Phùng Hưng đả hổ đất Đường Lâm – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Vào ngày tiết trời tạnh ráo, khi mùa màng vừa xong cũng là lúc các mặt thủy, bộ ở Phong Châu và Đường Lâm quân giặc không động tĩnh gì. Phùng Hưng cho triệu tập các văn thần võ tướng về Đường Lâm thương nghị. Các chủ tướng quân bộ nhiều đạo, đội tượng binh cùng theo thuyền nhẹ của thủy binh kéo về Đường Lâm vừa kín đáo nhanh gọn vừa thuận tiện. Luôn mấy năm chống giữ với giặc Đường, giờ binh tướng Đường Lâm đã dày dặn kinh nghiệm lắm.

Trong ngôi đại điện, các văn thần võ tướng chia nhau ngồi rất nghiêm nghị. Trại chủ Phùng Hưng vạm vỡ to lớn hơn người ngồi chính giữa. Phùng Hưng đầu chít khăn nhiễu vàng, chân đi giày da báo, mình vận bộ võ phục màu tía, lưng thắt đai bao ngọc bằng da dê, phía trước ngực áo thêu mặt hổ phù rất uy nghiêm. Chiếc bàn gỗ lớn kê chính giữa được phủ một tấm da hổ trắng cực lớn. Tấm da này có căn nguyên gắn với câu chuyện tay không đánh chết hổ của Phùng trại chủ hai năm trước.

Dạo ấy, trại chủ cầm quân chống nhau với Trương Bá Nghi bên kia rừng Cấm, hai bên còn chưa xuất chiến. Đêm đêm, Phùng trại chủ có thói quen một mình lặng lẽ đi xem xét các chốt trạm của quân canh. Đêm ấy tối trời, bỗng có tiếng chim lạ kêu queng quéc và mùi xú uế phảng phất ở cánh rừng nơi trại quân lính Đường Lâm đóng. Phùng trại chủ đứng nép vào một lùm cây. Hơi sương bàng bạc. Cây cỏ chờn vờn trong đêm khuya tịch mịch. Bỗng Phùng trại chủ không khỏi rúng động khi từ đầu con đường đất nơi bìa rừng, một bóng trắng lớn lướt nhẹ như nhung qua chiếc chòi canh khẽ khàng dừng lại không một tiếng động. Vốn sống với rừng từ bé, lại có võ nghệ hơn người cộng với thính lực và nhãn lực cực tốt, Phùng Hưng biết ngay đây là loại hổ trắng chuyên lùng bắt quân canh vào ban đêm. Loại hổ này thường hiếm khi xuất hiện, chỉ đi độc chứ không theo đàn. Chúng ma lanh đến mức dân gian vẫn truyền bảo đây là hổ đã thành tinh, phường săn không thể phạm được chúng. Cũng lạ lùng, loài hổ trắng chỉ chọn ăn thịt người, lại chỉ ăn thịt đàn ông, nhất là đám phường săn hoặc quân canh có vũ khí. Chúng không gầm ghè gào rống mà rất nhẹ nhàng uyển chuyển vờn đánh con mồi đến chết với những miếng đòn hiểm. Còn đương nghĩ ngợi đã thấy bóng trắng dừng im dưới chân chòi canh đợi tên quân tụt xuống đổi phiên gác sẽ thịt gọn.

Phùng trại chủ nhẹ nhàng men theo lùm cây tiến thêm mấy bước về phía bóng trắng thì con hổ với bản năng tinh nhạy đã phát hiện ra. Thật khác thường, con hổ trắng dài đến hơn một trượng, tấm thân cuồn cuộn như sóng bước nhẹ như một chú mèo tiến về phía con mồi quắc cặp mắt xanh lét bắt ánh trăng thâm u rờn rợn. Cọp nhe nanh nhìn con mồi đến nửa khắc rồi bất thần tung cả tấm thân khổng lồ trùm lên Phùng trại chủ.

Phùng trại chủ thấy cọp kia không gào rống như thường lệ biết đã gặp phải địch thủ ghê gớm vội quăng mình sang một bên cũng là lúc cọp trắng vồ hụt soài chân ra phía trước. Nguyên bản tính loài cọp, phàm con nào ăn đến vài chục mạng người đều rất tinh quái, chúng vồ bắt con mồi ít gây ra tiếng động khiến dân gian càng đồn thổi là đã thành tinh. Cọp trắng vồ hụt, quăng bịch đuôi sang một bên, rút hai chân trước về ngồi chồm hỗm giương mắt nhìn con mồi. Mùi tanh hôi theo hơi thở của cọp dữ nồng nặc phả ra. Phùng trại chủ sau cú tung mình tránh đòn cọp dữ bừng tỉnh còn đang phân vân tiến thoái đã thấy cọp trắng nhanh như chớp vừa giơ hai tay tát bừa vào con mồi đồng thời tung hai chân sau phóng đến vồ tiếp cái nữa. Hổ trắng là loại có rất nhiều đòn lạ. Chúng có thể vừa quăng mình vồ mồi vừa sử dụng hai chân trước với móng vuốt tát chết con mồi. Ngay cả voi rừng khi gặp chúng nhiều lúc cũng co vòi tháo chạy. Loài hổ chỉ kiềng nhất trâu rừng. Khi bị dồn đến đường cùng, trâu rừng thường sử dụng đòn đổi mạng húc thẳng cặp sừng xuyên thấu tim gan hổ mặc cho hai chân trước của hổ xé toang thân mình trâu vẫn chẳng buông tha đến lúc cả hai cùng chết.

Phung Van Khai TAI SAN LANG NGO QUYEN DUONG LAM min - Phùng Hưng đả hổ đất Đường Lâm - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ hai bìa trái sang) tại sân lăng Ngô Quyền – Đường Lâm.

Ở tình thế ngặt nghèo, Phùng trại chủ thét to một tiếng thị uy dạt người sang một bên phóng cước đá rất mạnh vào sườn hổ trắng. Hổ trắng loạng choạng ngã vật nghiêng xuống lập tức vùng mình bật dậy quật bịch đuôi tung người đánh trẫng lao vào con mồi quyết ăn tươi nuốt sống. Nhanh như chớp, Phùng trại chủ nhảy sang một bên tiếp tục tung cước đá vào sườn hổ như trời giáng. Hổ kia cứ ngã xuống lại vùng lên vồ bắt. Bên này, Phùng trại chủ cứ thoăn thoắt đảo chiều phóng cước vào hai bên sườn khiến cọp trắng xoay trở chậm dần một lúc rồi thè lưỡi thở hồng hộc.

Nghe tiếng hét của Phùng trại chủ, mấy tên lính canh choàng tỉnh từ chòi nhìn xuống không khỏi kinh hoàng khi thấy người và hổ quần nhau dưới trăng suông. Nghe tả thì lâu chứ diễn biến cuộc ác đấu vô cùng mau lẹ. Đến hơn mười cú vồ trượt đồng thời dính những đòn sấm sét vào hai bên sườn, lại thấy có tiếng người hò hét trợ oai trên chòi canh phóng giáo xuống, cọp trắng bất thần quay đầu cụp đuôi vùng mình toan tháo chạy. Nhanh như chớp, Phùng trại chủ tung người nhảy phốc lên lưng cọp trắng, tay trái túm chặt tai đè nghiêng xuống, tay phải lia lịa giáng những đòn sấm sét vào mắt hổ. Đáng kiếp hổ trắng, cả đời bắt giết bao nhiêu sinh mạng, những tưởng đêm nay kiếm được mồi ngon ai dè gặp vị thần tướng nhà trời võ nghệ cao cường hai chân như hai cột thép kẹp cứng cổ, tấm thân vạm vỡ đè gí đầu hổ xuống đất mà thoi những quyền rắn như sắt nguội đánh nát bét một bên mặt cọp.

Khi mấy tên quân canh xuống được đến nơi đã thấy cọp trắng hồn lìa khỏi xác mà Phùng trại chủ thì uy nghi ngồi trên lưng cọp lẫm liệt như tướng nhà trời. Ai nấy không khỏi kinh sợ phủ phục xuống vái lạy như tế sao…

*

Đặt hai bàn tay hộ pháp xuống tấm da hổ trắng, Phùng Hưng thong thả cất lời:

– Thưa các vị tiên sinh, thưa các tướng quân. Ta vâng mệnh nối ngôi trại chủ cũng đã được mấy năm, ta luôn ngày đêm lo nghĩ cho việc đuổi giặc Đường về nước chúng. Đường Lâm ta từ ngày chiếm được Phong Châu, lập các đạo quân thủy bộ, các đội tượng binh đóng giữ các vùng đất hiểm chống nhau với giặc Đường khiến chúng tiến thoái đều khó. Ta nghe lời các vị tiên sinh cùng võ tướng chăm dân, mở đất, thủ hiểm, trưng tập quân lương, rèn đúc binh khí đã ngày một mạnh. Nay binh ta ở Đường Lâm và Phong Châu đã ước đến vài vạn, tướng giỏi vài chục viên, binh lương đủ dùng trong vòng năm năm, thiết nghĩ đã đến lúc quân tướng ta quyết sống mái một trận với giặc Đường nơi thành Tống Bình. Nay ta muốn nghe các vị tiên sinh và chúng tướng cho biết cao kiến của mình cũng là tạo lập thời thế lấy lại nước An Nam vậy.

Phùng trại chủ dứt lời, không khí trong đại điện im phăng phắc. Mọi người ai nấy đều theo đuổi những suy nghĩ của mình rồi cùng lúc hướng ánh mắt về phía Đỗ tiên sinh. Luôn mấy năm nay, việc tiến thoái, chống giữ ở Đường Lâm và Phong Châu, Phùng trại chủ đều cho hỏi Đỗ Anh Hàn. Biết mọi người chờ đợi ý kiến của mình, Đỗ tiên sinh thong thả đứng lên thưa:

– Thưa trại chủ! Thưa các vị tiên sinh, các vị tướng quân. Họ Đỗ ta từ ngày theo trại chủ mưu việc lớn thấm thoắt đã mười năm. Binh tướng Đường Lâm ta giờ đã khác xưa nhiều lắm. Trại chủ cho triệu tập văn thần võ tướng bàn kế tiến thủ quả là hợp ý trời lòng người vậy. Thành Tống Bình thực ra mấy năm nay cũng chỉ là một tòa thành trống. Sở dĩ quân ta chưa chiếm là còn lo phía sau Cao Chính Bình với mấy vạn tinh binh mãnh tướng của y luôn rình rập. Nay thế lực quân ta đã khác, việc lấy Tống Bình trong mùa đông này ta hoàn toàn đủ sức. Lấy xong Tống Bình, nước ta có chủ. Dân chúng An Nam, văn thần võ tướng suy tôn Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng, tế cáo trời đất, soạn đặt lễ nhạc, khôi phục học hành, dưỡng dục muôn dân tạo thế lâu dài, vun gốc nước cho bền vững. Nay thành Tống Bình binh chưa đầy hai vạn, các tướng giặc lâu ngày không chinh chiến tất sẽ bại về tay quân tướng Đường Lâm. Xin trại chủ hạ mệnh lệnh bốn mặt thủy bộ cùng tiến xuống Tống Bình lấy lại nước.

Nha van PVK lam viec voi can bo Van hoa Son Tay min - Phùng Hưng đả hổ đất Đường Lâm - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) làm việc với cán bộ Văn hóa Sơn Tây.

Các văn thần võ tướng ai nấy hồ hởi phấn chấn, mặt mày rạng rỡ. Chờ đợi bao nhiêu năm đến ngày bắt giặc Bắc, mỗi binh tướng người An Nam ai cũng thỏa chí bình sinh. Ngôi đại điện ồn ào. Phùng trại chủ tươi nhuần nét mặt nhìn ra khắp bốn phía. Mọi người đang sôi nổi bỗng có tin vào cấp báo:

– Bẩm Phùng trại chủ, tin từ Vũ Định cấp báo: Hiệu úy Cao Chính Bình vâng theo chiếu chỉ của Hoàng đế Đại Đường điểm năm vạn quân chia hai đường thủy bộ tiến đánh Phong Châu. Đường bộ do Đại tướng Cao Phiên Dương làm tiên phong đã tiến đến chân núi Ngõa Cương. Đường thủy do đích thân Cao Chính Bình chỉ huy hơn hai trăm chiến thuyền theo hai ngả Thao Giang, Lô Giang kẹp đánh Phong Châu đã sắp xâm phạm vào đất ta, xin trại chủ định liệu.

Toàn bộ đại điện Đường Lâm im phăng phắc. Phùng trại chủ sau một hồi im lặng đứng dậy đi đi lại lại giữa hai hàng văn quan võ tướng đĩnh đạc cất giọng nói:

– Giặc phương Bắc kia quả chúng quyết không cho nước ta dân ta được tự chủ. Nay Trương Bá Nghi đã như cá nằm trên thớt, định mùa đông này ta sẽ tiến chiếm Tống Bình, bố cáo thiên hạ để người An Nam ta lại có nước của mình. Con cáo già Cao Chính Bình hẳn đã đoán ra ý chí của binh tướng Đường Lâm mà quyết không cho ta được tự chủ. Nay hắn vâng mệnh Hoàng đế Đại Đường xuất binh tiến chiếm Phong Châu, uy hiếp Đường Lâm tất đã chuẩn bị binh lực cho một cuộc chiến lâu dài. Ta nhớ lời cha ta xưa đã dặn, giặc Bắc từng nhiều lần xua quân thủy bộ theo hướng Bắc đánh xuống cứu viện quân tướng Tống Bình. Ngày trước, Dương Tư Húc và Quang Sở Khách từng xua mười vạn quân theo hướng đánh cướp Tống Bình, thừa thắng đẩy lui quân của Mai Tiên Đế về sâu phía Nam, phá thành Vạn An, giết vua ta cướp nước ta. Ta cho rằng giặc Bắc tất sẽ cử binh hùng tướng mạnh nhiều mặt đánh sang, binh tướng Đường Lâm bốn bên thọ địch ắt lợi thế không còn. Việc đánh giặc nay mỗi ngày mỗi khác, ta nguyện cùng các tiên sinh, các võ tướng cùng muôn dân quyết đánh chúng đến cùng. Chúng cậy quân đông tướng mạnh, ta giữ vững nơi hiểm yếu, tuyệt nhiên không mắc mưu dốc toàn lực đánh một mất một còn với chúng. Phong Châu đất rộng người đông quyết không để rơi vào tay Cao Chính Bình. Họ Cao muốn xuống được Tống Bình tất phải tìm đường khác. Mặt Bắc nếu nhà Đường cử đại tướng đánh sang, ta sẽ cho thủy quân rút về mạn biển, bộ binh lui lên vùng thượng du bảo toàn lực lượng chờ đợi thời cơ sẽ tùy mà định liệu. Mong các ngươi hãy bền gan vững chí tin tưởng vào ngày người An Nam ta lấy được nước mới được.

Các văn thần chúng tướng ai nấy đều nghiêm nghị theo sự cắt đặt công việc cự giặc của Phùng trại chủ.

Quả nhiên, dưới sự lãnh đạo tài tình của trại chủ Phùng Hưng, chưa đầy mười năm sau, ông cùng các tướng và nhân dân đã đánh đuổi được giặc Đường xây nền độc lập.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây