và sự hy sinh cho độc lập dân tộc không chỉ mẹ của riêng mình mà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đã đến lúc phải làm nếu không nói quá muộn để tưởng nhớ, vinh danh những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến xương máu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và ý tưởng “Vườn Mẹ” ra đời.

Anh Phan Đức Nhạn người từng trải qua nhiều chức danh lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng tôi thích gọi anh là kỹ sư Phan Đức Nhạn; người của công việc, rất sáng tạo, năng động và linh hoạt, người tiên phong phác thảo quy hoạch “Vườn Mẹ”, đây là mô hình mới trong cả nước, nhiều địa phương cũng mong muốn nhưng chưa làm được.

Quê hương anh Bình Dương (Thăng Bình) một xã trong 10 năm kháng chiến 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, tổ chức rời làng quê trong đêm, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn cùng nhau theo Đảng tham gia lập làng mới chống giặc. Từ đây mới thấu hiểu hết ý nghĩa, giá trị của tình quân dân như cá với nước để chúng ta có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Ngày xưa tản cư đánh giặc, bảo vệ làng quê rồi trở về, ngày nay nhiều nơi di dân như quê ngoại tôi Hòa Liên giao đất cho dự án đầu tư kinh doanh không còn làng xã, mất dần bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống làng quê yên bình và giản dị vốn có.

Ai cũng yêu quê hương nhưng kỹ sư Phan Đức Nhạn là người con yêu quê rất đặc biệt; anh yêu quê gắn liền với việc làm thiết thực, ngoài nhiệm vụ Nhà nước giao anh còn là người rất tâm huyết và trách nhiệm. Nặng nghĩa với quê hương anh đã làm nhiều việc, tiêu biểu nhất xây cầu qua sông Trường Giang, làm đường Nam Quảng Nam kết nối với tỉnh Kon Tum rồi đề xuất mở đường Nam Hội An chạy dọc ven biển vào Núi Thành… và giờ đây nêu ý tưởng dự án “Vườn Mẹ”.

Quy hoạch “Vườn Mẹ” là công trình lịch sử, văn hoá, nơi tưởng nhớ, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các Mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sỹ tại Bình Dương một thời chiến đấu, bảo vệ quê hương, Tổ Quốc.

Quy hoạch “Vườn Mẹ” có các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật để bố trí tượng đài, khuôn viên an vị cho các bà mẹ Mẹ Việt Nam Anh hùng, bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ, hoa viên tưởng niệm, tôn vinh lớp người cách mạng tiền bối, các Mẹ Việt Nam nhân dân hóa Thánh,tái tạo hầm hào chiến đấu, lưu giữ kỷ vật, hình ảnh, làng nghề truyền thống nhân dân Bình Dương lao động, chiến đấu.

Cảnh quan “Vườn Mẹ” còn có các loài hoa xương rồng bản địa, tre trúc, cây xanh và cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất này.

Bình Dương thanh bình và nên thơ, khí hậu trong lành, anh sinh ra trong làng dựa lưng vào nổng cát bao la rộng lớn, kéo dài giáp với biển Đông, làng chạy dọc từ hướng Nam ra hướng Bắc, phía Tây trước mặt làng là cánh đồng và dòng sông Trường Giang ngày xưa sầm uất, trên bến dưới thuyền.

Quy hoạch “Vườn Mẹ” gắn với làng Lạc Câu thuở ban đầu của các bậc tiền nhân; những người cùng huyết thống khai hoang lập nghiệp – Bình Dương ngày nay là không gian rộng lớn, có đủ các yếu tố của môi trường làm cân bằng hệ sinh thái, lý tưởng cho sự sống của con người và sinh vật cảnh. Quy hoạch “Vườn Mẹ” gắn với làng chắc chắn sẽ có không gian trong lành và yên bình vốn có của làng quê Việt.

Chúng tôi không phải là những người của trường phái duy tâm nhưng cảm nhận có sự linh thiêng tuyệt đối, mong dịp khánh thành “Vườn Mẹ” nếu có linh thiêng sống khôn thác thiêng mẹ vào thăm, giao lưu với với đồng đội đã cùng nhau chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, nơi quê hương anh hùng của người vừa bằng hữu vừa thông gia.

Vườn Mẹ được các văn nghệ sỹ, một số tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt nam và những người con quê nhà chia sẻ, hưởng ứng, đón nhận nồng nhiệt và mong muốn sớm thành hiện thực.

Chúng ta không phủ nhận đầu tư các dự án để phát triển kinh tế – xã hội giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống nhân dân, tuy nhiên không ít dự án chưa lường hết được những tác động làm mất đi cơ cấu làng xã nơi cộng đồng bà con sống trong tình làng nghĩa xóm, làm mất đi bản sắc văn hoá làng quê đã được hình thành và trải qua hàng trăm năm. Quảng Nam phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn này có nhiều kinh nghiệm, chúng ta tin rằng các cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch hợp lý giữa các dự án kinh tế và công trình lịch sử văn hoá để vừa phát triển kinh tế – xã hội vừa kết hợp tham quan, bảo vệ môi trường, giữ lại nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa xứ Quảng.

Vườn Mẹ” là một công trình lịch sử – văn hóa dành cho thế hệ hôm nay và mai sau, tưởng nhớ, tri ân, vinh danh các mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sỹ, các bậc cách mạng tiền bối đã chiến đấu anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương,Tổ quốc…

Đà Nẵng, 20.10.2021
N.V.Đ

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây