Tỉ lệ quân đi cướp đất Gia Định của Xiêm La bị tiêu diệt trong chiến dịch giữ đất của Nguyễn Huệ trên sông Tiền Giang quy ước cho một lực lượng quân sự coi như bị xóa sổ.
Nguyễn Huệ bắt đầu tham gia phong trào khởi nghĩa Tây Sơn vào năm 18 tuổi, đến năm 23 tuổi thì giữ chức phụ chính và 25 tuổi thì đã được phong là Long Nhương Tướng Quân.
Đông đảo du khách và học sinh đến thăm Tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút và Di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: TRỌNG TÍN).
Nguyễn Huệ từng 5 lần dẫn quân Tây Sơn từ Quy Nhơn vào Gia Định, đánh bại thảm hại đối thủ truyền kiếp là chúa Nguyễn Ánh trong các năm từ 1776 đến 1783.
Đến khi Nguyễn Ánh cùng đường phải cầu cứu rồi đón rước quân Xiêm La sang xâm lược, thì ở tuổi 32, Nguyễn Huệ đã trở thành Anh hùng dân tộc, vẻ vang nhận lĩnh sứ mạng đánh giặc cứu nước, giữ vẹn đất Phương Nam mới được mở mang khi – thật đặc biệt – nhân và trong cuộc kháng chiến này, đã lần đầu tiên tổ chức thực hiện thành công được một chiến dịch quân sự mẫu mực, trở thành bậc thầy của khoa học và nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, ngay ở và từ thời trung cổ của lịch sử.
Được lời cầu cứu và mời rước của chúa Nguyễn Ánh, vua nước Xiêm La – nhân cơ hội và lý do ấy – đã tổ chức ngay một lực lượng quân sự lớn, gồm 300 chiến thuyền, 2 vạn thủy binh và 3 vạn bộ binh, giao cho cháu của mình là Chiêu Tăng, tướng tiên phong Chiêu Sương cùng các tướng Sa Uyển, Chiêu Thùy Biện… chỉ huy, bắt đầu vào tháng 4-1784, từ Vọng Các (Bangkok) chia 2 đường: Kéo thủy quân qua biển và dùng đường bộ qua Chân Lạp phối hợp với ba, bốn ngàn quân bản bộ của chúa Nguyễn Ánh đi đánh chiếm đất Gia Định.
Tháng 8-1784, thủy quân Xiêm La bắt đầu đổ bộ lên Kiên Giang, sau đó bộ binh tràn qua Chân Lạp phối hợp với thủy quân, đánh chiếm Trấn Giang (Cần Thơ).
Lực lượng đồn trú từ trước đấy ở Gia Định của quân Tây Sơn chỉ chưa đầy 1 vạn người, do tướng Trương Văn Đa chỉ huy nhưng đã kiên cường giữ đất, đánh trả, cầm chân quân xâm lược và quân chúa Nguyễn Ánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Vì thế, cho đến cuối năm 1784, sau 4 tháng chiến tranh, liên quân Xiêm – Nguyễn mới chỉ kiểm soát được nửa phía Tây đất Gia Định, trong đó có Kiên Giang, Trấn Giang, Ba Thắc (Sóc Trăng), Sa Đéc, Mân Thít (Vĩnh Long)…; còn quân Tây Sơn của tướng Trương Văn Đa vẫn giữ được nửa phần phía Đông đất Gia Định, trong đó có các căn cứ trọng yếu: Thành Gia Định, thành Mỹ Tho…
Cuối năm 1784, Đô úy Đặng Văn Chân của quân Tây Sơn từ Gia Định về Quy Nhơn, báo cáo tình hình với các thủ lĩnh Tây Sơn. Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, sau khi nắm được sự thể đã quyết định cử Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ đưa binh thuyền vào cứu Gia Định.
Đầu tháng 1-1785, Nguyễn Huệ dùng thuyền chiến vượt biển vào Nam. Tổng lực lượng, cộng với cả quân tại chỗ của Trương Văn Đa, là khoảng 2 vạn người, vận động đến tập trung ở căn cứ Mỹ Tho.
Trong khi đó, liên quân Xiêm – Nguyễn cũng đã dồn lực lượng đến Trà Tân (Trà Luật, Tà Lọt…) ở mạn thượng lưu khúc sông Mỹ Tho của dòng Tiền Giang, cách thành Mỹ Tho khoảng gần 30 km.
Đôi bên tham chiến đã hình thành thế trận đối đầu trên cùng một dòng sông.
Đoạn sông Mỹ Tho dài gần 30 km của dòng Tiền Giang, ở giữa mạn trên là Trà Tân, phía dưới là Mỹ Tho, có 2 nhánh đổ vào là Rạch Gầm và Xoài Mút.
Rạch Gầm, còn gọi là Sầm Giang, bắt nguồn từ đất Giồng Trôm, chảy xuôi về phía Nam, hợp với sông Trà Liễu, đổ nước vào sông Mỹ Tho ở cửa Rạch (Ông) Gầm, đối ngạn với Rạch (Bà) Hét, cách Trà Tân ở mạn trên khoảng 15 km.
Xoài Mút (Xoài Hột) là con rạch có trên bờ một rừng xoài hoang, hột to, khi ăn phải mút (do đó mà thành tên) đổ nước vào sông Mỹ Tho ở thôn An Đức (nên còn có tên là sông An Đức), cách Mỹ Tho ở mạn dưới khoảng 6 km.
Từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, khúc sông Mỹ Tho có chiều dài khoảng 7 km, rộng hơn 1 km, có chỗ nở ra đến 2 km, nổi ở giữa là cù lao Năm Thôn, dài khoảng 6 km và rậm rạp trên cả đôi bờ là cỏ lác, cỏ tranh cùng những dải rừng cây bần (cây gie) um tùm. Nơi đây được Nguyễn Huệ lựa chọn làm chiến trường quyết chiến chiến lược để đánh tan và tiêu diệt liên quân Xiêm – Nguyễn, bằng thủy quân – mai phục trong Rạch Gầm và Xoài Mút – đổ ra chặn đầu và khóa đuôi quân giặc, một khi chúng kéo tới; pháo binh bố trí trên cù lao Năm Thôn; bộ binh mai phục trong rừng bần và các đám cỏ tranh, cỏ lác, nã đạn và xông ra cận chiến.
Vấn đề là phải nhử được giặc từ Trà Tân lọt vào cái bẫy chiến trường khổng lồ và lợi hại ấy.
Và đấy là nhiệm vụ của khoảng mươi ngày đầu chiến dịch (từ khoảng ngày 10-1-1785 đến ngày 18-1-1785).
Thực hiện nhiệm vụ này, Nguyễn Huệ một mặt cho dàn thủy quân chặn ngang sông ở mé trước Mỹ Tho, để từ đấy và cả từ những cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, mở những trận tập kích nhỏ vào Trà Tân và phụ cận, rồi giả thua mà rút lui để làm kiêu lòng giặc; mặt khác, cử sứ giả – mang theo vàng bạc gấm vóc… đến gặp chủ tướng giặc xin “giảng hòa”! Lại còn cả việc mời chư tướng và quân sĩ Xiêm La đến thăm dàn chiến thuyền trên sông và “giao hảo”.
Kết quả của giai đoạn đầu chiến dịch này, là: Các tướng và quân giặc, vừa tham lam nhận “lễ vật”, vừa cả tin vào sức mạnh từ những “trận thắng” của quân Tây Sơn đầu tiên, lại muốn “tương kế tựu kế” mà nhân việc “giảng hòa” “bất ngờ” xuất quân “đánh úp” địch thủ!
Vậy là quyết định: Tối 18-1-1785, toàn bộ lực lượng Xiêm – Nguyễn sẽ ra quân từ Trà Tân, thẳng tiến, đánh Mỹ Tho của Tây Sơn!
Và Nguyễn Huệ thì đã theo dõi rất sát tình hình, bí mật và khẩn trương chuẩn bị chiến trường, chờ giặc lọt vào chiếc bẫy Rạch Gầm – Xoài Mút đã giăng sẵn để đánh trận kết thúc chiến dịch.
Đến nửa đêm, rạng sáng 19-1-1785 thì toàn bộ đội hình hành tiến trên sông Mỹ Tho của liên quân Xiêm – Nguyễn đã đi gọn cả vào quãng sông giữa Rạch Gầm và Xoài Mút.
Lập tức, mé sau thì cánh quân Tây Sơn mai phục trong Rạch Gầm đổ ra khóa đuôi, còn mặt trước thì lực lượng ém giấu trong Xoài Mút xông ra chặn đầu, có dàn chiến thuyền bày sẵn ngang sông ở trước Mỹ Tho, nhân triều cường, ngược liên tiếp ứng. Pháo binh với hỏa lực mạnh bố trí trên cù lao Năm Thôn thì nhằm vào đội hình giặc ùn tắc giữa Rạch Gầm và Xoài Mút mà nã đạn như mưa.
Lực lượng bộ binh mai phục trong cỏ cây rậm rạp ven bờ thì xông cả ra cận chiến, đánh phá các thuyền giặc bị dạt vào bờ và chém giết những tên giặc toan nhảy lên bờ, trốn chạy.
Trận đánh tiêu diệt kinh hoàng diễn ra và kết thúc gọn trong ngày 19-1-1785. Toàn bộ 300 chiến thuyền giặc đều bị đánh đắm, phá hủy. Vài ngàn lính bộ binh, theo Chiêu Tăng, Chiêu Sương, cướp đường tháo chạy lên Quang Hóa rồi xuyên Chân Lạp, một tháng sau mới về đến Vọng Các.
Mấy trăm lính hậu quân cướp được mươi chiếc thuyền chài của dân, chạy tháo thân ra biển, được vua Xiêm La phái tướng Phi Nhã Xuân đem 10 chiếc thuyền đi cứu, đón về. Ba bốn ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh, chỉ còn 800 kẻ theo được chúa Nguyễn chạy thoát một lần nữa sang Xiêm.
Kiểm điểm lại lực lượng trốn khỏi được Rạch Gầm – Xoài Mút, tướng Chiêu Tăng vừa bị vua Xiêm gọi là “đồ súc sinh”, vừa than thở: Lúc đi, có 5 vạn quân nhưng lúc về tất cả cộng lại chỉ còn 1 vạn.
Tỉ lệ quân đi cướp đất Gia Định của Xiêm La bị tiêu diệt trong chiến dịch giữ đất của Nguyễn Huệ trên sông Tiền Giang đầu năm 1785 đã vượt quá con số 75%, quy ước cho một lực lượng quân sự coi như bị xóa sổ!
Cuộc Nam Tiến – mở đất Phương Nam của dân tộc, được sử sách coi như căn bản hoàn thành vào năm 1757, chưa đầy ba chục năm sau đã phải chịu một thử thách nghiêm trọng, mất còn chưa biết sẽ ra sao, nếu không có chiến dịch Rạch Gầm – Xoài Mút đầu năm 1785 của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ.
Sách “Đại Nam thực lục, Chính biên” viết: “Người Xiêm, sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn (1785), miệng tuy nói khoác, mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp”!