Nhớ thầy Hoàng Như Mai – Tác giả: Nguyễn Sĩ Đại

Tôi chỉ được học thầy Hoàng Như Mai một số tiết học về văn học Việt Nam cận-hiện đại và một chuyên đề về kịch tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Tôi là học trò thật, nhưng thâm tâm, không dám nhận mình là trò vì các thầy lớn quá, là thầy của các bậc thầy mấy bậc.

Như thầy Đinh Gia Khánh, Giáo sư dạy về văn học dân gian, nhưng từ Hán Nôm đến ngôn ngữ, từ văn học Phương Tây đến Phương Đông, cái gì cũng thông tuệ. Có lần, Thư viện tỉnh Hà Đông mời thầy đến nói chuyện. Thầy bận việc đột xuất, anh thư viện mếu máo, nhờ thầy giới thiệu người khác thay. Thầy nói: “Ai thay tôi được? Việt Nam chỉ có một Đinh Gia Khánh”!

Nho thay Hoang Nhu Mai min - Nhớ thầy Hoàng Như Mai - Tác giả: Nguyễn Sĩ ĐạiGiáo sư Hoàng Như Mai là một người thầy đức độ, tài hoa.

Đấy là cách nói hài hước, là tính cách, nhưng cũng là một sự thật.

Chúng tôi nhớ các thầy mình ở Trường Tổng hợp vì kiến thức đã đành, nhưng nhớ nhiều ở tính cách “mỗi người một vẻ”. Như thầy Hoàng Xuân Nhị, một người từ Pháp về nước theo Lời kêu gọi của Bác Hồ từ trong kháng chiến, thường gọi học trò là các đồng chí, giảng Nhật ký trong tù lúc nào cũng khóc vì thương Bác. Tiếng Nga tự học trong ít tháng mà dịch cả bộ Lịch sử văn học Nga.

Thầy Nguyễn Tài Cẩn đi bình bịch nhưng lúc nào cũng mang điếu thuốc lào, đến giảng muộn giờ thì nhảy qua cửa sổ vào.

Thầy Phan Ngọc thì giảng say sưa đến đứng cả lên ghế, nói bật máu miệng… Thầy dịch Sử ký Tư Mã Thiên từ lúc còn thanh niên, cùng dịch Chiến tranh và hòa bình (với tên Nhữ Thành), thế mà khi hầu chuyện cha là cụ Phan Võ và các bạn bè của cha, khi vui miệng bàn góp, các cụ bảo: “Học đi đã, mày trẻ con biết gì”…

Thầy Đỗ Đức Hiểu, Phó Chủ nhiệm khoa thường thay thầy Nhị “huấn thị” sinh viên, có câu đáng nhớ nhất “Các anh chị yêu nhau bây giờ là cho nhau ăn bùn”.

Thầy Lê Đình Kỵ, chỉ cầm sách đọc (giáo trình thầy viết) mà học sinh mê như điếu đổ vì văn hay…

Còn thầy Hoàng Như Mai hơn cả thế, là một ma thuật. Có những tiết học, tôi không biết thầy giảng gì nữa mà cứ bị cuốn theo từng bước đi, ánh mắt, cử chỉ, giọng nói của thầy, đắm chìm trong một thế giới khác, không phải một thế giới của đời thực với áo mỏng mùa đông, cơm độn ngô chan canh loãng, cái đói triền miên những năm tháng sinh viên. Thầy như một nghệ sĩ, đạo sĩ.

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, từng học thầy Mai từ năm 1953-1956, khi thầy là Hiệu trưởng Sư phạm Trung cấp đã viết về thầy Mai trong bài thơ “Thăm thầy giáo cũ” năm 1980:

Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi
Lại lắng từng câu
Lại nhập từng lời
Cái giọng nói một đời không quên được
Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt
Hai mươi bốn năm rồi mãi ấm trong con…
Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân
Để khi mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một đời…

Vâng, nhớ về thầy Hoàng Như Mai là nhớ về một người thầy giảng văn hay số một Việt Nam, và nhớ nhiều hơn là một người thầy vì đất nước, vì nhân dân, yêu thương học trò, nhớ về một nhân cách lớn.

***

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013) quê Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội; sinh tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, nơi cha ông làm Tuần phủ; từng học Trung học ở Trường Bưởi, học Đại học Y, Đại học Luật dưới thời Pháp thuộc. Thầy sớm theo cách mạng, hoạt động suốt đời trong sự nghiệp giáo dục, là một người thầy lớn của nhiều thế hệ.

Năm 1948, thầy được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm Hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh. Sau đó thầy làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951); Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương (1953); cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1959); cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1980); Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trương Vĩnh Ký (1997-2013); Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh từ 1988 đến khi qua đời ngày 27.9.2013 ở Bệnh viện 175, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi.

Các tác phẩm, công trình tiêu biểu của thầy đã xuất bản gồm: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993) , Văn học Việt Nam hiện đại ( Nhà xuất bản Giáo dục, 1961), Trần Hữu Trang – soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989)…

Ở thầy Hoàng Như Mai có sự kết hợp tuyệt vời của một người nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và nhà giáo. Trong thư gửi sinh viên Văn khoa khóa 8, thầy viết: “Tôi có nguyện vọng từ thời trẻ là làm văn nghệ, nhưng rồi Nhà nước lại gọi sang làm giáo dục. Có những người bạn xưa nói vui với tôi: Anh sang bên giáo dục được phong Nhà giáo Nhân dân, nhưng nếu anh cứ ở bên văn nghệ (sân khấu) chắc cũng được là Nghệ sĩ Nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một học trò của thầy, đã gọi thầy là “một người thầy đức độ, tài hoa, tâm huyết, chân tình”.

Cái “đức độ, tài hoa, tâm huyết, chân tình” của thầy Mai thể hiện trong tình cảm đối với đồng chí, đồng nghiệp, với học trò được phản ánh qua chính những vần thơ của thầy viết về Trường Tổng hợp:

Nhớ khi Ký Phú, Ðồng Văn
Mấy phen mì độn, mấy lần đạn bom
Thầy, cô người mất, người còn
Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường…

Lẽ sống của thầy có nguồn gốc từ lẽ sống của một nhà nho chân chính, luôn theo phò nghĩa cả, bất chấp gian khổ, hiểm nguy. Người vô sản đi làm cách mạng là một lẽ đương nhiên. Người thành phố giàu có thuộc tầng lớp trên chấp nhận từ bỏ vinh hoa phú quý để đi làm cách mạng, chịu gian khổ hy sinh là một điều đáng nói. Đó là một sự tự nguyện, tự giác nhưng cũng luôn trăn trở, tìm tòi – một “con đường đau khổ” như tên tiểu thuyết của nhà văn Nga Xô-viết A-lếch xây Tôn-xtôi để đi đến một niềm tin hoàn toàn vững chắc, sự tự nguyện tuyệt đối. Họ không che giấu nỗi buồn, họ biết không có gì là được cả, không có gì hoàn thiện, nhưng khi lựa chọn, biết chọn phò nghĩa cả.

Đây là tâm sự của thầy khi theo nhà trường đi sơ tán lên Việt Bắc lần thứ hai:

Ra đi lần nữa biệt kinh thành
Mái tóc mười phần chín hết xanh
Trách nhiệm – gia đình: đôi gánh nặng
Văn chương nghệ thuật: sợi tơ mành
Hai mươi năm trước dân không nước!
Hai chục năm sau biết có mình?
Đã quyết đem thân phò nghĩa cả
Niềm riêng chạnh nghĩ luống buồn tênh.

Càng ngày, thầy càng ung dung tự tại, những niềm riêng nhẹ tựa hồng mao, chỉ lòng tin yêu theo Đảng ngày một lớn:

Chúng ta trí thức đi theo Đảng
Nào có khi nào tính thiệt hơn
Việc làm ngay thẳng lòng trong sáng
Sống giản đơn và chết giản đơn…

Năm 80 tuổi, thầy viết:

Cuộc đời vinh nhục vui buồn
Sắc-không, không-sắc há còn vấn vương
Bao giờ đến lượt lên đường
Thì như một chiếc lá vàng gió bay…

Trong sắc có không, trong không có sắc. Thầy đã phiêu linh ở thế giới khác. Nhưng thầy vẫn hiện hữu trong tình cảm yêu thương, kính trọng của lớp lớp học trò. Lẽ sống, nhân cách cao đẹp của một người trí thức cách mạng còn soi sáng các em.

Nam Từ Liêm, 19.11.2022

NGUYỄN SĨ ĐẠI

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây