Những sắc phong đi cùng năm tháng – ThS. Đinh Thị Toan

Những sắc phong đi cùng năm tháng - ThS. Đinh Thị Toan

NHỮNG SẮC PHONG ĐI CÙNG NĂM THÁNG

                                                                             ThS. Đinh Thị Toan

                                                                             Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Sắc phong nhân vật là một tư liệu Hán Nôm có giá trị, “là tư liệu quý của gia đình, họ tộc, cung cấp chi tiết về tiền bối cho hậu thế, về nhân vật cho các nhà sử học”[1]. Đây là sự ghi nhận của triều đình về công lao của người được phong sắc. Có hai loại sắc phong: sắc phong thần và sắc phong nhân vật. Về sắc phong thần, chúng tôi đã có dịp bàn đến trong bài viết Khảo sát sắc phong ở Đà Nẵng trên tạp chí Khoa học và phát triển Đà Nẵng số 170+171 năm 2012 và phiên dịch khá đầy đủ trong sách Sắc phong ở Đà Nẵng[2]. Riêng sắc phong nhân vật, chúng tôi chưa có điều kiện sưu tầm đầy đủ. Quá trình điền dã cho thấy loại sắc phong này hiện còn bảo lưu trong dân gian khá nhiều, nhưng ít được biết đến.

Trong một dịp may mắn, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với một số sắc phong tại Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Đây là những sắc phong ban cho ông Lê Cúc (còn có tên là Lê Văn Cúc), quê ở làng Tân An, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là khối phố Tân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Bài viết này xin giới thiệu sơ lược về những đạo sắc ấy để phần nào thấy được giá trị sử liệu mà loại tư liệu Hán Nôm này mang lại.

Trước hết, xin được nói đôi điều về hình thức của các sắc phong. Trong số sáu sắc phong hiện còn tại đây, chỉ có 1 đạo sắc được in trên giấy vàng, với họa tiết rồng mây nhũ bạc ở viền, giữa không có họa tiết đi kèm. Điều này khác biệt với các đạo sắc phong thần. Đạo sắc này hiện trong tình trạng bị rách và thủng lỗ chỗ. Mép lề dưới rách vào phía trong khoảng 10 cm, đoạn giữa gần mép lề trên cũng bị rách với chiều dài tương tự. Năm đạo sắc còn lại được viết trên giấy dó khổ lớn và còn nguyên vẹn. Niên đại của các đạo sắc nằm trong khoảng từ thời Thiệu Trị đến Tự Đức.

Về nội dung, các sắc phong ban cấp chuẩn cho ông Lê Cúc được giữ các chức vụ khác nhau. Theo như sổ đinh của xã Tân An, ông sinh năm Mậu Thìn (1808), là người họ Lê, một trong những dòng họ tiền hiền của làng Tân An xưa. Do địa thế nằm ven biển, dân cư làng này, trong đó có gia đình ông Lê Cúc mưu sinh bằng nghề biển. Đây có thể xem là cơ duyên giúp ông có được sức khỏe và kinh nghiệm đi lại trên biển cả, nơi ẩn chứa nhiều nguy hiểm mà không phải ai cũng có bản lĩnh vượt qua. Đó cũng là cơ hội để khi triều đình tuyển chọn trai tráng các làng ven biển gia nhập thủy quân, ông đã được lựa chọn. Nơi ông này làm việc là Hữu thủy vệ Quảng Nam. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết lực lượng quân phòng tại tỉnh Quảng Nam những năm đầu thời Nguyễn có 1 vệ và 2 Thủy vệ, ngoài ra có các cơ và đội khác. Riêng Thủy vệ, Minh Mạng năm thứ 15, xuống Dụ: “Các cửa bể ở địa phận hạt Quảng Nam, đều có thuyền tàu ra vào, nên đặt lính thủy sư. Tỉnh hạt ấy, xét xem 2 đội Thanh khê, Hà khê có từ trước và cơ Điện hải hiện còn thực số bao nhiêu, cho hợp lại làm một. Lại xem dân ở các xã ven bể hoặc dân ngoại tịch đã chiêu mộ, trích ra để lựa chọn, cốt đủ 10 đội, mỗi đội 50 tên, đặt làm Quảng Nam thủy cơ. Kính cẩn vâng làm”.

Theo đó, nên lựa lấy dân các xã và dân thuyền thợ ở ven bể 190 tên, gộp cùng 2 đội Thanh khê, Hà khê, với binh đội Cường tráng, binh cơ Điện hải cộng 500 tên, dồn thành 10 đội, gọi là Quảng Nam thủy vệ.

Năm thứ 17 [niên hiệu Minh Mạng-ĐTT], lại tuyển lính trích lấy lính thủy Quảng Nam đã lựa trước và lính mới tuyển, dồn bổ làm Quảng Nam, Tả, Hữu thủy vệ, mỗi vệ 10 đội.[3]

 Không rõ ông Lê Cúc gia nhập lực lượng thủy quân này vào thời gian nào, nhưng qua các trát sức, tờ tư cùng những sắc, bằng còn lưu giữ tại nhà hậu duệ của ông này cho thấy, ông ở trong quân ngũ từ thời Minh Mạng. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ông đã là Ngoại ủy đội trưởng đội 8 Hữu thủy vệ Quảng Nam.

Đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông được chọn bổ giữ chức Đội trưởng của đội này. Năm 1843, triều đình tổ chức một cuộc khảo hạch các đà công (tức lái thuyền) để đánh giá xếp loại, ông Cúc xếp hạng bình[4], được bộ Binh tuân theo chỉ vua cấp bằng bổ thụ chức Đội trưởng. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông chính thức được sắc chuẩn giữ chức này.

2 6 - Những sắc phong đi cùng năm tháng - ThS. Đinh Thị Toan

Cũng trong năm này, ông chuyển sang Đội 5 Hữu thủy vệ Quảng Nam. Lúc này ông là Thí sai chánh đội trưởng Suất đội. Ba năm sau, tức năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông nhận được sắc chuẩn bổ thụ cho chức vụ này. Sắc phong viết:

Sắc Quảng Nam Hữu thủy vệ ngũ đội Thí sai chánh đội trưởng Suất đội Lê Cúc. Tư kì mãn kinh, Quảng Nam tỉnh viên thính thỉnh cụ đề gia ân chuẩn nhĩ bổ thụ y đội chánh đội trưởng, suất nội đội biền binh, tòng cai quản viên phân phái công vụ. Nhược quyết chức phất kiền, hữu quân chính tại. Khâm tai!

Thiệu Trị thất niên thập nhất nguyệt sơ tứ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho Lê Cúc, Thí sai chánh đội trưởng Suất đội đội 5 Hữu thủy vệ tỉnh Quảng Nam. Nay đã hết kì hạn thử việc, nghe theo lời thỉnh cầu của các viên tỉnh Quảng Nam gia ân cho ngươi bổ thụ giữ chức Chánh đội trưởng đội ấy, đốc suất các biền binh trong đội, nghe theo sự phân phái công vụ của viên cai quản. Nếu làm việc không siêng năng thì sẽ có phép quân trị tội. Hãy kính đấy!

Ngày mồng 4 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 7.

Dưới thời Tự Đức, ông Lê Cúc vẫn làm việc tại Thủy vệ Quảng Nam. Trong các lần vận tải tài vật lên kinh phụng nạp hoặc vận chuyển đi các tỉnh khác, ông được tín nhiệm cử làm chỉ huy thuyền quân. Năm Tự Đức thứ 5, với sự trọng dụng của cấp trên, ông được chuẩn thăng thụ chức Cai đội. Điều này thể hiện sự trọng thị lớn, bởi Cai đội cai quản dưới quyền từ 30-50 người, trật tòng ngũ phẩm.

Không dừng lại ở đó, đến năm Tự Đức thứ 10 (1857) ông được phong tặng thêm. Đạo sắc ban ra ngày 22 tháng 8 năm đó như sau:

Sắc Quảng Nam Hữu thủy vệ ngũ đội Cai đội Lê Cúc, cửu lịch nhung hành, phả nhàn sư luật. Tư chuẩn nhĩ thăng thụ Cấm binh Cai đội, quyền sung Hà Nội Thủy vệ Hiệp quản, suất y vệ biền binh. Phàm chư công vụ y lệ phụng hành. Nhược quyết chức phất kiền, minh chương cụ tại. Khâm tai!

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho Lê Cúc, Cai đội đội 5 Hữu thủy vệ Quảng Nam, theo việc quân đã lâu, khá giỏi việc binh. Nay chuẩn cho ngươi thăng thụ Cai đội cấm binh, quyền sung Hiệp quản Thủy vệ Hà Nội, đốc suất các biền binh trong vệ ấy. Phàm chư công vụ, cứ theo lệ mà làm. Nếu giữ chức mà không siêng năng thì sẽ có phép nước trị tội. Hãy kính đấy!

Thủy vệ Hà Nội vốn là cơ Thủy sư Sơn Nam, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chia đặt tỉnh hạt, đem cơ này nguyên lệ thuộc tỉnh Sơn Nam đổi làm Thủy cơ tỉnh Hà Nội. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), thăng làm Thủy vệ Hà Nội[5]. Vệ này lúc mới thành lập có 521 người, không rõ dưới thời Tự Đức số lượng tăng giảm như thế nào. Vốn là đất kinh kì, có địa thế quan trọng, nên việc được chuyển bổ làm việc tại đây chứng tỏ triều đình kì vọng năng lực của người được bổ nhiệm, không kể việc ông được kiêm nhiệm vừa là Cai đội cấm binh, vừa chức Hiệp quản Thủy vệ.

Sáu năm sau, năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông được vua ban tiếp một đạo sắc, chuẩn bổ thụ làm Phó Quản cơ sung Hiệp quản Thủy vệ Hà Nội.

3 5 - Những sắc phong đi cùng năm tháng - ThS. Đinh Thị Toan

Không bao lâu sau, ông tiếp tục được khen thưởng, thăng làm Thự Quản cơ. Tại chức được một thời gian, đến tháng 9 năm Tự Đức thứ 18 (1865), ông bị bệnh mất. Vua chuẩn lời nghị của bộ Binh, tháng 11 năm ấy, cho truy thực thụ chức Quản cơ để an ủi vong linh người đã khuất.

4 4 - Những sắc phong đi cùng năm tháng - ThS. Đinh Thị Toan

Những đạo sắc phong ban cho ông Lê Cúc được lưu giữ tại làng Tân Thái chỉ là một số ít trong rất nhiều sắc phong nhân vật hiện còn tại các tư gia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu những tài liệu này sẽ cho biết nhiều hơn về những con người có đóng góp cho lịch sử văn hóa tỉnh nhà, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa và đưa công chúng đến gần hơn với những giá trị hiện hữu.

                                                                                       Đ.T.T

Tài liệu tham khảo:

1.Huỳnh Công Bá (chủ biên, 2014), Định chế hành chính và quân sự triều Nguyễn (1802-1885), Nxb Thuận Hóa, Huế.

  1. Bảo tàng văn hóa dân gian Huế (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  2. Đinh Thị Toan (2012), Khảo sát sắc phong ở Đà Nẵng, tạp chí Khoa học và phát triển Đà Nẵng, số 170+171/2012, tr.52-54.
  3. Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2014), Sắc phong ở Đà Nẵng, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  4. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, tập 3, q.18, 19.
  5. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, tập 9, q.139, 144, 145, 147.

[1] Bảo tàng văn hóa dân gian Huế (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.154.

[2] Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan (2014), Sắc phong ở Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng.

[3] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, tập 9, tr.235.

[4] Có 4 thứ hạng: ưu, bình, thứ, liệt. Hạng ưu nghĩa là giỏi, bình có thể được xem là khá, thứ là bình thường và liệt là yếu kém, có thể bị thải hồi.

[5] Nội các triều Nguyễn (1993), tlđd, tr.279.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây