Giới thiệu khái quát tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng

Giới thiệu khái quát tỉnh Sóc Trăng

– Diện tích tự nhiên 3.311,7629 km2. – Dân số năm 2013 1.310 nghìn người. – Có 1 thành phố, 1 thị xã và 09 huyện.

I. Thông tin khái quát tỉnh Sóc Trăng

I.1. Điều kiện tự nhiên
I.1.1. Vị trí địa lý
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 231km, cách Cần Thơ 62km; nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre Tiền Giang.
– Vị trí tọa độ: 9012’ – 9056’ vĩ Bắc và 105033’ – 106023’ kinh Đông.
– Diện tích tự nhiên 3.311,7629 km2 (chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và 8,3% diện tích của khu vực đồng bằng sông Cửu Long).
– Đường bờ biển dài 72 km và 03 cửa sông lớn: Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông.
– Tỉnh có địa giới hành chính tiếp giáp như sau:
        + Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang;
        + Phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu;
        + Phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh;
        + Phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông.
Tỉnh Sóc Trăng có diện tích: 3.311km2 ( chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và 8,3% diện tích của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ).
Đơn vị hành chính: Có 11 đơn vị, gồm: thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và 09 huyện ( Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm) với 109 xã, phường, thị trấn.
I.1.2. Khí hậu: Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, hàng năm có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,80C, ít khi bị bão lũ. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.864 mm, tập trung nhất từ tháng 8,9,10, độ ẩm trung bình là 83%, thuận lợi cho cây lúa và các loại hoa màu phát triển.
I.1.3.Địa hình:
Sóc Trăng có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Độ cao cốt đất tuyệt đối từ 0,4 – 1,5 m, độ dốc thay đổi khoảng 45 cm/km chiều dài. Nhìn chung địa hình tỉnh Sóc Trăng có dạng lòng chảo, cao ở phía sông Hậu và biển Đông thấp dần vào trong, vùng thấp nhất là phía Tây và Tây Bắc. Tiểu địa hình có dạng gợn sóng không đều, xen kẽ là những giồng cát địa hình tương đối cao và những vùng thấp trũng nhiễm mặn, phèn. Đó là những dấu vết trầm tích của thời kỳ vận động biển tiến và lùi tạo nên các giồng cát và các bưng trũng ở các huyện Mỹ Tú, thị xã Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu. Vùng đất phèn có địa hình lòng chảo ở phía Tây và ven kinh Cái Côn có cao trình rất thấp, từ 0 – 0,5 m, mùa mưa thường bị ngập úng làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng. Vùng cù lao trên sông Hậu cũng có cao trình thấp, thường bị ngập khi triều cường, vì vậy để đảm bảo sản xuất phải có hệ thống đê bao chống lũ.
I.1.4. Đất đai
Đất đai Sóc Trăng có thể chia thành 6 nhóm chính: Nhóm đất cát bao gồm các giồng cát tương đối cao từ 1,2 – 2 m thành phần cơ giới nhẹ, chủ yếu là cát mịn đến cát pha đất thịt, có thể trồng một số loại rau màu; nhóm đất phù sa thích hợp cho việc trồng lúa tăng vụ và các cây ăn trái đặc sản, nhóm đất giây ở vùng thấp, trũng, thường trồng lúa một vụ; nhóm đất mặn có thể chia ra làm nhiều loại: đất mặn nhiều, đất mặn trung bình, đất mặn ít, đất mặn sú, vẹt, đước (ngập triều) trong đó đất mặn nhiều thích hợp với việc trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn, dài ngày…; các loại đất mặn khác chủ yếu trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản; nhóm đất phèn gồm 2 loại đất phèn hoạt động và đất phèn tiềm tàng, sử dụng loại đất này theo phương thức đa canh, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản; nhóm đất nhân tác.
Đất đai của Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng… Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, Khu du lịch Song Phụng, Cù Lao Dung… là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
I.1.5. Sông ngòi:
Sóc Trăng có hệ thống kinh rạch chịu ảnh hường của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Nhờ vào địa thế đặc biệt, nơi dòng sông Hậu đổ ra biển Đông Nam bộ, vùng có nhiều trữ lượng tôm cá, Sóc Trăng có đủ điều kiện thuận lợi để cũng như phát triển kinh tế biển tổng hợp.
I.1.5. Tài nguyên rừng và biển
Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng với diện tích 11356 ha với các loại cây chính: Tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước phân bố ở 4 huyện Vĩnh Châu, Long Phú, Mỹ Tú và Cù Lao Dung. Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn.
Sóc Trăng có 72 km bờ biển với 02 cửa sông lớn là sông Hậu (đổ theo 02 con sông lớn Trần Đề, Định An) và sông Mỹ Thanh, có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm. Sóc Trăng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp, thuỷ hải sản, nông – lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển.
I.2. Điều kiện xã hội
I.2.1. Dân số
Dân số bình quân năm 2013 là 1.310.292 người.
Dự báo quy mô dân số năm 2020 là 1,51 – 1,52  triệu người.
Mật độ dân số: 395,74/km2
Dân tộc:Kinh: chiếm 64,24%, Khmer: chiếm 30,71%, Hoa: chiếm 5,02%
Nguồn nhân lực:Dân số trong độ tuổi lao động là 1.001.417 người, trong đó:
+ Lao động đang làm việc tại thành thị: 309.023 người.
+ Lao động đang làm việc tại nông thôn: 692.394 người
I.2.2. Tiềm năng phát triển kinh tế
Sóc Trăng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế tổng hợp, như: trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, năng lượng (nhiệt điện và điện gió); phát triển vận tải biển và dịch vụ kho vận ( logistics), cảng nước sâu, du lịch sinh thái và du lịch biển…
Sóc Trăng cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Với những vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm trên dải cù lao và dọc theo 2 nhánh sông Hậu rộng mênh mông, cộng với những kiến trúc văn hoá cổ kính nổi tiếng như chùa Ma Ha Túc (Chùa Dơi), chùa Khleang, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét…kết hợp với các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Khơme, rất thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch như: du lịch xanh, du lịch sinh thái và tìm hiểu môi trường văn hoá.
Tỉnh Sóc Trăng có các điểm du lịch như vườn cò Tân Long (huyện Thạnh Trị), khu công viên sông Đình (thị xã Sóc Trăng), khu dịch vụ du lịch ngư cảng Trần Đề, khu du lịch Mỏ Ó (Lịch Hội Thượng, Long Phú), khu du lịch Cù Lao Dung (huyện Long Phú), khu du lịch rừng tràm Mỹ Thanh…
II. Khu vực miền núi
II.1.Thị xã Vĩnh Châu
II.2. Huyện Kế Sách
II.3. Huyện Long Phú
II.4. Huyện Cù Lao Dung
II.5. Huyện Trần Đề

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây