Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 4

Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 4 - Tác Giả - Tác Phẩm

nkh min - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 4

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

trang trên sông thơ ấu Nguyễn Kim Huy - Triền sông thơ ấu - Nhà văn Nguyễn Kim Huy - Kỳ 4

TRIỀN SÔNG THƠ ẤU – KỲ 4

Nhà văn Nguyễn Kim Huy

 

CON CHÒ CHỈ LOẰNG QUĂNG

Thành thật mà nói thì đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nó là con gì – cái con chò chỉ loằng quăng ấy. Chỉ biết một điều là bà Nhương liệu xóm tôi, mỗi khi vấp ngã hay bị ai thình lình đụng vào người là bà quýnh quáng kêu lên:

– Ôi… ôi… Ma quỷ thần phật ơi! Cái con chò chỉ loằng quăng!

Đích thị là bà Nhương – có tật nói nhịu nên được gọi luôn là bà Nhương liệu – đã nhìn thấy con chò chỉ loằng quăng rồi nên mới nhập tâm và thường xuyên kêu tên nó ra như vậy. Tính tò mò, mấy lần tôi lân la gạn hỏi nhưng bà nhất định không nói, kể cả lần tôi vặt luôn mấy lá trầu già to tướng mang đến cho bà. Trầu thì bà nhận, nhưng vẫn không cho tôi biết nó là con gì. Tức mình, tôi hù một cái rồi chạy biến, thì bà lại kêu toáng lên:

– Ôi… ôi… Thằng trời đánh thánh vật. Cái con chò chỉ loằng quăng!

Tôi rời quê đi học đại học rồi ra trường, rồi về thành phố làm việc thoắt một cái đã ba mươi năm, học được khối điều hay lẽ phải ở người đời tứ xứ mà vẫn chịu chết một điều về cái con chò chỉ loằng quăng. Bà Nhương liệu đã về với ông bà từ lâu, khi tôi học năm thứ hai đại học, vì tuổi già. Cả đời tất bật, bà tất bật vội vã cả lúc về với ông bà chỉ trong một đêm ngã bệnh, mang theo điều bí mật to lớn về con chò chỉ loằng quăng chỉ một mình bà biết.

Bây giờ, mỗi khi gặp chuyện bực mình, bất giác tôi lại thốt lên:

– Ôi cái con chò chỉ loằng quăng!

Rồi cười một cái. Thế là tiêu tan nỗi bực bội.

Nhưng mà nó là con gì – cái con chò chỉ loằng quăng ấy?

Bạn có biết không?

TÔI ĐI HỌC

Những ngày đi học của tôi không phải là những ngày thơ mộng, êm đềm. Không phải là những cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc… Mà tôi  thường bồi hồi nhớ lại những ngày mùa đông buốt giá, rét cắt ruột, lạnh thấu xương, có cơn mưa trút nước rát mặt và những luồng gió quái ác rít lên từng cơn cuồng nộ.

Những đêm đông như thế, từ khi gà gáy lần đầu, mẹ tôi đã trở dậy lụi cụi bên bếp lửa bập bùng lo bữa cơm sáng cho tôi đi học. Thường là một nồi sắn luộc – thứ sắn cạo vỏ xắt lát phơi khô mà riêng quê tôi vẫn gọi là “khoai xiêm”, thứ lương thực chính của tất cả chúng tôi trong những năm ấy – và một bát muối ớt, loại muối trắng dằm với ớt xanh, giã nhỏ. Đến mùa khoai lang thì mẹ lại nấu khoai, đôi khi cả khoai và sắn lẫn lộn, hiếm hoi lắm mới được thêm vào nhắm gạo nhỏ những khi tôi phải ở lại trường buổi trưa để làm gói cơm nắm cho đỡ tủi. Tôi nằm mơ màng nghe nồi khoai bốc hơi lên nghi ngút, lẫn với vị hăng hắc, chờ mẹ gọi là lồm cồm bò dậy. Mẹ xới cho một chén, tôi ngồi bên bếp lửa ấm áp vừa trệu trạo nhai nuốt vừa nghĩ đến hành trình một ngày đi học đang mở ra trước đôi mắt còn ngái ngủ của mình… Ăn xong, ngoài trời vẫn còn mờ mịt tối, mưa vẫn trút nước và gió vẫn rít từng cơn buốt giá. Nghe mà rùng mình.

Quanh co kéo dài chừng dăm bảy cây số đến trường, con đường đi học của tôi hội tụ đủ các đặc điểm địa hình địa lý trên trái đất này: Đầu tiên là một cây cầu tre chênh vênh bắc qua con sông nhỏ cứ đến mùa lũ là bị nước cuốn phăng đi từng đoạn, trơ khấc những cột tre chìm trong nước lũ. Mỗi sáng, mẹ tôi vẫn đưa tôi đi ra đến đầu cầu, đứng nhìn tôi dọ dẫm men từng bước qua cầu, tôi qua khỏi rồi mới yên tâm trở về để đến mờ tối lại ra đó đứng đợi tôi. Đoạn đường tiếp theo là một cánh đồng lúa, những đoạn bờ lắt léo khúc khuỷu nhấp nhô trơn tuột, sẩy chân một cái là người sẽ nhào xuống ruộng. Quần xắn cao, dép cầm tay, tôi bấm chân men theo bờ ruộng mà bước. Hết cánh đồng qua con đập Giang Trai luôn ầm ào nước là đến một ngọn đồi, không cao lắm, nhưng con đường dốc ngoằn ngoèo vắng hoe cạnh một rừng cây âm u vẫn thường làm hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi đầy những hình ảnh ma quái trong bóng bình minh mùa mưa mờ ảo hay những buổi chạng vạng tối trời. Thu lu trong tấm áo mưa, tôi vừa bước vừa run cho qua khỏi đoạn đường đồi núi này, chờ đến đoạn trảng cát mịn màng trắng tinh dẫn đến con đường nhựa ra thị trấn mới thở phào nhẹ nhõm. Kia rồi, qua non cây số đường nhựa là hình ảnh ngôi trường thân yêu đứng đó, sừng sững, ấm áp, đầy tin cậy, với những thầy cô và các bạn bè tôi…

Lứa tuổi học sinh chúng tôi nằm trong những ngày tháng cực kỳ khó khăn của đất nước, từ thành phố đến làng quê. Những thử thách khắc nghiệt giăng ra hằng ngày, treo lơ lửng trên con đường đến trường của chúng tôi, và không ít bạn bè tôi đã phải nản lòng bỏ dở mộng đèn sách. Đói và rét. Thiếu thốn từ sách vở đến quần áo, nói gì đến những phương tiện, tài liệu học tập tham khảo đủ loại đủ kiểu luôn mới tinh và thay đổi xoành xoạch đến chóng mặt như bây giờ. Ở nhà tôi, dù chỉ khoai sắn, nhưng thường chỉ có mỗi mình tôi là được ưu tiên ăn no để đủ sức vượt đường xa đến trường, và tôi chắc tất cả bạn bè tôi cũng đều ở hoàn cảnh như tôi. Một đứa con đến trường là cả nhà từ cha mẹ, anh em… phải chịu đựng hy sinh, chắt bóp dành dụm, ăn đói nhịn khát trông chờ vào cái tương lai đèn sách xa xôi mông lung của con em mình. Tứ thời, mỗi đứa chúng tôi chỉ vận một bộ quần áo độc nhất, mạng vá chằng chịt mà bất đắc dĩ khi quá bẩn mới đem giặt rồi phải… đánh trần ngồi chờ khô để được mặc lại. Những đứa “sang trọng” lắm mới có cái áo ấm cũ rích đa thế hệ (thường là của thừa kế ông bà cha mẹ hay anh chị để lại!) vận vào mùa đông. Năm lên cấp Ba, tôi được anh người anh họ cho một cái áo sơ mi còn khá chắc dù đã cũ mèm, tôi quần riết nửa năm đã rách tung, bèn cắt đôi tay áo để phần thân hơi lành lặn còn lại dùng làm… khăn tắm lẫn khăn lau lúc bấy giờ còn là một thứ xa xí phẩm mỗi năm được mậu dịch bán cho mỗi hộ mấy cái. Dép thì mang dép su cắt từ lốp xe hỏng, quai thường xuyên sút nên trong người lúc nào cũng thủ một chiếc kẹp tre sẵn sàng kéo rút. Tôi còn nhớ, tôi đã lọt thỏm và nổi bật lên ở trường Phan Châu Trinh như thế là, khi tôi đánh nguyên bộ cánh vá víu và đôi dép lốp su ra dự lớp bồi dưỡng văn học dự thi giải toàn quốc của tỉnh, giữa biết bao là nữ sinh thanh lịch như hoa như mộng chốn phố phường. Cái thằng tôi hồi ấy ngố làm sao, khi đang đi dạo với một bạn gái trường Hoàng Hoa Thám cùng đội tuyển mới làm quen trên đường Thống Nhất, dép lốp su trở chứng sút quai, tôi vội vàng dừng lại bứt cọng lá dừa làm thanh kẹp rút lại quai dép. Ôi, cái đôi mắt đen láy sững sờ kinh ngạc tuyệt đẹp của người bạn gái ấy, bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ biết chừng nào! Và ngày ấy, cái ước mơ cao xa cháy bỏng trong lòng tôi, luôn thôi thức trong tôi không phải điều gì khác hơn là… một chiếc xe đạp. Phải, một chiếc xe đạp, dù chỉ cọc cạch đôi bánh chắp vá và cái sườn xe trơ trọi như đôi đứa bạn bè may mắn của tôi, để đến trường. Bao đêm hình ảnh chiếc xe đạp hiện lên trong giấc mơ của tôi, quyến rũ và ngọt ngào biết bao. Bây giờ tôi đã có dịp đáp máy bay, đi tàu thuỷ, xe lửa, ô tô, xe máy các loại cả ở trong nước lẫn nước ngoài, nhưng dù tiện nghi hiện đại đến đâu, tôi vẫn chưa bao giờ có được cái cảm giác sung sướng như thỉnh thoảng giữa trưa nắng gắt, tôi được một thằng bạn tốt bụng cho “ké” xe chở về nhà ngày ấy – thường xuyên làm việc thiện này là thằng bạn cùng xóm thân thiết từ hồi để chỏm vừa là ông chú họ mà tôi cứ mày tao chi tớ từ đó đến giờ. Chiếc xe đạp ọp ẹp cà khổ của hắn mỗi lần có dịp chở tôi là hắn phải mất cả buổi chiều ngồi quấn lốp vá ruột chắp nối lại sườn xe nên riết rồi tôi cũng không dám leo lên. Nhiều bữa, thấy tôi đi bộ một mình tội nghiệp, hắn cho xe an dưỡng để cuốc bộ với tôi. Chiếc xe đạp, chiếc xe đạp… Đêm nào nằm ngủ tôi cũng nằm mơ được cha mua cho một chiếc xe đạp, nhưng suốt ba năm trung học vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời vợi của tôi. Và cái giấc mơ thổn thức ấy tắt lịm hẳn khi cha tôi lâm bệnh nặng qua đời năm tôi học lớp 11. Không biết bây giờ, các em quê tôi đi học có em nào vẫn phải ôm ấp những giấc mơ như tôi, và các bạn tôi? Có em nào cảm nhận được cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà thấm thía như tôi, là mỗi tối mẹ tôi chạy được đủ tiền mua vừa đúng một đèn dầu hột vịt để đêm đó tôi thức khuya học bài? Và mỗi sáng có đủ một mo cơm sắn lá chuối thỉnh thoảng có kèm nửa con cá chuồn quý giá để ăn trưa khi tôi phải ở lại trường cả ngày… Nhiều bữa trường tổ chức lao động đột xuất phải ở lại trường không đứa nào mang cơm theo, chúng tôi kéo nhau ra quốc lộ I, vừa… dung dăng đi dạo giữa cái nắng trưa chang chang vừa lén lén bốc trộm khoai lang lát người ta phơi dọc hai bên đường bỏ vào miệng nhấm nháp cho qua bữa.

Bạn bè tôi hẳn cũng sẽ không thể nào quên được những kỉ niệm sâu lắng tận đáy tâm hồn mỗi đứa trong những ngày đi học như tôi! Trong những ngày khó khăn đói rét ấy, tình nghĩa thầy trò, bạn bè thiêng liêng và gắn bó vô cùng, thầy cô tận tâm tận tụy, hiểu và thương học trò như thương chính con em mình. Bạn bè chia sẻ nhau mọi điều trong nỗi cơ cực, trong vô vàn thiếu thốn khó khăn. Những nghĩa tình ấy có sức sống dài lâu lắm trong tâm hồn chúng tôi, có thể nào quên đi được. Ngôi trường, thầy cô, bạn bè… những năm tháng phổ thông, tất cả hiện vẫn sống động trong tâm trí chúng tôi, vẫn theo suốt, sâu đậm trong cuộc hành trình vào đời của chúng tôi.

Và em nữa, hỡi cô bé mơ trăng dễ thương thông minh tinh nghịch có đôi mắt xanh và “chiếc cặp đỏ, màu áo choàng cũng đỏ”, em có biết chăng ngày ấy tôi đã từng “ngẩn nhơ nhìn thầm lặng ngẩn ngơ yêu” và tình yêu thầm lặng tuổi học trò ấy là niềm vui vô bờ mỗi khi tôi đến trường, được từ xa nhìn ngắm em để rồi cảm thấy mình có thêm ý chí sức lực kiên trì ba năm đèn sách? Tình yêu học trò trong sáng đắm say chẳng bao giờ có dịp tỏ bày ấy đã mãi mãi còn lại trong tôi với tất cả sự tinh khiết, đẹp đẽ vô ngần của nó, tôi vẫn nghĩ về em như nghĩ về hạnh phúc có thể suốt đời em không biết được tôi đâu. Hãy cho tôi được nhớ về đôi mắt em để kết thành ký ức tuổi học trò yêu mến mà tôi vẫn tự hào mang theo như một hành trang giàu có đã góp nhặt được từ một thời thơ trẻ khổ nghèo mà ấm áp tình người không bao giờ có thể nguôi quên suốt cuộc đời mình!

Khi gió mùa trở rét, những đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời nặng trĩu và mưa bắt đầu nặng hạt, tôi lại bồi hồi nhớ lại những ngày tôi đi học…

 


Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 1 

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 2

Triền sông thơ ấu – Nhà văn Nguyễn Kim Huy – Kỳ 3

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây