Dường như chẳng có gì phải chối cãi khi xác quyết rằng: mỗi thi sĩ sinh ra ở đời, hầu như cái tố chất siêu nhiên, bẩm sinh, vốn như một niềm bí mật ẩn chứa hồn cốt và thi tài của mỗi thi sĩ.
Muốn phát hiện ra những bí mật đó, hoặc có hoặc không, thì duy nhất chỉ có một con đường thông qua các sáng tác thơ của họ. Cố nhiên là không phải ai cũng có cái nhãn lực đủ sức soi vào từng câu thơ, bài thơ để tường minh những giá trị siêu lý ấy. Mặt khác, cũng có thi sĩ thể hiện trong tác phẩm thơ của mình, người đọc có cảm giác như đấy là một lời tiên tri, một dự cảm nào đó hé lộ về cái thế giới bí mật nhuốm màu định mệnh kia.
Trong trường hợp thứ hai này xem ra ứng với thơ và cuộc đời thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn – một nhà thơ Đất Quảng, đồng thời với lớp các nhà thơ: Đynh Trầm Ca, Hoàng Lộc, Phan Duy Nhân… Đặc biệt gần gũi hơn cả là với thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc. Một người anh em cùng dòng tộc Nguyễn Nho, lại cùng là bạn thơ xuất hiện cùng thời trên văn đàn Sài Gòn vào những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Vậy rồi cả hai, lần lượt kẻ trước người sau như là tia chớp, là ánh sao bay xẹt qua bầu trời rồi vụt tắt, để lại một sự nghiệp thơ đầy những hứa hẹn nhưng đành dang dở.
Nguyễn Nho Nhượn sinh ngày 12.3.1946 tại thôn Bồng Lai, làng La Qua, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đã từng theo học các trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), Trần Quí Cáp (Hội An). Bắt đầu sáng tác từ năm 1962, đã đăng thơ trên các tạp chí xuất bản tại Sài Gòn; Văn, Văn học, Bách khoa, Phổ thông, Thời nay, Nghệ thuật… suốt từ những năm 1962 đến 1968. Vào cuối năm Mậu Thân này, thi sĩ lâm trọng bệnh, được gia đình đưa vào nằm điều trị tại Tổng Y viện Duy Tân, nhưng bệnh tình anh mỗi ngày thêm trầm trọng, anh đã được chuyển qua bệnh viện Mỹ tại Non Nước để tiếp tục điều trị, và đã qua đời tại đây vào ngày 24.5.1969.
Vậy là 23 năm có mặt ở cuộc đời, theo các nhà thơ bạn bè của anh cho biết thì Nguyễn Nho Nhượn đã sáng tác được 6 tập thơ. Như vậy là chừng hơn 6 năm ăn ở với thơ, bình quân mỗi năm anh có một tập thơ (Tiếng nói giữa hư vô, Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh, Những khúc ca hoang). Nhưng, theo nhà thơ Đynh Trầm Ca, trong số thi phẩm đó chỉ có tập “Tiếng nói giữa hư vô” đã được bằng hữu hoàn thành nhân vào dịp kỉ niệm ngày giỗ lần thứ 2 thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn (1971).
Tập thơ Nguyễn Nho Nhượn, NXB Hội Nhà văn 2022
“Tiếng nói giữa hư vô”, thi phẩm gồm 38 bài thơ đủ các thể loại, đã từng đăng trên các tạp chí: Văn, Văn học, Bách khoa, Thời nay…Tập thơ này dày có 100 trang in trên giấy trắng, sách do hai người bạn thân là nhà thơ Đynh Trầm Ca và Lê Nghiêm Vũ viết lời giới thiệu.
Cho dù thời gian gắn bó với thơ không dài, lại nữa, tình trạng sức khỏe đau ốm kéo dài gần hai năm cuối đời, tuy vậy ta cũng có thể phân kỳ thơ Nguyễn Nho Nhượn theo từng dòng ở các chủ đề khác nhau: Thơ học trò, thơ tình yêu và thơ thân phận. Nhưng dù là dòng thơ nào chăng nữa, sự ám ảnh về thế giới hẳn sẽ in sâu trong tâm tưởng của thi sĩ, nhất là những năm tháng đạn bom cày xới trên quê hương xứ sở từng ngày, sự gieo rắc đau thương chết chóc do chiến tranh khốc liệt gây ra luôn là vết thương làm chảy máu tâm hồn nhà thơ.
Quê hương, quê hương chìm trong khói lửa
Chim muốn bay nhưng sợ lạc phương trời
(Ý nghĩ học trò)
Cũng trong những ý niệm tương quan cùng thế giới ấy, thân phận thi sĩ là một hiện hữu cô đơn thường hằng. Mà không chỉ thì hiện tại, bằng cái nhãn quan thi sĩ siêu hình, nhà thơ dự báo luôn cả tương lai:
Bây giờ tôi chẳng là tôi
hồn mang oan trái thân phơi bãi tình
mỏi mòn đếm tuổi điêu linh
cây tương lai vẫn nhánh cành quạnh hiu
(Bây giờ)
Nhà phê bình văn học Diên Nghị – người cùng thời với thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn, trong bài viết “Một người thơ Quảng Nam: Nguyễn Nho Nhượn (1946 – 1969)” đã đăng trên Khởi Hành, số 96 tháng 10.2004, đã có một nhận định khái quát về thơ Nguyễn Nho Nhượn, rằng: “Thơ Nguyễn Nho Nhượn như những tiếng thở dài. Tiếng nói giữa hư vô là một chuỗi hơi thở buồn trầm từ một khoảng sống của một người trẻ tuổi sớm ý thức được niềm bất hạnh trên quê hương, thân phận. Nỗi chết đã ám ảnh Nhượn một cách ghê rợn, thường trực.
Có lẽ từ cái chết của Sa Mạc(*), mầu tang chế miên viễn gần gũi, thành mặc cảm hằn sâu trong hồn của một kẻ bệnh hoạn. Nhượn đã nhìn đời sống bằng đôi mắt thật nghi ngờ, bằng trái tim ngập ngừng khô héo trước một cảm nhận huyền kì về nỗi chết bên kia”. Vâng, quả là thơ Nguyễn Nho Nhượn nơi này nơi kia có nhuốm màu tang. Quả là có nỗi chết, mà cụ thể là cái chết của nhà thơ mệnh yểu Nguyễn Nho Sa Mạc đã ám ảnh thi sĩ. Ngôn từ thơ cứ như rút ruột mà thành: “ Đám tang qua thành phố/ có người cười như điên/ không ai là thân thích/ Thương linh hồn vô danh/ cây gục đầu cúi lạy/ bụi mờ làm khói hương/ mưa phùn làm nước mắt/ khóc cho người tha phương. (Đám tang qua thành phố).
Tôi mượn một ý của nhà phê bình văn học Pháp lừng danh Milan Kundera đã viết trong tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” (L’art du Roman), bản dịch Nguyên Ngọc, NXB Đà Nẵng 1998 – để nói về trường hợp này, rằng: “Biết về tác giả sẽ chẳng làm tăng (hay giảm) giá trị tác phẩm”. Quan điểm này minh định tiêu chí để làm thước đo (thẩm định) các giá trị nghệ thuật, đấy chính là các tác phẩm của nhà văn chứ không thể một thứ gì thay vào dù đó là nhân thân tác giả. Vậy nên để có cái nhìn thấu đáo, nhận định trung thực khách quan hoàn toàn khi viết về một bạn thơ, lại là người đồng hương, thì việc cảnh giác là cần thiết bởi đôi khi cảm tính dẫn đường mà ta không hề hay biết.
Nhưng thi sĩ tồn tại ở giữa đời chính là sự lưu lại tác phẩm của mình giữa dòng thời gian bất tận. Hơn nữa thế kỉ đã qua, “Tiếng nói giữa hư vô” của thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn vẫn như một hình hài, một chân dung siêu hình hiển lộ trong trái tim, trong ký ức của những người yêu thơ anh như ánh lửa lung linh giữa thời gian.
Thời gian lên ánh lửa
chuyến xe đời đi qua
đốt tan thành sương khói
âm vang lời bi ca
Bấy nhiêu đó với tôi cũng là một thứ ánh sáng, mà tôi thường gọi là ” kiếp thi sĩ – kiếp ánh sáng” – huyền nhiệm như một thứ trò chơi thần khải (une névélation), như bản mệnh một vì sao băng một hôm bay xẹt qua bầu trời này.
NGUYỄN NHÃ TIÊN
_______________________
(*) Đọc bài “Niềm bí mật sáng tạo & số phận một thi sĩ” bài viết về nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc của Nguyễn Nhã Tiên trong “Đà Nẵng 20 năm Lý Luận Phê bình VHNT (1997 – 2017. NXB Đà Nẵng).