Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ 3

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 3

Truyện ngắn

Theo dấu loa kèn

 

Cuộc truy tìm chiếc chìa khoá…

Tác giả: Kiều Bích Hậu

Phòng bệnh đậm đặc mùi sốt ruột, sợ hãi và toan tính. Cái mùi tổng hợp từ cồn, thuốc trị bệnh, máu mủ, mùi khẳn từ mồ hôi của cơ thể tật bệnh, mùi từ những khay cơm nhựa, từ xà phòng và mùi hôi nhà xí nơi góc buồng bệnh… Cái mùi luôn khiến người ta bất an. Cái Tám cũng thấy bồn chồn, bứt rứt, hai ngày sắp qua rồi, nó ngồi đây trông bác Sung gái, đã giở đủ mọi trò nịnh nọt, tỉ tê, gắt gỏng… mà bác Sung gái vẫn chẳng chịu tiết lộ nơi giấu chiếc chìa khoá hòm.
Bác Sung gái nằm xẹp lép trên giường bệnh, trên người đắp vỏ chăn bệnh viện màu cháo lòng nhờn nhợt. Mười lần sinh nở và mệt mỏi kinh niên đã bào mòn cơ thể bác, giờ chỉ còn hai mươi lăm ký lô, và rất lạnh. Bác thở hổn hển trong những cơn đau và suy tính. Khắp người bác, chỗ nào có xương thì chỗ ấy đau. Cốt rút hết ra từ xương để tạo thành mười đứa trẻ chui ra từ cơ thể ngày càng bé đi của bác.
– Bà để chìa khoá hòm ở đâu? Ở đâu? Đưa con giữ hộ. Chứ bà ốm nặng thế này, lẫn cẫn rồi để vương vãi, đứa nào nó nhặt được thì nguy!
– Tao cất kín rồi. Mày không phải lo! Bác Sung gái thều thào, miệng khô đắng.
– Đấy, mợ xem. – Cái Tám bực tức dấm dẳn nói với người đàn bà vừa đến thăm mẹ nó – Ương lắm cơ, nhất định không chỉ cho chúng cháu chỗ giấu chìa khoá. Mợ ngồi đây chơi, cháu ra ngoài tý cho thoáng. Mẹ cháu tin mợ, mợ thử hỏi dò xem chìa khoá hòm ở đâu nhớ.
Chiếc chìa khoá ấy, làm sao bác Sung gái có thể đưa cho người khác. Nó để mở ra cái hòm, vật sở hữu riêng duy nhất của cả cuộc đời bác, một cuộc đời mà cho đến giờ này bác vẫn lầm lẫn, bởi không tìm thấy chìa khoá ở đâu.

* * *

Mười bảy tuổi, cô Lý Thị Mây trở về quê gốc Phú Xuyên để lấy chồng. Cô đem theo cái hòm gỗ và đôi bông tai vàng mỗi bên nửa chỉ mà bố mẹ nuôi cho cô. Chú cô ở Phú Xuyên, người ruột thịt duy nhất trên đời của cô, đã sang Hưng Yên xin phép bố mẹ nuôi cho cô Mây về lấy chồng. Có đám ở Phú Xuyên chính thức xin cưới cô, chú cô bảo thế là may đấy. Cô Mây thì biết gì đâu, chỉ thấy làng trên xóm dưới con gái mười sáu, mười bảy đều lần lượt lấy chồng, sinh con thì Mây cũng phải lấy chồng thôi. Cô đâu biết đời mình lầm than từ đây.
Cô nắn nót viết cái tên đẹp thời con gái Lý Thị Mây vào một mẩu giấy nhỏ, gấp tư lại rồi cài vào phía trong nắp hòm gỗ. Từ đây, cô mang tên chồng: chị Sung, bác Sung gái.
Khi đã có chồng rồi, chị Sung hay hồi tưởng thời ở với bố mẹ nuôi, và thấy tiếc. Đó là những lúc chị thất vọng với hiện thực và mù mờ về tương lai. Hoá ra đó lại là thời huy hoàng của chị ư? Chú chị kể rằng, hồi chị lên ba, bố mẹ chết trong một trận lụt, chú loay hoay nuôi chị trong nếp nhà tranh dựng tạm trên nền đất xưa là nhà của bố mẹ chị. Rồi chú liên tục phải gửi chị cho hàng xóm để đi làm thuê xa. Có đận, chú làm thuê gần nửa năm ở tỉnh Hưng Yên, khi về, chú bốc chị sang đó, cho chị làm con nuôi ông bà chủ hiếm muộn đã thuê chú. Chị được sung sướng chiều chuộng một năm. Rồi hình như nhờ cái vía của chị, mà bố mẹ nuôi sau đó đậu thai, đẻ được con trai. Sáu năm tiếp theo, họ sòn sòn đẻ thêm hai trai một gái nữa. Chị bỗng thành đứa ở không công cho gia đình ấy. Việc lớn nhỏ, cứt đái gì cũng đến tay chị, chị làm lụng quần quật từ năm giờ sáng đến mười giờ tối, nhưng dù sao còn được ăn no, mặc đủ và được học đôi ba chữ, ngày giỗ Tết cũng được miếng giò cắn ngập răng, lễ lạt hội hè trong làng bố mẹ nuôi cũng cho chị xúng xính quần áo mới dắt lũ em đi xem. Ngày tháng trôi đi, chị lớn dần lên mà chẳng mấy lo nghĩ, và có thể vì thế mà chị chẳng biết đó là những ngày tháng rực rỡ của đời mình.

* * *

Căn nhà gạch cũ trông ra cánh đồng trũng nước mịt mờ đùng đục trắng cô quạnh và bất biến. Khoảnh sân nhỏ lát gạch đã long vữa khấp khểnh như răng bà lão, rơm rác vung vãi từ cây rơm chất lồi thồi dặt dẹo đứng ở góc sân tới căn bếp thấp lè tè với mái rạ cũ mủn mục ám khói. Giờ này thì đến ngọn khói buồn bã cũng chẳng buồn bay lên từ mái bếp ấy nữa. Cái Tám ẩy cánh cửa gỗ không sơn bạc thếch bước vào nhà. Ánh sáng nhanh nhảu len theo nó, làm loãng bớt cái mùi lưu cữu quánh lại của đồ dùng cũ kỹ, từ nền nhà ẩm ướt, mùi quần áo cũ mốc, mùi thuốc lào, mùi hơi thở nặng nề trộn lẫn men rượu chua lòm bốc ra từ ông Sung. Nó vứt toẹt cái mũ vải nhàu xuống ghế, rót nước chè từ cái ấm tích sứt vòi. Nước ri rỉ vàng ệch chảy ra khó nhọc, lạnh ngắt.

– Mẹ mày thế nào? – Ông Sung lồm cồm bò dậy từ đống chăn chiếu hôi rình, quờ chân tìm dép, tay xốc lại cổ áo.
– Vẫn thế! Chẳng sống chẳng chết. Cái Tám thở dài.
– Mẹ mày đưa chìa khoá hòm cho mày rồi chứ?
– Đã đưa đâu! Vẫn ương như ổi ấy!
– Cái số mẹ mày đến khổ, khổ đến chết đấy. Tao định là…
– Ông định làm gì? Yếu thế thì làm gì cho lại được bây giờ.
– Tao định thuê thầy cúng, cho mẹ mày sớm đi nhẹ nhàng!

Cái Tám bỗng tức ngực. Nó thở ậm ạch, rồi cấm cảu:

– Ông chẳng được việc gì, ở nhà ấm nước cũng không nấu nổi. Bây giờ thì ông cứ quyết, con không tham gia. Thế ông đã tìm khắp nhà chưa?
– Tao lật tung từng hòn gạch lên rồi. Không thấy. Bà ấy giấu kỹ thế cơ chứ. Hay là vợ thằng Tư? Tao thấy dạo trước khi mẹ mày đi viện, nó thậm thụt với bà ấy suốt.
– Bà không đưa chìa khoá cho con dâu đâu! – Cái Tám cắn môi suy tính.

Nó điểm mặt từng anh chị em trong đầu. Biết đâu trong số đó có người đã bí mật giữ chìa khoá hòm và đã nẫng thứ quý nhất đi rồi. Ít nhất thì mẹ nó còn sáu chỉ vàng. Hôm trước rõ ràng nó thấy mẹ nó đeo cái dây chuyền dễ đến nửa cây vàng và đôi bông tai đi dự lễ cưới đứa cháu họ nội. Sau đó nó thẽ thọt hỏi vay để mua xe máy thì mẹ nó gạt đi, và không thấy mẹ nó đeo vòng nữa. Có thể mẹ nó giấu trong hòm, nhưng chìa khoá đâu rồi. Lúc ở bệnh viện, mẹ nó ngấm thuốc ngủ lịm đi, nó rờ kỹ khắp người cũng có thấy đâu. Hoặc có thể trong nhà, có đứa nào ngọt miệng hơn nó, hỏi vay vàng của mẹ nó trả lãi cao nên nẫng mất rồi, rủi mà mẹ nó đi không trăng trối lại thì mất toi. Nó muốn lắm nhưng lúc này, nó không nỡ gặng mẹ nó xem bà cất vàng ở đâu, hay đã cho ai vay rồi.

* * *

Bác Sung gái từng bị trầm uất một thời gian vì mất chìa khoá hòm. Bác lồng chiếc chìa khoá đồng nhỏ vào sợi len màu đỏ và đeo vào cổ như món trang sức, mà cũng như minh chứng của một thời con gái rực rỡ. Ở với bố mẹ nuôi, mỗi năm bác được may hai bộ quần áo mới, bộ cho mùa nực, bộ cho mùa rét. Khi bác về quê lấy chồng, mẹ nuôi quý lắm mới cho bác cái hòm đẹp nhất của bà. Đó là cái hòm làm bằng gỗ pơmu vàng óng, tám góc bịt đồng, xung quanh tán những đinh mũ đồng bóng loáng, chắc chắn và quý giá. Chẳng ai biết bác Sung gái cất gì trong hòm, chỉ biết bác giữ cái hòm còn hơn giữ sinh mạng mình. Bác chỉ mở hòm ra sau khi đã chốt chặt cửa buồng, và một mình lục lọi, ngắm nghía những món đồ cất trong hòm, say sưa.
Thế mà một bữa, lúc tắm bác gỡ cái dây đeo chìa khoá ở cổ ra, treo vào một cái đinh đóng ở tường nhà tắm, tắm xong bác quên không đeo vào. Tất nhiên sau đó chiếc chìa khoá biến mất. Có thể cái hòm đã bị lén mở ra. Bác Sung gái không hé răng về chuyện này. Nhưng bác nghi ngờ tất cả. Con cái trái tính bác đánh mắng không tiếc lời, chồng to tiếng thì bác tiếng to lại, tay chân run rẩy, răng nghiến trèo trẹo, nước mắt ròng ròng.
Từ khi lấy chồng, bác Sung gái thôi không mua quần áo mới nữa. Phải cái tội bác mắn quá, cưới vừa được mười tháng thì bác sinh đứa con đầu lòng, sau đó sòn sòn liền tù tì, đến mức chẳng còn thời gian nghĩ tên hay họ cho con nữa, cứ dùng số mà đặt tên: Thằng Cả, Thằng Hai, Thằng Ba, Thằng Tư… Vừa lo làm, lo đẻ đã bạc mặt! Quần áo bác Sung gái lúc nào cũng bạc phơ phếch. Có cái khăn nhung quý lắm thì hàng ngày bác lộn mặt trái ra ngoài mà chít. Chỉ ngày lễ Tết mới xoay mặt phải khăn ra ngoài, cất giữ màu tuyết nhung cho mới. Tóc bác hơi mỏng. Người tóc mỏng thì phận hình như cũng mỏng, bác ám ảnh thế nên khi vấn tóc đuôi gà bác phải dùng cái độn, rồi chít khăn ra ngoài thì nhìn cái vành tóc nó mới to to một tý.
Bác Sung gái cứ hy vọng, sau già được nhờ con cháu. Đông con thì đông của, nhìn lũ con trai đông như đàn vịt nhà bác, làng xóm cũng nể, chẳng ai dám nạt nô. Mai kia, chúng phương trưởng, ngày lễ Tết vợ chồng bác ngồi nhà nhận tiền mừng, gà qué, bánh trái chúng nó biếu cũng sướng!
Bác Sung gái thực ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Bác không thể dừng cái sự đẻ lại. Đứa trước chưa dứt vú mẹ thì bụng mẹ đã lại mây mẩy rồi. Mà bác Sung trai thì lại ham chuyện ấy không thua gì ham rượu, ham thuốc lào. Chồng bác lý luận kiểu truyền thống thế này: “Trời sinh voi, ắt sinh cỏ!”.
Ấy thế là bác đẻ đến hết trứng thì thôi. Lúc đẻ cái Mười, cạn kiệt, chỉ xoẳn hai kí lô, oặt oẹo như con mèo hen. Thế mà nó vẫn sống. Ba đứa con gái mà bác Sung đẻ thời tiền mãn kinh, cứ như hạt na hạt mít, may mà còn đủ đầy các bộ phận!
Người ta hay nói “Người chửa cửa mả”, nhưng bác Sung gái lại được giời thương cái khoản ấy, đẻ dễ như gà. Nhà ba mẫu ruộng, đàn vịt trên trăm con, lại thêm lợn nái, bác lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, quần ống thấp ống cao, tay năm tay mười thu vén, chẳng quan tâm đến giai đoạn ở cữ nữa. Có lúc đang lùa vịt, nước ối túa ra, thế là vứt cả đàn vịt lội tung tóe, bác quýnh quáng chạy lên đến bờ đê, kêu toáng lên và thằng bé lọt lòng giữa vùng nước trắng mênh mông, trên tấm áo vá đẫm mồ hôi của người đàn ông cày ruộng gần đó cởi vội ra lót cho bác Sung gái. Duy nhất thằng Sáu còn có một tên khác là Nhuệ, để nhớ rằng nó đã bị đẻ rơi bên dòng sông ấy.
Cả quãng đời sung sức nhất của bác Sung gái chỉ xoay quanh việc đẻ và đẻ. Người ta giàu của thì bác giàu con. Đẻ xong, ngồi nhà chưa đầy tháng thì bác đã lội đồng, cắm mặt vào lúa má, đàn vịt đàn lợn… Không thế thì lấy gì đổ vào mồm lũ trẻ đông lít nhít như trứng gà trứng vịt?

* * *

Người đàn ông ghé mông ngồi mép giường bệnh. Chút đắng đót trong lòng níu ông kiên nhẫn bón từng thìa sữa cho người vợ, giờ như tấm mền tã tượi xẹp lép hiu hắt trên chiếc giường sắt lạnh lẽo. Đôi mắt trũng xuống, tròng mắt khô và lờ đờ, hơi thở nặng và có mùi cái chết, người đàn bà vẫn cố nuốt sữa, dù bụng trương lên và buồn nôn.
– Tý nữa tôi về nhà, con Tám ở lại với bà, bà có dặn gì tôi?
– Ông chỉ chờ tôi chết thôi. – Người đàn bà khẽ rung lên – Chiếc chìa khoá ấy…
Người đàn ông vội ghé sát lại:
– Bà đừng nói thế! Tôi mong bà sẽ qua được, về với tôi. Bà nói chìa khoá để đâu?
Người đàn bà nghiêng đầu khó nhọc, quay đi. Người đàn ông chán nản lắc đầu, bước ra khỏi phòng bệnh. Ông tự nguyền rủa mình, nhưng giờ thì ông thay đổi được gì nữa.
“Ông định nuốt cái hòm của tôi” – Bác Sung gái cay đắng nghĩ “Ông tìm chìa khoá đi. Cả đời tôi tìm chiếc chìa khoá mà không ra.”
Cuộc đời của cô Lý Thị Mây sẽ thế nào, nếu như ngày đó cô không trở về ngôi làng ven sông Nhuệ để lấy chồng theo lời người chú ruột? Chú ruột thì sao chứ? Mười lăm năm trước, chú đã bán vèo ngôi nhà và mảnh đất của cha mẹ Mây lấy tiền rượu chè, bài bạc rồi chết vì trúng phong trong một cái lều vịt giữa đồng.
Ngày giỗ mẹ cha, không còn nơi nào để về, bác Sung gái làm mâm cơm con vịt luộc, định thắp nén nhang cho đấng sinh thành, thì chồng bác bê cả mâm cơm cúng và hương nhang lẳng ra ngoài đường.
– Đây là nhà tôi, của bố mẹ tổ tiên tôi. Bà không được cúng bố mẹ bà ở đây!
– Nhưng tôi không còn nhà… Bác Sung gái nghẹn ngào.
– Thì bà mang ra đường mà cúng!
Thế là hơn chục năm nay, đến ngày giỗ mẹ cha, bác Sung gái lại đem mâm xôi vịt ra cúng ngoài đường!
Bác đau. Bác u mê. Bác lầm lẫn! Giá tìm được chìa khoá, bác sẽ mở cánh cửa khác, sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời thực sự của bác, cho chính bác, nó như thế nào?
Mười lăm năm nay, mỗi đêm đóng chặt cửa buồng, bác Sung gái mở cái hòm, lần sờ từng món đồ, tưởng tượng trong tuyệt vọng. Cái hòm chứa cuộc đời cô Lý Thị Mây.

* * *

Đẻ xong cái Mười, bác Sung gái tắt kinh. Nhưng người bác vẫn tiếp tục mòn đi. Các con trai đến tuổi lấy vợ, phải lo tiền cưới, rồi lo dần mảnh đất cất nhà riêng cho mỗi cặp vợ chồng. Bảy thằng con trai không thể chen chúc ở cùng ông bà già trong ngôi nhà ba gian nhỏ. Chẳng còn cách nào hơn là lao vào làm và làm. Có lúc mệt đứt hơi, bác Sung gái ước sao chúng biến thành vịt giời hết cho xong. Lũ con gái chỉ bòn của mẹ vài đồng rồi cuốn gói về nhà chồng, hết lo. Con giai thì nào nhà cửa, đất đai, lo đến nẫu ruột!
Gần chục năm nay, bác Sung gái quẫn quá, trở chứng, hay lầm bầm chửi chồng con. Bác chán, bác ngãng ra, bác không muốn cố gắng đi tiếp cái con đường cực nhọc ấy. Mười đứa con bác, đứa nào cũng quanh quẩn ở cánh đồng chiêm trũng này, làm ăn lẹt đẹt, rồi đám con trai có đứa nghiện rượu, đứa lén lút cờ bạc. Bác mặc kệ! Bác thu vén riêng, bán cái gì có thể bán được, cất tiền đi. Tiền bạc các em nuôi cho, bác cũng giấu biệt một mình.
– Bà đưa tôi năm chục – Chồng bác gặng.
– Tôi không có. Ông đi mà hỏi thằng Cả, thằng Hai.
– Bà mở cái hòm của bà ra. Tiền ở đấy!
– Tôi mất chìa khoá rồi!
– Để đấy, tôi băm nát cái hòm ra!
– Ông băm nát tôi trước đi!
Bốp bốp!
Hai cái tát nẩy đom đóm mắt. Nhưng bác Sung gái vẫn không cho ai động đến cái hòm.
Tết nhất, mấy đứa con qua quít biếu bố mẹ chai rượu, cân gạo nếp. Sáng mùng một Tết mới mở mắt, cả lũ cháu đông như trấu đã ngồi chầu hẫu chờ ông bà mừng tuổi. Bác Sung gái chỉ thở hắt ra! Tuổi già đã xồng xộc đến, mà sao bác không thấy sướng cảnh con đàn cháu đống.
Tối đến, một mình trong buồng, chốt chặt cửa, bác Sung gái rờ rẫm tấm áo mớ ba mớ bảy hồng hồng, xanh xanh. Bác đã mặc nó diễn chèo Quan Âm Thị Kính hồi bác mười sáu tuổi, ở giữa đình làng, bao cặp mắt trai làng lấp lánh. Chiếc khăn len mềm xốp này, đứa em nuôi đi Tây về biếu bác, bác chỉ sờ mó, ngắm nghía mà không dám dùng, hở ra là mấy đứa con gái lại mượn, rồi quên luôn không trả…

* * *

Bác Sung gái chết đúng vào những ngày lụt lội. Nước mênh mông trắng cả cánh đồng. Sông Nhuệ phình to, nước mấp mé đỉnh đê, nhấp nhổm muốn tràn vào nhấn chìm làng. Dân làng lo chạy chống lụt, đám ma hiu hắt. Người đến viếng thưa thớt, nhòm qua ô kính trên nắp quan tài thật lâu mới thấy mặt bác Sung gái. Bác đã thu nhỏ lại hết cỡ.
Chỉ một nhát búa là cái khoá đồng tung ra. Những đứa con xông vào lục lọi cái hòm. Nhưng chúng chẳng tìm thấy cái chúng muốn. Mối nghi kỵ cắn rứt những người sống. Đứa nào tìm được chìa khoá, đã lẳng lặng mở hòm một mình? Hay là đứa nào vay? Đứa nào ngọt miệng vay được vàng của bà giờ giấu nhẹm đi.
Bác Sung gái lẳng lặng chết, chẳng nói gì với con cháu.
Đám tang đi trong phập phồng nước vỡ.
Trong tiếng khóc có sự khó chịu của nghi kỵ.
Ba năm sau, khi bốc mộ bác Sung gái, người ta thấy sợi dây chuyền vàng, đôi bông tai vàng và chiếc chìa khoá hòm! Tất cả lẫn trong đống xương sườn!

 

Huyền thoại về người đẹp

Kiều Bích Hậu

Người đàn bà ấy đã làm niềm tự hào của làng Giành. Đó là người đàn bà đẹp. Các cụ cao tuổi khẳng định rằng từ xưa đến nay, làng Giành chưa bao giờ sinh được một người con gái đẹp đến như thế. Khi cô mới 16 tuổi, lắm kẻ ngấp nghé đã nện nhau chí tử. Nhưng rồi cô gái vu quy về nhà họ Phạm. Cô lấy anh con trai đầu của ông trưởng chi họ Phạm, một họ có thanh thế, giàu có nhất trong làng, xã và bây giờ lại chiếm cô gái đẹp nhất vùng.
Nhà ông trưởng chi họ Phạm đông con. Ông bà sinh hạ cả thảy tám lần thì bảy lần được quý tử, càng củng cố thêm sức mạnh của dòng họ. Khi cô Xoan ngỡ ngàng bước chân vào ngôi nhà nguy nga bề thế của ông bà, thì ông bà trưởng đã có cháu nội. Số là cậu trưởng, con đầu của ông bà lại thường đau yếu, bệnh tật, nên ông bà cưới vợ cho cậu thứ hai trước. Khi cậu hai yên bề gia thất, ông bà mới tính chuyện lo cho cậu trưởng. Cậu sẽ thay ông làm trưởng họ sau này khi ông mất đi nên việc vợ con cho cậu là một đại sự của cả dòng họ. Người ta kén nhiều cô gái đảm đang, con nhà danh giá cho cậu, nhưng cậu trưởng chỉ nằng nặc đòi lấy Xoan. Ông trưởng và nhiều người đồng ý ngay, nhưng riêng bà trưởng còn băn khoăn. Bà băn khoăn không phải vì nhà cô Xoan nghèo rớt, mà bởi sắc đẹp của cô. Bà sợ cái nhan sắc ấy lấn át thằng con trai loẻo khoẻo của bà. Nhưng ông trưởng đã quyết định rồi, bà còn biết nói làm sao.
Họ lấy nhau được non tháng thì cậu trưởng lăn đùng ra chết vì bệnh lao. Họ Phạm xót xa ai oán.
Nỗi đau đớn rồi thì cũng nguôi ngoai. Vẻ tươi tỉnh đã trở lại trên mặt ông trưởng. Không có con trưởng thì có con thứ, nhà ông còn khối con trai, lo gì! Vợ thằng thứ hai nhà ông lại mới sinh thêm một đứa cháu trai. Phúc đức nhà ông còn dài. Nhưng bà trưởng thì vẫn trầm ngâm. Bà tự nhiên sinh ra ghét Xoan. Bà cho rằng vì nó mà con bà chết. Nhất là dạo này ông trưởng sinh đốn. Ông hay liếc tình con Xoan, rồi lại còn tỏ ra quan tâm, hỏi han chăm sóc nó hơn cả bà. Bà vừa lo lắng, vừa ghen tức. ông ấy mới 50, còn khỏe như vâm, ăn đứt khối anh con trai mới lớn. Xoan thì sợ ông như sợ cọp, nhưng dưới con mắt bà thì hình như con bé còn dám õng ẹo, lúng liếng với ông trưởng. Để trút nỗi căm tức, bà bắt đầu chửi mắng, đe nẹt Xoan, bắt cô làm việc quần quật sớm tối. Thế nhưng bà không dám hé răng nói gì với ông trưởng, vì bà vốn sợ ông.
Một khi đã ghen, đã tức, thì bà bắt đầu xét nét. Bà nghi ông trưởng và cái Xoan đã có gì với nhau. Giời phật ơi! Nếu thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn làng xóm nữa. Người ta sẽ chê cười, người ta còn chửi cho ấy chứ, mà đúng thế rồi, vì dạo này ông thờ ơ với bà lắm. Tối tối, ông không chịu ngủ chung giường với bà nữa. Đã thế ông còn ngủ ở cái sập gụ bên cửa buồng con Xoan. Bà tức lắm, nhưng biết nói sao.
Thế rồi chuyện ấy xảy ra thật. ông trưởng đợi một hôm bà trưởng lỡ ngủ say sau những đêm dài thao thức canh chừng ông, ông mò vào buồng con dâu. Ông quờ quạng lại gần giường. Xoan đang ngủ say thì có một bàn tay rờ lên ngực. Cô ú ớ choàng dậy, chưa kịp kêu lên thì một bàn tay hộ pháp đã bịt chặt miệng cô. Rồi hơi thở nóng hổi, nồng nặc mùi thuốc lào phả và vào mũi làm Xoan ngạt thở. Cô vùng vẫy thì bị cái thân hình kia đè cứng lấy người và một giọng nói thì thào vang bên tai cô: “Mày im đi! La lên ông bóp chết mày”. Xoan sợ hãi, cô gần như ngất đi, để mặc cho ông trưởng hùng hục muốn làm gì thì làm.
Sáng ra, với con mắt xoi mói và với linh cảm đặc biệt của đàn bà, bà trưởng đã biết rõ chuyện gì xảy ra giữa ông trưởng với con Xoan. Cái con trời chu đất diệt, cái đồ đĩ rạc loạn luân. Nó dám quyến rũ chồng bà. ới ông trưởng ơi là ông trưởng, còn nỗi nhục nào hơn! Bà trưởng chỉ dám rít lên với lòng mình như thế chứ vẻ mặt bà vẫn lạnh tanh, bà không hé răng nói nửa lời. Nhưng càng im lặng, nỗi căm tức càng như ngọn lửa âm ỉ, thiêu đốt tâm can bà, chỉ chờ dịp là bùng lên. Thừa lúc ông trưởng đi chơi, bà mới chễm chệ ngồi trên cái sập gụ, gióng giả gọi xuống nhà bếp:
– Con Xoan đâu? Lên tao bảo đây!
Xoan từ dưới bếp đi lên. Cô cố gắng nén nỗi sợ hãi phập phồng trong lồng ngực. Cô biết bà trưởng muốn gì.
– Thưa mẹ, có chuyện gì gọi con ạ.
Mẹ con cái gì, đồ giả nhân giả nghĩa! Bà trưởng những muốn gào lên, nhảy xổ lại, xé toang cái mặt nó ra cho hả cơn ghen đang lồng lộn trong lòng bà. Nhưng bà vẫn ghìm lại.
– Này con kia. Tại sao sáng nay mày dậy muộn thế hử?
– Dạ, con vẫn dậy sớm như thường lệ đấy chứ ạ.
– à, con này giỏi. Còn dám mở mồm ra cãi bà. Mày dậy nấu cám muộn, để cho các mẹ mày gào rít ở ngoài chuồng điếc cả tai tao. Mày đã nghe thấy chưa?
Xoan mím môi. Thực ra năm con lợn cái đó, hôm nào cũng gào rít ầm ĩ trước khi được ăn, nhưng hôm nay nó thành cái cớ để bà trưởng chửi mắng cô. Tủi nhục quá, Xoan không nói được gì. Cô cắm mặt đứng im để mặc những giọt nước mắt lã chã rơi.
– Đồ mặt dày kia. Tao hỏi mà mày không vén mồm lên giả lời tao một câu được à?
Bà trưởng bỗng nhảy xổ lên túm tóc Xoan, dúi đầu cô xuống đất, tát lia lịa. Cơn ghen đàn bà bùng nổ. Bà trưởng vừa chửi bới, vừa xoắn mớ tóc dày của Xoan vào tay mình, lúc dúi cô xuống đất, lúc lật ngửa cô lên mà tát, mà nhổ. Xoan chỉ biết giơ tay chống đỡ. Cô con dâu thứ hai thấy ầm ầm vội chạy lên nhà, trông thấy cảnh đó, xanh mắt lùi ra cửa. Mấy đứa con trai đứng lố nhố ở ngoài cổng trông vào, chỉ riêng cậu út chạy xô lại, ôm chặt bà trưởng kêu thất thanh:
– U ơi, u buông chị ấy ra. Con xin u, con van u!
Bà trưởng hẩy thằng út ra, tiếp tục giúi đầu Xoan vào góc tường. May thay lúc đó ông trưởng đi chơi về. Ông quát:
– Có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế?
Bà trưởng lúc bấy giờ mới buông tay ra. Xoan ngẩng lên, trên khuôn mặt xinh đẹp của cô, những vết ngón tay lằn đỏ cùng những vết bầm tím do bị đập vào tường hằn rõ lên trên nước da trắng mịn. ông trưởng đã hiểu ra tất cả. Ông vào nhà, xách chai rượu trắng và con dao chọc tiết lợn. Chẳng nói chẳng rằng, ông ngồi giữa phản tu ừng ực, không thèm rót ra chén. Mọi người xung quanh xanh mắt nhìn ông. Một không khí lặng ngắt bao trùm căn nhà. Hết nửa chai rượu, ông lẳng con dao xuống nền gạch, giọng đanh, rõ từng tiếng một:
– Từ rày đứa nào động vào con Xoan, tao giết!
Cậu út nhìn cha với vẻ biết ơn. Tuy bị bà trưởng đánh nhưng Xoan không hề oán bà, cô hiểu nỗi lòng của bà. Lão trưởng, con dê già hôi thối đó chính là nguyên nhân gây nên nỗi đau khổ cho cô.
Từ hôm đó, không đêm nào là ông trưởng không hành hạ Xoan. Bà trưởng biết, nhưng không dám làm to chuyện. Nỗi ghen tuông đã lên tới tột đỉnh. Bà cho rằng Xoan cố tình quyến rũ ông trưởng. Không đánh được Xoan trước mắt ông trưởng, bà đầy đọa, bắt cô làm việc quần quật. Bà muốn xé nát vùi dập nhan sắc ma quỷ của cô. Thế nhưng như có một phép lạ nào đó, bông hoa đẹp của làng Giành càng toả sắc hương qua những cơn bão tàn ác đầy đọa. Dù phải còng lưng gánh nặng, cái dáng lưng ong ấy vẫn uyển chuyển, khuôn ngực tròn trịa vẫn phập phồng sau lần áo gợi những ước mơ, làn da dãi dầu mưa nắng vẫn trắng trong, sáng như ngọc, cặp môi vẫn đỏ mọng, đầy đặn ngon như trái chín, đôi mắt của cô qua những đau khổ lại vương thêm nét buồn quyến rũ. Cái đẹp của Xoan như gai sắc cào cấu, đâm nát lòng bà trưởng. Ngay cả mấy thằng con trai mới lớn của bà cũng nhìn chị dâu bằng con mắt thèm muốn. Chao ôi, nó đúng là tai ương trong nhà bà. Bà phải tìm cách diệt nó đi. Trong đầu bà quay cuồng những dự định tàn ác.
Câu chuyện dù kín thế nào cũng không che nổi con mắt tò mò của thiên hạ. Dân làng Giành bắt đầu xì xào bàn tán. Mối quan hệ mờ ám giữa ông trưởng và cô con dâu cả trở thành chủ đề hấp dẫn của những người ngồi lê đôi mách. Trước đây, mỗi khi bước chân ra đường, Xoan thường cảm thấy thích thú trước những cặp mắt ngưỡng mộ và ghen tỵ với sắc đẹp của cô, nhưng bây giờ thật là một cực hình đối với cô mỗi lần phải có việc bước ra ngõ. Những cặp mắt xoi mói, những lời thì thầm mỉa mai đuổi theo mỗi bước chân làm cô chỉ muốn chui xuống đất. Cô phải làm gì để thoát khỏi nỗi nhục nhã này? Có lẽ chỉ còn cách xin về nhà mẹ cô.
Buổi tối, khi cả nhà đã ăn cơm xong, Xoan đánh bạo nói:
– Thưa bố mẹ, anh trưởng chẳng may mất đi, để phận con bơ vơ, buồn tủi. Bây giờ con muốn xin phép bố mẹ cho con được về nhà con. Mẹ con ở nhà một mình lại già yếu, có con về, mẹ con đỡ vất vả.
Bà trưởng chộp ngay lấy cơ hội, nói:
– Được, tôi đồng ý. Ngay từ ngày mai chị có thể về bên ấy được rồi.
Ông trưởng trừng mắt:
– Bà này nói lạ nhỉ? Thằng chồng nó mới chết được vài tháng mà đã cho đi là thế nào?
Quay sang Xoan, ông dằn giọng:
– Nhà chị phải ở đây đúng 3 năm rồi có muốn về, mới cho về. Phép tắc dòng họ là như vậy.
Xoan cắm mặt đứng im. Vậy là lão không chịu buông tha cho cô. Cầu cho Diêm Vương lôi cổ lão xuống chín tầng địa ngục. Lão sẽ còn hành hạ cô đến bao giờ? Ba năm nữa ư? Ba năm đằng đẵng. Không, cô không thể chịu đựng thêm một đêm nào nữa. Cô ghê tởm hơi thở nóng hổi nồng nặc mùi hôi của lão. Dù có phải chết, cô cũng không thể để cho lão động đến cô được nữa.
Tối hôm ấy, Xoan bình tĩnh đem con dao phay ra sân giếng mài sắc. Cô thái hai rổ sề rau lợn, xong xuôi, cô lén đem con dao vào buồng, để dưới gối. Cô đi nằm sớm, đầu óc quay cuồng. Cô nghĩ đến mẹ mà trào nước mắt. Mẹ ơi, con đau khổ quá! Xoan trằn trọc không sao ngủ được, nước mắt ướt đẫm mặt gối. Lúc thì cô cười gằn, răng nghiến lại. Người cô lên cơn sốt nóng hầm hập. Xoan như bị ma ám.
Giữa canh ba, ông trưởng mới lần mò và buồng Xoan. Cô lẩm nhẩm cầu xin thánh thần đến phù hộ, tay nắm chắc con dao chờ đợi. Lão trưởng xà đến. Cô chồm lên, dùng hết sức chém mạnh vào đầu bóng đen, mồm rú lên điên dại. Bóng đen hộc lên một tiếng rồi gục xuống. Cửa buồng bật tung, bà trưởng là người đầu tiên đạp cửa nhảy bổ vào buồng Xoan. Bà chưa nhìn rõ cái gì trong buồng tối, dù vẫn nghe thấy tiếng cô con dâu gào lên man rợ. Anh con trai thứ ba của bà lao vào, tay cầm cây đèn thắp vội. Mấy cậu em mắt nhắm mắt mở chạy vào theo. Cây đèn soi tỏ căn buồng. Mọi người kinh hoàng, rợn tóc gáy trước thảm kịch bày ra trước mắt. Xoan đầu tóc rối tung, mắt trợn trừng không còn trí lực đang vung dao, băm vằm cái thây đẫm máu của ông trưởng, miệng hú hét điên dại. Bà trưởng ngã ngất. Anh con trai thứ hai đánh rơi cây đèn vỡ choang. Ngọn lửa loang ra theo vết dầu chảy, cháy bùng lên, cô bỗng cười ngớ ngẩn. Cô đã phát điên. Qua phút giây bàng hoàng kinh sợ, mấy đứa con trai của ông nhảy vào, giằng con dao ra khỏi tay Xoan, trói nghiến cô lại. Cô lồng lên dữ tợn, cào cấu cắn xé điên cuồng, miệng vẫn không ngớt rú lên. Những tiếng rú của cô đánh thức hàng xóm. Người ta xô cửa xông vào chẳng ai can nổi. Cái xác đẫm máu của ông trưởng trong buồng Xoan và cô gái điên dại bị trói nghiến đang vùng vẫy với một sức mạnh không bình thường kia, khiến mọi người hiểu ra tất cả.
Xoan bị trói một ngày một đêm trong buồng bằng những sợi dây chão to như ngón chân cái. Cô không ngớt gào rú, giãy giụa, có lúc ngất đi. Cuối cùng để khỏi phải nghe những tiếng rú ghê rợn của cô, người ta lấy khăn tống vào miệng cô. Xoan không kêu được nữa, đôi mắt man dại của cô trợn lên bất lực. Mẹ đẻ của Xoan đến khóc lóc, đòi cởi trói cho con gái bà, nhưng khi vừa nhìn thấy cô, bà ngã ngất vì kinh sợ. Người ta lại phải đưa bà đến nhốt ở chỗ khác.
Sáng hôm đó lúc cả nhà đi đưa tang ông trưởng, không hiểu bằng cách nào mà Xoan cởi được dây trói. Cô lao ra khỏi buồng. Vớ được cái đòn gánh. Xoan đập vỡ tan bất cứ cái gì cô nhìn thấy. Rồi cô tự xé nát hết quần áo của mình, chạy ra đường. Đứa con út của ông trưởng chạy về nhà đúng lúc đó. Cậu ta định lao theo chị dâu, nhưng khi nhìn thấy Xoan, cậu bỗng đỏ mặt lùi lại. Xoan vừa đi, vừa gào thét những gì không rõ, giọng cô lạc đi, có lúc cô khóc rưng rức. Tay cô vẫn lăm lăm cái đòn gánh. Mái tóc dài mềm mại như dòng suối đổ tràn xuống che phủ tấm thân nõn nà của cô. Không ai dám xông lại giữ cô. Những người đàn bà sợ hãi đẩy chồng, em trai mình vào nhà đóng cửa lại. Nhưng sau liếp cửa là con mắt tò mò, ham muốn dõi theo cô. Chao ôi! Cái vùng quê chiêm trũng ngập bùn và nước chua úi xùi này lại sinh ra một người con gái đẹp đến thế ư? Nước da nàng trắng như trứng gà bóc, còn hằn rõ những lằn trói đau thương, khuôn ngực cao tròn trịa điểm hai búp sen hồng đẹp như vẽ, cặp chân nàng dài thon thả uyển chuyển như chân vũ nữ. Dù biết nàng đẹp, nhưng chưa bao giờ người ta chứng kiến tận cùng vẻ đẹp của nàng. Tất cả mọi người đều im lặng, không một đứa trẻ nào văng một lời tục tĩu. Họ để cho nàng đi…
Sáng hôm sau người mẹ của Xoan được thả ra. Bà chạy đến giếng đất đầu làng ngồi khóc. Một lúc sau bỗng xác của Xoan nổi lên lập lờ. Mái tóc cô dập dềnh trên mặt nước trong veo. Ba người đàn ông can đảm nhất vớt xác cô lên. Người ta cho xác cô vào cái quan tài đưa đi chôn ngay. Đám ma không kèn không trống, chẳng cờ hoa, chỉ có tiếng khóc gọi con xé ruột của một người mẹ đau khổ và sự ngậm ngùi của những người dân làng Giành tiếc thương cho một số phận hồng nhan. Còn cái giếng đất đầu làng nơi Xoan trẫm mình đến nay nước vẫn trong nhất vùng, nhưng chẳng ai dám đến lấy nước ăn. Người ta vẫn sợ khi ban đêm có việc gì phải đi qua đấy.
Sau cái chết của Xoan, dân làng đồn ầm lên rằng vào những đêm trăng lạnh, những người đi chơi khuya phải rợn tóc gáy vì một bóng ma loã lồ với mái tóc dài đến gót chân ôm quanh người lúc ẩn lúc hiện. Có lúc bóng ma còn cất tiếng cười nghe ghê lạnh đến tận xương. Người ta bảo cô chết oan uổng nên hồn cô hay hiện về.
Nhà bà trưởng chi họ Phạm sợ lắm. Đêm nào cũng thắp hương khấn vái linh hồn Xoan hãy lượng thứ cho bà. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Những đứa con trai sau này của bà hễ đứa nào lấy vợ là đêm tân hôn lại chết bất đắc kỳ tử. Đã ba đứa con dâu của bà hôm trước còn là gái tân, hôm sau đã thành gái goá. Chúng đều kể lại rằng, vào đêm tân hôn, khi chúng vừa quấn lấy nhau thì một làn gió từ cửa sổ ùa vào rồi một tiếng cười ghê rợn vang lên làm chúng lạnh cứng người. Bóng một người đàn bà khoả thân mờ ảo hiện lên. Bóng ma từ từ vươn bàn tay dài ngoẵng ra vuốt lên mặt người chồng, rồi lên mặt người vợ. Sáng ra khi người vợ tỉnh dậy thì thấy chồng mình đã chết. Chuyện loang ra làm mọi người kinh sợ. Không một cô gái nào dám lấy con trai nhà họ Phạm nữa. Hai đứa con trai còn lại của bà trưởng cũng không dám lấy vợ. Cậu con trai út một năm bỗng bỏ đi mất tích, không thấy trở lại hay nhắn nhủ gì về nhà…
Xoan chết gần ba mươi năm. Bà trưởng cũng mất đi. Hơn chục năm nay không có ai trong số những người con trai thuộc chi trưởng họ Phạm bị chết nữa vì không có ai lấy vợ. Đứa cháu trai đích tôn của ông bà trưởng cũng đã ba mươi tuổi, nhưng vẫn chưa dám lấy vợ. Các cô gái làng đều lắc đầu quầy quậy khi có ai ướm hỏi các cô cho cháu nhà họ Phạm. Câu chuyện người đàn bà thành tinh xảy ra đã lâu, nhiều năm rồi cũng không thấy bóng ma hiện hình, thế nhưng các cô vẫn chẳng dại phiêu lưu làm gì.
Thế rồi có chuyện oái oăm bỗng xảy ra. Mới đây làng Giành lại đồn ầm lên chuyện cái Thương (con gái bà Đào, cái người đàn bà tai tiếng không chồng mà có con) lại yêu thằng Đạt, cháu ông bà trưởng. Nghe đâu chúng nó còn định lấy nhau. Mà đâu phải đồn đại, hai anh chị đã công khai đi lại với nhau. Ông bà Phạm bố mẹ của Đạt thì vừa mừng vừa lo: mừng ở chỗ đã có đứa dám nhận lời với con trai mình, lo là vì mối hận truyền kiếp kia, liệu có ứng nghiệm với đứa con trai thứ hai yêu quý của ông bà không? Còn bà Đào, mẹ của Thương thì đau khổ hết mức. Bà đã chịu nhiều tiếng nhục để có Thương, thế mà nó lại đi đâm đầu vào chỗ ấy để phí hoài cả một đời đi ư. Ba người thím thằng Đạt đã phải đi bước nữa, mà đã đi bước nữa thì phải nhắm mắt đưa chân, dù chưa gì, vẫn mang tiếng là gái goá, vớ phải toàn những thằng không ra gì. Bà Đào mắng chửi con, cấm không cho Thương yêu Đạt, rồi bà khóc, bà van xin nó. Bà đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản con, nhưng con bà cứ khăng khăng mà rằng nó chỉ yêu thằng Đạt, không lấy thằng Đạt nó sẽ không lấy ai nữa. Mà nó cũng có lý. ở làng này, bà đã mang tiếng là gái chửa hoang, nó cũng bị vạ lây cái tiếng của bà, rồi chuyện nó đi lại với thằng Đạt thì ai dám hỏi lấy nó nữa. ấy, ở làng quê khổ như thế đấy. Bà đành nhắm mắt chiều theo ý con vậy. Ngày đêm bà khấn vái linh hồn người đàn bà kia hãy buông tha cho con gái bà và thằng Đạt. Lòng bà không lúc nào vơi nỗi lo.
Đám cưới của Đạt và Thương là một sự kiện lớn của làng Giành. Người ta túm năm tụm ba xì xào bàn tán. Ai cũng hồi hộp trước sự việc đang xảy ra. Không biết người ta lo sợ cho Đạt và Thương hay người ta tò mò. Nhưng những người thân của họ thì lo lắng thực sự. Ông bà Phạm đã lập bàn thờ khấn vái hàng tháng trời nay. Hôm cưới con, họ còn mời cả một thầy cúng có tiếng đến giải ma trừ tà.
Đêm hôm đó, cả làng Giành hầu như không ai muốn ngủ. Họ hồi hộp chờ đợi xem sự việc gì sẽ xảy ra. Liệu người đàn bà thành tinh ấy có trở về làng nữa không. Không ai dám nói chắc. Lũ thanh niên hăng máu, cá cược với nhau. Nhà họ Phạm vô cùng lo lắng. Họ thắp đèn sáng choang cả trong nhà lẫn ngoài sân. Cả nhà sẽ thức suốt đêm bảo vệ cho đôi trẻ. Đạt và Thương dù mệt đến đứt hơi nhưng không sao chợp mắt được. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ họ nằm bên nhau yên lặng, mắt mở chong chong.
Hết canh ba vẫn không có chuyện gì xảy ra. Bà Phạm thỉnh thoảng lại đập tay vào cửa buồng của đôi trẻ. Bà vẫn nghe tiếng của hai đứa trả lời. Nhưng bà vẫn không thể yên tâm vội. Bà quyết thức cho đến sáng dù bà quá mệt bởi mấy đêm thức trắng.
Lúc ấy, khoảng giữa canh tư, một làn gió nhẹ bay lướt vào nhà. Làn gió mát rượi êm dịu làm mọi người quên hết tất cả, lăn ra ngủ say như chết. Thương đang ngủ bỗng rùng mình ớn lạnh. Cô thấy một bóng người trắng toát đứng ngay đầu giường cô, đang vươn bàn tay về phía Đạt. Đạt vẫn nằm bất động như chết. Thương sợ hãi kêu lên:
– Đừng, xin đừng bắt anh ấy đi.
Cô nhào lại giữ lấy tay bóng ma. Nhưng cô trượt ngã vì chẳng túm được cái gì cả. Bóng ma khẽ lay động, phát ra tiếng cười lạnh băng, giọng bóng ma ngân lên âm u như vẳng từ dưới lòng đất:
– Ta phải bắt chồng cô đi. Nó phải gánh tội của ông nó.
Thương quì xuống van xin:
– Không, anh ấy là người tốt, anh ấy trong trắng không đáng chịu tội thay cho ai cả. Xin bà hãy tha cho anh ấy.
– Không thể được- Bóng ma lại lay động phát ra tiếng cười.
Thương bất lực. Cô trào nước mắt. Ôi Đạt, người cô yêu tha thiết, chẳng lẽ cô không cứu được anh sao?
Thương chắp tay lại, giọng cô run lên vì đau khổ:
– Thưa bà, tình yêu của chúng con thật tha thiết, con yêu anh ấy, anh ấy cũng yêu con, chúng con không thể rời nhau được. Nếu bà không thể tha cho anh ấy thì xin bà hãy ban cho con một ân huệ.
– Điều gì vậy?- Bóng ma lạnh lùng hỏi.
– Xin bà hãy cho con được chết cùng anh ấy.
– Ồ, cô gái trẻ đời còn dài. Cô không nên chết.
– Nhưng con sống mà không có anh ấy, thì còn đau khổ hơn cả cái chết. Xin bà hãy cho chúng con được chết bên nhau.
Bóng ma bỗng lay động, đầu gục rũ xuống. Thương nghe như có tiếng khóc thút thít. Rồi một làn gió bay qua mặt cô, bóng ma biến mất. Thương sợ hãi nhìn Đạt. Cô lay lay anh. Đạt mở choàng mắt:
– Gì vậy em ?
– Ôi Đạt ! Thế là anh không chết !
– Em nói gì lạ vậy? – Đạt cười – Anh mệt quá nên chợp mắt một chút thôi mà. Ơ kìa, sao em khóc? Thôi nào, nằm xuống đây với anh. Em đừng lo, ma quỉ cũng chẳng làm gì được tình yêu của chúng ta đâu.
Trong vòng tay ấm áp của chồng, nước mắt Thương cứ tuôn rơi vì vui mừng và hạnh phúc.
Sáng bảnh mắt, những người nhà họ Phạm cùng ông thầy cúng tỉnh dậy. Bà Phạm giật nảy người, vội vã đập tay vào cửa buồng gọi:
– Đạt, Thương ơi!
– Con đây- Đạt bước ra, anh vươn vai mỉm cười – Đêm qua mẹ ngủ ngon chứ ?
– Trời! Con tôi! – bà Phạm chỉ thốt lên được như thế. Bà nhìn Đạt trân trân.
Ông thầy cúng làm ra vẻ uể oải nói:
– Đêm qua tôi phải thức niệm thần chú suốt. Con ma nó đã hài lòng rồi, không bắt cậu Đạt đi nữa.
Đạt chỉ cười, anh bước ra sân. Nắng sớm rực rỡ phản chiếu lấp lánh trong đôi mắt hạnh phúc…

K.B.H


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: kieubichhau@gmail.com

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây