Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Bền bỉ trên con đường khó – Tác giả: Phú Xuyên

Văn đàn Việt Nam không nhiều người dám dấn thân với đề tài gai góc, càng hiếm người chọn đề tài thế sự để viết tiểu thuyết. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là người bền bỉ dám đi con đường khó khăn này, với một vốn sống phong phú mà ông đã tích lũy được suốt gần như cả cuộc đời.

Dốc vốn liếng vào trang viết

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vừa đoạt Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ 13, với tiểu thuyết “Lính tăng”. Đây là lần thứ hai ông vinh dự nhận giải thưởng này, cũng là cuốn thứ 6 trong tổng số 7 tiểu thuyết của ông đã đạt giải thưởng.

Tôi hỏi, gặt hái được thành công như thế, với ông có phải là may mắn? Lão nhà văn trả lời: “Nếu có, may mắn chỉ đến một lần. Bạn đọc, ban giám khảo tinh tường lắm. Với tôi tất cả những thành công ấy là kết quả của biết bao ngày tháng trăn trở, đau đáu, viết trong nỗi nhọc nhằn. Để hoàn thành mỗi tác phẩm, tôi phải dốc vốn liếng về vốn sống tích lũy được vào từng trang giấy. Khi tác phẩm được ra mắt bạn đọc”.

Ông kể, “Lính tăng” là tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng, không phải đề tài xã hội quen thuộc của ông. Câu chuyện tập trung vào một binh chủng đặc thù: Binh chủng Tăng-Thiết giáp và ở chiến trường C-Lào. Thế nên ông phải tìm hiểu nhiều lắm, tưởng tượng, liên tưởng nhiều lắm mới “dựng” được những cuộc chiến đấu mà đơn vị Tăng – Thiết giáp của ta đã tham gia.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn viết văn, ký sự từ khi còn công tác, nhưng phải đến khi nghỉ hưu, năm 2002, ông mới viết tiểu thuyết. “Nhà văn Ma Văn Kháng, từng chia sẻ, muốn viết kỹ thì phải sống kỹ. Sống kỹ là sống hết mình trong mọi hoàn cảnh. Như thế, chính đời sống đã dựng lên tên tuổi cho nhà văn, khi họ biết nắm lấy cơ hội”, Nguyễn Bắc Sơn bộc bạch.

Năm 2005, tiểu thuyết đầu tay “Luật đời & Cha con” của Nguyễn Bắc Sơn ra đời, ngay lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản. Sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài 26 tập mang tên “Luật đời”, rồi được khán giả truyền hình bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007. Đây là tiểu thuyết đầu tiên “mổ xẻ” sự vận động của toàn xã hội trong đó có cả đời sống chính trị, đời sống công chức, chuyện quản lý ở địa phương, bám sát những vấn đề nhạy cảm, phản biện xã hội.

“Luật đời & Cha con” được viết muộn, nhưng vốn sống của nhà văn đã tích lũy được từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng tự do thuộc tỉnh Phú Thọ. Về chuyện cải cách ruộng đất và thời bao cấp, có nhiều người viết rồi. Nhưng mỗi người có một điểm nhìn, thái độ, chất giọng, một cái “tạng” khác nhau. Trong tiểu thuyết này, nhà văn quan tâm nhiều đến xung đột tất yếu giữa ba thế hệ trong một gia đình bắt đầu từ thời kỳ cải cách ruộng đất.

Còn “Lửa đắng” thật sự là câu chuyện của thời đại với những yêu cầu nảy sinh trong quá trình cải tổ đổi mới của Đảng và Nhà nước. Nhà văn tập trung nhiều hơn vào vấn đề giáo dục, cải cách hành chính, cơ chế, có tính dự báo. “Lửa đắng” đã mang về cho nhà văn giải C tại cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III.

Ngoài thực tế, người viết văn có thể tích lũy vốn sống bằng trải nghiệm bản thân, bằng những thăng trầm, biến cố trong dằng dặc đời mình, dòng họ mình. Có người tích lũy gián tiếp vốn sống bằng việc học và đọc. Điều này cũng sẽ tạo ra tác phẩm và khi đọc đến, bạn đọc sẽ thấy thiếu cái gì đó. Với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, có vốn sống trực tiếp, ngòi bút sẽ rung lên chân thực theo hơi thở cuộc sống, câu chữ giàu cảm xúc và cuốn hút bạn đọc hơn. Làm văn trước hết là làm nghệ thuật về ngôn từ. Khi có vốn sống, việc thi triển ngôn từ cũng sẽ linh hoạt, thật hơn, đắt hơn. Một tác phẩm nghệ thuật được chắt lọc từ cuộc sống có rất nhiều trạng thái, nhiều cái đáng để ta phải hy sinh, sẽ không thể là tác phẩm xoàng.

Nha van Nguyen Bac Son thu hai tu trai sang min - Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Bền bỉ trên con đường khó - Tác giả: Phú XuyênNhà văn Nguyễn Bắc Sơn (thứ hai từ trái sang).

Một ngòi bút bền bỉ

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1941 tại Nam Định, nhưng nguyên quán ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Cha mẹ đặt tên ông là Nguyễn Công Bác. Sau này ông đổi tên thành Nguyễn Bắc Sơn nhân một sự kiện đáng nhớ. Ông kể: “Năm 1950 tôi được anh ruột rủ vào đoàn nghệ thuật thiếu nhi do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thành lập. Do yêu cầu của tổ chức, ai cũng phải có bí danh nên tên tôi được đặt là Nguyễn Bắc Sơn. Từ đó tên ấy là tên thường gọi và cũng là bút danh của tôi”.

Năm 1954, Nguyễn Bắc Sơn cùng gia đình về lại Thủ đô. Tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, ông về dạy học ở xứ nhãn lồng Hưng Yên rồi yêu một cô gái làng và nên duyên chồng vợ. Gần 10 năm sau ông mới được chuyển về Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội).

Đầu năm 1972 ông lên đường nhập ngũ. Anh tân binh Nguyễn Bắc Sơn tham gia huấn luyện tại tỉnh Thanh Hóa, khi vừa nhận trang thiết bị để vào Thành cổ Quảng Trị, thì lại được lệnh quay ra để đi lắp đặt hệ thống đường ống xăng dầu từ Lạng Sơn vào Tây Ninh. Sau 2 năm quân ngũ ông về lại Hà Nội dạy học. Ông có hai nhiệm kỳ làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, rồi năm 1992, về công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội.

Sau thành công của “Luật đời & Cha con”, “Lửa đắng”, ông tiếp tục thành công với “Gã tép riu”, giành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV. Tiểu thuyết “Gã tép riu” xoay quanh một “hạt nhân xã hội” và những mối quan hệ của họ.

Nhà báo Tùng, làm trưởng phòng một sở, ham học hỏi, có lương tri, luôn đương đầu với những tréo ngoe do sự dốt nát, lòng tham hoặc kiểu nghĩ duy ý chí thường gặp trong công việc. Ngược với chồng, cô cán bộ đoàn Diệu Thủy không đọc sách, trí tuệ tầm tầm nhưng khôn vặt, có chút nhan sắc, được một “cốp to” nâng đỡ nên thăng tiến ầm ầm. Hai tính cách khác hẳn, những nghịch ngược thể hiện trong các mối quan hệ xã hội đến giường ngủ… Mâu thuẫn giữa hai cá thể mang đến một vấn đề rộng lớn, liên quan tới quan niệm xã hội thế nào là thành đạt, thế nào là nhân phẩm.

Đến tiểu thuyết “Vỡ vụn”, ông vẫn đi sâu vào thế sự, đề cập chuyện muôn đời là gia đình, tình yêu và hôn nhân, nhưng có nhiều điều mới lạ. Nhiều quan niệm sống và thực tế sống được miêu tả rất thật. Truyện gây được những ấn tượng và ám ảnh về cảnh, về tình, và cũng đem đến những suy tư sâu xa về nhân tình, thế thái và tình huống xã hội ngày nay. Còn với “Cuộc vuông tròn”, bạn đọc bị cuốn hút bởi lối kể chuyện tỉ mẩn, vào từng ngóc ngách bí ẩn cuộc sống với sức liên tưởng dồi dào trên cơ sở hiểu biết sâu rộng.

Năm 2022, ông còn ra mắt tập hồi ký “Bảy nổi ba chìm” (NXB Đà Nẵng). Cuốn hồi ký dung chứa một khoảng không gian – thời gian nghệ thuật rộng lớn trong cuộc đời một người trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến động từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến hòa bình (1954), chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam (1975), hậu chiến và đổi mới (1986), đến những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, khi đọc hồi ký “Bảy nổi ba chìm”, đã viết: “Nguyễn Bắc Sơn thuộc kiểu “ba trong một” (nhà giáo – nhà báo – nhà văn) là một ngòi bút đa năng, bặt thiệp, bền bỉ, thặng dư sản phẩm chữ nghĩa. Điều đặc biệt khiến tác giả được quý trọng chính là tinh thần trung thực đến tận chân tủy trên từng con chữ. Khi đọc hồi ký của Nguyễn Bắc Sơn, chúng tôi lại riêng thích những trang về “một nửa” của tác giả – người vợ tào khang. Những trường đoạn về người vợ tào khang, hậu phương lớn của nhà văn được viết một cách nhuần nhị, có cái duyên thầm của câu chữ…”

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Muốn thưởng thức những áng văn hay, những con chữ óng nuột, hay tài thao tác cấu trúc tác phẩm với những tình tiết bất ngờ lắt léo, sẽ khó tìm thấy ở Nguyễn Bắc Sơn. Sức mạnh của ông là ở khả năng tinh nhạy, nắm bắt những vấn đề thời sự nóng hổi… Mê hoặc người đọc mà không cần dùng đến phấn son đâu có dễ. Đấy là cái tài của Nguyễn Bắc Sơn”.

Với sự nghiệp văn chương khá dồi dào, tôi hỏi ông còn điều gì chưa hài lòng với thành tựu của mình? Ông bảo: “Bạn bè gọi tôi là “gã nhà văn trẻ tóc bạc”, vì về hưu mới viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ, sự cố gắng của bản thân cũng đã được ghi nhận, nhưng tôi còn trăn trở vì mình chưa viết được hay hơn nữa.

Với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, có vốn sống trực tiếp, ngòi bút sẽ rung lên chân thực theo hơi thở cuộc sống, câu chữ giàu cảm xúc và cuốn hút bạn đọc hơn. Làm văn trước hết là làm nghệ thuật về ngôn từ. Khi có vốn sống, việc thi triển ngôn từ cũng sẽ linh hoạt, thật hơn, đắt hơn. Một tác phẩm nghệ thuật được chắt lọc từ cuộc sống có rất nhiều trạng thái, nhiều cái đáng để ta phải hy sinh, sẽ không thể là tác phẩm xoàng.
P.X

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây