QUẢNG NAM ƠI, MIỀN ĐẤT TỔ KIÊU HÙNG
Chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương,
chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người.
R. Gamzatov
Phan Trước Viên tên thật là Nguyễn Công Chinh, sinh năm 1939 tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn là học sinh trung học. Năm 1962, bị bắt đưa vào lính và trở thành cơ sở hoạt động bí mật trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Giữa những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào thanh niên – sinh viên – học sinh nổi lên mạnh mẽ tại các đô thị lớn miền Nam, một số bài thơ của Phan Trước Viên ra đời, được đăng tải trên báo chí sinh viên và cả những tờ báo công khai ở Sài Gòn. Khởi viết từ đầu thập niên 60. Chưa ấn hành tác phẩm nào.
Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968), Phan Trước Viên bị bắt và bị thủ tiêu vào tháng 6-1969 tại Tuần Dưỡng (tỉnh Quảng Tín lúc bấy giờ), nay là xã Bình An, huyện Thăng Bình, khi ấy, mới 30 tuổi. Tuần Dưỡng trước 1975, nơi có một Trung đoàn quân đội Việt Nam Cộng Hòa thường xuyên đóng quân. Gia đình Phan Trước Viên có 4 người hy sinh, gồm cha, chú ruột, Phan Trước Viên và em trai Phan Công Chiến (Xem Tác giả Việt Nam, Lê Bảo Hoàng, Nhân Ảnh, Canada 2017).
*
Thơ Phan Trước Viên là tiếng hát ngợi ca quê hương đất nước và những người con anh hùng của xứ Quảng. Đó là những tên sông tên núi, lãng xã thân yêu bao đời gắn bó với tác giả, như: Xuân Đài, Gò Nổi, Bảo An, Vĩnh Điện, Hội An, An Hòa, Nam Phước, Hà Lam, Trà My, Tiên Phước, Ngũ Hành Sơn,… Đó là nơi sinh ra bao tên tuổi trong lịch sử như Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, …
Thăng Bình nói chung và xã Bình Tú nói riêng, nơi chôn nhau cắt rốn của Phan Trước Viên, là vùng đất cằn khô, không màu mỡ. Nơi đây, ngày trước cũng như bây giờ, ta bắt gặp những con người chân chất, đứng lên trên những triền cát cháy, trên những bãi xương rồng, những ruộng đồng cằn khô, oằn lưng trước những bão gió miền Trung, những gian khổ và ác liệt của bão lửa chiến tranh, của thiên tai khắc nghiệt, từ đó, giành sự sống, để làm người và đi tới. Vùng đất này là kết quả của xương máu, mồ hôi và nước mắt của bao lớp người đi trước. Mỗi tấc đất nơi này đều ghi rõ dấu chân của những tiên dân đi mở cõi. Những lưu dân của vùng Thanh Nghệ Tĩnh, của đồng bằng Bắc bộ, đi về phương Nam, như Nguyễn Khoa Điềm đã viết:
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
(Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng)
Ta không lạ, đó là, trong thơ Phan Trước Viên, những hình bóng cha ông, những bài học lịch sử, những tấm gương can trung, dũng cảm thường xuyên đi về trong các bài thơ, trở thành nguồn cảm hứng chính trong sáng tạo thơ ca.
Này đây, tuổi trẻ của Phan Trước Viên, viết năm 27 tuổi:
… Tuổi của tôi
Tuổi gánh độc tài, khom lưng tù tội
Sách vở, tình yêu, khám tối, trường thi
Tuổi của đá cây, gậy dùi, hơi cay, lựu đạn
Cướp giật, hoan hô, đả đảo, lọc lừa …
(Sinh nhật thứ 27)
Thăng Bình, trong suốt chiều dài lịch sử, đã có nhiều gương mặt nổi bật thuộc các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quốc phòng, kinh tế, … Trong các làng xã thời chiến tranh, nhiều xã bị cày xới ác liệt bởi đạn bom.
Hegel trong tác phẩm Mỹ học có bàn về mối quan hệ giữa yếu tố chủ quan và khách quan trong những bài thơ trữ tình thời sự của Goethe. Trong thơ Phan Trước Viên, yếu tố trữ tình thời sự thể hiện trong việc gắn kết những con người và vùng đất quê hương, những nhân vật lịch sử như Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Tiểu La … gắn với tên làng, tên đất như Xuân Đài, Gò Nổi, Bảo An, Hội An, Vĩnh Điện, Nam Phước, Hà Lam, Phú Lộc, Phú Phong, thành Thái Phiên, núi Ngũ Hành, nơi người xưa từng qua đây, gửi lại bao hào khíoai hùng, nay điêu tàn, gãy đổ, hoài niệm,… Trong trạng thái chủ quan đó, cái tôi trữ tình của nhà thơ ẩn hiện nơi những ước mơ, những trăn trở, những dằn xóc đối với thời cuộc. Các yếu tố này làm nên chất thơ riêng của thơ Phan Trước Viên.
Trong thơ Phan Trước Viên, xứ Quảng vừa anh dũng vừa bi tráng. Nỗi đau đáu của một quê hương “tủi hận”, một “con mồi bé trước mồm bầy dã thú” nhiều lúc khiến câu thơ Phan Trước Viên nghẹn tức, uất hờn:
– Quê hương tôi nằm dài trông ra biển
Tiếng vỗ nghìn năm một điệu ru hờn
Dân tộc đời đời tủi hận
Chiến đấu nhiều hơn
Chúng tôi sinh ra
Đánh giặc nhiều năm không hết kẻ thù
Con mồi bé trước mồm bầy dã thú
Đã tan tành còn lại nhúm xương khô …
(Tiếng ca đen)
– Một dòng sông
Mà bên kia là quê hương Hoàng Diệu
Đường về Xuân Đài chừng tắt nẻo
Gởi nhớ thương ai qua Gò Nổi điêu tàn
Sông Thu mấy nhánh về ngang
Có bao giờ yên sóng dập?
Thuyền không ngược lối Bảo An
Buồm cũng thôi xuôi Đò Gặp
Quê hương Trần Cao Vân…
Xóm làng xưa lửa rụi tơi bời
Thủy họa năm kia chưa mờ dấu vết
Anh đứng bên này vùng đất thiêng
Từ xưa đã dâng cao cho Tổ quốc
Những đứa con anh hùng
Ôi làm sao về Phú Lộc, Phú Phong
Vườn dâu úa, không một nàng con gái
Khói ngút bên sông
Súng gầm cuối bãi
Pháo tháp trơ vơ
Nhịp cầu gãy đổ
Con đường tàu trơ đá sỏi nằm thênh
Sắt lót đường tàu lại được hóa thân
Thanh kiếm mới…
Anh về
Quê xưa còn đó
Thành Thái Phiên, núi Ngũ Hành Sơn
Bên sông Hàn tấp nập
Tiếng nói người qua nghe bỗng lạ lùng
Bầy gái nhởn nhơ má phấn môi son
Từ đây đến, buông chuỗi cười lạc giọng
Con phố chết sau một thời sôi động
Nằm thở hơi cay dưới nắng trưa nồng…
Anh qua làng xưa Trần Quý Cáp
Nhà vắng, người không
Trên đường dẫn vào quê Nguyễn Hiệu
Thép nghiến vồng khoai, lúa cụt đòng đòng
Khoai xưa ngả màu lưu đạn
Lúa trước trổ từng ngọn chông
Ơi những mẹ giá tóc trắng lưng cong
Bới cơm nuôi chồng từ thuở chống xâu chống thuế
Chồng ra tù, nước thôi tám mươi năm nô lệ
Mẹ lại ngồi khâu áo chiến cho con
Con đi chân cứng đá mòn
Dốc đá đèo cao mo cơm ống muối
Máu nóng người mười năm chưa nguội
Mẹ vẫn chờ con, nước mắt canh thâu
Mẹ bám quê hương, níu lấy đồng bào
Quyết ở lại cùng mái tranh tấc đất
– Giữ vẹn con ơi, dòng máu Việt Nam bất khuất
Anh qua
Quốc lộ gập ghềnh
Hội An, Vĩnh Điện
Đồn bót chênh vênh
Nam Phước, Hà Lam
Đây quê hương Nguyễn Thành
Cỏ cháy rực đồng Tiểu La
Đạn cày nát nến đất nhà dân vô tội
Mai sớm sợ trời xanh
(Quê nhà)
Tiếng hát muôn đời là bài ca hùng vĩ về giữ nước và dựng nước: Dạy con cháu muôn đời sau giữ nước / Phải lấy máu hồng tô thắm giang sơn / Mang trọn vẹn niềm tin yêu mãnh liệt / Đã ủ trong hồn đọt chuối, tàu cau. Những câu thơ nặng tình sông núi:
Ôi những dòng sông quê hương anh dũng
Cỏ viền xanh từng nét sử thăng trầm
Trăm con lạch chở tình quê muôn ngả
Tên xóm làng là tên những chiến công.
Ôi những núi đồi cao xanh hùng vĩ
Gò núi mấp mô, thung lũng tiếp chân đèo
Máu có chảy mới dài sông, rộng bể
Xương có phơi đồng ruộng mới phì nhiêu …
(Tiếng hát muôn đời)
Bài thơ Dạ khách mang chút hơi hướm của Thâm Tâm trong Tống biệt hành, cả chút Hành phương nam của Nguyễn Bính và cả Cảm hoài của Đặng Dung (1373 – 1414)), gươm mài dưới nguyệt. Năm câu hỏi (khổ 1 đến khổ 5) là năm lần vừa nói với khách vừa tự nói với mình: Người đã đi – Người đã gặp – Người trở lại – Người đến tìm – Người lặng thinh – Còn ta:
Phong yên chiến quốc che đầu bạc
Ta vẫn mài gươm vọng các người
Bạo ngược còn trơ, xương ngút non
Người hay là ngựa nản chân bon
Ta không quen biết hàng trai trẻ
Buông kiếm, gò cương ngậm khối hờn
Người hãy lên đường, ta sẽ đợi
Cho dù đã cỗi mất niềm tin
Đi đi, rượu đắng thôi đừng tiễn
Trăng mọc kia rồi, gió chuyển mình …
Khi Phan Trước Viên mất, bạn thơ của ông có bài thơ chia buồn, bày tỏ niềm tiếc thương về một người bạn, một người làm thơ, một ngôi sao “Cùng trời sao đang lấp lánh vô cùng”, đã ra đi, đăng trên Tạp chí Bách khoa, số 303, ngày 15-9-1969, toàn văn:
TƯỞNG NHỚ PHAN TRƯỚC VIÊN
Chu Vương Miện – Lan Sơn Đài
Hỡi dòng Thu Bồn đã xuôi về biển
Trời miền Nam chút đau xót trong lòng
Anh đã chết viên đạn nào đang nổ
Lớp bạn bè còn dăm đứa ngùi trông
Hỡi vòng kẽm gai dài như ước vọng
Lớp cỏ già trên cát mặn đồng chua
Anh làm thơ dải đất hiền bất hạnh
Dăm niềm tin trên ánh mắt sương mù
Anh nằm xuống trong một ngày cuối hạ
Khung trời buồn từng lớp khói mùa khô
Vùng tóc mịn mọc dài theo ánh lửa
Tình quê hương dăm dợn sóng qua bờ
Hỡi dãy Trường Sơn ngàn năm đứng mỏi
Ải Vân mờ theo từng cánh chim cao
Đất Quảng đó chợt nghe lòng nức nở
Tình thương bay theo từng thoáng sương chiều
Anh nằm xuống miền quê vàng lúa ngủ
Tóc mẹ già nức nở cỏ lên xanh
Vợ hiền gục bên đàn con thơ dại
Còn nói gì không nước mắt không đành
Một vòng hoa vàng đặt trên vành mộ
Đất Quảng dài từng thớ đất rưng rưng
Dăm thằng bạn lênh đênh mỗi người một ngã
Chút xót xa như máu chảy trong lòng
Rồi một kiếp làm thơ với nguồn hy vọng
Mười ngón tay dài mãi mãi vươn lên
Anh nằm đấy thắp cho đầy đốm lửa
Cùng trời sao đang lấp lánh vô cùng
HUỲNH VĂN HOA
Đà Nẵng, 2019