VU GIA
Vu Gia, tên thật là Phạm Ngọc Phúc, sinh năm 1952; quê quán: xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; nguyên cán bộ biên tập Báo Người Lao Động, nghỉ hưu năm 2012.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
* TIỂU THUYẾT
1- Vùng đất dữ (1988)
2- Khúc dân ca cho người dưới mộ (1989)
3- Có những cuộc tình (1989)
4- Đời ca sĩ (1989)
5- Giọt nước mắt cho tình yêu (1989)
6- Mộng đẹp tàn phai (1990)
7- Niềm say mê của con người (1990)
8- Khi sống họ đã yêu (1990)
9- Người mẹ cô đơn (1990)
10- Trên đỉnh tình sầu (1991)
11- Hoàng hôn tím (1995)
12- Nho tướng Nguyễn Công Trứ (1996, 2001)
13- Phan Châu Trinh – Người khởi xướng dân quyền (2002, 2008)
14- Những người hay cãi (Tản văn, 2014)
* BIÊN KHẢO
15- Địa chí Đại Lộc (Đồng chủ biên với Huỳnh Ngọc Trảng – 1992, 2000)
16- Khái Hưng – Nhà tiểu thuyết (1993)
17- Thạch Lam – Thân thế và sự nghiệp (1994)
18- Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học (1995)
19- Hoàng Đạo – Nhà báo, nhà văn (1997)
20- Hải Triều – Nghệ thuật vị nhân sinh (1998, 2002, 2005)
21- Làm thế nào để viết luận văn, luận án, biên khảo (2000, tái bản nhiều lần)
22- Phan Khôi – Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới (2003)
23- Địa chí Đại Cường (chủ biên, 2005)
24- Trần Tiêu – Nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn (2006)
25- Địa chí Đại Nghĩa (Viết chung với Huỳnh Ngọc Trảng, 2007)
26- Tú Mỡ – Người gieo tiếng cười (2008)
27- Thế Lữ – Một khách tình si (2009)
28- Khái Hưng – Người đổi mới văn chương (2011)
29- Xuân Diệu – Một đời “gửi hương cho gió” (2014)
* THƠ
30- Ta và em (2000)
Vu Gia, chân dung tự họa
PHONG TRÀO THƠ MỚI VỚI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Tám mươi năm, nhìn lại
VU GIA (Tham luận Hội thảo Tự lực văn đoàn – 80 năm nhìn lại)
Nói về Phong trào Thơ mới, không có bài nào đầy đủ và chi tiết hơn bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh, viết vào tháng 11-1941, và đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (xuất bản 1942). Nhưng Tự lực văn đoàn có công gì với Phong trào Thơ mới để phải… Tám mươi năm nhìn lại?
Theo Dương Quảng Hàm, “Công việc của Tự lực văn đoàn đã có ảnh hưởng về đường xã hội và đường văn học.
.A) Về đường xã hội, cái biệt tài trào phúng của các văn gia phái ấy, cả trong thơ văn và trong các bức hí họa, đã làm rõ rệt cái dở, cái rởm, cái buồn cười, cái giả dối trong các hủ tục, thiên kiến của ta.
.B) Về đường văn học, phái ấy đã gây nên cái phong trào “thơ mới” và làm cho thể văn tiểu thuyết được đắc thắng; phái ấy lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giảng, khiến cho nhiều người thích đọc”[1].
Tại sao Dương Quảng Hàm, nói “phái ấy (Tự lực văn đoàn – V.G) đã gây nên phong trào “thơ mới”, trong lúc đó thì Hoài Thanh lại viết rằng, “một ngày kia cuộc cách mệnh về thi ca đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10 mars 1932. Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ô. Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận. Ông tự giới thiệu: “Trước kia… ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Nôm; mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được”. Ấy thế đó mà ông kết án thơ cũ! “Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn”. Bởi vậy ông bày ra một lối thơ “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bị bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là thơ mới”[2]. Từ đó, khắp cả ba kỳ dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về thơ cũ, thơ mới.
Về báo Phong hóa với cuộc tranh luận này, Hoài Thanh cho biết: “Báo Phong hóa tập mới (do Nhất Linh chủ trương – V.G) ra đời ngày 22 septembre 1932. Ngay số đầu đã có bài công kích thơ Đường luật và kết luận rằng: “Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng”. Từ đó cho đến cuối năm 1932, Phong hóa không đăng thơ mới nhưng cũng không đăng thơ cũ. Phong hóa lại còn diễu thơ cũ bằng cách diễu Tản Đà, người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ. Bài “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà đã làm đầu đề cho một bức tranh khôi hài của Đông Sơn và một bài hát nói khôi hài của Tú Mỡ. Họ so sánh cảnh thực với cảnh mộng trong trí tưởng thi nhân. Tú Mỡ viết:
… Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt,
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng!
Trên đường đi nóng dẫy như rang,
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ!
Vân vân…
Phá hoại rồi họ kiến thiết. Nhận được của Ô. Lưu Trọng Lư bức thư gửi cho ông Phan Khôi mấy tháng trước, họ trịnh trọng đăng lại trên Phong hóa số Tết ra ngày 24 janvier 1933 cùng với ít bài thơ của Lưu Trọng Lư, Tân Việt, Thế Lữ. Tiếp tho đó, Phong hóa luôn đăng thơ mới của Tứ Ly, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông”[3].
Lâu nay, phần lớn đều lấy đó làm ni tấc cho những bài viết, những công trình viết về Thơ mới.
Có phải báo Phong hóa diễu thơ cũ bằng cách diễu Tản Đà?
Đúng là báo Phong hóa, số đầu (số 14, ngày 22-9-1932) do Nhất Linh chủ trương, ở mục Văn học có bài Thơ của Văn Lực. Bài này bàn về những cái không hay của thơ Đường luật, vì sự bó buộc vào trong khuôn sáo. Tác giả kêu gọi người làm thơ “Đừng bắt chước cổ nhân. Thơ là phải mới: mới văn thể, mới ý tưởng”. Trong số này, có tranh biếm của Tứ Ly vẽ Tản Đà đang nốc rượu, chung quanh là những vỏ chai nằm lăn lóc cùng với cuốn Khối tình con. Bên cạnh tranh vẽ là bài thơ Trời đày Nguyễn Khắc Hiếu của Bán Than (tức Khái Hưng). Bài này viết vui, cho rằng Tản Đà là tiên bị đày xuống hạ giới “Để hắn chịu nhục hình”, nhưng “Ai ngờ nó vẫn nhàn/ Ngày tháng ngâm thơ tràn/ Các ngươi ai có cách/ Bắt hắn phải gian nan/ Chư tiên đồng thanh nói: “Tội nặng nhất trần phàm/ Là bắt anh Khắc Hiếu/ Làm chủ báo An Nam”[4]. Lúc này, báo An Nam sắp đóng cửa vì không có bạn đọc. Do vậy, làm chủ bút báo An Nam là nỗi khổ cho Tản Đà.
[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu xb, S, 1968, trg 455.
[2] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học, H, 1988, trg 22-23.
[3] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 24-25.
[4] Tú Mỡ toàn tập, T.1, NXB Văn học, H, 1996, trg 53-54.
Phong hóa số 16, ngày 6-10-1932, trong mục Giòng nước ngược, Bán Than (tức Khái Hưng – V.G) có bài thơ Cảm thu, viết theo thể thất ngôn bát cú: Ô kìa đã quá nửa thu rồi/ Cảm tác này xin có mấy lời/ Một rặng cây xanh hun gió nóng/ Hai bàn tay trắng đổ mồ hôi/ Nào đâu mặt tuyết, ngô đồng rụng/ Chỉ thấy bên đường đám cỏ tươi/ Trai gái quanh hồ cười khúc khích/ Sầu riêng thi sĩ lệ đầy vơi.
Phong hóa số 20, trang bìa có tranh biếm Tưởng tượng với sự thực… hay nhà văn sĩ viết tiểu thuyết của Đông Sơn (tức Nhất Linh – V.G). Tranh vẽ người đàn ông ngồi trước bàn viết, một chân bàn kê gạch, một chân bàn được tháp khúc cây mới khỏi đổ; còn “nhà văn sĩ viết tiểu thuyết” thì một chân rút lên ghế, một chân xỏ chiếc guốc mộc, quần có vá một miếng lớn ngay đầu gối. Cái đèn dầu leo lắt trong chiếc bóng vỡ một góc; chuột, nhặng đầy nhà… ấy mà có thể tượng tượng… “Hiện giờ tôi ở một cái nhà cực kỳ sang trọng. Buồng ngủ thì giường Hồng Kông màn the, đệm gấm; bàn ghế đồ trắc khảm xà cừ bóng lộn khác nào động tiên!!”
Tiếp tục ý ấy, trên trang bìa báo Phong hóa số 21, ngày 11-11-1932, Đông Sơn vẽ tranh biếm Các nhà văn sĩ ta cảm thu. Một cảnh bên cầu nước chảy lơ thơ, một người đứng… cảm thu. Cạnh đó, mấy gốc cây đang trút những chiếc lá cuối cùng. Trên bầu trời có mấy con chim nhạn bay về. Một cảnh trên trời có máy bay và mặt trời chói chang, rọi xuống nhà máy đang vận hành phun khói đen sì. Dưới gốc cây um tùm lá, người phu quét đường dựng chổi ngồi nghỉ mát; một người đi đường, tay cầm ô, tay cầm quạt, mồ hôi trên mặt đầm đìa…
Nếu quy kết “Bài “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà đã làm đầu đề cho một bức tranh khôi hài của Đông Sơn”, thì tranh biếm ở báo Phong hóa số 20, Đông Sơn muốn ám chỉ đến nhà viết tiểu thuyết nào?
Cũng trên tờ Phong hóa số 21, Tứ Ly có tranh biếm Ông Nguyễn Khắc Hiếu dạy văn chương với lời chú thích: Ông giáo Hiếu:- Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: tửu nhập thi xuất!
Hai cảnh trong bức tranh biếm ở báo Phong hóa số 21 gợi ý cho thơ và được in lại trên báo Phong hóa số 24, ngày 2-12-1932. Bên dưới bức tranh biếm Các nhà văn sĩ ta cảm thu là mục Giòng nước ngược, có bài thơ Họ cảm thu của Tào Thị và bài hát nói Tả bức tranh cảm thu của Tú Mỡ. Đoạn cuối của bài hát nói này, Tú Mỡ viết: Nhà văn sĩ say mềm thơ cụt hứng/ Nhìn cho kỹ dáng người đi đứng/ Mặt quen quen chắc cũng bạn làng ta/ Phải chăng là bác Tản Đà. Nhưng so với bài Cảm thu, tiễn thu của Tản Đà không có chi tiết nào như bài hát nói của Tú Mỡ mà Hoài Thanh đã dẫn: Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt/ Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng!/ Trên đường đi nóng dẫy như rang/ Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ!…
Nhìn chung, tới lúc này, báo Phong hóa chỉ cười cợt thói uống rượu say bét nhè của Tản Đà chứ chưa có lời nào nói thơ Tản Đà cũ hoặc mới. Báo Phong hóa (bộ mới) muốn làm thay đổi phong tục, tập quan và nếp sống của người đọc đương thời; họ chê tất tật những gì mà họ cho không còn phù hợp với thời đại mới, từ chuyện mượn rượu quên đời đến việc đốt vàng mã, mê tin dị đoan, ăn ở không hợp vệ sinh, v.v. Về chuyện uống rượu, trên báo Phong hóa số 26, ngày 16-12-1932, họ vẽ Bộ tứ bình mới và dòng chú thích cho mỗi bức tranh: 1- Chủ chén no say quên cả chó, 2- Lòng không dạ đói chó ngồi ngây, 3- May thay! Một bãi thừa ơn chủ, 4- Chủ cũng say mà chó cũng say. Trong số này cũng còn có bức tranh biếm nói về sự lý luận cùn của những đệ tử Lưu Linh.
Phong hóa số 31, số đặc biệt về Tết, ngày 24-1-1933, họ mới công khai nói về Thơ mới. Trang đầu, phần trên là bài Tết của Tứ Ly trình bày như hai vế đối, ở giữa là tranh vẽ màu xuân của Đông Sơn (dường như Đông Sơn vẽ theo ý thơ của Việt Sinh – V.G), phần dưới đăng bài thơ Ngày xuân hái hoa của Việt Sinh (tức Thạch Lam – V.G): Ngày xuân, chị em đi hái hoa/ Vườn mai, đứng dưới gốc mai già/ Hoa mai trắng xóa trong xuân tươi/ Một chị, một em xuân mấy mươi!/ Gió xuân! dịu dàng tà áo bay/ Gió xuân! hoa mai tan tác bay!/ Em tay nâng giỏ, chị vin cành/ Bẻ lá hoa mai với lá xanh/ Ngày xuân, cánh hoa đượm hạt móc/ Hái hoa, hoa rơi vương mái tóc/ Tiếc hoa nên hái giỏ hoa đầy/ Một giỏ hoa xuân nặng chĩu tay/ Người về tiếc xuân biết còn ai?/ Còn lại trong vườn xuân với mai.
Ở mục Văn học, báo Phong hóa đăng bức thư của Liên Hương gửi ông Phan Khôi, vì báo Phong hóa thấy “ý tưởng có nhiều chỗ giống với ý tưởng bản báo. Vậy bản báo vui lòng đăng lên mục Văn học và sẽ lục tục đăng các bài thơ mới của các bạn thi nhân”. Và báo Phong hóa số Tết 1933 dành hẳn một trang đăng bức thư ngỏ cùng ông Phan Khôi của cô Liên Hương (tức Lưu Trọng Lư – V.G) và đăng bài thơ Tình già của Phan Khôi, 4 bài thơ của Lưu Trọng Lư, 2 bài thơ của Tân Việt (tức Nhất Linh – V.G) và 1 bài thơ của Thanh Tâm.
Trong số Tết này, Thế Lữ cũng có bài thơ: Con người vơ vẩn. Đây là bài thơ đầu tiên của Thế Lữ đăng trên báo Phong hóa. Bài thơ này đăng cùng cột với bài Tiễn ông táo và Cảm xuân của Tú Mỡ.
Phong hóa số 32, ngày 2-3-1933, mục Văn học có ghi thêm chữ “Thơ mới” và đăng bài thơ Trên sông Đáy của Tứ Ly và bài thơ Gửi cho người tình nhân vô tình của Nguyễn Lê Bổng.
Phong hóa số 36, ngày 3-3-1933, Nhất Linh có bài Thế nào là Thơ mới? Nhất Linh dẫn một số bài gọi là thơ mới, nhưng theo ông thì chẳng mới gì. Theo Nhất Linh, “Nó cũng như nhiều bài thơ của cụ Yên Đổ mà lắm người cho là có ý tưởng cao xa, nhưng thành thật chỉ có văn lão luyện mà không có ý tưởng gì, không có cảm giác gì. Nó cũng như nhiều bài thơ của ông Nguyễn Khắc Hiếu, nhiều bài thơ của ông Trần Tuấn Khải, văn luyện lắm, nhưng chỉ có văn luyện mà thôi, còn ngoài ra có gì nữa đâu. Toàn là những thợ thơ cả”. Nhất Linh cho rằng, “Những bài thơ như Trên sông Đáy của Tứ Ly, Con người vơ vẩn của Thế Lữ cũng có thể gọi là thơ mới được”, bởi vì nó có “ý mới, văn thể mới”.
Cũng ở số báo này, họ bỏ mục Văn học, thay vào đó là mục Thơ mới, và từ đây mục Thơ mới chính thức thế chân mục Văn học trên báo Phong hóa. Ở mục Thơ mới này, họ đăng bài Im lặng của Tân Việt, bài Rằm tháng giêng gặp người xưa của Ng. Đức Liễn.
Phong hóa số 37, ngày 10-3-1933, trang bìa, Đông Sơn dựa vào bài thơ Hầu Trời của Tản Đà với những ý: “… Bẩm con không dám man của Trời/ Những áng văn con in cả rồi:/ Hai quyển Khối tình văn thuyết lý/ Hai Khối tình con là văn chơi/ Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết/ Đài gương, Lên sáu văn vị đời/ Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch/ Đến quyển Lên tám nay là mười/ Nhờ trời văn con mà bán được/ Chửa biết con in ra mấy mươi/ Văn đã giàu thay, lại lắm lối/ Trời nghe Trời cũng bật buồn cười/ Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:/ Anh gánh lên đây bán chợ trời”[1], và “Thiên tiên ở lại, Trích tiên xuống”[2], vẽ bức tranh biếm: Nam Việt kỳ quan- số 3 với dòng chú thích: Trên chợ trời. Bác bán hũ: Nguyễn Khắc Hiếu. Tranh vẽ Tản Đà ngồi giữa đống hũ: Giấc mộng con, Tản Đà văn vận, Giấc mộng lớn, Đàn bà Tàu…, ngực phải đeo bài ngà “Trích tiên”, tay phải đặt trên đùi, tay trái cầm chén rượu, nhìn chư tiên ra chiều hớn hở. Tiên nữ vây quanh. Xa xa có chú tiểu đồng đang bịt mũi.
Phong hóa số 39, ở mục Giòng nước ngược, Tú Mỡ có bài Bác bán hũ với lời dẫn: “Bài thơ này tả một bức tranh hoạt kê của họa sĩ Đông Sơn vẽ đùa ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nhan đề là “Nam Việt kỳ quan số 3” (đăng Phong hóa số 37). Ông Tản Đà là một nhà thi sĩ kiêm tửu sĩ đã từng nổi danh một thì về lối văn ngông. Ông thường tự kiêu cho mình là “trích tiên”, coi đời tục cả, không ai đáng là tri kỷ hiểu được cái hay ho của văn mình. Tính tự kiêu đó ông đã nhiều lần thổ lộ trong văn thơ, tỏ ý muốn đem văn lên chợ Trời bán cho tiên. Tác phẩm của ông Tản Đà là những quyển: Khối tình, Khối tình con, Giấc mộng con, Còn chơi, Đàn bà Tàu, v.v…”. Bài thơ khá dài kể lại việc Tản Đà rao bán văn trên thiên đình, nhưng tới giờ cuối “Bị thất vọng, bác Tản Đà chán ngán/ Hàng ế thiu chẳng bán được chi chi/ Sực nhớ ra còn hũ rượu ti/ Nhắm với mắm, cứ tì tì ngồi chén khướt/ Tợp, lại tợp, say mềm say lướt/ Chợ tan rồi mà vưỡn cứ ngồi ngây/ Bây giờ dễ cũng còn say…”.
Phong hóa số 51, ngày 16-3-1933, Tú Mỡ có bài thơ Tu tiên, nhạo Nguyễn Khắc Hiếu muốn đi tu tiên, chớ không chê thơ Tản Đà, không nói gì liên quan tới thơ cũ – thơ mới: Văn thơ bác cũng lạ đời/ Toàn là câu chuyện trên Trời, cung Trăng…/ Cô Tiên, chú Cuội, chị Hằng/ Những mơ cùng mộng, không chằng không dây/ Ra công viết chán lại khen hay/ Văn chẳng ai mua, thế mới rầy!/ Tiên đã xuống trần thời phải chén/ Lấy gì rượu thịt bữa no say?
Phong hóa số 56, ngày 21-7-1933, chuyên mục Từ nhỏ đến lớn, có mẩu chuyện Tứ Ly lấy số tử vi ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng không đá động gì đến chuyện thơ cũ – thơ mới, chỉ nói ông uống rượu là chính: “Gái đẹp thì không có, hay có cũng không được biết, chớ rượu nồng thì hẳn ông không còn chối vào đâu được!”.
Phong hóa số 58, ngày 4-8-1933, Nhất Linh cũng chỉ viết: Giấc mộng con khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình còn say.
Chuyện uống rượu của Tản Đà bị báo Phong hóa “warning” liên tục. Phong hóa số 145, ngày 19-4-1935, Tô Tử (tức Tô Ngọc Vân – V.G) vẽ tranh bìa với dòng chữ: Ông Nguyễn Lễ, vẻ mặt trào lộng hăng hái diễn thuyết bài trừ rượu. Trong đám thính giả, ông Nguyễn Khắc Hiếu là người sốt sắng nhất. Bức tranh vẽ diễn giả Nguyễn Lễ đang diễn thuyết trên bục. Bên dưới chỉ có ghế và ghế. Thính giả chỉ có mỗi ông Tản Đà, nhưng ông đang ngủ bên chai rượu uống hơn một nửa với cái ly úp trên miệng chai. Cùng thời điểm ấy, trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, Tản Đà có bài Thơ rượu. Tản Đà viết: Đời người như giấc chiêm bao/ Ngày xưa đã mấy ai nào trăm năm/ Một đoàn lao lực, lao tâm/ Quí chi chữ thọ mà lăm sống nhiều!/ Có tiền chưa dễ mà tiêu/ Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây/ Thương ai cho bận lòng đây/ Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ/ Cảnh đời gió gió, mưa mưa/ Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn/ Rượu say, thì lại khơi nguồn/ Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình/ Rượu, thơ, mình lại với mình/ Khi vui quên cả cái hình phù du/ Trăm năm, thơ túi rượu vò/ Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?
Đọc bài thơ này, Tú Mỡ có ngay bài Còn say (Nhắn bác Tản Đà), đăng trên báo Phong hóa số 147, ngày 3-5-1935 (kèm bài Thơ rượu): Đã lâu, bác mới ra đời/ Tưởng rằng gột óc theo đời duy tân/ Nào ngờ bác vẫn say lăn/ Lè nhè vẫn giọng thơ văn trái mùa/ Vẫn còn mộng mị, mơ hồ/ Người đời vui sống, bác ngờ chiêm bao/ Người đời hoạt động xôn xao/ Bác vờ triết lý thanh cao: bác lười!/ Ngồi chưng nổi bệnh chán đời/ Bác buồn trời gió, rồi trời lại mưa!/ Giải buồn chén tít say sưa/ Chai con chai bố vẫn chưa hết buồn/ Rượu vào rông rống thơ tuôn/ Miệng ngâm sặc sụa hơi cồn, mùi men/ Bác rằng: khách tục bon chen/ Lao tâm, lao lực, thấp hèn bác thương/ Đời rằng: bác dở, bác ương/ Giả danh ẩn dật là phường bỏ đi/ Bác rằng: chữ thọ quý chi/ Lợi danh, hão cả! tham gì sống dai!/ Đời rằng: thuận với lẽ trời/ Sống mà gánh vác việc đời mới hay/ Còn như sống để mà… say/ Hỏi ai vất vưởng bấy nay làm gì?
Chuyện uống rượu và say sưa của Tản Đà có nhiều giai thoại, nhưng đối với vợ ông thì sao? Trong hồi ký của mình, nữ sĩ Anh Thơ cho biết sau khi nhận được giải khuyến khích Giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939), Anh Thơ vào đời, viết cho báo Đông Tây. Trong loạt bài phỏng vấn vợ các văn nghệ sĩ, Anh Thơ cùng cô em đến gặp bà Tản Đà. Anh Thơ viết: “Tôi và Chinh đến bà Tản Đà đầu tiên, vì ông vừa mất. Hai chị em xuống tàu điện, đến một căn nhà. Tôi vừa gõ cửa đã có tiếng gắt gỏng bên trong: “Cứ đẩy cửa mà vào”. Tôi bước vào, chiếc bàn thờ thi sĩ sừng sững giữa nhà, hai bên còn đựng đầy câu đối phúng trắng lập lòa. Một bà dáng cao lớn đang ngồi trước bàn thờ. Dải khăn sô mới, còn bỏ thỏng sau lưng, bà quay bộ mặt đầy son phấn, đôi mắt to sắc, lạnh, nhìn tôi. Tôi rụt rè hỏi:
-Thưa, tôi xin hỏi, có phải bà là bà Tản Đà không ạ?
Bộ mặt đầy son phấn cau có:
-Tôi là vợ ông Tản Đà đây, cô hỏi gì? Ông ấy đã chết rồi, cô không biết sao?
-Có lẽ bà không nhận được thư phỏng vấn của tôi chăng? Tôi liền tự giới thiệu: – Tôi là phóng viên báo Đông Tây, chúng tôi muốn có một phóng sự về đời sống các bà vợ nghệ sĩ. Tôi đã gửi thư đến trước, bà có nhận được không ạ?
-Nhận được, nhưng nhà báo các cô sao cứ thích tò mò, muốn biết chuyện riêng của người ta thế? Cô tưởng làm vợ những người làm thơ thì giàu có, danh giá lắm sao?
Tôi đã thấy khó chịu, nhưng cố gắng bình tĩnh nói:
-Dạ… ít ra thì thi sĩ Tản Đà cũng nổi tiếng, tức là cũng danh giá; suốt từ Bắc chí Nam và có thể nói, cả xứ Đông Dương đều biết tài làm thơ của ông, vậy bà làm vợ ông phải là vinh dự lắm chứ ạ?
-Vinh dự à? Có phải tất cả mọi người đều thích ông ấy đâu? Thích những người làm thơ thì cô phải gần họ, phải ăn đời, ở kiếp với họ, thì mới thấy họ chẳng bao giờ có tiền, mà có tiền cũng không để cho nó nóng túi. Người ta lên xe, xuống ngựa, nhà lầu xe hơi. Còn người làm thơ ấy à? Chỉ thấy rặt những chuyện ăn ăn uống uống. Ai lại người ta có quý mình, người ta mời đến ăn, cơm rượu, cung phụng tử tế, thế mà nhà gạch hoa của người ta, ông ấy dám cuốc lên trồng húng láng để lấy rau thơm ăn gỏi, nhắm rượu. Bố mẹ tôi thật đã làm khổ cả đời tôi”[3].
Qua những gì đã trích dẫn, cụ thể, tới tháng 8-1933, báo Phong hóa đem chuyện uống rượu. mượn rượu quên đời của Tản Đà ra để cười cợt với hàm ý phê phán một thói xấu trong đời sống cộng đồng, chứ không phải “Phong hóa lại còn diễu thơ cũ bằng cách diễu Tản Đà, người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ” như Hoài Thanh đã viết trong Thi nhân Việt Nam 1932-1945. Từ việc báo Phong hóa phê phán quyết liệt thói say sưa của Tản Đà, tôi nghiệm ra rằng, báo Phong hóa muốn đưa ra một thông điệp: Sống có nghĩa là sống với hiện tại, sống vào hiện tại; hay nói cách khác, chỉ có hiện tại là sống. Sống ngay với hiện tại mới là thiết thực. Than thở, tiếc nuối quá khứ, hay mơ ước tương lai chẳng những để mình rơi vào chỗ phi thực, mà còn để mình vướng mắc vào rối loạn tâm lý, khổ đau và đánh mất hiện tại. Hiện tại là vĩnh cửu nếu mình biết xóa tan ý niệm về thời gian. Mượn rượu để quên hiện tại, để mơ tưởng những điều viển vông, xa vời không có thực thì chỉ đánh mất thời gian và năng lượng. Trong lúc đó, thời gian và năng lượng có thể dùng vào các việc đem lại an vui cho mình và người. “Thông điệp” ấy đến nay vẫn chưa lỗi thời, thậm chí còn mang tính thời sự.
Báo Phong hóa có công gì với Thơ mới?
Xin thưa, bước đầu họ có công xiển dương và phát hiện tài năng. Việc xiển dương Thơ mới lúc bấy giờ, báo Phong hóa không phải độc nhất. Nhưng việc phát hiện tài năng để khẳng định Thơ mới đắc thắng trên văn đàn, thì báo Phong hóa là duy nhất.
Thế Lữ đến với báo Phong hóa bằng văn xuôi chứ không phải bằng thơ. Truyện Thây ma xuống thang gác, ký tên Nguyễn Thế Lữ, đăng báo Phong hóa, ngày 23-12-1932. Đây là truyện đầu tiên của Thế Lữ đăng trên báo Phong hóa. Tiếp đến, báo Phong hóa ngày 13-1-1933, Thế Lữ có truyện Con châu chấu ma. Báo Phong hóa, số đặc biệt về Tết năm 1933, Thế Lữ mới đăng bài thơ đầu tiên: Con người vơ vẩn (tặng Trần Bình Lộc). Phong hóa, ngày 10-3-1933, Thế Lữ có bài thơ Lựa tiếng đàn. Báo Phong hóa, ngày 28-4-1933, Thế Lữ có truyện Cô Bụt và bài thơ Tiếng chuông chùa. Đến thời điểm này, báo Phong hóa đã đăng khá nhiều thơ mới, riêng Thế Lữ đã được đăng 4 bài. Những thành viên chính thức của báo Phong hóa cũng có đăng thơ mới trên báo nhà, như: Tân Việt (Nhất Linh), Tứ Ly (Hoàng Đạo), Việt Sinh (Thạch Lam), thế nhưng qua 4 bài thơ của Thế Lữ (số lượng chỉ bằng Lưu Trọng Lư trên báo Phong hóa, số Tết năm 1933, ít hơn Tân Việt) và đọc một số bài thơ của Thế Lữ còn ở dạng bản thảo, Nhất Linh không chút ngần ngại viết bài Nguyễn Thế Lữ – Một nhân vật mới trong làng thơ mới trên báo Phong hóa, ngày 7-7-1933. Nhất Linh viết: “Ta không nên sợ cái mới. Sợ cái mới tức là sợ tương lai, tức là có sẵn tính lười biếng chỉ muốn theo con đường cũ vạch sẵn mà đi. Quả quyết đi tìm cái mới bao giờ cũng gặp nhiều điều nguy hiểm đấy nhưng đã có cái vui vẻ nở nang của một người lúc nào cũng hăng hái muốn tiến, tiến đến một cái tương lai rực rỡ hơn.
Về mặt thi ca, ông Thế Lữ cũng là một người trong bọn người không muốn theo con đường cũ vạch sẵn, ông muốn đi tìm một lối khác, tuy chưa biết chắc đưa đến đâu, nhưng lúc ông lần theo lối đó, ông có cái thú của người đi tìm những sự mới lạ”.
Ở bài này, Nhất Linh trích dẫn rải rác 7 câu trong bài Con người vơ vẩn, 8 câu trong bài Lựa tiếng đàn, 2 câu trong bài Người phóng lãng, 3 câu trong bài Tiếng chuông chùa. Đó là những bài đã đăng trên báo Phong hóa. Bài còn nằm trong dạng bản thảo mà Nhất Linh trích dẫn nhiều hơn 4 bài đã đăng là bài Một giấc mơ dữ dội (13 câu), bài Nhớ rừng (19 câu). Riêng bài Trước cảnh trời cao rộng, thì Nhất Linh cho đăng cùng số báo với bài viết Nguyễn Thế Lữ – Một nhân vật mới trong làng thơ mới.
Từ những gì đã trích dẫn, Nhất Linh viết tiếp: “Tả cảnh, ông tả khác hẳn các nhà thi sĩ xưa nay, điệu thơ ông dùng khác hẳn các điệu thơ khác, ông bỏ hẳn những ý tưởng cũ rích, ông đặt câu, dùng chữ một cách mạnh bạo. Ông thật hoàn toàn là một nhà thơ quả quyết xoay về lối thơ mới”. Cầm trong tay chưa tới chục bài thơ (mới trình làng 4 bài), nói như người xưa là mới… ngửi thơ, mà đã dám viết: “Có cái linh hồn thơ như ông, thêm được cái tài đặt câu, dùng chữ, lại đi vào con đường thơ mới rộng rãi, phong quang thì lo gì sau này ông không có cái tương lai rực rỡ; và làng thơ mới cũng mừng rằng được một người tiên phong có giá trị”, quả Nhất Linh có cặp mắt tinh đời. Và trong thời điểm này, Thế Lữ là thành viên thứ sáu của Tự lực văn đoàn (Nhất Linh, Tú Mỡ, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ).
Sau này, Nguyễn Lương Ngọc có viết tập hồi tưởng Nhớ bạn. Theo lời Nguyễn Lương Ngọc, thì hai người (Nguyễn Lương Ngọc, Thế Lữ) là bạn bè ở chung phòng trọ, chia nhau từng niềm vui nỗi buồn, kể cả công việc làm ăn, nhưng Nguyễn Lương Ngọc viết rất nhiều chi tiết sai. Riêng về việc Thế Lữ làm thơ, Nguyễn Lương Ngọc viết: “Thơ làm xong, anh đưa lại tòa soạn báo Phong hóa ở 80 Quán Thánh. Ban biên tập cho đăng ngay, lần lượt từ bài này đến bài khác. Giữa chừng họ đăng một bài để giới thiệu anh, gọi anh là nhà thơ của chúng ta”[4]. Như những gì đã dẫn, đã viết thì chi tiết này không đúng. Và đầu năm 1935, tập Mấy vần thơ của Nguyễn Thế Lữ ra mắt bạn đọc đã khẳng định những gì Nhất Linh đã viết, đã giới thiệu với bạn đọc. Nói như Hoài Thanh: “Tác giả Mấy vần thơ liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ và nhờ thế đã lập được công lớn, đã mở đường cho các nhà thơ mới sau này”[5].
Sau Thế Lữ, báo Phong hóa rồi Ngày nay đăng nhiều thơ mới. Nhiều cây bút thơ trẻ thành danh từ đây, như Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Huy Cận…, đặc biệt là Xuân Diệu. Xuân Diệu có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Phong hóa là bài Với bàn tay ấy (Phong hóa, ngày 18-10-1935). Báo Ngày nay số mùa xuân 1937, đăng bài thơ Xa cách của Xuân Diệu. Đặc biệt, ở số báo Ngày nay, số mùa xuân 1937, Thế Lữ có bài giới thiệu: Một nhà thi sĩ mới – Xuân Diệu, khẳng định tài thơ của Xuân Diệu và đánh giá Xuân Diệu là “thiên tài”. Cuối năm 1938, Nhà xuất bản Đời nay ấn hành tập thơ đầu tay của Xuân Diệu: Thơ thơ kèm theo lời Tựa của Thế Lữ, họa sĩ Lương Xuân Nhị trình bày mỹ thuật. Qua tập Thơ thơ, Hoài Thanh (sau này có nhiều người nói theo) cho rằng “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chi những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”[6].
Với tôi, Thế Lữ khẳng định Thơ mới đắc thắng trên văn đàn và đến Xuân Diệu là đến đỉnh cao của Thơ mới. Công ấy không gắn với Tự lực văn đoàn, thì gắn vào đâu?
Sau tám mươi năm nhìn lại, tôi thán phục cái tâm và cái tài của những thành viên nhóm Tự lực văn đoàn. Tôi không biết lịch sử văn học Việt Nam đến bao giờ mới có được một văn đoàn như vậy. Nhưng đây cũng là niềm hứng khởi nhất thời, chứ hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã có đội ngũ văn nghệ sĩ vừa hồng vừa chuyên từ Trung ương đến địa phương hưởng lương từ tiền thuế của dân để lo cho mấy việc này rồi. Sau ngày giành được độc lập tự do, Tố Hữu đã tin tưởng và khẳng định: “Dưới chế độ tàn khốc trước kia, ta đã có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, thì chế độ chúng ta, thời đại mới của chúng ta sẽ sinh ra được hàng trăm thiên tài lớn như vậy và lớn hơn như vậy”[7], thế thì cái được gọi là Phong trào Thơ mới ấy có nghĩa lý gì; bảy “ngoe” trong nhóm Tự lực văn đoàn thì có nghĩa gì so với tổ chức Hội Nhà văn các cấp của ta. Do đó, “nhìn lại” chỉ là cách tưởng niệm tiền nhân, nên bài viết của tôi như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã làm nên Phong trào Thơ mới. Hy vọng họ ở dưới suối vàng cũng như tôi đang sống giữa những tháng ngày sôi động này sẽ vui, rất vui với hàng trăm thiên tài lớn và lớn hơn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm ồ ạt xuất hiện./
[1] Thơ Tản Đà, NXB Đồng Nai, 2006, trg 82.
[2] Thơ Tản Đà, sđd, trg 85.
[3] Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, trg 185-186.
[4] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, trg 69.
[5] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 34.
[6] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 121.
[7] Tố Hữu, Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, NXB Sự thật, H, 1982, trg 176.
Thế Lữ, người góp phần làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại
VU GIA (Tham luận Hội thảo Quốc tế Những lằn ranh văn học)
Khoảng nửa thế kỷ đặt nền móng đô hộ tại Việt Nam, từng bước người Pháp mở các trường Pháp – Việt để đào tạo đội ngũ công chức bản xứ. Dần dà, chủ nghĩa cá nhân tư sản và trào lưu văn học lãng mạn xâm nhập vào lớp trẻ xuất thân từ nhà trường Pháp – Việt. Như mưa dần thấm lâu, những thập niên đầu của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã nảy sinh nhu cầu đòi hỏi giải phóng bản ngã, đòi tự do và đời sống tình cảm riêng tư chống lại sự kiềm hãm, đè nén của xã hội phong kiến có từ ngàn năm qua. Và văn chương nhận ấn tiên phong. Nhiều thể loại văn học mới đã hình thành làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại…
Người khẳng định thơ mới đắc thắng
Ở Việt Nam, trước những năm đầu thập niên 30 (thế kỷ XX), người đọc Việt Nam vẫn còn mặn mà với lối văn biền ngẫu, với lối thơ Đường phải đúng niêm đúng luật, phải có đối nhau chan chát, phải có những điển tích ở đâu đâu và càng ít người biết thì mới giỏi, mới gọi là hay… Hoài Thanh cho biết: “Báo Phong hóa tập mới ra đời ngày 22 septembre 1932. Ngay số đầu tiên đã có bài công kích thơ Đường luật và kết luận rằng: “Thơ ta phải mới. Mới văn thể, mới ý tưởng”. Từ đó đến cuối năm 1932, Phong hóa không đăng thơ mới nhưng cũng không đăng thơ cũ. Phong hóa lại còn diễu thơ cũ bằng cách diễu Tản Đà, người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ. Bài “Cảm tiễn thu” của Tản Đà đã làm đầu đề cho một bức tranh khôi hài của Đông Sơn (Nhất Linh – V.G) và một bài hát nói khôi hài của Tú Mỡ. Họ so sánh cảnh thực với cảnh mộng trong trí tưởng thi nhân. Tú Mỡ viết:
… Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt,
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng!
Trên đường đi nóng dẫy như rang.
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ!”[1].
Ngày 24-1-1933, Thế Lữ có bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Phong hóa. Đó là bài Con người vơ vẩn. Sau này, Thế Lữ cho biết: “Bài thơ được đăng ở một tờ báo có uy tín, có thể coi như một đảm bảo về giá trị: Tôi quyết định sẽ gửi những bài tiếp sau (nhưng trước đó, tôi đem đọc cho nhiều bạn tân nghe để thu lượm ý kiến đã)”[2]. Bước sang năm 1933, báo Phong hóa đăng nhiều thơ mới của các cây bút trẻ, như: Tứ Ly, Nguyễn Thế Lữ, Tân Việt, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư… Và từng bước, Thế Lữ qua “cầu nối” của người bạn để đến với Tú Mỡ, rồi từ Tú Mỡ, Thế Lữ đến với ban biên tập tuần báo Phong hóa, trở thành thành viên thứ sáu của Tự lực văn đoàn. Thơ Thế Lữ đăng trên báo Phong hóa chưa phải là nhiều và cũng không phải là những người đầu tiên khởi xướng thơ mới, cũng không phải người tranh luận về thơ mới – thơ cũ,… nhưng qua tập bản thảo, Nhất Linh phát hiện ra tài thơ của Thế Lữ và đã viết bài Nguyễn Thế Lữ – Một nhân vật mới trong làng thơ mới, đăng trên báo Phong hóa, ngày 7-7-1933. Về đại thể, Nhất Linh viết: “Sợ cái mới tức là sợ tương lai (…) Về thơ ca, ông Thế Lữ cũng là một người trong bọn người không muốn theo con đường cũ vạch sẵn, ông muốn đi tìm một lối khác, tuy chưa biết chắc đưa đến đâu, nhưng lúc ông lần theo lối đó, ông có cái thú của người đi tìm những sự mới lạ.
Không những về lối thơ của ông, đến cả ý tưởng và cách dùng chữ cũng khác hẳn với các bài thơ từ xưa tới nay. Ông chịu khó tìm tòi những điệu thơ riêng, chịu khó cân nhắc chữ dùng để tỏ ra rằng câu thơ An nam cũng mềm mại, uyển chuyển, có thể tả nổi được những ý tưởng mới, những sự rung động của một tấm linh hồn thi sĩ. Ta đã chán những bài thơ vịnh cái điếu, vịnh con cóc, mừng làm nhà mới, những bài thơ tự vịnh, tự trào bao giờ cũng theo một khuôn sáo, trăm nghìn bài đều giống nhau, chán quá, chán lắm rồi. Vì thế ta khát khao muốn có một nhà chân thi sĩ, gẩy cho ta nghe những tiếng mới, những điều lạ.
Ông Thế Lữ là một người trong bọn đó (…) Tả cảnh, ông tả khác hẳn các điệu thơ khác, ông bỏ hẳn những ý tưởng cũ rích, ông đặt câu, dùng chữ một cách mạnh bạo. Ông thật hoàn toàn là một nhà làm thơ quả quyết xoay về lối thơ mới”[3]. Và Nhất Linh rất tin vào tài thơ của Thế Lữ, chứ chưa thể nói gì nhiều vì thơ Thế Lữ chưa ra mắt bạn đọc được bao nhiêu. Cuối năm 1934, Tự lực văn đoàn đã gom 28 bài thơ của Thế Lữ để in thành sách. Tháng giêng năm 1935, nhà xuất bản Đời nay của Tự lực văn đoàn đã cho ra mắt bạn đọc gần xa tập thơ Mấy vần thơ của Nguyễn Thế Lữ. Tập thơ này thuộc về loại sách mỹ thuật của nhà xuất bản; tranh phụ bản do họa sĩ Trần Bình Lộc vẽ và khắc. Hai mươi tám bài thơ cho một tập thơ quả là quá mỏng so với nhiều tập thơ khác, nhất là những tập thơ của những ngày hôm nay. Tập thơ Mấy vần thơ của Nguyễn Thế Lữ mỏng thì có mỏng mà không hề “nhẹ” chút nào. Hoài Thanh cho biết: “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”[4].
Vậy thơ của Nguyễn Thế Lữ như thế nào mà chỉ có mấy bài đã khiến cho “hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ” trong “khoảnh khắc” sau một thời gian dài cả hai phái thơ cũ và thơ mới đấu tranh quyết liệt “giành quyền sống” trên thi đàn?
Bài thơ mở đầu tập thơ Mấy vần thơ là bài Nhờ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách thú) – Tặng Nguyễn Tường Tam.
Bài thơ gồm 5 khổ (khổ 1 có 8 dòng, khổ 2 có 12 dòng, khổ 3 có 10 dòng, khổ 4 có 9 dòng và khổ 5 có 8 dòng). Tổng cộng bài thơ Nhớ rừng có 47 dòng, trong đó khổ 4 lẻ 1 dòng (9 dòng); 2 dòng 7 tiếng, 36 dòng 8 tiếng, 7 dòng 9 tiếng và 2 dòng 10 tiếng. Năm 1941, Mấy vần thơ, tập mới, ra mắt bạn đọc, bài Nhớ rừng, được Thế Lữ thêm bớt một số chữ, nhưng vẫn còn 3 dòng 9 tiếng, 1 dòng 10 tiếng. Và hơn 70 năm qua, bài thơ Nhớ rừng được nhiều nhà nghiên cứu nói đến nhất.
Bên cạnh những cuộc tranh luận về thơ giữa hai phái cũ – mới, thì những bài thơ làm theo “lối thơ mới” của lớp người trẻ ảnh hưởng văn hóa phương Tây – lớp người xa cách hoàn toàn với những “chi, hồ, dã, giả” – được đăng đều đặn trên những tờ báo đang có uy tín ở hai miền Nam Bắc, như Phụ nữ tân văn, Phong hóa… Và qua những bài thơ ấy, “Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”[5]. Theo Hoài Thanh, “thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”[6]. Khi đọc những câu: “Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Với khi thét khúc trường ca dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc”, Hoài Thanh cho rằng, “không ai có quyền bĩu môi trước cuộc cách mệnh thi ca đương nổi dậy. Cho đến những bài thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát của Thế Lữ cũng khác hẳn xưa. Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”[7].
Hơn sáu mươi năm sau, Phạm Đình Ân cũng thấy… bài thơ Nhớ rừng có nhạc điệu “cuồn cuộn, trào dâng”[8]. Với Nguyễn Đăng Điệp, thì “Nhờ rừng chính là điệu thơ nổi bật nhất. Giọng điệu bao trùm thi phẩm là giọng điệu bi tráng, là “khúc trường ca dữ dội” cất lên từ “niềm uất hận ngàn thâu””[9]. Những năm cuối đời, Xuân Diệu nhìn lại và cho rằng: “Nhớ rừng là trứ tác của Thế Lữ”[10]. “Bước vững vàng” của Thế Lữ làm cho hàng ngũ thơ xưa tan rã trong khoảnh khắc như Hoài Thanh nhận xét, thì Xuân Diệu cũng cho đó là bài Nhớ rừng. Là người cùng thời, cùng là thành viên của Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu khẳng định như thế và cho biết, “bài Nhớ rừng, thu hút được sự hoan nghênh của mọi người. Bài thơ về một con mãnh thú, mà có cái không khí của anh hùng ca, thật là dõng dạc, đường hoàng, thật là một “khúc trường ca dữ dội”; vì người ta chỉ nhớ nhất cái thần của bài thơ, khi con hổ “tung hoành, hống hách”; cái không khí sơn lâm là do Thế Lữ hồi nhỏ sống ở Lạng Sơn; câu thơ 8 tiếng mở rộng ra đến 9 tiếng, 10 tiếng, rất phù hợp ở đây, thành ưu điểm: hơi thơ, chất thơ, hình thức thơ đều mới”[11].
Nhưng nào đâu chỉ có thế. Chỉ vỏn vẹn 28 bài thơ, nhưng thời nào, thơ Thế Lữ cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Theo Xuân Diệu, “Tiếng sáo Thiên Thai có 18 câu, là một bài thơ nghệ thuật thật hoàn chỉnh, không lọt một kẽ hở non tay nào. Những câu không có chữ “tiên”, không có Kim Đồng, Ngọc Nữ còn hay hơn những câu có chữ đó. Câu mở đầu Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi, viết thời ấy, chỉ mới có thế, mà đã mới, đã trẻ rồi. Chúng ta mở các truyện thơ lục bát truyền thống, bao gồm cả Truyện Kiều, xem có câu nào tả xuân như vậy không? Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, câu thơ rất đẹp, nhưng vẫn tĩnh; Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi, một số câu thơ nói như cảnh thật, viết gần với văn xuôi, lúc đó lại là đưa đến cái mới, bài thơ cũ ước lệ nhiều quá, cách điệu hóa nhiều quá và lâu quá, trở thành khô cứng, và gò gẫm quá, văn hóa quá, hóa thành giả tạo”[12]. Với Lê Quang Hưng, thì “Tiếng sáo Thiên Thai dẫn ta vào một thế giới du dương, cao siêu, trong đó nỗi buồn cũng dìu dịu, trong sáng”[13]. Hoàng Như Mai cũng khá thích thú khi đọc Tiếng sáo Thiên Thai, và cho rằng đó là “Bài thơ thật đẹp, Thế Lữ yêu tha thiết cái đẹp, cảm thụ, nhận thức, phân tích cái đẹp và thể hiện cái đẹp thật tinh tế”[14], v.v.
Xuân Diệu rất thích thú khi đọc câu “Trời cao xanh ngắt. Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”. Với Xuân Diệu, nếu 8 câu đầu quá tĩnh, thì đến đây “bức tranh giật mình, trở lại với sự sống. Thế Lữ có lần viết: “Suốt đêm thức để trông ai – Ơ kìa ánh lửa đỏ ngời phương Đông”, thì “ơ kìa” đứng ở đầu câu, và lại là ơ kìa chứ không phải “ô kìa”. Ô kìa ngạc nhiên hơn và thanh tú hơn nhiều: “ô kìa! xem đẹp quá”, “ơ kìa, sao lại thế này?”. Một lần khác, nhà thơ cũng kêu lên: “Sau trúc, ô kìa! xiêm áo ai?”. “Ô kìa” trong Tiếng sáo Thiên Thai đứng lẩy hẳn ở cuối câu, và là bắt đầu cho một câu khác; trong thơ Việt Nam có Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ! Của Hồ Xuân Hương, và có Trời cao xanh ngắt! Ô kìa của Thế Lữ; câu thứ hai sáng tạo về nghệ thuật hơn”[15]. Cách bình này nghe cũng mới, cũng có tìm tòi và cho thấy lớp người trẻ xuất thân từ nhà trường Pháp – Việt đã tiếp thu và đưa vào thơ Việt cách thể hiện tâm tư, tình cảm không còn giống như ông cha ảnh hưởng Tứ thư, Ngũ kinh. Nhưng tôi tin Thế Lữ không chủ tâm lựa vần, sắp chữ như thế, bởi người nghệ sĩ là người sáng tạo theo tài năng, sở trường của mình chứ không ai thử tính toán giá trị tới đâu, thế nào… Một khi người nghệ sĩ mãi suy nghĩ như thế thì khó có thể có được tác phẩm để đời. Nhờ vậy mà hơn 70 năm qua, người yêu thơ không chỉ nhớ bài Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai mà còn những bài khác, như: Vẻ đẹp thoáng qua, Giây phút chạnh lòng, Hoài xuân, Thức giấc, Tiếng trúc tuyệt vời, Ngày xưa còn nhỏ, Sáng, Trưa, Chiều, Tối… Có lẽ vì vậy mà ngay từ những năm đầu thập niên 40 (thế kỷ XX), Vũ Ngọc Phan đã không ngần ngại nói như định đóng cột: “Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới”[16].
Thời tuổi trẻ, thơ Thế Lữ đã góp phần “nuôi sống” tâm hồn chúng tôi. Những lúc ngồi tán chuyện thời thế, thì không thiếu người nhún vai rất kịch, lên giọng kiêu bạc và không thiếu phần tuyệt vọng: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”. Hồi trước ở đô thị miền Nam, câu thơ này Thế Lữ được lớp trẻ chúng tôi áp dụng vào thực tế cuộc sống khá nhiều, trở thành câu nói đầu môi mỗi khi chấp nhận số phận, chấp nhận cuộc sống hiện hữu không đúng với ước nguyện ban đầu. Thơ Thế Lữ có nhiều câu trở thành gan ruột với lớp trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Những năm học xa nhà, ngày tết không sum họp gia đình được, có khi vì thiếu tiền, có khi vì đường sá không mấy an toàn, nên đành nằm gác trọ đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Lúc tiếng pháo giao thừa nổ ran, nhà trên xóm dưới cúng giao thừa, chúng tôi cũng tủi lòng và câu thơ của Thế Lữ thường vụt hiện: “Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trong lúc gần xa pháo nổ ran/ Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Và có lúc, chúng tôi khóc ngon lành dù trước đó mấy phút không ai nghĩ mình sẽ khóc. Thế Lữ còn có những câu thơ mà ngày đó lớp trẻ chúng tôi, cả nam lẫn nữ không ai không thuộc, ít ra cũng có một lần vận vào cuộc đời mình: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta có thế thôi/ Đã quyết không mong sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa phút chia phôi”; “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”…
Bây giờ, tôi vẫn yêu thơ Thế Lữ, cho thấy thơ Thế Lữ đã đi vào lòng người đọc nhiều thế hệ. Và không ai khác, chính Thế Lữ đã khẳng định thơ mới đắc thắng trên thi đàn, đồng nghĩa với việc thơ Thế Lữ làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại trong lịch sử văn học Việt Nam.
Người mở đầu loại truyện trinh thám
Khi tham gia Tự lực văn đoàn, ngoài việc làm thơ, viết báo, Thế Lữ còn viết loại truyện quái dị, rùng rợn nhưng giải thích sự việc bí hiểm bằng lý luận và phân tích khoa học… Đó là truyện trinh thám, một thể loại văn học rất mới với bạn đọc Việt Nam lúc bấy giờ. Ở thể loại này, Thế Lữ ảnh hưởng Conan Doyle[17] khá rõ qua nhân vật Lê Phong. Lê Phong chính là Sherlock Holmes của Thế Lữ. Báo Ngày nay, ngày 2-4-1935, khởi đăng Lê Phong, phóng viên trinh thám của Thế Lữ, kéo dài đến ngày 21-5-1935. Khi in thành sách, Thế Lữ lấy nhan đề gọn hơn: Lê Phong phóng viên. Được độc giả ủng hộ, ông viết tiếp những truyện trinh thám khác trên báo Ngày nay, như: Mai Hương và Lê Phong, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Thuốc bả chuột, Những nét chữ, Cái chết ghê gớm của Lê Phong,v.v.
Ảnh hưởng Conan Doyle trong cách dựng truyện, cách xây dựng nhân vật cùng những tình tiết…, nhưng không xa lạ với bạn đọc nước nhà là Thế Lữ có đầu tư công sức và chọn lọc khá kỹ trong “rừng” tác giả phương Tây viết truyện trinh thám lúc bấy giờ. Tôi nói điều này, vì đầu năm 2008, tờ Daily Telegraph “bình chọn top 50 cây bút trinh thám mà độc giả cần đọc trước khi chết”[18], thì tác giả Connan Doyle được xếp thứ hai với tác phẩm The Hound of the Baskervilles, sau K. Chesterton với tác phẩm The Complete Father Brown. Trên trang mạng về Sir Arthur Conan Doyle, tôi thấy nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle đã xuất hiện trong 4 tiểu thuyết (A Study in Scalet, 1887; The Sign of the Four, 1890; The Hound of the Baskervilles, 1901; The Valley of Fear, 1915), và 56 truyện ngắn. Những truyện ngắn này được Conan Doyle đăng trên các báo, tạp chí, sau đó dồn vào 5 tập truyện (The Adventures of Sherlock Holmes, The Memoirs of Sherlock Holmes, The Return of Sherlock Holmes, His Last Bow, The Case-Book of Sherlock Holmes).
Với số lượng như vậy, tôi không có thì giờ và cũng không muốn đọc hết, vì chưa có ý định nghiên cứu về Conan Doyle. Nhưng chuyện chữ nghĩa cứ như có ma. Lướt qua những dòng chữ: “When Conan Doyle decided that he had written enough Sherlock Holmes stories, he wrote once in which Moriary killed the great detective. There was a public outcry. Doyle’s readers were quite angry, and he had to write a story in which Holmes appeared again – he hadn’t died, after all!” (Khi Conan Doyle quyết định rằng ông đã viết đủ nhiều về truyện Sherlock Holmes, ông đã viết một truyện trong đó Moriary giết chết nhà thám tử tài ba. Công chúng đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Bạn đọc của Doyle vô cùng tức giận và vì vậy ông phải viết một truyện khác trong đó Holmes lại xuất hiện – sau cùng Holmes vẫn chưa chết!), tôi nhớ đến truyện Cái chết ghê gớm của Lê Phong của Thế Lữ, đăng trên báo Ngày nay, ngày 25-4-1937. Cái chết của Lê Phong không gây xôn xao dư luận như cái chết của Sherlock Holmes, bởi cuộc sống của phần lớn nhân dân Việt Nam ngày đó đâu cho phép bạn đọc làm mình làm mẩy với nhà văn như bạn đọc Vương quốc Anh. Cha chết không bằng hết ăn, huống chi cái chết của nhân vật tiểu thuyết Lê Phong. Biết vậy, nên cuối truyện, Thế Lữ cho đó là “trò chơi” của Lê Phong. Đọc lời ghi chú của bác sĩ Watson (A note from Dr Watson), tôi thấy có đoạn: “Sherlock Holmes was one of the cleverest and most important detectives in all England some years ago. The police often asked him to help them. My name is Dr Watson, and I helped Holmes with many of his cases” (Sherlock Holmes là một trong những nhà thám tử quan trọng nhất và thông minh nhất trên toàn nước Anh cách đây vài năm. Cảnh sát thường nhờ anh ta giúp đỡ. Tôi là bác sĩ Watson, đã giúp Holmes trong rất nhiều vụ), và Watson đã kể lại những vụ phá án của Sherlock Holmes.
Ngày đó, Việt Nam làm gì có thám tử tư nên Thế Lữ cho phóng viên Lê Phong làm thám tử để phục vụ bạn đọc qua những bài điều tra của mình. Và chủ bút Văn Bình làm nhiệm vụ kể lại cho bạn đọc nghe về công việc của phóng viên Lê Phong. Báo Thời Thế – nơi Lê Phong làm việc – là tờ báo có số lượng bạn đọc đông nhất so với thị trường báo chí ở Bắc kỳ lúc bấy giờ, và Lê Phong là phóng viên thông minh nhất, nhạy bén nhất, chuyên viết về những vụ án ly kỳ nhất của báo. Do đó, chúng ta dễ dàng nhận ra nhân vật Lê Phong của Thế Lữ chính là nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle, còn bác sĩ Watson chính là chủ bút báo Thời Thế Văn Bình.
Nếu ở truyện The Six Napoleons, Conan Doyle có tình bạn giữa thám tử sở cảnh sát Lestrade với thám tử tư Sherlock Holmes: “Mr Lestrade, a detective from Scotland Yard, often visited my friend Sherlock Holmes and me in the evening. Holmes enjoyed talking to Lestrade because he learned useful facts about what was happening at London’s most important police station. Lestrade liked these visits too, because Holmes was a good detective and always listened carefully if Lestrade had a difficult case. Holmes could often help Lestrade” (Lestrade, viên thám tử của sở cảnh sát Hoàng gia Anh (Scotland Yard), thường ghé đến thăm Sherlock Holmes và tôi vào buổi tối. Holmes rất thích trò chuyện với Lestrade vì ông có thể biết được nhiều điều bổ ích đang xảy ra tại một đồn cảnh sát nổi tiếng nhất ở London. Lestrade cũng thích những cuộc viếng thăm này vì Holmes là một thám tử tài ba và luôn biết lắng nghe khi Lestra gặp khó khăn. Holmes thường có thể giúp đỡ Lestrade), thì trong truyện Mai Hương và Lê Phong, Thế Lữ cũng xây dựng một tình bạn như vậy: “Ông T. Phụng đứng lại, ông này vào trạc hăm chín, ba mươi tuổi, mặc đồ xám, gọn ghẽ, lịch sự, người nhỏ nhắn nghiêm nghị, nhưng dễ thương, khuôn mặt xương xương, vẻ mặt thông minh và thành thực. Ông T. Phụng làm ở sở liêm phóng Hà Nội, một người thiếu niên làm việc rất cẩn thận và minh mẫn, thường gặp Lê Phong trong các vụ bí mật mà ông ta khám phá được rất chóng ít khi chịu trái ý kiến Lê Phong. Lê Phong không bao giờ giấu những “bí thuật” của mình. Anh khéo bày diễn những điều xét đoán của anh một cách khiêm tốn, khiến cho nhà trinh thám của sở liêm phóng bao giờ cũng không bị tổn đến lòng tự ái, và thường nhất nhất theo lời chỉ dẫn của người phóng viên. Tuy hai bên nhiều khi cũng không ăn ý nhau, tuy thỉnh thoảng sự ganh cạnh nhà nghề có làm cho họ coi nhau như hai địch thủ, và tuy một đôi khi Lê Phong có trêu tức “nhà liêm phóng” vì bài tường thuật lý thú hóm hỉnh, nhưng bao giờ gặp mặt, hai người cũng chào hỏi nhau một cách thực như hai người bạn thân”[19].
Ở truyện The Golden Glasses, Conan Doyle có một thám tử khác: “It was Stanley Hopkins, a young detective from Scotland Yard. Holmes and I had helped him with a few cases in the past” (Đó là Stanley Hopkins, nhà thám tử trẻ của sở cảnh sát Hoàng gia (Scotland Yard). Holmes và tôi trước đây đã từng giúp anh ta vài vụ), thì ở truyện Gói thuốc lá, Thế Lữ có “Mai Trung làm Thanh tra mật thám ở sở liêm phóng. Ông ta là người rất mẫn cán, thường lập nhiều công trạng trong mấy năm gần đây. Ông thành công vì kiên tâm, vì chịu đem hết mưu mẹo “kinh điển” trong khoa do thám ra thực hành, nhưng cũng vì nhờ có những tai mắt của ông ở khắp nơi, tức là những người “điểm chỉ” rất lanh lợi (…) Phong lại hay khám phá “giúp” ông những cái bí mật”[20]…
Nếu ở truyện The Norwood Builder, Sherlock Holmes than: ““There seem to be no interresting cases any more, Watson”, Sherlock Holmes said to me. “London isn’t interesting now”” (““Dường như chẳng còn vụ nào hấp dẫn nữa, Watson ạ”, Sherlock Holmes nói với tôi. “London bây giờ chẳng còn thú vị tí nào””), thì ý này ta cũng gặp trong một số truyện trinh thám của Thế Lữ. Cụ thể trong truyện Gói thuốc lá, Văn Bình trên đường đến báo cho Lê Phong biết Đường đã chết, “Anh biết chắc Lê Phong sẽ ngạc nhiên, sẽ kinh dị nữa cũng nên. Mà có kinh ngạc thì Lê Phong mới thấy cuộc đời có đủ ý vị. Người phóng viên trinh thám ấy ít lâu nay buồn vì phải nghỉ ngơi nhiều quá”[21]. Hoặc ở truyện Những nét chữ: “Vẻ mặt rất nghiêm trang trầm mặc, Phong như đang để hết tinh thần vào cả bức thư. Cái bản năng của con nhà nghề lại thấy rõ rệt phát lộ ra, tuy rằng ít lâu nay anh không có việc gì bí mật phải khám phá hết.
Lê Phong không được dịp làm phóng viên như trước vẫn lấy làm bực dọc”[22]. Hoặc ở truyện Cái chết ghê gớm của Lê Phong: “Đã lâu nay anh phàn nàn rằng chẳng gặp một chuyện nào ly kỳ để bắt anh ta phải bận trí”[23]. Hoặc ở truyện Thuốc bả chuột: “Đối với chàng, đời không có án mạng ly kỳ là đời không đáng kể, cũng như đối với Lý Bạch, đời không có rượu là đời vứt đi!”[24]…
Bác sĩ Watson là người bạn, người giúp việc tận tụy của Sherlock Holmes, nhưng Sherlock Holmes hay coi thường cách suy nghĩ, cách phân tích sự việc của Watson. Ví dụ, trong truyện The Norwood Buider, Sherlock Holmes trả lời đề nghị của Watson: “No, it isn’t necessary; you can’t help me” (Không, không cần thiết; anh không giúp gì được cho tôi đâu). Trong một số truyện trinh thám của Thế Lữ cũng có những ý tương tự. Chẳng hạn, trong truyện Gói thuốc lá, Lê Phong nói với Văn Bình: “Anh hay vô ý lắm, hỏng việc của tôi mất…”[25], hoặc ngăn không cho Văn Bình đến nhà Đường nữa, “vì anh đến thì nguy cho việc của tôi. Vì… vì anh hay hớ hênh lắm”[26]… Hoặc trong truyện Thuốc bả chuột, Lê Phong nói với Văn Bình: “Anh đã không có tài, không có trí lại không chịu tra cứu, đã thế lại còn không chân thực”[27]; lại còn nói: “Nghĩa là, điều thứ nhất, anh là đồ dốt, điều thứ hai anh là đồ tồi, người ta chưa nói xong đã hỏi dớ dẩn”[28]…
Ở truyện The Norwood Builder có đoạn: “Holmes showed me a plan he had made of Oldacre’s house and garden” (Holmes cho tôi xem sơ đồ căn nhà và vườn của Oldacre mà anh ta đã vẽ), thì ở truyện Lê Phong – phóng viên trinh thám, Thế Lữ cũng vẽ trực tiếp bản đồ nhà Lường Duỳn để minh họa (dĩ nhiên cũng có phần lấp chỗ trống, song không thể không nghĩ tới gợi ý này)[29].
Nếu ở truyện The Six Napoleons, Sherlock Holmes lợi dụng báo chí để lừa thủ phạm: “What Mr Harker wrote in the newspaper helped us. He made Beppo think that the police had the wrong idea” (Những điều ông Harker viết trên báo chí đã giúp chúng ta. Ông ấy đã khiến cho Beppo nghĩ rằng cảnh sát đã sai lầm), thì ở truyện Gói thuốc lá, Lê Phong cũng có hành động tương tự: “Thạc chết rồi, tôi biết. Có lẽ họ đã cho vào nhà xác và đợi giờ mổ tử thi nữa cũng chưa biết chừng. Nhưng anh cứ đăng báo là Thạc chưa chết, anh nghe không?”[30], vân vân và vân vân.
#
Chúng ta đang sống trong “Thế giới phẳng”, người biết chữ nhiều hơn thời của Thế Lữ, nói đúng hơn, gần 100% người Việt Nam biết chữ; trình độ học vấn của rất nhiều người Việt Nam cũng cao gấp bội lần so với hầu hết lớp nhà văn thời Thế Lữ; thế nhưng đến nay trên văn đàn chưa có tác phẩm nào có “độ rung” cần thiết để làm nên cuộc cách mạng văn học như thời của Thế Lữ, dù từ lâu, Tố Hữu đã nói chắc như bắp rằng: “Dưới chế độ tàn khốc trước kia, ta đã có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm thì dưới chế độ chúng ta, thời đại mới của chúng ta sẽ sinh ra được hàng trăm thiên tài lớn như vậy và lớn hơn như vậy”[31]. Chúng ta cần phải suy nghĩ!
[1] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học, H, 1988, trg 24-25.
[2] Đề cương hồi ký của Thế Lữ, báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 30-5-1992.
[3] Nhất Linh, Nguyễn Thế Lữ – Một nhân vật mới trong làng thơ mới, báo Phong hóa, ngày 7-7-1933.
[4] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[5] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 57.
[6] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[7][7] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[8] Phạm Đình Ân, Thế Lữ với những đóng góp vào tiến trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật Việt Nam.- Dẫn theo Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 32.
[9] Nguyễn Đăng Điệp, Nhớ rừng, điệu thơ nổi bật nhất của cây đàn muôn điệu.- Dẫn theo Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 343.
[10] Xuân Diệu, Đọc thơ Thế Lữ.- Dẫn theo Tuyển tập Thế Lữ, NXB Văn học, H, 1983, trg 591.
[11] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 591.
[12] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 583-584.
[13] Lê Quang Hưng, Một lần trở về.- Dẫn theo Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 388.
[14] Hoàng Như Nai, Tiếng sáo Thiên Thai.- Dẫn theo Tủ sách văn học trong nàh trường: Vũ Đình Liên – Nguyễn Nhược Pháp – Phạm Huy Thông – Thế Lữ, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1998, trg 69.
[15] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 584-585.
[16] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, T. 2, NXB KHXH, H, 1989, trg 691.
[17] Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930), nhà văn Anh xứ Scotland.
[18] 50 nhà văn trinh thám giỏi nhất mọi thời, website VnExpress.net, ngày 25-2-2008.
[19] Thế Lữ, Mai Hương và Lê Phong, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1996, trg 28-29.
[20] Thế Lữ, Gói thuốc lá, NXB Đời nay, S, 1963, trg 42-43.
[21] Gói thuốc lá, sđd, trg 18.
[22] Những nét chữ.- Dẫn theo Thế Lữ truyển tập – Truyện trinh thám, NXB Thanh niên, H, 2006, trg 87.
[23] Thế Lữ, Cái chết ghê gớm của Lê Phong, báo Ngày nay, ngày 25-4-1937.
[24] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[25] Gói thuốc lá, sđd, trg 42.
[26] Gói thuốc lá, sđd, trg 97.
[27] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[28] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[29] Thế Lữ, Lê Phong – phóng viên trinh thám, báo Ngày nay, ngày 30-4-1935.
[30] Thế Lữ, Gói thuốc lá, NXB Đời nay, S, 1963, trg 107.
[31] Tố Hữu, Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, NXB Sự thật, H, 1982, trg 176.
XUÂN DIỆU
ẤN TƯỢNG CỦA MỘT THỜI TUỔI TRẺ
Xuân Diệu là thành viên duy nhất trong Tự lực văn đoàn mà tôi có dịp gặp, trò chuyện không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Hồi cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ tôi làm chung cơ quan với bác Tịnh Hà[1] – người em duy nhất cùng cha cùng mẹ với Xuân Diệu. Đây là cơ quan đại diện của Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ở phía Nam, nên không có mấy người. Ngày đó cuộc sống còn khó khăn, nên tôi phải đưa rước vợ và hay nói chuyện tào lao với bác Tịnh Hà, lắm lúc cả hai cùng kéo ra vỉa hè làm cái “xây chừng” (cà phê đen), tán chuyện bao đồng cả tiếng đồng hồ chưa dứt. Cuộc đời của bác Tịnh Hà rất phong phú, nghe hoài không biết chán. Lần nào nhà thơ Xuân Diệu vào Sài Gòn, thì việc trước tiên là tới cơ quan thăm em. Nhiều lần có cả nhà thơ Huy Cận. Lắm lúc, nhà thơ Xuân Diệu nhờ tôi chở đi đây đi đó, khi thì đi mua xoài, khi thì đi thăm bạn, khi thì đi nhận nhuận bút ở các báo xuất bản tại TPHCM… Những lúc ấy thì nói chuyện không nhiều, chủ yếu là nghe – nghe ông chỉ dẫn thế nào là xoài ngon, thế nào là tình bạn, làm thế nào để tạo tên tuổi, v.v.
Những lúc nói chuyện nhiều với nhà thơ Xuân Diệu là những lúc phải thực hiện “kịch bản” do bác Tịnh Hà dàn dựng. Mỗi lần vào gặp bác Tịnh Hà ở cơ quan, lời đầu tiên của Xuân Diệu là “Quà của em đây!”. Bác Tịnh Hà thương kính anh lắm, nên luôn đứng thẳng người, cúi đầu, đưa hai tay ra nhận. Nếu thấy gói quà lớn lớn là biết có Huy Cận vào, vì trong giấy gói chắc chắn có hai mẩu bánh mì và hai điếu thuốc lá đầu lọc Hàng không. Còn thấy gói giấy nhỏ hơn, thì bác Tịnh Hà biết không có nhà thơ Huy Cận. Và sau đó, chúng tôi thường chia nhau phần quà ấy.
Lần nào cũng như lần nào, hễ thấy bác Tịnh Hà nháy mắt, là tôi lẳng lặng xuống bếp, tháo vòi, xì nhè nhẹ lốp xe đạp, và lên tiếng: “Bánh trước (hoặc bánh sau) xe của bác xẹp rồi, bác Tịnh Hà ơi!”. Câu trả lời tôi đã biết trước: “Chắc hở vá đó. Tí xíu nữa ứng tiền vợ ông mới đi vá được”. Thế là, Xuân Diệu vội vã móc tiền đưa cho bác Tịnh Hà: “Thôi ứng làm gì; em cầm tiền này ra vá nhanh để có xe mà đi. Thấy cần thiết thì em thay xăm luôn. Em nhớ thay loại xăm tốt tốt để đi cho bền”. Khi thì tôi thấy dây thun chằn quấn vào bánh xe rồi hô hoán lên như một phát hiện mới, và Xuân Diệu cho tiền em “thay cả xăm lẫn lốp”… Những lần như vậy, tôi có bổn phận tiếp chuyện với nhà thơ Xuân Diệu, chờ bác Tịnh Hà đi “vá” xe, hoặc đi thay “cả xăm lẫn lốp” về.
Bác Tịnh Hà sống rất hào sảng, kiểu “chơi xả láng sáng về sớm” của những “anh Hai Nam Bộ”, nên biết tính tiết kiệm quá mức của anh, bèn phải nhờ tôi phối hợp làm những trò mèo ấy nhằm “kiếm chút tiền còm uống cà phê” – cách nói của bác Tịnh Hà, chứ thật lòng Xuân Diệu thương em lắm. Và bác Tịnh Hà cũng biết đó là tình cảm quan tâm của người anh đối với em. Loại tình cảm này thật khó diễn tả bằng lời, nặng tựa như Thái Sơn và sâu như biển cả… Chứng kiến những lần Xuân Diệu ghé thăm bác Tịnh Hà ở Văn phòng Thường trực các tỉnh phía Nam Tuần báo Văn nghệ, tôi thấy bác Tịnh Hà dù lớn bao nhiêu, dưới mắt ông, Tịnh Hà cũng chỉ là người em bé bỏng, phải được quan tâm và chiếu cố. Theo bác Tịnh Hà kể hồi Sài Gòn giải phóng (30-4-1975), bác sống trong nghèo khổ với người bạn đời có hai đứa con trai riêng còn nhỏ. Lúc đó, bác đang bệnh, nằm nhà nhìn qua vách lá đã mục coi ké T.V bên nhà hàng xóm và thấy nhà thơ Huy Cận đang nói chuyện với văn nghệ sĩ miền Nam. Đêm đó, bác Tịnh Hà viết lá thư báo cho Huy Cận biết mình còn sống và đang bị bệnh. Sáng ra, ông giao lá thư cho đứa con trai lớn, dặn cứ đến Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) xin gặp nhà thơ Huy Cận và đưa lá thư ấy. Cậu con ông đi theo lời dặn, và các chú bộ đội chỉ dẫn đến Tòa Đô chính (nay là Ủy ban nhân dân TPHCM), rồi tiếp tục được hướng dẫn đến khách sạn Majectic (số 1 đường Đồng Khởi, quận 1, hiện nay), và gặp được nhà thơ Huy Cận. Huy Cận vội vã điện báo cho Xuân Diệu biết, rồi cùng đứa con trai bác Tịnh Hà (con riêng của vợ, chứ bác Tịnh Hà không có con) và chiếc xe đạp lên xe U-oát, chạy thẳng về nơi Tịnh Hà sống, đưa Tịnh Hà đi bệnh viện…
Mấy ngày sau, Xuân Diệu vào, mua cho em cái nhà ở chỗ Cầu Bông (quận Bình Thạnh, giáp ranh với quận 1) những 3.000 đồng. Xuân Diệu còn xin cho em vào làm việc ở Tuần báo Văn nghệ giải phóng, sau đó là Văn phòng Thường trực các tỉnh phía Nam Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam. Nhờ vậy, bác Tịnh Hà mới có được căn nhà đàng hoàng để ở, có công ăn việc làm ổn định cho đến cuối đời. Một lần, bác Tịnh Hà khoe vừa được anh trai dẫn tới giới thiệu với sui gia (bố mẹ vợ của Cù Huy Hà Vũ), và nói rõ khi nào bác cần số vốn làm ăn từ 10 cây vàng đổ lại, thì bố mẹ vợ Cù Huy Hà Vũ mạnh dạn giao rồi tính lại với Xuân Diệu. Bác Tịnh Hà cười hể hả, rồi hỏi tôi nên làm gì. Tôi thú thật chẳng biết làm gì, nếu có được một số vốn như vậy. Bác Tịnh Hà suy nghĩ một hồi, nói: “Kiếm ít tiền còm uống cà phê thì được, chứ nhiều quá như vậy là hổng nên. Nhưng biết đâu… nhất dạ sinh bá kế. Tối nay, tôi nghĩ ra cách làm giàu…”. Bác cười rất chi là thú vị, nói tiếp: “Lúc đó, tôi sẽ không quên ông”. Tôi chỉ biết cười trừ, chứ góp bàn được gì. Chuyện tính toán làm ăn để lãi mẹ đẻ lãi con, tôi là kẻ dại khờ, và ông cũng chẳng hơn gì tôi. Ông đã lăn lộn vào đời từ tuổi thiếu niên, rồi tham gia cách mạng, từng có tác phẩm in chung với Tế Hanh hồi còn ở Liên khu IV; rồi vì tiếng gọi của con tim mà bỏ về thành. Chuyện này ông kể rất vui, nhưng cũng thấy ông rất thương Xuân Diệu: “Mình làm gì thì làm nhưng phải nghĩ tới anh em. Đời tôi chỉ thương má tôi và anh Diệu. Tôi mà dinh-tê về thành là ảnh hưởng tới bước đường công tác của anh Diệu, nên tôi suy nghĩ lung lắm. Một hôm trên đường công tác, tôi gặp xác một chiến sĩ của ta hy sinh, tôi đổi giấy tờ. Vậy là tôi dinh-tê”. Nhưng như Xuân Diệu đã nói: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”, sau ngày dinh-tê, Tịnh Hà phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ viết báo, làm báo, viết văn, kể cả làm sở Mỹ, rồi đạp xe ba bánh đi bán than dạo.
Tình đến tình đi chẳng có gì níu giữ. Một đêm mưa lạnh, ông tấp chiếc xe ba bánh vào quán cóc ven đường tìm ly cà phê nóng cho ấm lòng. Và người mẹ của hai đứa con nhỏ dại sau khi mang ra ly cà phê đen nóng mời khách đã đem lòng thương ông, chăm sóc cuộc đời ông cho đến ngày giã từ cõi tạm.
Qua ông, tôi mới gặp và trò chuyện với nhà thơ Xuân Diệu nhiều lần, song tôi thấy ít có người nào như ông. Mỗi lần Xuân Diệu dặn dò điều gì, ông đều vòng tay, cúi đầu, kính cẩn lắng nghe, mặc dầu lúc đó ông cũng đã cận kề một vòng hoa giáp rồi chứ còn trẻ dại đâu. Những lúc phải trò chuyện với Xuân Diệu để ông “kiếm chút tiền còm uống cà phê”, tôi chẳng biết nói gì ngoài việc nói về thơ Xuân Diệu với lớp trẻ đô thị miền Nam (thông qua thực tế một thời từ bản thân tôi và bạn bè tôi), và chút hiểu biết về văn chương Tự lực văn đoàn qua những trích đoạn trong sách giáo khoa mà lớp trẻ chúng tôi phải học, thậm chí còn học thuộc lòng. Dường như những chuyện tôi kể cũng lạ, nên Xuân Diệu thích lắm. Hễ chỗ nào tôi nói không đúng, thì ông sửa lại, thậm chí đọc lại cả bài thơ cho tôi nghe, khiến tôi phục lăn về trí nhớ tuyệt vời của ông.
Vợ chồng tôi gọi Tịnh Hà bằng bác, nên cũng gọi Xuân Diệu bằng bác. Nhưng ngay từ đầu, Xuân Diệu dặn: “Bác của miền Bắc chứ không phải bác của miền Trung, miền Nam đâu nhé. Nhà thơ không có tuổi bao giờ”. Vậy là tôi cứ gọi bác, xưng em với Xuân Diệu. Ngày đó, tôi mới viết được đôi ba bài báo vặt và cũng chưa hề có chút ý định gì về việc viết truyện để in thành sách, viết biên khảo, nhất là viết về các thành viên Tự lực văn đoàn, nên chẳng khai thác được gì ngoài những câu chuyện chắp vá hơi có chút tào lao để “được việc” cho bác Tịnh Hà.
Qua mấy đợt chuyện trò, tôi bạo gan hỏi: “Vừa rồi, anh Huy Đức (nay hơn 70 tuổi), cán bộ biên tập báo Sài Gòn giải phóng; trước giải phóng, anh ở ngoài Bắc và công tác bên ngành giáo dục. Anh kể, một lần được ban giám hiệu phân công tới nhà mời bác đến trường nói chuyện thơ. Bác hỏi có bia không, có thịt gà không. Có hai khoản ấy, bác mới đến nói chuyện. Em không tin, nên… hỏi bác”. Xuân Diệu lắc lắc cái đầu với mái tóc quăn bồng bềnh rất nghệ sĩ, khẳng định đó là chuyện thật và ngày ấy, hầu như bất kỳ cơ quan nào muốn mời Xuân Diệu đến nói chuyện thơ đều biết “thủ tục” đó. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Xuân Diệu nói: “Em không biết đâu. Hồi đó để mua được một két bia Trúc Bạch, phải có chữ ký phê duyệt của ngành thương nghiệp cấp tỉnh, thành. Vì thế, nếu người ta thật tâm muốn mời mình đến nói chuyện, chứ không phải vì thành tích, hay vì cần có mấy dòng trong báo cáo tổng kết cuối năm cho sang, cho thấy có văn hóa thì họ phải có chút công sức để tìm cho được chữ ký ấy. Mình làm vậy là để giữ chút thể diện không chỉ cho mình mà còn cho anh em văn nghệ sĩ nói chung, nhà thơ nói riêng, chứ bia mình chỉ uống một vài cốc; thịt gà thì gắp một vài miếng. Cái chính là để biết họ có thật lòng với nhà thơ không và cũng là dịp bồi dưỡng cho anh em chút đạm. Cái thời toàn miền Bắc tập trung “lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì một cốc bia Trúc Bạch, một vài lát thịt gà là cả một vấn đề, em ạ. Sau này, một vài anh em có kể, họ dựa vào tên Xuân Diệu mà duyệt được bia để liên hoan đấy. Thế là vui chứ!”. Ông nói tiếp: “Mình hay đi với Huy Cận vì vừa là hai tâm hồn đồng điệu, vừa là tình bạn lâu ngày, vừa là anh em (mẹ của Cù Huy Hà Vũ là cô Xuân Như, em cùng cha khác mẹ với Xuân Diệu – V.G), vừa ở chung một nhà. Đi với Huy Cận thì mình khỏi cần đòi hỏi khoản gì cả, bởi ta có chế độ tiếp thứ trưởng, bộ trưởng chứ không có chế độ tiếp nhà thơ. Huy Cận là thứ trưởng, nên mình được ăn theo”.
Nghe ông nói, tôi thấy được phần nào khó khăn của một thời, muốn mời ông đi uống mấy chai bia song không dám mở miệng. Từ đó, khi nghe những câu chuyện vui về ông trong lúc trà dư tửu hậu, tôi không để tâm nữa. Và thơ Xuân Diệu thật sự để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lớp trẻ chúng tôi ở miền Nam trước ngày giải phóng. Những gì tôi đã kể với ông là thật, dù phải giúp bác Tịnh Hà “kiếm chút tiền còm uống cà phê”.
Khi bước chân vào trường trung học, tôi bắt đầu làm quen với thơ Xuân Diệu qua những anh lớn tuổi trọ học trong nhà. Các anh nói về thơ Xuân Diệu không phải vì chuyện học hành thi cử, mà vì chuyện… tán gái. Tính tôi hay chú ý người lớn nói chuyện, nên qua thời gian cũng thuộc lõm bõm mấy câu thơ Xuân Diệu. Cái tên Xuân Diệu như “đóng đinh” trong đầu óc non trẻ của tôi lúc bấy giờ. Sau đó, nghe ai đọc đến câu thơ nào hay hay về tình yêu, và ghi được trong trí, thì tôi cứ gán phứa cho Xuân Diệu, không thiếu người tin sái cổ. Mấy anh trọ học ở nhà tôi tuy lắm lúc có bàn chuyện gái gú, song cũng quyết tâm học lắm. Một anh ghi trước bàn học của mình câu: Muốn có người yêu phải đỗ tú tài. Một anh thì ghi: Mùa thi sắp tới!- em thơ/ Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau! Tôi thích câu sau hơn. Bạn bè tôi cũng thế. Đến khi tôi thật sự biết yêu, được yêu và cũng đang tập trung dồn sức cho kỳ thi tú tài phần thứ nhất, tôi mới ngộ ra rằng “em thơ” của Xuân Diệu là “em thơ” tưởng tượng, chứ không có thật. Nhưng cái giỏi của Xuân Diệu là nghĩ và viết ra được những lời thơ nhẹ nhàng ấy đã đánh đúng và đánh trúng vào khoảnh khắc rung động đầu đời của lớp trẻ học đường.
Kỳ nghỉ phép năm 2010, tôi về quê và cùng với vài người bạn của thời trung học vào huyện Thăng Bình thăm “anh nông dân gin” – như lời người bạn đã có một thời “quậy phá” trong lớp, trong trường với chúng tôi.
Gần nửa thế kỷ gặp lại, chúng tôi vui mừng hết biết. Anh lấy cái giỏ bội (giỏ lớn dùng để gánh bắp/ ngô, sắn/ củ mì, khoai… khi thu hoạch) và cây sào cùng một nhúm gạo. Chỉ một nhoáng, con gà mái nhà anh sập bẫy. Và cũng chỉ một nhoáng, nước trong nồi chưa sôi, chúng tôi đã được thưởng thức món lòng gà xào với mấy bụi hành tươi gần ảng nước. Chai rượu gạo đục như nước cơm có sẵn trong nhà, anh đảm bảo rượu “xịn” uống bao nhiêu cũng không hề nhức đầu. Thế là chúng tôi “mi mi tau tau” ầm nhà, khi nhắc lại thời đi học. Người bạn nông dân của tôi buồn vì thời tuổi trẻ lo chơi, lo đi nghể (đi ngắm gái, tán gái – từ dùng hồi thập niên 60 ở miền Nam), để bị rớt tú tài. Anh đổi giấy tờ những vài lần mà vẫn không vượt qua cửa ải tú tài phần thứ hai. Sau mấy lần thi hỏng, chúng tôi vừa thương nhưng cũng vừa bực nên đã từng mượn thơ Xuân Diệu chọc anh: Tôi không biết, không biết gì nữa cả/ Chỉ yêu nhiều là tôi biết mà thôi. Sau ngày giải phóng, anh về quê làm ruộng, cưới vợ, sinh con. Bây giờ, anh đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đàn. Trong bạn bè cùng lớp, dường như chỉ có tôi là người chưa được cái vinh dự ngồi sui… Sau vài chén rượu, anh lớn tiếng đọc thơ: Ta là thằng ôm hận tú tài đôi/ Không biết tìm ai mà kể lể/ Chí lớn thôi đành cam rớt lệ/ Ngày ta buồn, thần thánh cũng thôi linh. Một người bạn khác cho rằng chỉ có tôi không những có chữ nghĩa, mà còn có chút danh, chứ trong anh em của thời trung học chẳng ai ra gì. Có đứa mang tiếng thầy giáo dạy cấp ba, nhưng lắm lúc cũng phải “tháo giày đi chợ Tết”, nên đành chấp nhận chuyện… mất dạy, ra ngoài chạy chợ, rồi cũng lùi xùi lụi xụi, giao trọng trách “chí nam nhi” lại cho lớp con cháu. Có đứa về hưu đóng cấp hàm đại tá, tiền bạc rủng rỉnh, nhưng… không oai!? Nói xong, anh lớn giọng đọc: Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương/ Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường. Và chúng tôi tiếp tục cạn chén… hồ trường. Tôi hỏi, đọc vanh vách như vậy, có biết thơ của ai không. Anh bạn nông dân gin của tôi bảo là tôi vẽ chuyện. Thơ hay thì nhớ, thơ đúng với tâm trạng của mình thì thuộc, cần gì phải biết thơ ai. Nếu cần thì cứ cho đó là thơ Xuân Diệu, thơ Thế Lữ, thơ Vũ Hoàng Chương… giống như lớp ông cha thường gán phứa nào là cổ nhân nói, thánh hiền nói, Không Tử viết, Lão Tử viết… mà chắc chi đã đúng. Anh đứng dậy, ra hè vác vào cái thang tre rồi trèo lên chồ (khoảng giữa hai cây trính được chủ nhà gác mấy cây đà rồi lót ván, hoặc trục trịch (nan tre dày, đan sít lại) để cất nông sản, tránh lụt). Chúng tôi nhìn nhau không biết người bạn của mình làm gì, thì một chặp anh mang xuống một cuốn sổ nhật ký bìa cứng đã cũ, thảy lên bàn, nói: “Kỷ niệm của một thời đó. Trong ni, hình như cũng có chữ viết của tụi bay”. Thì ra, đó là cuốn sổ mà thời trẻ tuổi chúng tôi đều có để chép những câu thơ mình thích được đọc qua sách, qua những lời dạy của thầy, qua bạn bè, hoặc qua ai đó. Ngày ấy, nhớ thì chép chứ có bài nào, câu nào chép kèm tên tác giả đâu. Và nói thật, trong chúng tôi không một ai thuộc trọn một bài thơ.
Chúng tôi khen anh còn giữ được cuốn sổ này là giỏi lắm. Anh cười rất chi là sung sướng và cho biết lâu lâu đọc lại thấy mình… trẻ ra! Rượu chưa hết chai, chúng tôi đều lăn ra ngủ. Thức dậy, trời đã về chiều, và chúng tôi chia tay. Anh đưa chúng tôi ra tận đường cái, không quên mang theo cuốn sổ để photocopy cho tôi một bản làm kỷ niệm.
Tôi đọc đi đọc lại cuốn sổ ấy nhiều lần, thấy nhiều câu thơ quen lắm mà không biết của tác giả nào. Trong cuốn sổ này, thường được chúng tôi chọn những câu phù hợp với tâm trạng của mình ngày ấy, chứ không phải chép nguyên một bài thơ. Và đây là công sức của bạn tôi tập trung suốt một thời trung học. Có những câu thơ, tôi biết chắc là của Xuân Diệu, bởi nó đã từng là những câu nói đầu môi của chúng tôi ngày ấy, nhưng có những câu, những đoạn tôi biết “giả Xuân Diệu” song… khó nhận ra.
Sở dĩ, có những câu thơ, đoạn thơ “giả Xuân Diệu” này, vì ngày đó lớp trẻ chúng tôi rất thích thơ. Trong trường, trong lớp thời chúng tôi có nhiều người muốn làm ra vẻ thi sĩ. Giờ chơi, hoặc những lần đi cắm trại, thì họ tách riêng ra, ngồi một mình ngắm mây trời, hoặc thơ thẩn một mình như muốn tìm vần, tìm ý. Đôi lúc, chúng tôi giả đò rượt đuổi nhau để đụng vào người họ, rồi lớn tiếng: “Chết cha, mi làm tau rớt mất vần rồi!”, rồi vội vàng cúi xuống đất tìm… vần. Quậy như thế, nhưng mấy anh làm thơ không dám có ý kiến, vì họ sống tách biệt, sức học cũng xoàng ngoài mấy bài thơ trên báo tường trong dịp Tết, hoặc trên đặc san của lớp vào dịp nghỉ hè; trong lúc đó, mấy anh em chúng tôi là những học sinh khá giỏi, được thầy cô và bạn bè ủng hộ. Những người say thơ ấy thường trao đổi thơ cho nhau. Những lần sinh hoạt hoặc liên hoan lớp, họ thường giới thiệu nhau lên đọc thơ. Bọn tôi thường hay nói: “Chúng nó đặt ống đu đủ vô hậu môn thổi cho nhau”. Anh bạn nông dân gin của tôi ngày ấy cũng thích thơ và… làm thơ. Để nhận chân một bài thơ hay đâu phải là chuyện dễ. Thơ của bạn tôi đều bị cái hội thơ ấy chê dở, nhất là chê trước mặt mấy bạn gái trong lớp. Một hôm, tôi đưa cho anh một bài thơ. Anh khen hay và xung phong lên đọc. Quả nhiên, bài thơ ấy bị chê tàn chê mạt. Anh đưa mắt nhìn tôi cầu cứu. Tôi giơ tay xin phát biểu khi thấy giáo sư cố vấn (bây giờ gọi là giáo viên chủ nhiệm) muốn có ý kiến can thiệp. Được thầy cho phép, tôi chê ngược trở lại và khẳng định mấy bạn ấy không biết thơ là gì. Tại sao tôi nói vậy, vì bài thơ đó được tôi chép từ tập thơ Thơ thơ của Xuân Diệu. Tôi đưa tập thơ được in rất trang trọng, khổ lớn hơn cuốn vở học, và nói tiếp: “Nếu các bạn chê thơ Xuân Diệu dở, còn thơ mình hay, thì các bạn là thánh thơ, cần chi phải ngồi đây học nữa”.
Cả lớp vỗ tay ầm ầm. Ra về, ai cũng bu lại mượn, tôi không cho, vì tôi “mượn tạm” của một anh trọ học ở trong nhà. Từ đó, hội thơ của lớp tôi cũng bớt phần kênh kiệu.
Mấy ngày sau, anh bạn tôi muốn lên nhà chép lại tập thơ Thơ thơ. Tôi đồng ý, nhưng nếu có mấy anh trọ học đang ở nhà là không được. Anh bạn tôi bỏ công cả tháng mà có khi chép được có khi không, vì muốn đọc cho hết trước, và thích câu nào bài nào mới chép lại. Lật lướt qua tập thơ, anh bạn biết tôi xạo, bởi bài thơ hôm ấy không phải của Xuân Diệu vì không có trong tập thơ Thơ thơ như tôi đã “trình làng”. Tôi nói thật, đó là thứ thơ “giả Xuân Diệu” mà tôi được nghe các anh trọ học ở nhà tôi trò chuyện. Và hôm ấy tôi làm liều, vì biết các bạn say thơ có mộng làm thi sĩ ấy chưa chắc đã đọc được tập thơ Thơ thơ, mà nếu có đọc cũng không dễ chi nhớ. Thấy tôi đưa tập thơ thiệt ra, là các bạn trong lớp phải tin và các thi sĩ tương lai ấy đã run, sức mấy mà dám kiểm tra. Nếu có bạn nào muốn kiểm tra, tôi sẽ bảo về nhà mua mà đọc, chứ sách của tôi không cho đọc lung tung, thì làm gì nhau. Anh bạn khen tôi “cao tay ấn”. Ngày đó, hầu hết chúng tôi là con nhà nghèo, tiền sách vở, tiền học phí đã khiến cha mẹ toát mồ hôi, lấy đâu tiền để mua thơ. Do đó, những câu thơ mà chúng tôi có được để chép cho nhau, hoặc để nói dóc cho có điệu có vần là qua học lóm, nghe lóm cả.
Bây giờ, đọc lại những gì mà bạn tôi đã nghe, đã nhớ mà chép lại, hoặc nhờ người đọc thơ chép lại, rồi đọc kỹ hai tập thơ được xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám của Xuân Diệu: Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Từ đó, tôi lọc ra được những câu thơ, đoạn thơ “giả Xuân Diệu”. Thơ “giả Xuân Diệu” có mấy cách: dựa vào vần, âm điệu đoạn thơ nào đó để viết lại theo tâm trạng của mình, hoặc dựa vào một vài câu thơ của Xuân Diệu rồi viết thêm ý mình vào cho đúng những gì mình đang nghĩ, hoặc sửa một đôi chữ trong câu thơ để lái câu thơ ấy đúng như những gì mình muốn nói, v.v. Với chúng tôi ngày đó, dù nặn óc ra mấy câu có vần có điệu chẳng ra gì, nhưng gán phứa cho Xuân Diệu là không ai dám chê dở, và cứ thế mà “nổ”.
Nói thì mù mờ lắm, nay tôi đọc và so sánh những bài thơ của Xuân Diệu trong hai tập thơ: Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Từ đó, tôi mới có thể phát hiện và xin dẫn lại một số câu thơ, đoạn thơ “giả Xuân Diệu” còn lưu trong tập nhật ký được bạn tôi gìn giữ cẩn thận gần nửa thế kỷ qua:
1-
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Vì yêu em nên viết mấy lời đây/ Đừng từ chối hãy nói lời yêu mến.
Xin em hãy đừng cản anh bước đến/ Nói lời yêu để đời mãi dậy hương/ Để lòng anh cất tiếng dậy muôn phương/ Để đôi lứa chúng mình không cô độc.
2-
Giữa vườn vang động tiếng chim vui/ Ánh mắt nhìn ai như biết cười/ Ánh mắt em nhìn êm ái thế/ Cả trời như ngập nụ cười tươi.
Mặt trời mới sáng đã lên cao/ Chờ đợi, lòng anh mãi nôn nao/ Anh qua vườn vắng như vô ý/ Len lén nhìn em dưới cội đào.
Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều/ Bên màu hoa mới thắm như kêu/ Nói gì âu yếm qua không khí/ Như thấy đưa mùi hương mới yêu…
3-
Em đã từ đâu, em mới đến/ Trong tôi, em đã đến lâu rồi/ Hãy nhận tình tôi, đừng lỗi hẹn/ ÁNH HỒNG thơm ngát của hồn tôi. (Chữ Ánh Hồng được viết hoa, vì là tên riêng. Tôi còn nhớ cô bạn này từ Trường Khiết Tâm chuyển đến – V.G)
4-
Em đã khóc thầm lúc biệt ly/ Anh đi, em tưởng bỏ em đi/ Sau làn nước mắt là chi nữa?/ Không biết anh đi có nghĩ gì.
5-
Như thế em xa mấy dặm trường/ Đêm về nằm nhớ lại mùi hương/ Em đi mà tưởng còn đâu đó/ Anh khóc tình buồn giữa gió sương.
6-
Trăng vừa đủ sáng để anh mơ/ Em đến em đi chẳng vội vàng/ Anh cứ nhìn em mà chẳng nói/ Tỉnh rồi anh nhớ lại làm thơ.
Trong mơ anh tưởng Đường Minh Hoàng/ Mãi ngắm hình hài Dương Quý Phi/ Tỉnh ra, anh chỉ học trò nghèo/ Chẳng giận, chẳng buồn khi em đi.
7-
Ánh mắt em làm đời anh sóng gió/ Suốt ngày đêm, anh chỉ biết yêu thôi/ Và trong anh, em là của anh rồi/ Em mắc nợ, anh đòi em cho được.
8-
Trốn nỗi buồn vô cớ/ Vì em đã ra đi/ Anh tìm đâu hạnh phúc?/ Em đâu? Biết nói gì?
Xa xăm, ru mộng tưởng/ Anh có thể phiêu lưu…/ Tạo hóa không tình cảm/ Sinh ra tôi đã nghèo.
Anh không là thi nhân/ Ôm nỗi buồn vô cớ/ Anh không biết làm thơ/ Thơ không làm bớt khổ.
Nghĩ ngợi đến tình em/ Anh thấy buồn rất nhiều/ Mình nghèo và nhút nhát/ Và chưa từng được yêu.
9-
Trời cao bỡn cợt chút tình êm/ Sáng nắng chiều mưa chuyện khát thèm/ Chỉ lúc trong mơ nhìn mới được/ Trời ơi, ta muốn uống hồn em.
10-
Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi/ Tôi muốn và tôi muốn/ Giữ mãi mối tình si.
11-
Hãy ngó sâu vào tận mắt anh/ Đọc bài thơ mới chưa làm thành/ Lòng anh rạo rực không duyên cớ/ Khi nắng chiều tơ giỡn với cành.
Nhưng nói làm chi chuyện chẳng lành/ Hãy kề đôi má gọi em – anh/ Hãy cầm tay nhẹ nghe run rẩy/ Bỏ mặc bài thơ viết chửa thành.
Từ đấy bài thơ phải dở dang/ Em đi trong dáng vẻ huy hoàng/ Để người lặng chết trong nhung nhớ/ Xác pháo đầy sân chẳng tiếng vang.
Từ độ yêu em, anh say thơ/ Kẻ thì say rượu, người say mơ/ Anh say đủ thứ, say đủ thứ/ Nay biết tình em – chỉ tình vờ.
12-
Hoàng hôn như muốn trốn/ Khỏi phải nhìn em đi/ Nước đượm màu ly biệt/ Trời vương hương biệt ly.
Em gần mà xa xôi/ Nhớ thương lời trách móc/ Mây ôi và gió ôi/ Giữ gìn ta tiếng khóc.
Ngày em đi như thể/ Trời sụp xuống đời tôi/ Ôm mặt rưng rưng khóc/ Em đi là hết rồi.
13-
Hoa nở để mà tàn/ Trăng tròn rồi lại khuyết/ Bèo hợp để mà tan/ Người gần để ly biệt.
Trong tình yêu chắc em nào có biết/ Anh muốn gần em mà có được gần đâu/ Muốn thật gần để nói lời ly biệt/ Muốn thật gần để làm… vợ chồng ngâu.
14-
Mắt ướt trông nhau lệ muốn tuôn/ Giọng cười anh phải khóc thầm luôn/ Em là người của ai ai đấy/ Để lại trong anh một nỗi buồn.
15-
Ngày muốn hết buồn như đời muốn hết/ Chiều bị thương ráng sức kéo mình đi/ Lũ mây già, nghìn vạn khối lâm ly/ Đứng giữa lưới bủa vây trời nhỏ hẹp.
Em đâu biết cửa đời như muốn khép/ Không cho anh bước tới để gần em/ Cái chữ nghèo giống như cái màn đêm/ Anh quờ quạng trong tương lai mờ mịt.
Em chớ nghĩ anh chơi trò trẻ nít/ Mấy ai yêu thấy mình lớn bao giờ/ Ngày muốn hết buồn như đời muốn hết/ Cuộc tình này anh gói lại trong mơ.
16-
Mưa dầm – thu dưới nguyệt/ Máng chảy – suối trên nhà/ Yêu em – Ta khờ dại/ Vắng em – buồn mình ta.
17-
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/ Mắt run mờ, trời đất cũng mông lung/ Em đã đi – Thật sự đã đi rồi.
18-
Người ta khổ vì thương không phải cách/ Yêu sai duyên, và mến chẳng nhầm người/ Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi/ Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó/ Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương/ Vì thả lòng không kiềm chế dây cương/ Người ta khổ vì lui không được nữa.
Ta trót dại, mong em đừng trót dại/ Đường chông gai em đừng vướng chông gai/ Dưới đóa hồng luôn có những mắt gai/ Chút hào nhoáng – Mong em đừng lỡ dại.
19-
Gió tuy nhiu nhíu chỉ đưa hơi/ Nhưng thấy lòng tôi lạnh lắm rồi/ Không biết bây chừ em có nhớ/ Hay là… cứ để mặc thằng tôi?
20-
Như một chiêm bao rất mộng thơ/ Bâng khuâng, tôi nghĩ chuyện tình cờ/ Phải chi người ấy… Vâng, người ấy/ Rồi sẽ cùng ta dệt ước mơ.
21-
Em đã về đâu? Sao vội đi?/ Bao giờ gặp lại? Tội tình chi?/ Em đâu có biết lòng anh khổ/ Ngày dõi đêm mong… sẽ trở về.
22-
Gió mưa, mưa gió âm u/ Ở đây anh đã nghe thu lạnh rồi/ Ngày xưa, ngày ấy… chao ôi/ Bây giờ xanh vắng lạnh thôi mấy chừng!
23-
Mùa cúc năm nay sắc đã già/ Ai tìm ta hộ dáng thu qua/ Đâu rồi? Em đã sang thuyền khác/ Ôi! PHƯỢNG bao giờ lại nở hoa. (Chữ Phượng viết hoa, chắc người viết muốn gửi cho người con gái mang tên Phượng – V.G)
24-
Trời xanh thế, hàng cây thơ biết mấy/ Vườn non sao, đường cỏ mộng bao nhiêu/ Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy/ Khi chàng Kim vừa được thấy Thúy Kiều.
Đã đôi lúc anh muốn làm Phạm Thái/ Hoặc chàng Kim để được chút nuông chiều/ Nhưng nhìn lại, anh giật mình kinh hãi/ Anh quá nghèo đâu thể xứng với em.
25-
Hôm ấy, trong tôi đã vướng tình/ Rào trường không giữ được lòng trinh/ Chàng trai nhỏ nhẻ, tôi khi ấy/ Lén lút thầy cô kiếm bóng hình.
Ai trả cho tôi những mộng đầu/ Người con gái nhỏ, mắt thâm nâu/ Phất phơ tà áo cười trong gió/ Để mặc mình tôi đón vạn sầu.
26-
Em bảo: đừng nên gặp gỡ gì/ Chuyện mình thôi cứ để trôi đi/ Anh đừng luyến tiếc làm chi nữa/ Anh cứ mặc em: gái lỡ thì.
27-
Muôn nghìn thương nhớ tới bên tôi/ Nên đến bên cây nhấp nhỏm ngồi/ Chờ tiếng chuông trường reo vãn lớp/ Đón bước em về được chung đôi.
Phượng đã rung rinh trước cổng trường/ Mà tôi chưa dám nói lời thương/ Bên em tôi cứ như người mộng…/ Khi về tôi thấy vấn cùng vương.
28-
Hết ngày, hết tháng, hết! em ôi!/ Hớt hãi chờ em hết đứng, ngồi/ Anh ngóng tìm em, tuy thấy đó/ Sắp xa thôi cũng tựa xa rồi!
Muốn nói sao mà chẳng nói ra/ Dù lời thương nhớ gọi chăng là…/ Anh ngu như thế mà yêu được/ Chẳng trách em cười… Cứ mặc ta.
Chiều góa không em lạnh lẽo sao/ Một mình anh lạc dưới thu cao/ Sắc trời: sương đọng; non: mây tỏa/ Không biết lòng đi tới chốn nào…
29-
Trời lạnh quá mà em thì xa ngái/ Tấm chăn đơn không đủ ấm hình hài/ Thương với nhớ là nỗi buồn thất bại/ Rót lạnh về đóng hộp một đời trai.
Chẳng mong ai ta thắp đèn chi nữa/ Hững hờ trông ngày tranh thở với đêm/ Chiều xa vắng một mình ta ở giữa/ Nỗi buồn này sao cứ kéo dài thêm.
Nhớ hương xưa tưởng chừng chia chút lửa/ Rét căm căm đã xây xác ta nằm/ Thao thức mãi, ai xẻ giùm ta nửa/ Ngủ đi, ngủ đi, sầu muộn của muôn năm.
30-
Em cứ mặc, cứ giận hờn trách mắng/ Nếu em thương thì tôi rất cám ơn/ Em có ghét, tôi cũng cười mãn nguyện/ Tôi có gì đâu mà dám giận với hờn.
Em cứ mặc, để mình tôi đơn độc/ Đếm thời gian qua khói thuốc ưu phiền/ Em cứ mặc, để tôi làm thằng ngốc/ Nhặt cánh phượng rơi tưởng má lúm đồng tiền.
31-
Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im/ Em hãy lắng nghe nhịp trái tim/ Sao cứ run hoài như chiếc lá/ Ngày qua tháng lại vẫn im lìm.
32-
Xin hãy yêu tôi, một giờ cũng đủ/ Một giây cũng cam, một phút cũng đành/ Chớ ngúng nguẩy, xin em đừng ngúng nguẩy/ Hãy quay nhìn dù một cái liếc nhanh.
33-
Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh rụt rè theo chẳng dám gần/ Xin được làm hài nâng gót ngọc/ Ai cười mặc kệ chẳng phân vân.
…
Lẽ ra, tôi cho in nghiêng những câu, những chữ của Xuân Diệu và ghi chú những câu, những chữ ấy ở trong bài thơ nào của Xuân Diệu để bạn đọc dễ phân biệt. Nhưng như trên đã viết là “khó nhận ra”, nên tôi muốn để cùng kiểu chữ nhằm cho thấy những người yêu thơ Xuân Diệu ngày ấy cũng… không tệ. Bây giờ đọc lại, nhớ lại, nghĩ lại cái thời ôm vở tới trường, tôi thấy thế hệ của chúng tôi quả già trước tuổi. Bạn gái cùng lớp chúng tôi, nhiều cô mới học lớp 8, lớp 9 đã lên xe hoa. Nhiều bạn trong lớp chúng tôi đã biết mùi tù, vì dám xuống đường chống Mỹ, góp phần tạo nên phong trào học sinh, sinh viên rộng khắp miền Nam. Ngày đi thi tú tài, có bạn được xe cảnh sát đưa đi đưa về và chỉ được tháo còng tay khi bước vào phòng thi, vì còn đang ở trong lao tù. Nhiều bạn mới tuổi đôi mươi đã trở thành phó quận, hoặc là sĩ quan của quân đội Sài Gòn… Do đó, những thứ “giả Xuân Diệu” vừa dẫn trên cũng là thứ nước cam lồ rưới trên đất hạn của một thời tuổi trẻ chúng tôi. Họ sửa thơ Xuân Diệu cho phù hợp với tâm trạng để lén nhét vào cặp vở của cô bạn nào đó, hoặc như vô tình bỏ quên lại trong hộc bàn, hoặc ghi vào trang đầu cuốn sách tặng bạn gái nhân ngày sinh, ngày Tết, ngày hè, hoặc thông qua ai đó để “người ấy” biết nỗi niềm của mình, vân vân và vân vân… chứ không phải như bây giờ muối mặt đưa đi đăng báo để mong kiếm chút danh hờ danh hão, dẫu bị báo chí phát hiện, kết luận là đạo văn.
Thế hệ sau này trẻ lâu. Học sinh cấp 3, thậm chí sinh viên ở nhiều trường đại học vẫn còn cha mẹ đưa đón và vẫn được xem là lứa tuổi trẻ người non dạ chẳng làm được tích sự gì. Chính vì vậy mà Chủ tịch Hội Sinh viên ở các trường đại học, của các tỉnh/ thành, kể cả ở cấp Trung ương là những người đã giã từ đời sinh viên hàng chục năm hơn, chứ không phải như thời chín háp của chúng tôi là những người hằng ngày mình gặp mặt ở lớp, ở khoa. Một anh đã quá tuổi “tam thập nhi lập” được bổ nhiệm làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp thành đã là người trẻ nhất nước giữ chức vụ ấy. Lắm lúc tôi trộm nghĩ, phải chăng bọn tư bản giãy chết vì không có người nên phải sử dụng những thế hệ chín háp như thời của chúng tôi chăng? Cụ thể, dân Vương quốc Anh bầu Tony Blair vào chức vụ Thủ tướng lúc 44 tuổi (trước đó, Tony Blair đã đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Dân chính); còn dân Mỹ thì gần đây bầu hai đời tổng thống ở tuổi 47 (Bill Clinton và Barack Obama). Bill Clinton trước khi làm tổng thống nước Mỹ đã phục vụ hai nhiệm kỳ Thống đốc tiểu bang Arkansas. Barack Obama trước khi vào Nhà trắng là Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Illinois. Hoặc “Ông Matteo Renzi, 39 tuổi, chính thức chấp nhận đề cử làm thủ tướng trẻ tuổi nhất từ trước đến nay của nước Ý” [209], và “Nội các mới sẽ bắt tay ngay vào làm việc sau lễ tuyên thệ ở dinh tổng thống ngày 22-2-2014” [209]… Nói chung, đó là lứa tuổi vào hàng con cái của các cụ lãnh đạo nhà ta, thì biết gì mà đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc được. Không rối, không giãy chết mới là chuyện lạ. Ta nên mừng cho lớp con cháu chúng ta trẻ mãi không già. Xuân Diệu thành danh và đã từng là quan tham tá thời Pháp thuộc, ấy mà sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cũng thấy mình tự dưng trẻ ra: “Tôi như đứa trẻ con đôi mắt khép/ Sờ mặt mẹ trên ngón tay tha thiết/ Tôi hiểu đêm hôm nay thôn xóm nghĩ gì/ Đằng chân trời ấp ủ những điều chi…” (Những đêm hành quân). Và cái độ trẻ ấy được giữ gìn cho tới hôm nay quả là chuyện thần kỳ. Chuyện này mà tôi “ngộ” ra sớm để làm đề tài trao đổi với Xuân Diệu, thì chắc còn lắm điều hay.
Thật lòng, tôi biết ơn nhà thơ Xuân Diệu và một số nhà thơ cùng thời với ông. Hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, bà con ở Đà Nẵng nghe nói đi tiệm là oai lắm, dù là đi tiệm chỉ uống một ly xi rô có lềnh bềnh mấy lát thơm/ dứa và mấy sợi dừa bào, hoặc một ly chè đậu có đá bào. Ngày đó, nhân dân còn nghèo, người ta phải tính toán chi li từng đồng, không có thói quen đi ăn quán. Sáng sáng, mỗi gia đình nấu nồi cơm hoặc nồi cháo trắng ăn với cá phèn, cá bống kho khô là sướng rồi chứ chẳng mấy ai đi ăn tiệm. Tới bữa, cả nhà quay quanh mâm cơm. Muốn ăn bún giò, thì mua bún, mua giò về nấu. Muốn ăn chè, thì mua đậu mua đường về nấu. Tiền vào tiệm ăn vài ba ly chè, đủ mua nguyên vật liệu nấu một nồi chè to đùng cả nhà ăn tới ăn lui… Vì thế, ngày đó nói đến đi tiệm là sang, là có tiền. Mấy người đi làm có lương, có đồng ra đồng vào, cuối tuần rủ bạn bè đi uống vài ba chai la-ve (bia), thì gọi là đi kéo ghế. Và mấy câu thơ của Xuân Diệu được nhớ lõm bõm từ câu chuyện của mấy anh trọ học trong nhà đã giúp tôi có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Lúc còn học những năm đầu trung học, thì tôi được nhiều lần đi tiệm là nhờ… viết giúp thư tình cho mấy anh, mấy chị lớn tuổi ở trong xóm. Viết như ý mấy anh, mấy chị muốn tỏ bày, thỉnh thoảng tôi lại thêm mấy câu thơ của Xuân Diệu vào, chẳng hạn: Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!, hoặc gán cho Xuân Diệu, như: Anh (Em) biết em (anh) đi chẳng trở về/ Dặm ngàn liễu khuất với sương che/ Anh (Em) đừng quay lại nhìn em (anh) nữa/ Anh (Em) biết em (anh) chẳng trở về., v.v…
Nghe đọc tới chỗ đó, ai nấy đều thấy “đã” quá chừng và không sớm thì chầy cũng dẫn tôi đi tiệm hoặc đi kéo ghế (khi tôi lớn lên một chút). Cái nhớ lõm bõm và gán ghép tùm lum ấy đã được những anh chị nhờ tôi viết thư đều khen tôi giỏi, văn tôi hay!? Một số anh chị nhờ những lá thư ấy mà thành vợ thành chồng, nhưng nếu không nợ chẳng duyên thì cũng thương quý tôi. Bây giờ, không thiếu người đã về với đất, song ai còn sống gặp lại tôi thì cũng mừng rơi nước mắt, hối con cháu làm gà, làm vịt hoặc đi chợ sắm gì đó ngon ngon cho chú, cho ông, cho cậu bay ăn, hoặc cho anh em tau vui một bữa; có chị đích thân xách giỏ đi chợ về nấu một vài món mà chị nhớ hồi xưa tôi thích. Nghĩ lại mà thương mà quý cái tình của một thời.
Vào năm học đệ ngũ (lớp 8), người bạn của một anh trọ học nhà tôi bỏ quên tập thơ Thơ thơ của Xuân Diệu trên bàn. Tôi đang đọc say sưa, thì anh ta đã quay trở lại, lấy về. Rồi có anh lại mượn về nói là để học, tôi cũng thò thò thụt thụt đọc vụng trộm… Thơ Xuân Diệu đến với tôi từ dạo ấy, và như đã nói, hễ nghe ai nói chuyện có dẫn câu thơ tình nào hay, đoạn thơ tình nào thú vị, mà tôi nhớ được là… của Xuân Diệu chứ không phải của ai khác (khi nói, có ai nhắc tới tên tác giả đâu. Nếu có nhắc, tôi cũng không kịp nhớ, vì phải lo tập trung nhớ thơ là chính. Nếu nhớ không hết thì cố mà “chế” cho có vần có điệu để bốc phét với bạn bè). Thời trung học cũng như đại học, tôi thích các môn khoa học tự nhiên hơn, song có thuộc thơ (chủ yếu mấy câu thơ về tình yêu), thuộc văn (chủ yếu là mấy bài kim văn ở mấy năm trung học đệ nhất cấp, tức bậc trung học cơ sở ngày nay) và biết “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”, nên được nhiều người thích trò chuyện. Riêng về thơ Xuân Diệu, thì lớp trẻ chúng tôi ngày đó, hầu như không ai không thuộc một số câu thơ để “dằn túi”. Tôi vững tin, ngày đó, những nữ sinh có chút… xinh xinh thì ít ra cũng được một đôi lần tìm thấy trong hộc bàn của mình có “ai đó đánh rơi” vài ba câu thơ của Xuân Diệu hoặc “giả Xuân Diệu” (chỉ có người viết mới biết). Một số nữ sinh cũng có những “bài thơ đánh rơi một cách vô tình” như thế, chứ không chỉ là cánh nam sinh chúng tôi. Bản thân tôi có lần nhặt được trong hộc bàn mấy câu: Anh giết tình em nữa phải không/ Anh đem sương tuyết lấp hoa hồng/ Anh đem hờ hững vùi thương nhớ/ Anh giết tình em trong lạnh lùng. Tôi không biết ai đó gửi cho tôi hay gửi cho bạn nam sinh nào đó học khác buổi với tôi, nhưng tôi cũng… xúc động lắm. Về sau, dường như mấy câu thơ này được phổ nhạc, nhưng tới bây giờ tôi cũng không biết tác giả bài thơ, tên bài thơ và người nào gửi, gửi cho tôi hay gửi cho ai.
Hồi kể cho Xuân Diệu nghe, tôi nhớ đâu nói đấy. Bây giờ, đọc lại cẩn thận hai tập thơ: Thơ thơ và Gửi hương cho gió mới biết mấy câu thơ ấy ở trong bài nào. Ngày đó, ngoài các bạn học ban C (Văn chương), thì có đọc kỹ hơn bọn học ban A (Vạn vật), ban B (Toán) chúng tôi, nhưng trong chúng tôi không mấy người thuộc trọn vẹn một đôi bài. Và điều chắc chắn nếu có thuộc là thuộc những bài phù hợp với nỗi niềm của mình, còn không thì chẳng bạn nào quan tâm, dù có nghe qua. Lớp trẻ chúng tôi ngày đó, không ai thuộc nằm lòng câu thơ nào của Xuân Diệu mới là chuyện lạ. Ngày ngày đến trường, chúng tôi đi bộ là chính. Ai có chiếc xe đạp là “oách” lắm. Hầu như không mấy ai được người nhà đưa đón, nên việc nam sinh, nữ sinh gặp nhau trên đường, cùng nhau đi một đoạn đường là chuyện bình thường. Rồi đón. Rồi đưa. Rồi đợi. Rồi chờ. Và mấy câu thơ Xuân Diệu bày tỏ tình cảm hộ mình bằng cách nhét vào cặp, vào sách vở cho mượn hoặc giả vờ mượn rồi trả… Nếu học cùng lớp hoặc cùng trường thì coi thử “người ấy” ngồi chỗ nào để tìm cách bỏ mấy câu thơ của Xuân Diệu vào hộc bàn, v.v.
Tại sao chọn thơ Xuân Diệu mà không chọn thơ của ai khác? Xin thưa, phần lớn những bài thơ tình Xuân Diệu có một số câu, một số đoạn gần với tâm trạng lớp trẻ chớm yêu hơn so với thơ của một số nhà thơ cùng thời, và có hiệu ứng dây chuyền. Thấy lớp đàn anh nói hay thì mình ghi nhớ; khi con tim biết “loạn nhịp”, vận vào thấy đúng với tâm tư, tình cảm sâu kín của mình thì càng thấy thơ Xuân Diệu hay. Thế thôi!
Nếu qua lại mấy lần mà “người ấy” cứ vờ, hoặc né tránh với một nghìn lẻ một lý do, thì chúng tôi sẽ nhờ những câu thơ của Xuân Diệu với hy vọng vớt vát được chút gì để nhớ để thương: Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên/ Tôi đã đày thân giữa xứ phiền/ Không thể vô tình qua trước cửa/ Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên (“Vì sao”), hoặc làm ra vẻ buồn hơn và có chút gì đó hờn trách: Ai đẩy lòng ta vào cõi lạnh/ Cho thôi hôm muộn, đến đêm sầu (Kẻ đi đày). Khi biết “người ấy” không ngoảnh mặt làm ngơ và gặp lúc gặp thời, thì mạnh dạn cho “họ” biết tình cảm của mình: Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi! anh nhớ em/ Không gì buồn bằng những buổi chiều êm/ Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối (Tương tư chiều). Nếu người ấy đã tiếp nhận thông tin mà khi gặp thấy gương mặt vẫn tươi roi rói, thì tiếp tục rấn thêm bước nữa: Cho lòng xin chút hương/ Cho lòng xin chút lửa/ Cho lòng xin chút thương/ Cho lòng xin chút nữa… (Chiều đợi chờ). Đây là “trận cuối cùng”, nếu bị từ chối, quyết liệt từ chối chứ không phải giả vờ từ chối, thì câu thơ của Xuân Diệu sẽ giúp chúng tôi “rút lui trong danh dự”: Đấy, ai bảo em làm anh mơ ước/ Lúc đầu tiên, anh có mộng gì đâu/ Tưởng có nhau ai ngờ vẫn xa nhau/ Em ác quá! Lòng anh như tự xé… (Hẹn hò); còn ngược lại thì… trên cả tuyệt vời, và câu thơ của Xuân Diệu giúp chúng tôi mạnh dạn hơn để “nổ” chút chút: Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ/ Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiều/ Em bằng lòng cho anh được phép yêu/ Anh sung sướng với chút tình vụn ấy (Hẹn hò). Với chúng tôi ngày ấy, để hâm nóng tình yêu tuổi học trò, không có câu thơ nào hay hơn câu này: Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi! (Tương tư chiều). Tôi nhớ không lầm, câu thơ này cũng được một số bạn gái thường xuyên sử dụng, chứ không chỉ lớp “gà trống te te” (gà mới tập gáy) chúng tôi. Họ chỉ cần đổi chữ “anh” sang chữ “em” là người nhận sung sướng cả ngày, những cos, những sin, những định lý, định đề… đều bay tuốt tuột.
Nếu “người ấy” đã xác định mình có “đối tượng”, thì câu thơ của Xuân Diệu không chỉ giải vây, mà còn có thể gieo vào lòng “người ấy” một chút thương nhớ khôn nguôi: Anh biết yêu em đã muộn màng/ Nhưng mà ai cưỡng được tình thương/ Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc/ Anh chỉ xin về một chút hương (Muộn màng). Thông thường, khi xác định rõ ràng như thế thì “người ấy” vẫn xem trọng tình bạn, vẫn cười nói, chuyện trò chứ không thể hiện sự ghét cay ghét đắng, và mình cũng… nhiều đêm tưởng nhớ, thì cũng có thể “vô tình để thơ rơi” những mong ăn mày được chút tình cảm: Lòng ta trống lắm, lòng ta sụp/ Như túp nhà không bốn vách xiêu/ Em chẳng cứu giùm, em bỏ mặc/ Mưa đưa ta đến bến đìu hiu (Bên ấy bên này). Nếu họ không giận, không cương quyết thì cũng không nên “tấn công” mạnh, mà tiếp tục thả quả bóng thăm dò: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi… (Nhị Hồ). Thấy đối tượng giãy nãy, giận hờn đòi í chơi, thì phải mượn thơ Xuân Diệu giải thích giùm: Yêu ngẩn ngơ rồi đau xót xa/ Số anh là khổ, phận anh là/ Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực/ Đem ái tình dâng kẻ phụ ta (Muộn màng). Nhận được “thông điệp” ấy mà đối tượng sầm mặt, trách hờn, thì đành phải… xuống nước: Tôi là một kẻ điên cuồng/ Yêu những ái tình ngây dại/ Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi/ Đau vô duyên, đau không để làm gì (Thở than)…
Thứ tình yêu học trò ấy, giờ nghĩ lại thấy vui, thấy muốn làm học trò mãi, bởi nó hồn nhiên quá. Thời của chúng tôi, ai đã từng ôm vở tới trường, lại không nhớ câu thơ này: Ôi ngắn ngủi là những giờ họp mặt/ Ôi vội vàng là những phút trao yêu/ Vừa nắng mai sao đã đến sương chiều?/ Em hờ hững, để cho lòng anh lạnh (Kỷ niệm). Những lúc mất thời gian rình rập ở cổng trường, hoặc ở đầu hẻm nào đó, thấy em ra, vội vàng hít một hơi thật sâu rồi rảo bước tới, làm như vô tình gặp mặt với một câu chào rất chi là vô duyên. Cứ thế mà song hành cho đến khi em vào trường hoặc vào nhà. Những lúc ấy, câu thơ của Xuân Diệu cứ như là gan ruột của mình: Tôi với người yêu đi nhẹ nhẹ…/ Im lìm, không dám nói năng chi (Trăng). Ở đây, Xuân Diệu cũng “nổ” giống như tâm trạng của những chú gà trống te te chúng tôi. Đã là “người yêu” mà “Im lìm, không dám nói năng chi”, quả thật thú vị! Vâng, rất chi là thú vị, bởi Xuân Diệu đã dặn trước rồi: Yêu, là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết (Yêu). Từng bước, chúng tôi học làm người lớn, ngồi bên cốc cà phê phin đếm từng giọt rơi rơi, hoặc ghé vào quán cóc ven đường gọi một ly chè, ly xi rô… chờ em tan trường, nhưng giả đò như không thấy. Khi em đã khuất xa rồi mới tính tiền đứng dậy, thờ thẫn ra về. Lúc ấy, câu thơ của Xuân Diệu như liều thuốc giảm đau: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu (“Vì sao”).
Thời đi học với những rung động đầu đời, ai không gặp hoàn cảnh này: Một phút gặp thôi là muôn buổi nhớ/ Vài giây trông khơi mối vạn ngày theo/ Mộng bay chơi nhằm một buổi trời chiều/ Gặp tóc biếc; tưởng sắc ngày xưa nở/ Nửa câu nói, một chút cười, đôi tiếng thở/ Tình cờ qua trên miệng mở quá xinh/ Ta ngây thơ vội tưởng họ yêu mình/ Về dâng vội cả ân tình thứ nhất/ Đương vương chủ ta bỗng thành hành khất (Yêu mến). Ăn mày tình cảm chẳng có gì phải xấu hổ, song không thể không xấu hổ khi học kém hơn “người ấy”, nhất là người đang chung lớp chung trường. Ai gặp phải hoàn cảnh này, Xuân Diệu cũng có thể gỡ giúp: Hãy biết rằng anh lúc ở trường/ Rất tồi toán pháp, khá văn chương/ Chàng trai đi học nghe chim giảng/ Không thuộc bài đâu; ấy sự thường (Giới thiệu), dẫu điểm môn Việt văn chẳng khá hơn ai. Nếu “người ấy” chân thành khuyên lo tập trung học hành đừng nghĩ ngợi lung tung, thì chẳng có chàng trai nào không mạnh dạn rấn tới: Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào?/ Hãy đốt đôi ta muôn thứ lửa/ Cho bừng tia mắt đọ tia sao (Bài thơ tuổi nhỏ), và… hối thúc: Mau với chứ, vội vàng lên đi chứ/ Em, em ơi, tình non sắp già rồi (Giục giã). Nếu bị “nẹt”, thì… hạ giọng đầy thương cảm: Vừa mới khi mai tôi cảm thấy/ Trong tay ôm một bó hoa cười/ Ngọn gió thời gian không ngớt thổi/ Giờ tàn như những cánh hoa rơi (Giờ tàn), và có người đành phải chuyển trường, nhưng không quên mượn mấy câu thơ của Xuân Diệu để gửi gắm tâm sự mình: Hôm nay tôi đã chết trong người/ Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi/ Với bóng hình xưa, tăm tiếng cũ/ Cách xa chôn hết nhớ thương rồi (Ý thu).
Một số bạn vì hoàn cảnh mà học trễ, nên xong đệ tứ (lớp 9) hoặc rớt tú tài phải vào quân trường mà chưa một lần dám nói lời yêu, hoặc đã nói mà chưa có được câu trả lời dứt khoát, thì cũng mượn câu thơ của Xuân Diệu mà nhắn gửi: Rồi một ngày mai, tôi sẽ đi/ Vì sao, ai nỡ hỏi làm chi/ Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì (“Vì sao”). Nếu “ai đó” mủi lòng đến động viên suông mà không thể hiện chút tình cảm nào, thì đem thơ Xuân Diệu ra nói giùm để thấy mình bớt trơ trẽn: Có đến mà yêu thì hãy đến/ Xem đầu mây gợn, mắt mây qua… (Giới thiệu), rồi xen chút giận hờn vô cớ: Một chút hương phai của ái tình/ Mà em không thể gửi cùng anh/ Để lòng ướp với tình phai ấy/ Anh tưởng từ đây bớt một mình (Muộn màng).
Lớp trẻ chúng tôi ngày đó, càng lớn càng lo sợ cánh cổng quân trường khóa kín đời trai (rất chi là sáo, song ngày đó lại là câu nói đầu môi của lớp trẻ chúng tôi), nên ai tới tuổi vào lính hoặc thấy sức học mình khó vượt qua những kỳ thi để tìm tấm thẻ hoãn dịch vì lý do học vấn là lo lắng, đôi lúc thẫn thờ như người mất hồn. Những lúc như vậy, có một số bạn gái trong lớp, cùng lớp động viên. Nhiều cô ngại nói thẳng, nên viết vào giấy kẹp vào cuốn sách hoặc cuốn vở trao tận tay, đề nghị về đọc thêm. Dù đó là đối tượng trong tầm ngắm hay chỉ là tình bạn bình thường, họ thường giấu sự lo lắng chính của mình mà giả bộ… lệch về phía tình cảm: Thôi hãy để anh đi thất thơ/ Mặc luồng gió mạnh, mặc mưa to/ Đánh vào thân thể run như sậy/ Tôi chẳng cần ai thương hại cho (Muộn màng). Có cô bạn cũng thương hại thiệt, ra sức động viên. Nhưng không ai biết sức học của mình bằng chính bản thân mình, nên càng làm ra vẻ bất cần đời và làm ra vẻ… người mơ mộng: Và đêm nay, lòng tôi lạnh lẽo/ Như sáng trăng trên mặt nước thu lờ/ Tôi là một kẻ bơ vơ/ Yêu những ái tình quạnh quẽ (Thở than), hoặc Cứ nhìn nhau rồi lại vẫn nhìn nhau/ Hạnh phúc ngừng giữa đôi trái tim đau (Biệt ly êm ái).
Đau hơn là thấy người mình yêu (trong mộng) lên xe hoa bỏ lại sau lưng bạn bè, trường lớp: Họ sẽ ôm em với cánh tay/ Và em yêu họ đến muôn ngày/ Thôi rồi! em chẳng thờ ơ nữa/ Như đối cùng ta tự bấy nay (Bên ấy bên này).
Thơ Xuân Diệu có nói đến chuyện thi cử, nhưng không hay hơn Tú Xương, nên trong chúng tôi ít người chú ý, mặc dù có câu rất thú vị khi những người hỏng thi gặp lại bạn bè cũ như anh bạn nông dân gin của tôi: Lần này lại sắp đi thi nữa/ Chắc hỏng mười phân; khấn nguyện giùm (Giới thiệu). Trong chuyện học hành thi cử, mình không giúp được mình thì không ai giúp được mình cả.
Có khi nay đã lớn tuổi nên những kỷ niệm của thời “gà trống te te” có dịp là ùa về, nhất là khi gặp lại những bạn bè ngày cũ – cái lứa tuổi mà nói như Huy Cận: “Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ/ Tim run run trăm tình cảm rụt rè/ Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe/ Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp” [73]… Bạn bè bây giờ người còn người mất, nhưng những bạn trai nào còn sống thì tôi vẫn thấy còn chút gì đó gọi là phong độ, chứ phần lớn bạn gái thì… không thể tin được. Một cô bạn gái đã có chắt vẫn nhắc với bạn bè, tôi là học sinh giỏi toán mà cũng… giỏi thơ!? Nhắc lại chuyện này, tôi nhớ hồi học đệ tứ, chúng tôi hay đi lại trên chuyến phà qua sông Hàn. Trời rét căm căm, cô thường nép sát vào tôi. Những lúc như thế, tôi cũng thấy mình ấm hẳn lên, nhưng bốc phét là chính chứ mọi chuyện thì vẫn ngu ngơ chẳng biết gì. Một hôm, cô bị bệnh phải nhờ người chị chặn đường mượn vở của tôi để chép bài. Bữa sau, tôi không quên “thả thơ rơi”: Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò (Đây mùa thu tới). Cô ấy còn kể, trước khi chuyển trường (vì tôi thi đỗ vào lớp đệ tam trường công lập), tôi còn ghi cho cô ấy câu thơ hay lắm: Lạnh lùng trong khoảng vô minh/ Lòng ta muôn kiếp ôm tình, lặng im. Lúc ấy, tôi không biết câu thơ đó của ai, và cũng không hiểu sao mình viết cho cô ấy câu thơ đó, bởi vào học kỳ hai năm đệ tứ, cả lớp đồn ầm cô ấy đã nhận lễ hỏi và mùa thu sẽ làm lễ cưới. Nghịch ngợm chăng? Chẳng biết. Yêu đương chăng? Chằng hề. Tuổi học trò của tôi và bạn bè tôi cơ bản là như thế. Gần đây, tôi mới biết câu thơ ấy trong bài thơ Im lặng của Xuân Diệu.
Khi tìm thêm tư liệu để viết cuốn sách này, tôi mua cuốn Mưa xuân của Lan Khai in trên giấy dó vào tháng 12-1944, chỉ vì người mua sách (hoặc tặng sách) có chép câu thơ, tôi nghi của Xuân Diệu, chứ không phải vì chơi sách cũ như một số người hiện nay. Câu thơ được chép ở trang bìa lót của cuốn Mưa xuân như vầy: Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất hương… Bên dưới chữ ký có ghi: Trọng Xuân Đinh Dậu 1957. Vừa rồi, tôi kiểm tra lại, quả đúng đó là câu thơ trong bài thơ Huyền diệu của Xuân Diệu. Tôi chưa đọc cuốn Mưa xuân để biết trong ấy Lan Khai viết những gì mà người mua sách/ tặng sách chép câu thơ của Xuân Diệu vào, nhưng phần nào đã cho tôi biết thêm rằng thơ Xuân Diệu đã được lớp trẻ học đường thế hệ trước tôi cũng say mê lắm lắm. Việc mượn câu thơ của Xuân Diệu ghi vào trang bìa lót của cuốn sách để tặng bạn bè, nhất là bạn khác phái, thì thời của tôi có rất nhiều người, nam có, nữ có. Bản thân tôi cũng đã đôi lần làm thế. Cuộc sống vật chất bây giờ cao quá, nên lớp trẻ không còn mấy người nghĩ đến bạn mình với những món quà mọn như thời tuổi trẻ chúng tôi. Ngày đó, chúng tôi rất thích đọc sách và quý sách. Nhìn vào tủ sách gia đình là có thể đoán biết gia đình đó như thế nào; các thành viên trong gia đình ấy ra sao. Khi nhận được cuốn sách biếu, mà có những câu thơ như: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn, hoặc Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn…, thì dù yêu hay ghét vẫn thấy lòng xao động.
Nhưng nào đã hết, khi chúng tôi lớn thêm lên một chút, kẻ vào lính, người đổi tuổi đổi tên vừa chạy xe ôm kiếm sống vừa ôn luyện để đi thi, người có điều kiện thì đi dạy học, người cố gắng học thi đâu đỗ đó thì học tiếp bậc đại học,… những câu thơ của Xuân Diệu góp phần xoa dịu nỗi đau của kiếp người: – Ta thấy em xinh, khẽ lắc đầu/ Bởi vì ta có được em đâu; hoặc – Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!/ Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt; hoặc – Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối; hoặc – Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù/ Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ/ Mỗi khi thu đưa gió vàng lưỡng lự/ Có buồn chăng, lòng bận ở đâu xưa?, v.v.
Bây giờ đầu đã hai thứ tóc và cũng đã rụng nhiều, mắt cũng đã nhuế nhóa, tai có lúc nghễnh ngãng; thời đại cũng đổi thay, cuộc sống có quá nhiều thay đổi, vậy mà một số câu thơ của Xuân Diệu, tôi vẫn còn thấy tươi roi rói: – Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ; hoặc – Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm; hoặc – Ngày già vội vội mang sương đến/ Tuổi chết đây rồi! bóng lụt chân…
#
Theo những tư liệu phổ biến hiện nay, Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2-2-1916 (Bính Thìn) tại Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Vạn Gò Bồi là cách gọi tắt của dân gian, gọi đúng là xóm Vạn ở Gò Bồi thuộc làng Tùng Giản. Vạn là xóm tập trung những người đánh cá trên sông. Bây giờ, Nhà Lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu ở Gò Bồi được xây dựng trên nền nhà cũ của ông bà ngoại nhà thơ Xuân Diệu, và phía trước là sông Gò Bồi.
Sông Gò Bồi nằm trong hệ thống sông Kôn, bắt nguồn từ hai nhánh sông Tân An và Gò Chàm hợp thành, chảy qua địa phận Gò Bồi rồi đổ ra đầm Thị Nại. Ngày trước, dân vạn chài là dân nghèo, bởi ngày ngày họ chỉ biết kiếm sống bằng đánh lưới bủa câu, chứ không có ruộng, không có nghề nào khác. Và đã là dân vạn chài thì chỉ biết lấy dân vạn chài, chứ chẳng dễ gì được làm rể, làm dâu với dân trên bờ. Dân trên bờ dẫu là dân quơ bổi thui trâu cũng không ai làm sui với dân vạn chài, bởi đời họ đã khổ không muốn con mình phải khổ hơn, nhất là bị chòm xóm coi thường. Dưới thời phong kiến, đế quốc sài lang, dân vạn chài là được xem là dân mạt hạng. Bây giờ, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, họ mới được nở mặt nở mày, mới được cấp đất, chia đất như bao công dân khác, nhưng dân trên bờ vẫn còn có chút gì đó xem thường họ, gọi họ là “dân nhảy bờ”. Ngày ấy, mỗi lần giận anh em Xuân Diệu, cha ông thường mắng: “Rõ giòng giống lũ Gò Bồi!” [204, 37] cũng là điều dễ hiểu. Lúc nhỏ, Tịnh Hà (Ngô Xuân Sanh) không biết, nhưng khi lớn ông mới hiểu ra và “nghe có phần ghê ghê trong cái chữ “lũ Gò Bồi”!” [204, 37].
Ông ngoại của Xuân Diệu là Nguyễn Văn Tân (1860-1914); bà ngoại là Nguyễn Thị Hương (1869-1952). Theo tấm ảnh tư liệu, hồi thập niên 30, thế kỷ XX, ông bà ngoại Xuân Diệu có nhà ngói, tiền sảnh được tô đắp công phu là thuộc diện gia đình giàu có. Sở dĩ, ông bà ngoại của Xuân Diệu giàu có là nhờ nghề làm nước mắm. Phi thương bất phú, đó là chuyện xưa nay. Vạn Gò Bồi, nay thuộc thôn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu cho biết: “Ông ngoại tôi thường đi Phan Thiết, có ghe bầu riêng, làm nước mắm trở nên khá giả, và mua được chức bá hộ” [70, 117], và là “bá hộ duy nhất Vạn Gò Bồi” [70, 184]. Ông bà ngoại của Xuân Diệu không chỉ làm nước mắm, có ghe bầu riêng mà còn có “vựa nước mắm và ruộng đất” [70, 184].
Thập niên đầu thế kỷ XX, ông tú tài kép Ngô Xuân Thọ, quê xã Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), vì cuộc sống quê nhà khó khăn đã khăn gói vào phương Nam dạy chữ kiếm sống. Khi đặt chân đến Gò Bồi, thì nơi có thể giúp ông có cơm ăn, có chỗ để rủ học trò về dạy học…, không đâu tốt hơn, đủ điều kiện hơn nhà ông Bá hộ Nguyễn Văn Tân.
Dân miền Trung hiếu học, quý người có chữ nghĩa, nên gia đình ông Nguyễn Văn Tân được một ông tú tài Nho học đến xin trọ, mượn chỗ dạy chữ nghĩa cho trẻ con trong xóm thì chắc hẳn rất vui. Chuyện này không phải tôi tán cho có chữ. Nghe kể lại, ông nội tôi chữ nhất là một cũng không biết, nhưng năm nào trúng mùa, lúa bắp vào ghè, vào ví cả rồi thì cho rước thầy tới dạy cho ông chừng lưng nửa tháng. Thầy không cần dạy cầm cây bút ra sao; nét ngang, nét sổ phải viết như thế nào; thêm bộ thủy, bộ trúc, bộ mảnh… vào cái chữ ban đầu thì có khác biệt chi… Thầy chỉ dạy nói chữ thánh hiền. Đó là yêu cầu của ông nội tôi. Ông nội tôi muốn biết và thuộc nằm lòng một số câu chữ của thánh hiền cùng nghĩa của nó để ra việc làng, đi ngồi sui, đi dự đám… có cái mà nói chuyện với người ta. Một số câu chữ này cũng lan tới mấy bác tôi, cha tôi, chú tôi. Và từ nhỏ, tôi cũng thuộc nằm lòng mấy câu và gặp dịp cũng bốc phét, như: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác), Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng (Theo sự lành, làm việc thiện thì như leo lên cao, càng ngày càng cao; còn theo sự dữ, làm chuyện xấu thì như lở xuống, càng ngày càng sâu), Bần nhi vô oán nan, phú quý vô kiêu dị (Nghèo mà không oán hờn mới khó; giàu mà không khoe là dễ), Nhân chi sơ tính bổn thiện (Con người lúc ban đầu, cái tính vốn thiện), Giáo chi đạo quý dĩ chuyên (Về nguyên tắc giáo dục, đầu tiên quý ở sự chuyên cần)… Nói chung, từ ông nội tôi trở xuống lớp con cháu, ai ai cũng biết một số câu như vậy, nhưng không hề biết mặt chữ. Ngồi nghe các cụ nói chuyện thì người nghe, nhất là lớp trẻ chúng tôi toát mồ hôi hột, cứ tưởng chữ nghĩa của các cụ thấm ra da, nhưng là con cháu trong nhà, tôi biết rõ nếu các cụ nhìn thấy mấy chữ ấy thì chắc chắn các chữ ấy có khi biết các cụ, chứ các cụ không hề biết nó. Do đó, sau này, cha mẹ tôi quyết tâm cho anh em tôi học tới nơi tới chốn mới chịu thôi. Đây cũng là suy nghĩ chung của bà con quê tôi nói riêng, bà con miền Trung nói chung. Dân miền Trung nghèo, vì đất canh tác không nhiều và bị thiên tai bão lụt triền miên, nên ai cũng mong muốn con cái của mình thoát nghiệp cuốc cày, mà muốn thoát nghiệp cuốc cày chỉ có mỗi con đường là đi học. Bởi thế, ai cũng ham chữ nghĩa, trọng những người nhiều chữ nghĩa. Và ông tú tài kép Ngô Xuân Thọ được ông bà Bá hộ Nguyễn Văn Tân – Nguyễn Thị Hương cũng như bà con xóm vạn Gò Bồi hoan nghênh là chuyện đương nhiên.
Ngày đó, ông bà Nguyễn Văn Tân có cô con gái xinh xắn: Nguyễn Thị Hiệp, mới hơn hai mươi tuổi, nhưng đã qua một đời chồng. Xuân Diệu kể: “Má tôi đã có một đời chồng, nhưng lâu không có con nên bố mẹ chồng bắt buộc phải xa rời chồng” [70, 118]. Một bên trọng chữ nghĩa, một bên mong muốn có sự ổn định cùng với đẳng tuổi huyết khí phương cương, nên họ đến với nhau và cậu bé Ngô Xuân Diệu ra đời (ở nhà gọi tên Bàng). “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm” [257, 418] là như thế!
Xuân Diệu sinh ngày nào, tháng nào, năm nào? Lý lịch trích ngang của Xuân Diệu được công bố sớm nhất, chắc là Hoài Thanh – Hoài Chân trong cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Sách này viết: “Xuân Diệu. Họ Ngô. Sinh ngày 2 Février 1917” [56, 117]. Năm 1983, lúc Xuân Diệu còn sống và còn sáng tác được, nghĩa là rất minh mẫn, Phạm Tiến Duật có viết bài Nhà thơ Xuân Diệu trên báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, nhân dịp Xuân Diệu được phong tặng Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (thực tế là Viện sĩ thông tấn – V.G). Phạm Tiến Duật viết: “Năm anh sinh ra (1917) trùng với năm có cái tiếng nấc hạnh phúc của thế kỷ, năm Cách mạng tháng Mười Nga thành công” [169, 370], mà chẳng thấy Xuân Diệu có ý kiến gì. Trong lúc đó, theo lý lịch lưu tại Hội Nhà văn Việt Nam và được trích dẫn vào cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, thì ghi giống như Hoài Thanh – Hoài Chân đã ghi trong cuốn Thi nhân Việt nam 1932-1941: “Tên khai sinh: Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 tại Bình Định” [162, 145]. Tuyển tập Xuân Diệu, T.1, xuất bản năm 1983, lúc Xuân Diệu còn sống, phần tiểu sử ghi: “Xuân Diệu họ Ngô, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 (năm Bính Thìn)” [263, 9]. Trong bài Một Xuân Diệu – nhà thơ, Hoàng Trung Thông viết: “Anh sinh ngày thìn, tháng thìn, năm Bính Thìn (1916)” [61, 7]. Trong cuốn Hồi ký song đôi, Huy Cận có viết: Đoạn hồi ký sau đây là do anh Xuân Diệu kể cho anh Hoàng Trung Thông nghe, có ghi vào băng ghi âm. Tôi đã viết lại cho gọn lời và mạch lạc: “Tôi (Xuân Diệu) sinh ra năm Thìn, năm 1916. Má tôi bảo tôi sinh ra năm thìn, tháng thìn, ngày thìn; nhờ anh tra lịch tìm giùm tôi ngày sinh chính xác của tôi” [70, 117]. Như vậy, tư liệu của Hoàng Trung Thông được dẫn trên là từ lời Xuân Diệu kể (có ghi băng).
Tôi không hiểu sao cả Hoàng Trung Thông lẫn Huy Cận, nhất là Hoàng Trung Thông – người được Xuân Diệu nhờ cậy – không ai chịu bỏ chút thì giờ “tra lịch giùm” ngày sinh, tháng sinh giúp Xuân Diệu? Khi cả Hoàng Thông Thông lẫn Huy Cận trở thành người thiên cổ, Xuân Diệu ngày tháng ra đời của Xuân Diệu vẫn là “ngày thìn, tháng thìn”. Lịch vạn niên ngày ấy khó tìm ư? Cứ cho là như thế, nhưng chắc chắn trong các thư viện đều có. Mở bất cứ quyển lịch vạn niên nào cũng đều thấy: Ngày 2-2-1916 thuộc về năm Ất Mão, bởi ngày này nhằm vào ngày 29 tháng chạp (thiếu) của năm Ất Mão. Năm Bính Thìn bắt đầu từ ngày 3-2-1916 đến ngày 22-1-1917 dương lịch. Tháng Thìn của năm Bính Thìn (1916) là tháng Nhâm Thìn (tháng 3 âm lịch). Tháng Nhâm Thìn có hai ngày Thìn: ngày Canh Thìn (11-3 âm lịch, tức ngày 13-4 dương lịch), và ngày Nhâm Thìn (23-3 âm lịch, tức ngày 25-4 dương lịch). Như vậy, Xuân Diệu sinh vào ngày 13-4-1916, hoặc 25-4-1916. Nếu ghi Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1917 là sai, bởi ngày 2-2-1917 là ngày Ất Hợi, tức ngày 11 tháng giêng năm Đinh Tỵ, không giống như những gì Xuân Diệu kể với Hoàng Trung Thông (có ghi băng).
Ngày thìn, tháng thìn, năm thìn (1916) ấy, chắc nhà ông Bá hộ ở xóm vạn Gò Bồi đều vui, vì có đứa cháu ngoại trai. Đứa cháu ngoại trai ấy ra đời, chứng minh cho mọi người thấy con gái ông cũng biết sinh đẻ như bao người phụ nữ khác, chứ không phải loại “cây độc không trái, gái độc không con” bị nhà chồng trả về. Rể ông tuy là dân ngụ nhưng cũng là anh tú kép, chứ không phải hạng quơ bổi thui trâu… Mọi việc tưởng chừng xuôi chèo mát mái, thì ông Tú Thọ thấy mảnh đất này dung thân được, nên đưa vợ con ngoài quê vào sinh sống. Xuân Diệu có nhớ: “Khi tôi lên khoảng 2 tuổi thì bà vợ của cha tôi (tức là bà vợ cả) ở ngoài Hà Tĩnh vào và sinh ra đứa em tôi tên là Thuần. Đứa em tôi thua tôi 2 tuổi nhưng tôi phải gọi nó bằng anh, đó là theo tục lệ phong kiến ngoài Bắc, chứ ở trong Nam thì đứa nào nhiều tuổi hơn làm anh thôi. Cho nên lúc nhỏ, một mặt tôi phải xa má tôi, vì thầy tôi không ở với má tôi nữa, mà ở với bà vợ lớn” [70, 118-119].
Ngày xưa, đàn ông được quyền lấy nhiều vợ (Cái nhà năm ba cái cửa/ Có vợ rồi, vợ nữa cũng xong – Ca dao), nhưng phải được sự đồng ý của người vợ cả, và người vợ cả cầm trầu rượu đến hỏi, cưới vợ kế cho chồng; còn chuyện tự ý của người chồng, thì người vợ cả (cũng như bà con bên chồng) chỉ nhận con, vì đó là “máu mủ” của dòng họ. Do vậy, việc ông Tú Thọ không ở chung nhà với bà Hiệp mà về ở với bà vợ cả là… đúng với “lệ làng phép nước” của thời ấy. Thế nhưng, ông Tú Thọ có yêu thương bà Hiệp không? Tôi nghĩ chắc chắn là có, bởi nếu không có sự thương yêu thì ông sẽ không trốn vợ cả qua lại với bà Hiệp, để bảy năm sau (1923), hai người có thêm cậu con trai nữa: Ngô Xuân Sanh (ở nhà gọi tên Đàn); gia phả dòng họ Ngô ở thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, ghi: Ngô Đức Đàn.
Hai anh em Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu và Ngô Xuân Sanh) lần lượt rời nhà bà ngoại, rời vòng tay thương yêu của mẹ đẻ về nhà bà mẹ lớn “Để cho nó đi học cho rồi, chơi mãi hư thân” [204, 15]. Hai anh em đùm túm nhau, cắn răng chịu đựng những lời đay nghiến và đòn roi của người mẹ lớn để thực hiện lời má dặn: “Về trên thầy phải chú ý làm việc không khéo bị đập. Các con phải chú ý chăm học và ráng chịu khổ, sau này mới nên thân” [204, 34].
Là người mẹ, ai nỡ dứt bỏ núm ruột của mình, nhưng con về ở với cha và đó là người cha chữ nghĩa thấm ra da, thì đâu cần phải đấu tranh giành giựt con cái làm chi. Vả lại, bà có muốn cũng không được. Lá rụng về cội. Đã là giọt máu của dòng họ Ngô thì phải về với dòng họ Ngô, nên biết con sẽ khổ nhưng bà Hiệp cũng phải chịu, hy vọng tương lai con mình có cái chữ để sau này ấm thân, khỏi phải cày sâu cuốc bẫm hoặc ngày ngày thả lưới đánh câu, hoặc theo ghe bầu ghe bạn kiếm cơm… Điều đơn giản như thế làm sao đứa trẻ sáu, bảy tuổi hiểu được: “Anh tôi học giỏi. Cả trường đứa nào cũng học thua anh tôi. Nhưng quần áo anh tôi lại bẩn và xấu nhất. Tôi nghĩ đến má, tại sao má không dám tự quyền nhận hai đứa tôi về nuôi, tình thương của má đối với hai đứa tôi không gần gũi là tại sao?” [204, 88].
Cái khổ của anh em Xuân Diệu là bà mẹ lớn có đủ con trai, con gái chứ phải không có người thừa tự đâu mà yêu thương con riêng của chồng những mong ngày già nó chăm sóc mình, ngày chết nó chống gậy đưa tang, cúng giỗ mình. Khác máu tanh lòng, hai anh em Xuân Diệu không chỉ bị người mẹ lớn hành hạ, mà còn bị người con trai của bà mẹ lớn “sinh sự” suốt ngày mà không dám phản đối. Người cha thì muốn gia đình êm thấm, nên mọi việc cứ giả đui giả điếc, hy vọng mọi chuyện rồi sẽ qua. Nhưng trước sự quá quắt của người vợ “tiền cheo heo cưới”, ông cũng có ý kiến không mấy bằng lòng: “Thầy tôi nói:
– Thì đem giết nó đi, hay đuổi nó đi.
Mẹ tôi:
– Con ông, ông muốn cưng, hãy đóng trang mà thờ. Đồ ấy, mà không sớm dạy, sau thành trộm cướp” [204, 88]. Và ông thực sự đầu hàng, để mặc cho bà dạy bằng roi vọt, bằng những lời đay nghiến, bằng những công việc của người đầy tớ mạt hạng trong nhà. Anh em Xuân Diệu biết hết, hiểu hết nhưng phải nín nhịn và càng biết thương yêu nhau, nương tựa vào nhau. Ngô Xuân Sanh kể: “Tối nào tôi và anh tôi cũng ngủ chung. Kê ghế lại mà ngủ. Đêm nào nực thì cởi áo ra, đêm nào lạnh thì ôm nhau lại và đắp lên một chiếc chiếu. Hồi đó, chúng tôi có những giấc ngủ mê man lạ thường. Nhiều lúc nằm lăn té xuống đất, mà tôi vẫn ngủ luôn. Sáng ra tôi lom khom ngồi dậy không đợi ai kêu thức như ở nhà má tôi.
Anh tôi thường hay hỏi tôi: “Em có lạnh không?” – Hoặc thì thầm kể cho nhau nghe những chuyện vui thích ở nhà bà ngoại, những miếng quà, miếng bánh, những trái ổi, hoặc những chuyện đã bị thầy mẹ quở trách…” [204, 23].
Thấy em “Ăn cơm xong bữa nào cũng thòm thèm không muốn đứng dậy” [204, 43], nên “nhiều khi anh tôi sớt cơm trong chén anh cho tôi, sợ tôi ăn đói” [204, 43].
Xuân Diệu lớn hơn em 7 tuổi và đã đi học, nên ít làm việc nhà cũng như ít bị đòn roi hơn em, nhưng thường nghe những lời nói cay nghiệt không chỉ từ miệng người mẹ cả, mà đôi lúc từ miệng người cha. Một buổi trưa, “ăn cơm xong anh tôi xách gáo ra cầu ao rửa mặt, và cũng là đứng đợi tôi ra để hỏi em tôi ăn đã no chưa. Thuở ấy anh đã có tánh hay suy nghĩ. Đứng chỗ nào cũng dường như mơ mộng việc gì.
Trời mới mưa xong, con đường xuống cầu ao trơn trượt. Anh tôi vô ý ngã xuống nước.
Nước mưa dồn về và chảy mạnh, cuốn anh tôi đi. Tôi chạy ra trông thấy, hoảng hốt kêu cứu ầm ỹ.
May nhờ có ông chăn vịt ở đám lát bên nhảy xuống bơi theo kéo anh tôi lại. Lên bờ, anh tôi sợ hãi, mặt xanh xám như người mất hồn.
Sẵn có thầy tôi đứng đó, anh càng sợ hơn nữa, nên run bắn lên. Thầy tôi nói:
– Không chết phứt đi cho rồi. Chết tao chôn.
Tuy còn bé nhưng nghe câu nói độc địa ấy, tôi có cảm tưởng thầy tôi coi anh em tôi chẳng ra gì.
Anh tôi đứng núp mãi ở sau nhà bếp. Tôi phải bắc ghế trèo lên dây thép, kéo quần áo đang phơi đem xuống cho anh tôi thay. Vừa thay áo quần, anh vừa mếu máo khóc.
Không biết tại sao tôi cũng khóc theo. Không đợi anh bảo, tôi ôm quần áo, đi nhẹ xuống cầu ao giặt sạch. Anh tôi vẫn đứng thừ người ra đấy, như kẻ mất hồn.
Chúng tôi có cha, có mẹ. Tại sao chúng tôi như là những kẻ cô đơn?” [204, 344].
Chuyện này, Xuân Diệu kể khá xúc động: “Một buổi trưa, sau khi cơm nước xong, mùa đông không ánh mặt trời, tôi xách gáo ra bờ ao rửa mặt. Từ bếp xuống cầu ao đường xô dốc, tôi đi thế nào mà trượt chân ngã xuống ao, không kìm lại được. Lúc tôi trôi giữa lòng ao nước ngập chảy xiết, thằng em trai tôi đứng trên bờ nhìn thấy, nó khóc ré lên và la làng xóm: “Ôi làng xóm ơi, cứu anh tôi với, ơi bà con làng xóm ơi, anh tôi chết trôi rồi!…”. Và nó chạy băng xuống dốc, trượt chân ngã, nhưng nó nắm được bụi cỏ và ôm cứng lấy và cứ la: “Ôi làng xóm ơi, cứu anh tôi chết trôi, ôi làng nước ôi…”.
Lúc đó có một già chăn vịt ghìm xuồng chận đầu nước chảy và kéo tôi lên bờ. Tôi thất hồn, run lập cập. Ông bảo tôi ngồi lên xuồng và chở tôi về bến cầu ao sau trường. Thằng em tôi nó mừng quá, ôm chầm lấy tôi, nó run lập cập: – Anh còn sống là được rồi! (…) Và lúc đó tôi đi ngang qua nhà dưới để lên lớp học, tôi nghe mẹ lớn tôi nói: “Sao không chết rấp đi cho rồi! Không lý bắt tao nuôi báo cô mãi!…”” [70, 172].
Đau nhất là lúc bà mẹ cả bắt Xuân Diệu đánh em mình. Ngô Xuân Sanh kể: “Chiều hôm ấy, tôi bị cột vào cột nhà. Mẹ tôi và thầy tôi đánh trước, sau cùng bảo anh tôi đánh. Anh tôi đánh nhẹ, bị mẹ tôi mắng. Mẹ tôi quất cho anh tôi một roi:
– Mày trị em mày không nổi à?
Đoạn mẹ tôi vụt mạnh, những lằn roi xối vào mình tôi đen đét. Cả mình tôi đầy lằn roi và rướm máu…” [204, 64-64].
Chuyện học hành của cậu bé Đàn (Ngô Xuân Sanh, tức Tịnh Hà sau này) chẳng đâu vào vào đâu. Năm đầu xuống Quy Nhơn học, khi về Xuân Diệu hỏi em: “Lâu nay em có đi học không?
– Làm gì mà được đi học. Ở nhà, học vần, anh Thanh dạy, làm luôn tay, ít khi nghỉ, nhất là từ hôm anh đi vắng” [204, 55]. Thế nhưng người mẹ lớn luôn có những giọng nói ngọt như mía lùi, khi được hỏi về sự học của Sanh: “Sanh nó nhác quá, cho đi học chẳng muốn đi, nó chỉ muốn ở nhà, số nó muốn khổ” [204, 92]. Đúng là “số nó muốn khổ”, mới sáu, bảy tuổi đầu mà “Ngày nào cũng thế, cứ sáng dậy quét sân quét nhà, xách nước vào chum đầy trong đầy ngoài.
Múc thau nước cho thầy mẹ rửa mặt, pha trà nóng, rửa dọn chén bát, khi thầy mẹ tôi ăn cháo xong. Đâu đấy xong, tôi xin đi múc rượu về bán. Có lúc phải đi chợ, về thổi cơm. Cơm nước xong phải giặt quần áo, mền chiếu, hoặc làm công việc vặt vãnh như: đãi gạo lượm cho hết thóc, hoặc coi hàng rượu cho mẹ ngủ. Ngày hai buổi tôi như cái máy phải theo lệ thế mà làm” [204, 93-94]. Năm sau, cả nhà dọn xuống Quy Nhơn, Xuân Diệu kể: “Tôi học gần xong lớp nhất rồi (khoảng 15 tuổi – V.G), mà thằng em trai tôi chưa được đi học. Nó phải ở nhà gánh nước, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, vì mẹ lớn tôi nấu cơm tháng cho học trò ăn và ở luôn tại nhà.
Đi học về bỏ sách vở ra, cởi áo dài, tôi phải phụ với em tôi lau chén bát, xới cơm, và bưng mâm lên nhà hầu học trò…
Tối lại mỗi khi rảnh rang ôn bài vở, nhìn thấy em tôi, tôi rất thương. Nó sợ mẹ lớn đánh đòn, nên nó phải chăm lo làm việc… Nó gánh nước rất khỏe. Làm việc cả ngày không nghỉ tay, nên tối đến, nó đã vác chiếu vào bếp nằm ngủ” [70, 180].
Khổ cực quá, cậu bé Đàn đã bỏ nhà đi bụi đời từ lúc 7 tuổi. Lần này được hàng xóm dẫn về; lần thứ hai được Xuân Diệu nhờ bạn đưa về. Khi Xuân Diệu bước vào năm thứ nhất Ban Thành chung, thì “thầy tôi bàn với mẹ cho tôi vào trường tiểu học Pháp – Việt.
Mẹ tôi ưng thuận.
Từ đó ngày hai buổi, tôi bắt đầu đi học. Tôi cố chăm chỉ học hành cho giỏi để thầy mẹ vui lòng. Đi học về nhà phải dọn chén bát và phụ nấu cơm, xách nước. Tối lại, tôi phải giũ mùng, bỏ màn cho thầy mẹ và các em.
Sáng bốn giờ, tôi phải dậy sớm, nấu cháo, quét nhà, lau chùi bàn ghế” [204, 95] … Công việc cứ bù đầu, nên có lần Xuân Sanh phải nhận con “giê-rô” vì không thuộc bài. Thế nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân, cậu bé Ngô Xuân Sanh cũng được nhận phần thưởng thứ hai và “được cụ sứ bắt tay khen tặng” [204, 98]. Ai cũng cười vui. “Duy mẹ tôi không cười nói gì, vì chắc mẹ nghĩ: không biết làm thế nào mà tôi lại được lĩnh thưởng, vì tôi ở nhà làm việc luôn tay” [204, 98-99].
Ngày Xuân Diệu lên đường ra Trường Bưởi (Hà Nội) học chương trình tú tài phần thứ nhất (còn gọi là tú tài bán phần) cũng là lúc Xuân Sanh có những ý nghĩ chín dần sau hai lần bỏ nhà đi hoang. Lần này, Xuân Sanh đã mười hai tuổi, đã trải qua những lần ăn chạy, ăn trộm… nên không thể chấp nhận “những lời chửi mắng độc địa của mẹ” [204, 106], và cương quyết… một đi không trở lại. “Tôi lang thang phố này sang phố khác, tìm xem có ai cần con nít để sai vặt chăng? Ba ngày sau, quả thật tôi đã tìm ra một phố giặt giũ, họ mướn tôi đi lấy và đem giao đồ đã giặt xong. Thấy tôi biết chút ít chữ nghĩa và ngoan ngoãn, nên cả nhà ông chủ giặt ai cũng thương. Ít lâu, tôi đã có vài bộ áo quần đẹp, mà lúc ở nhà tôi chưa từng có bao giờ” [204, 106].
Chuyện bỏ nhà ra đi, Xuân Sanh không giấu anh, nhưng Xuân Diệu không biết làm sao giúp được em, bởi mình còn đang đi học. Trong thời gian học chương trình tú tài phần thứ hai ở Huế, một lần về Quy Nhơn, Xuân Diệu gặp lại Xuân Sanh: “Tôi gặp em tôi ở đường Dayot trong lúc nó đang vác một bao quần áo lính thủy tàu Astrolabe về tiệm giặt của bà Tư Sáng. Nó thấy tôi mừng quá, vứt bao đồ ở vệ đường, chạy tới ôm chầm lấy tôi.
Tôi thương em và thấy ngực mình tắc nghẹn. Câu hỏi đầu tiên của tôi: “Em làm gì?”. Nó nói nó làm thợ giặt, vừa giao đồ dưới tàu về, bao này là đồ dơ họ gửi giặt.
Nó mới 14 tuổi (Xuân Sanh nói 13 tuổi) thì làm sao mà làm thợ giặt được? Tôi khẽ cúi đầu xuống, không dám nhìn cảnh cực nhọc của em.
– Em giỏi lắm. Ăn cơm có no không?
Nó cười hồn nhiên:
– Dạ, no hung.
Tôi nói cho nó biết rằng, tôi có nhận một lá thư của nó. Trong thư nó có nói, đã nhận được một gói quần áo, thấy túi áo lót veston để tên Huy Cận, nó hỏi tôi Huy Cận là ai, tôi đáp là bạn thiết cốt của anh.
Tôi móc túi cho nó bốn đồng bạc. Nó nói bốn đồng ăn được một tháng cơm (…).
Anh ăn với em một bát chè ngọt nghe. Tôi sờ túi sơ mi rồi nói: “Anh không mang tiền theo”.
– Không sao. Rồi nó chạy vào quán bưng ra một bát chè ngọt, nếp nấu với đậu đen. Thêm một cái muỗng. Hai anh em ngồi dưới trụ đèn điện, cùng ăn với nhau. Tôi thương em và thấy ấm cúng quá! Tôi dặn nó: “Đừng bỏ việc. Dù sao có cơm ăn áo mặc vẫn hơn”. Nó đưa tôi đi dọc bờ sông, về tới chùa Bà, nó dừng lại đưa cho tôi một đồng bạc. Tôi từ chối. Nó nói:
– Đây là lương tháng của em vừa lãnh. Anh cho những bốn đồng, còn y nguyên, chưa tiêu gì mà…
Tôi nắm tay em tôi một hồi lâu không biết nói gì. Tôi rất mừng, hiện tại em tôi không đói rách” [70, 193-194].
#
Trở lại cuộc đời hoạt động của Xuân Diệu.
Khi đặt chân ra Hà Nội học năm thứ nhất và năm thứ hai (Ban Tú tài), Xuân Diệu chắc đã tính chuyện “tự đánh giá khả năng làm thơ của mình”, nên đã gửi thơ đến báo. Và tờ báo nổi tiếng, hết lòng ủng hộ thơ mới trong giai đoạn ấy không có tờ nào hơn tờ Phong hóa. Xuân Diệu cho biết: “Bài thơ đầu của tôi đăng trên báo Phong hóa năm 1935 là bài Với bàn tay ấy” [51, 159]. Nhưng theo Huy Cận: “Anh Xuân Diệu bắt đầu làm quen với Thế Lữ khi anh còn học tú tài phần thứ nhất ở trường Bưởi. Làm quen, nghĩa là gởi những bài thơ của mình đến cho Thế Lữ xem, và nhờ Thế Lữ nhận xét, cho ý kiến. Lúc bấy giờ anh Xuân Diệu vừa tự tin, vừa rụt rè, không tìm đến tòa soạn Ngày nay để gặp Thế Lữ, mà chỉ viết thư và gởi thơ… Thế Lữ nhận liên tiếp bài thơ này đến bài thơ khác của Xuân Diệu, đọc kỹ, nhưng không có thư trả lời. Thế rồi một hôm trên báo Ngày nay đăng bài Với bàn tay ấy của Xuân Diệu, đó là bài thơ đầu tiên Xuân Diệu ra mắt với độc giả báo Ngày nay” [71, 157].
Xuân Diệu không nhớ bài thơ Với bàn tay ấy đăng trên báo Phong hóa số nào. Huy Cận cũng không nhớ rõ bài thơ Với bàn tay ấy đăng trên báo Ngày nay số nào. Cả hai người đều “nhớ” thế thôi. Nhờ có báo cũ trong tay, nên tôi bỏ ít thời gian lục tìm, và thấy Xuân Diệu nhớ đúng. Bài thơ Với bàn tay ấy của Xuân Diệu đăng trên trang 9, báo Phong hóa số 158, ngày 18-10-1935. Bài thơ Với bàn tay ấy đăng cùng một cột với bài thơ Tơ trời với tơ lòng của Thanh Tịnh. Nhưng Xuân Diệu không vì thơ mà xao nhãng chuyện sách đèn.
Sai khi đỗ tú tài phần thứ nhất, Xuân Diệu vào Huế tiếp tục việc học và gặp Huy Cận ở Trường Khải Định (nay là Trường Quốc học, Huế) nhân mùa tựu trường năm học 1936-1937. Lúc đó, Xuân Diệu học năm thứ ba (Ban Tú tài, tức lớp 12 ngày nay) để thi tú tài phần thứ hai (còn gọi là tú tài toàn phần); Huy Cận thì mới vào năm thứ nhất (Ban Tú tài, tức lớp 10 ngày nay). Theo Huy Cận, lúc đó “Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và “đồng thanh tương ứng”, kết bạn với nhau gần như tức khắc” [70, 198]. Và Xuân Diệu chọn những bài thơ thích nhất gửi đến báo Ngày nay (thay thế báo Phong hóa đã bị đóng cửa).
Báo Ngày nay số mùa xuân (số 46, ngày 7-2-1937), ở trang Thơ mới (trang 10), đăng 2 bài thơ của Thế Lữ: Yêu, Chiều bâng khuâng, bài thơ Nhớ dai của Chi Chi và bài thơ Xa cách của Xuân Diệu. Đặc biệt, ở trang 30, Thế Lữ có bài giới thiệu: Một nhà thi sĩ mới – Xuân Diệu. Trong bài giới thiệu này, Thế Lữ trích dẫn một số đoạn thơ, câu thơ của Xuân Diệu từ các bài: Huyền diệu, Với bàn tay ấy, Tương tư chiều, “Vì sao”, Giờ tàn, Nụ cười xuân, Trăng, Đây mùa thu tới. Mở bài, Thế Lữ viết: “Trong những văn thơ của các bạn gửi đến Phong hóa hồi báo còn sống, một hôm chúng tôi nhận được một bài thơ ngắn dưới ký Xuân Diệu. Bài thơ ấy tả cái sức huyền diệu, cái lực thần tiên của âm nhạc vang động tới tâm hồn. Tác giả thấy hương thơm của hoa, thấy vị say của rượu ngọt, màu hương của ánh sáng và những cảnh sương khói hiển hiện lẫn lộn trong dòng suối, lời chim và tiếng khóc than.
Ý thơ tỏ ra thi sĩ có một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc, nhưng lời thơ chưa được chải chuốt: ngượng nghịu như những ngón tay đờn uốn nắn còn non. Cách đó ít lâu, ông Xuân Diệu gửi đến một bài thứ hai sửa lại bài trước, trong đó chúng tôi thấy có sự âu yếm của thi sĩ đối với nghệ thuật mình, và sự cố gắng diễn đạt những cảm tưởng của mình bằng những lời xứng đáng. Ông khuyên người yêu hãy lắng nghe “khúc nhạc thơm” nhuần thắm, hãy “uống thơ tan trong khúc nhạc” và
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dẫn vào thế giới của Du Dương;
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương…
Đó là bốn câu chu đáo nhất trong mười sáu câu bối rối và mơ hồ.
Bài thơ bởi thế không đăng, nhưng chúng tôi chắc thế nào cái thiên tài còn khép nép kia sẽ có lúc nẩy nở ra, và khi đó sẽ có những màu đậm đà, những ánh xán lạn.
Quả nhiên sự mong ước của chúng tôi thành sự thực.
Ông Xuân Diệu lần lượt gửi thơ đến, và cũng là gửi những lời hứa hẹn chắc chắn của tâm hồn ông”…
Bốn câu trích được Thế Lữ trích dẫn và cho là “chu đáo nhất” là bốn câu trong bài thơ Huyền diệu. Qua bài báo này, Thế Lữ khẳng định tài thơ của Xuân Diệu và đánh giá Xuân Diệu là “thiên tài”.
Xong tú tài phần thứ hai, mùa tựu trường năm học 1937-1938, Xuân Diệu học Luật tại Trường Đại học Đông Dương ở Hà Nội. Thời gian này, Xuân Diệu không chỉ làm thơ mà còn “thử bút” qua lĩnh vực văn xuôi. Truyện ngắn đầu tiên của Xuân Diệu là truyện Mèo hoang được đăng trên báo Ngày nay, số 81, ngày 17-10-1937.
Ngày đó, học Luật thì không có học bổng, Xuân Diệu cũng viết không được nhiều, nên nhuận bút không thể nào đủ sống. Vả lại, thời ấy ngoài những cây bút của nhóm Tự lực văn đoàn ra, thì có ai có thể sống bằng ngòi bút được đâu. Trong bài thơ tặng Trương Tửu, Nguyễn Vỹ đã cho người đọc biết thực tế cuộc sống của giới văn chương ngày ấy: Nhà văn Annam khổ như chó! Do đó, Xuân Diệu “phải nhờ anh Nguyễn Cao Luyện (kiến trúc sư nổi tiếng, và có chân trong Hội đồng quản trị của Trường Thăng Long mà hiệu trưởng là anh Hoàng Minh Giám, và người quản lý là giáo sư Tôn Thất Bình) giới thiệu với Ban giám đốc Trường Thăng Long để xin một chân dạy văn, cả Pháp văn và Việt văn. Sau đó mấy tuần, anh Diệu được mời vào dạy ba lớp: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam ban thành chung” [71, 277]. Từ đó, Xuân Diệu đã tạm ổn định cuộc sống, tiếp tục việc học và viết văn, làm thơ. Hè năm 1938, Huy Cận ra Hà Nội thăm Xuân Diệu. Huy Cận ở nhà Xuân Diệu thuê tại đê Yên Phụ. Những ngày nghỉ hè ở đây, hai người động viên nhau làm việc. Xuân Diệu viết được truyện ngắn Cái giường và một số bài thơ. Huy Cận cũng viết được mấy bài thơ: Buồn đêm mưa, Trông lên, Đi giữa đường thơm… Cuối năm 1938, Nhà xuất bản Đời nay ấn hành tập thơ đầu tay của Xuân Diệu: Thơ thơ kèm theo lời Tựa của Thế Lữ, họa sĩ Lương Xuân Nhị trình bày mỹ thuật.
Vẫn từ “đôi mắt xanh” của Thế Lữ khi đọc và chọn thơ, giới thiệu thơ của Xuân Diệu trên báo Ngày nay, Thế Lữ tiếp tục viết Tựa cho tập thơ Thơ thơ do Nhà xuất bản Đời nay của Tự lực văn đoàn ấn hành. Thế Lữ viết: “Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên đài trán ngây thơ, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân, những hương sắc nẩy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. Thơ Thơ là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu” [198, VIII].
Khi tập Thơ thơ ra mắt bạn đọc, phần lớn dư luận bạn đọc ở miền Bắc hoan nghênh, còn ở miền Nam, cụ thể ở Sài Gòn, tháng 3-1939, Đông Chi đã giới thiệu tập Thơ thơ trên báo Mai: “Thi sĩ ấy, đã làm cho người ta ngạc nhiên, sửng sốt. Ngạc nhiên vì có những vần thơ quá táo bạo, gan dạ. Sửng sốt vì đã dựng ý nhiều hơn từ. Đọc một câu cho đến một bài, thấy trùng điệp những ý tưởng mới mẻ, đầy màu sắc, sinh khí thuộc về triết lý, về biện chứng pháp. Bởi những lẽ ấy, khi đọc hết tập Thơ thơ, tôi nhận thấy Xuân Diệu là một thi nhân triết lý (un poète philosophe)” [38].
Ba năm sau (1941), Hoài Thanh không chút ngần ngại, hạ bút: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” [56, 118]. Đặt cạnh 45 nhà thơ cùng thời với Xuân Diệu, Hoài Thanh khẳng định: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê” [56, 121].
Thế Lữ đúng là người có “đôi mắt xanh”! Và “Chúng ta đã có Xuân Diệu”! Tập thơ đầu tay của Xuân Diệu trở thành đỉnh cao của phong trào Thơ mới, khẳng định sức sống của Thơ mới trên văn đàn Việt Nam. Và thật sự, người đọc trẻ tuổi của các thế hệ tiếp nối đã thích và mê thơ Xuân Diệu, ít ra đến thế hệ tôi. Lớp trẻ bây giờ, tôi tin vẫn còn thích và mê, bởi vào bất cứ quày sách nào, tôi cũng thấy nhiều nhà xuất bản in lại “cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian”. Đó là điều không phải ai cũng muốn là được! Hồi thượng tuần tháng 8-2012, một ông GS-TS Viện trưởng hứng chí nhảy ra làm thơ và một nhà xuất bản uy tín nhất nước ấn hành với số lượng lớn (chủ yếu để phát không, và dĩ nhiên ai cũng biết thời buổi này chẳng có nhà xuất bản nào đổ tiền vào chuyện in thơ); một cuộc hội thảo cấp quốc gia, được nhiều nhân vật có chút tiếng tăm trong văn giới bốc lên tận trời bằng văn bản (tham luận) chứ không phải nói vo cho có nói; được giới thiệu dự giải Nobel văn chương… nhưng người đọc chẳng nhớ được một câu và trong tích tắc, họ phát hiện cái tập được gọi là thơ ấy là thứ chữ nghĩa… ăn cắp, còn làm thơ thì như kẻ đánh cờ chưa sạch nước cản! Qua vụ này, tôi thấy cụ Tú Xương “thiêng” thật: “Văn chương nào phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu” [120, 306]. Và cũng qua vụ này, nghĩ về “cụm đầu mùa” của Xuân Diệu chễm chệ tại các quày sách hiện nay, tôi thấy người đọc rất ư tinh tường! Một tác phẩm ra đời gần 70 năm mà vẫn còn hiên ngang góp mặt trên các quày sách là điều mơ ước của hầu hết các người cầm bút bất kể thời nào, bất kể ở xứ nào.
Năm 1938, là năm Xuân Diệu viết khá nhiều thơ, văn trên báo Ngày nay, nhưng nghề viết nghiệp dư làm sao đủ sống. Ngày ấy, không thiếu người quyết chọn sống bằng ngòi bút, vẫn gặp phải nhiều khó khăn, ngoài những thành viên Tự lực văn đoàn. Viết mà được báo sử dụng thì có nhuận bút, còn ngược lại thì… công cốc. Thực tế cuộc sống đã cho Xuân Diệu thấy Cơm áo không đùa với khách thơ, nên ông nộp đơn thi vào ngành thương chính với đồng lương ổn định hằng tháng cho chắc ăn. Ngày đó muốn thi vào ngạch tham tá thì phải có tú tài phần thứ hai trở lên, nên lương cũng khá, nhất là không phập phù như đời dạy tư, hoặc làm cộng tác viên (dù là cộng tác viên “ruột”) cho báo. Và tháng 9-1939, Xuân Diệu làm tham tá tập sự nhà Đoan.
Tháng 10-1939, Xuân Diện điện báo cho Huy Cận biết Huy Cận đã trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Nông Lâm. Huy Cận ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Họ cùng sống với nhau ở căn gác nhà số 40 phố Hàng Than, và gom góp tiền bạc tái bản tập Thơ thơ, đề Nhà xuất bản Huy – Xuân. Cũng trong năm 1939 này, Nhà xuất bản Đời nay tập hợp những truyện ngắn của Xuân Diệu đăng trên báo Ngày nay, in và ra mắt bạn đọc tập Phấn thông vàng.
Đầu năm 1940, Xuân Diệu xong thời gian tập sự, được điều chuyển vào Sở Đoan Mỹ Tho (nay Mỹ Tho là thành phố thuộc tỉnh Tiền Giang). Trước khi rời Hà Nội để nhận nhiệm sở, anh em trong nhóm Tự lực văn đoàn có làm tiệc đưa tiễn. Sau đó, trên mục Tin văn… vắn, báo Ngày nay, Lê Ta (tức Thế Lữ) có kể lại chuyện này: “Nhà thơ Xuân Diệu vừa rồi làm kinh ngạc một số người: Xuân Diệu mới đỗ tham tá thương chính. Anh chàng mới được giấy bổ vào Sài Gòn nhậm chức, để vào đó khám những hàng lậu và làm tờ trình nhà đoan.
Trước ngày lên đường, bạn hữu anh đặt tiệc tiễn hành. Bữa tiệc có tất cả tám người: Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng và Xuân Diệu.
Khi rượu đã chếnh choáng say, tám người bàn nhau cộng sức làm thơ tiễn hành. Bắt đầu từ Hoàng Đạo, lần lượt mỗi người làm một câu thất ngôn, tám người vừa được một bài bát cú. Định thế rồi làm thế, sau cũng được bài liên ngâm ứng khẩu:
Bỗng dưng thi sĩ hóa tây đoan,
Nửa mặt nhà thơ, nửa mặt quan.
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ,
Nỗi tình ly biệt ý khôn toan.
Giờ đây xin nhớ phen bùi ngọt,
Chốc nữa đừng quên cảnh… tóp chan!
Ví thử anh em đều xuất cả,
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn.
Câu “Chốc nữa đừng quên cảnh… tóp chan!” (nói lái thành chát tom) là một câu bướng bỉnh của Tú Mỡ.
Bài thơ xuất khẩu và nghịch ngợm đó là sự nghiệp ứng biến của tám người. Lại tám người say. Tú Mỡ nhân thế đặt ngay bài thơ là Bát tiên quá… chén.
*
Riêng phần Tú Mỡ, tự coi là người đàn anh của Xuân Diệu trong “làng gãi”, tặng thêm một bài tức cảnh sau đây:
Tớ gần lên lão ở làng đây,
Mình mới men chân đến xóm này.
Bền chí mà theo đòi nghiệp mới,
Vỡ lòng đã học lấy nghề hay.
Đường đời sẽ thấy cầu vinh nhục,
Sự thế rồi xem khóe quắt quay.
Ba chục năm dài đi lẽo đẽo,
Nàng thơ chẳng rẫy, ấy là may!” [89, 17-18].
Sau buổi họp mặt ấy, Xuân Diệu vào Nam sống đời công chức.
Hè năm 1942, Huy Cận tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Khoảng thời gian này, Xuân Diệu chính thức trở thành thành viên của Tự lực văn đoàn.
Cuối năm 1942, Huy Cận nhận việc tại Sở Nghiên cứu Tầm tang ở Hà Nội. Được sự đồng ý và động viên của Huy Cận, Xuân Diệu từ chức tham tá nhà Đoan, ra Hà Nội sống với Huy Cận để được viết văn, làm thơ. Hai người chính thức sống trọ trên căn gác nhà số 61, phố Hàng Bông. Nguồn thu nhập chính để Xuân Diệu và Huy Cận yên tâm sáng tác là đồng lương kỹ sư canh nông của Huy Cận.
Đặt chân ra Hà Nội lần này, Xuân Diệu không chỉ được sống với ý thích của mình là viết văn, làm thơ mà còn được Huy Cận hướng dẫn “vào con đường hoạt động bí mật (trong Việt Minh và trong Đảng Dân chủ)” [71, 199-200], vì Huy Cận đã tham gia Việt Minh cả năm trước đó.
Tháng 3-1944, Xuân Diệu có buổi diễn thuyết đầu tiên tại hội trường Đại học Đông Dương với đề tài Thanh niên với quốc văn. Đề tài không mới và Huy Cận cũng không “lên gân”. Huy Cận nói theo sự thật lịch sử: “Không khí khá náo nức, vì cái tinh thần yêu tiếng Việt, trau dồi tiếng Việt cũng đã gây lên trên báo chí, qua sách vở của Tự lực văn đoàn và của nhiều nhà xuất bản khác, qua phong trào truyền bá quốc ngữ. Nhưng lần này sự náo nức lại được tăng lên bởi lẽ diễn giả là một nhà thơ mới nổi tiếng, được thanh niên rất yêu mến” [71, 320].
Cuối năm 1944, Xuân Diệu về thăm quê nội (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Trước ngày Tổng khởi nghĩa, nhà xuất bản Thời đại ấn hành tập thơ văn xuôi Trường ca, tập thơ Gửi hương cho gió và tập tiểu luận Thanh niên với quốc văn. Thời gian này, Xuân Diệu cũng cộng tác với báo Thanh niên, cơ quan của Phong trào Thanh niên dân chủ Sài Gòn, do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm.
Được sự “dìu dắt” của Huy Cận từ cuối năm 1942, nên Xuân Diệu tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội. “Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi chuyển về ở nhà số 50 phố Hai Bà Trưng (đằng sau Thư viện Quốc gia), Diệu hăng say hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, tôi thì phụ trách công tác ở Bộ Canh nông và ở Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ” [70, 200].
Xuân Diệu là thành viên Bộ Biên tập Tạp chí Tiên phong – Cơ quan vận động văn hóa mới của Hội Văn hóa cứu quốc. Thời gian này, Xuân Diệu cũng là một trong tám vị cố vấn Đoàn Văn nghệ Bắc bộ Việt Nam (Trương Tửu, Nguyễn Văn Giệp, Bùi Huy Phồn, Trần Văn Cẩn, Xuân Diệu, Lê Văn Siêu, Nguyên Hồng và Phạm Văn Khoa). Trên Tạp chí Tiên phong, số 3, ngày 16-12-1945, Xuân Diệu trích đăng bài thơ trường thiên Ngọn Quốc kỳ. Để có được ý tưởng này, không phải tự dưng mà có, hoặc muốn lấy lòng chế độ mới mà có. Xuân Diệu hân hoan đón chào độc lập tự do, đón chào Ngọn Quốc kỳ là nhờ tham gia Việt Minh từ cuối năm 1942. Hồi Nhật – Pháp bắn nhau (tháng 3-1945), Xuân Diệu “trông thấy trong trí một ngày Việt Nam Đại Hội, một buổi hội họp của dân tộc Việt Nam. Cái linh tính báo trước một ngày sum họp rỡ ràng, nhưng chưa biết ngày đại hội ấy là ngày gì” [268, 186]. Qua cái linh tính ấy, và nhân kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Xuân Diệu đã viết xong bài Việt Nam đại hội và bài này được đăng trên Tạp chí Tiên phong, số 4-5. Và từ đây, cơm áo không còn là nỗi lo với Xuân Diệu. Xuân Diệu được cấp nhà, được lĩnh lương hằng tháng, được tăng lương đúng kỳ để lo chuyện viết lách. Đã vậy, Xuân Diệu còn được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1956). Đặc biệt, tháng 5-1946, Xuân Diệu được chọn làm thành viên đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, sang Pháp hội đàm. Trong chuyến đi này, Xuân Diệu có ghé thăm một tiểu đoàn lính Việt Nam đóng ở Tây Đức. Về nước, Xuân Diệu viết thiên phóng sự Từ trường bay đến trường bay trên báo Cứu quốc; xuất bản tập bút ký Việt Nam nghìn dặm, phản ánh phong trào đấu tranh yêu nước của Việt kiều, lính chiến, lính thợ, từ năm 1940-1946. Đây cũng là cái thú của người cầm bút!
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (cuối năm 1946), Xuân Diệu lên chiến khu Việt Bắc, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách mỗi tuần một Câu chuyện văn hóa, phát trên đài; được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam 3 khóa liền: I, II, III (1957-1985), được cử đi tham quan, hội nghị ở nhiều nước…
Đó là những cái được mà trong thời đế quốc sài lang, Xuân Diệu có ước cũng không được, có nằm mơ cũng không thấy. Nhưng nói cho công bằng, so với những người được ăn lương để viết văn, làm thơ ở chế độ mới như Xuân Diệu, thì Xuân Diệu xứng đáng hơn rất nhiều người. Qua khối lượng tác phẩm của Xuân Diệu đã xuất bản, tôi nghĩ, lương có cao hơn, ân huệ có nhiều hơn những người cầm bút cùng thời cũng xứng đáng, bởi từ năm 1945-1985, dường như không có năm nào ông không có sách ra mắt bạn đọc, có không ít năm được xuất bản vài ba cuốn/ năm, chưa kể “có tới gần một nghìn cuộc bình thơ” [70, 201]. Những tác phẩm ấy hay – dở tới đâu sẽ bàn sau, chỉ riêng sức viết như vậy đã đáng nể.
Hòa bình lập lại, qua mai mối của ông Hoàng Tùng, lúc đó là Tổng Biên tập báo Nhân dân, Xuân Diệu tiến tới hôn nhân với nhà báo Bạch Diệp (báo Nhân dân), nguyên nữ sinh Trường Saint Dominique (Hải Phòng). Cuộc tình này, tôi nghe nhiều người kể, nhưng không biết đâu là sự thật, đâu là giai thoại của giới văn chương. Trong những gần gặp gỡ, trò chuyện với Xuân Diệu, tôi không dám hỏi, bởi chuyện ấy là chuyện riêng của mỗi người, và cũng chẳng dính dáng gì tới mình, tọc mạch làm gì, không khéo làm hỏng việc “kiếm ít tiền còm uống cà phê” của bác Tịnh Hà. Ngày đó, khi nghe kể lại chuyện này, bác Tịnh Hà cười hớ hớ, khen tôi… khôn ngoan, và vui vẻ kéo tôi ra góc đường Đồng Khởi – Ngô Đức Kế (gần Văn phòng Thường trực các tỉnh phía Nam của Tuần báo Văn nghệ), gọi mỗi người một cái “xây chừng” (ly cà phê đen), một điếu thuốc lá du lịch đầu lọc vàng. Trong lúc thưởng thức hương vị của cà phê, và mùi thơm quyến rũ của khói thuốc lá chính phẩm dành xuất khẩu của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, bác Tịnh Hà nhân danh “người đã ăn cơm góp mòn răng”, khuyên tôi, trong cuộc sống nên cố tránh những đường biên tế nhị, để thấy đời vui hơn, dễ ngủ hơn. Với tôi, đó là bài học đáng nhớ.
Gần đây, báo chí lại nhắc đến chuyện Xuân Diệu cưới vợ, nên tôi thấy cũng cần lướt qua khi viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trên báo Văn nghệ công an, Việt Hà có bài NSND Bạch Diệp: Hai mươi năm một mình một bóng. Trong bài viết này có đoạn: “Có lần, tôi đánh bạo hỏi bà về mối duyên của bà với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Bà cười buồn ngần ngại: “Chuyện qua đã lâu, nửa thế kỷ rồi, tôi cũng không muốn nói lại nữa đâu. Khi chia tay, tôi chuyển về ở cùng với bố mẹ rồi từ đó chúng tôi không một lần chạm mặt nhau, đến một tấm ảnh cũng không còn. Đến khi ông ấy mất, tôi lặng lẽ đến viếng và đưa tiễn ông ấy một quãng đường dài…”” [236]. Thế nhưng sau đó không lâu, NSND Bạch Diệp có hé lộ ra cho bạn đọc biết được chút ít về mối lương duyên của bà với Xuân Diệu, qua ông mai Hoàng Tùng. Lúc đó, ông Hoàng Tùng là Tổng Biên tập báo Nhân dân.
Vì nhờ thẩm định bút tích của bài thơ, Lã Xưa đã đến nhà Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp ở phố Đội Cấn (Hà Nội), và cho biết: “Bạch Diệp trở thành vợ của “ông hoàng thơ tình Việt Nam” Xuân Diệu năm 1958, lúc ấy bà đã bước sang tuổi 29, còn Xuân Diệu thì gấp ghé 40 (…) Nhưng thi sĩ ngày ấy khá ít nói, ngay cả khi chỉ có hai người với nhau. Ông chỉ trở nên hoạt bát và nói năng lưu loát khi bàn về thơ ca. Ngày ấy, Bạch Diệp là nguồn cảm hứng để Xuân Diệu viết nên bà thơ tình tứ tuyệt bất hủ: “Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/ Dạ lan thơm nức lạ lùng/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”. Hồi đó gia đình Bạch Diệp ở cuối phố Bà Triệu, nơi có những hàng dạ lan thơm lừng cả góc phố. Còn nhà Xuân Diệu thì ở mãi 24 Cột Cờ. “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua” đi xuống Bà Triệu thăm Bạch Diệp. Mùi hương dạ lan và cô gái Bạch Diệp ngày ấy khiến thi sĩ như đắm say trong men tình ái và áng thơ tình bất hủ ra đời trong hoàn cảnh ấy” [81].
Họ có tổ chức lễ cưới đàng hoàng, nhưng không có đăng ký kết hôn. Chuyện đăng ký kết hôn, Bạch Diệp nhắc từ đầu, nhưng ông bảo từ từ, không việc gì phải vội. “Giục mấy lần mà Xuân Diệu vẫn không chịu đi, Bạch Diệp cũng không nhắc đến chuyện này nữa” [81]. Bạch Diệp cho biết, Xuân Diệu rất chiều vợ, còn bà cũng luôn làm trọn nhiệm vụ của người vợ, người dâu trong gia đình. “Sau mỗi ngày đi làm, tôi thường chuẩn bị thức ăn mang về để chuẩn bị bữa tối cùng mẹ chồng. Bà ở nhà suốt nên cũng đỡ đần giúp chúng tôi việc nhà cửa, cơm nước. Buổi tối gia đình ngày ấy rất ấm cúng, cả nhà bao giờ cũng có mặt đầy đủ trong bữa ăn sum họp” [81]. Bà Bạch Diệp khẳng định mối lương duyên của bà với Xuân Diệu chỉ có 6 tháng và khi chia tay bà về sống với bố mẹ, nhưng không phải là “không một lần chạm mặt nhau” như đã nói với nhà báo Việt Hà. Bài báo của Lã Xưa viết: “Nhưng khi vô tình gặp nhau ở đâu đó, Xuân Diệu lúc nào cũng rất vui vẻ, hỏi han người vợ cũ tận tình. Họ cư xử với nhau như hai người bạn thân, trân trọng và quý mến nhau” [81]. Ý này tôi thấy đúng hơn, bởi cả hai cùng ở Hà Nội, cùng làm công tác nghệ thuật (về sau bà làm đạo diễn điện ảnh, và là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam), làm sao mà mấy chục năm “không một lần chạm mặt nhau”? Và cách cư xử của Xuân Diệu như Lã Xưa viết, tôi thấy rất đúng tính cách Xuân Diệu. Với cuộc tình ấy, bà Bạch Diệp thừa nhận: “Đó như một luồng gió mát đi qua cuộc đời tôi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng luồng gió ấy để lại mãi ấn tượng trong tâm hồn tôi. Một luồng gió thoảng nhưng đã giữ lại cả một niềm thương mến” [81]. Theo lời kể của bà, Lã Xưa viết: “Trong đám tang của người chồng đầu tiên ấy, Bạch Diệp đã không đi mua vòng hoa như muôn người khác, mà bà ra hàng hoa tươi chọn cho được một bó hoa chỉ toàn cúc và lay ơn trắng, phía dưới là những tán lá dừa tỏa bóng xanh. Và trong cái ngày cuối cùng nghĩa nặng tình sâu ấy, bà đã ngồi lên xe tang, bên cạnh linh cữu của Xuân Diệu để đưa ông về cõi vĩnh hằng” [81].
Chi tiết bó hoa, về cơ bản cũng giống với lời kể của Nguyễn Thụy Kha – người có mặt ở tang lễ nhà thơ Xuân Diệu: “Qua giờ ngọ, tang lễ được cử hành. Giữa 104 vòng hoa có một bó hoa lớn màu trắng của chị Bạch Diệp (người đã có ít ngày chung sống cùng anh) với băng tím, chữ trắng: “Vĩnh biệt anh – Bạch Diệp”” [155, 285-286].
Xin nói thêm, NSND Bạch Diệp sau khi chia tay với Xuân Diệu đã lập gia đình với “ông Nguyễn Đức Tường – một cựu sĩ quan Công an” [236], qua đời năm 1989. Qua hai đời chồng, nhưng không có con, nên cuối đời bà Bạch Diệp sống một mình.
Ngày vui của Xuân Diệu – Bạch Diệp, Tú Mỡ có làm bài thơ Mừng Xuân Diệu cưới vợ.
“Người ta nói thực hay đùa
Tụi Sê-li-bạt là đồ tham ăn
Một mình hùng hục tay làm
Một mình hì hụi cho hàm cái nhai
Xuân Diệu anh chăng có phải ai?
Cung đàn đơn độc kéo đùa dai
Tới nay xuân đã gần tư chục
Mới quyết tuân theo đúng luật trời
*
Luật trời tối dị, tối nan
Diệu ta dù muốn trơ gan được nào!
Ông tơ chăng lưới chỉ đào
Cùng nàng Bạch Diệp buộc vào như chơi.
*
Vậy mừng anh chị
Cuộc đời tươi
Hú hí từ nay bút nhập hai
Bút chập hai rồi thì sáng tác
Cuối năm tòi một bé con giai” [231, 610-611].
Cuối bài thơ này, Tú Mỡ đề ngày 14-3-1959. Nếu tư liệu của Lã Xưa là đúng, thì bài thơ của Tú Mỡ không những bị chậm, mà còn bị hố, bởi vào khoảng tháng 3-1959, Xuân Diệu – Bạch Diệp đã không còn chung sống với nhau. Tình bạn giữa Tú Mỡ và Xuân Diệu có từ thuở Tự lực văn đoàn, và cùng sinh hoạt trong Hội Nhà văn Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại; hai nhà cách nhau không xa lắm, thì chẳng có lý do gì mà Tú Mỡ không biết chuyện vợ chồng Xuân Diệu – Bạch Diệp đã… tan hàng? Do đó, tôi nghĩ bài Mừng Xuân Diệu cưới vợ được Tú Mỡ ghi ngày 14-3-1958 nhưng khi gia đình đưa vào toàn tập hồi năm 1995 bị vướng lỗi morasse thành ngày 14-3-1959, hoặc đám cưới của Xuân Diệu lùi lại một năm mới hợp lý.
#
Tháng 5-2010, tôi đã tìm về quê nội Xuân Diệu và vào thắp nhang nhà thờ Tổ họ Ngô làng Trảo Nha. Đền thờ và phần mộ cụ Ngô Phúc Vạn được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử văn hóa vào năm 1992. Bên cạnh khuôn viên đền thờ và phần mộ cụ Ngô Phúc Vạn là Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu khá rộng rãi. Nhà lưu niệm này do tỉnh Bình Định kết nghĩa và là quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu xây tặng. Nhà lưu niệm được khởi công ngày 10-6-2007, hoàn thành ngày 10-11-2007. Nhà thờ Tổ và Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu cách nhau một bờ rào, nay thuộc thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngày tôi đến, nhà lưu niệm đang được anh Ngô Đức Tuấn (sinh năm 1936), gọi Xuân Diệu là chú, chăm lo nhang khói, quét dọn…
Theo sơ đồ gia phả chi 5 – phái I họ Ngô Trảo Nha – Can Lộc, thì Xuân Diệu thuộc đời thứ 20. Ở đây, tôi thấy không chỉ ghi tên con gái mà còn ghi rất cụ thể: Ngô Thị Xuân Như (vợ Huy Cận), ấy mà không thấy ghi tên người phối ngẫu với cụ Tú Thọ. Nhưng nếu có ghi, thì mẹ đẻ của anh em Xuân Diệu chưa chắc đã có tên, vì không được cưới xin. Qua chuyện này, tôi hiểu thêm vì sao Xuân Diệu thương má, thương em đến thế. Tình thương này không phải ở đầu môi, ở thơ văn mà ở tấm lòng và cũng rất cụ thể. Xuân Diệu thương em (Tịnh Hà) như tôi đã kể. Xuân Diệu thương mẹ như thế nào đã được Huy Cận ghi lại trong hồi ký của mình: “Tháng 10-1954, chúng tôi về Hà Nội, thì anh Diệu và tôi tìm hỏi ngay việc tập kết cán bộ và gia đình cán bộ ở Khu 5 ra Bắc như thế nào. Anh Diệu rất lo lắng và không biết có thể đem má mình ở Gò Bồi (Bình Định) ra Hà Nội sống với mình được không. Tôi tìm hỏi mãi thì liên lạc được với đồng chí Minh (lúc đó là khu ủy viên Khu 5, và bây giờ là ủy viên của Mặt trận Tổ quốc) là người đang phụ trách sắp xếp việc đưa gia đình các cán bộ tập kết ra Bắc với con mình. Thế là may quá, anh Diệu và tôi đến trình bày trường hợp cụ thể của bà má anh Diệu (là bà Nguyễn Thị Hiệp), lúc đó đang sống ở Gò Bồi, đơn chiếc không ai chăm nom, mà nếu phải ở lại với chính quyền ngụy thì sẽ điêu đứng và nguy hiểm cho bà. Đồng chí Minh hết lòng giúp đỡ, liên hệ với trong Bình Định, nhờ người của ta trong đó đi tìm bà má và bố trí cho bà được cùng ra với một số đông cán bộ tập kết trên một chuyến tàu Ba Lan lúc đó chở cán bộ tập kết từ Khu 5 ra Hà Nội. Như vậy là sau bao nhiêu năm mẹ con xa cách, anh Diệu lại được đón mẹ đẻ của mình về cùng sống với mình tại ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ cùng gia đình tôi. Bà má anh Diệu đã sống một đời đau khổ, như đã kể rõ trong chương trình nói về tuổi nhỏ anh Diệu, nên bà sinh tính hơi rụt rè, nói rất nhỏ nhẹ, đi đứng âm thầm. Và bà rất dễ tủi lòng. Có đôi khi anh Diệu bực mình một việc nhỏ gì đó nói hơi to tiếng (không phải là to tiếng với mẹ đâu) thì bà má cũng thấy tủi cực và lủi thủi xuống bếp. Thế là anh Diệu hối hận lại phải xuống an ủi má, có khi hai má con cùng ứa nước mắt. Bà má biết tôi là bạn thân của anh Diệu, bà cũng rất thương tôi và đi chợ mua được quà gì cho anh Diệu ăn thì bà cũng chia phần cho tôi từ quả chuối đến cái bánh giò, đến miếng mít… Bà má cứ ăn bận áo quần bà ba đen, theo kiểu đồng bào Khu 5 và Nam bộ, anh Diệu muốn may áo cánh trắng hay là áo màu nâu cho bà, bà cũng không chịu mặc. Nỗi đau khổ lớn về tình cảm của hai mẹ con trong thời thơ bé của anh Diệu cứ đeo đẳng bên anh nên anh tìm mọi cách để làm vui lòng má, chăm lo từng miếng ăn, từng miếng trầu, từng chén nước. Bà má đã mất trong những ngày còn chống Mỹ cứu nước… Nay Tịnh Hà đã đưa gio bà má về thành phố Hồ Chí Minh” [71, 315-316].
Qua lời kể của Huy Cận, tôi kính trọng Xuân Diệu hơn. Ngày đó, hầu hết những người đi tập kết đều tin sau hai năm sẽ được đoàn tụ với gia đình, nên chẳng mấy người dẫn theo cha mẹ, vợ con. Còn Xuân Diệu, thì lo ngay ngáy về mẹ mình. Lúc đó, cụ Nguyễn Thị Hiệp đã 65 tuổi. Nếu không có Huy Cận dựa vào uy tín, chức vụ của mình mà vận động, nhờ vả anh em thì hai mẹ con Xuân Diệu không thể gặp nhau được. Chắc chắn trong đợt tập kết ngày ấy, cụ Nguyễn Thị Hiệp là cụ bà lớn tuổi nhất và là cụ bà duy nhất không phải cán bộ cách mạng được lên đường tập kết ra Bắc. Chỉ riêng chữ hiếu này, Xuân Diệu đã hơn người, đáng để cho nhiều người, nhiều đời học tập. Nhưng không hiểu sao trong bài Thơ tặng Má, Xuân Diệu lại viết: “Má kháng chiến ở trong Bình Định/ Con ngoài này Việt Bắc tám năm/ Khi ốm đau, má đắp chiếu nằm/ Bà con với láng giềng chăm sóc/ Nhớ, tìm con, má đi tập kết/ Đem miền Nam ra ở với con/ Sáu nhăm tuổi má còn xâu chỉ/ Vài năm nay má mới yếu mòn” [257, 571-572]. Nhưng với chi tiết má của Xuân Diệu tập kết ra Bắc, tôi tin vào hồi ký của Huy Cận hơn những gì Xuân Diệu viết trong bài Thơ tặng Má. Tôi nghĩ, “má” trong bài Thơ tặng Má là bà má miền Nam chung chung qua hình ảnh của má Xuân Diệu, chứ không phải Xuân Diệu viết riêng về người mẹ mang nặng đẻ đau ra mình.
Hạ tuần tháng 5-2010, tôi đặt chân đến Gò Bồi và được chị Nguyễn Thị Lựu tiếp đón tử tế. Nhà chị ở gần kề đó (trước là người cha của chị, khi cha già yếu thì chị thay), nên được chính quyền địa phương nhờ trông nom, tiếp khách. Trường THPT số 2 Tuy Phước được giao nhiệm vụ chăm sóc, nên học sinh của trường thường xuyên thay phiên đến lau chùi bàn ghế, lao động cảnh quan… làm cho du khách đến tham quan luôn thấy ấm hơi người.
Dưới mắt tôi, phía nhà ngoại của Xuân Diệu rất đáng trân trọng. Thời buổi tấc đất tấc vàng; cha con, anh em cùng cục máu xén ra có thể chửi bới nhau, đâm chém nhau, đưa nhau ra tòa… chỉ vì mấy thước đất, ấy mà nền nhà cũ của ông bà ngoại Xuân Diệu ở ngay mặt tiền đường tráng nhựa phẳng lì, sát dòng sông xanh mát, cách cầu Gò Bồi 100 m, phía nhà ngoại của Xuân Diệu sẵn sàng để lại làm Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.
Nội dung trưng bày ở Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu tại quê ngoại về cơ bản cũng giống như ở Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu tại quê nội.
#
Sinh thời, có rất nhiều bài báo viết về Xuân Diệu. Khi Xuân Diệu qua đời cũng có nhiều bài báo viết về ông. Một số nhà xuất bản tập hợp một số bài báo ấy in thành sách, cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích. Năm 2009, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành cuốn Xuân Diệu “vây giữa tình yêu” của Hà Minh Đức. Đây là những bài viết, bài giảng về thơ Xuân Diệu cùng những ghi chép, trò chuyện về thơ Xuân Diệu của GS Hà Minh Đức, chứ không phải Hà Minh Đức làm công việc “sưu tầm, biên soạn” từ những bài viết của người khác. Nhưng dù “sưu tầm, biên soạn”, hay những suy nghĩ mới, nhận định mới về chặng đường cầm bút của Xuân Diệu cũng đều đáng trân trọng, bởi với tôi, đó là tấm lòng của người còn sống nghĩ về người đã khuất.
Khi viết những dòng này, tôi nhẩm tính, Xuân Diệu đã về với đất gần 30 năm.
Thời gian đi nhanh quá và tuổi già cứ xồng xộc tấp vào chẳng cần biết mình có thích hay không. Tôi cứ tự động viên mình cố lên, gắng thêm một chút nữa… với hy vọng nói lên được phần nào cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu, dẫu đúng hay chưa được đúng, vì đó nhà thơ đã có một thời để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi và bạn bè. Hãy xem đây là nén nhang lòng tôi dành cho ông – thành viên duy nhất của Tự lực văn đoàn mà tôi có cơ duyên gặp gỡ, trò chuyện nhiều lần.
(Chương mở đầu tác phẩm Xuân Diệu – Một đời gửi hương cho gió
[1] Họ và tên trong lý lịch khi làm việc ở báo Văn nghệ giải phóng, và Văn phòng Thường trực các tỉnh miền Nam báo Văn nghệ là Ngô Tịnh Hà; lúc nhỏ ở nhà có tên là Đàn, giấy khai sinh là Ngô Xuân Sanh. Thời kháng chiến chống Pháp, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Thời này, ông có tập truyện Bà cụ Thản (Ty Thông tin và văn nghệ Phú Yên xb, 1947), Đường đi cực Nam (viết chung với Tế Hanh, Chi hội Văn nghệ Liên khu V xb, 1952)… Trong đời làm báo viết văn, ông còn có bút danh Ngô Hải, Ngô Thứ Xuân (bút danh này do Xuân Diệu đặt, ký dưới truyện vừa Chim lồng viết năm 1943)…