Tác giả Hồ Sĩ Bình

Tác giả Hồ Sĩ Bình

HỒ SĨ BÌNH

– Sinh: 1954. Quê: Quảng Trị
– Tốt nghiệp Việt Hán ĐHSP Huế
– Làm việc tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.
– Hội viên Hội Nhà văn VN.
– UV. BCH. Hội Nhà văn Đà Nẵng

Đã xuất bản:
Bên triền sông Ô Lâu (Bút ký. Nxb Hội Nhà văn 2012),
Màu xanh Đăk R’Lấp (Bút ký. Nxb Hội Nhà văn 2015),
Nhạn qua sông bóng còn in trên mặt nước (Bút ký – Tiểu luận, Nxb Hội Nhà văn 2017. Tái bản 2020),
Mưa nắng lưng đèo (Thơ. Nxb Hội Nhà văn 2019),
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện (Bút ký – Tiểu luận. Nxb Hội Nhà văn 2021).
Ngày sinh của gió (Thơ.Nxb Hội Nhà văn 2021 – Giải thưởng Hội Nhà văn Đà Nẵng 2021)

 

Nhiều khi

Nhiều khi uống rượu như đời cạn
bốn phương mờ mịt tỉnh như mê

Đừng tưởng tàn sức mà ước vọng
tan sương cứ tưởng bóng ai về

Nhiều khi dừng chân nơi bến cũ
thuyền trối sông vắng tưởng tiêu dao

Dừng bước thị thành đêm trở gió
nghe lộng phù vân lạc mất nhau

Cuối năm ngồi lại nơi ga xép
lạnh dưới chân mình những chuyến đi

Khói tàu thưở ấy mà như mộng
thăm thẳm trường giang ngó xanh ri

Đừng tưởng rằng ta người yếm thế
ta có buồn đâu chỉ nhớ nhà

Người đã chôn chân nơi vườn quế
trời rộng hoài chi tiếng thị phi

Giành giật chi nhau đời cũng phế
rượu cũng sa đà thôi trắng tay

Ngồi nghe thế sự buồn lau lách
ngọn cỏ phiêu bồng như cõi không

 

Chờ

Mẹ vẫn chờ cha năm tháng
bên án thư quạnh quẽ
trong ngôi nhà quay mặt ra bến sông
chiến tranh tàn lụi lâu rồi
đã khuất bóng người
dẫu còn trên những ngón tay hy vọng
đã tuột dần

Chị vẫn chờ chồng
những cuộc vui khác đã kéo anh đi
lạc mất đường về
dẫu mâm cơm đã nguội lạnh
chỉ còn tiếng thở lẻ loi của đêm

Em có còn chờ tôi
bên bậu cửa
nơi chỗ ngồi gió lùa

Nếu không còn ai chờ
tôi sẽ như con ve xẹp lép
không màng hát ca
tôi sẽ đánh mất tôi
dưới mái nhà yêu dấu

 

Ve và trí nhớ

Tôi bước ra từ những trang giấy trắng cùng những giấc mơ trên những hàng cây
ủ trong góc phố đã tuẫn đạo bỏ quên những cánh phượng trong tập giấy hồng đẫm mộng của một con ve sầu đã chết
ve sầu không có trí nhớ không biết chiến tranh là gì, cần thiết hay vô nghĩa
nó đã bay lên khỏi mặt đất, cất tiếng hát để đi đến tận cùng cái chết mùa đông
nhưng chiến tranh đã xóa mất hết cây cối
những chú ve của mục đồng không còn nơi trú ngụ

Những cây phượng còn quá nhỏ không đủ sức nuôi ấu trùng để trở thành ve
không còn hát ca về những chiến tích và nỗi buồn số phận

Không còn ai nhận ra kẻ lạ mặt ngày trở lại
chỉ có những chú chim chào mào cổ đỏ trong ký ức bay về
cùng chùm trái muối chín xạc xào trên cây
và chiếc lá đắm đuối theo dòng sông trôi ngược
chỉ còn lại những câu thơ vắng bóng tiếng cười

Có ai tính bóng tối tháng ngày du sĩ tìm chốn nương thân
đáng lý, em về ngồi xõa tóc để mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ
câu hát ngày xưa mẹ ngồi hát nơi bến sông trong tiếng ve của khúc nhạc đồng ca mùa hè thị xã
bóng mát đã bị đánh cắp tuổi thơ, tiếng ve, cánh phượng hồng lạc gió một trời xa

 

Uống rượu giữa rừng
(nhớ chị H, những ngày điền dã ở Tây nguyên)

Người đàn ông hát bài ca mời rượu
đá cuội nằm im lơ đãng
đứa trẻ bơi qua sông bẻ bắp
người đàn bà vẽ đời mình trên bông lau nơi rừng cũ

Những mẩu chuyện chuyền nhau bằng cần rượu
chiếc lá vừa rụng nằm chờ con suối nơi khe đá trôi đi
cơn gió thấy mình không còn trẻ thơ
dưới dòng sâu đục ngầu một đóa hoa vừa nở
người phụ nữ ngồi hát về giấc mơ mưa bụi
những cơn mưa bụi không có thật

Bên những bức tượng nhà mồ bị đánh cắp
đôi mắt đen huyền âu lo những nhát rìu phiên bản
những cây gỗ chỉ ngồi đợi một lần trong đời khi linh hồn sống lại lang thang không có đường về
trên những sân khấu đèn vàng thiếu vắng trời xanh và chim chóc
múa may bằng chiếc mặt nạ với vũ khí hái lượm hồng hoang lạ lẫm

Người đàn bà lại hát u. ơ… u. ơ
mời lợn về ăn cơm
bếp lửa còn muốn tỏ tình mắt đêm sâu hút
từ đống tro tàn phục sinh một loài chim trong kinh thánh
rượu không còn hương chỉ còn mùi khói chín đầy chăn gối
người phụ nữ Ê Đê bỏ lá cây gì gửi vào trong vò rượu nỗi nhớ
dài rộng mênh mang đại ngàn đi đâu chồng cũng đừng quên về nhà
chớ nghe gió rủ rê
mà quên buôn làng

người đàn ông cứ hát bài mời rượu
không cần biết mọi người đã ngủ

 

Hà Nội chiều gió

Nhớ ông già điếu cày
rít một hơi dài
ngọt sắc như lưỡi gươm đâm toạc bầu trời
như tiếng rượu chuyển trong ghè rượu ròng roọc bên bếp lửa

Và chén trà đậm mùi thuốc Bắc

Ta thèm một vại bia hơi
cho đỡ khát
bọt bia dính tràn cả mồm cả mép
thưở ấy Thái Hà ấp

Nhớ ngõ, vỉa hè lưa thưa nắng
một người cởi trần nằm giữa sàn nhà trên gác dịch Trăm năm cô đơn từ tiếng Tây Ban Nha
đứa con gái tặng tuyển tập thơ ca J. L. Borges
khi người dịch không còn nữa

Chỉ còn lại những câu chuyện rưng rức
của người còn sống
những chai bia Trúc Bạch chắt chiu ngày giỗ đãi bạn bố ở xa về
quyển sách đặt lên bàn thờ
người không được nhìn thấy buổi sinh thởi
đêm hút mắt phố Tràng Tiền

Gói xôi nóng hôi hổi và miếng chả quế thơm chiều rét
mẹ già búi tóc mỏ quạ
thấy quen trong những sách cũ ngày thơ bé

Cầm tay ai bối rối – tóc thơm mùa Hà Nội
mắt biếc tay ngà
đêm xanh
như mùa thu rớt ngọt

Người đàn ông lẩn thẩn mất rồi
những gì cũ rích chẳng làm nên trò trống gì
chỉ làm ta mệt
vì nhớ
chẳng ích gì

 

Mỏi vó tang bồng

Còn không một nét môi hường
Đường xa mỏi vó tang bồng mai sau
Thôi người một thoáng mưa mau
Câu thơ thấm ướt bạc màu thời gian

Mai về ngồi với gió ngàn
Đem hong vạt áo võ vàng dấu chân
Rót thêm một chén rượu tàn
Một mình ngồi lại giữa ngàn sương lay

Dẫu chiều còn động heo may
Con chim trốn núi đã rày mộng xa
Đêm nghiêng rừng khép hải hà
Nghe trong tiếng sóng quan hà bão dông.

 

Ám ảnh thừa truyền

Căn nhà gỗ như trong chuyện cổ êm ái những ràng buộc quay về sớm mai thức dậy
nhập nhòa trong khói hương khi bóng tối còn ngần ngại chưa bước ra khỏi ô cửa
bên án thư dấu vết quên lãng bụi mờ bám vào lời phúc âm

Cha hiện ra trong nỗi bàng hoàng
áo dài khăn đóng như chỉ thấy trong ngày lễ trọng
ngồi im lặng rất lâu trên khuôn mặt còn thơm mùi trầm
trong đôi mắt thoáng một nỗi dịu dàng
nhưng không hề giấu được sự thất bại

Đã qua thời tuổi trẻ khát vọng
và niềm mong ước quá đỗi lớn lao cha không bao giờ với tới
giấc mơ đèn sách khép lại bên trời
để lại trong căn nhà ám khói

Tôi lớn lên bằng tuổi chiến tranh
trên một miền quê đầy bão dông lấm láp những cánh đồng khô hạn
ám ảnh những thừa truyền tiếp nối
sự thất bại của Người bỏ lại tôi mang theo suốt cả đời
dù đã báo trước trong giây phút khởi hành

Như một tội đồ mang vác trên vai tảng đá quá sức mình để vượt dốc
không ai dám khước từ

Tôi phải dừng lại dưới triền dốc
cây lúa trên đồng chưa kịp đòng đong đã vội úa tàn

Chiến tranh đã lấy đi nhiều thứ
anh em không kịp nói với nhau điều ân hận

Những khi nghĩ đến cha
tôi hay trở về nơi ngôi nhà cũ
nơi khu vườn đầy hương hoa cau
với chén trà thơm lừng hoa sói
nhìn thấy cha ngồi không nói
gió ngoài vườn vẫn lao xao vương vấn nỗi niềm không thể bình yên.

 

đôi khi

đôi khi ly cà phê để lại
chén rượu ai đó bỏ dở nửa chừng
đôi khi gió đập ngoài cánh cửa
tưởng có ai quen
mà đi vội

đôi khi động đậy sau vườn
bóng lá khô thức giấc
rón rén như tiếng cười
rồi biến mất

đôi khi nhớ câu thơ ai viết
hãy đến tìm tôi trên những dấu giày
đôi khi ngại những con đường
không đi hết mê say

đôi khi muốn đứng dậy
cuộc vui nửa chừng bỏ lại
một chỗ ngồi

đôi khi
gặp lại nơi ngôi nhà bỏ quên tiếng hát
hoang vu mặt người
trái tim chưa một lần cúi xuống
vết đau thương cảm

đôi khi thấy em ôm mặt khóc
nơi tình yêu ở lại
đôi khi em lại ở rất xa
dẫu không muôn trùng

 

Mộng mị quanh đời

Phố thị xuôi về nơi khúc sông nhỏ, mùa xuân
đánh rơi dưới chân cầu cũ, lấm tấm những hạt vui,
những dấu buồn khuất lấp.

Hoa cải vàng bao nghìn thu
cũng một màu thảng thốt.
Mưa bụi bay bay tháng giêng ơi
một chiều không đổi.

Vẫn là một màu sương ấy,
bập bùng trong trái tim
rung như quả lắc, mập mờ một điều rất mới.
Hiu hắt triền đê bóng chiều hấp hối.
Chợt ngại ngần muốn hỏi
Khế trong vườn hoa tím chưa em?
Ta phiêu dạt cũng là điều bất đắc
như cây đổi mùa, gió lộng triền sông.
Cũng như em mưa nắng đã vô thường,
cầm trên tay biết lá rụng về đâu.

Về đâu, về đâu
một thời tăm tối
vàng lạnh môi người
vời vợi…

Và mộng tưởng bao giờ cũng thực
mà đời chẳng khi nào là mộng
nên ta cứ về
đứng đợi dưới trời sao…

Phố phường bao năm phập phờ ngơ ngác,
ẩn ức lòng mình hoài tiếc một thời xa.
Những đợt sóng vọng âm của ngày bảo rớt,
gửi cho ai niềm ái ngại phía dòng sông.

Đêm thiếu ngủ trở hoài cơn gió hú
Đợi ngày về mê mải tháng năm trong
Mà thôi, ta chỉ là khách bao lần trở lại
Nặng lắm lòng mình chẳng dám nhìn ai

Khách thì lạ mà đời thì xuôi ngược
thì trách chi mưa nắng bên thềm.
Sao lại thế, nỗi hương quan bong bóng,
hoa cỏ dửng dưng cả trời mây tím tái.

Quê quán ơi, bao lần trở lại
trở lại bao lần
cũng chỉ để mà đi
Biển nhớ sông
sông lại nhớ đầu nguồn
Ngồi trước biển cứ nhắc về với núi
Ở non cao đăm đắm phía đồng bằng
Mưa rát mặt một thời cổ xứ

Ừ bạn cũ cứ về đây quanh chiếu rượu
Ba mươi năm mộng rớt giữa giang hà
Câu thơ cũ bạn đọc như sóng dội
Ta mềm môi theo cuộc ta bà.

Vẫn là nắng của một thời mây trắng
Hơn nửa đời chưa đi hết chiêm bao
Hoang hoải quá những ngày xưa đối bóng
Tìm nhan sắc mà kể chuyện tang bồng.

Tóc bạc rồi, sông nước cũng đầy vơi
Bạn cười vui như lão ngoan đồng
Ta muốn khóc đã thèm chiều ly biệt
Sợ có ngày bạn cũ cũng thưa dần

Dẫu có biết ngàn trùng sau núi dựng
Ta rong chơi đến bữa sẽ quay về
Này tóc tiên nét kiều xưa phủ dụ
Để đời ta huynh đệ cứ sum vầy.

Quê quán ơi
Bao lần trở lại
Trở lại bao lần
Cũng chỉ để mà đi

 

Ngày em về Bến Ngự

Em chợt đến khóm tường vi bỗng đậm
hương toả vào đêm để quên ngày

Đứng nhón chân bên hiên nhà rất vội
phượng đỏ môi đầy luấn quấn cầm tay

Đâu cần đến mây trời cuộn lại
trong mắt em giông tố phủ đầy

Em cất giữ những tình thư lửa ấm
sợ lâu rồi gió cũng heo may

Chẳng còn con đò vẳng khúc đêm tàn bến ngự
vườn khuya ai hát biệt dạ hành

Bóng ngựa hồng chênh chao ngày cổ xứ
thả ngại ngần con nước vơi đầy

Thương nhau ra cầu nhìn nước chảy
ngồi đợi mùa thu nghe sương lay

Một lần đến rồi đi buổi ấy
vệt rêu mờ biền biệt chân mây

Phố vẫn nhỏ như bàn tay con gái
và xanh xao như hơi thở sang mùa

Chiều rất cũ như ngày xưa rớt lại
nghe giữa lòng hoang vắng chút mơ phai

 

sương thung khe
(tặng trung trung đỉnh)

Tôi yêu đất này từ khi chưa đến
mùa em thơm nếp xôn xao ngoài nội
trang thơ trắng lau lách những tiếng cười
môi hồng còn ngọt thơm mùi mật mía
chén rượu hồng chiều nay sóng sánh
màu nguyệt bạch
giấu trong nụ cười xa xôi như mây ngoài non xa

Em đến từ đâu trong bóng tối
chén rượu đuối mắt còn vương vấn sương đêm
củ mài lá ngón trong hốc đá chưng cất trên rẻo cao
thả vào rễ cây gì không ai hay biết
đừng đi theo ngọn gió hoang nữa
hãy về bên nhau bếp lửa thả vào mắt hoang dã
                                                tóc phơi màu nắng
cỏ thơm nồng dậy thoảng hương chăn chiếu
Thung khe quanh năm mùa sương ngọt
những cánh đồng miên man căng
                           ngực trần thảo nguyên
mùa xuân chảy trôi vào chân núi
mang theo những ngôi nhà sàn gỗ màu đất
màu hoa văn kính vạn hoa chập chùng thổ cẩm
rộn rã điệu múa xòe đính cạp rồng cạp phượng
kéo vầng trăng xuống thấp đến chóng mặt
tôi úp mặt nhoà vào sương vào rượu và em
chới với một lần mắc cạn
sương tím bên kia đèo thung khe

 

Bên ni cầu

Bữa, em về ngang trường cũ
nhớ cây đoác lẻ loi trong ký ức
da xù xì mốc meo lưu cữu như bộ nhớ
những ngày em qua đã lâu.

Trên hành lang mở ra trang sách
em chợt nghĩ về dòng sông trước mặt
trong những giấc mơ về sáng
chiếc khăn quàng trời lạnh cắn ngang môi
ai ngăn được gió động trong lòng

chiếc áo dài đã bỏ quên thuở ấy
cất giấu một nỗi buồn không thèm nói ra
sau ô cửa kia
em gởi lại một chỗ ngồi ngơ ngác
tập luận văn chưa kịp viết
lòng còn luyến tiếc

ngày em xa không ai đưa tiễn.
thật kinh khủng. cái thời giấu mặt. giấu cả tình yêu. thời nguỵ tín
một thế hệ gãy cầu

mỗi người đi mỗi ngả không kịp nói điều gì
có người không bao giờ trở lại
dù đã nhiều năm thầm hẹn
chiếc lá thả trôi trên dòng sông mờ mịt
ơ hờ đám mây u ám

đã quá xa trong đời những thôi đường nắng dội
ta khát bỏng những tiếng cười
lạc loài ấm ớ
nghịch lý của muôn đời
những gì đã mất không níu lại được
mãi hoài neo đậu yêu thương
trong trí nhớ tật nguyền

 

nếu như

nếu không đùa vui với sóng
làm sao biết tình yêu đại dương
nếu em không nhìn thấy mỏ neo
làm sao biết ấp iu nỗi nhớ bãi bờ

nếu không ngủ lại giữa rừng
làm sao em biết
bóng tối không thuộc về chúng ta
nỗi âu lo sâu thẳm rừng già

nếu em không mở cửa
trong khu vườn rực rỡ hoa ngũ sắc
làm sao ta biết
trong veo màu thơ ấu

mỗi một bài thơ tôi viết
chỉ để lấp đầy nỗi tiếc nuối khôn nguôi
nếu em không nhặt bài thơ lên đọc
làm sao biết
một nỗi tiếc nuối khác nơi em
bắt đầu đập cánh bay lên

nếu trong đêm mưa gió nội thành
em cứ ngồi khép cửa
làm sao tôi biết trần gian
có một thiên đàng chìm trong đêm tối

                               

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG
TRONG TIỂU THUYẾT MINH SƯ CỦA THÁI BÁ LỢI

Dù không ghi là tiểu thuyết lịch sử nhưng Minh sư(1) đúng là một tiểu thuyết lịch sử mà Thái Bá Lợi đã lựa chọn và tái hiện giai đoạn của vùng đất Thuận Quảng, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng năm 1558 và trước đó nữa. Viết về giai đoạn này, tác giả đã tập trung vào việc xây dựng nhân vật trung tâm cho tiểu thuyết là hình tượng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Minh sư đã giành được Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Southeast Asian Writers Award)(2) 2013 do Hoàng gia Thái Lan trao tặng tại Bangkok.

Duyên cớ gì để ông chọn câu chuyện về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và giai đoạn lịch sử phức tạp của một miền đất mới Thuận Quảng hoang dã nhưng kỳ thú, nơi có cộng đồng người Chiêm sinh sống trong nghiệt ngã của số phận với những cuộc chiến kéo dài?

Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết: Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi lần đi đường Hải Phòng ở Đà Nẵng, tôi thường vấn vương tại sao lại đổi tên đường Nguyễn Hoàng thành đường Hải Phòng dẫu biết rằng Hải Phòng là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng, nhưng có thể chọn lựa nghĩa tình một con đường lớn hơn chứ ai lại giành đường Đoan Quốc công, vốn là con người trọng nghĩa khí. Trăn trở ấy của tôi được đánh thức bởi khoảng năm 2003 – 2004 khi tỉnh Quảng Nam do Bí thư Vũ Ngọc Hoàng và Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo chủ trương phát động phong trào sáng tác về đề tài Quảng Nam. Các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và Phong trào Duy Tân và thời kỳ hình thành xứ Quảng Nam từ năm 1471. Hai đề tài trên đã có người nhận, nhà văn Nguyên Ngọc giới thiệu tôi viết đề tài thứ ba. Tôi chọn hình tượng Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng với gắn bó 6 năm ròng rã…

Thế nhưng khi bắt tay vào viết gặp phải rất nhiều khó khăn. Tư liệu trong chính sử ghi chép về thời kỳ này vỏn vẹn mấy bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám, Đại Nam thực lục tiền biên cũng đã giúp tác giả phần nào miêu tả sát với hiện thực của một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên phần ghi chép về Nguyễn Hoàng rất ít. Anh kể lại: Viết về các nhân vật lịch sử, tư liệu rất quan trọng. Trong gần 4 năm đi tìm tư liệu tôi cũng chẳng phát hiện điều gì mới mẻ so với những gì đã có trong kho lưu trữ. Những lần như vậy dù ở Gia Miêu hay ở Ái Tử là điều kiện cho tôi suy gẫm về nhân vật của mình, về con người đã biến những nguy cơ diệt vong của gia đình, dòng họ, bản thân đã tận dụng cơ hội để làm nên nghiệp lớn. Tôi cố hình dung ra ông, sống với những suy nghĩ hành động của ông để dần dần tạo dựng được hình tượng nhân vật mà mình ấp ủ, tâm huyết, mong muốn gửi đến người đọc tâm sự của mình về con người kỳ đặc này. Công việc của tôi chỉ có vậy và tôi chỉ cố gắng hết sức cho công việc này…

Với Minh sư, Thái Bá Lợi đã đem đến một cách nhìn mới về tiểu thuyết lịch sử, với những tìm kiếm sáng tạo nghệ thuật khát khao đổi mới trong cách viết. Minh sư được viết trong sự kết hợp thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, tái hiện, kể tả, độc thoại, đối thoại bằng một ngôn ngữ bình dị và điềm tĩnh hàm chứa những ẩn ức.

Mở đầu tập tiểu thuyết là sự xuất hiện của hai nhân vật. Một, chị Tư Trà – người vợ của liệt sĩ đi tìm mộ của chồng và Đoàn Minh Thành – đồng đội cũ của chồng chị Tư Trà, đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu về cuộc đời của Nguyễn Hoàng (1525 – 1613). Hai nhân vật được xem như người dẫn chuyện. Mỗi người mỗi hướng suy nghĩ khác nhau, chị Tư Trà dù có chồng là liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh vẫn khao khát một tinh thần hòa hợp dân tộc, những mất mát hi sinh từ hai phía theo chị đều là những nỗi đau chung. Còn người kia, là những ám ảnh không  nguôi về nhân vật chính: Nguyễn Hoàng. Anh tìm hiểu, nghiên cứu con người Nguyễn Hoàng trong suốt cả hành trạng, từ các mối quan hệ, cách hành xử với mọi người, những kết quả thu được, ý nghĩa và giá trị của những công đức tích hợp… trong cách nhìn của người đời sau. Sự xuất hiện của chị Tư Trà và Đoàn Minh Thành với những chuyện trò xoay quanh những chủ đề về hiện thực đời sống và những hồi ức về giai đoạn lịch sử thế kỷ 16 trên miền đất Thuận Quảng cùng với vị anh hùng mở cõi Nguyễn Hoàng được tổ chức kết cấu theo nghệ thuật đồng hiện, đưa người đọc sống trong không gian hai chiều, khoảng cách hơn 450 năm như một sự nhìn lại lịch sử – trong nỗi trầm thống của những biến động không ngừng của thời cuộc giữa quá khứ và hiện tại. Tôi vẫn có cảm tưởng như hai nhân vật trên, đôi khi xuất hiện nhằm diễn ngôn cho tác giả những suy nghĩ khi đánh giá về nhân vật trung tâm của câu chuyện: Đối với Thành, hình ảnh người thống soái già rót trà mời lính và tôn họ là Minh sư đã khép lại những suy tưởng của anh về Nguyễn Hoàng. Anh muốn ấn tượng mạnh mẽ đó ở lại với anh mãi mãi, dù rằng nếu bây giờ Đoan Quốc công có ở bên anh thì ông sẽ cho những điều của anh là hư vọng (Sđd, tr.440). Rõ ràng trong đoạn văn có tính tự biện đã phần nào nói lên những suy gẫm mang quan điểm và những gởi gắm cảm thức của tác giả về nhân vật của mình.

Đã qua rồi, cái thời kỳ viết văn chương lịch sử theo kiểu tiểu thuyết sử thi. Trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại, nhà văn cần hơn bao giờ hết trí tưởng tượng và những thao tác nghệ thuật khi xây dựng nhân vật lịch sử trong quá trình cần được nhìn lại, giải mã những bí ẩn, khuất lấp, hoài nghi, đào sâu vào bên trong để miêu tả tâm lý, tính cách của nhân vật. Thái Bá Lợi đã tạo cho nhân vật Nguyễn Hoàng với nhiều góc cạnh, trước hết như một con người với những xung khắc trong tư tưởng, ý thức. Anh không theo cái motif miêu tả nhân vật lịch sử theo kiểu chiêm bái, ngưỡng vọng, khẳng định mà anh khai thác yếu tố “đời tư, đời thường” của nhân vật thông qua đối thoại, cách hành xử giữa các mối quan hệ, tâm tư tình cảm được biểu hiện trong mọi tình huống, những thao thức băn khoăn nội tâm, tấm lòng với nhân dân, với vùng đất mới. Hình tượng Nguyễn Hoàng dần dần được diễn ngôn là một con người có đức độ, tài năng chính sự quan hòa, một bậc kiệt hiệt dưới mắt mọi người: Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyễn cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao công tử trấn thủ phương Nam. Ngài là bậc kiệt hiệt, mỗi bước đi đều tính toán kỹ càng chứ đâu có hồ đồ như bọn ta. Khi ngài rời triều đình vào đây hơn 40 năm trước đã tính cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc công mới trên 30 tuổi. Thật là kỳ đặc, tính được thời vận như thần (Sđd, tr.437).

Đoan Quốc công là người thông minh, khôn khéo, tùy theo hoàn cảnh thời điểm mà hành xử. Khi mới vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, lực lượng quân bị còn mỏng, lòng dân chưa yên biết là khó đối địch trực diện với quân Trịnh, Quốc công  đã khôn ngoan, ẩn mình, chờ đợi thời cơ bằng cách mềm dẻo, hòa hoãn là thượng sách lúc này.

Bối cảnh xã hội của vùng đất Thuận Quảng trước đó rất phức tạp, xã hội thì toàn là lục lâm, thảo khấu, việc cần làm trước mắt của Quốc công là bình định dân Chiêm, tiêu diệt nhà Mạc, các đảng cướp, phỉ… Và chính nhờ đức độ, hết lòng vỗ về an dân với một nền chính trị quan hòa, pháp luật công bằng, quân lệnh nghiêm túc nên “dân trong xứ đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng…”. Điều làm nên điểm sáng của nhân cách Nguyễn Hoàng chính là quan niệm sống và làm việc bằng tâm niệm nhân tâm. Trước khi mất, Đoan Quốc công, trước một số cận thần, đã cầm tay thái tử Nguyễn Phúc Nguyên dặn dò: Phàm đạo làm tôi phải trung, đạo làm con phải hiếu, tình anh em bạn bè lấy tin yêu làm đầu, không được quay ngoắt tráo trở để mất nhân tâm. Con phải nhớ lấy điều đó chớ có trễ quên (Sđd, tr.439). Một số đoạn trong văn bản trên trích dẫn lại từ tư liệu chính sử, trên cơ sở của sự thật, tác giả – bằng những thủ pháp nghệ thuật đã khắc họa nên tích cách của nhân vật với những biểu hiện tâm lý theo đúng tư duy logic của một giai đoạn lịch sử. Một người có cái nhân tâm, lòng nhân ái như thế thì trong ứng xử với tướng sĩ, quân lính hết sức gần gũi yêu thương biểu hiện bằng những cử chỉ, hành vi thật bình dị: Trên đỉnh đèo Hải Vân không ngủ, Nguyễn Hoàng đã cất bước nhẹ nhàng để không làm quân sĩ thức giấc rồi “mời trà” để nghe hai người lính “nói về, nghĩ về” mình. Hai người lính nhận được cái nhìn hồn hậu của Đoan Quốc công, họ đã dần định thần. Họ đã hiểu chắc mình không bị chém vì tội khi quân… (Sđd, tr.438). Vâng, chính cái đêm trắng trên đỉnh Hải Vân yên lặng, lúc ấy Nguyễn Hoàng đã gần 80 tuổi vẫn vượt đèo để vào Quảng Nam, thì chân dung con người của Đoan Quốc công dưới sự miêu tả, diễn ngôn của Thái Bá Lợi đã hiển thị cho người đọc hình ảnh đời thường của một vị anh hùng, thực, rất gần gũi. Một vị chúa đã 80 tuổi vẫn còn lên ngựa vượt Hải Vân quan đã hé lộ một hình ảnh Minh sư uyên áo trong tâm thức của người viết truyện, trong câu nói của Chúa Tiên với hai người lính trong đêm không ngủ lịch sử ấy: Các anh không nói thì ta nói vậy. Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi này đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho một bữa ăn, khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh chê bữa ăn dở thì hai tội ấy như nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói hợp với với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, cả những người muốn làm hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là bậc thầy sáng suốt của, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều.

Vậy Minh sư là người như thế nào trong tư tưởng của Thái Bá Lợi? Trước hết, minh sư là người có lòng luôn hướng đến sự thật, vì sự thật để bảo vệ quan niệm sống của mình, ngay cả người nói điều trái ý… muốn làm hại ta như suy xét của Đoan Quốc công. Tuân Tử, một đệ tử xuất sắc của Khổng phu tử từng nói: “Người chê ta mà đúng chính là thầy ta”. Tôi cảm nhận hình ảnh mà tác giả muốn hướng đến phảng phất nhưng đậm nét nhãn quan của đạo Phật, của tấm lòng từ bi vô lượng, tinh thần liễu ngộ của bậc chân nhân trong suy xét mọi sự.

Là một người từng chiến chinh khắp chốn nhưng đối với Nguyễn Hoàng – sự chiến thắng chỉ có ý nghĩa khi mà cuộc sống của quan dân phải thay đổi, được nâng lên, điều thiện ngày xuất hiện càng nhiều để tránh xa những điều ác: Việc của ông (Nguyễn Hoàng – NV) là tạo cho những người quanh ông, những người nối nghiệp sau ông có được trí sáng suốt trong xử thế, lòng hòa hợp khi đối xử với nhau và bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác. Ông vẫn thường dạy quan dân của mình rằng nếu như sau khi có một công tích lớn mà điều ác tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác… (Sđd, tr.442). Rõ ràng, lòng nhân, trí huệ sáng suốt của Đoan Quốc công đã truyền dẫn soi sáng đầu óc những quan quân, những tướng sĩ thân cận. Những nhân vật quanh ông như được khai mở tâm trí, rõ nhất là với các tướng Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiện, Phan Dữ… Đây cũng là những nhân vật được xây dựng rất rõ nét, khá sinh động, khắc họa được tính cách, được hình tượng hóa theo hướng mẫu các quan tướng vừa trung thành vừa khâm phục đấng minh chủ của họ. Quốc công luôn khuyên bảo các quan quân: Rồi nữa các ông cùng tôi, công nghiệp càng lớn, tâm kiêu hãnh càng to, chỉ thấy có mình mà không thấy người khác, sinh tâm ghen ghét nhau, tranh đoạt danh lợi, công nghiệp có to đến mấy cũng có ngày đổ sập (Sđd, tr.430). Những giáo huấn của Nguyễn Hoàng trong Minh sư luôn đẫm đầy chữ “nghiệp”, “nhân quả” của đạo Phật.

Trong những lần đi về thực địa tại Gia Miêu, nhà văn Thái Bá Lợi khám phá trên vùng đất này có nhiều chùa. Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng từng sống tại đây, đã sớm quen với không gian thiền tịnh của làng quê, tâm hồn đã thấm đẫm với tiếng chuông, những bài kinh kệ, gần gũi với các sư, sãi trong chùa. Sau khi vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, cùng với việc xây dựng một nền chính sự quan hòa để lo an dân, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng rất nhiều chùa trên vùng đất mới. Đạo Phật thời này phát triển cực thịnh. Chắc chắn đó là cơ sở để tác giả xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng với tâm lý, tính cách, suy cảm, hành xử mang nặng dấu ấn của Phật pháp. Những chi tiết, sự việc được hư cấu của tác giả về nhân vật chính được phát triển rất logic, không hề gượng ép, nó người hơn, gần gũi với người đọc hơn. Văn học hư cấu lịch sử là một lĩnh vực từng gây nên nhiều sóng gió nhất, thường xảy ra những cuộc tranh luận, đối thoại xuất phát từ hai điểm cơ bản, đó là mức độ chân thực so với sự thật lịch sử và sự chênh lệch so với nhận thức, quan điểm chung của cộng đồng. Với Minh sư, Thái Bá Lợi vẫn trung thành với lối viết mang một tinh thần tưởng tượng hư cấu trong mối tương quan bám sát vào “chân thực so với sự thật lịch sử”.

Trở lại với hình ảnh Minh sư, dù không trực tiếp nói ra nhưng người đọc đều thấu nhận rằng Đoan Quốc công chính danh là Minh sư. Thế nhưng, Thái Bá Lợi khi chấp bút, anh không hề muốn nhân vật trung tâm của mình được lý tưởng hóa, điển hình hóa theo kiểu thô thiển, đơn điệu. Trong cuộc đời của Nguyễn Hoàng có hai sự việc làm cho tác giả phân vân. Một là, sự kiện ông dùng nàng thiếp Ngọc Lâm (truyền thuyết Trảo Trảo phu nhân) lập mưu dùng mỹ nhân kế để giết viên tướng Lập Bạo. Dùng người thiếp của mình trong sự việc này có trái ngược với đạo đức, có hèn mọn với một chính nhân hay không? Chính nhân vật Thành trong tiểu thuyết, trong suy nghĩ của một người dẫn truyện đã suy nghĩ: Thành có ý định tái hiện câu chuyện mà nhiều người đã biết, nó sẽ khác đi đôi chút so với những điều anh đã từng nghe, từng đọc(Sđd, tr.279).

Còn điều phân vân thứ hai? Bản thân Đoàn Văn Thành cũng phân vân về sự việc Nguyễn Hoàng dùng kế sách xúi giục các tướng làm phản Trịnh Tùng, nhằm trốn thoát an toàn vào miền Thuận – Quảng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ chuyện này: Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế Quận công Phan Ngạn, Tráng Quận công Ngô Đình Nga, Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê mưu phản. Những trích dẫn văn bản dưới đây cho người đọc thấy nỗi ái ngại của tác giả: Thành thì cứ băn khoăn về một nhân cách lớn lao ấy lại phải dùng đến mưu kế không lấy gì làm cao đẹp này. (…) Thành cứ nghĩ Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng bằng một cách khác chứ không phải bằng cái mưu kế này thì nhân vật của anh sẽ hoàn hảo xiết bao (Sđd, tr.391). Suy nghĩ của Thành không ngoài sự thắc mắc của tác giả rằng những hành vi vi phạm đạo đức như thế phải chăng có đúng với một vị minh sư không. Người đọc cũng ngầm nhận ra tâm tư của tác giả, giá như đừng có những mưu kế thì…nhân vật của anh sẽ hoàn hảo hơn. Để cho qua niềm ái ngại, có thể lý giải những sự việc ấy bằng ý thức, bản năng khát vọng sống, tồn tại và chiến thắng của những người trong cuộc: Các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống.

Như vậy, khi xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng, ông muốn gửi gắm điều gì với người đọc?

Nhà văn Thái Bá Lợi: Nhà văn nào cũng muốn qua tác phẩm của mình để tâm sự với người đọc những suy nghĩ trăn trở mà mình đang quan tâm. Nhưng hình tượng nhân vật mới là nơi chuyển tải những thông điệp đó. Nếu nhân vật anh dựng lên mà không thuyết phục được người đọc thì điều anh muốn nói với người đọc cũng không viên mãn được. Có trường hợp nhờ hình tượng nhân vật mà làm sáng rõ hơn ý tưởng ban đầu của tác giả. Nhớ hồi 1976, lúc đất nước tràn ngập ánh hào quang chiến thắng, tôi nghĩ hình như không phải như vậy và tôi viết truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn(3) được đăng trên Văn nghệ Quân đội, gây dư luận sôi nổi, có nhiều người phản đối. Sau này nhà thơ Vũ Cao kể lại trong cuộc họp kiểm điểm về việc in truyện vừa này, có cả nhà thơ Xuân Sách, người biên tập dự họp, một cán bộ Tuyên huấn nói: Đây là một truyện nói về cuộc chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nhưng đạo đức thì hỏng, có vấn đề. Anh Vũ Cao nói với tôi: Cha nội này nói đúng mày ạ.

Đến giờ tôi cũng chưa biết hình tượng nhân vật Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết Minh sư có thuyết phục được người đọc hay không? Nếu nhân vật không thuyết phục được người đọc thì đừng nói đến chuyện tác giả muốn gửi gắm điều gì

Là thế, Thái Bá Lợi ít khi muốn “lớn tiếng, ồn ào” khi tự nói về mình, về tác phẩm của mình. Cảm nhận của người đọc là quan trọng, hãy để cho người đọc phán xét. Giá trị của tiểu thuyết mấu chốt vẫn ở hình tượng nhân vật, một yếu tố quyết định cho sự thành công của tiểu thuyết. Phê bình văn học phải phân tích thấu đáo rằng, nhân vật được xây dựng có thuyết phục được người đọc hay không?

Tôi đọc Minh sư luôn có một cảm thức rất nhẹ nhàng. Nguyễn Hoàng là một người dày dặn trận mạc với những năm tháng chiến chinh ròng rã trên lưng ngựa. Trong suốt cuộc đời, ông đã tham gia nhiều trận đánh lớn, thế nhưng trong Minh sư, cảm tưởng như không gian của lịch sử được kể lại bằng một giọng điệu, một ngôn ngữ có một âm vang vừa phải, êm ái với một chút man mác, một chút lấp lửng. Không khí của chiến tranh phải nhường lại cho những nỗi niềm và suy gẫm. Trong văn chương của Thái Bá Lợi đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn được nhận chân lại quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, hi vọng nối kết với thực tại hôm nay để khai phóng về phía tương lai. Minh sư đã mang đến cho người đọc hình tượng nhân vật Nguyễn Hoàng sống động, có chiều sâu nội tâm, một tư duy rất nhạy bén, một người lãnh đạo kỹ trị, con người cao cả nhưng giản dị gần gũi, nhân ái được mọi người kính mến.

H.S.B

________________________

(1)Minh sư. Thái Bá Lợi. NXB Hội Nhà văn (lần 1), NXB Quân đội Nhân dân (tái bản).  Hà Nội 2012

(2) Giải thưởng Văn học Đông Nam Á được trao hàng năm cho các nhà văn thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một số nhà văn Việt Nam được nhận giải thưởng này như Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Bằng Việt

(3) Hai người trở lại trung đoàn (truyện vừa) – Một tác phẩm viết về chiến tranh được đánh giá cao vì phản ánh cuộc chiến tranh chống Mỹ một cách chân thực, không tô hồng, từ rất sớm (1977) thoát ra khỏi cách viết cũ – chủ nghĩa văn học phải đạo.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây