Nhà văn Đỗ Xuân Đồng, 100 ngày đi xa…
Nhà văn Đỗ Xuân Đồng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của các tập sách: Cây dừng thiêng (Tiểu thuyết), Uẩn khúc Truông Bò (Tiểu thuyết), Hạnh phúc của con cá rô đồng (Tập truyện ngắn), Cát trở dạ (Trường ca), Giọt nắng (Thơ), Bập bẹ (Thơ Thiếu nhi)…; sinh năm 1952, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, mất vào lúc 03 giờ 10 phút ngày 29.6.2019, nhằm ngày 27.5 năm Kỷ Hợi, như tin vansudia.net đã đưa. Hôm nay, ngày 06.10.2019, là tròn 100 ngày Nhà văn đi xa…
Đỗ Xuân Đồng – “người thích trái nghề” đa tài
Một nhà thơ từng giới thiệu về Đỗ Xuân Đồng khi anh cho ra đời tác phẩm đầu tay năm 1996: “Anh không phải là cây bút chuyên nghiệp. Thơ anh là phần anh không thể nói bằng lời. Anh gửi vào thơ những gì rất riêng của mình về tình yêu quê hương, đôi lứa, hạnh phúc, khổ đau… và tất cả những điều đó cứ như giọt nắng tròn mà anh có lần muốn hóa thân: “Tôi muốn làm giọt nắng. Khi xuân chưa kịp về. Rơi vào trong im lặng. Ngọt ngào tình yêu quê”. (Giọt nắng – NXB Đà Nẵng – 1996).
Sinh năm 1952 ở Tam Kỳ, Quảng Nam, Đỗ Xuân Đồng tham gia kháng chiến từ rất sớm (1965). Là “học sinh miền Nam” cũng thuộc loại sớm (1969), du học Ba Lan (1974-1982) ngành Kiến trúc nhưng khi về nước Đồng lại chọn trái nghề khi về công tác ở ngành Ngân hàng (1983) và nay là Phó Văn phòng đại diện Vietinbank tại Đà Nẵng. Cứ ngỡ với một lần trái nghề đó đã đủ, không dè anh lại làm một “phi vụ” trái nghề khác khá bất ngờ khi xuất bản thơ.
Đỗ Xuân Đồng tâm sự: “Tập thơ đầu tay “Giọt nắng” được chọn lọc từ các bài thơ sáng tác trong những năm anh du học tại Ba Lan cho đến năm 1996. “Cái duyên” đến với thơ như một định mệnh. Bạn bè biết tôi có làm thơ đã giới thiệu với các nhà thơ Đông Trình, Thanh Quế. Thế là “Giọt nắng” ra đời”.
Cứ ngỡ chỉ trót một lần mạo muội, mượn nàng thơ để gửi những gì rất riêng của mình, không dè một năm sau anh lại tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ hai: “Lời của sóng” (NXB Đà Nẵng -1997). Tập thơ đã được bạn đọc và các nhà thơ đàn anh đón nhận một cách trân trọng. Nhà thơ Thanh Thảo khi đọc đến mấy câu thơ: “Nắng cát trắng bốn mùa bỏng rát/ Tôi bước đi như trong kịch câm/ Cơn gió hằn nghìn nếp nhăn lên vầng trán cát/ Như nếp nghĩ cha ông nghìn năm gởi vào im lặng” (Nổng Cát) đã phải thốt lên: “Chỉ mấy câu thơ mà cả cuộc đời truân chuyên, cả ý chí phi thường của nhà thơ ĐồNG hiện trên bãi cát – cuộc đời. Nổng cát của Đỗ Xuân Đồng ngoài cái bề rộng mênh mang cuộc đời, còn có bề sâu của thời gian lịch sử”.
Hai năm sau Đỗ Xuân Đồng trình làng tập thơ dành cho thiếu nhi “Bập bẹ” (NXB Đà Nẵng – 1999). Không đơn giản chỉ là những vầng thơ “bập bẹ” dành cho thế giới tuổi thơ, mà ở anh, nói như nhà văn Đà Linh: Anh đã phải trăn trở, suy tư rất nhiều để có những câu thơ giản dị và ngân vang, phải lăn lộn qua những tháng năm khắc nghiệt để cất lên những lời “bập bẹ” hồn nhiên. Nhưng có lẽ đến khi Đỗ Xuân Đồng cho ra đời Trường ca “Mầm đất” (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng -2006) anh đã để lại dấu ấn của một người trong nghề hơn là một người thích trái nghề. Trường ca đã làm cho người đọc phải giật mình khi đọc những câu thơ: “Ta tĩnh tâm nhìn được thua, phải trái. Ru giấc ngủ trẻ thơ nâng bước những nhân tài” (Mầm đất).
Càng ngạc nhiên hơn nữa khi cuốn tiểu thuyết “Cây dừng thiêng” của anh vừa mới được NXB Đà Nẵng phát hành vào tháng 7-2008, thì sau đó NXB Quân đội nhân dân đã tái bản. “Ngần ấy đã là việc lạ ít thấy hoặc chưa từng thấy ở những tác giả đã sáng danh” (Nguyễn Nhã Tiên).
Lấy cảm hứng từ những con người ở quê mình, Đỗ Xuân Đồng đã viết về số phận và sức sống, sự kiên trì bất tận của con người. “Cây dừng thiêng được xem như là biểu tượng khí phách, là sức sống mãnh liệt của dân làng, cần phải giữ gìn và truyền lại cho con cháu muôn đời sau” (Cây dừng thiêng).
Cứ thế các tác phẩm của “người thích trái nghề” này đều đặn ra đời như một người phụ nữ “mắn đẻ”. Hết NXB lại được Liên hiệp Hội văn nghệ, rồi thành phố quan tâm trợ giá để in và phát hành. Đỗ Xuân Đồng còn có tham vọng khi thổ lộ: Dự định sắp đến sẽ làm một đĩa CD 10-15 ca khúc do chính anh sáng tác cả nhạc và lời. Khi được hỏi với công việc một cán bộ ngân hàng, lại bận rộn với nhiều công trình của một kiến trúc sư, vậy anh sáng tác vào lúc nào? Đỗ Xuân Đồng không do dự: “Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, nhưng phải có sự tác động bên ngoài, nó như một ánh chớp. Tôi cảm thấy, hình như trong tôi đã có sẵn tất cả những gì mà người “phu chữ” (Chữ dùng của nhà thơ Lê Đạt) cần có, nên rất dễ bật ra”.
Đỗ Xuân Đồng tâm sự: “Thật tình trong suy nghĩ, tôi còn “nợ” nhiều với quê hương nên luôn tâm niệm phải cố gắng viết một cái gì đó dài hơi một chút, may ra giải tỏa được phần nào nỗi canh cánh bên lòng, không dám mơ đoạt giải. Và trường ca “Cát trở dạ” ra đời đúng vào lúc TP Đà Nẵng phát động cuộc thi. Tiểu thuyết “Cây dừng thiêng” cũng nằm trong mạch suy nghĩ này. Và trên hết đối với mỗi “con chữ” của Đỗ Xuân Đồng dẫu đó là văn, là thơ hay là những ca từ, anh đều hướng đến Tâm – Thánh- Thiện của mỗi con người. “Cây lột vỏ để cây được lớn. Ta lột hồn ta để được làm người” (Cây dừng thiêng).
Nhà báo Đỗ Hùng
Nhà thơ Đỗ Xuân Đồng: Chút hương lòng xin gửi lại!
Mỗi đời người đều có những trải nghiệm riêng. Với người làm thơ, họ thường gửi gắm trong thơ mình đôi khi chỉ vài câu thơ dung dị mà lay động lòng người bằng chính sự trải nghiệm và cảm xúc của người nghệ sĩ. Đỗ Xuân Đồng “lang thang giữa cuộc vui buồn/ mà lòng đau đáu nhìn hoàng hôn buông”. Đến lúc chiều về, khi đêm xuống, nhà thơ bỗng giật mình thấm thía nhận ra “âu đời sắp cạn thiệt hơn”… Có phải đó là sự chiêm nghiệm đúc kết bằng chính máu thịt của tâm hồn Đỗ Xuân Đồng trước cuộc sống đầy buồn vui, được mất này? Tôi không nghĩ mình lại là người may mắn được chuyện trò với người bạn thơ mà tôi hết lòng yêu mến trong những ngày cuối cùng với căn bệnh đầy nghiệt ngã này.
Khoảnh khắc
Bình minh vừa rạng chân trời
Hoàng hôn đã xuống, mình tôi cõi trần
Thương con chim lẻ bầy đàn
Tiếng kêu não ruột bay ngang lưng trời
Bay về đâu hỡi chim ơi?
Cuối hoàng hôn là đêm chơi vơi buồn
Cho ta gửi chút tình suông
Thức cùng đêm với hư không phận người
Chào bình minh của tôi ơi!
Chào hoàng hôn – kết kiếp người mong manh!
(Bài thơ cuối cùng của Đỗ Xuân Đồng)
Những ngày Đỗ Xuân Đồng lâm bệnh nặng, tôi và nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đến thăm anh tại nhà. Xuân Đồng không ngồi dậy được, thế mà những dòng chữ đề tặng anh ghi sẵn ở trang đầu tập thơ vừa mới in xong với tình cảm quý mến mà anh dành cho tôi. Đồng cầm tay tôi xúc động nói: “Mình gửi cho Nguyễn Ngọc Hạnh Một chút hương lòng (*) này. Tôi ứa nước mắt vì tình cảm thắm thiết mà Đỗ Xuân Đồng đã dành cho mình. Trong giây phút ấy, bất chợt lòng tôi khơi dậy biết bao cảm xúc mà cách đây đã hơn 6 năm, ngày đứa con gái tôi qua đời, Đỗ Xuân Đồng cũng ôm vai tôi an ủi, sẻ chia nỗi đau quá lớn của người cha mất đứa con gái còn xuân trẻ. Tôi mất con, còn Đỗ Xuân Đồng mất đi một đứa em đồng nghiệp thân thương cùng làm việc bên nhau suốt nhiều năm trong một cơ quan. Ôi, trong đôi mắt của bạn tôi lúc ấy có điều gì ẩn ức, “âu đời sắp cạn thiệt hơn”! Chẳng lẽ bao nhiêu bể dâu giữa cuộc đời này dễ dàng vơi cạn vậy sao, Đồng ơi!
Đỗ Xuân Đồng là một trong những người bạn thơ hiền lành, chân thực, sống hồn nhiên như chính câu thơ đời mình. Cam phận và đắm say yêu hết lòng cuộc đời này, cho đến những ngày cuối cùng, Đỗ Xuân Đồng vẫn không hề bi lụy: “Thôi thì chớ có nỗi niềm/ Cũng không cưỡng được đến thềm thiên thu/ Trăm năm ừ cũng xa mù/ Ta vui vẻ sống thực hư mặc đời”. Và, đúng là không cưỡng được nữa rồi, Đồng đã ra đi, đi mãi không về… Đỗ Xuân Đồng viết nhiều, không chỉ viết văn, làm thơ mà anh còn sáng tác nhiều ca khúc. Có vài lần tôi ngồi nhìn Đồng ôm đàn hát tình ca với một phong cách thư sinh hồn hậu. Đỗ Xuân Đồng viết rất sung. Từ tập thơ đầu tay Giọt nắng được chọn lọc từ các bài thơ sáng tác trong những năm anh du học tại Ba Lan ra mắt bạn đọc rất sớm, từ năm 1996. Cái duyên đến với thơ của Đỗ Xuân Đồng như một định mệnh. Có lần anh nói với tôi: “mình mạo muội, mượn nàng thơ để gửi gắm những gì rất riêng từ trong sâu thẳm tâm hồn như lưu giữ kỷ niệm của thời trai trẻ”. Thế mà chỉ một năm sau anh lại tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ hai Lời của sóng (Nxb Đà Nẵng, 1997). Và tập thơ thứ ba Bập bẹ (Nxb Đà Nẵng, 1999). Không đơn giản chỉ là những vần thơ “bập bẹ” dành cho thế giới tuổi thơ, mà đó là những trăn trở, suy tư từ ngày nhà thơ bước vào đời được chất chứa trong lời thơ giản dị, sâu lắng… Không lăn lộn với thăng trầm, đi qua những tháng năm khắc nghiệt thì làm sao cất lên những lời “bập bẹ” hồn nhiên đa nghĩa, đa mang ấy. Có lẽ đến khi Đỗ Xuân Đồng cho ra đời các Trường ca Mầm đất, Cát trở dạ, Hạt phù sinh, Đau đáu trường xưa thì người đọc mới tỏ tường, khẳng định Đỗ Xuân Đồng là một người đắm đuối với thơ ca cho dù trong sự nghiệp văn chương của anh còn nhiều tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết Uẩn khúc truông bo (Nxb Hội Nhà văn, 2012), Dòng sông không yên tĩnh, Mẹ và con và tập truyện ngắn Hạnh phúc của con cá rô đồng (Nxb Hội nhà văn, 2010). Đặc biệt tiểu thuyết Cây dừng thiêng vừa mới được Nxb Đà Nẵng phát hành vào tháng 7-2008, thì sau đó vài tháng Nxb Quân đội Nhân dân đã tái bản để kịp thời phục vụ bạn đọc trong nước.
Tôi với Đỗ Xuân Đồng thân mến nhau từ lâu nhưng không nhiều kỷ niệm như bạn bè tôi. Có phải vì ít khi chúng tôi ngồi chạm cốc hàn huyên mà những ngày cuối cùng anh đã dành cho tôi những kỷ niệm khó quên đầy thương mến. Có phải thơ đã “chạm” đến tận đáy lòng, chạm đến trái tim đa cảm của người nghệ sĩ. Từ bài thơ Thăm người anh lâm bệnh ngặt của Nguyễn Kim Huy viết rất nhanh sau khi đến thăm Đỗ Xuân Đồng. Sáng hôm sau, tôi giới thiệu ngay trên báo Công an TP Đà Nẵng, thì Đồng ở bệnh viện nhắn tin cho tôi: “Nguyễn Ngọc Hạnh ơi, chỉ có bạn bè văn nghệ mới thương nhau, yêu nhau hết lòng, người ốm nén cơn đau/ người khỏe ngăn tiếng khóc/ phút từ biệt quay lưng bước vội/ không thì nước mắt trào ra.
Sau đó vài ngày Đồng hôn mê sâu, bệnh viện đưa về nhà. Thế mà khi tôi mang tờ báo Đà Nẵng cuối tuần có trang thơ giới thiệu Đỗ Xuân Đồng đến thăm, đôi mắt anh bừng lên, miệng ấp úng ra hiệu cho cháu Đỗ Hoàng Nam, con trai út của Đồng nâng tờ báo lên vừa tầm mắt để anh xem. Và, trong ánh mắt xa xăm ấy, Đồng muốn nghe tôi đọc hết trang thơ của bạn. Đỗ Xuân Đồng nghe xong gật đầu, ứa nước mắt nhìn mọi người xúc động… Thêm một kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Thơ không chỉ là “giọt hương lòng tinh túy và tinh tế được chắt lọc công phu từ cuộc đời, từ nỗi đau” như Đồng đã viết trong lời mở đầu tập thơ này, mà thơ còn là sức mạnh của một bài kinh đầy huyền diệu và tinh khiết, là hơi thở bất tận của kiếp người mà Đỗ Xuân Đồng đến phút cuối cùng vẫn còn mong gửi lại chút hương lòng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Hạnh
(*) Gửi chút hương lòng – Thơ Đỗ Xuân Đồng, Nxb Đà Nẵng, 2019.