Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt – Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt

Phan Thanh Đà Hải

Hằng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, nhân dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Việt Nam và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá của người dân một số nước châu Á. 

Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan ngọ ở Việt Nam còn gọi là Tết Giết sâu bọ vì người ta tin rằng khi ăn những món ăn, thức uống trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

Ha. Tết diệt sâu bọ min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiSự tích Tết Đoan ngọ ở Việt Nam gắn với tục giết sâu bọ (ảnh Internet)

Sự tích Tết Đoan ngọ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, người ta truyền cho nhau sự tích về nguồn gốc Tết Đoan ngọ như sau: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến rất nhiều ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau, hàng đàn sâu bọ liền chết hết. Lão ông còn dặn thêm, sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Tết Đoan ngọ đối với người Việt Nam

Ca dao Việt Nam có câu:

“Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”

Tết Đoan ngọ hoặc Tết Đoan dương (ngày mùng 5 tháng Năm Âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại Việt Nam ta và một số nước châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản. Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm, tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian và có ảnh hưởng đời sống văn hóa phương Đông. 

Đoan nghĩa là mở đầu, ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất gần trùng với ngày Hạ chí.  

Hb.Trưng bày Tết Đoan Ngọ xưa và nay tại Hoàng Thành Thăng Long min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTái hiện lại Tết Đoan ngọ tại Hoàng thành Thăng Long (ảnh Internet)

Vậy Tết Đoan ngọ của người Việt có liên quan gì đến Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc và gắn với truyền thuyết Khuất Nguyên như lâu nay từng quan niệm?

Tết Đoan ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa năm), Tết Giết sâu bọ. Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác.

Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc Tết Đoan ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi Tết Nửa năm”.

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm nêu trong sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam: “Tết Đoan ngọ là Tết của người Bách Việt phương Nam (phía Nam sông Dương Tử đổ xuống), xứ nóng, kỷ niệm thời điểm nóng nhất giữa năm”.

Tác giả luận giải: Giữa năm là vì, theo lịch nguyên thủy, năm tính từ tháng Tý: đầu năm là Tý, giữa năm là Ngọ. Tháng Tý là tháng lạnh nhất, tháng Ngọ hiển nhiên là nóng nhất. Đoan là “nhất”, tết “Đoan ngọ” là ngày nóng nhất, giữa năm. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 5/5 ÂL năm nào cũng gần trùng với ngày Hạ chí. Nóng là dương, cho nên tết này còn gọi là Tết Đoan dương. 

Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính Ngọ, mà Ngọ là ngôi dương, cho nên tết này gọi là Tết Đoan dương. Và tháng Năm cũng là tháng Ngọ trong một năm. Tết này gọi là Tết Đoan ngọ vì tháng Năm là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.

Sách “Lễ tết Trung Hoa” (Chinese Festivals, N.Y., 1952 của W. Eberhard (Chinese Festivals, N.Y. 1952) viết: “Đoan ngọ là Tết của phương Nam, Tết cầu may, Tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living).

Tác giả Nghê Nông Thủy, thuộc Hội Dân tộc học Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” (Hội Dân tộc học Trung Quốc, 2011).

Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan ngọ là Tết Giết sâu bọ, vì đây là thời điểm nóng nực nhất, nhiều bệnh tật phát sinh; do đó ngày này, người ta thường ăn uống các loại thực phẩm giết sâu bọ, bảo vệ cơ thể.

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan ngọ xưa là do nhân dân ta cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả làm ra. Nó là thành quả từ tính toán thời tiết để trồng trọt của văn hóa nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan ngọ được người Hán tiếp nhận và hưởng ứng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm…

Vì vậy, “So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp – trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc” (trích An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển).

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng. Tết Đoan ngọ của nước ta có bản sắc văn hóa riêng của người Việt, có sự tích riêng và quan trọng được xây dựng trên lịch âm dương có nguồn gốc từ phương Nam.

Hc. Tục hái lá thuốc mồng 5 min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTục hái lá thuốc ngày mồng Năm (ảnh Internet)

Tết Đoan ngọ (Đoan dương) gắn liền với ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ

Trong văn hóa Việt thì ngày mùng 5 tháng Năm Âm lịch cũng là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”

Trong các bộ môn Lý học Đông phương cổ, nền tảng chính là Hà Đồ và Lạc thư, và Hà Đồ phối hậu thiên Lạc Việt.

Theo đó, tháng 3 là tháng Thìn – Rồng biểu tượng của Vương quyền chính là tháng thứ 5 kể từ tháng Tý (Tháng Tý là tháng 11 âm, sau đó tới tháng Chạp, Giêng, tháng hai). Đây là biểu tượng của 5 vòng tròn trắng ở trung tâm Hà Đồ thuộc Dương (Tháng có trước thuộc Dương). Ngày là con của tháng thuộc Âm, nên chọn ngày mùng 10. Đó đó chính là biểu tượng của 10 vòng tròn đen thuộc Âm trên Hà đồ. Cho nên ông cha ta chọn biểu tượng của ngày giỗ Tổ là mùng 10 tháng 3.

Ngày mùng 5 tháng 5 chính là biểu tượng của hai dãy mỗi dẫy 5 vòng tròn đen ở trung tâm Hà Đồ. Tháng 5 là tháng Ngọ (Đoan là bắt đầu nên có tên là Đoan Ngọ) và tiết khí là Hạ Chí, nhưng là ngày cực âm khi vạn vật quay về Thổ trung cung – đó chính là số 5. Vậy nên, đây chính là ngày mang tính biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.

Tháng Ngọ cũng chính là giữa năm (Ngọ luôn là biểu tượng chính giữa) cho nên cũng được gọi là Tết giữa năm, nhưng ý nghĩa quan trọng chính là biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.

Ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ là một ngày vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt. Do vậy, ngoài ngày giỗ Quốc Tổ mùng 10 tháng Ba thì ngày giỗ Quốc Mẫu mùng 5 tháng Năm cũng vô cùng quan trọng.

Phong tục trong ngày Tết Đoan ngọ

Có tiết lễ, phải có cúng bái. Cũng như các tết khác, dân ta cũng ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.

Xưa tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Ở nhà, gia đình thì làm lễ cúng tổ tiên, ông bà và cúng Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ Tết Đoan ngọ là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.

Nhà nhà cúng Tổ tiên ông bà gồm hoa quả, bánh tro (bánh gio), rượu nếp – đặc sản của văn minh lúa nước. Do biểu tượng là ngày cực Âm trong tiết Hạ chí (cực nóng) nên đồ ăn đều là đồ nguội, lạnh mang tính hàn. Hoa quả được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè).

Theo quan niệm xưa thì quanh năm sâu bọ ở bên trong, đến ngày mùng 5 tháng Năm là chúng ngoi lên, nên ta cần giết chúng. Thường lệ, người ta ăn một bát rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy (để cho “sâu bọ” trong người say) và sau đó ăn hoa quả (để cho chúng chết). Ngày nay, nếu không có rượu nếp, người ta dùng rượu trắng, hoặc sang hơn dùng rượu Tây như Martel, Cognac… mạnh đô hơn.

Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… Đối với trẻ con, thì được lấy một ít thần sa, chu sa hoặc ít vôi bôi vào hai bên thái dương, vào ngực bụng và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt…  Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Cây mùi là một loại cây nhỏ lá lăn tăn có hạt và lá có mùi thơm. Trong ngày Tết Đoan ngọ, người ta lấy cây mùi đun nước tắm để trừ độc. Quan niệm dân gian cho rằng, tắm nước lá mùi trong ngày mùng 5 tháng Năm sẽ tránh được gió máy, cảm mạo và sẽ được khỏe mạnh. Sự thực tắm nước nóng giữa mùa nóng, mồ hôi toát ra, người được nhẹ nhàng thư thái, như khi bị cảm xông nước lá đun lên, lá mùi cũng lại là vị thuốc Nam dùng để trị cảm nên tắm nước lá mùi rất tốt cho sức khỏe.

Theo lệ, đúng Ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Y học phương Đông giải thích rằng vào một ngày nắng nhất mùa hạ, vào một giờ nóng nhất, tức là giờ Ngọ, của ngày nóng nhất ấy, khí nóng đã cô đọng nhựa cây lên lá, khiến cho lá có một dược tính chữa bệnh rất tốt.

Hd. Lá thuốc lá xông lá mùi ngày Tết Đoan Ngọ min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiLá thuốc mổng 5 dùng để xông hoặc phơi khô dùng khi ốm đau (ảnh Internet)

Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh nhức đầu, đau xương, ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng Năm. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá, thường là ngãi cứu, đinh lăng, lá mùi, lá mua, lá vối, tử tô, kinh giới,… bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng Năm, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

He. Những món ăn cho ngày giết sâu bọ .Nguồn Đẹp Vietnam min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiNhững món ăn cho ngày Tết Đoan ngọ (Nguồn: Đẹp/Vietnam+)

Ẩm thực trong ngày Tết Đoan ngọ

Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 Âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Hf. Cơm rượu nếp min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiCơm rượu nếp được dùng trong ngày Tết Đoan ngọ để giết sâu bọ (ảnh Internet)

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Đối với người dân miền Trung, họ sử dụng cơm rượu như một công cụ để diệt sâu bọ. Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình tự chế biến trong các bữa ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức.

Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

Hg. Bánh Tro bánh Gio min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiBánh Tro (bánh Gio) là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ (ảnh Internet)

Tập quán của người dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc thì đến Tết Đoan ngọ phải làm một số bánh, trong đó có bánh Tro hay còn gọi bánh Ú tro (bánh Gio). Vào dịp Tết Đoan ngọ, bánh Tro sẽ phát huy cao độ những tính năng bởi ngày Tết Đoan ngọ mọi người thường ăn nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít…). Bánh Tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ mà còn cả thời gian sau đó, giúp thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể, để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận… 

Hh. Thịt vịt là món truyền thống trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTrong mâm cỗ ngày Tết Đoan ngọ luôn có thịt Vịt (ảnh Internet)

Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ là thịt vịt. Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 Âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt – hàn giữa Trời và Người.

Mỗi mùa có một loại trái cây đặc trưng, và vào tháng 5 này thì chúng ta sẽ có một số loại hoa quả như dưa hấu đỏ, mận, vải, đào,.. Những loại này có vị tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức sẽ rất phù hợp cho Tết Đoan ngọ.

Hk. Trái cây min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà HảiTrái cây như dưa hấu, mận, vải, đào,.. luôn có trong lễ cúng và mâm cỗ Tết Đoan ngọ (ảnh Internet)

Tết Đoan ngọ, người dân thường nấu xôi, chè cúng lễ. Chè hạt sen nấu cùng bột sắn dây và chè đậu đen có tác dụng giải nhiệt. Tiết trời đầu tháng Năm nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đậu đen được nhiều gia đình lựa chọn làm món tráng miệng. Ở ngoài Bắc, chè trôi nước hay bánh trôi nước được ăn vào dịp Tết Hàn thực (3/3 Âm lịch), nhưng ở phía Nam, chè trôi nước lại là món ăn của ngày Tết Đoan ngọ (5/5 Âm lịch). Ở miền Trung, chè kê là món ăn phổ biến của người dân trong ngày Tết Đoan ngọ.

Hãy cùng khám phá Tết Đoan ngọ của người Việt xưa qua những bức vẽ sống động được rút ra từ bộ sách quý của Henri Oger:

H1. Tục giết sâu bọ 1 min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tục giết sâu bọ. Theo quan niệm xưa, khi thức dậy phải giết sâu bọ ngay vì thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ ngày Đoan Ngọ mới ngoi lên, cần phải dùng thức ăn để diệt trừ chúng như rượu nếp, bánh tro, các hoa quả có vị chua chát, uống rượu Hùng Hoàng, xương bồ, nước dừa… để trừ độc.

H2. Tục bôi rượu cho trẻ em min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tục bôi rượu cho trẻ em. Ngày Tết Đoan Ngọ, trẻ em thường được bôi vôi hoặc rượu vào chán, thóp, rốn để trấn an.

H3. Gánh rượu nếp đi bán rong ở Thăng Long min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Gánh rượu nếp đi bán rong ở Thăng Long xưa trong ngày Tết Đoan Ngọ.

H4. Làm bánh trôi dịp Tết Đoan Ngọ. min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Làm bánh trôi dịp Tết Đoan Ngọ.

H5. Tục đeo bùa ngũ sắc min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tục đeo bùa ngũ sắc. Tết Đoan Ngọ, người lớn thường đeo cho các em nhỏ chùm bùa ngũ sắc (bùa thua, bùa túi) hoặc túi vải đựng hạt mùi khô ở ngự, buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay, cổ chân, với niềm tin rằng chỉ ngũ sắc ứng với ngũ hành sẽ có tác dụng trừ tà, bột hùng hoàng có tác dụng xua đuổi rắn rết, hạt mùi kị gió.

H6. Tục hái thảo dược làm thuốc min - Tết Đoan ngọ trong đời sống và văn hóa người Việt - Tác giả Phan Thanh Đà Hải

Tục hái thảo dược làm thuốc. Người xưa cho rằng giờ ngọ (11h-13h) dương khí thịnh nhất, là thời khắc mà dược tính trong các loại cây cỏ đạt tới mức cao nhất nên họ thường đi hái cây thuốc vào giờ này, mang về băm nhỏ, phơi khô để làm thuốc chữa bệnh cho cả năm. Loài thảo dược phổ biến nhất được hái là ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, bồ công anh, sen, vòng, vối…

PHAN THANH ĐÀ HẢI

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây