Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh: Làm đủ việc chỉ để viết văn – Tác giả: Nguyễn Trọng Văn

Ông là Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, là thầy giáo dạy văn đại học. Những tưởng như vậy đã ‘an bài’ được rồi, nhưng không. Ông đã làm đủ thứ việc, đủ mọi việc, kể cả những việc tưởng như rất ‘kị’ với nghề thầy, chỉ với mục đích kiếm tiền để ‘nuôi’ văn chương, để thỏa đam mê văn học của mình.

Gặp nhà văn Nguyễn Đức Hạnh ở Trại sáng tác do NXB Công an nhân dân mở tại Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Tôi đùa: “Tôi ở Hà Nội về/ Anh trên Thái Nguyên xuống/ Gặp nhau ở Bãi Cháy/ Thấy “lửa văn” bùng bùng”. Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh ghé tai tôi nói nhỏ: “Tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam ở chuyên ngành lý luận”. Ngạc nhiên chưa, tôi khẽ thầm trong họng, bởi biết đến ông là tôi biết đến những bài thơ in “ào ạt” trên các báo; là tôi biết đến một cây bút văn xuôi với các truyện ngắn “hay đến phát sợ” (chả là nhà văn Nguyễn Đức Hạnh viết truyện tâm linh sâu sắc lắm).

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh vốn quê ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên nhưng gia đình ông đã “di lên Thái” từ lâu rồi. Ông sinh ra và lớn lên rồi lập nghiệp ở Thái Nguyên, giờ thì ông thành người Xứ Chè thứ thiệt (về dự trại ông mang theo rất nhiều chè để mời anh em cùng uống).

PGS TS Nguyen Duc Hanh nhan danh hieu Nha giao uu tu min - Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh: Làm đủ việc chỉ để viết văn - Tác giả: Nguyễn Trọng VănPGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Để thỏa đam mê văn học, việc đầu tiên là ông thi vào Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, năm 1979. Sau 4 năm theo học, ông được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc. Dạy ở đó hơn 7 năm thì ông chuyển sang Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên. Giảng viên Nguyễn Đức Hạnh phấn đấu lên đến chức Phó Trưởng khoa thì năm 2012 ông rẽ ngang sang NXB Đại học Thái Nguyên, từ Phó Giám đốc lên Giám đốc. Tưởng yên ổn rồi thì lần nữa ông lại “đi”. Năm 2019, ông làm Phó Trưởng ban Thanh tra Đại học Thái Nguyên cho đến tháng 10 năm 2022 thì nghỉ hưu.

Tôi nghe “tràng dài” công việc với nhiều đơn vị thì nói: “Chuyển việc nhiều thế”. Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh lại ghé tai tôi nói nhỏ: “Đấy là tôi chưa kể cho anh hay rằng tôi còn làm nhiều việc “tày đình” khác nữa”. Tôi trố mắt rồi đề nghị ông kể tường tận.

Đúng là nhà văn, nhà giáo Nguyễn Đức Hạnh có cả cuộc đời gắn bó với ngành giáo dục thật nhưng ông còn làm thêm rất nhiều việc khác nữa, như ông nói là để “nuôi”, nuôi cơm vợ con và nuôi viết văn. Chuyện nuôi vợ con thì dễ hiểu rồi nhưng nuôi viết văn thì tôi chưa hiểu. Ông cười hóm: “Tạo vốn sống và vốn hiểu đời anh ạ”.

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh vào nghề viết văn với xuất phát điểm là thơ. Cho đến nay ông đã in 4 tập thơ. Những tập thơ tạo ấn tượng với độc giả như: “Núi khát”, NXB Hội Nhà văn, năm 2000; “Vết thời gian”, Sở Văn hóa Thể thao Thái Nguyên, năm 2014; “Khoảng lặng”, NXB Đại học Thái Nguyên, năm 2016 và “Thầm”, NXB Hội Nhà văn, năm 2020. Chưa hết, cùng thời điểm ra thơ này ông còn xuất bản 3 chuyên đề khảo cứu và phê bình văn học. Đó là những cuốn: “Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ 1965-1975 nhìn từ góc độ thể loại”; “Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Chu Lai và Văn học địa phương miền núi phía Bắc”. Toàn là những khảo cứu nghiêm túc và chất lượng.

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh nói: “Bài thơ đầu tiên in trên Báo Văn nghệ năm 1991 có tên là “Dốc”, nó như là chính cuộc đời tôi anh ạ”. Ông đã viết “Những tháng ngày dài đến đứt hơi/ Tôi như con ngựa già còng lưng leo dốc/ Hàng nặng chân run mắt mờ lệ nhọc/ Tôi muốn quăng xe đi mà nằm xuống bên đường”.

Thì ra trong cuộc mưu sinh vào những tháng năm kham khó, nhà giáo trẻ Nguyễn Đức Hạnh từng có 5 năm “theo bưởng” vào Thần Sa, Khâu Âu rồi Tràng Xá, Võ Nhai để đào vàng. Dĩ nhiên ông phải “gồng” lên để hoàn thành đủ chỉ tiêu giảng dậy 280 tiết một năm. Nhưng rồi việc đào vàng với hy vọng “đổi đời” thất bại. Anh giáo Hạnh quay về nhà để chạy xe ôm. Ông kể thầm thì: “Tôi chỉ dám chạy xe ôm ra vào bãi vàng thôi. Chạy xe trong thành phố sợ sinh viên và đồng nghiệp bắt gặp. Cũng ngượng lắm”.

Bia mot so tac pham cua nha van Nguyen Duc Hanh min - Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh: Làm đủ việc chỉ để viết văn - Tác giả: Nguyễn Trọng VănBìa một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh.

Rồi cũng chưa “giàu”, anh giáo Hạnh lại xoay sang nghề vác máy ảnh đi chụp ảnh dạo cho du khách, thực ra chụp ảnh dạo cũng manh nha lâu rồi, từ năm 1983 kia, nghĩa là cùng lúc anh giáo Hạnh làm đủ kiểu để kiếm tiền. Tới năm 1991, thì ông mới thôi vác máy ảnh chạy rối rít theo chân du khách mời mọc họ đứng rồi cười toe toét cho mình bấm vài nháy.

Tôi hỏi thêm: “Thế đã hết các kiểu nghề kiếm sống chưa?”. Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh nói: “Còn. Tôi còn có 6 tháng đi đào than thổ phỉ ở mỏ than Làng Cầu bên huyện Đại Từ nữa. Vẫn chưa hết, tôi còn “kết hợp” với vợ mở quán bán nước chè ở ngay trong trường. Khổ nỗi sinh viên ra quán uống nước, hút điếu thuốc toàn “ghi sổ” thôi nên phải dẹp quán. Chỉ đến khi tôi tham gia luyện thi đại học thì mới khấm khá lên được”. Tôi đùa: “Ai bảo mới 21 tuổi đã lấy vợ rồi 22 tuổi đã có con. Tôi đây này, có con khi tuổi cao cao một tí nhưng được cái không chạy đôn chạy đáo kiếm tiền hồi thanh niên trai tráng”. Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh cười (hình như có chút bẽn lẽn).

Hồi nhỏ (cũng tới tầm 30 năm) gia đình ông dựng nhà ở ngay sát nghĩa địa Dốc Lim, nghĩa địa lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Hình như những linh hồn lởn vởn cùng cái khí u u minh minh mà cậu bé Hạnh cảm nhận được đã “truyền” cho ông năng lực viết lên những câu chuyện đậm tâm linh. Lúc nhỏ, vì ham mê đọc sách mà nhiều khi cậu bé Hạnh lẻn vào nghĩa địa, tìm ngôi mộ cao ráo có mái che để nằm đọc sách, có lẽ vậy mà cậu bé Hạnh đã nghe được “tiếng” của những linh hồn?

Tôi thực sự có ấn tượng mạnh với truyện ngắn “Gào thét” của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, thực sự man miên với truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Từ Đằng” của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh. Đó là những truyện ngắn lấy cảm hứng từ những câu chuyện đời thật và từ chính bản thân của tác giả. Những truyện ngắn này đều đậm dấu ấn tâm linh và tác giả đã vận dụng rất thành công từ khuynh hướng “hiện thực huyền ảo” của văn học châu Mỹ La tinh.

Rồi truyện ngắn “Hoa huê tình còn thơm” in Báo Văn nghệ năm ngoái nữa (2022). Truyện ngắn này đã lọt vào top ten “10 truyện ngắn hay năm 2022” của báo. Đó tuy là chọn lựa của Ban biên tập báo nhưng như một giải thưởng văn học vậy. Xin được nói thêm rằng: Cũng năm 2022, nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Tiếng chuông chùa Từ Đằng”, sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh trong những sáng tác của mình ngoài đề tài miền núi và tâm linh ra còn có những “ưu tiên” cho đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân. Bài thơ “Những người hát bè trầm” của ông khá thành công, được phổ nhạc thành ca khúc cùng tên rất phổ biến. Lời thơ có câu: “Nơi đây gió dữ như dao chém/ Bao cánh hoa bay trắng trời chiều/ Đất rắn như đá/ Cỏ xanh buồn hát khúc cô liêu/ Dáng lính trẻ cong như dáng mặt trời/ Lưỡi dao lia ngang mồ hôi chảy dọc/ Cây còi cọc chờ đếm từng lá non/ Tàu chuổi xác xơ không che đủ mái đầu/ Sớm nay hoa bừng nở/ Cây trái ngọt lành say đắm níu nhau/ Một ngày vinh quang vạn ngày khổ luyện/ Nơi đây là bệ phóng của chiến công”. Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh cho biết: “Bài thơ này tôi viết tặng Trung tâm rèn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ở núi Ba Vì. Trên đó thời tiết rất khắc nghiệt”.

Với những nỗ lực và đóng góp cho sáng tác văn học và nghiên cứu văn học đó, nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã đạt nhiều thành công đáng ghi nhận. Năm 2011, ông được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn học. Năm 2016, ông được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Thái Nguyên.

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã nhận các giải thưởng văn học như: Giải Nhất về lý luận phê bình văn học với công trình chuyên khảo tiểu thuyết Việt Nam và một giải Ba tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2013. Giải Khuyến khích về truyện ngắn Giải Cây bút vàng của Bộ Công an năm 2020 cho truyện ngắn “Viên đạn thứ 3”; Giải C Cuộc thi viết về hình tượng người lính Cảnh vệ, năm 2022 với 2 bài thơ: “Những người hát bè trầm” và “Rừng cây chắn sóng”.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây