Những hiện vật độc đáo trên đất Đồng Nai

Những hiện vật độc đáo trên đất Đồng Nai
Những hiện vật độc đáo trên đất Đồng Nai. Từ trái qua: Lưỡi rìu đồng, bàn mài rìu đá hoặc thẻ đeo, tù và đồng Hàng Gòn, tượng đá Vishnu chùa Bửu Sơn, tượng đá Vishnu sông Đồng Nai, qua đồng Long Giao. Ảnh: L.Na

Đồng Nai là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Trong số đó, có nhiều hiện vật, bộ sưu tập quý như: tượng đá Vishnu chùa Bửu Sơn, tượng đá Vishnu sông Đồng Nai, qua đồng Long Giao, qua đồng La Ngà, tù và đồng Hàng Gòn…

Độc đáo bộ sưu tập qua đồng

Theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, từ năm 1982, người dân đã tình cờ phát hiện nhiều lưỡi qua đồng tại sườn đồi 57 ở Long Giao (H.Cẩm Mỹ). Hơn 20 năm sau, tại một số nơi của H.Định Quán (xã Phú Túc và La Ngà) lại tiếp tục phát hiện những lưỡi rìu đồng và cả qua đồng rất lạ, đa dạng nằm dưới lớp đất sâu. Những bộ sưu tập “qua” được phát hiện có hình dáng rất đẹp, kích thước khá đa dạng: từ chiếc nhỏ, ngắn cho tới chiếc lớn, dài. Đặc biệt, hoa văn trên qua đồng Long Giao lại là thành tựu rất lớn về kỹ thuật đúc và trang trí mỹ thuật có ảnh hưởng của mỹ thuật Đông Sơn.

Qua đồng Long Giao được trang trí 2 mặt hoa văn hình học tinh xảo, đối xứng, giống hệt nhau. Hoa văn trang trí là các đường chữ S nối nhau hay đối xứng, hoa văn chấm, khắc vạch, hoa văn hình tam giác… Đặc biệt, có qua trang trí núm tròn nối với 12 tia hình tam giác ở chuôi. Có 21 qua được ra đời trên những khuôn đúc khác nhau, tạo nên những sản phẩm qua cũng rất khác nhau về kích thước và trang trí. Độc đáo nhất là tiêu bản qua có trang trí hình động vật gồm hình voi (do các vòng xoáy ốc, vạch ngắn và những đường gấp khúc tạo thành).

Văn hóa Đồng Nai có từ rất sớm, là một trong 3 nền văn hóa lớn thời tiền sơ sử ở Việt Nam (bên cạnh văn hóa Đông SơnSa Huỳnh). Trong hơn 3 thế kỷ qua, người Việt cùng với cư dân bản địa xứ Đồng Nai đã tạo nên những tính cách văn hóa đặc trưng cho đất và người Nam bộ nói chung, vùng Đông Nam bộ nói riêng. Bên cạnh đó, cộng đồng cư dân Đồng Nai còn tiếp thu các nền văn minh lớn ở phương Đông để tạo nên những sắc thái riêng và đồng thời làm giàu cho vốn văn hóa ở vùng đất mới phía Nam.

Năm 2006, người dân phát hiện bộ sưu tập công cụ bằng đồng gồm 2 lưỡi rìu đồng và 4 qua đồng ở độ sâu khoảng 0,5m thuộc khu vực lòng hồ Trị An, xã La Ngà. Sưu tập qua phát hiện gồm 4 chiếc: 3 qua có lưỡi thẳng và 1 qua có lưỡi cong giống qua Long Giao. TS Nguyễn Thị Nguyệt cho hay, qua La Ngà có chất liệu đồng dày hơn qua đồng Long Giao trước đây. Mặc dù đã bị lớp patin ăn mòn ở bên ngoài nhưng nhìn chung vẫn còn rất chắc chắn và mịn mặt. Đặc biệt, trên lưỡi qua thẳng có đường gờ nổi chạy dọc hai bên thân, tạo vẻ dày. Trên qua lưỡi cong, hoa văn chấm dải, xoắn ốc, hình học… hoàn toàn tương ứng với hoa văn trên hiện vật văn hóa Đông Sơn.

“Qua là loại vũ khí của các dân tộc trên thế giới thời kỳ tiền sử. Các loại qua Đồng Nai thể hiện tư duy thẩm mỹ khá cụ thể trên cơ sở yếu tố văn hóa bản địa. Sản phẩm ở qua Đồng Nai có thể được xem là kết quả của sự tiếp nhận và giao lưu, tiếp biến văn hóa của cư dân cổ địa phương với các quốc gia thời tiền sử” – TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.

Những hiện vật quý…

Ngoài qua, Đồng Nai còn tìm thấy nhiều lưỡi giáo bằng đồng. Những mũi giáo đồng tượng trưng cho vũ khí của người cổ Đồng Nai sử dụng trong sinh hoạt sản xuất, săn bắt thú rừng, trong nghi lễ hiến sinh và đặc biệt là vũ khí của các chiến binh để chống lại kẻ thù. Cùng với đó, nhiều tượng thờ bằng đồng cũng được tìm thấy ở Đồng Nai, gồm tượng thần Ganesha, nữ thần Uma, tượng tê tê (trút). Trong đó, tượng tê tê bằng đồng được tìm thấy ở di chỉ đồi 57, Long Giao (H.Cẩm Mỹ). Tượng trút đồng thể hiện kỹ thuật đúc tượng vật khá chuẩn xác về hình thức cũng như kích thước từ mẫu thật của người xưa. Đầu, lỗ tai, mắt, mỏ, đến từng lớp vảy của động vật được điêu khắc khéo léo, sắc sảo, tỉ mỉ.

Trong số những hiện vật quý còn có nhiều hiện vật từ sông Đồng Nai. Trong đó có chiếc rìu đá niên đại khoảng 2.500 năm. Lưỡi rìu đá sông Đồng Nai với vai cong nhọn rất chuẩn và khác lạ về hình thức và mỹ thuật của rìu đá thường gặp. Sông Đồng Nai cũng là nơi tìm thấy Yoni (sinh thực khí của Ấn Độ giáo) có kích thước 2,2m x 1,5m được coi là lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, trên sông Đồng Nai còn tìm thấy một trống đồng Heeger loại 2 (niên đại trên dưới 2 ngàn năm), biểu thị cho sự giao lưu giữa các vùng. Đặc biệt, hiện vật quý từ sông Đồng Nai còn có một bộ sưu tập hàng ngàn tiêu bản đồ gốm, bao gồm gốm không men và gốm có men. Những loại đồ gốm như: ghè ống, ấm có quai, chân đèn, hũ, nồi, bàn xoa, bình vôi… Những hiện vật này đa số có niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII bao gồm gốm Đại Việt (đa số thời Nguyễn), gốm Khmer, Hoa, Chăm.

Ly Na

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây